Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

NHỮNG GIAN KHỔ CỦA ÁPRAHAM


Như lằn lửa bay chớp lên không - Phần 1
"NHỮNG GIAN KHỔ CỦA ÁPRAHAM "
Mục sư David Legge

"Tất cả những người nầy đều vượt qua được những gian khổ hoặc nan đề giỏi hơn nhiều người nam người nữ khác, nhưng chúng ta cần phải đưa ra một câu hỏi tối nay: tại sao và bằng cách nào? Chúng ta muốn khảo sát tỉ mỉ sự việc phi thường ấy, bắt đầu với nhân vật nầy, Ápraham".
Giờ đây chúng ta khởi sự một nghiên cứu mới vào tối nay, một bộ nghiên cứu về các nhân vật mà tôi đặt đề tựa là "Như lằn lửa bay chớp lên không". Đề tài đầu tiên trong mọi nghiên cứu chúng ta phải xem xét tối nay là: “Những nỗi khổ của Ápraham”. Trong Gióp chương 5 và câu 7 chúng ta đọc nguyên văn: 'Nhưng loài người sanh ra để bị khốn khó, như lằn lửa bay chớp lên không’. Phần kết luận nặng về triết lý ấy của Êlipha, một trong mấy người bạn hay mấy người đến yên ủi Gióp, ông nói ra sự chứng kiến của mình trước sự thử thách quá gắt gao, nghiệt ngã mà Gióp đang nếm trải. Như ông là chứng nhân nỗi đau khổ của Gióp, sự thử thách của Gióp, nỗi gian nan của Gióp, ông đã nói: 'Loài người’, nói chung, 'sanh ra để bị khốn khó, như lằn lửa bay chớp lên không'. Thực ra, chính bản thân Gióp về sau trong sách nầy, ở chương 14 và câu 1, ông nói: 'Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy dẫy sự khốn khổ’.

Bây giờ xin quí vị hãy nhớ, và chúng ta đã nghiên cứu đề tài ấy cùng với người anh em của chúng ta Tom Hayes, Gióp là một nhân vật rất giàu có và rất tin kính – là hai điều thường không đi chung với nhau trong thế gian nầy và trong thời đại mà chúng ta đang sinh sống. Ông là một người rất giàu có, một con người có lắm của cải, nhưng ông cũng là người giàu có đối với Đức Chúa Trời, ông là một người thánh. Như chúng ta đã đọc qua sách ấy, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã thử đức tin của ông, và Đức Chúa Trời đã cho phép Satan bước vào đời sống ông, rồi mở ra những trận dịch đau khổ nghịch lại ông. Như chúng ta đã đọc qua, chúng ta thấy Gióp đã mất hết mọi sự. Ông mất bầy con, ông mất nhà cửa, công ăn việc làm, tình thân của bạn bè, lòng tin tưởng của vợ ông, rồi sau cùng ông mất sức khoẻ của mình. Ông đã đến với phần kết vào lúc cuối cùng của cơn thử thách đó, mọi sự mà ông ao ước là phải chi ông đừng sanh ra, ông rủa sả ngày đã sanh ra ông.

Nếu có ai thấu hiểu về sự gian nan, Gióp vốn biết rõ nỗi gian nan ấy. Tuy nhiên, ông đã phát triển một thứ đức tin nơi Đức Chúa Trời mình qua những lần thử thách, đến nỗi ông có thể nói: 'Dẫu Chúa giết tôi, tôi vẫn nhờ cậy nơi Ngài'. Trong cùng quyển sách ấy, chúng ta thấy mấy câu nầy: 'Loài người sanh ra để bị khốn khó, như lằn lửa bay chớp lên không', 'Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy dẫy sự khốn khổ’. ông đã đạt tới chỗ biết rõ đức tin nên mới dám nói: 'Dẫu Chúa giết tôi, tôi vẫn nhờ cậy nơi Ngài'. Chúng ta thấy, có một điểm xoay chiều ở trong sách Gióp, và đến cuối cùng – chương cuối cùng – chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va bèn đem người ra khỏi cảnh khốn người”. Ông được Chúa chúc phước lại, sức khoẻ ông được ban cho trở lại, ông được ban cho thêm bạn bè, ông được ban cho một gia đình thật xinh đẹp và dư dật trong sự giàu có. Chúng ta đọc, ông đã sống thêm 140 năm, và ông đã qua đời tuổi cao tác lớn.

Thắc mắc là đây: điều chi đã biến một nhân vật như Gióp thành kẻ đáng khinh khi như thế? Làm sao ông có thể nếm trải một chuổi khốn khó như thế được? Không những đây là Gióp, là Ápraham, Giôsép, Êli, Anne, Giêrêmi, Giăng Báptít, sứ đồ Phaolô, và chúng ta có thể thêm vào nhiều, nhiều nữa, và hết thảy họ đều giống như những lằn lửa bay chớp lên không với mọi sự khốn khó, bắt bớ và nhiều nan đề mà họ đã gặp phải trong cuộc sống. Hết thảy họ đều đã vượt qua được những khốn khó và các nan đề giỏi hơn nhiều người nam người nữ khác, nhưng chúng ta cần phải đưa ra một câu hỏi tối nay: tại sao và bằng cách nào? Chúng ta muốn khảo sát sự việc phi thường ấy tối nay, bắt đầu với nhân vật nầy: Ápraham.

Cho phép tôi cung ứng cho quí vị một tiểu sử ngắn gọn về đời sống của nhân vật nầy. Đời sống của ông trải dài từ chương 12 sách Sáng thế ký cho tới chương 24. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 7 và câu 2, khi Êtiên giảng một trong các bài giảng quan trọng nhất của cả Kinh Thánh, ông ám chỉ đến phần chuyển biến của Ápraham, ông nói như sau: 'Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng tổ chúng ta là Áp-ra-ham, khi người còn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi’. Nếu quí vị thích, những gì là chuyển biến của Ápraham, sẽ là chuyển biến của quí vị. Khi quí vị đọc câu chuyện nói về đời sống của ông, chúng ta đọc thấy rằng ông đã ra đời và lớn lên ở xứ Urơ, một thành phố của người Canhđê. Đây là một hải cảng ở xứ Batư, Vịnh Batư, khoảng 12 dặm cách địa điểm truyền khẩu mà các học giả nghĩ đấy là Vườn Êđen. Thành phố đó, Urơ xứ Canhđê, là bối cảnh đáng chú ý nhất cùng toà nhà bên trong đó là một toà nhà rộng lớn dường như là mô phỏng theo hình Tháp Babên. Thành phố có hai đền thờ chính, một được hiến cho thần Nannar, thần mặt trăng, và đền thờ kia thì hiến cho Ningal, vợ của Nannar. Ápraham, khi còn nhỏ, đã lớn lên trong bầu không khí tà giáo đó – và vinh hiển thay là Đức Chúa Trời, ông được biến đổi ra khỏi bầu không khí ấy, và ông đã trở thành tổ phụ của đức tin.

“Giờ đây nhân vật nầy đã lâm vào những điều khốn khó, và chúng ta có thể để ra cả đêm xem xét các điều ấy, nhưng tôi muốn chỉ ra một điều đặc biệt: nỗi khốn khó quan trọng nhất trong mọi nỗi khốn khó”.
Sự biến đổi của ông, khi chúng ta trải đi từ sách Sáng thế ký, chúng ta thấy ông được Chúa kêu gọi. Sau khi ông trở lại đạo, và sau khi Đức Chúa Trời hiện ra cùng ông ở Urơ xứ Canhđê, Đức Chúa Trời đã yêu cầu Ápraham phải rời khỏi xứ Urơ, lìa khỏi nhà tổ phụ ông để đi đến một xứ mà Đức Chúa Trời sẽ chỉ cho ông. Giờ đây tôi muốn quí vị nhìn thấy điều nầy: ấy là khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông đi đến đất hứa ấy, Đức Chúa Trời không nói cho ông biết phải đi đâu hay bằng cách nào để đến được nơi đó, Ngài chỉ bảo ông phải lìa Urơ xứ Canhđê, phải có lòng tin mà bước theo Ngài. Hãy tưởng tượng cuộc ra đi trên chuyến hành trình mà không biết mình phải đi đâu xem!

Sau khi ông được kêu gọi, rồi có sứ mệnh của ông mà chúng ta tìm thấy trong Sáng thế ký chương 12 câu 2 và 3, và đó là một nhiệm vụ có 7 phần. Đức Chúa Trời đã ban cho ông một vài sự bảo đảm, Ngài đã biến đổi ông, Ngài đã kêu gọi ông, và giờ đây Ngài đang truyền dạy mọi việc cho ông. Trước tiên Ngài phán: 'Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn'; thứ hai: 'ta sẽ ban phước cho ngươi'; thứ ba: 'ta sẽ làm nổi danh ngươi'; thứ tư: 'ngươi sẽ thành một nguồn phước'; thứ năm: 'Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước cho ngươi'; thứ sáu: 'Ta sẽ rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi'; thứ bảy: 'các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước'. Đây là phần khởi sự mà ông đã có trong cuộc sống! Đức Chúa Trời kêu gọi ông! Đức Chúa Trời không kêu gọi ai khác lúc bấy giờ. Được biến đổi, được truyền cho một lời hứa trọn vẹn có 7 phần, là hết thảy các ơn phước thuộc linh mà ông đã có trong Đức Chúa Trời – nhưng như quí vị và tôi đều biết, hết thảy các phước hạnh thuộc linh trên thế gian không miễn trừ cho bất kỳ ai trong chúng ta không gặp phải những nan đề.

Vì cớ đó, khi chúng ta đọc qua phần tiểu sử của ông, không những chúng ta thấy rõ sự biến đổi, sự kêu gọi và sự uỷ thác của ông, mà chúng ta còn nhìn thấy tính xác thịt của ông nữa. Chúng ta thấy ông đã nói dối về Sara vợ mình với Pharaôn, và Pharaôn thấy nàng đẹp đẽ nên muốn lấy làm vợ – và tất cả các trận dịch trong sự phán xét của Đức Chúa Trời đều giáng trên Pharaôn cùng xứ Aicập, rồi khi ấy ông ta mới nhìn biết rằng đây không phải là em gái của Ápraham như Ápraham đã nói, mà là vợ của Ápraham! Cũng chính tội lỗi đó, ông đã làm ra một lần nữa trong chương 20 của sách Sáng thế ký. Tính xác thịt của ông, sau đó chúng ta lại thấy trong lần ông thoả hiệp, vì Đức Chúa Trời đã hiện đến với ông và hứa với ông một đứa con trai, con cháu của ông sẽ giống như sao trên trời và như cát trên bãi biển. Đức Chúa Trời đã hứa với ông, nhưng ông đã quá già và Sara đã quá tuổi mang thai con cái, rồi ông quyết định: 'Ta sẽ biến lời hứa của Đức Chúa Trời thành hiện thực', và ông đã nghe theo giọng nói của vợ mình, ông đã lấy Aga, ông ngủ với nàng, và nàng đã sanh cho ông một con trai bởi xác thịt theo danh của ông. Tất nhiên là quí vị biết đó là Íchmaên, sự lộn xộn khi thoả hiệp đã thành hình do không chờ đợi lời hứa của Đức Chúa Trời.

Cuối cùng chúng ta thấy rằng từ nơi vợ của Ápraham, Ysác đã ra đời – một đứa con của lời hứa. Giờ đây nhân vật nầy đã lâm vào những điều khốn khó, và chúng ta có thể để ra cả đêm xem xét các điều ấy, nhưng tôi muốn chỉ ra một điều đặc biệt: nỗi khốn khó quan trọng nhất trong mọi nỗi khốn khó. Không phải sự biến đổi hay sự kêu gọi hoặc sự uỷ thác, không phải tính xác thịt cũng không phải sự thoả hiệp của ông, nhưng là điều mà tôi gọi là : 'Đồi Gôgôtha của ông'. Điều nầy được thấy có trong chương 22, chúng ta hãy đọc chương nầy với nhau: "Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham, Ngài phán rằng: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho. Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy tớ và con mình, là Y-sác, cùng đi; người cũng chặt củi để dùng về của lễ thiêu, rồi đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy. Qua đến ngày thứ ba, Áp-ra-ham nhướng mắt lên thấy nơi đó ở lối đằng xa. thì nói cùng hai kẻ đầy tớ rằng: Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi. Áp-ra-ham lấy củi về của lễ thiêu, chất trên Y-sác, con mình; rồi người cầm lửa và dao trong tay, và cả hai cha con đồng đi. Y-sác bèn nói cùng Áp-ra-ham, cha mình rằng: Hỡi Cha! Người đáp: Con ơi! Cha đây. Y-sác nói: Củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu? Áp-ra-ham rằng: Con ơi! chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu; rồi cả hai cha con cứ đồng đi. Họ đến chốn Đức Chúa Trời đã phán dạy; tại đó, Áp-ra-ham lập bàn thờ, chất củi lên, trói Y-sác con mình lại, để lên đống củi trên bàn thờ. Áp-ra-ham bèn giơ tay ra cầm lấy dao đặng giết con mình. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu xuống mà rằng: Hỡi Áp-ra-ham, Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi. Áp-ra-ham nhướng mắt lên, xem thấy sau lưng một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay cho con mình. Áp-ra-ham gọi chỗ đó là Giê-hô-va Di-rê. Bởi cớ ấy, ngày nay có tục ngữ rằng: Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn".

"Có những lúc, tôi tin, trong đời sống chúng ta, khi Đức Chúa Trời gọi đích danh chúng ta, khi Đức Chúa Trời kêu gọi, chúng ta sẽ bị thử nghiệm. Có lẽ quí vị có mặt ở đây tối nay và Đức Chúa Trời mới vừa gọi đích danh quí vị, có thể không bao lâu nữa Ngài sẽ gọi đích danh quí vị đấy ".
Chúng ta đọc ở câu 1: 'Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham'. Bây giờ làm ơn nhớ dùm tôi, thật là phấn khởi khi quí vị biết rõ đôi điều về câu chuyện nói tới đời sống của Ápraham, nhưng toàn bộ đời sống ông lâu nay dẫn tới chỗ thử thách đức tin như thế nầy, là phần thử thách tối quan trọng, thử thách quan trọng nhất trong mọi thử thách. Nhiều lần trong đời sống của Ápraham, như chúng ta đang xem thấy qua sự ông thoả hiệp và qua tính xác thịt của ông, đức tin ông đã làm cho ông thất bại. Nhưng việc đẹp đẽ mà tôi muốn quí vị nhìn thấy tối nay là đây: mặc dù đức tin ông đã làm cho ông phải thất bại, Đức Chúa Trời không hề làm cho ông phải thất bại bao giờ. Đức Chúa Trời không hề loại bỏ ông vì sự thất bại của đức tin ông, mà đúng hơn đó là sự thất bại của Đức Chúa Trời nếu quí vị muốn kiên nhẫn với Ápraham – và khi chúng ta đọc trong Tân ước thì thấy Ápraham trở thành tổ phụ của đức tin. Quí bạn tôi ơi, quí vị biết đấy, có nhiều việc về Ápraham trong Cựu Ước cũng như có nhiều việc về nguồn gốc của vũ trụ vậy. Đức Chúa Trời nói cho chúng ta biết nhiều về nhân vật nầy hơn là Ngài nói nhiều về việc chúng ta ra từ đâu và làm sao chúng ta lại có mặt ở đây. Ấy là có đôi việc mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải học hỏi, và tôi tin đó là điều nầy: trong đời sống đức tin, trong cuộc lữ hành Cơ đốc, Đức Chúa Trời đang rèn thử quí vị và đang rèn thử tôi.

Chúng ta thấy trong câu 1, Đức Chúa Trời đã kêu gọi Ápraham, Ngài phán: 'Hỡi Áp-ra-ham!' – và có nhiều lúc, tôi tin, trong đời sống của chúng ta, khi Đức Chúa Trời gọi đích danh chúng ta, khi Đức Chúa Trời gọi chúng ta để được thử nghiệm. Có lẽ quí vị có mặt ở đây tối nay và Đức Chúa Trời mới vừa gọi đích danh quí vị, có thể không bao lâu nữa thì Ngài sẽ gọi đích danh quí vị đấy! Tôi không biết một điều chi về quí vị cả, nhưng quí bạn ơi, có lẽ giống như trong sách Gióp, khi Đức Chúa Trời phán với Satan: 'Ngươi có thấy Gióp tôi tớ của ta chăng?', Đức Chúa Trời hiện đang phán với sân khấu của cả thiên đàng và địa ngục: 'Ngươi có thấy tôi tớ của ta…[bất luận tên của quí vị là gì]...chăng?'. Có thể giây phút nầy họ đã được nhắm tới, cả trên thiên đàng và nơi địa ngục, để trở thành hạng khán giả nhìn xem đời sống của quí vị. Tôi khuyên quí vị tối nay và ngay bây giờ qua loạt bài nghiên cứu nầy, nên hãy sửa soạn ở đây và ngay bây giờ, cần phải nắm lấy các lẽ thật nầy và suy gẫm chúng trong lòng giống như Mary cho một ngày trong tương lai, vì quí vị có thể quyết chắc rằng nếu Đức Chúa Trời không gọi đích danh quí vị trong lúc nầy, sẽ có một ngày, không bao lâu nữa hoặc ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống thì Đức Chúa Trời sẽ gọi: “Hỡi Ápraham”.

Đừng tự mãn vì quí vị chưa nếm thử thách trong hiện tại – tại sao vậy? “Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật'. Quí bạn tôi ơi, hãy nghe đây: nếu quí vị thuộc về Đấng Christ, nếu quí vị là con cái của Đức Chúa Trời, quí vị cần phải sửa soạn – không phải là hoang tưởng đâu – mà là sửa soạn để chịu đựng sự thử thách, phải sửa soạn để tên của quí vị sẽ được gọi đến. Đừng e sợ, vì nếu chúng ta tin theo Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta tin mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ kính mến Đức Chúa Trời, là những kẻ được gọi theo ý Ngài đã định. Chúng ta tin rằng mọi sự chúng ta nhận lãnh từ tay của Đức Chúa Trời đều là vì ích cho chúng ta cả! Những gì Ápraham chịu thử nghiệm là vì ích cho ông. Nếu tôi muốn minh hoạ sự ích đó, thì là như vầy: một người mẹ đưa thuốc cho con của mình, và chai thuốc có chứa thuốc trong đó, không phải cái chai trao thuốc cho đứa bé, mà chính người mẹ trao thuốc đó cho nó. Người mẹ chịu trách nhiệm, chớ không phải cái chai – nhưng dù cái chai có đầy thuốc như thế nào đi nữa, cho dù cái tủ của bà có bao nhiêu thuốc đi nữa, người mẹ sẽ không để cho đứa con lấy thêm một giọt thuốc nào trừ phi bà tin rằng làm như thế là vì ích cho đứa con. Nhưng hãy nhìn phần minh hoạ xa hơn một chút: khi bà tin đưa thuốc uống là vì ích cho đứa con nhỏ bé của mình, thì tình yêu cao sâu của bà không những chỉ có trao thuốc, mà bà buộc phải trao thuốc cho đứa con là vì ích cho đứa con – vô luận thuốc nếm có đắng là ngần nào.

"Có những việc tốt lành trong đời sống chúng ta, thậm chí là những việc do Đức Chúa Trời ban cho, cả những việc tin kính, nhưng hết thảy các việc ấy, từng việc một trong đó phải được dâng lại cho Đức Chúa Trời!"
Các nan đề vây quanh chúng ta là cái chai thuốc, nhưng quí bạn tôi ơi, chính bàn tay của Đức Chúa Trời đang trao cái chai thuốc ấy cho quí vị đấy! Là con trai con gái của Đức Chúa Trời, bổn phận của quí vị và tôi, khi chúng ta nghe thấy tiếng kêu: 'Hỡi Ápraham!', thì phải thưa: 'Có con đây! Con đã sẵn sàng rồi, lạy Chúa! Ngài muốn con phải làm gì?'. Tôi muốn chúng ta học biết tối nay, tôi tin Chúa ban sứ điệp nầy cho chúng ta tối nay, tôi muốn chúng ta học biết Ápraham đã đương diện như thế nào trước những nỗi khổ và ông đã vượt qua chúng như thế nào!?! Việc đầu tiên tôi tin chúng ta tìm thấy nằm ở câu 2 – dâng Ysác làm của lễ: 'Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho'. Hãy dâng Ysác của quí vị làm của tế lễ, hãy dâng thứ mà quí vị đem lòng yêu mến.

Bây giờ tôi muốn quí vị nhìn xem hình ảnh cảnh tượng ấy tối nay, trời đã tối quanh Núi Môria, đồi núi đã ngã màu vàng, các cánh đồng cát có màu dịu hơn khi mặt trời lặn xuống, có cơn gió thoảng nhẹ qua đem theo hơi lạnh của buổi tối đang ụp đến. Ápraham ngồi trước mấy túp lều màu đen, ông suy tư và ngẫm nghĩ về sự nhơn từ của Đức Chúa Trời xuyên suốt đời sống ông, từ khi ông trở lại đạo cho tới khi ông được kêu gọi bước vào sứ mệnh của mình – ngay cả khi ông thất bại đối với Ngài theo tính xác thịt và do sự thoả hiệp của ông, thể nào lời hứa của Đức Chúa Trời đã luôn giữ sự thành tín. Quí vị có nhìn thấy ông đang ngó trông lên trời rồi thử đếm các ngôi sao, và nhớ lại rằng lời Đức Chúa Trời hứa với ông rằng dòng dõi ông sẽ đông hơn sao trên trời? Quí vị có nhìn thấy ông đang nhấc hai bàn tay lên, trên đó là những hột cát cực kỳ nhỏ, rồi quan sát chúng khi chúng chảy dọc theo hướng các ngón tay, ông thầm nghĩ: 'Đức Chúa Trời sẽ để cho lời hứa ấy qua đi, có chắc là sẽ có một nước lớn, rồi sẽ chúc phước cho cả thế gian qua dòng dõi của ta chăng?'

Thế rồi, ở bên ngoài bóng tối tăm và lúc tranh tối tranh sáng kia, có một giọng nói: 'Hỡi Ápraham, Ápraham. Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu'. Nầy quí bạn tôi ơi, tôi tưởng tượng ra rằng, đối với Ápraham, những ngôi sao trên trời đều sa xuống hết, đất cát dưới chân ông đã mở ra nuốt chửng lấy ông – ông không thể tin điều nầy, đứa con của lời hứa sẽ bị cất đi khỏi ông! Chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ trong đời sống của chúng ta là Cơ đốc nhân, chúng ta phải dâng cho Đức Chúa Trời những thứ nào là tội lỗi, và dâng như thế là đúng đấy – chúng ta gạt qua một bên từng gánh nặng dễ dàng ngáng đường chúng ta. Thế nhưng điều chi đã làm cho Ápraham phải lúng túng ở đây, và cho chúng ta, ấy là Đức Chúa Trời đã ban Ysác cho ông, Ysác ra từ tay của Đức Chúa Trời bằng một phương thức thật lạ lùng, từ một dạ son sẻ. Điều rối ren trong tâm trí của ông, sự tranh chiến thuộc linh có lẽ ông đã nếm qua, là nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã ban cho đứa con nầy và giờ đây Đức Chúa Trời lại muốn cất nó đi! Tại sao vậy?

Hãy suy gẫm về điều nầy trong một phút đi: chẳng có một thứ gì trong thế gian mà Ápraham thèm muốn hơn là Ysác con trai của mình. Ông đã trông đợi hết ngày này sang ngày khác hầu nhận lấy lời hứa của Đức Chúa Trời. Họ đã trông đợi rất lâu đến nỗi Sara đã cười nhạo khi bà hay được mình sẽ có con trong lúc tuổi đã già. Nhưng Đức Chúa Trời liên tục, rất nhiều lần ban cho họ sự trông cậy là việc ấy sẽ xảy ra. Quí vị có thể nom thấy họ không? Một đôi vợ chồng già, mọi năng lực, nổ lực của họ đều đã cạn kiệt trong một sự trông đợi rất vinh hiển với tuổi tác cao một đứa con lạ lùng của lời hứa sẽ ra đời. Thế rồi ngày ấy đến, khi bà cảm thấy nó đạp trong bụng của mình, và lời hứa đã được ban cho. Đức Chúa Trời đã ban cho, nhưng quí bạn tôi ơi, quí vị có thể hình dung ra cái tính chất gây rối ren của sự mặc khải như thế nầy cho chính ông, là người của Đức Chúa Trời: tại sao Đức Chúa Trời trèo lên một hòn núi để ban cho tôi, một cụ già đã sấp sĩ trăm tuổi, một đứa con và giờ đây Ngài lại đến để cất nó đi chứ? Quí vị có biết lý do tại sao hay không? Tôi sẽ nói cho quí vị biết lý do tại sao tôi tin: quí bạn tôi ơi, Đức Chúa Trời chính là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đang ngự trên ngai tình cảm của Ápraham. Hết ngày nầy sang ngày khác, ông đã trông mong Ysác, đang trông đợi lời hứa về Ysác, gần như tôi có thể nhìn thấy ông với đôi mắt đăm chiêu thờ phượng khi ông trông mong điều phi thường khi suy gẫm tới các lời hứa của Đức Chúa Trời, ông ngẫm nghĩ tới phép lạ của Đức Chúa Trời trong đời sống của mình – nhưng quí bạn tôi ơi, Đức Chúa Trời phải có vị trí đó! Đức Chúa Trời phải chiếm lấy vị trí cao nhất trong tấm lòng của chúng ta.

"Đức Chúa Trời mong muốn mỗi con cái của Ngài phải đạt tới chỗ mọi sự trong đời sống họ đều được hiến, được dâng lên làm của lễ cho Ngài ".
Tôi mới nói gì vậy? Tôi muốn nói cho quí vị biết những điều nầy: có những việc tốt lành trong đời sống của chúng ta, phải, có những việc xấu xa mà chúng ta cần phải bỏ đi – những điều lo lắng và những thứ về sức khoẻ của chúng ta đang đè chúng ta xuống khi chúng không xảy ra, những điều âu lo về trợ cấp của chúng ta, chúng ta sẽ mặc gì, chúng ta sẽ ăn gì, chúng ta sẽ uống gì – nhưng, quí bạn tôi ơi, có những việc tốt lành trong đời sống chúng ta, thậm chí là những việc Đức Chúa Trời ban cho, cả những việc tin kính nữa, hết thảy các việc ấy, từng việc đơn sơ trong số đó, phải được dâng trả lại cho Đức Chúa Trời! Tại sao vậy? Vì Đức Chúa Trời phải chiếm lấy địa vị chính yếu nơi từng tấm lòng của chúng ta. Ngài phải là niềm vui thích nơi ánh mắt của chúng ta, Ngài phải trở thành Đấng mà chúng ta đang thờ lạy và là Đấng mà chúng ta đang hầu việc. Chúng ta phải dâng mọi sự chúng ta đang có cho Đức Chúa Trời. Quí bạn tôi ơi, tôi đang nói gì thế? Tôi đang nói điều nầy theo cách riêng tư với quí vị: quí vị có con cái rất bướng bỉnh, quí vị có con cái chưa được cứu, quí vị có con cái đang tái phạm, tôi có thể yêu cầu quí vị dâng chúng cho Đức Chúa Trời không? Nan đề là đây: quí vị đang làm việc, quí vị đang có nhiều nan đề trong gia đình, có lẽ ngay cả trong hôn nhân, hãy dâng chúng cho Đức Chúa Trời đi! Có một mối nguy hiểm: ấy là khi chúng ta hướng về các vụ việc nầy hoặc trên dân sự nầy, dù chúng là những điều ước ao hợp lẽ, chúng sẽ chiếm lấy tầm nhắm của chúng ta, chúng làm cho mọi năng lực của chúng ta phải bảo hoà – thậm chí làm cho quí vị phải lo lắng về tình trạng thuộc linh của chính quí vị, lo lắng về việc đưa người ta đến với Đấng Christ, nhiều việc tốt lành có thể chiếm lấy tầm nhìn của chúng ta, chúng có thể trở thành hình tượng của chúng ta!

Vì thế Đức Chúa Trời dẫn chúng ta đến chỗ mà ở đó Ngài yêu cầu hết thảy chúng ta nên dâng Ysác của chúng ta làm của lễ, dâng chính thứ mà chúng ta đem lòng yêu mến. Quí bạn tôi ơi, hãy nghe đây: Đức Chúa Trời mong muốn mỗi con cái của Ngài phải đạt tới chỗ mà ở đó mọi sự trong đời sống họ phải tận hiến cho Ngài. Quí vị sẽ nghĩ là tôi đọc quá nhiều ở chương nầy, phải, xin làm ơn nhìn vào câu 12 xem, thiên sứ đã phán với ông và giọng nói đến từ trời phán rằng: 'Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi'. Quí vị có thấy như vậy không? Quí bạn tối nay ơi, việc tốt nhất trong mọi việc, ấy là khi quí vị học biết dâng hiến điều mà quí vị yêu mến, việc mà quí vị đang âu lo, là đứa con đang làm tan nát lòng quí vị, là những nan đề đang hiện hữu trong đời sống của quí vị đến nỗi quí vị đang vặn óc lo tìm cách giải quyết, khi quí vị trao phó chúng thì phép lạ của ân điển Đức Chúa Trời là đây: Ngài ban trở lại cho quí vị phước hạnh còn lớn lao hơn nhiều!

Thật là khó để mà trao phó lắm, nhưng khi Ápraham dâng hiến, ông đã nhận lại chính Ysác. Ông đã nhận lại chính Ysác, không những ông đã nhận lại chính Ysác thôi, ông còn nhận lãnh nhiều hơn thế, vì ông đã vượt qua được sự thử nghiệm của Đức Chúa Trời về đức tin và ông đã có một sự đồng đi sâu sắc với Đức Chúa Trời và một lòng tin sắt son nơi Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đã ban cho ông mọi sự ông mong muốn và thêm nhiều thứ khác nữa. Giờ đây hãy chú ý: ông đã tiếp thu bài học nầy, ông không trải qua cơn thử thách mà không lo về sự thử thách ấy, ông không trải qua cơn thử thách với mưu đồ giống như ông đã mưu đồ trong quá khứ và suy nghĩ làm thế nào để có được một đứa con. Ông đã dâng Ysác cho Đức Chúa Trời! Ông phó thác Ysác, còn Đức Chúa Trời ban Ysác trở lại, và ban cho ông thêm lòng tin quyết! Ôi, kỳ diệu thay! Tôi đang nói điều gì vậy? Phải, tôi sẽ nói ra điều nầy bằng lời lẽ của Tân ước, trong lời phán của Đức Chúa Giêxu Christ: 'Trước hết hãy tìm kiếm Nước của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ ban thêm cho các ngươi mọi điều ấy nữa'. Quí bạn ơi, hãy nghe đây: Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời ghen tương, những việc tốt lành và những việc xấu xa – hãy dâng chúng cho Ngài, và Ngài sẽ ban hết trở lại cho quí vị còn nhiều hơn nữa! Hãy dâng Ysác của quí vị cho Ngài.

Quí bạn ơi, hãy nghe đây: Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời ghen tương, những việc tốt lành và những việc xấu xa – hãy dâng chúng cho Ngài, và Ngài sẽ ban hết trở lại cho quí vị còn nhiều hơn nữa! Hãy dâng Ysác của quí vị cho Ngài.
Việc thứ hai tôi đã học được nằm ở câu 3, ở đây Đức Chúa Trời phán với ông là hãy chổi dậy, bắt lấy đứa con của mình, đem nó dâng làm của lễ thiêu, và trong câu 3 chép như vầy: 'Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy tớ và con mình, là Y-sác, cùng đi'. Sáng sớm! Ông đã không để mất thì giờ. Tôi không biết ông đã vật vã cả đêm với lời phán dạy đó như thế nào, nhưng tôi nói cho quí vị biết điều nầy: ông đã thức dậy thật sớm, và ông đã làm mọi sự cần thiết, ông đã sửa soạn. Giờ đây nếu quí vị đã biết sống đời sống Cơ đốc, thì quí vị rất biết rõ là có nhiều khi thật khó mà vâng theo Đức Chúa Trời được, đặc biệt khi mọi việc dường như là đúng đắn, khi có những việc không hợp lý – nhưng Đức Chúa Trời đang phán với quí vị, phán với tôi và phán với Ápraham: 'Hỡi ngọn núi kia, hãy chổi dậy! Hãy vâng theo Ta dầu khi ngươi không hiểu, khi có những việc dường như bất hợp lý'. Sau khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông bước vào cuộc thử nghiệm, sáng sớm, không để mất thì giờ, chẳng phải nghĩ suy nhiều về sự việc, không thắc mắc chi về quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Từ câu 3 cho đến hết chương, cho tới lúc ông đến với hòn núi, quí vị thấy ông tuyệt đối đang làm mọi sự trong khi sửa soạn dâng con trai một của mình làm của lễ thiêu. Bây giờ, hãy nghe đây: ông vốn biết Đức Chúa Trời muốn ông phải làm gì rồi, có lẽ ông không biết lý do tại sao, ông không biết sự thể sẽ ra thể nào, ông không hiểu điều chi sẽ xảy ra khi ông lên đến đỉnh Môria, nhưng ông đã vâng theo Đức Chúa Trời!

Tôi nói cho quí vị biết: thật là khó vâng theo Đức Chúa Trời khi quí vị chưa biết việc gì sẽ xảy ra. Thật là khó vâng theo Đức Chúa Trời khi quí vị chưa biết các hậu quả mọi hành động của mình, song tôi muốn nói cho quí vị biết điều nầy: thật là khó vâng theo Đức Chúa Trời khi quí vị biết việc gì sẽ xảy ra, và ở một phạm vi rộng rãi, Ápraham vốn biết rằng con dao sẽ đâm vào tim của Ysác con mình. Đức Chúa Trời bảo ông: 'Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, dâng đứa con làm của lễ thiêu' - tuy Ápraham, vốn biết rõ và trông mong rằng ông sẽ giết con trai của mình, cứ đi tới và vâng theo Đức Chúa Trời! Ở đây là điểm mấu chốt: ông chỉ nghĩ ông vốn biết điều gì sẽ xảy ra. Ông nghĩ ông biết rõ Đức Chúa Trời sẽ làm gì, nhưng ông không biết – tại sao vậy? Tôi nói cho quí vị biết lý do tại sao, đứa trẻ đang đau khổ, đang nếm lấy nỗi âu lo: tư tưởng của Đức Chúa Trời không phải là tư tưởng của quí vị, đường lối của Ngài không phải là đường lối của quí vị:

Với nhận thức tầm thường, chớ xét đoán Chúa,
Nhưng vì cớ ân điển, hãy tin cậy Ngài.
Ở đàng sau cái cau mày nghiêm nghị đó
Ngài đang giấu một gương mặt đang mĩm cười'.

Đức Chúa Trời bảo Ápraham phải làm một việc, còn Đức Chúa Trời không làm việc mà Ngài bảo ông phải làm – Ngài không khiến ông làm! Đức Chúa Trời bảo ông phải làm một việc, còn Đức Chúa Trời đã hoạch định một việc khác và Ápraham vốn không biết việc ấy. Quí vị có hình dung ra không, nếu Ápraham đã ngồi suốt đêm rồi chờ đợi cho tới đêm hôm sau, cho tới 12 giờ đêm cho tới chừng ông vâng theo Đức Chúa Trời đúng từng giây một, rồi lý luận về sự việc đó, suy nghĩ và bàn bạc với nhiều người khác về việc ấy – có lẽ sự việc nầy khiến cho ông chẳng còn biết tới ai khác nữa và ông sẽ chẳng làm gì với việc ấy. Nhưng điều ông chọn làm là điều nầy: leo lên ngọn núi. Quí bạn tôi ơi, hãy leo lên núi dù đó là núi gì, và hãy tin cậy Chúa! Hãy làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời rồi để cho Ngài lo toan về các hậu quả! Quí vị thấy đấy, khi quí vị dâng Ysác của quí vị cho Đức Chúa Trời, thì đấy sẽ là trách nhiệm của Ngài.

"Tại sao những hòn núi nầy đứng áng đường chúng ta khi chúng ta có một Đức Chúa Trời, là Đấng giẫm núi non dưới chân Ngài? Quí vị có thấy việc ấy không? Hãy chổi dậy mà leo lên hòn núi đó! Hãy vâng theo Đức Chúa Trời dầu khi quí vị không hiểu rõ".
Tôi thường sử dụng minh hoạ nầy cho người ta theo cách riêng. Nếu quí vị mua của tôi một chiếc xe hơi, và quí vị đang lái về nhà trong chiếc xe sau khi trả tiền và bị nổ lốp, lốp xe biến mất dọc theo xa lộ. Quí vị trở lại với tôi qua ngày hôm sau và nói: 'David, chiếc xe mà tôi mua của ông, trên đường về nhà lốp xe đã bị nổ'. Tôi sẽ nói: 'Điều ấy hay đấy, nhưng ông đã chọn nó, đó là trách nhiệm của ông, giờ đây nó là xe của ông mà'. Quí bạn tôi ơi, quí vị có biết là Cơ đốc nhân chúng ta tin vào lẽ đạo dâng mình nầy: ấy là khi chúng ta dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời, thì chúng ta không phải lo lắng gì về nó nữa. Nếu tôi có thể nói một cách cung kính: 'Lạy Chúa, đây là trách nhiệm của Ngài, Ngài đã chọn nó!'. Ấy là khi quí vị vâng theo Đức Chúa Trời, thậm chí khi quí vị không hiểu.

Quí vị đang sợ phải trèo lên ngọn núi nào tối nay? Ngọn núi nào cao quá chăng? Tôi nói cho quí vị biết, Chúa Giêxu phán: 'Nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua!' Tối nay quí vị có thể cầu nguyện giống như Giôsuê: 'Lạy Chúa, xin ban cho con ngọn núi nầy', và Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cho quí vị: 'Ngọn núi sẽ thuộc về ngươi'. Tại sao những ngọn núi nầy đứng áng đường của chúng ta khi chúng ta có một Đức Chúa Trời, là Đấng giẫm núi non dưới chơn Ngài? Quí vị có thấy như vậy không? Hãy chổi dậy mà leo lên hòn núi ấy! Hãy vâng theo Đức Chúa Trời dầu khi quí vị không hiểu.

Vì vậy Ápraham đã bắt lấy con trai mình, ông đã dâng con ấy cho Đức Chúa Trời cả về phần xác thể lẫn tâm linh, thế rồi ông trèo lên ngọn núi. Câu 5 cho chúng ta biết đôi điều rất quí báu: 'Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi [chúng ta] sẽ trở lại với hai ngươi'. Quí vị có nhìn thấy câu ấy chăng? 'Ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi [chúng ta]', “chúng ta”, sát nghĩa theo tiếng Hy bá lai, 'sẽ trở lại với hai ngươi'. Ápraham đã có đức tin để nhìn thấy một sự sống lại, ông vốn tin cậy Đức Chúa Trời của việc khó. Giờ đây nếu quí vị chưa nhận biết điều hiển nhiên nầy, là con cái của Đức Chúa Trời, đời sống Cơ đốc là đời sống của đức tin. Vì vậy có nhiều lần trong Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy những câu nầy: 'Người công bình sẽ sống bởi đức tin mình'. Tôi dám nói đây không phải là một đời sống lập dị khó hiểu mà một số nhà truyền đạo lưu động, hay một vài giáo sĩ đời xưa đã sống, hoặc là đặc biệt với một người có tên là George Mueller. Đây là đời sống Cơ đốc! Đời sống ấy dành cho hết thảy mọi người, vì không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Đức Chúa Trời được.

Thế thì bí quyết của sự Ápraham đắc thắng trong thử nghiệm nầy là gì? Đâu là bí quyết của việc ông đem dâng Ysác làm của lễ thiêu, và trèo lên hòn núi ấy, rồi trông mong một phép kỳ dấu lạ của sự sống lại, rồi tin tưởng rằng cả ông cùng đứa con – sau khi dâng của lễ thiêu – sẽ trở xuống cùng hai tên đầy tớ? Hãy cùng tôi mở ra ở Hêbơrơ 11 câu 17, chương quan trọng nói tới đức tin, và chúng ta cùng đọc: 'Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách: người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình, là về con đó mà Đức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà người sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu. Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình'. Quí vị có thấy câu Kinh Thánh ấy chưa? Ông đã leo lên hòn núi với lòng tin tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ làm cho Ysác sống lại từ kẻ chết nếu ông đã giết Ysác. Đức Chúa Trời sẽ đưa Ysác trở lại với sự sống!

Quí vị nói: 'Được thôi, tôi tin Đức Chúa Trời’, nhưng hãy chờ đợi cho tới lúc tôi nói cho quí vị biết một việc: ‘Tôi không thể tin như thế! Tôi không thể đi xa tận ấy để tin một việc lạ lùng kiểu như thế được'. Cho phép tôi hỏi quí vị một câu tối nay: Ápraham có điều chi mà quí vị không có? Nhân vật quan trọng nầy thuộc về Đức Chúa Trời có điều chi mà quí vị không có? Kinh Thánh chép trong Hêbơrơ 11.17 rằng ông kể lời hứa của Đức Chúa Trời là có giá trị, ông tin theo những gì Đức Chúa Trời đã phán dặn ông, rằng trong dòng dõi ông là Ysác mà mọi nước đều sẽ được phước – mọi sự mà Ápraham đã có là Lời của Đức Chúa Trời hằng sống! Cho phép tôi nói với quí vị điều nầy: ông không có một lời hứa nào nói rằng Ysác sẽ được sống lại, ông không có một lời hứa nào theo cách ấy hết – nhưng Chúa đã phán với ông, rằng nơi Ysác dòng dõi ông sẽ được phước, đấy là mọi sự mà ông có cần. Ông vốn không biết làm thế nào Đức Chúa Trời sẽ thực thi lời hứa ấy, ông vốn không biết tại sao Đức Chúa Trời sẽ thực thi lời hứa ấy, nhưng ông biết rằng ông sẽ đứng vững trên Lời của Đức Chúa Trời! Tôi có thể hỏi quí vị, hỡi con cái tối nay, quí vị còn cần cái gì nữa chứ? Chúng ta còn cần điều chi nữa chứ? Phải chăng Lời Đức Chúa Trời là đủ cho chúng ta?
Ông vốn không biết làm thế nào Đức Chúa Trời sẽ thực thi lời hứa ấy, ông vốn không biết tại sao Đức Chúa Trời sẽ thực thi lời hứa ấy, nhưng ông biết rằng ông sẽ đứng vững trên Lời của Đức Chúa Trời!

Hãy đợi đấy cho tới chừng tôi nói cho quí vị biết điều nầy: ông không có những lời hứa của Tân Ước, những điều mà môn đồ của Đức Chúa Giêxu Christ yên nghỉ trên đó. Ông không có những lời hứa mà quí vị đang có, Chúa đã ban cho ông một lời hứa và ông cứ nắm chặt lấy lời hứa ấy trong suốt lúc tuổi đã già. Giờ đây, khi ông trèo lên một ngọn núi khi là một cụ già, hơi thở ông sẽ phải dừng lại, ông biết rõ trước khi đâm ngọn dao ấy – hoặc thậm chí sau khi đâm ngọn dao ấy nữa – Đức Chúa Trời sẽ trở thành một Đức Chúa Trời là Đấng luôn tôn trọng lời hứa của mình. Thế mà Đức Chúa Trời đang phán với quí vị: 'Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ'. Đức Chúa Trời đang phán với quí vị: 'Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta'. Đức Chúa Trời đang phán với quí vị: 'Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trử vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?'. Đức Chúa Trời đang phán với quí vị: 'Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng'. Đức Chúa Trời đang phán với quí vị: 'Ta sẽ chẳng lìa ngươi, chẳng bỏ ngươi đâu'. Chúng ta còn cần thêm điều chi nữa?

Bấy nhiêu đó đủ khích lệ quí vị và tôi phải tìm kiếm một sự sống lại trong đời sống của chúng ta, có phải không? Phải tin cậy nơi Đức Chúa Trời của việc khó? Thế rồi trong câu 7 chúng ta thấy rằng khi ông trèo lên hòn núi to lớn đó, Ysác đã nói với ông như vầy: 'Hỡi Cha! Người đáp: Con ơi! Cha đây. Y-sác nói: Củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu?' Giờ đây, chúng ta xử lý với giọng nói của sự lý lẽ, chúng ta xử lý với chỗ có lẽ Ápraham chưa nhận ra và chưa hiểu gì hết trong sự thể nầy. Đây là giọng nói của sự lý lẽ, nhưng ở đây trong câu 7 đây là giọng nói của tình cảm. Quí vị có hình dung ra chưa? Tôi nói cho quí vị biết điều nầy, chẳng có một kẻ thù nào lớn lao cho đời sống đức tin hơn là giọng nói của tình cảm. Phải chăng giọng nói của đứa con đã khiến cho cái đầu của nó ngước lên và kêu la với cha mình, nó thắc mắc, có lẽ là mọi hành động quá kỳ quặc của cha nó, lẽ nào giọng nói ấy không đủ lực để khiến cho ông cụ già, là người của Đức Chúa Trời phải trở gót mà quay xuống núi?

Chúa phán: ‘Các ngươi là kẻ xấu mà còn cho con cái mình vật tốt thay' - và Ápraham là một người công bình, sau khi nghe mấy lời nầy trong lỗ tai, ông đã không quay trở lại! Ông là một người rất tình cảm giống như quí vị và tôi, chẳng lẽ quí vị lại không nghĩ ông lấy làm lạ nơi những gì con mình mới thốt ra – rằng cha mình bằng lòng trèo lên hòn núi ấy và dâng mình làm của lễ thiêu? Lẽ nào điều nầy không thoáng qua tâm trí ông: 'Sara sẽ nói gì khi bà ấy hay biết, và bà ấy sẽ nói chi khi ta trở bước về nhà?' Quí vị há không nghĩ tới mọi ký ức về đứa trẻ mấy năm gần đây đã làm cho cuộc sống ông tràn trề, đã dìm chết sự vâng phục của ông và giọng nói của Đức Chúa Trời? Quí vị há không nghĩ ông đã suy gẫm tới khả năng trong tương lai mà đứa trẻ sẽ có, mọi viễn cảnh và lời hứa? Hết thảy những điều đó xứng đáng khiến cho ông xoay lại và từ bỏ đức tin của mình ngay. Tôi nói cho quí vị biết điều nầy: nếu ma quỉ có thể sử dụng tình cảm trong đời sống của quí vị và của tôi để không tin theo Đức Chúa Trời mà quay trở lại, quí vị tin đi, hắn sẽ làm điều đó đấy. Để cướp lấy phần còn lại của sự bình an của Đức Chúa Trời ra khỏi chúng ta, hắn sẽ làm điều đó. Cho phép tôi giục giã quí vị tối nay, vô luận quí vị cảm nhận như thế nào, vô luận trong lòng của quí vị có điều chi, hãy tin theo Đức Chúa Trời giữa mọi cảm xúc đó!

Chúng ta đang sinh sống trên những sự thực, những sự thực có trong Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta đặt lòng tin theo những sự thực đó, có trong Lời của Đức Chúa Trời, và rồi những cảm xúc có thể hay không thể xảy đến. Nếu chúng đến, đấy là điều khác thường, chúng ta không sống bởi các cảm xúc. Vô luận quí vị cảm xúc như thế nào, vấn đề quan trọng trong đời sống Cơ đốc của quí vị là đây: ý chí của quí vị và sự bằng lòng tin theo, bằng lòng tin cậy Đức Chúa Trời, bằng lòng bước theo Ngài. Quí vị có nhớ Đaniên trong hang sư tử không? Quí vị có biết Kinh Thánh nói gì về ông không? 'Bấy giờ vua mừng rỡ lắm, và truyền đem Đa-ni-ên lên khỏi hang. Vậy Đa-ni-ên được đem lên khỏi hang, và người không thấy một vết tích nào trên người', tại sao vậy? 'Bởi người đã nhờ cậy Đức Chúa Trời mình'. Quí vị nghĩ điều gì sẽ trải qua tâm trí của quí vị khi ở trong hang sư tử? Nhưng ông không bị một vết tích nào vì ông đã nhờ cậy Đức Chúa Trời mình.

"Nếu quí vị là nghèo khó tối nay, phước thay quí vị là kẻ nghèo khó – có ơn phước trong sự nghèo khó, vì nghèo khó càng dễ nhìn biết Giêhôva Dirê trong cảnh nghèo khó của quí vị hơn là khi quí vị là nhà triệu phú".
Thứ năm, hãy đợi cho tới khi có sự can thiệp của chiên con – nương cậy vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Quí vị biết đấy, chỉ trong sự thử nghiệm quan trọng nơi đời sống của Ápraham mà Đức Chúa Trời đã tỏ chính mình Ngài ra cho ông là Giêhôva-Dirê. Sự tỏ mình ấy không xảy ra cho tới chừng lưng của ông xây lại với bức tường mà Đức Chúa Trời đã tỏ cho ông thấy Ngài là Đức Chúa Trời của sự tiếp trợ – tôi thích cách dịch: 'Ông sẽ thấy sự tiếp trợ đó', Đức Giêhôva – Ông Sẽ Thấy Sự Tiếp Trợ Đó. Câu 7, ông tin rằng Đức Chúa Trời có quyền cung ứng một chiên con, Đức Chúa Trời sẽ tiếp trợ cho chính mình Ngài một chiên con. Trong câu 13 ông nghe thấy tiếng kêu bebe của con chiên đó khi sừng nó bị mắc kẹt trong bụi cây, và ông đã bắt lấy con chiên rồi dâng nó làm của lễ thiêu. Tôi có thể nói điều nầy với quí vị: Đức Chúa Trời luôn luôn can thiệp vào một đời sống đã đầy dẫy với đức tin. Chiên Con luôn luôn xen vào! Có thể Ngài không nhậm lời theo cách quí vị suy tưởng Ngài sẽ đáp lời, hoặc mong muốn Ngài sẽ đáp lời. Tôi nghĩ Ápraham – và tôi mong quí vị cũng đồng ý với tôi – đang trông mong ông sẽ giết đứa trẻ, rồi Đức Chúa Trời sẽ làm phép lạ đưa đứa trẻ trở lại với sự sống. Nhưng quí vị nhìn thấy đức tin của Ápraham không ở trong phương thức Đức Chúa Trời sẽ đáp lời ông, mà thực ra Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cho ông. Bằng cách nầy hay cách khác, Lời của Đức Chúa Trời sẽ thành ra hiện thực.

Chúng ta có nương cậy vào sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời không? Ồ, nương cậy như thế là khó quá, có phải không? Trong một xã hội giàu có mà chúng ta sống trong đó hôm nay, ở đó chúng ta nghĩ chúng ta chẳng cần gì hết, ở đó có nhiều người có đủ mọi thứ thậm chí không còn biết họ đang nhận lãnh các thứ ấy từ Cha sáng láng nữa. Chúng ta có nương cậy vào Đức Chúa Trời không? Nếu quí vị là nghèo khó tối nay, phước thay cho quí vị là kẻ nghèo khó – có ơn phước trong sự nghèo khó, vì nghèo khó càng dễ nhìn biết Giêhôva-Dirê trong cảnh nghèo khó của quí vị hơn là khi quí vị là nhà triệu phú. Quí bạn tôi ơi, phải làm gì để có được những lời hứa nầy? Hãy nghe đây: “Đức Chúa Trời tôi sẽ cung cấp mọi sự cần dùng y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giêxu Christ”. Có thể tôi nói quá nhiều trong phân đoạn nầy, nhưng cho phép tôi nói điều nầy: thật là quan trọng trong tất cả bài nghiên cứu của chúng ta xuyên suốt các tuần lễ nầy, ấy là không nhìn xem Ápraham, không nhìn xem Gióp, không nhìn xem Giôsép, không nhìn xem Anne, không nhìn xem Giăng Báptít, không nhìn xem sứ đồ Phaolô, mà chỉ nhìn xem Giêhôva-Dirê, và nhìn xem Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng Tác Giả và Thành Toàn của đức tin chúng ta. Đúng là một phước hạnh khi nhìn biết như thế với Ápraham và Israel, hãy nghe điều nầy, trong mọi hoạn nạn của quí vị Ngài cũng chịu hoạn nạn; hãy nhìn biết như họ đã nhìn biết, những gì chúng ta nhận biết giờ đây trong Tân Ước, rằng “chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội”.

Cho phép tôi tóm tắt với quí vị từng điểm một như thế nầy. Thứ nhứt: hãy dâng Ysác của quí vị làm của lễ thiêu, hãy tận hiến những gì quí vị yêu mến. Nếu quí vị nhìn vào câu 4 trong chương, quí vị sẽ thấy điều nầy: 'Áp-ra-ham nhướng mắt lên thấy nơi đó ở lối đằng xa’. Quí bạn tôi ơi, tôi không thể làm chi khác hơn là suy nghĩ rằng Đức Chúa Cha, trước khi lập nền thế gian, đã tìm kiếm và đã thấy địa điểm Gôgôtha ở lối đàng xa rồi! Và thậm chí ở đó, Ngài đã bằng lòng phó Con mà Ngài yêu dấu, vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, Ngài không buông tha chính Con của Ngài, mà phó Con ấy cho hết thảy chúng ta. Hãy suy nghĩ điều nầy xem: Ápraham đã tin rằng đứa trẻ sẽ được ban trở lại cho ông, và vì niềm vui mừng đã đặt ở trước mặt Đấng Christ, Ngài đã gánh chịu thập tự giá, khinh điều sĩ nhục! Quí vị có thấy như vậy không? Quí vị có thấy sự vâng phục ở Ghếtsêmanê không? Ngài: 'Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời. Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu'. Quí vị có thấy Ngài ở đó, trong vườn Ghếtsêmanê không? Quí vị có thấy Ngài ở trên đồi Gôgôtha tăm tối kia không? 'Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, tại sao vậy? Tại sao Ngài đứng xa không giúp đỡ tôi theo lời rên siết của tôi’. Ngài biết lý do tại sao, nhưng đó là tiếng kêu tình cảm của một Đức Chúa Con với một Đức Chúa Cha.

Quí vị có thấy Ngài tuyên bố mình là Con Đức Chúa Trời có quyền trong sự sống lại của Ngài không? Chúng ta biết rằng nếu chúng ta có mối thông công với sự thương khó của Ngài, chúng ta sẽ biết quyền phép sự sống lại của Ngài. Thứ năm, quí vị có nhìn thấy, rằng Chiên Con là Đấng đang xen vào, Chiên Con là Đấng có quyền, Chiên Con Ngài là Đấng Tiếp Trợ – Ngài phán: “Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu. Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến. Vả, ý muốn của Đấng đã sai ta đến là hễ sự gì Ngài đã ban cho ta, thì ta chớ làm mất, nhưng ta phải làm cho sống lại nơi ngày sau rốt’. Quí vị có nhìn thấy Giăng Báptít đang đứng chỉ tay: 'Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi' không?

Thực sự tôi đã được phước, nhưng tôi mong rằng quí vị đang hiểu biết qua bài nghiên cứu của chúng ta tối nay:

Nếu được kêu gọi,
như con cái của Ápraham, phải trèo lên
một hòn núi để dâng của lễ thiêu,
Thiên sứ sẽ có mặt đúng lúc ở đó,
Và sự giải cứu sẽ dấy lên
Đức Chúa Trời sẽ tiếp trợ cho một chiên con.

Lạy Cha, nếu chúng con thành thực với lòng là chúng con lâu nay chẳng biết chi hết, nhưng chúng con biết một việc: chẳng có gì phân rẽ chúng con ra khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giêxu Christ. Lạy Cha, xin cảm động chúng con tối nay với sự tiếp trợ của Ngài, với sự nhơn từ Ngài, và với ân điển của Ngài cho chúng con từ bên trong. Lạy Chúa, xin cho chúng con lắng đọng trong mọi sự kỳ diệu ấy. Lạy Cha, chúng con cầu nguyện – có những người trong phòng nhóm tối nay với chúng con, và họ cần một cái chạm từ nơi Ngài, họ cần được cất ra khỏi nỗi rối loạn về tình cảm mà họ đang rơi vào đấy – chúng con cầu xin cho hết thảy chúng con sẽ biết dâng Ysác của chúng con cho Ngài, để chúng con nhìn biết rằng nếu chúng con dâng sự ấy cho Ngài, chúng con sẽ được ban cho trở lại gấp mười lần và nhiều hơn nữa. Lạy Chúa, nguyện chúng con hết thảy đều nhìn biết những lời lẽ kỳ diệu nầy đều là phần của chúng con: Lạy Giêhôva-Dirê, chúng con cảm tạ Ngài, vì cớ Đấng Christ. Amen.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét