Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Hành trình sống động của Giacốp



Như lằn lửa bay chớp lên không - Phần 2
"Hành trình sống động của Giacốp"
Mục sư David Legge

"Giống như người Do thái, gần trọn cuộc đời của Giacốp là ở trong cuộc lưu đày, không nhà cửa, lang thang quanh sa mạc. Ông kinh nghiệm những điều lúc nào cũng phải gắng sức; đời sống ông đầy dẫy cạm bẫy, buồn rầu, hoạn nạn và thử thách".
Bây giờ chúng ta chuyển sang sách Sáng thế ký, Sáng thế ký chương 32. Toàn bộ câu chuyện nói tới đời sống của Giacốp thực sự gần chiếm hết cả quyển sách, ít nhất là phân nửa sách Sáng thế ký – từ chương 25 qua tới chương 50. Chúng ta không có đủ thời gian, và tôi không nghĩ quí vị có đủ lực để ngồi nghe cho hết vào tối nay. Cho phép tôi nói như vầy: đây là một loạt bài nói tới những 'lằn lửa bay chớp lên không', loạt bài chúng ta đang nghiên cứu đặc biệt không phải là loạt bài nghiên cứu về nhân vật các cá nhân trong Kinh Thánh như thế nầy, mà chúng ta đặc biệt mong muốn nhận thức được những nan đề cùng những thử thách mà những người nam người nữ nầy đã đối diện với. Cho nên chúng ta không nhắm vào phần tiểu sử của những nhân vật nầy, mà chúng ta muốn nhận thức được các sự cố đặc biệt trong đời sống của họ hầu dạy cho chúng ta biết cách sống, giống như hạng thánh đồ của Đức Chúa Trời, khi chúng ta nếm trải sự gian truân.

Tuần vừa qua, chúng ta đã xem xét qua Ápraham, và chúng ta thấy sự thử nghiệm lớn lao nhất trong mọi thử nghiệm nằm trong Sáng thế ký chương 22, khi ông bị Đức Chúa Trời yêu cầu phải đem con trai mình dâng làm của lễ thiêu, là Ysác, đứa con một và duy nhất của ông. Nếu quí vị thích, đây là phần thử nghiệm lớn lao nhất trong mọi thử nghiệm trong cuộc đời của Giacốp, và chúng ta đang nhận thức sự thử nghiệm ấy vào buổi tối nay ở chương 32, và câu 25. Chúng ta sẽ khởi sự ở câu 24: "Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn với mình được rạng đông. Khi người đó thấy mình không thắng nổi, bèn đánh vào xương hông Gia-cốp; xương hông liền trặt trong khi vật lộn. Người đó bèn nói: Trời đã rạng đông rồi; thôi để cho ta đi; nhưng Gia-cốp đáp rằng: Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi. Người đó hỏi: Tên ngươi là chi? Đáp rằng: Tên tôi là Gia-cốp. Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng. Gia-cốp hỏi: Xin cho tôi biết tên người. Đáp rằng: Làm sao ngươi hỏi tên ta? Rồi người nầy ban phước cho Gia-cốp tại đó. Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê-ni-ên, và nói rằng: Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu. Khi qua nơi Phi-ni-ên, thấy mặt trời mọc rồi; và người đi giẹo cẳng. Bởi cớ đó, cho đến ngày nay dân Y-sơ-ra-ên chẳng bao giờ ăn gân bắp vế của lối xương hông; vì người đó có đánh vào xương hông Gia-cốp, nơi gân của bắp vế".

Khi chúng ta lần qua quyển sách nói tới những khởi đầu nầy, sách Sáng thế ký, chúng ta thấy rằng Giacốp đã trở thành tổ phụ của người Do thái, là tuyển dân, là phong trào tôn giáo lớn lao trong thế giới của chúng ta ngày nay không thể dập tắt hay huỷ diệt được, dù các nhà bạo chúa của thế gian có gắng sức và làm đổ máu của họ để quét sạch và tiêu diệt họ. Giacốp là tổ phụ của họ, tổ phụ của người Do thái, nhưng khi chúng ta xét qua người Do thái và chúng ta xét qua Giacốp tối nay, chúng ta thấy có một cách xử sự tương xứng với người Do thái và với Giacốp tổ phụ của họ. Ở chỗ nầy trong đời sống của người Do thái mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Cựu Ước làm cho chúng ta phải giật mình, phải mất lòng và muốn lẫn tránh sắc dân nầy, cũng thế trong đời sống của Giacốp tổ phụ họ. Tuy nhiên, ở chỗ kia, không những chúng ta nhìn thấy sự thất bại của dân Do thái trong đời sống của Giacốp, mà chúng ta còn nhìn thấy tình trạng thuộc linh của họ nữa. Chúng ta có thể nhìn thấy sự phong phú trong đức tin của họ, sự sâu sắc trong sự họ tin kính đối cùng Đức Chúa Trời – cả hai mặt nơi dân Do thái đều đã được phản chiếu nơi Giacốp tổ phụ của họ.

"Chúng ta cũng xưng mình là khách bộ hành trên đất. Chúng ta cũng công nhận sự chăm sóc của Đức Chúa Trời Toàn Năng như Đấng Chăn Giữ. Chúng ta cũng trông đợi ơn chửng cứu của Đức Chúa Trời" - F.B. Meyer
Giống như người Do thái, gần trọn cuộc đời của Giacốp là ở trong cuộc lưu đày, không nhà cửa, lang thang quanh sa mạc. Ông kinh nghiệm những điều kiện phải gắng sức; đời sống ông đầy cạm bẫy, buồn rầu, hoạn nạn và thử thách. Nhưng chúng ta cũng nhìn thấy nơi người Do thái và nơi Giacốp phần kỷ luật của Đức Chúa Trời, thể nào – mặc dù họ đang nếm trải tình trạng lộn xộn, thử thách, buồn rầu và gian nan – bàn tay của Đức Chúa Trời đang ở đàng sau mọi sự ấy. Chúng ta đã nhìn thấy loạt bài nghiên cứu sách Êxêchiên rất sống động mới đây, thể nào – thậm chí có nhiều lúc dường như Đức Chúa Trời không còn ngó ngàng gì tới tuyển dân Israel của Ngài – Ngài không như thế đâu, vì Ngài bị ràng buộc vào giao ước với họ. Những gì Ngài đang làm là không tìm cách tiêu diệt họ, mà là kỷ luật tuyển dân của Ngài. Đức Chúa Trời đưa họ qua cơn thử thách và gian truân vì mục đích luyện lọc họ như một dân thánh để làm chứng và làm sự vinh hiển cho Ngài.

Chúng ta có thể nhìn thấy hết thảy mọi sự ấy trong đời sống của Giacốp nầy, là tổ phụ của dân Do thái. Nhưng không có những điều tương xứng với các tổ phụ theo phần xác của Giacốp, dòng dõi theo phần xác của Giacốp, nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thấy những điểm tương xứng nơi dòng dõi thuộc linh của Giacốp. Những điều tôi đang nói tới và cả gia đình đức tin, là những người đang tin theo Đức Chúa Trời hôm nay – nếu quí vị thích, ấy là Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ – có nhiều điểm tương xứng mà chúng ta có thể rút ra từ đời sống của Giacốp rồi ứng dụng chúng cho chính đời sống của chúng ta tối nay. Chúng ta đang xem xét hành trình sống động của Giacốp, nhưng đồng thời chúng ta cũng đang xem xét chính hành trình sống động của chính chúng ta nữa, vì những gì Giacốp đã đối diện mỗi ngày trong đời sống của ông, chúng ta, là con cái của Đức Chúa Trời, cũng phải đối diện với. Tôi nghĩ nói như thế nầy thì chưa hay hơn lời lẽ của F. B. Meyer, hãy lắng nghe ông nói gì về những điểm tương xứng giữa Giacốp và chính chúng ta khi chúng ta bắt đầu bài học nầy tối nay: 'Những thất bại của Giacốp đang nói với chúng ta. Ông nắm lấy lợi thế trên người anh của mình khi bị cồn cào vì đói. Ông dối gạt cha mình. Ông gặp gỡ hết thủ đoạn nầy tới thủ đoạn khác của Laban. Ông tưởng ông không còn gặp rắc rối với Êsau. Ông đứng giữa sự xảo quyệt và yếu đuối. Có nhiều lúc chúng ta có thể áp dụng mọi từ ngữ nầy cho ông, nhưng có ai ở giữa vòng chúng ta không cảm thấy mầm mống của kết quả nầy đương ở trong lồng ngực của chúng ta? Ai trong chúng ta không thể nói, khi chúng ta xem xét Giacốp, vì cớ ân điển của Đức Chúa Trời tôi sẽ đạt tới mức độ đó? Những thất bại của ông, rồi có những nguyện vọng của ông, chúng đang nói với chúng ta. F. B. Meyer nói: 'Chúng ta cũng có những giấc chiêm bao thấy thiên sứ hay lui tới. Chúng ta đưa ra những lời thề hứa khi chúng ta ra khỏi quê hương. Chúng ta cũng bám vào một sự nghịch lý để mà khao khát các thiên sứ đến, rằng họ sẽ đến, ở lại và chúc phước cho chúng ta trước khi họ ra đi. Chúng ta cũng quay trở lại với Bêtên của mình và chôn cất các hình tượng của chúng ta đi. Chúng ta cũng tự xưng mình là khách bộ hành ở trên đất. Chúng ta cũng công nhận sự chăm sóc của Đức Chúa Trời Toàn Năng trong vai trò Đấng Chăn Giữ. Chúng ta cũng trông đợi ơn chửng cứu của Đức Chúa Trời'.

Quí bạn tôi ơi, tôi mong chúng ta đã trông thấy rồi trong nhiều phương thức, hành trình sống động của Giacốp không những là hành trình của người Do thái, mà đó còn là hành trình của mỗi một con cái của Đức Chúa Trời và là hành trình của chúng ta tối nay. Chúng ta hãy xem xét cuộc hành trình đó. Việc đầu tiên chúng ta nhìn thấy là một người con cong quẹo. Nếu quí vị cùng với tôi mở ra chương 25 sách Sáng thế ký, phần thứ nhứt của người con cong quẹo của Giacốp là người em đầy mưu mẹo chúng ta nhìn thấy trong chương 25. Từ sự ra đời của Giacốp và Êsau, quí vị có thể nhìn thấy sự tranh cạnh hiển nhiên giữa hai anh em song sinh nầy. Thực ra, chính lý do Giacốp được gọi là Giacốp – và Giacốp có nghĩa là 'kẻ ích kỷ luôn luôn giành mọi thứ cho mình' – là sự thực khi hai cậu bé ra khỏi lòng mẹ, Giacốp ra đời với bàn tay nắm gót chân của Êsau, và vì thế ông được gọi là “kẻ nắm gót”. Ngay từ lúc ban đầu hai đứa trẻ nầy đã đánh trận trong lòng mẹ của chúng, rồi khi chúng ra khỏi lòng mẹ ấy, có Giacốp đang nắm lấy gót của Êsau. Nhưng chúng ta thấy sự tranh cạnh nầy biến thành hiện thực ở đây trong chương 25 sách Sáng thế ký, ở đây chúng ta thấy Giacốp là một người em đầy mưu mẹo.

"Là con cái của Đức Chúa Trời ngày hôm nay, chúng ta có những đặc ân, vinh quang, và ta lâng thuộc linh, và một số người trong chúng ta bằng lòng đánh đổi chúng để lấy một kinh nghiệm khoái lạc ngắn ngủi làm thoả mãn thú tính trong tấm lòng chúng ta chỉ trong một phút".
Quí vị biết rõ câu chuyện mà tôi hy vọng, chúng ta sẽ không dành thì giờ để đọc câu chuyện ấy, về việc Êsau bỏ quyền trưởng nam để lấy một tô canh phạn đậu, hay một chén thịt hầm, hoặc tô cháo đậu nếu quí vị muốn. Ông ta đã bỏ quyền trưởng nam của mình. Giờ đây, đừng hiểu sai việc bỏ đi quyền trưởng nam đó, vì Êsau bỏ đi quyền trưởng nam của mình. Chúng ta nghĩ tới quyền trưởng nam nầy theo những giới hạn thịnh vượng đời nầy, những thứ của cải và giàu có đời nầy của cha ông ta – và ở một cấp độ lớn lao hơn về quyền ấy, vì đó là người con được chúc phước, và Êsau đã được chúc phước, người con trưởng sẽ được phước gấp bằng hai về mọi của cải của cha mình. Thế nhưng cơ nghiệp và quyền con trưởng còn nhiều hơn của cải vật chất và sự giàu có đời nầy, đó là sự giàu có về mặt thuộc linh. Cần phải nói tới ơn phước thuộc linh của việc trở thành vị tộc trưởng thừa hưởng kế tiếp; là người sẽ trở thành lãnh tụ về mặt thuộc linh của chi phái, của gia đình và thị tộc; là người sẽ trở thành thầy tế lễ, đến trước mặt Đức Chúa Trời cầu thay cho gia đình và cho chi phái của mình. Trong Cựu Ước, đặc biệt là sách Sáng thế ký, trở thành người nhận lãnh quyền trưởng nam cùng ơn phước và cơ nghiệp thuộc linh, là trở thành một mắc xích trong chuỗi gia tộc sẽ mang lại Đấng Mêsi! Quí vị đang nhìn thấy tầm quan trọng của sự ấy, mọi sự giàu có vật chất đời nầy chỉ là sự vô nghĩa mà thôi.

Giờ đây nếu quí vị hình dung ra bối cảnh nầy trong chương 25 trong một phút. Ngày nọ Giacốp đang đứng bên nồi canh phạn đậu, là thứ quí vị có thể tìm gặp ở xứ Syria và Ai cập ngày nay. Ở đó ông đang nấu canh nầy, và Êsau bổ nhào vào túp lều sau khi cật lực săn bắn cả ngày ở ngoài đồng về. Ông đã lã người đi vì đói, và ông không còn kiên nhẫn được nữa, nên đã kêu la trong tuyệt vọng: 'Hãy cho tôi ăn món đó đi!' Giacốp, nhanh như cắt, nhìn biết ngay cơ hội của mình. Ông nhìn biết: 'Anh nầy thực sự đang cần cái gì đó để ăn, nhưng thực sự ta thì cần một thứ, một thứ không đến với ta, một thứ mà ta không lãnh hội được nếu ta không làm một việc gì đó'. Vì vậy, ông quyết định hăm doạ Êsau để trở thành vị lãnh tụ thuộc linh của chi tộc của mình, của gia đình và thị tộc của ông. Bây giờ rõ ràng là Giacốp chỉ muốn làm việc nầy bởi vì ông biết rõ quyền ấy sẽ vận hành với Êsau, ông đã chẳng gắng sức lắm với việc đoạt lấy quyền nầy, nhưng rõ ràng Giacốp đã biết rõ khi cùng lớn lên với Êsau, rằng Êsau chẳng có giàu có, giá trị, và sự tôn trọng quyền trưởng nam của mình. Ông ta đã chẳng tôn trọng quyền ấy đủ nên mới từ bỏ quyền ấy chỉ vì một tô canh phạn đậu!

Đó là vấn đề đưa ra cho chúng ta tối nay – và chúng ta phải nhìn vào tấm lòng mình tối nay trước khi chúng ta xét đoán nhân vật Êsau nầy – vì có những đặc ân, nhiều vinh dự thuộc linh và nhiều ta lâng chúng ta đang có trong vai trò con cái Đức Chúa Trời hôm nay, và một số người trong chúng ta đang sẵn lòng đánh đổi chúng để lấy một kinh nghiệm khoái lạc ngắn ngủi làm thoả mãn thú tính trong tấm lòng của chúng ta chỉ trong một phút đồng hồ thôi. Há đấy chẳng phải là điều mà trước giả sách Hêbơrơ viết trong chương 12 sao? 'Hãy coi chừng, trong anh em chớ có ai gian dâm, cũng đừng có ai khinh lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng'. Có một việc chúng ta tiếp thu được từ Êsau: ấy là ông đã xem khinh quyền trưởng nam của mình. Vì vậy ao ước của Giacốp, nếu quí vị thích, là một ao ước đúng đắn, đó là một ao ước đúng đắn – song mục tiêu mà quí vị cần phải nhìn thấy trong chương 25 sách Sáng thế ký, ấy là dù ao ước của Giacốp là đúng đắn, phương thức ông sử dụng để đạt được ước ao đó là không đúng. Phương tiện không xưng công bình cho cứu cánh. Phải, Êsau không thích thú lắm về phần bằng hai địa vị của cha mình; phải, Êsau không thích thú lắm về quyền con trưởng thuộc linh, về cơ nghiệp thuộc linh, về việc trở thành tộc trưởng và thầy tế lễ trước mặt Đức Chúa Trời; phải, thậm chí ông không thích thú trong việc tiếp trợ cho mẹ mình, quyền nầy rơi trên vai người nào thừa hưởng phước hạnh của cơ nghiệp. Có lẽ sở dĩ như thế là vì ông đã nhìn thấy sự thật là Giacốp -- đứa con cưng của mẹ mình, và ông không hiếu kính với mẹ của mình – nhưng cho dù có như thế đi nữa, Êsau đã xem khinh quyền trưởng nam của mình, Giacốp mong muốn quyền trưởng nam đó, nhưng quí vị sẽ nhìn thấy sự việc nầy rõ ràng hơn tối nay: Giacốp đạt được một việc đúng đắn bằng một phương thức sai lầm.
"Đức Chúa Trời, với quyền tể trị và bổn tánh Toàn Năng của Ngài, có thể khiến cho cơn giận của loài người trở thành sự khen ngợi Ngài. Điều đấy há chẳng kỳ diệu sao? Những gì Giacốp làm ra là xấu, còn việc Đức Chúa Trời làm ra là tốt lành".

Ông là một người con cong quẹo, và dịp đầu tiên ông nghĩ ra là tước lấy quyền trưởng nam ra khỏi người anh của mình. Những gì Giacốp cần phải tiếp thu trong những ngày tháng ở trước mặt của đời mình là không có một con đường tắt nào để đạt tới mọi ơn phước của Đức Chúa Trời hết. Tuổi xuân cong quẹo của ông được đánh dấu như một người em đầy mưu mẹo, và việc thứ hai nằm ở trong chương 27, xin quí vị mở ra chương Kinh Thánh ấy. Người con cong quẹo nầy được thấy ông đã biến thành một người con dối trá - chương 27 câu 6 đến câu 29. Bây giờ quí vị biết rõ rồi đấy, và tôi nhận biết, rằng tuổi thanh xuân là một thời gian thử thách rất nặng nề. Nhưng việc lạ lùng về sự thử thách của Giacốp trong chương 27, ấy là nó xảy đến từ mẹ của ông. Ông là đứa con cưng của người Mẹ, và một ngày kia bà nghe lỏm được Ysác, một cụ già, là cha của Giacốp và Êsau, dự định tìm cách chúc phước cho Êsau, ông cụ tính chuyển giao cơ nghiệp thuộc linh, phần bằng hai cho Êsau chớ không dành cho Giacốp. Vì Giacốp là đứa con cưng của bà, bà đã bày đặt là Gia cốp chắc chắn sẽ nhận lãnh được phước hạnh, rồi vì vậy bà cho gọi Giacốp – bây giờ hãy chú ý trong phân đoạn, câu 13, bà đã gọi những hai lần. Quí bạn tôi ơi, khi quí vị còn trẻ tuổi, có nhiều lúc sự thử thách có thể xảy đến lần đầu tiên, và rồi sự thử thách sẽ đến lần thứ hai – quí vị có thể kháng cự sự thử thách đó lần đầu tiên, song lần thứ hai sự kêu gọi đến, quí vị sa ngã, và việc đáng kinh ngạc về sự sa ngã nầy là: sự kêu gọi xảy đến từ mẹ ruột của ông!

'Hãy ra ngoài gọi hai con dê vào đây. Chúng ta sẽ giết chúng, chúng ta nuôi chúng cho cha con ăn thịt, rồi với da của chúng, con sẽ khoác vào rồi giả vờ là Êsau'. Vì Giacốp vốn có bản tánh yếu đuối và cong quẹo trong lòng nên ông đã đáp ứng ngay, ông khoác lấy vào mình chiếc áo bằng da giống như anh ruột mình, thậm chí ông còn bắt chước theo mùi đồng ruộng của Êsau nữa. Ông bước vào lều của cha, ông cụ bây giờ đã mù rồi, và ông nói với Ysác: 'Tôi là Êsau, con trưởng nam của cha', câu 32. Việc kinh khiếp trong vụ việc là chỗ nầy: ông đã sử dụng danh của Chúa trong sự việc chẳng ra gì hết. Ysác không nhận ra giọng nói của Giacốp, có lẽ ông nghĩ: 'Giọng nói nầy giống giọng của Giacốp hơn là giọng của Êsau'. Ông cụ nói với Giacốp: 'Sao con đi săn được mau thế?' Và ở đây ông lấy danh Chúa mà nói như sau: 'Ấy nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của cha xui tôi gặp mau vậy!’ Quí vị có thấy ông ta đã cong quẹo rồi chứ? Sự cong quẹo nầy rất nguy hiểm, vì Ysác đã cảm nhận như trông thấy rõ ông có lông tay giống như Êsau có. Ông cụ đã ngửi mùi hương nơi người Giacốp, y như mùi hương của cánh đồng, mà Êsau đã có vậy, rồi khi ông cụ thoả mãn xong, ông cụ bèn chúc phước cho Giacốp. Giacốp đã nhận được điều ông mong muốn - OK, Êsau vốn không muốn điều đó, Giacốp muốn có điều đó, có thể là Giacốp đã vừa lòng Đức Chúa Trời, nhưng ông đã bước theo một phương thức không đúng đắn!

Quí bạn tôi ơi, điều nầy làm cho tôi hồi hộp đây. Chàng trai nầy có một tuổi thanh xuân cong quẹo, đây là người em đầy mưu mẹo, đây là một người con có tánh dối gạt, và đúng là một sự kinh sợ cho chúng ta tối nay khi nhìn vào đời sống của nhân vật nầy và nghĩ rằng chính chàng thanh niên nầy khi lớn lên trở thành người mà Thánh Linh Đức Chúa Trời gọi là: 'Hoàng Tử của Đức Chúa Trời' và tổ phụ của dân Israel! Thật là khó tưởng tượng khi chúng ta đọc ở chỗ nầy nói về ông trong những ngày đầu sớm sủa của ông. Thật là khó hiểu nổi làm thể nào Đức Chúa Trời lại chúc phước cho âm mưu đen tối trong đời sống của chàng trai trẻ nầy. Quí vị sẽ suy gẫm trong lòng: 'Được thôi, nếu đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời cho phép Giacốp nhận lãnh ơn phước, chớ không phải Êsau, chắc chắn đây là cách duy nhất thôi – nếu Ysác muốn chúc phước cho Êsau – thì sự thể nầy đã xảy ra theo cách không thành thật, sự ấy đã xảy ra theo cách đã được ghi chép lại ở đây?' Quí bạn tôi ơi, tôi không sao giải thích được sự việc nầy, nhưng điều tôi dám nói là đây: Giacốp đã tiếp nhận ơn phước theo con mắt của Đức Chúa Trời, nhưng Giacốp đã không nhận lãnh theo cách thức mà Đức Chúa Trời muốn ông phải nhận lãnh. Nhưng tôi sẽ nói cho quí vị biết một việc có thể phân tích và tóm tắt lại toàn bộ sự việc: Đức Chúa Trời, theo quyền tể trị và bổn tánh toàn năng của Ngài, có thể khiến cho cơn giận của loài người thành ra sự khen ngợi Ngài. Như thế há chẳng kỳ diệu sao? Việc Giacốp làm là xấu, còn điều Đức Chúa Trời làm ra là tốt lành.

"Vô luận tuổi xuân của quí vị có cong quẹo cỡ nào, dù có lắm mưu mẹo và dối gạt, đúng là một sự vui mừng khi nhận biết rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời, không những là Đấng có quyền phục hưng những năm tháng mà loài cào cào đã ăn mất, mà còn phục hưng tuổi xuân mà loài cào cào đã gậm nhấm nữa!"
Sâu xa hơn, phước hạnh đến với tôi hôm nay khi tôi nghiên cứu bài học nầy, và đúng là một ơn phước cho tấm lòng tôi khi tôi suy gẫm lại những tội lỗi thời niên thiếu của mình! Quí vị cũng thế chứ, có phải không? Những việc đã toát ra từ tâm trí của quí vị, những việc xấu xa cần phải che giấu đó, những bóng ma ám ảnh quí vị vào các thời điểm mà quí vị chẳng trông mong nó đến. Quí vị đang có những tư tưởng và những việc làm thánh khiết, và đột nhiên quí vị được nhắc nhớ tới việc gì đó mà quí vị đã làm lúc tuổi còn thanh niên, khi quí vị sống cách dại dột, khi quí vị cong quẹo, khi quí vị mưu mẹo và dối gạt. Đúng là tư tưởng ấy tối nay: cụ Gióp, cụ nghĩ Đức Chúa Trời đang rủa sả cụ vì những tội lỗi của thời thanh niên của mình, quí vị có thấy thế không? Trong chương 13 của quyển sách, câu 26, cụ nói: 'Vì Chúa làm cho tôi bị điều cay đắng, và khiến cho tôi gánh các tội ác phạm lúc thanh niên' - 'Ngài đang trừng phạt tôi vì những điều tôi đã phạm trong quá khứ'. Điều nầy thật là tươi mới dường bao, mặc dù chỉ có Êlipha nói đến trong chương 33 của sách Gióp, hãy đọc lên lời nói của người biết ăn năn tội lỗi mình: 'Người sẽ được thẳng da mát thịt như buổi thơ ấu; Người trở lại ngày đang thì'. Quả là có hy vọng nơi Đức Chúa Trời của chúng ta! Vô luận tuổi xuân của quí vị có cong quẹo cở nào, dù có lắm mưu mẹo và dối gạt, đúng là một sự vui mừng khi nhận biết rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời, không những là Đấng có quyền phục hưng những năm tháng mà loài cào cào đã ăn mất, mà còn phục hưng tuổi xuân mà loài cào cào đã gậm nhấm nữa!

Thật là kỳ diệu, tôi muốn khích lệ quí vị tối nay, là những người trẻ: đừng phung phí tuổi xuân của mình vì quí vị nhận biết Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho quí vị. Chẳng lẽ chúng ta cứ tiếp tục sống trong tội lỗi khi ân điển đang dư dật chăng? Tất nhiên là chúng ta sẽ không như thế rồi! Solomon nói trong lời lẽ khôn ngoan của ông trong Truyền đạo 12: 'Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi' – nhưng quả là điều vui mừng nếu quí vị suy gẫm lại tối nay, và chẳng có một sự trông cậy nào hết vì quí vị đã phung phí tuổi xuân của mình, quí vị đã làm cho đời sống ấy bị nhiễm trong tội lỗi và cám dỗ, quí vị đã dìm đời sống ấy vào điều tội lỗi của một thời thơ ấu cong quẹo, đúng là một sự vui mừng quí vị có thể nói giống như tác giả Thi thiên trong Thi thiên 25: 'Xin chớ nhớ các tội lỗi của buổi đang-thì tôi' – và câu trả lời đến từ sự vinh hiển cực kỳ: ‘Ta không còn nhớ đến tội lỗi của ngươi nữa'. Đừng để cho ma quỉ lôi kéo quí vị nữa! Chúng ở dưới huyết, chúng đã đi xa rồi, chúng đã xong đời, chúng đã chết với Đấng Christ, bị chôn với Đấng Christ, và đời mới của quí vị đã vươn cao lên với Đấng Christ! Đúng là một sự vui mừng cho hết thảy chúng ta, những ai đã làm ra nhiều việc trong tuổi đang thì mình, chúng ta ước ao chúng ta chưa hề làm ra những sự ấy.

Quí bạn có mặt tối nay ơi, và con cái của quí vị đang làm tan nát tấm lòng của quí vị, con cái quí vị tự chúng đang đắm chìm trong tội lỗi của tuổi đang thì của chúng, cho phép tôi khích lệ quí vị tối nay nhé? Hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời, vì một số nhân vật khỗng lồ nhất trong Kinh Thánh đã làm đúng chính xác sự việc mà bạn trai bạn gái của quí vị đang làm theo tối nay – và hãy nhìn xem họ đang ở đâu tối nay! Một số trong vòng họ có mặt trong Hêbơrơ 11, nơi sãnh đường đức tin, nơi sãnh đường danh tiếng của Đức Chúa Trời. Hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời.

Quí vị có thể tưởng tượng ra Êsau đã không giống như thế nầy đâu! Giacốp đã gài bẫy Êsau và đoạt lấy cơ nghiệp của Êsau, và Êsau thề sẽ báo thù – muốn giết em của mình, săn đuổi em mình như săn một con chó vậy. Rêbeca, trong túp lều của bà, đã nghe lóm những gì Êsau đã thốt ra với ý định báo thù, và bà sợ hãi dùm cho đứa con cưng yêu dấu của mình là Giacốp. Vì vậy bà nói cho Giacốp biết: 'Con phải đi đến Laban là anh trai của ta ở Haran. Hãy đi đi, hãy gói ghém đồ đạt tối nay và hãy trốn đi'. Những gì đang diễn ra ở đây là Giacốp đang bắt đầu bước vào trường đào tạo của Đức Chúa Trời, Giacốp đang bắt đầu nhìn biết quí vị không thể nào có được ơn phước do trở thành một kẻ cong quẹo, do trở thành một kẻ chiếm đoạt, kẻ chiếm vị và là một tên cướp. Quí vị nên học theo đường lối của Đức Chúa Trời nếu quí vị muốn thực sự được phước.

"Ông ngước nhìn lên các ngôi sao rồi nằm xuống ngủ, và tôi muốn quí vị nhìn thấy điều nầy tối nay: ngay chính chỗ mà Giacốp đang nằm, chỗ mà Đức Chúa Trời dẫn dắt ông đến, là chỗ duy nhất mà Đức Chúa Trời có thể chúc phước cho ông".
Chúng ta thấy khi chúng ta xem xét đời sống của nhân vật Giacốp nầy, thì thấy Giacốp đang tiếp thu qua sự chịu khổ. Quí vị có thấy ông đang gói ghém hành lý, hôn từ biệt mẹ mình không? Quí vị có thấy ông đang bước vào túp lều của cha mình để nhận lấy ơn phước và lời chào từ biệt của Ysác chăng? Quí vị có thấy ông ra đi trong đêm tối, đang băng ngang qua sa mạc không? Tôi dám chắc ngay lúc đầu cuộc ra đi nầy rất là lý thú đối với Giacốp, đã có cảm xúc phấn chấn về chuyến phiêu lưu, đây là lần đầu tiên ông từng rời khỏi gia đình – nhưng tôi cũng dám chắc rằng khi ông đi hết dặm đường nầy sang dặm đường khác, ông khởi sự cảm nhận tình trạng cô đơn, lần xa nhà nầy của ông không có gì là tốt lành như ông tưởng đâu! Ông bắt đầu cảm thấy buồn chán – giờ đây những đám mây tối tăm đang vầy ngang bầu trời xanh lơ của ông. Ông đã nhận lãnh phước hạnh, song ở đó ông đã sống trong nỗi cô độc. Ông đang bỏ chạy trong nỗi sợ hãi, có lẽ mọi tư tưởng đang thoắt hiện qua lý trí ông là đây: 'Êsau đã nghĩ gì về ta? Phải chăng anh ấy sẽ sai bầy chó đuổi theo ta? Phải chăng anh ấy sẽ sai cả đoàn tuỳ tùng của anh ấy săn đuổi ta?'. Ông không có một mái nhà nào trên đầu mình, ông không có một chiếc giường ngủ nào, ông không có một cái gối nào hết để gối đầu. Mệt mỏi và buồn chán, ông đã đến tận Bêtên, và ông kiếm một hòn đá lớn mà gối đầu mình trên đó. Ông ngước nhìn lên các ngôi sao rồi nằm xuống ngủ, và tôi muốn quí vị nhìn thấy điều nầy tối nay: ngay chính chỗ mà Giacốp đang nằm, chỗ mà Đức Chúa Trời dẫn dắt ông đến, là chỗ duy nhất mà Đức Chúa Trời có thể chúc phước cho ông.

Khi ông không còn nhận thức gì về thế giới ở chung quanh, và về mọi sự gian nan của mình nữa, Đức Chúa Trời đã ban cho ông một giấc chiêm bao và Đức Chúa Trời đã cung ứng cho ông một sự hiện thấy. Ông đã nhìn thấy một cái thang bắc từ Đức Chúa Trời, từ thiên đàng xuống đất, và các thiên sứ đi lên đi xuống trên thang ấy. Hỡi con cái của Đức Chúa Trời, đây là chỗ duy nhất mà Đức Chúa Trời có thể phán với Giacốp. Khi Đức Chúa Trời hướng dẫn những người nam người nữ, Ngài hướng dẫn chúng ta đến những địa điểm nhất định nào đó, ở đó không có tiện nghi, không thấy chi là tốt lành ở đó hết, thậm chí không thấy hợp lý nữa, nhưng có nhiều lúc trong đời sống của chúng ta khi đó là nơi mà Đức Chúa Trời sẽ phán dạy và đấy là chỗ mà Đức Chúa Trời đã chọn để phán dạy. 'Đức Giêhôva là Đấng Chăn Giữ tôi', đấy mới là vấn đề. Mọi người đều chống nghịch ông, gia đình ruột rà của ông đã chống nghịch ông, và ông phải ra đi làm một khách lạ đến với người bà con của mình - Laban ở Haran – nhưng quí bạn tôi ơi, tôi muốn quí vị nhìn thấy những gì Đức Chúa Trời đang tỏ ra cho nhân vật nầy nhìn thấy khi ông gối đầu mình trên chiếc gối: Ngài đang tỏ ra cho ông thấy Đức Chúa Trời đang ngự ở đó, và chính trong chỗ lộn xộn mà ông có một sự kết nối với Đức Chúa Trời. Đây là một cái thang mà ông không có leo lên, hoặc ông không ở gần đỉnh thang ấy, nhưng Đức Chúa Trời đang cho ông thấy: 'Hãy nhìn đây, ta đang có mặt ở đây, ta đang có mặt ở đây vì ngươi! Trong đồng vắng nầy mà ngươi đang nếm trải, ngươi được nối kết với ta bằng giao ước và bằng ân điển'.

Lời của Đức Chúa Trời cho chúng ta biết rằng thiên sứ của Đức Chúa Trời là những linh đang phục vụ, họ bày tỏ ra ý chỉ của Ngài. Chúng ta đọc trong sách Đaniên thì thấy Đaniên đã cầu thay trong 21 ngày, chính thiên sứ trưởng Michael đã bay đến để đáp lời cầu nguyện của Đaniên. Tôi tin chắc trên thẩm quyền của các phân đoạn Kinh Thánh đó, là đôi khi các thiên sứ bày tỏ ra ý chỉ của Đức Chúa Trời trong sự đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi tin những gì Đức Chúa Trời đang tỏ cho Giacốp thấy là điều nầy: 'Nếu ngươi dâng lên những lời cầu nguyện, ta sẽ ban ơn phước xuống cho!' Nếu sự ấy vẫn chưa đủ cho ông để nghe, ông đã nghe thấy lời của Đức Chúa Trời, ông đã nghe thấy tiếng phán của Đức Chúa Trời – và đây là những gì Đức Chúa Trời phán cùng ông trong giấc chiêm bao: 'Ta sẽ ở cùng ngươi, ta sẽ gìn giữ ngươi, ta sẽ làm điều chi ta đã phán cùng ngươi'. Ngài quả đúng là một Đức Chúa Trời của ân điển! Con người cong quẹo nầy, đang tắm tuổi xuân mình trong tội lỗi, đang mưu mẹo nghịch cùng anh của mình, đang dối gạt cha ruột mình, đang ở trong đồng vắng tội lỗi – thế mà Đức Chúa Trời của ân điển lại hiện ra cùng ông! Hết thảy chúng ta đều có Bêtên của mình, có phải không? Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta đã có Bêtên của mình!

"Hỡi những bạn trẻ tuổi, một trong các bài học mà chúng ta có thể tiếp thu là: khi quí bạn tìm kiếm người bạn đời trong cuộc sống, một người chồng hay một người vợ, thì cần phải có một tình yêu chơn thật. Tôi biết đã có một số cuộc hôn nhân được sắp đặt trước trong Kinh Thánh, nhưng các cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất mà tôi đã nhìn thấy đều là tình yêu chơn thật".
Thế rồi ông đến bên một cái giếng, và gặp một thiếu nữ ông ưa thích. Ông trông thấy Rachên, họ giới thiệu cho nhau, họ nhận ra họ có bà con với nhau, họ là chị em cô cậu – thực ra đây là con gái của Laban, là người mà ông đã ra sức để ăn ở với. Ông đem lòng yêu Rachên cô thiếu nữ nầy, và khi ông đến tại nhà của Laban, Laban đồng ý ông sẽ gã Rachên cho Giacốp sau 7 năm làm việc cho ông. Thật là thú vị khi thấy điều gì đến lại đến. Đây không phải là phần trích dẫn theo Kinh Thánh đâu, mà đây là sự thực. Lão Laban xảo quyệt đã gạt Giacốp như lão ta đã dối gạt nhiều người khác suốt bao năm tháng. Đúng vào ngày đám cưới giữa Rachên và Giacốp, Laban đem Lêa thế chỗ cho Rachên, và Giacốp cong quẹo kia nhận ra sau những lời thề hôn nhân là ông đã cưới phải một cô gái khác! Giờ đây kẻ dối gạt lại bị dối gạt! Ông đã nổi giận, ông đến gặp Laban, Laban nói: 'Được thôi, nếu cháu làm công 7 năm khác cho cậu thì cậu sẽ gã Rachên cho'.

Có nhiều bài học mà chúng ta có thể tiếp thu từ sự việc nầy. Hỡi những bạn trẻ tuổi, một trong các bài học mà chúng ta có thể tiếp thu là: khi quí bạn tìm kiếm người bạn đời trong cuộc sống, một người chồng hay một người vợ, thì cần phải có một tình yêu chơn thật. Tôi biết đã có một số cuộc hôn nhân được sắp đặt trước trong Kinh Thánh, nhưng các cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất mà tôi đã nhìn thấy đều là tình yêu chơn thật. Việc đầu tiên chúng ta đọc thấy, ấy là Giacốp đã đến gặp Laban, sau khi lìa cha mình là Ysác, khi Ysác chúc phước cho ông trong chương 28 câu 1, Ysác chúc phước cho Giacốp như vầy: “Con chớ chọn một người vợ nào hết trong bọn con gái Ca-na-an”. Giờ đây hãy nghe, hỡi những bạn trẻ tuổi, quí bạn không nên bước vào thế gian mà kiếm một người vợ, quí vị không nên mang ách với những kẻ chẳng tin. Quí vị có trong quyển Kinh Cựu Ước giấy trắng mực đen, và quí vị lại có trong Tân Ước, người tốt đẹp nhất để yêu thương phải là một con cái của Đức Chúa Trời, vì họ kính sợ Đấng Christ.

Việc thứ hai chúng ta tiếp thu: ấy là khi cả hai về nhà sống hạnh phúc bên nhau, với người mình lựa chọn. Bây giờ việc ấy không luôn luôn xảy ra, nhưng tôi có thể nói cho quí vị biết điều chi tốt lành trong trường hợp nầy. Trong câu 20 chúng ta thấy rằng Giacốp đã lao động 7 năm để cưới Rachên, chương 29 tôi xin quí vị tha thứ cho, chương 29 và câu 20: 'Vậy, Gia-cốp vì Ra-chên, phải giúp việc trong bảy năm: nhưng bởi yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa'. Đó là một trong những câu tuyệt vời nhất trong cả Kinh Thánh, đối với tình yêu mà Giacốp có đối với Rachên, 7 năm chỉ bằng từng đôi ba bữa. Một tác giả đã viết: 'Tình yêu là quyền lực đủ để biến một con đường gồ ghề ra bằng phẳng và một cuộc đợi lâu dài ra ngắn ngủi'. Hỡi quí bạn trẻ tuổi, quí vị phải yêu thương nhau, và quí vị phải kính sợ Chúa thì mới lấy nhau được – nhưng hãy xem điều nầy: Giacốp đã lao động trong 7 năm để được Lêa! Ông đã bị lừa dối, và ông đã lao động như bị buộc phải lao động trong 7 năm khác để cưới Rachên – mục tiêu là đây: ông đã bằng lòng để làm theo sự bó buộc đó! Quí vị có thể yêu đương và có một mối tình lãng mạn vĩ đại nhất, tình yêu lúc ban đầu xem như đang hiện hữu, quí vị có thể có mọi sự, quí vị có thể có cả hai bên gia đình đều thích người bạn đời mà quí vị đã lựa chọn, nhưng cho dù quí vị có chịu làm công hay không chịu làm công! Quí vị phải chịu làm công đấy thôi. Nếu quí vị chưa chuẩn bị để làm công cho cuộc hôn nhân ấy, thì đừng bước vào đó! Nếu quí vị thực sự yêu thương người bạn đời của mình, quí vị sẽ dính díu với họ.

Bây giờ hết thảy chúng ta đều đã biết rõ rồi, về sự tổn hại của chính chúng ta, sự tổn hại ấy không luôn luôn thể hiện ra cho ai đó. Nó khiến cho hai người phải nhảy tango, nó khiến cho hai người phải lao động cật lực, có phải không? Có thể một người bạn đời không muốn lao động vì cuộc hôn nhân ấy, và có người giống như Giacốp đã bị dối gạt thật là trầm trọng, và nếu quí vị có thể làm theo như vầy: người nào tưởng họ đang lấy vợ, họ sẽ xoay sở khác với người thực sự kết hôn! Giacốp tưởng ông sẽ cưới Rachên, thế rồi lại là Lêa, và ông đã thất vọng – có rất nhiều người bị thất vọng như thế, có nhiều người đau khổ, và đúng là một thử thách cho con cái của Đức Chúa Trời phải đi lấy một con quái thú. Quí vị có biết gì không? Vô luận một số cuộc hôn nhân đi đến kết thúc như thế nào đi nữa, tôi không xét đoán nhưng tôi muốn nói cho quí vị biết điều nầy: đối với nhiều người, một người nam hay một người nữ, họ đang ở trong trường đau khổ của Đức Chúa Trời thậm chí khi ở trong cuộc hôn nhân của họ! Một Cơ đốc nhân nhiều khi phải bình tĩnh chấp nhận đang khi xáo động trong một đám cưới đầy thử thách.

Vô luận một số cuộc hôn nhân đi đến kết thúc như thế nào đi nữa, tôi không xét đoán nhưng tôi muốn nói cho quí vị biết điều nầy: đối với nhiều người, một người nam hay một người nữ, họ đang ở trong trường đau khổ của Đức Chúa Trời thậm chí khi ở trong cuộc hôn nhân của họ! Một Cơ đốc nhân nhiều khi phải bình tĩnh chấp nhận đang khi xáo động trong một đám cưới đầy thử thách.
Chúng ta tiếp tục và chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã hướng dẫn ông qua nỗi nhọc nhằn trong lao động vì tình yêu ấy, và một lần nữa ông đến với chương 32, chúng ta đã đọc chung với nhau vào lúc khởi sự nhóm lại. Tôi nghĩ rằng đây là đỉnh cao đời sống đức tin của Giacốp, vì ông đến một điểm mà ở đó ông trở thành một tay đấu vật đắc thắng. Lên tới chỗ nầy ông đã nhận lãnh được nhiều việc trong đời sống mình bằng cách cướp lấy chúng hay chiếm lấy chúng, đúng theo ý nghĩa của cái tên ông có. Ông đã dối gạt người ta để tước lấy quyền con trưởng, ông đã dối gạt người ta để lấy đi phần cơ nghiệp, ông đã chộp lấy, chiếm lấy và cong quẹo để chiếm được phước hạnh của Đức Chúa Trời, còn Đức Chúa Trời đã nói cho ông biết trong chương 32: 'Thật là khó nhận lãnh phước hạnh thực của ta bằng cách luồn lách vào trong đó, phước hạnh không có được do lừa đảo, mà là do ân điển'. Giacốp trở thành, trong chương 32, nhân vật mà Đức Chúa Trời phải phá vỡ trình tự ban phước.

Đây là điểm xoay chiều trong cuộc đời của ông, và tôi muốn quí vị nhìn thấy 5 việc dưới tiêu đề nầy. Thứ nhứt: tình trạng của ông trong câu 24, tình trạng của ông. Kinh Thánh chép rằng Giacốp đã ở lại có một mình. Bây giờ, hỡi quí bạn của tôi tối nay, con đường phước hạnh là một con đường khó nhọc, đó thường là con đường cô độc. Những người nam người nữ cao trọng của Đức Chúa Trời nhiều khi phải bước đi trên con đường cô độc đau khổ, cô độc vào lúc sáng sớm trong sự cầu nguyện, cô độc trong sự họ sốt sắng khi con cái Đức Chúa Trời ở quanh họ chẳng chút quan tâm và chỉ có dửng dưng, lẽ đạo cô độc đang đứng vững chắc cho chân lý. Vô luận sự thể có như thế nào, đó có thể là một nỗi đau khổ cô độc riêng phần quí vị mà chẳng có ai cầu thay cho, nhưng chỉ có những người mà Đức Chúa Trời tìm kiếm để gỡ ra khỏi thế gian đủ cho họ bám chặt lấy Đức Chúa Trời và để Đức Chúa Trời nắm chặt lấy họ. Quí bạn tôi tối nay ơi, tôi nói cho quí vị biết nếu quí vị đang chịu khổ: vì cớ đó chúng ta hãy đến cùng Ngài ở ngoài trại quân, chịu lấy sự quở trách của Ngài. Chúng ta hãy bước theo Giăng Báptít, chúng ta hãy bước theo Êli, chúng ta hãy bước theo Đức Chúa Giêxu Christ Chúa chúng ta, là Đấng đã một mình chịu khổ ở đó, trên đồi Gôgôtha, nhưng Ngài đã có mặt ở đó!
Tình trạng của ông là cô độc. Thứ hai, chúng ta thấy lời cầu nguyện của ông. Có ba việc về lời cầu nguyện nầy, thứ nhứt là tình thế của ông trong câu 24: ông đã đấu vật. Chúa Giêxu phán trong Bài Giảng Trên Núi: 'Hãy phấn đấu để vào Nước Trời, hãy phấn đấu mà vào cửa hẹp'. Chúng ta đọc thấy về Chúa trong Luca 22, đang chịu thương khó trong vườn Ghếtsêmanê, Ngài đã cầu nguyện trong nỗi thống khổ. Êphêsô 6, Phaolô nói: 'Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực…'. Hêbơrơ 5 nói về Chúa đang cầu nguyện trong vườn Ghếtsêmanê: 'Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết'. Tôi không biết quí vị chịu đựng điều chi tối nay, nhưng nếu quí vị đang chịu đựng đau khổ, tôi dám chắc có những lúc quí vị đã kêu cầu với Đức Chúa Trời, quí vị đã đánh trận trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời bằng sự cầu nguyện. Nhưng hãy xem lời cầu nguyện của Ngài thay đổi trong câu 25, lời cầu xin ấy thốt ra khi trời vừa hừng sáng, ông đã đánh trận suốt cả đêm, lời cầu nguyện của ông là lời cầu nguyện đắc thắng. Tôi muốn quí vị nhìn thấy tối nay là trong cuộc tranh đấu của chúng ta với đau khổ, với thử thách và với hoạn nạn, Đức Chúa Trời đang đưa chúng ta qua những việc nầy để Ngài xem coi chúng ta có tin cậy Ngài hay không!?! Chúng ta có trông cậy vào một mình Ngài hay không!?!

Thật là thú vị khi chúng ta xem trong câu 25, tôi tin rằng đây là Christophany, một sự hiện ra của Đức Chúa Giêxu Christ trước khi Ngài tỏ ra trong xác thịt tại thành Bếtlêhem, tôi tin chính Ngài là Đấng đã đấu vật với Giacốp. Khi Ngài đang đấu vật, Kinh thánh chép trong câu 25, khi Ngài nhìn thấy Ngài không thắng nổi ông – giờ đây nói như thế thì không có nghĩa là Ngài không thể đánh bại ông, nhưng khi Ngài nhìn thấy Giacốp rất căng thẳng và ông đã quyết định phải thắng hơn Đức Chúa Trời khi ông đấu vật với Ngài, ngay khi ấy Ngài đã đánh vào chân ông. Hỡi con cái của Đức Chúa Trời đang nếm trải đau khổ tối nay, hãy nghe đây: bền bĩ chịu đựng đau khổ luôn luôn đem lại phước hạnh, luôn luôn là như thế. Quí vị có thể nhìn thấy phước hạnh ấy trong lãnh vực tự nhiên, trong sự sinh nở và sự thắng hơn nỗi đau, và rồi một đứa con kháu khỉnh ra đời. Quí vị có thể nhìn thấy phước hạnh ấy với mọi nổ lực cần cù của một vị hoạ sĩ, và bức tranh đã thành hình. Quí vị có thể thấy phước hạnh ấy nơi sự vất vả lao động và gieo giống trong đồng ruộng hết tuần nầy đến tuần lễ khác, hết tháng nầy đến tháng khác, nhưng chắc chắn sẽ có một mùa gặt trúng được gặt lấy. Quí vị có thể nhìn thấy phước hạnh ấy với vị nhạc sĩ soạn nhạc với những nốt nhạc nhỏ nhắn, và những tư tưởng cóp nhặt lại mà ông phải gợi lên, nhưng vào lúc sau cùng có một bản giao hưởng vĩ đại tuyệt vời thành hình từ chỗ lao động vất vả của ông ta. Đức Chúa Trời phán với quí vị, hỡi con cái đang nếm trải đau khổ tối nay: 'Đức Giêhôva là tốt lành cho những ai trông đợi Ngài, Ngài tốt lành cho linh hồn nào biết tìm kiếm Ngài. Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa‘.

"Tôi xin được khích lệ quí vị: trong nỗi đau khổ và trong những cơn thử thách, trong sự dằn vặt của quí vị – hãy lạc quan đi, hãy bám vào đấy! Hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời và hãy trở thành một người đắc thắng, đừng là kẻ bi quan yếm thế, và hãy tin cậy Ngài!"
Ông đã đắc thắng và ông rất bền đỗ, vì ông đã nói trong câu 26: 'Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi’. Ồ, không có chủ nghĩa tiêu cực trong Cơ đốc giáo ngày hôm nay! Tôi xin được khích lệ quí vị: trong nỗi đau khổ và trong những cơn thử thách, trong sự dằn vặt của quí vị – hãy lạc quan đi, hãy bám vào đấy! Hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời và hãy trở thành một người đắc thắng, đừng là kẻ bi quan yếm thế, và hãy tin cậy Ngài!

Đã có tình trạng của ông: cô độc; lời cầu nguyện của ông; và kế đó có nỗi đau khổ của ông, vì Chúa Giêxu đã đánh vào hông của ông và làm trặc xương hông. Tôi tin điều nầy nói cho chúng ta biết về sự tan vỡ, tôi tin Chúa đang phán: 'Nếu ta muốn ban phước cho ngươi, hỡi Giacốp, ta phải làm cho ngươi tan vỡ'. Con đường phước hạnh là con đường tan vỡ, và cách thức quí vị nếm trải nỗi đau khổ, và thể nào quí vị trải qua cơn thử thách, cơn bịnh tật và nỗi đau buồn của quí vị, đều quyết định và nương vào cách quí vị nhìn xem chúng! Đây là dòng cuối. Nếu quí vị nói: 'Tôi không lèo lái được cuộc đời của mình, điều nầy sẽ không xảy ra với tôi đâu. Tại sao Đức Chúa Trời cho phép điều nầy xảy ra? Đức Chúa Trời không yêu thương tôi gì hết nếu Ngài để cho điều nầy xảy đến trong đời sống tôi!'. Nếu quí vị nhìn xem sự thể theo cách nầy, quí vị không bao giờ đắc thắng được và quí vị sẽ không bao giờ nhận lãnh được phước hạnh từ nỗi đau khổ của mình, nhưng nếu quí vị nhìn xem sự việc rồi nói: 'Đây là bàn tay của Đức Chúa Trời, tôi không hiểu việc ấy nhưng tôi biết bàn tay của Đức Chúa Trời đã hoạch định việc ấy và tôi tin cậy bàn tay Ngài! Ngài cho phép điều nầy xảy ra vì ích cho tôi, Ngài sẽ đổi điều chi làm hại tôi thành ra niềm vui mừng đời đời cho tôi!'.

Quí vị biết đấy, những việc chúng ta thường kháng cự lại bước vào đời sống của chúng ta – thực vậy, tôi muốn nói mọi sự xảy đến trong đời sống chúng ta – đều được phép của Đức Chúa Trời. Bàn tay của Đức Chúa Trời sẽ không làm ra điều đó, cũng giống như Gióp, mà chính Satan đã được phép bởi hội đồng tối cao và ý chỉ của Đức Chúa Trời. Quí bạn tôi ơi, hãy nhìn xem sự thể theo cách nầy! Giacốp không còn như trước nữa sau khi ông đã tan vỡ, sau khi ông bị đánh vào hông rồi bị trặc xương hông. Hãy xem câu 31, câu nầy nói kể từ ngày đó trở đi ông đã khập khiễng, và người ta có thể trông thấy bản ngã nơi Giacốp đã tan vỡ và yếu đuối đi. Nhiều người khác có thể trông thấy ông đã có một cái chạm từ Đức Chúa Trời, và chúng ta đọc trong sách Hêbơrơ rằng cho đến cuối đời ông đã hướng vào sự thờ phượng Đức Chúa Trời – tan vỡ, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho ông tan vỡ để ban phước cho ông! Đức Chúa Trời đã đặt dấu ấn của Ngài trên ông bằng cách làm cho ông tan vỡ. Một trước giả nói: 'Sợi gân của cái tôi phải bị teo lại'. Tôi phải tin rằng hai con ngựa kéo chung với nhau không thể kéo một bên sức, và đôi khi có những việc trong đời sống chúng ta không thể làm tan vỡ bằng cách thế nào khác hơn bằng sự đau khổ. Cho phép tôi nói cho quí vị biết rằng khi gặp gỡ với Đức Chúa Trời ở cấp độ nầy, giống như Giacốp, sự gặp gỡ đó không chạm đến ý kiến và học thuyết của quí vị, nó làm thay đổi con người của quí vị – và Đức Chúa Trời phán: 'Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên‘, và ông đã được thay đổi!

Trong câu 32, chúng ta thấy sự thay đổi không những tác động vào ông theo cách riêng và tên của ông, mà nó còn tác động vào cả quốc gia, vì kể từ ngày đó cho tới chỗ nầy sách Sáng thế ký đã được viết ra, họ không hề ăn gân của bắp vế của một con thú nào hết. Sự thay đổi đó đã tác động cả một dòng dõi sống cho Đức Chúa Trời, sự tan vỡ và sự làm chứng của một người qua sự thay đổi đó! Tôi nói cho quí vị biết điều nầy: Cụ Giacốp đã ý thức về cái chạm của Đức Chúa Trời mỗi ngày kể từ sau ngày ấy. Tiếp đến có sức lực của ông trong câu 28, Đức Chúa Trời phán với ông: 'vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta'. Ông vốn biết rõ Đức Chúa Trời của ông, ông đã đạt tới mức nhận biết Đức Chúa Trời của ông, giống như David vốn là người vừa lòng Đức Chúa Trời, giống như Ápraham vào tuần lễ qua, ông đã được gọi là thiết hữu của Đức Chúa Trời, và hãy nghe tối nay – quí vị là những người đang nếm trải sự thử thách – họ đạt tới chỗ nhận biết Đức Chúa Trời của họ trong lò đau khổ! Đấy là những điều Phaolô muốn nói khi ông thổ lộ: 'Để tôi nhận biết Ngài, và nhận biết quyền phép của sự sống lại của Ngài', đừng dừng lại ở đây, 'và mối thông công của sự thương khó của Ngài' – và nếu quí vị không có mối thông công trong sự thương khó, quí vị sẽ không thích ứng với ảnh tượng của Ngài!

"Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta tối nay! Phép lạ là: Ngài hằng hữu vì chúng ta! Mọi sự hiệp lại vì ích cho chúng ta vì Ngài hằng hữu!"
Thế rồi có phần thưởng của ông: Phêniên, trong câu 29 - 'Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi'. Quí vị có biết đâu là chương trình của Đức Chúa Trời trong nỗi khổ của quí vị tối nay không? Để cho quí vị thấy Ngài mặt đối mặt! Để cho quí vị được đem đến gần hơn! Ồ, tôi đã nói nhiều quá với quí vị. Quí vị biết đấy, những gian nan của quí vị chưa dừng lại ở đó, nếu có điều chi họ nhận lãnh trội hơn vì ông trở thành một người cha đầy rối rắm trong chương 34, 35 và 38. Đina đã bị Sichem làm cho ô uế, và quí vị nhớ tới Lêvi và Simêôn, hai con trai của Giacốp, họ đi ra và bày mưu gài bẫy Sichem – họ nói: 'các ông có thể cưới em gái chúng tôi nếu các ông chịu phép cắt bì', và qua ngày sau họ đã chịu phép cắt bì, họ biết họ không còn khả năng để đánh trận, vì vậy hết thảy họ cùng nhau ập vào rồi tàn sát nhiều người của Sichem! Hai trong số những người con trai của ông đã trở thành kẻ giết người, Rubên đã phạm vào tội tà dâm với Bila, hầu của Giacốp. Kế đó chúng ta thấy Giuđa phạm tội tà dâm với Tama, nàng đã đột lốt kỵ nữ – hỡi các chàng trai, mọi nan đề của ông chỉ mới khởi sự mà thôi, nỗi đau khổ do con cái ông gây ra. Chúng ta thấy kế đó những người thân yêu của ông bắt đầu ngã chết, ông là người khóc lóc thảm thiết, ông mất vợ mình là Rachên, người yêu dấu của ông, đang khi sanh con. Ông đã chôn Ysác cha mình trong chương 37. Sau đó chúng ta thấy rằng ông đã lìa khỏi đứa con yêu dấu của mình, là đứa con ông yêu nhiều nhất, là Giôsép. Mấy người con kể cho ông nghe là Giôsép đã bị giết chết, và chúng đem chiếc áo choàng nihều màu sắc của Giôsép về, chiếc áo đã được nhúng trong huyết. Quí vị có thể nhìn thấy nỗi đau khổ mà nhân vật nầy đã nếm trải trong cuộc sống chưa?

Làm ơn dành cho tôi chừng một hay hai phút. Nhân vật nầy, ông chẳng biết nắng cũng chẳng biết mưa, ông chẳng biết vui mừng, chỉ biết có buồn rầu, chẳng biết bình an, chỉ biết đau khổ. Quí vị có nhớ khi Giôsép còn ở tại Ai cập, và Giôsép đã yêu cầu phải đưa Bêngiamin đến không? Quí vị có nhớ không? Quí vị có nhớ Giôsép đã thử anh em mình, rồi tìm cách dẫn họ vào một sự hiểu biết những điều họ đã làm cho ông. Trong Sáng thế ký 42 và câu 36 ghi như thế nầy: 'Gia-cốp, cha họ bèn nói rằng: Bay làm mất các con tao; Giô-sép đã mất biệt, Si-mê-ôn cũng mất biệt; mà bây giờ, lại muốn dẫn Bên-gia-min đi nữa sao! Các nông nỗi nầy đều đổ lại cho tao hết!'. Mọi sự nầy đều đổ lại cho tao hết! Quí vị có cảm thấy như thế không? Tôi nói cho quí vị biết điều nầy, ông không biết phần cuối của câu chuyện! Ông không biết nhân vật đang bắt lấy con cái của ông là nhân vật ở tại Ai cập lo nuôi dưỡng bầy con cháu của ông trong cơn đói kém, vì đó là con ruột của ông! Ông không biết, nhưng ông lại lo xa rằng hết thảy mọi sự nầy đều đổ lại trên ông. Quí bạn tôi ơi, ông đã xét đoán những việc bề ngoài nầy, nhưng ông không biết Đức Chúa Trời đã làm thế là vì ông, vì ông là con của Ápraham, Ysác và Giacốp! Và phép lạ trong việc nầy là đây: Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta tối nay! Phép lạ là: Ngài hằng hữu vì chúng ta! Mọi sự hiệp lại làm ích cho vì Ngài hằng ở với chúng ta!

Bây giờ hãy đến với tôi khi chúng ta kết thúc, vì trong Sáng thế ký 49 – đừng mở Kinh thánh ra – tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt tái nhợt, xanh mét, trắng bệt của ông cụ nầy, tôi có thể thấy những nếp nhăn âu lo trên chân mày của ông từ cuộc sống đau khổ, thử thách và rối loạn mà ông đã gây ra. Đó là một con đường gồ ghề, đó là một con đường thất bại, một con đường tội lỗi. Trong Sáng thế ký 49 Kinh Thánh chép rằng khi ông sắp sửa dứt hơi tàn, và ông béo phì nằm trên giường, đầu óc ông lùng bùng, hai bàn chân đu đưa qua lại trên giường, và ông trút hơi tàn, và Lời Đức Chúa Trời phán như vầy: 'Khi trối mấy lời nầy cho các con mình xong, thì Gia-cốp để chơn vào giường lại, rồi tắt hơi, được về cùng tổ tông mình’'. Một cuộc sống khổ đau, thử thách, rối loạn, thảm họa, nhưng giống như Ápraham ông đã qua đời trong đức tin. Halêlugia! Vô luận quí vị nếm trải điều gì, hỡi con cái tối nay, quí vị sẽ qua đời trong đức tin! Ồ, không có gì phải ngạc nhiên, chúng ta có thể cất tiếng hát:

'Ôi vinh hiển thay cho tôi
khi được như thế,
Bởi ân điển Ngài
Tôi sẽ nhìn xem mặt Ngài'.

Thật là vinh hiển thay cho tôi. Nếu quí vị không tin nơi ân điển, tôi cuộc là quí vị tin theo ân điển ngay bây giờ, có phải không? Khi quí vị nhìn xem một nhân vật như Giacốp, ông đang thở hơi cuối cùng và ông sẽ lìa khỏi thân thể, mà hiện diện với Chúa.

Lạy Cha, chúng con có thể nói với một kẻ buôn nô lệ thời xưa: 'Ân điển nầy đã đưa tôi vào chỗ an toàn, và ân điển sẽ đưa tôi về nhà'. Lạy Cha, chúng con rút tỉa sự can đảm và sức lực từ sự thật là Ngài đang bằng lòng, Ngài có quyền, và vui mừng tự gọi chính mình Ngài là Đức Chúa Trời của Giacốp, và chúng con cảm tạ Ngài vì Ngài cũng là Đức Chúa Trời của ơn chửng cứu chúng con. Lạy Cha, chúng con cầu thay cho những ai đang nếm trải rối loạn và thử thách, rằng họ sẽ nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong mọi sự đó, và họ sẽ để cho Ngài chúc phước họ trong đó, và họ sẽ nhìn thấy tận mặt Đấng Christ trong mọi sự – vì một ngày kia chúng con sẽ nhìn thấy Ngài mặt đối mặt, và ôi ngày vinh hiển ấy, thật vinh hiển thay cho con. Amen.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét