Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Cảnh hiểm nghèo của Giôsép –Phần 1



Như lằn lửa bay chớp lên không – Phần 3
"Cảnh hiểm nghèo của Giôsép – Phần 1"
Mục sư David Legge

Chúng ta đã thấy trong mấy tuần lễ vừa qua
nơi 'Những gian khổ của Ápraham', chúng ta đã thấy 'Chuyến hành trình sống động của Giacốp' trong tuần rồi, tuần nầy chúng ta tìm cách xem xét: 'Cảnh hiểm nghèo của Giôsép' – cảnh hiểm nghèo mà Giôsép đã đối diện trong suốt cuộc đời của ông. Chúng ta đặc biệt không có đủ thì giờ để đọc từ chương 37 đến chương 50 – câu chuyện nói tới toàn bộ cuộc đời của ông chiếm đại đa số trong sách Sáng thế ký. Vì vậy chúng ta sẽ xem qua vài phân đoạn và vài câu Kinh Thánh khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu bài học nầy tối nay, vì vậy hãy cùng dự phần với tôi.
"Thường thì sự quen thuộc với những truyện tích Kinh Thánh hay các câu chuyện trong Lớp Trường Chúa Nhật như thế nầy có thể đẩy tấm lòng chúng ta ra xa đến nỗi cản trở chúng ta không áp dụng các lẽ thật thuộc linh nầy trong đời sống của chúng ta".

Tôi biết câu chuyện sống động nầy nói về Giôsép là một câu chuyện rất quen thuộc với hết thảy quí vị rồi. Chúng ta đã nghe kể lại từ lúc còn thơ ấu, nếu chúng ta được nuôi dạy trong một gia đình Cơ đốc và trong một môi trường Cơ đốc. Có lẽ chúng ta có mặt trong Lớp Trường Chúa Nhật, và trong các buổi nhóm, chúng ta đã nghe kể lại những truyện tích kỳ diệu lắm về nhân vật nầy có tên là Giôsép, cùng hết thảy những thử thách và nan đề mà ông đã nếm trải, và thể nào Đức Chúa Trời đã ở cùng với ông. Thường thì sự quen thuộc với những truyện tích Kinh Thánh hay các câu chuyện trong Lớp Trường Chúa Nhật như thế nầy có thể đẩy tấm lòng chúng ta ra xa đến nỗi cản trở chúng ta không áp dụng các lẽ thật thuộc linh nầy trong đời sống của chúng ta. Việc nầy giống như hát những bài thánh ca vậy, chúng ta có thể không nhập tâm các bài hát ấy, vì vậy nhiều lẽ thật và chiều sâu thuộc linh của các bài hát đó không thực sự lắng sâu vào linh hồn của chúng ta. Hát một bài thánh ca là điều rất tốt giống như thể đó là lần đầu tiên chúng ta cất tiếng hát bài ấy vậy, chúng ta xem kỹ từng lời hát, và cũng một thể ấy khi chúng ta đọc qua các truyện tích Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.

Có rất nhiều việc dạy dỗ chúng ta trong câu chuyện và đời sống của Giôsép tối nay mà tôi không muốn chúng ta bỏ qua bất kỳ một điều nào trong chúng. Tôi muốn sự dạy dỗ, các nguyên tắc cùng mọi giáo huấn mà Đức Chúa Trời đã đề ra nơi đời sống của nhân vật nầy đều thực sự đến tận gia đình của chúng ta. Tôi muốn tiếp thu và áp dụng chúng một cách cá nhân cho đời sống chúng ta và cho những việc mà chúng ta đang dối diện với. Tất nhiên, những điều nầy được viết ra cho chúng ta học tập, song khi chúng ta bước qua Tân ước, chúng ta biết rằng mọi việc nầy, trong nhiều cơ hội, trong Cựu ước là những sự dạy theo hình bóng nói về Chúa Giêxu chúng ta. Chúng phác họa, chúng đang minh hoạ nếu quí vị thích, chúng đang chỉ ra trước về Đức Chúa Giêxu Christ, là Đấng một ngày kia sẽ hiện đến và sẽ là nhân vật buồn khổ và thân quen với nổi buồn thảm. Khi chúng ta xét qua chỗ nầy, tôi không muốn quí vị chỉ có áp dụng mọi lẽ thật nầy cho chính bản thân quí vị, mà tôi muốn quí vị biết nhìn xem Chúa Giêxu yêu dấu của chúng ta, và nhìn xem mọi hàm ý quan trọng nơi đời sống của Giôsép đều nhắm vào đời sống của Ngài.

Khi chúng ta xét xem chương nầy, chương 37, tiết trời đang xuân ở đồng bằng Đôthan. Về phía nam của đồng bằng Đôthan, có dãy núi Samari, về phía Bắc có dãy núi Ghinhbôa. Đứng ở chính giữa khu vực đó, ở một dãy núi thấp hơn ở đường biên giới, quí vị có thể nhìn thấy một chấm đen nhỏ xíu cao trên cánh đồng cỏ xanh tươi. Những chấm đen nhỏ nầy là các túp lều của Giacốp, Giacốp nhân vật cao trọng của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã suy gẫm trong tuần qua – là tổ phụ của Israel, tên của ông đà thay đổi, tất nhiên, thành Israel, và 12 người con trai của ông đã trở thành tổ phụ của 12 chi phái Israel. Những túp lều nhỏ ấy đang nằm ở đó, Giacốp cùng mấy người vợ, con cái, và họ đang trông chừng các bầy chiên, họ đang chăn bầy gia súc trong đồng bằng Đôthan. Khi quí vị nghiên cứu bối cảnh đó, thình lình giống như chiếc cầu vồng nhanh như tên bắn vụt ra khỏi bóng tối tăm của một ngày đầy mây mù tối tăm, có một nhân vật cao ráo, đẹp trai, một người ham thích tánh phiêu lưu trong một chiếc áo choàng nhiều màu sắc. Ấy là Giôsép.
“Khi quí vị nghiên cứu bối cảnh đó, thình lình giống như chiếc cầu vồng nhanh như tên bắn vụt ra khỏi bóng tối tăm của một ngày đầy mây mù tối tăm, có một nhân vật cao ráo, đẹp trai, một người ham thích tánh phiêu lưu trong một chiếc áo choàng nhiều màu sắc. Ấy là Giôsép”.
Quí vị sẽ nhận biết từ kinh nghiệm của cuộc sống, và thậm chí từ việc đọc Lời của Đức Chúa Trời, rằng tình yêu thương trông thấy từ đàng xa. Tình yêu thương trông thấy từ đàng xa, quí vị đọc câu chuyện nói về Người Con Trai Hoang Đàng và quí vị có thể nhìn thấy ở đó người cha đã trông thấy đứa con đang quay bước trở về với ông, Kinh Thánh chép, từ đàng xa. Tình yêu thương có trong tấm lòng của người cha đối với đứa con hoang đàng đã khiến cho ông, sau khi trông thấy đứa con từ đàng xa, ông chạy ra đón nó, vòng tay ôm lấy, rồi hôn nơi cổ nó. Nhưng quí vị biết đấy, tình yêu không phải là thứ duy nhất trông thấy từ đàng xa, vì trong câu 19 của chương nầy, chúng ta thấy câu nầy: 'Chúng bèn nói nhau rằng: Kìa, thằng nằm mộng đến kia!' – thù ghét cũng trông thấy từ đàng xa nữa. Hận thù đang nhắm vào một người khi quí vị nhìn thấy người ấy đang tới đến, và chúng ta thấy ở đây nơi các anh của Giôsép, họ trông thấy ông đang đi đến: 'Kìa, thằng nằm mộng đến kia' – họ nhìn ông bằng cặp mắt đố kỵ, con mắt của thù hận, và trong giọng nói của họ, quí vị chỉ có thể nghe thấy giọng ghen tương đối cùng người em được chọn, được phước, và được yêu thương.

Ai nấy đều thích một kẻ nằm mộng kia, có thực như thế không? Thế giới nầy yêu thương tha nhân với một sự tưởng tượng lớn lắm, quí vị có thể nhìn thấy điều đó trong toàn bộ vương quốc Disney ngày hôm nay, và nhiều cuốn phim hay đã được sản xuất bằng đồ hoạ của vi tính. Ai nấy đều ưa thích một kẻ nằm mộng, nhưng thật là khác biệt lắm với một kẻ nằm mộng cho Đức Chúa Trời. Giôsép là một kẻ nằm mộng cho Đức Giêhôva. Đây là một câu chuyện kỳ diệu, và một trong những lý do tại sao câu chuyện ấy được lòng người ta thậm chí trong cái thế giới đời thường của chúng ta, và người ta làm ra nhiều cuốn phim nói về câu chuyện đó, là vì câu chuyện ấy chứa hết thảy các yếu tố của cuộc sống – nhiều việc mà quí vị đang nếm trải và tôi sẽ nếm trải trong kinh nghiệm sống của chúng ta. Quí vị có tham vọng của một thanh niên hay phấn đấu; quí vị có những giấc mơ, các khát vọng, và nhiều hy vọng lớn; quí vị biết yêu thương, biết buồn, biết ganh tỵ, biết thù ghét – sự thử thách nằm ngay trung tâm của cốt chuyện. Quí vị biết thèm khát, biết báo thù, biết đau khổ, biết tội lỗi, và biết đấu tranh. Những cảm xúc lớn lao chạy suốt câu chuyện nầy, chúng ta sẽ tìm thấy chúng trong đời sống cá nhân của chúng ta.

"...quyển sách nầy đặt ở trước mặt chúng ta có thể có hàng ngàn năm tuổi, nhưng không phải là không thích ứng đâu".
Có một việc dạy cho chúng ta, quí bạn tối nay ơi, ấy là quyển sách nầy đặt ở trước mặt chúng ta có thể có hàng ngàn năm tuổi, nhưng không phải là không thích ứng đâu – và con người, vô luận Hội thánh ngày nay đang nói gì, hay triết lý đời nay đang nói gì, hoặc các nhà nhân loại học ngày nay đang nói gì, con người không hề thay đổi! Từ thế đại nầy sang thế đại khác con người vẫn y nguyên, con người vẫn có đúng các niềm vui ấy, vẫn có đúng những nổi buồn, nan đề và trở ngại đó – và đúng là một sự vui mừng cho chúng ta tối nay khi lấy một nhân vật như Giôsép, để tra xét câu chuyện nói về đời sống của ông, để nhìn vào cảnh hiểm nghèo buộc vào toàn bộ câu chuyện đó, và để nhìn thấy nơi chúng ta cũng chính những nan đề đó, các thử thách ấy, và – sự vinh hiển quy cho Đức Chúa Trời – để nhìn thấy chính Chúa là Đấng sẽ đưa chúng ta qua khỏi mọi sự đó. Để biết rõ người nam, người nữ, các tổ chức, những hệ thống, có thể nghĩ xấu về chúng ta ra sao, và biết Đức Chúa Trời dùng điều đấy làm ích cho chúng ta là thể nào.

Cảnh hiểm nghèo trong đời sống của Giôsép khởi sự với điểm đầu tiên mà quí vị có: sự ghét bỏ, kế đó là sự bắt bớ, rồi tiếp đến là sự ruồng bỏ xuyên suốt chương 37. Giôsép là một người hay nằm mộng, và những giấc chiêm bao của ông khiến các anh ông xem ông là nhiễm bịnh tâm thần – các anh ông vốn ghét bỏ ông vì sự hay nằm mộng đó. Giờ đây, quí vị hãy nhớ, chúng ta không có thì giờ để quan sát chúng từng chi tiết, nhưng xin quí vị nhớ cho rõ các điềm chiêm bao phi thường mà ông đã có. Một trong những giấc mơ: ấy là các bó lúa của mấy người anh được họ bó lại trong đồng ruộng sau khi gặt, hết thảy 11 bó lúa đó đã cúi mọp trước bó lúa của ông. Trong một giấc mơ khác, ông đã nhìn thấy mặt trời và mặt trăng, cùng 11 ngôi sao, hết thảy đều cúi mọp xuống trong sự kính phục dành cho Giôsép. Ông đã chia sẻ lại, với sự phấn khích lớn lắm, những điềm chiêm bao nầy với các anh của mình – và họ tuyệt đối ghét cay ghét đắng ông! Họ bực tức giấc chiêm bao đó, khi ông tự hào đi đến, sai khiến và công bố Đức Chúa Trời thể nào đã chọn ông cao hơn các anh em của ông.

Giacốp đã quở trách đứa con yêu dấu của mình về việc chia sẻ ấy, nhưng tôi tin, có lẽ, sâu lắng trong tấm lòng của ông, ông vốn biết rõ đứa con nầy là đứa con rất đặc biệt, đứa con nầy đã được chọn, đứa con nầy đã được chúc phước từ Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đã ban cho ông hai điềm chiêm bao đặc biệt nầy. Quí vị biết đấy, trước khi chúng ta đi xa hơn tối nay, tôi muốn quí vị phải nhìn thấy rằng Giôsép – cho dù ông xử lý với mấy điềm chiêm bao nầy không đúng và ông đã chia sẻ chúng với các anh của mình, có lẽ bằng một phương thức phô trương, tự hào, dương dương tự đắc - quí vị sẽ nhìn thấy tối nay, ngay lúc bắt đầu cách ăn ở của Giôsép, ông là một kẻ hay nằm mộng. Bây giờ, tôi không có ý nói một kẻ biếng nhác chuyên nằm mộng đang ngồi trong lớp học nhìn ra khoảng không gian hay nhìn ra khung cửa sổ đâu, tôi đang nói về một nhân vật đã có một sự hiện thấy. Sự hiện thấy của nhân vật nầy đến từ Đức Chúa Trời, đó là một sự mặc khải có tính tiên tri, đó là một sự hiện thấy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trong đời sống ông, sự chứng thực và bằng cớ của Đức Chúa Trời đang chiếu sáng qua ông.

Tất nhiên là quí vị biết đấy, tôi hy vọng quí vị nhận biết, rằng Lời của Đức Chúa Trời dạy không có sự mặc khải thì con người sẽ bị hư mất. Không có sự mặc khải, con người sẽ bị hư mất, và không những điều đó đang nói tới những kẻ chưa được cứu, mà điều đó còn nói tới mọi người nữa. Nếu quí vị không có sự mặc khải trong cuộc sống, và đối với chúng ta trong đời sống thuộc linh của chúng ta, quí vị sẽ bị hư mất, quí vị sẽ khao khát. Clarence McCartney, một nhà truyền đạo vĩ đại chuyên nghiên cứu về các nhân vật, ông nói như thế nầy về Giôsép kẻ nằm mộng, hãy lắng nghe mấy câu nói nầy: 'Những điềm chiêm bao của chúng ta là những chiếc thang bằng vàng bởi đó chúng ta trèo lên những chỗ cao hơn. Chúng là những đỉnh cao của sự mặc khải, từ đó chúng ta trông thấy từ đàng xa xứ sở mà chúng ta đang nhắm đi tới. Chúng là chiếc đèn lồng bởi ánh sáng của chúng, chúng ta bước an toàn qua trũng tăm tối. Chúng là ngọn đuốc bên trong cung ứng cho chúng ta năng lực để phấn đấu. Chúng là thanh gươm hai lưỡi bởi đó chúng ta chặt đứt cái đầu cong quẹo của con rồng thử thách, và khiến nó dãy chết dưới chơn chúng ta'.

"Giống y như đời sống của Giôsép, sự hiện thấy, điềm chiêm bao, ngay cả Lời của Đức Chúa Trời có thể trở thành đúng cái điều khiến cho chúng ta bị anh em mình ghen ghét".
Bây giờ, những gì chúng ta trao đổi tối hôm nay không phải là mấy điềm chiêm bao đến từ Đức Chúa Trời mà chúng ta có lúc ban đêm, khi chúng ta đặt đầu xuống nằm ngủ trên chiếc gối của mình, cũng không phải cách thức chúng ta áp dụng điềm chiêm bao ấy cho bản thân mình, điều tôi muốn nói, là Lời của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời là sự hiện thấy của chúng ta, Lời của Đức Chúa Trời là chiêm bao, là sự trông cậy, là khát khao của chúng ta. Tất cả những lời hứa, là những lời hứa cao trọng và quí báu, đều nói cho chúng ta biết về một quê hương ở trên trời, chúng nói cho chúng ta biết về sự vinh hiển đã đề ra ở trước mặt chúng ta trong vùng đất hứa ở trên trời của chúng ta, hết thảy những lời hứa đó phải là những điều chúng ta rút tỉa từ Đức Chúa Trời làm sự hiện thấy cho chúng ta. Nhưng cái điều mỉa mai là đây: giống như đời sống của Giôsép, sự hiện thấy, điềm chiêm bao, ngay cả Lời của Đức Chúa Trời có thể trở thành đúng cái điều khiến cho chúng ta bị anh em mình ghen ghét. Lời ấy có thể trở thành đúng cái điều gây ra tình trạng thù địch trong gia đình chúng ta, giữa vòng bạn bè, trong công sở, và thậm chí trong cộng đồng, và đôi khi trong cả Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ nữa, đáng buồn thay!

Giờ đây, cho phép tôi nói trước khi tôi đi xa hơn: nếu quí vị có mặt ở đây tối nay và quí vị được nuôi dạy trong một gia đình Cơ đốc, hãy ngợi khen Đức Chúa Trời vì cớ đó! Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì được như thế! Ồ, khi quí vị trải qua những năm tháng thiếu thời, có lẽ đôi khi quí vị rủa sả nó vì quí vị không thể tránh né được những việc mà người khác tránh được – nhưng tôi hy vọng quí vị đủ trưởng thành hiện nay, và trưởng thành đủ để nhìn lại trong đức tin và nhìn thấy rằng bàn tay phước hạnh của Đức Chúa Trời đã có ở đó để quí vị không có sự chống đối trong gia đình vì sự ăn ở của quí vị với Đấng Christ, vì sự làm chứng của quí vị và vì việc chia sẻ Tin lành nữa. Họ không nhìn chăm vào quí vị vì quí vị mở quyển Kinh Thánh ra, hay khi quí vị cất tiếng ca hát hoặc cầu nguyện. Quí vị hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì điều đó, có nhiều người khác – có lẽ là nhiều lắm – và họ không biết sao lại ca hát, họ không bao giờ biết sao lại cảm tạ như thế. Đúng ra, họ biết rất nhiều về lời lẽ của Đức Chúa Giêxu Christ, khi Ngài phán: 'Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm dáo. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình'. Đây là lẽ thật đời đời, quí vị không thể cãi bỏ được gì hết lẽ thật nầy tối nay, vì những gì chúng ta nhìn thấy trong đời sống của Giôsép thì đúng chính xác trong đời sống của hàng trăm tín đồ – họ có sự thù địch trong gia đình, họ bị xa lánh, họ không cảm nhận mình là một chi thể trong gia đình nữa vì họ đã trở lại đạo.

Là những người được nuôi dạy trong một môi trường Cơ đốc, thật là dễ cho chúng ta quên lãng những người thể ấy, chúng ta nghĩ rằng họ không còn tồn tại. Sự xa lánh đó có thể nhập vào một gia đình hay vào một ngôi nhà hay vào trong một đời sống, sự xa lánh đó thường phát triển thành sự bắt bớ. Khi hạng người nầy xa lánh quí vị từ ban đầu để bắt bớ quí vị, đó là điều quí vị tìm thấy trong phân đoạn Kinh Thánh nầy. Không những họ nói: 'Thằng ấy lập dị, thôi đừng kể tới nó nữa. Chúng ta cứ tiếp tục đi đường mình, và hãy tránh nó đi', mà còn tấn tới chỗ họ sẽ tóm lấy quí vị, họ sẽ bắt lấy ông, và họ sẽ quăng ông xuống cái hố – và nếu không được Rubên ngăn trở, họ đã giết Giôsép rồi!

"Một số người trong quí vị biết tôi đang nói điều chi rồi. Quí vị là người duy nhất trong gia đình, quí vị là người duy nhất trong cuộc hôn nhân – người bạn đời, người yêu của quí vị chưa được biến đổi".
Sự xa lánh dẫn tới sự bắt bớ, và rồi sự bắt bớ dẫn tới sự ruồng bỏ vì họ sẽ bỏ đi và họ sẽ không còn nghe thấy những tiếng kêu cầu cứu của ông nữa. Họ đã bỏ đi, họ đã trở lại với Giacốp, họ mang chiếc áo choàng nhiều màu sắc dễ thương của ông về, họ đã nhúng nó trong máu của một con thú, rồi nói: 'Chúng con nghĩ một con thú dữ đã ăn thịt nó, chúng con nghĩ nó đã chết mất rồi'. Một số người trong quí vị đều biết rõ tôi đang nói tới việc gì rồi. Quí vị là người duy nhất trong gia đình, quí vị là người duy nhất trong cuộc hôn nhân – người bạn đời, người yêu của quí vị chưa được biến đổi. Tôi không biết sự thể ấy giống với cái gì, nhưng tôi tưởng tượng sự thể đó lộn xộn lắm và là một gánh nặng rất lớn. Tôi không nói là chẳng có tình yêu trong mối quan hệ ấy, nhưng như thế sẽ là một sự thử thách, một sự gay go, một sự lộn xộn. Có thể đó là môi trường làm việc: quí vị là Cơ đốc nhân duy nhất trong văn phòng, hay là Cơ đốc nhân duy nhất trong lớp ở trường học. Thậm chí có thể là trong một ngôi nhà thờ! Quí vị là kẻ nằm mộng cho Đức Chúa Trời, nhưng chẳng có ai nghĩ ra những tư tưởng mà quí vị đang suy tưởng, những người khác đang chán nãn, thất vọng, nhưng quí vị mong muốn họ cứ tiến tới trước và hướng thượng!

Những người với một giấc chiêm bao vì Đức Chúa Trời luôn luôn bị bắt bớ, đấy là lý do tại sao Chúa cảnh cáo các môn đồ của Ngài rằng họ sẽ bị bắt bớ. Trong chính vùng đất mà chúng ta đang sinh sống, trong xứ Tô Cách Lan và trong nước Anh, và ở bên kia châu Âu nữa, những nhà Cải Chánh đã bị bắt bớ cách đây nhiều năm, họ đã bị chặt đầu, họ đã bị thiêu sống trên giàn hoả – tại sao chứ? Vì họ có một khải tượng về Đức Chúa Trời, mọi điều họ đã nhìn thấy một cách đột ngột bởi đức tin dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh là sự xưng công bình bởi một mình đức tin mà thôi. Họ đã chết vì khải tượng đó. Hãy nhìn xem những gì đã xảy ra cho Giôsép: họ đã nhìn thấy kẻ nằm mộng nầy đang đi đến từ đàng xa, họ nói: 'Bây giờ, nào', câu 20, 'chúng ta hãy giết nó đi, quăng xuống một cái hố nước nào đó; đoạn ta sẽ nói rằng nó đã bị thú rừng xé ăn, rồi sẽ xem các điềm chiêm bao của nó ra sao'. 'Hãy dứt Martin Luther đi, và chúng ta sẽ xem các điềm chiêm bao của nó ra sao! Hãy dứt Zwingli đi, hãy dứt John Huss và John Wycliffe đi! Chúng ta sẽ xem các điềm chiêm bao của chúng ra sao!'. Quí bạn tôi ơi, hãy nghe đây, nếu quí vị có một khải tượng về Đức Chúa Trời giống như Giôsép quí vị cần phải sửa soạn để gặp những kẻ đánh hạ quí vị xuống khi quí vị đứng lên với khải tượng của mình. Nếu quí vị chưa chuẩn bị để chịu khổ vì sự hiện thấy của mình, quí vị nên quên giấc chiêm bao ấy đi.

Câu chuyện nói về William Carey là thấm thía nhất, có phải không? Một Hội Thánh Báptít ở Anh quốc tự họ đã sa lầy vào thuyết Calvin đến nỗi họ không còn đi ra và rao giảng Tin lành nữa. Tình trạng đột ngột như thế khiến cho người thợ sữa giày nầy có một tấm lòng dành cho linh hồn người ta, ông đem họ về với Đấng Christ ở Ấn độ. Ông đứng trên chân của mình giữa một căn phòng đầy những người tin kính, trưởng thành, chín chắn, ông nói: 'Tôi muốn ra đi và thuật cho những người nầy ở Ấn độ biết rằng Chúa Giêxu đã chịu chết thay cho họ và họ cần phải được biến đổi bởi ân điển của Đức Chúa Trời'. Và họ đáp: 'Hãy ngồi xuống đi, gã kia, nếu Đức Chúa Trời muốn biến đổi hạng người theo tà giáo, Ngài sẽ làm thế mà chẳng cần ai giúp đỡ hết!'. Ông đã có một khải tượng, và ông đã chịu khổ vì sự hiện thấy của mình, nhưng ông là người đầu tiên trong kỷ nguyên hiện đại đem Tin Lành đến Ấn độ.

"Có thể quí vị đã bị xa lánh tối nay, có thể quí vị đã bị bắt bớ và có thể mọi giấc mơ của quí vị có là đang ra sức làm theo quyển sách nầy thật cẩn thận như quí vị có thể trong đời sống, trong đời sống gia đình, trong gia đình, trong trường học, trong sở làm của quí vị".
Giôsép, chúng ta sẽ thấy tối nay, đã giữ lòng trung tín với giấc mơ của mình. Mọi cảnh ngộ xảy đến trong đời sống của ông, ông quyết không để cho chúng cản trở ông phải rời xa các điềm chiêm bao mà ông đã có từ thuở thiếu thời. Có thể quí vị đã bị xa lánh tối nay, có thể quí vị đã bị bắt bớ và có thể mọi giấc mơ của quí vị có là đang ra sức làm theo quyển sách nầy thật cẩn thận như quí vị có thể trong đời sống, trong sinh hoạt gia đình, trong gia đình, trong trường học, trong sở làm của quí vị. Tôi biết có nhiều gia đình hiện nay trong kỷ nguyên hiện đại của chúng ta, thậm chí trong những gia đình Cơ đốc, và họ đã bị quật ngã bởi trận dịch ly dị và ruồng bỏ. Trong thời đại nầy, quí vị có thể ly dị và người bạn đời của quí vị sẽ chẳng nói chi được, sự ly dị ấy giống như đi bỏ thư ngoài bưu điện vậy! Ruồng bỏ: một trong hai người chổi dậy và bỏ đi – một người cha, một người mẹ, một người chồng, một người vợ – con cái bị để lại, và hiện tượng nầy đang có ở đây! Những thanh niên thanh nữ lìa khỏi người thuộc về họ. Nhiều người chịu đựng sự bắt bớ, sự ruồng bỏ, và sự xa lánh theo từng kiểu cách, và quí bạn tôi ơi, nếu quí vị đang nếm trải sự ấy theo bất kỳ kiểu cách hay hình thái nào, cho phép tôi nói với quí vị: quí vị sẽ đồng hội đồng thuyền với Giôsép, nhưng hãy ngợi khen Đức Chúa Trời Toàn Năng, quí vị sẽ kết bạn thiết với chính mình Đức Chúa Giêxu Christ. Tôi chưa hề thấy mệt mỏi khi đọc câu Kinh Thánh nầy, là câu nói mà tôi sẽ đem đến cho quí vị tối nay, tôi chưa hề thấy mệt mỏi khi rao giảng câu nói ấy. Hãy lắng nghe câu nói nầy, hỡi linh hồn đang ở trong sự xa lánh, trong sự bắt bớ và trong sự ruồng bỏ: ‘Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội' - halêlugia! Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta không có một Đấng Cứu Thế giải cứu ra khỏi tội lỗi, nhưng chúng ta có một Cứu Chúa vốn biết rõ mọi điều mà tội nhân đang nếm trải. Ngài không phải là đối tượng cho những sự yếu đuối, nhưng Ngài đã làm cho chính mình Ngài ra thấp kém hơn hàng thiên sứ để Ngài có thể nếm trải sự chết cho từng người.

Quí bạn tối nay của tôi ơi, đây là Đấng mà Êsai gọi là Con Người của sự đau buồn, quí vị có biết tại sao Ngài là Con Người của sự đau buồn không? Vì Ngài đã bị người ta xa lánh, Ngài đã bị bắt bớ, và Ngài đã bị ruồng bỏ! 'Người đã bị người ta khinh dể và chán-bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta' – người Do thái – ‘cũng chẳng coi người ra gì‘. ‘Ngài đã đến trong xứ mình‘, Giăng nói: ‘song dân mình chẳng hề nhận lấy'. Chúa đã phán về sự Ngài bị chối bỏ và bị bắt bớ trong một thí dụ: 'Kìa, ấy là con kế tự; hãy giết nó, hầu cho gia tài nó sẽ về chúng ta'. Các anh của Giôsép đã nói như thế, các anh em của Chúa Giêxu trong xứ Israel đã nói như thế, họ đã lôi Ngài ra, bắt lấy Ngài, họ đã giết Ngài, và họ đã chia áo xống của Ngài đúng y như các anh của Giôsép đã làm. Các anh của Giôsép đã ngồi xuống và nhìn xem ông ở dưới hố, và có những binh lính La mã ngồi canh Ngài ở đó.

Các anh của Giôsép đã bán ông cho dân Ngoại, Giuđa đã bán Chúa Giêxu cho người La mã để lấy 30 miếng bạc – dân Ngoại. Giôsép đã sống trong sự vô tội, nhưng quí bạn tôi ơi, Đức Chúa Giêxu Christ đã sống biệt lập với tội lỗi, không ô uế – không tì không vít. Chiên Con của Đức Chúa Trời, Con của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giêxu Christ trọn lành – đúng là một Cứu Chúa chịu thương khó mà chúng ta đang có! Đừng co rúm lại trước những nổi khổ của Giôsép, hãy nhìn xem Chúa Giêxu của quí vị rồi nhìn thấy một sự công bình khi Ngài chịu thương khó nặng nề đó. Hãy nhận biết sự khổ sở ấy trong mọi trạng thái dằn vặt và hãy xé lòng đi, Cứu Chúa yêu thương có một vai trò. Satan kể vai trò ấy là xấu xa, quí vị hãy nhớ, chúng ta có đề tựa cho loạt bài học nầy 'Như lằn lửa bay chớp lên không' lấy ra từ sách Gióp, và quí vị hãy nhớ rằng Gióp vốn không biết điều chi đang diễn ra ở trên trời. Đức Chúa Trời đã phán với Satan: 'Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng!'. Ngài phán: 'nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó', Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va rằng: ‘Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt '.

Triết lý của Satan là: 'Hãy giơ tay Chúa ra và sự hiện thấy của người sẽ biến mất', 'Hãy đụng đến người, làm cho người đau khổ, và khải tượng của người về Đức Chúa Trời, sự hiện thấy của người về Đức Chúa Trời, người ắt sẽ chẳng còn chạy theo Ngài nữa đâu’. Cũng một việc thể ấy đã xảy ra trong đời sống của Giôsép, và cũng một việc thể ấy đã xảy ra trong đời sống của Chúa Giêxu. Chính cái hôn của một bạn hữu đã phản bội Ngài, nhưng halêlugia, Ngài vẫn tiến lên đồi Gôgôtha để làm sự chuộc tội cho quí vị và tôi. Ngài bị phản trong nhà của những bạn hữu Ngài, nhưng Ngài làm cho mặt Ngài cứng như hòn đá lửa mà lên thành Jerusalem vì quí vị – đúng là một Cứu Chúa kỳ diệu!

"Tôi hình dung ra cậu nô lệ kia đang đi xuống con đường dốc, những màn cháng lộng lẫy của toà nhà trong cung điện nguy nga kia, các nhánh chà là lót đường, con nhân sư Sphinx ở xứ Ai cập bao quanh cậu ta, các bức tường lớn trang hoàng bằng nhiều hình tượng cùng nhiều tranh ảnh đẹp đẽ".
Sự xa lánh, bắt bớ, ruồng bỏ, và rồi chúng ta nhìn thấy câu chuyện bước sang sự thử thách trong chương 39. Sau khi mấy người anh đem ông bỏ xuống một cái hố, họ quyết định sẽ đem bán ông cho các thương buôn người Mađian. Các thương buôn người Mađian bắt chàng trai trẻ Giôsép xuống Ai cập. Có một vị quan thị vệ, ông ta đi tới đi lui dãy nô lệ trong khu chợ, và ông ta thích nhìn chàng Giôsép nầy, ông ta đặt tay trên Giôsép rồi đưa ông về nhà trong cung điện. Phôtipha là tên của ông ta, là quan thị vệ, có lẽ là trưởng toán lính cận vệ trong hoàng cung. Ông ta là một thành viên thuộc giới quý tộc, ông ta là một người giàu có, có lẽ ông đã sống trong một ngôi nhà huy hoàng lắm. Tôi hình dung ra cậu nô lệ kia đang đi xuống con đường dốc, những màn cháng lớn của toà nhà trong cung điện nguy nga kia, các nhánh cây chà là lót đường, những con nhân sư Sphinx ở xứ Ai cập bao quanh cậu ta, các bức tường lớn trang hoàng bằng nhiều hình tượng cùng nhiều tranh ảnh đẹp đẽ. Ông đã ở đó trong mọi vẻ sang trọng và huy hoàng, nhưng ông là một thanh niên còn sống độc thân, một thanh niên đã bị các anh, bạn bè mình ruồng bỏ. Ông đã phải sống xa cách cha mình, và thể nào ông đã cảm nhận được sự cô đơn trong một xứ thuộc về một sắc dân khác, với màu da khác, với tiếng nói khác mà ông không thể hiểu được, và tôi dám chắc đối với chàng thanh niên Giôsép đây là một thời điểm rất rối ren ở trên đất – nhưng quí vị có biết việc gì không? Quí vị nhìn thấy Giôsép đã phải chịu đựng, nếm trải ra sao rồi, bấy nhiêu đó cũng là đủ cho hết thảy chúng ta – tôi e rằng một số người trong chúng ta cũng sẽ nếm trải giống như vậy – nhưng hãy vui mừng vào tối nay trong câu thứ hai của chương 39: 'Giôsép…được Đức Giêhôca phù hộ'.

Ngài đã ở với ông. Ngài đã ở với Giôsép. Những bản dịch Kinh thánh xưa chép như vậy, và tôi không nhất thiết phải diễn dịch lại, nhưng thật là thú vị – quí vị biết đấy, và tôi đã nói với quí vị trước đây rồi, rằng cách định từ ngữ thay đổi hết năm nầy sang năm khác, thậm chí ngay bây giờ trong kỷ nguyên hiện đại của chúng ta – cách đây hàng trăm năm một trong những cách dịch câu nầy là như vầy: 'Đức Giêhôva ở với Giôsép và ông là một người rất may mắn'! Quí vị có biết câu ấy không? 'Ông là một người rất may mắn'! May mắn đấy không có nghĩa như chúng ta đang nói tới ngày hôm nay đâu, là may rủi đó. May mắn có nghĩa là ông có một cái chạm Midas, mọi sự ông chạm tới trong cung điện dường như trở thành vàng, mọi thứ dường như sống động vì ông, dường như tốt lành hết. Ông đã có sự thành công, và sự thành công ấy bám theo ông như cái bóng vậy. Ông được ai nấy ủng hộ trong ngôi nhà đó, không phải từ một nô lệ, mà ông đã leo lên một cái thang rồi ông trở thành có quyền trong cả nhà đó. Ông biết gở rối từng điều một, từng tình trạng rối ren xảy có trên bề mặt chính trị và nội bộ của ngôi nhà, người ta yêu cầu ông tháo gở tình trạng ấy. Tại sao vậy? Vì Đức Giêhôva đã phù hộ cho Giôsép.

Giờ đây mọi sự nầy đã xảy đến như thế nào? OK, Đức Giêhôva đã ở với ông, nhưng cho phép tôi nói với quí vị hai việc tại sao điều nầy đã xảy ra. Không những vì Đức Giêhôva đã ở với ông, mà còn mọi hàm ý của những gì đã xảy ra trong đời sống ông vì Đức Giêhôva đã ở với ông nữa. Việc thứ nhứt là đây: ông đã bị lột mất chiếc áo choàng, ông bị người nhà mình xa lánh, bị bắt bớ, và bị ruồng bỏ, nhưng sự thật của vấn đề: ấy là cá tánh ông không thể bị lột mất được. Chiếc áo choàng đã bị tước khỏi ông, nhưng ông vẫn còn cá tánh của mình. Ông ngụ trong ngôi nhà nô lệ, ông đang làm công việc bẩn thỉu, nhưng ông chịu làm việc vì ông không phải làm việc cho Phôtipha, ông không phải lao động vì ông bị buộc phải lao động, ông đang làm việc vì đấy là nơi mà Đức Chúa Trời dẫn ông tới, đấy là chỗ mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông, và đấy là những gì ông phải làm.

Như ông đã thổ lộ với anh em mình về sau trong cuộc sống, khi ông đến đứng trước mặt họ trong vai trò một nhân vật Ai cập quyền cao chức trọng, và chúng ta sẽ nhắm tới việc nầy về sau, ông đã nói với họ trong chương 45 và câu 5: 'Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh'. Suốt cuộc đời ông, từ đầu cho đến cuối, ông đã có cá tánh nầy: 'Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây'. Khi ông còn ở trong lều trại của Giacốp, là một thiếu niên lo làm việc vặt xung quanh nhà, ông đã sống với Đức Chúa Trời rồi, khi ông bị bán đi làm nô lệ trong nhà của Phôtipha, ông vẫn sống với Đức Chúa Trời. Ồ, đáng phải đem về nhà câu nói của tác giả Thi thiên: “Tôi sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va luôn luôn, Sự khen ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi”. Quí vị còn nhớ David không? Ồ, những người mạnh sức và quân đội của ông, nhưng có một điểm trong cuộc đời của David khi ông ngã lòng nặng nề, tại sao vậy? Vì dân sự đã nói về việc sẽ ném đá ông. Gia đình của họ hết thảy đều bị bắt đi khỏi Xiếc lác, và cũng vậy khi quí vị có bạn bè – nhưng máu thì dày hơn cả nước, và trong giờ phút đó họ sẽ nhặt các hòn đá lên, có lẽ nhất quyết rồi, và David ngã lòng lắm. Dân sự buồn bực nơi ông, và mỗi người bực bội vì các con trai của ông, vì các con gái của ông, nhưng hãy nghe đây: 'Nhưng Đa-vít được sức mạnh nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình!' Kinh Thánh không nói ông bị ngã lòng, nhưng Kinh Thánh chép rằng khi ông bị ngã lòng, ông quyết định: 'Ta sẽ tự làm vững lòng mình trong Chúa'.

"Sao chúng ta thường để cho các hoàn cảnh bức chế tính khí của mình? Cho tới bây giờ, chúng ta thường bị mọi sự thổi bay đi giống như rơm ở trước gió?"
Sao chúng ta thường để cho các hoàn cảnh bức chế tính khí của mình? Cho tới bây giờ, chúng ta thường bị mọi sự thổi bay đi giống như rơm ở trước gió? Khi có chuyện xảy đến trong đời sống chúng ta, chúng ta để cho nó làm chao đảo mọi cảm xúc của chúng ta, rồi vì thế tình trạng tâm linh của chúng ta phải khổ sở, đức tin của chúng ta sờn ngã. Khi mặt trời chiếu sáng chúng ta vui mừng, song khi giông bão đến, chúng ta thất vọng. Chúng ta nói, giống như các môn đồ trong sự hiện diện của chính Chúa Giêxu: 'Bộ Thầy không sợ chúng ta chết mất sao?'. Tôi nói cho quí vị biết, đây là cách dẫn giải về câu nói của sứ đồ Phaolô, có phải không? 'Vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy'.

Việc thứ hai là, không những ông đã bị lột mất chiếc áo choàng, nhưng họ không thể lột mất cá tánh của ông, mà Đức Giêhôva còn ban phước cho mọi sự để ông được thịnh vượng nữa. Đấy là những gì câu 5 nói: 'Vậy, Giô-sép được ơn trước mặt chủ mình; chủ cắt chàng hầu việc, đặt cai quản cửa nhà, và phó của cải mình cho chàng hết. Từ khi người đặt Giô-sép cai quản cửa nhà cùng hết thảy của cải mình rồi, thì Đức Giê-hô-va vì Giô-sép ban phước cho nhà người; sự ban phước của Đức Giê-hô-va bủa khắp mọi vật của người làm chủ, hoặc trong nhà, hoặc ngoài đồng'. Ngài không chỉ ban phước cho ông, Ngài còn ban phước cho mọi người xung quanh ông! Ông trở thành viên quản lý của ngôi nhà nầy, câu 6: 'Người giao hết của cải mình cho Giô-sép coi sóc, chẳng lo đến việc nào nữa', ông ta chẳng lo đến việc nào nữa, ông ta tin tưởng Giôsép nhiều đến nỗi ông ta chẳng còn biết việc gì sẽ xảy ra nữa, vì người nầy là một người tin kính và được ơn.

Nhưng có nhiều thử nghiệm lớn lao nơi đời sống của mỗi nhân vật mà chúng ta đã xét qua. Thử nghiệm lớn lao đầu tiên là Ápraham bắt con trai mình, con một của ông, là Ysác, trèo lên Núi Môria và sắp sửa dâng con ấy làm của tế lễ thiêu. Tuần qua Giacốp đã đấu vật với thiên sứ, là Đức Chúa Giêxu Christ – đó không phải là thiên sứ, đó là Chúa Giêxu nguyên hiện. Ở đây chúng ta có phần thử nghiệm quan trọng của Giôsép, là điểm xoay chiều của Giôsép, là sự thành công hay sự tan vỡ của người thuộc về Đức Chúa Trời. Quí vị thấy đấy, tôi hy vọng quí vị đang nhìn thấy sự tan vỡ đó khi quí vị trải qua các phần nghiên cứu nầy, các thời điểm ơn phước lớn lao thường là những thời kỳ thử nghiệm quan trọng. Giờ đây, làm ơn chú ý cho, câu 11 chép: 'Một ngày kia, Giô-sép vào nhà đặng làm công việc; vả, chẳng có người nhà nào ở đó'. Đây là cơ hội bằng vàng để lãnh lấy sự thử thách nầy, quanh ông chẳng có ai hết, chẳng có ai trông thấy ông, chỉ có con mắt của Đức Chúa Trời mà thôi, và chúng ta không thấy rõ nửa giờ đồng hồ đó – nhưng tấm lòng ông biết rõ rằng chẳng có ai biết rõ ông sẽ làm gì, đây là một sự thử thách đúng lúc đến từ ma quỉ.

"Hỡi những người trẻ tuổi, tôi có một sự cảm thông dành cho quí vị và những gì quí vị sẽ lãnh hội trong thế giới của quí vị qua phương tiện truyền thông đại chúng, qua mạng internet, qua báo chí và qua các bảng thông báo".
Dường như là nàng sẽ không nói ra nỗi xấu hổ của mình, nàng sẽ không nói cho chồng mình biết là nàng đã có vấn đề với người thanh niên kia. Nàng đã đến, đó là vợ của Phôtipha, tôi dám chắc quí vị đều biết, nàng đã đến và Kinh Thánh chép rằng nàng cứ khăng khăng hết ngày này sang ngày khác, nàng nói rằng: 'Hãy đến, ăn nằm với ta, hãy đến mà nằm với ta'. Giacốp, trong tuần qua, đã nghe theo sự cám dỗ của mẹ mà bịp cha mình là Ysác, để cướp lấy phước hạnh. Quí vị hãy nhớ chúng ta đã nghe biết sau mạng lịnh thứ nhứt bà đã bảo ông đi ra ngoài để bắt con bê con, ông đã không nghe theo, nhưng sau giọng cám dỗ thứ nhì, ông đã bước ra. Chúng ta cũng giống như thế đó. Nhưng đối với Giôsép, hết ngày này sang ngày khác, Giôsép vẫn kiên cường! Đây là một sự thêm sức quan trọng đối với tôi, tôi có thể nói với quí vị như thế, vì chúng ta đang sinh sống trong thế gian nầy - và, hỡi quí bạn trẻ tuổi kia ơi, tôi có một sự cảm thông dành cho quí vị và những gì quí vị sẽ lãnh hội trong thế giới của quí vị qua phương tiện truyền thông đại chúng, qua mạng internet, qua báo chí và qua các bảng thông báo – nhưng chúng ta, là Cơ đốc nhân đã được cứu bởi ân điển, là hạng tội nhân, gần như chúng ta nói rằng có những việc nhất định trong đời sống chúng ta, những tội lỗi nhất định nào đó, và rất khó mà chống cự chúng! Chúng ta tiếp thu chúng vào đầu của mình đến nỗi thân thể không thể đương đầu với chúng, đến nỗi chúng ta phải nhượng bộ chúng, và chúng ta gần như có thiện cảm với người ta khi họ sa vào tội lỗi. Giờ đây, tất nhiên là chúng ta đang vòng tay ôm lấy mọi người và chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta bước đi là do ân điển của Đức Chúa Trời, và chúng ta phải chấp nhận là chúng ta cũng sa vào sự xét đoán ấy. Nhưng là con cái của Đức Chúa Trời với Thánh Linh của Đức Chúa Trời trong lồng ngực của mình, không có miễn trừ đối với tội lỗi!

Chúng ta tiếp thu được từ Giôsép, tôi nói cho quí vị biết, đó là một sự thêm sức rất quan trọng – tại sao vậy? Vì chúng ta học biết rằng ông đã đứng trên chân của mình mà nói với người nữ nầy: 'Trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi', câu 9, 'và chủ cùng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi', ông tìm cách lý luận với nàng: 'vì là vợ của chủ tôi' - 'Tôi có quyền tại chỗ nầy, chồng bà đã đối đãi tốt với tôi, và bà là vợ của ông ấy'. Nhưng ông nói: 'Lý do tại sao tôi không thể ăn nằm với nàng: làm sao tôi dám làm điều đại ác dường ấy, và phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời?'. Quí vị thấy đấy, quí vị không thể lý sự với tội lỗi, mọi sự quí vị có thể làm là bỏ chạy cho xa. Hãy nghe đây, hỡi những người tuổi trẻ, tôi không biết tối nay quí vị sẽ nếm trải điều gì, nhưng có thể là những thử thách hôm nay quí vị cảm thấy chúng quá mạnh sức, những thử thách đó quá khó, và quí vị quá trẻ không thể kháng cự lại. Dường như tấm lòng chúng ta cứ mãi mê với trạng thái tâm lý cho rằng những tội lỗi nhất định là một sự cần thiết không sao tránh né được, và thậm chí các vị giáo sư Cơ đốc đều nói đến chúng hôm nay cùng viết các thử thách ấy ra trong nhiều sách vỡ, rao giảng nó từ toà giảng: 'Có những việc nhất định mà quí vị phải lận đận với cuộc sống Cơ đốc hôm nay' – hãy lắng nghe Lời của Đức Chúa Trời! Hãy lắng nghe: 'Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người'. Quí vị không có gì là đặc biệt cả! Những gì quí vị đang nếm trải hết thảy mọi người đều đã nếm trải. Nhưng Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được. Nói như thế có nghĩa gì? Ngài không làm cho sự cám dỗ quá nặng nề đến nỗi quí vị không thể chịu được. Ngài sẽ ban cho quí vị một lối thoát bằng lửa, rồi khi toàn thân thể, tâm trí của quí vị đang ở trên ngọn lửa với sự cám dỗ, Ngài sẽ khiến cho quí vị có thể mang nỗi nó! Quí vị há chưa nghe lời nói dối của ma quỉ, lời nói dối của thế gian nầy, rồi quí vị phải chịu thua sao!?! Đây là một thanh niên rất thành công trong một đất ngoại bang, ông biết chẳng có ai ở gần ông hết, ông đang ở trong cung điện, ông đang ở trong một nơi kín đáo, người nữ nầy đang hiến cho ông mọi sự thuộc về nàng: nhưng ông đã chống cự! Tôi rất vui vì câu chuyện nầy trong Kinh Thánh: ông có thể chống cự sự cám dỗ đó và ông đã chống cự nó, ông có thể đắc thắng và ông đã đắc thắng, ông có thể sống thanh sạch và ông đã sống thanh sạch và minh bạch ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt loài người.

Giờ đây, khi nói như vậy thì không có nghĩa là quí vị tự mình lao vào cơn cám dỗ và quí vị nhìn chòng chọc vào ma quỉ đang cám dỗ, không phải như vậy đâu! Chúa dạy chúng ta nên cầu nguyện: 'Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ', và vì thế chúng ta không nên tự đưa mình vào sự cám dỗ. Làm sao chúng ta biết rõ sự cám dỗ chứ? Trong câu 12 Kinh thánh cho biết ông đã tuột áo mà chạy trốn. Như F. B. Meyer nói: 'Thà mất chiếc áo choàng còn hơn là mất lương tâm của mình'. Chúng ta được dạy cho phải tránh tội lỗi đi, không nhìn chòng chọc vào nó mà chi, nó sẽ làm chủ chúng ta đấy. Chúng ta được truyền cho phải chạy khỏi nó. Thiên sứ đã phán với Lót cùng vợ ông ta khi họ ra khỏi thành Sôđôm, hãy nghe đây: 'Hãy chạy trốn cứu lấy mạng, đừng ngó lại sau và cũng đừng dừng bước lại nơi nào ngoài đồng bằng; hãy chạy trốn lên núi, kẻo phải bỏ mình chăng'. Đừng ngó lại đàng sau quí vị! Nếu quí vị thực sự nhìn biết tình trạng yếu đuối của mình là một tội nhân, khi quí vị đối mặt với sự cám dỗ, hãy tránh né mọi vẻ bề ngoài của nó!

Tôi đã nói với quí vị trước đây về câu chuyện nói tới một nhà truyền đạo thường đi ra bãi biển, tôi nghĩ bãi biển đó ở Miami nước Mỹ, rồi làm chứng với những kỵ nữ về Đức Chúa Giêxu Christ. Ông đã nói ra lời làm chứng như thế nầy: 'Tôi đi ra để làm chứng cho họ, thế mà họ lại làm chứng cho tôi'. Hết thảy chúng tôi đều có mặt ở chỗ mà chúng tôi đã nhìn chăm vào mặt sự cám dỗ quá lâu và sự cám dỗ đó đã thắng thế hơn chúng tôi. Tôi có thể nói với quí vị tối nay – Tôi sẽ không lãnh hội hết mọi thứ, nhưng tôi có thể lãnh hội điều nầy – một Đấng lớn hơn Giôsép đang có mặt tại đây. Đấng Christ, trong Mathiơ chương 4, đã bị cám dỗ giống như chúng ta – những hãy nghe đây, Ngài không bị cám dỗ theo cùng một cách như chúng ta – tại sao vậy? Tôi sẽ nói cho quí vị biết lý do tại sao, Giacơ 1.14: 'Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình'. Chúng ta bị cám dỗ, nếu tôi có thể nói đó là một cú hít mạnh giống như một miếng kim loại bị hít vào thỏi nam châm vậy. Nếu miếng kim loại là quí vị, có đúng không? Thỏi nam châm là tội lỗi. Bổn tánh của quí vị giống như miếng kim loại, tự nhiên bị hít vào thỏi nam châm – quí vị tự nhiên bị hít vào đó – nhưng chẳng có một bổn tánh tội lỗi nào hết trong Đức Chúa Giêxu Christ Chúa chúng ta. Quí vị có nhận thấy như thế không? Ngài bị cám dỗ từ bên ngoài, chúng ta bị cám dỗ từ bên ngoài, nhưng chúng ta có một sự ép buộc từ bên trong phải làm thoả mãn sự cám dỗ từ bên ngoài đó, và Ngài không có sự ép buộc ấy.

Có những người chuyên rao giảng Lời của Đức Chúa Trời, có những người chuyên viết sách báo trong Cơ đốc giáo, và tôi không biết họ viết như thế nào hay làm sao họ tìm được điều ấy, nghĩa là họ tin rằng Đức Chúa Giêxu Chirst đã phạm tội! Nguyện Đức Chúa Trời tha thứ cho họ! Tôi nghĩ đó là sự phạm thượng. Cho phép tôi chỉ ra cho quí vị thấy, và điều đó sẽ làm cho tấm lòng của quí vị ấm áp lên tối nay, thể nào sự cám dỗ của Giôsép lại rất khác với sự cám dỗ của Chúa chúng ta. Giôsép, quí vị và tôi cần phải trốn chạy nó. Khi hắn cám dỗ chúng ta, nếu chúng ta chần chừ thì sự cám dỗ đó sẽ tiến tới gần chúng ta hơn, nhưng trong Mathiơ chương 4 và câu 11 sau khi ma quỉ đã đến với Chúa Giêxu, là Đấng đã kiêng ăn 40 ngày và 40 đêm, hắn hiến bánh cho Ngài: 'Loài người sống không chỉ nhờ bánh mà thôi'. Tiếp đến hắn đến với Ngài rồi bảo Ngài hãy gieo mình xuống và thiên sứ sẽ đở lấy Ngài, nhưng Chúa phán rằng: 'Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi', và Ngài đã không sống theo đường lối của Đức Chúa Trời nếu Ngài gieo mình xuống. Thế rồi hắn đưa Ngài lên đỉnh cao của một hòn núi và hiến cho Ngài mọi nước thế gian nếu Ngài chịu sấp mình xuống thờ lạy hắn, và ngài phán: 'Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi' – và lời của Đức Chúa Trời cho biết: ma quỉ bèn bỏ đi! Halêlugia! Ngài không cần phải bỏ chạy khỏi ma quỉ, ma quỉ đã cao bay xa chạy khỏi Ngài!
"Đúng là một sự vui mừng vì cớ Ngài đã đắc thắng, vì Ngài đã khiến cho ma quỉ bỏ chạy, quí vị có quyền – dù quí vị nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà lan, tiếng Đức – nói ra một từ nầy: 'Không'!"
Há quí vị không nhìn thấy sự khác biệt sao? Nếu quí vị chưa nhìn thấy, quí vị đã bị mù rồi. Làm ơn tưởng tượng xem, Cứu Chúa của quí vị, nhân vật duy nhất trong mắt của Đức Chúa Trời giữa vòng nhân loại, đã sanh ra trước mặt Đức Chúa Trời là Con của Đức Chúa Trời, nhân vật duy nhất đã từng sống một đời sống trọn lành ở trước mặt Đức Chúa Trời, nhân vật duy nhất đã thắng hơn ma quỉ khi còn trong xác thịt, và mọi công tác trong đời sống Ngài, trong sự chết, và trong sự sống lại vinh hiển của Ngài. Ngài là nhân vật duy nhất – cho phép tôi nói cho quí vị biết điều nầy: chúng ta đang nhắm vào thập tự giá, và đúng như vậy vì Phaolô nói cho chúng ta biết ông chẳng khoe một điều gì trừ ra khoe về thập tự giá, nhưng cho phép tôi nói với quí vị điều nầy, sự công bình của đời sống Đấng Christ thì quan trọng rất nhiều cho sự chuộc tội và sự cứu rỗi của quí vị cũng quan trọng y như sự chết của Ngài vậy. Vì nếu Ngài từng phạm tội, và tôi dám nói như vầy: nếu Ngài từng bị buộc phải phạm tội, quí vị bị đoạ đày nơi địa ngục rồi tối nay! Đúng là một sự vui mừng cho Đức Chúa Trời khi nhìn thấy sự ra đời của con trẻ nầy, và nhìn thấy nơi sự chết của con ấy, nhìn thấy sự sống lại vinh hiển của Ngài, nhìn thấy sự thăng thiên của Ngài, nhìn thấy Ngài sẽ tái lâm qua hai cánh cỗng thiên đàng với huyết của Ngài rãi trên ngôi thương xót và mở ra một lối vào cho quí vị và cho tôi. Đúng là một sự vui mừng – Tôi sẽ nói cho quí vị biết điều nầy, đây là vấn đề cho chúng ta – đúng là một điều vui mừng vì cớ Ngài đã đắc thắng, vì Ngài đã khiến cho ma quỉ bỏ chạy, quí vị có quyền – dù quí vị nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà lan, tiếng Đức – nói ra một từ nầy: 'Không!' Quí vị có thốt ra từ ấy được không? Vì Chúa Giêxu đã sống, vì Ngài đã chịu chết, và vì Ngài đã sống lại, quí vị có thể nói: 'Không'.

Quí vị có muốn thắng hơn sự cám dỗ không? Phải, quí vị cần phải rút thanh gươm ra khỏi vỏ như Giôsép đã rút ra. Quí vị có biết điều chi chạm khắc trên thanh gươm ấy không? 'Làm sao tôi dám làm điều đại ác dường ấy nghịch lại với Đấng đã chịu chết thay cho tôi?'. Tôi không tìm gặp bài ca thánh nầy, tôi đã nghe bài ấy trên đài phát thanh hôm nay, nhưng quí vị có biết giai điệu là gì không? Quí vị có thể làm cho bộ nhớ của tôi được tươi mới hơn: 'Khi Chúa Giêxu đến quyền lực của kẻ cám dỗ bị phá tan', như thế há chẳng kỳ diệu sao? Tuần tới chúng ta sẽ xét qua sự ông bị bỏ tù, khi ông đi vào nhà ngục, được công nhận và được ca ngợi. Hãy trở lại, và mang theo giấy ghi chép vào tuần tới!

Chúng ta hãy cúi đầu xuống, cảm tạ Chúa cùng với tôi cho dù có việc gì úp đổ trên chúng ta trong cuộc sống, chúng ta sẽ nói với Giôsép: 'Đức Chúa Trời ở cùng tôi'. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài đã đến trong xác thịt với chúng ta, Ngài không đến với Giôsép, Ngài đã đi lên đồi Gôgôtha vì chúng ta, Ngài đã sống lại, và Ngài được đem lên cao trên trời đặng chờ đợi chúng ta. Ngài không thể đợi cho tới chừng chúng ta cũng về đến đó. Thật là kỳ diệu, có phải không? Nguyện điều đó làm cho tấm lòng của quí vị được dễ chịu càng thêm tối nay, dù quí vị đang phải chịu đựng bất cứ điều gì. Đấy có thể là điều ác, nhưng trong tấm lòng của Đức Chúa Trời có điều tốt lành dành cho quí vị.

Lạy Cha, chúng con chỉ muốn cảm tạ Ngài tối nay, chúng con muốn nói chúng con yêu mến Ngài vì Ngài yêu chúng con trước. Ngài đã chọn chúng con trong Đấng Christ, và đã xưng công bình chúng con, và lạy Chúa, Ngài sẽ làm vinh hiển chúng con một ngày kia – vô luận chúng con nếm trải điều chi trong đời nầy, Lạy Cha, xin giúp chúng con biết nhìn thấy tận cùng và nhìn thấy một ngày kia thật xa, xa tít, vì chúng con sẽ ở với Chúa Giêxu cho đến đời đời. Cảm tạ Ngài vì bài học nầy tối nay, chúng con cầu nguyện sẽ tiếp thu bài học nầy và lạy Chúa, xin cho bài học ấy giúp cho những ai đáng được giúp, chúng con cầu nguyện vì sự vinh hiển của Đấng Christ, Amen.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét