Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

ELISHA: Phép lạ của Bánh



Bài 12

Phép lạ của Bánh

(II Các Vua 4.42-44)
PHẦN GIỚI THIỆU:
Khi quí vị nghiên cứu đời sống và chức vụ của Êlisê, thật là dễ nhìn thấy bổn tánh và việc làm của ông rất giống với nhiều sự việc trong chức vụ của Chúa chúng ta. Câu chuyện kể về một người từ Ba-anh Sa-li-sa đến rất giống với việc cho 5.000 người ăn hay phép lạ nhân rộng mấy ổ bánh và mấy con cá. Nạn đói kém đã hiện hữu trong câu chuyện đi trước đó nói về nồi canh độc vẫn còn tác dụng trong sự cố nầy (II Các Vua 4.38-41). Ở đấy, phần nhấn mạnh nhắm vào bột khử tác dụng của nồi canh độc, một hình ảnh nói tới Chúa Jêsus và Lời của Ngài, là phương thuốc giải duy nhứt cho chất độc đa dạng trong thế gian. Ở đây, phần nhấn mạnh sẽ tương tự như thế. Bánh và lúa còn gié được cung ứng một lần nữa chỉ ra Cứu Chúa và Lời của Ngài là giải đáp cho nạn đói kém thuộc linh, chỉ trong lúc bây giờ, khía cạnh khác đã được thêm vào, ấy là trách nhiệm của chúng ta phải tin cậy Đức Chúa Trời nhân rộng những gì Ngài đã ban cho chúng ta khi chúng ta chia sẻ Ngài với nhiều người khác.
Như các môn đồ cần phải học hỏi từ việc cho 5.000 người ăn, cũng một thể ấy ở đây chúng ta có một nhóm các tiên tri đã nhóm lại quanh Êlisê vì Đức Chúa Trời đã ban cho chính những người nầy trách nhiệm mang lấy Lời của Ngài cho một nước đang thờ lạy hình tượng. Đây là một phần việc khó, nếu không phải là phần việc khó thực thi một khi ở ngoài sự vùa giúp thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Họ sẽ đối mặt với những khó nhọc, bắt bớ, nhiều lúc túng thiếu, và nhiều khó khăn khác mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể kham nổi. Trong phân đoạn Kinh thánh nầy, họ được kêu gọi phải tin theo Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài cung ứng cho mọi nhu cần và các trách nhiệm của họ. Khi chúng ta nắm bắt điều nầy cho chính đời sống chúng ta, chúng ta hãy đưa ra một vài thắc mắc sao cho thích đáng.
Thứ nhứt, đâu là một số nhu cần mà chúng ta cần phải tin cậy Chúa cung ứng cho? Những nhu cần nầy bao gồm sự yếu đuối và thất bại cá nhân; nhu cần của chúng ta phải tấn tới trong đức tin và sự vâng lời; sự thiếu hiểu biết và thiếu sự phân biện thuộc linh; các nhu cần theo phần xác; những nhu cần về sự hướng dẫn và sự khôn ngoan, can đảm, thành thật hay cá tánh, và nhiều việc khác nữa.
Thứ hai, đâu là những trách nhiệm của chúng ta? Những trách nhiệm nầy bao gồm việc sử dụng các ân tứ, ta-lâng, cùng những chức vụ mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta và muốn ban cho chúng ta; trách nhiệm của chúng ta phải học hỏi, cầu nguyện, yêu thương và biết săn sóc cho nhiều người khác (gia đình, bạn hữu, kẻ láng giềng) và nhiều việc khác nữa.
PHẦN TRÌNH BÀY
II Các Vua 4.42-44: “Có một người ở Ba-anh-Sa-li-sa đến, đem cho người của Đức Chúa Trời hai mươi ổ bánh lúa mạch, và lúa còn gié để trong bị mình, làm của lễ đầu mùa gặt. Ê-li-sê biểu kẻ tôi tớ mình rằng: Hãy đem phát cho các người ăn. Kẻ tôi tớ người thưa rằng: Chi! Tôi phải phát đồ này cho một trăm người sao? Nhưng Ê-li-sê đáp: Hãy phát cho họ các bánh đó, hầu cho họ ăn đi; vì Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Người ta sẽ ăn và còn dư lại. Ấy vậy, người đặt các bánh đó trước mặt họ; họ ăn, và còn thừa lại, y như lời của Đức Giê-hô-va đã phán”.
Một bài học về đức tin, tình yêu thương, và chức năng quản lý (câu 42a)
Người đến từ Ba-anh Sa-li-sa là ai vậy? Kinh thánh không đưa ra lai lịch của người nầy. Có lẽ người đại diện cho phần nhiều người trong chúng ta, tên tuổi của người sẽ không bao giờ có trong sảnh đường danh tiếng hoặc chẳng ai biết người nầy là ai. Rõ ràng, người nầy đại diện cho một tín đồ trung tín, là người đã dâng mọi sự mình có, nhưng Chúa biết rõ người và sẽ không bao giờ quên người. “Đức Chúa Trời không phải là không công bình mà bỏ quên công việc và lòng yêu thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh đồ và hiện nay đang còn hầu việc nữa” (Hê-bơ-rơ 6.10). Tác giả thơ Hê-bơ-rơ tiếp tục nói: “Nhưng chúng ta mong rằng mỗi người trong anh em tỏ lòng sốt sắng như vậy, đặng giữ lòng đầy dẫy sự trông cậy cho đến cuối cùng” (Hê-bơ-rơ 6.11). Với điều nầy trong trí, chúng ta cũng nhớ tới lời khuyên của Phao-lô: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15.58).
Sự kiện người nầy không được nhận ra cũng nhắc cho chúng ta nhớ tới một lẽ thật khác, một lẽ thật đã được tỏ ra bởi Giăng Báptít khi các môn đồ đến thắc mắc với ông về tầm ảnh hưởng và sự Chúa Jêsus được lòng người ngày càng tăng thêm, trong khi ảnh hưởng và sự Giăng được lòng dân chúng càng lúc càng giảm đi. Giăng đã không tỏ ra một sự ganh tỵ hay bận tâm nào hết, nhưng thay vì thế ông đã tái khẳng định những gì ông đã nói bao ngày qua. Ông chỉ là một chứng nhân của Cứu Chúa mà thôi (xem Giăng 3.26-29). Trong khi ảnh hưởng của Chúa Jêsus ngày càng tăng thêm, Giăng đã tìm được sự mừng rỡ của chính ông đã được thoả mãn giống như bạn của chàng rễ, là người tốt đẹp nhất, hiện diện ở đó đặng giúp đỡ cho chàng rễ và tìm được vui vẻ trong vai trò ấy. Giăng khi ấy đã đưa ra câu nói bất hủ nầy: “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3.30). Là tôi tớ và là công cụ của Chúa, chúng ta đừng bao giờ kéo sự chú ý của người ta về chính mình, mà về Cứu Chúa chúng ta đang tiêu biểu cho vì chỉ một mình Ngài mới làm thoả mãn các nhu cần của nhân loại. Nhưng, trừ phi chúng ta thực sự tìm được ý nghĩa và sự vui mừng của chúng ta trong Cứu Chúa, sự cám dỗ thường xuyên cho chúng ta là muốn người ta chú ý tới mình nếu chúng ta tìm kiếm ý nghĩa trong sự khen ngợi của loài người.
Mặc dù không biết rõ lai lịch của người nầy, phân đoạn Kinh thánh cho chúng ta biết ông đã đến từ Ba-anh Sa- li-sa. Đây chính xác là địa điểm nào? Từ phân đoạn Kinh thánh, điều nầy dường như có ý nghĩa hơn tên tuổi của người kia. Tại sao vậy? Cứu cánh chính của con người là làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời, tôn cao Chúa và kéo sự chú ý của người ta và thế gian nhìn vào Ngài vì Ngài là ai và Ngài đang làm gì. Người ấy đến từ một địa điểm được gọi là Ba-anh Sa-li-sa đang làm chính sự việc nầy. Sự kiện người nầy đến từ một địa điểm đặc biệt như thế trong khoảng thời gian có nạn đói là một sự khiêu khích chống lại sự thờ lạy Ba-anh.
Hãy nhớ rằng các phép lạ của Êlisê thường được thực thi như một cuộc tranh luận và một sự kêu gọi chống lại hệ thống thờ lạy hình tượng và sự thờ phượng thần Ba-anh, là thần giông tố và phì nhiêu. Uy quyền của Đức Chúa Trời cao hơn Ba-anh và sự bất lực của Ba-anh thường được khẳng định trong các truyện tích nói về Êlisê cùng những hành động của ông đã góp phần như một sự khiêu khích chống lại chính những thế lực góp phần vào sự thờ lạy tà thần mà ai cũng tưởng hắn đang cai quản sự phì nhiêu trong nông nghiệp, nơi con người và loài thú đồng cũng như mưa.
Sự kiện người nầy đến từ Ba-anh Sa-li-sa chứng tỏ sự việc nầy.
Thứ nhứt, từ ngữ Ba-anh có nghĩa là “ông chủ, người chồng, ông thầy”, nhưng chữ nầy thường được dùng như một danh xưng cho vị thần xứ Ca-na-an gọi là Ba-anh. Đôi khi ở thể động từ: B`u~l, được sử dụng nói đến Đức Giêhôva, là Đức Chúa Trời chơn thật của Israel, chỉ ra mối tương giao của Ngài với Israel là chủ hay chồng, họ đang ở trong mối quan hệ có tính giao ước với Ngài.
Giêrêmi 3.14: “Đức Giê-hô-va phán: Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở về; vì ta là chồng (B`u~l) ngươi. Trong vòng các ngươi, ta sẽ lựa mỗi thành một người, mỗi họ hai người, mà đem đến Si-ôn”.
Giêrêmi 31.32: “Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng (B`u~l) chúng nó, Đức Giê-hô-va phán vậy”.
Khi Israel sống vâng phục đối với giao ước nầy, khi đó Đức Giêhôva, là chồng, là chủ, là Đấng tiếp trợ, sẽ chúc phước cho xứ (Phục truyền luật lệ ký 28.29). Khi họ bất tuân đối với giao ước, họ sẽ kinh nghiệm sự rủa sả như nạn đói kém nầy. Israel đã bất trung đối với Đức Giêhôva và đã hướng sang giáo điều của thần Ba-anh, thế là có nạn đói kém ở trong xứ.
Thứ hai, Sa-li-sa có nghĩa là “thứ ba” và nó mang ý tưởng “nhân rộng” vì trong tiếng Hy bá lai, con số ba là con số nhỏ nhất chỉ ý tưởng nhân rộng. Vì vậy danh xưng Ba-anh Sa-li-sa có thể mang ý nghĩa “Chúa của sự nhân rộng” hay có lẽ: “Chúa là Đấng nhân rộng”. Vì vậy ở đây là một người, một người thờ phượng Đức Giêhôva, là Đức Chúa Trời chơn thật và là chồng của Israel, đã đến với các tiên tri thực của Đức Chúa Trời với bánh và gié lúa mà Đức Giêhôva sẽ nhân rộng cách lạ lùng trong vai trò Đức Chúa Trời của sự nhân rộng. Điều nầy một lần nữa chứng tỏ rằng chỉ một mình Ngài mới là Đức Chúa Trời chơn thật, là Đấng sẽ làm thoả mãn các nhu cần của họ và nhân rộng mọi chức vụ của họ.
Thứ ba, hãy chú ý rằng người đã đến với “người của Đức Chúa Trời”, với người đã đứng chống đối các vị tiên tri của thần Ba-anh và sự thờ lạy hắn. Đức Chúa Trời đang tôn cao chức vụ của Êlisê và các tiên tri thực của Đức Chúa Trời.
Thứ tư, những gì người mang đến được mô tả là “của lễ đầu” vụ mùa của người. Điều nầy chứng minh ông là một tín đồ chơn thật và tin kính nơi Đức Giêhôva, là người đã đem của lễ đến từ ơn phước của Đức Chúa Trời phù hợp với Luật pháp Cựu Ước, là giao ước của Đức Chúa Trời với Israel. Của lễ đầu mùa hay phần trước tiên của vụ mùa đã được đem dâng cho Chúa trong sự vâng phục và là một dấu của đức tin mà Đức Giêhôva, là Đức Chúa Trời của Israel, Đức Chúa Trời hay giữ giao ước, sẽ ban phước cho phần còn lại của vụ mùa. Đây là một hành động của đức tin chứng tỏ người nầy đã tin theo giao ước của Đức Chúa Trời và còn làm theo nữa vì Đức Giêhôva là thành tín đối với mọi lời hứa của Ngài.
Thứ năm, trong hành động nầy của đức tin, bởi một người vô danh như thế nầy, chúng ta thấy thể nào Đức Chúa Trời đã nhậm lấy đức tin của một tín đồ, không hề được nhắc tới trong Kinh thánh chúng ta biết rõ như thế, và sử dụng người ấy không những như một sự chứng tỏ tình yêu thương bền bĩ của Ngài và là một phương tiện của sự khích lệ và hy vọng, mà còn là một sự trợ giúp dạy dỗ cho Êlisê biết sử dụng với người của mình.
Thứ sáu, hãy chú ý những thứ người nầy mang tới không phải ở một số lượng lớn; người ấy chỉ mang tới những gì mình có. Số lượng không bao giờ là thứ quan trọng cả, vì Đức Chúa Trời có quyền nhân rộng mọi ân tứ và ta-lâng của chúng ta lên nhiều.
Sau cùng, mấy ổ bánh tự nhiên nói tới Chúa Jêsus là Bánh Hằng Sống và gié lúa là hột giống của Ngôi Lời không những là thứ trưởng dưỡng chúng ta, mà nó còn được gieo ra trong thế gian nữa.
Mạng lịnh của Êlisê (câu 42b)
“Hãy đem phát cho các người ăn”. Êlisê, một người hoàn toàn bị chiếm hữu bởi Giêhôva Đức Chúa Trời, bị tác động, bị lèo lái bởi nguyên tắc của Lời Ngài, ông đã nhìn thấy trong sự cố nầy một cơ hội rất lớn. Đây là một trong những tình huống bày tỏ ra nguyên tắc của Rôma 8.28 và 32.
Thứ nhứt, tình huống nầy dạy cho họ biết Đức Chúa Trời là ai và Đức Chúa Trời đang làm gì với họ trong vai trò là những giáo sư dạy Lời của Đức Chúa Trời. Chính Ngài là Đấng sẽ nhân rộng và chu cấp mọi nhu cần của họ, dù họ là gì khi họ tìm cách phục vụ cho một xứ sở đang đói kém về mặt thuộc linh. Nhưng tình huống nầy cũng dạy cho họ biết đôi điều về mọi trách nhiệm của họ khi họ đi ra rao giảng Ngôi Lời và phục vụ cho dân sự. Họ cần phải tiếp lấy bất cứ thứ chi Đức Chúa Trời chu cấp rồi sử dụng nó, với lòng tin cậy Đức Chúa Trời nhân rộng nó theo như Ngài thấy thích ứng.
Phân đoạn nầy không những minh hoạ sự thành tín của Đức Chúa Trời và khả năng Ngài chu cấp mọi nhu cần về phần xác, tỉ như đồ ăn và quần áo, giống như Chúa chúng ta cùng việc cho 5000 người ăn, tình huống nầy được dự trù làm một phân tích về quyền phép của Đức Chúa Trời và sự tiếp trợ của Ngài cho họ trong vai trò những nhà truyền đạo của Lời Ngài và về trách nhiệm của họ. Đây là một minh hoạ về trách nhiệm của họ đối với Đức Chúa Trời. Họ phải luôn luôn bước đi trong sự nương cậy Ngài thay vì nương cậy nơi mọi khả năng của họ.
Tình huống nầy cũng minh hoạ trách nhiệm của họ đối với con người trong việc bẻ và chia sẻ bánh hằng sống với nhiều người khác và trong việc gieo ra hột giống Ngôi Lời. Câu nói ở Mác 6.34: “Như chiên không có người chăn” đề ra bối cảnh và bầu không khí cho việc cho 5.000 người ăn và Chúa chúng ta đang tìm cách để dạy dỗ các môn đồ và chúng ta. Cũng một thể ấy, chắc chắn Êlisê đang thốt ra cùng một việc. Ông đang nói: “Ta muốn các ngươi nhận lấy bánh nầy, một hình ảnh của Ngôi Lời được phân phát ra cho nhiều người khác”.
Thế nhưng đây là một trách nhiệm rất lớn, vì chưa có một người nào được trang bị dù họ có ơn, sáng láng hay có khả năng. Cho nên biến cố nầy đã được định để dạy dỗ chúng ta một lẽ thật rất quan trọng, một lẽ thật mà số lượng lớn người ta phải mang lấy. Một trăm người hiện diện, nhưng họ chỉ có một số ít bánh mà thôi. Đúng là quá ít không làm sao cho cả một đoàn đông người ăn được.
Tại sao chúng ta thường thiếu tự tin trong các trách nhiệm và trong chức vụ của mình? Vì nhận thức hay mặc khải của chúng ta bị hạn chế, giống như các chấn song của nhà tù, nó giữ chúng ta không nhìn thấy quyền phép của Đức Chúa Trời có thể nhân rộng thứ ít ỏi mà chúng ta hiện đang có. Nghịch cảnh thường làm cho cảm xúc nầy lộ diện. Trong chỗ yếu đuối của chúng ta, sức lực dư dật của Đức Chúa Trời được nhân rộng thêm.
Cách đây mấy năm, tôi dạy trọn thời gian ở Trường Moody Northwest ở Spokane, một trường mở của Học Viện Kinh thánh Moody tại Chicago. Tôi có một số vấn đề với cổ họng và buộc phải ngưng một tuần không dạy được. Lúc đầu, mặc dù Đức Chúa Trời cho phép tôi phải im lặng, nhưng thay vì thế Đức Chúa Trời đã mở ra một chức vụ rộng lớn và mới hơn thật lạ lùng – ấy là viết lách trọn thời gian cho Hội Nghiên Cứu Kinh Thánh.
Hạn chế của người phụ tá (câu 43a)
“Chi! Tôi phải phát đồ này cho một trăm người sao?” Người phụ tá đã bị nhầm lẫn và bị hạn chế, bị giới hạn bởi sự vô tín của mình, nhưng sự vô tín của người nẩy ra bởi việc đánh giá khả năng riêng của mình phải cho nhiều người ăn thay vì bởi Đức Chúa Trời là ai và Ngài đã và đang làm gì. Việc đánh giá khả năng hay sự thành công của chúng ta trong bất kỳ khía cạnh nào của chức vụ (hay bất cứ điều chi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta bắt tay làm) bởi tính yếu đuối của chính chúng ta phải hạn chế chúng ta một cách máy móc, kết quả là rơi vào nhầm lẫn và thất bại. Chúng ta phải học biết nắm lấy bất cứ thứ chi Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta và rồi, tin cậy nơi ý muốn và quyền phép của Đức Chúa Trời, sử dụng nó với sự nhận biết rằng Đức Chúa Trời có khả năng nhân rộng nó ra dư dật một cách siêu nhiên trỗi hơn mọi điều mà chúng ta có thể cầu xin hay suy tưởng nếu Ngài khao khát làm như vậy.
Cho nên vấn đề ở đây không phải là số lượng bánh ít ỏi, mà là khả năng nhìn thấy Đấng Toàn Năng ở bên kia mấy ổ bánh. Đây là một vấn đề có nhận định sai, một nhận định đánh giá khả năng của chúng ta bởi chúng ta là ai và chúng ta đang làm gì thay vì bởi Đức Chúa Trời là ai và Đức Chúa Trời đang làm gì cho chúng ta.
Bài học chính trong phân đoạn Kinh thánh, ấy là Đức Chúa Trời muốn chúng ta học biết đánh giá sự sống bởi tính vô hạn của Đức Chúa Trời, là điều không thể đánh giá được.
Lòng tin cậy của vị tiên tri (câu 43b)
Ở đây Êlisê lặp lại mạng lịnh trước đó: “Hãy phát cho họ các bánh đó, hầu cho họ ăn đi; vì Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Người ta sẽ ăn và còn dư lại”. Như câu nói: “vì Đức Giêhôva có phán như vầy” chỉ ra, Êlisê đã ban ra sự khải thị trực tiếp từ Đức Giêhôva rằng Ngài sẽ nhân rộng mấy ổ bánh thêm nhiều. Đây là một lời hứa ra từ Đức Giêhôva cho Êlisê, nhưng chỉ sau khi Êlisê đã luyện tập đức tin đặt nơi Đức Giêhôva, ông tin cậy Ngài hoàn thành phép lạ nầy.
Êlisê muốn chứng tỏ Đức Chúa Trời đã làm gì cho các tiên tri nầy trong chức vụ của họ hầu cho họ sẽ học biết đánh giá đời sống, công việc, những thách thức của họ, không phải bởi tầm cỡ của các nan đề hay năng lực riêng của họ, mà bởi sự cả thể của Đức Chúa Trời họ.
Đối với chúng ta ngày nay, cụm từ: “Đức Giêhôva phán như vầy” đứng như một minh hoạ và một hình ảnh nói tới nhu cần của chúng ta phải nhìn biết và hiểu rõ các nguyên tắc cùng mọi lời hứa của Ngôi Lời và rồi tổng hợp chúng lại để thấy được sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời. Êlisê đang dạy cho các vị tiên tri nầy (và chúng ta) biết Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn ở cùng chúng ta nếu chúng ta sử dụng đức tin đặt nơi Ngôi Lời và các lời hứa của Đức Chúa Trời mà Êlisê đã có đối cùng Lời của Đức Giêhôva.
Hậu quả của sự vâng phục (câu 44)
“Ấy vậy, người đặt các bánh đó trước mặt họ”. Trước tiên, chúng ta hãy để ý người phụ tá đã vâng theo Đức Chúa Trời, mạng lịnh và tin tưởng nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Điều nầy thật rất cơ bản. Cho tới chừng nào dân sự Đức Chúa Trời học biết tính cấp thiết của đạo đức cho cả hai việc: tin và vâng theo Kinh thánh, sẽ có một nạn đói kém thuộc linh, nhầm lẫn, và hạn chế trong đời sống và chức vụ của chúng ta.
Thứ hai: “họ ăn, và còn thừa lại”. Sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời luôn luôn có đủ nhiều hơn những nhu cần thực sự của chúng ta, không phải tánh tham của chúng ta, mà cho các nhu cần thực trong đời sống của chúng ta.
Sau cùng, hãy chú ý cụm từ: “y như lời của Đức Giê-hô-va đã phán”. Mục tiêu là, sự việc đã xảy ra y như Đức Chúa Trời đã hứa. Lời của Đức Chúa Trời đã được thử nghiệm và rất thực. Đức Chúa Trời là thành tín đối với Lời của Ngài. Chúng ta có thể đếm nơi Chúa luôn.
Các vấn đề chúng ta thường phải đối mặt hay thất bại không giải quyết thích đáng thường là do sự hạn chế trong nhận định của chúng ta, và sự chúng ta vô tín đối với Ngôi Lời. Ồ, để chúng ta học biết đánh giá sự sống và xử lý với các nhu cần của nó, không phải bởi chúng ta là ai, mà bởi Chúa là ai và Chúa đang làm gì và đã hứa gì!?!
Đời sống của George Muller là minh hoạ rất tuyệt vời về một người thực sự tin theo Lời Đức Chúa Trời cùng lời hứa của Ngài tiếp trợ cho mọi nhu cần của chúng ta. Ông Muller đã thiết lập mấy viện mồ côi chỉ bởi đức tin Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn ông làm thế và ông đã tin theo lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ tiếp trợ cho mọi nhu cần của họ. Các nhu cầu chẳng ai biết được, không một lời gợi ý gián tiếp nào đã được đưa ra cho biết số quỹ có cần là bao nhiêu, và thậm chí khi trong những cảnh ngộ quá khó khăn, những kẻ đến hỏi han cho biết những nhu cầu không hề được biết trước hầu cho chức vụ sẽ trở thành một bằng chứng cho sự thành tín của Đức Chúa Trời. Ông Muller nói ông đã được giữ trong sự bình an bởi “không nhìn vào thứ ít ỏi có trong tay, mà nhìn vào sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời”. Sự khát khao của ông là phải minh chứng cho mọi người biết rằng thật là an ninh khi chỉ tin cậy nơi Đức Chúa Trời hằng sống.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét