Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

ELIJAH: Yếu đuối trong đắc thắng


Bài 14:
Yếu đuối trong đắc thắng
(I Các Vua 19)
PHẦN GIỚI THIỆU:
Bản tính con người của những vị anh hào trong Kinh Thánh đượm đầy sự khích lệ và mang lại sự dạy dỗ rất hay cho tấm lòng, và có thể chẳng có một phân đoạn Kinh Thánh nào gần gũi cho bằng I Các Vua 19. Trong khi chúng ta cần phải tìm hiểu thêm, chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ về các vị anh hào trong Đại Sảnh Đường Đức Tin như sở hữu một điều gì đó rất đặc biệt đến nỗi chúng ta không thể đạt tới được. Chúng ta nghĩ về họ, giống như họ là một giống người rất khác biệt, gần như giống với thần linh, với những thuộc tính mà chúng ta không thể có được.
Một số người nhìn xem Êli ở hai chương 17 và 18, là con người có đức tin, rồi kế đó nhìn vào Êli ở chương 19, là con người chỉ khiếp sợ với một tâm thần lụn bại. Họ lấy làm lạ: “Làm sao có được sự thay đổi như thế chứ?” Sự thể nầy giống như: “Nếu tôi trông thấy quyền phép của Đức Chúa Trời đã tỏ ra như vầy, tôi sẽ không bỏ chạy như ông ấy đâu”. Tuy nhiên, thực chất trong bản tường trình của Tân ước, chúng ta có một sự tỏ ra lớn lao hơn về quyền phép của Đức Chúa Trời nơi thân vị, đời sống, sự chết, sự sống lại và sự thăng thiên của Đấng Christ. Hơn nữa, những ai phản ứng giống với mọi hành vi của Êli trong chương 19, là không nhận thấy họ sẽ thất bại không chiếm được một chỗ đứng hoặc thất bại không thực thi được những việc mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ phải lo làm theo các nguyên tắc hiển nhiên của Ngôi Lời. Họ tự xem mình là chưa hề bỏ chạy vì, giống như bảy ngàn người đang ẩn trốn trong các hang động, họ chưa hề dấn thân vào cuộc liều mạng như Êli đã dấn thân. Thí dụ, thay vì lo đối phó với nan đề, họ đã giữ một khoảng cách an toàn, nhưng há đây không phải là cùng một việc sao?
Hoặc có lẽ chúng ta bị một ý tưởng khác làm cho khó chịu. Chúng ta nhìn xem các vị anh hào đức tin nầy hoặc lắng nghe nhiều vị giáo sư Kinh Thánh hôm nay với những lời hứa giải cứu của họ. Kế đó chúng ta suy nghĩ tới những lần vật vã và thất bại của chính mình rồi lấy làm lạ không biết có việc sai quấy nào trầm trọng với chúng ta hay không!?! Chúng ta sử dụng ý tưởng cho rằng chúng ta không cứ cách nào đó đã đạt tới điểm mà chúng ta không phải đấu tranh nữa. Thật là hoang tưởng khi cho rằng hạng tín đồ thực sự thuộc linh mà không bao giờ biết suy sụp. Nếu chúng ta thực sự trưởng thành, sau cùng chúng ta sẽ học biết tin cậy Chúa ở một cấp độ chúng ta không nhất thiết phải gắng sức mà có thể trôi nổi trên từng mây thứ chín vì chúng ta đã học biết bí quyết cho đời sống cao đẹp hơn, phải nói như thế.
Thế nhưng loại thần học ấy không phù hợp với Lời của Đức Chúa Trời. Đây là bộ môn thần học nói rất nhiều ở mặt nầy và quá ít ở mặt kia. Chúng ta có thể kinh nghiệm sự đắc thắng của Đức Chúa Trời bởi đức tin. Chúng ta có thể kinh nghiệm đời sống được Đấng Christ thay đổi khi chúng ta bởi đức tin tiếp nhận sự sống của Ngài và tin cậy nơi quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời đang ngự ở trong lòng. Nhưng không một ai trong chúng ta sống như thế một cách trọn vẹn được, và chẳng một ai trong chúng ta sẽ sống như thế mà không gặp khó khăn và không có kỷ luật. Chúng ta có thể tấn tới trong Đấng Christ và chúng ta sẽ kinh nghiệm và bền đỗ hơn trong sự tin cậy Chúa, nhưng không một ai trong chúng ta từng với tới sự trọn lành và sự yên nghỉ trong Chúa ở đời nầy (Philíp 3.11-17; Galati 5.17; Roma 7.15-25; 1 Giăng 1.8-10).
Hãy nhớ, Êli là một người cũng có tình cảm giống như chúng ta (Giacơ 5.17). Điều nầy cho chúng ta biết Êli không phải là vị thánh tuyệt vời, là người có một sự tiếp cận đặc biệt với quyền phép của Đức Chúa Trời qua đặc ân cầu nguyện mà chúng ta không có. Hơn nữa, Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhớ rằng Êli đã có những lần bản thân ông vật vã với nỗi yếu đuối và sự ngã lòng mà qua đó ông đã chiến đấu. Ông còn phải chiến đấu với thái độ của lý trí và mục tiêu của ông nữa. Các học viên của Ngôi Lời phải nhìn biết vấn đề nầy về mặt thần học khi những người đã tiếp nhận Chúa Giêxu, dù đã được tái sanh và Đức Thánh Linh ngự vào lòng, họ vẫn còn sở hữu các bản tánh tội lỗi và đang sống trong nhu cần về ân điển của Đức Chúa Trời từng giây phút một. Song trong các trường hợp phát sinh sự nghi ngờ, I Các Vua 19 bày tỏ ra lẽ thật của câu nói Giacơ 5.17.
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG PHẢN TRONG THÁI ĐỘ:
Chương 19 đứng tương phản thẳng thừng với hai chương đi trước nó. Nó đề cập tới cùng một nhân vật, nhưng cái khác biệt thì giống như ngày và đêm. Những điểm tương phản thật dễ nhớ, vì chúng cho chúng ta thấy hết thảy chúng ta đều yếu đuối và chúng ta cần phải cẩn thận là dường nào. Trong một ít phút, chúng ta hãy dành thì giờ để xem xét những điểm tương phản nầy để nhận ra các tư tưởng và ý niệm về mọi thái độ cùng những nỗi yếu đuối của chúng ta.
Điểm tương phản 1: Trong hai chương 17 và 18, chúng ta thấy Êli rất mạnh mẽ trong quyền phép của Đức Chúa Trời và trong việc vận hành các nguồn vốn thiêng liêng của Ngài – đó là Ngôi Lời và sự cầu nguyện. Nhưng đến chương 19, chúng ta thấy Êli rất yếu đuối -- yếu đuối trong cái tôi và trong cách bày tỏ ra các đấu pháp và chiến thuật của ông.
Điểm tương phản 2: Trong hai chương 17 và 18, chúng ta thấy Êli rất có kết quả. Ở đây, ông đã được Đức Chúa Trời đại dụng để phục vụ cho tha nhân, làm sáng danh Đức Giêhôva, và đem dân tộc của ông về lại với Đức Chúa Trời. Thế nhưng đến chương 19, chúng ta thấy Êli là một con người trống vắng, không kết quả, trốn chạy và thất bại không còn là một người giúp đỡ cho dân sự của Đức Chúa Trời nữa.
Điểm tương phản 3: Trong hai chương 17 và 18, chúng ta thấy Êli đắc thắng, dũng cảm, tin cậy, đối diện với 850 tiên tri của Baanh một lúc. Ông vốn có một mục tiêu và một thái độ rất cao. Nhưng trong chương 19, chúng ta thấy Êli trong sự thất bại, nãn lòng, sợ hãi cả Giêsabên, e sợ bỏ trốn, và mong sao cho mình được chết đi. Ông đã có một thái độ nghèo nàn.
Điểm tương phản 4: Trong hai chương 17 và 18, chúng ta thấy Êli bị Chúa chiếm hữu, tỉnh thức về sự hiện diện của Đức Chúa Trời, tỉnh thức về tầm cỡ thân vị của Đức Chúa Trời, và cách sử dụng những vốn liếng ông có trong Chúa – các lời hứa của Ngôi Lời và sự cầu nguyện. Còn trong chương 19, chúng ta thấy Êli đã bị dân sự cùng mọi cảnh ngộ chiếm hữu, chớ không phải Đức Chúa Trời. Ông đã bị nan đề bắt lấy một cách hoàn toàn. Ông thất bại không thể cầu nguyện và không thể đứng vững trên các lời hứa của Kinh Thánh. Ông đã có một mục tiêu không đúng.
Không phải ở trong chương nầy chúng ta mới thấy Êli từng đến tại ngôi ân điển. Không phải ông mới đòi hỏi các lời hứa của Đức Chúa Trời đâu! Hơn nữa, ông đã hành động cho dù Giêsabên có trưng dẫn về các thần Baanh là thật và dù ông có xưng nhận và minh chứng Đức Giêhôva không phải là giả dối (đối chiếu I Các Vua 18 với 19.2-3). Thật đáng phải cảm tạ, vì Đức Chúa Trời đã giàu ơn đến với Êli.
Điều nầy có quan hệ tới một vấn đề quá xưa cũ. Một lần nữa, đó là một mục tiêu và một thái độ. Bất cứ lúc nào chúng ta bị các nan đề chiếm hữu thay vì Chúa, điều nầy tạo nên một sự méo mó kinh khủng. Sự thể nầy giống như xem qua một góc sai của kính viễn vọng vậy. Thay vì thổi phồng thân vị và quyền phép của Đức Chúa Trời lên, chúng ta cứ mãi nhắm vào nan đề, điều nầy làm cho thân vị và quyền phép của Đức Chúa Trời trong con mắt của chúng ta bị co cụm lại, rồi khiến cho nan đề ra to lớn thêm. Các nan đề của chúng ta trở thành những gã giềnh giàng hay những ngọn núi hùng vĩ; từ quan điểm của Đức Chúa Trời, thậm chí chúng cũng không phải là nhúm đất do chuột chũi đùn lên nữa. Có ba minh hoạ cơ bản cho sự thể nầy: (a) Chúng ta có những người Israel, họ đã trông thấy những gã giềnh giàng trong xứ thay vì Chúa Giêhôva, họ thấy mình giống như bầy cào cào (Dân số ký 13.40 –14.4). (b) Tiếp đến là David, sau khi bị Saulơ truy đuổi trong một thời gian dài, ông đã nhìn thấy giải pháp duy nhất của mình là giải pháp trốn chạy vào đất của người Philitin (I Samuên 27.1…). (c) Sau hết, có Phierơ, ông đã đi bộ trên mặt biển cho tới chừng ông không còn nhìn xem Chúa nữa (Mathiơ 14.30).
Điểm tương phản 5: Trong hai chương 17 và 18, chúng ta thấy Êli được trưởng dưỡng và được nâng đỡ về mặt thuộc thể khi ông chờ đợi nơi Đức Giêhôva. Thế nhưng sang chương 19, chúng ta thấy ông yếu đuối về phần thuộc thể, bị đói khát vì thiếu trưởng dưỡng và thiếu yên nghỉ. Ông đã thất bại không dành thì giờ để ăn uống hay yên nghỉ và ông đã thất bại không dành sự quan tâm của mình về Đức Chúa Trời nữa.
Đây là một chương trong nhiều chương Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy tính cách hiện thực và sự thành thật của Lời Đức Chúa Trời – một dấu hiệu chỉ ra tính chất được Đức Chúa Trời hà hơi vào. Như Tấn sĩ Lewis Sperry Chafer đã viết: “Kinh Thánh không phải là một quyển sách mà một người muốn viết nếu người ấy có thể, hay có thể viết nếu người ấy muốn đâu”.
Nói chung, khi con người viết về những bậc anh hào của họ, họ có khuynh hướng tô điểm một bức tranh thật đẹp trong khi họ bỏ qua những thất bại cùng những yếu điểm, đặc biệt ở thời điểm nầy trong lịch sử. Hãy nhớ chương trình truyền hình được gọi là: “Đây là đời tôi” không? Chương trình nầy luôn luôn là một minh họa rõ ràng về những lúc mạnh mẽ của một người, nhưng mọi nỗi yếu đuối thì bị cắt bỏ hết. Có người nói: “Khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta chân dung của một người, Ngài không che giấu mọi khuyết tật của người ấy”.
Tại sao lại có một sự khác biệt như thế nơi thái độ của vị tiên tri? Làm sao có được một sự thay đổi như thế chứ? Sao lại có phần chân dung nầy của vị tiên tri trong Kinh Thánh? Chúng ta không dám bỏ qua thắc mắc nầy vì trong câu trả lời cho thắc mắc đó, chúng ta thấy một trong những lý do cho chương nầy nằm trong Ngôi Lời.
Chúng ta được ban cho phần chân dung nầy của con người Êli:
(1) Vì Đức Chúa Trời là chơn thật, là lẽ thật trọn vẹn, Ngài không thể làm khác hơn những sự thật về tính khí của con người. Đức Chúa Trời không chú tâm vào việc tôn cao con người như con người hay làm vì làm thế là gây hại cho chúng ta khi những điểm sau đây sẽ bày tỏ ra.
(2) Vì thật là quan trọng cho chúng ta nhìn biết sự thật về bản thân mình để chúng ta không có ảo tưởng về chúng ta là ai nữa. Điều nầy bao gồm cả các bậc anh hào của chúng ta. Hãy nhớ, Êli là một nhân vật tiêu biểu và nhân vật nầy giúp chúng ta nhìn thấy cái tôi của mình. Tại sao vậy? Nhờ đó chúng ta sẽ với tới và rút tỉa được ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời. Những ảo tưởng trong cái tôi đang làm ngăn trở công việc đó. Chúng ta không nhất thiết phải có những ảo tưởng đó vì vậy chúng ta sẽ xây khỏi mọi năng lực của chúng ta mà hướng vào các năng lực của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải thôi không dựng lên những cái hồ chứa dễ vỡ, chúng không chứa nước được, rồi hãy đến với Đức Giêhôva là dòng sông sự sống (Giêrêmi 2.13).
(3) Nhân vật nầy giúp chúng ta nhìn thấy cần phải tìm sự vinh hiển nơi Đức Chúa Trời hơn là nơi con người.
(4) Sau cùng, có lẽ nhân vật và thực tại nầy sẽ giúp chúng ta thôi không còn tin cậy vào những lời nói dối mà chúng ta có khuynh hướng tin theo. Những lời dối trá nầy đang tàn phá cách ăn ở thuộc linh lành mạnh với Đức Chúa Trời.
Nói một cách đơn giản, những lời dối trá là loại niềm tin, loại thái độ, hoặc loại trông mong không phù hợp với thực tế . . . Chúng ta học biết những lời dối trá của chúng ta đến từ nhiều nguồn khác nhau – cha mẹ, bạn bè, xã hội mà chúng ta đang sinh sống trong đó, thậm chí trong nhà thờ mà chúng ta đến nhóm lại – và chúng làm cho cuộc sống ra đáng thương, thậm chí khó mà cưu mang nổi.
Sau đây là các minh hoạ về những lời dối trá chúng ta phải nhìn biết:
Tôi phải sống trọn lành.
Thật là dễ tránh né nan đề hơn là đối mặt với chúng.
Bạn chỉ tốt đẹp như những gì bạn đang làm.
Bạn chỉ đáng giá nếu bạn sống thành công.
Đời sống sẽ dễ dàng thôi.
Đời sống sẽ đẹp thôi.
Mọi nan đề của tôi đều do tội lỗi hay thất bại của tôi gây ra.
Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nhân vật Êli để dạy chúng ta biết chúng ta yếu đuối là dường nào, mục tiêu và các thái độ của chúng ta quan trọng là dường bao, và chúng ta rất cần tới ân điển của Đức Chúa Trời cho từng phút và từng hơi thở của chúng ta là ngần nào. Đức Chúa Trời mô tả dân sự, đặc biệt các bậc anh hào đức tin, như họ vốn sống thực vậy – là những con người đơn sơ, những cái bình bằng đất, loại bình bằng đất sét. Chúng ta là những công cụ được Đức Chúa Trời sử dụng để tỏ ra sự vinh hiển Ngài, nhưng tách ra khỏi Ngài chúng ta chẳng có giá trị gì hết (I Côrinhtô 3.5-7; II Côrinhtô 4.7).
Dựa theo những điểm tương phản nầy trong đời sống của Êli, vị anh hào vĩ đại nầy trong Sảnh Đường Đức Tin của Đức Chúa Trời, tôi muốn chia sẻ một vài tư tưởng thích đáng trước khi chúng ta bắt đầu phần chú giải các điểm đặc biệt trong phân đoạn Kinh Thánh nầy.
Ýtưởng 1: Những chân dung thực nầy của các bậc anh hào đức tin vĩ đại dạy chúng ta biết đừng trông mong sự trọn lành gì nơi con người – kể cả chúng ta, và tôi nói thêm, tính luôn Hội Thánh nữa. Sự trọn lành chỉ được thấy có trên thiên đàng và trong thân vị của Người-Trời trọn vẹn, là Chúa Giêxu mà thôi.
Ý tưởng 2: Họ được ghi lại đó để dạy cho chúng ta biết rằng điểm mạnh nhất cũng là điểm yếu đuối nhất của chúng ta dễ bị đánh bại – ngay tại chỗ mà chúng ta thấy yếu đuối và dễ sai phạm nhất. Sức lực lớn lao nhất của một người tín đồ, sự nương cậy và đức tin nơi Chúa là mục tiêu, nhưng đây cũng là chỗ trọng yếu nhất. Còn Satan, hắn muốn tấn công chúng ta ở chỗ nào? Ở lãnh vực nhu cần phải nương cậy nơi Đức Chúa Trời của chúng ta. Trừ phi điều nầy được ghi nhớ, thất bại sẽ luôn luôn theo sau sự đắc thắng. Đau khổ sẽ theo sau phước hạnh. Đây là lý do tại sao Ngôi Lời cảnh cáo chúng ta: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (I Côrinhtô 10.12). Lời cảnh cáo nầy xảy ra gần cuối phân đoạn Kinh Thánh xử lý với nguyên tắc “đặc ân không đảm bảo đắc thắng hay thành công” (I Côrinhtô 10.1-11).
Ý tưởng 3: Chương 19 cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng từng tôi tớ, truyền đạo, trưởng lão, giáo viên Lớp Trường Chúa nhật, v.v…, vô luận có được đặc ân và được Đức Chúa Trời đại dụng như thế nào đi nữa, chỉ là một cái bình bằng đất, một người nam hay một người nữ chan chứa tình cảm với hai chân bằng đất sét. Họ không phải là hạng thánh đồ đã trèo lên ngọn núi nên thánh rất thành công giống như một vận động viên siêu đẳng thuộc linh giờ đây đã đăng quang trên cả người thế gian, xác thịt và ma quỉ, trong khi những người còn lại chúng ta là những linh hồn đáng thương đang vật vã cố gắng tiếp thu bí quyết của họ. Đáng tiếc thay, có nhiều tín đồ nhìn xem Mục sư chủ toạ của mình, các lãnh đạo trong Hội Thánh cùng quí giáo sư dạy Kinh Thánh nổi tiếng qua cặp kính mát màu hồng. Các thái độ và những trông mong của họ, ít nhất phải nói, là hoàn toàn không thực tế. Với nhận định của nguyên tắc nầy, chúng ta hãy xét qua vài ý tưởng quan trọng về chức năng lãnh đạo:
(1) Người nào đang ngồi trong chỗ lãnh đạo (và điều nầy kể cả bậc cha mẹ) phải trở thành tấm gương, kiểu mẫu cho bầy chiên và cho gia đình của họ. Kinh Thánh nói rõ ràng về vấn đề nầy. Là tấm gương cho người khác là một trong những thách thức của chức năng lãnh đạo (I Timôthê 4.12; Tít 2.7-8; I Phierơ 5.3b; Hêbơrơ 13.7). Chúng ta trông mong cấp lãnh đạo của chúng ta phải nêu gương về đức tin, nhưng chúng ta không trông mong họ được nên trọn vẹn. Hãy nhớ, Êli là gương mẫu của sự cầu nguyện trong đức tin, nhưng ông không trọn vẹn như chương 19 đang minh họa.
(2) Kinh Thánh dạy rằng cấp lãnh đạo phải được tôn trọng vì cớ công việc của họ (I Têsalônica 5.12, 13), và được noi theo như những tấm gương bao lâu đời sống họ còn hiệp theo với Ngôi Lời.
(3) Như đã được nhắc tới ở trên, chúng ta không nên mong mỏi họ là trọn vẹn. Chúng ta đừng bao giờ xem họ là ra gì hơn hạng người bình thường về bổn tánh, là anh em, là những cái bình bằng đất. Giống như chúng ta, họ có hai bàn chân bằng đất sét và có khuynh hướng phạm tội và sa ngã (Công vụ Các sứ đồ 14.11-15; II Côrinhtô 4.7; Mathiơ 23.8-11; I Côrinhtô 10.13). Từng vị tôi tớ của tin lành chỉ là một cái bình bằng đất sét trong đó Đức Chúa Trời đã đặt của cải của Ngài, là tin lành vinh hiển nói tới Đức Chúa Giêxu Christ, lẽ thật của Ngôi Lời, và là thân vị của Đức Thánh Linh. Nói cách khác, người (nam hay nữ) ấy không phải là cái bình bằng thép hoặc bạc hay vàng, mà chỉ là một cái bình bằng đất sét. Điều nầy có ý nói chúng ta rất dễ bị hư hỏng và dễ vỡ. Nhưng có một lý do đặc biệt cho vấn đề nầy. Trong II Côrinhtô 4, Phaolô nói: “hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi”. Lý do: chúng ta không tìm vinh hiển nơi con người, mà nơi Đức Chúa Trời (đối chiếu II Côrinhtô 4.7 và I Côrinhtô 2.1-5).
(4) Hết thảy chúng ta đều là công cụ của Đức Chúa Trời (I Côrinhtô 3.5). Hãy chú ý điểm nầy: a) Sứ điệp rất sống động và có quyền phép, do Đức Chúa Trời ban ra (II Côrinhtô 3.5). Đây không phải là phát minh của sự khôn ngoan hay sự sáng chói của chúng ta. b) Những tác dụng của sứ điệp được Đức Chúa Trời ban ra bất chấp người ta nghĩ gì về phương pháp, tài năng trong sự dạy dỗ, hay khẩu tài của chúng ta. Cả ân tứ và các tác dụng, nếu chân thật, là do Đức Chúa Trời ban cho (I Côrinhtô 3.5-7; 12.4…). c) Vì thế, giống như một ngọn đèn không có dầu, các công cụ hoàn toàn không có giá trị và bản thân họ yếu đuối không có Thánh Linh của Chúa. Không hề có lý do gì cho việc tự khoe mình, chúng ta cũng không khoe mình nơi ai khác (I Côrinhtô 4.5-7).
(5) Đức Chúa Trời ghen tương vì sự vinh hiển Ngài và sẽ không nhường sự vinh hiển Ngài cho ai khác. Ngài đã chọn kẻ dại, kẻ yếu đuối, kẻ bị xem khinh, những việc tồi tệ trong cuộc sống, và những việc (cũng như những người) không làm sao hoàn thành được các mục đích của Ngài. Tại sao vậy? Để chẳng một ai được khoe mình trong sự hiện diện của Ngài (Êsai 48.11; I Côrinhtô 1.27-31). Kết quả, là tôi tớ của Đức Chúa Trời, hết thảy chúng ta đều mong ước được trở thành chiếc bình trong sáng dù có người sẽ nhìn thấy Đấng Christ; không phải là chiếc cửa sổ bằng kính bị bẩn lôi kéo sự chú ý về phía nó qua sự hào nhoáng sặc sỡ hay qua xu hướng gây giật gân. Vì lẽ ấy nguyện chúng ta đừng trở thành chiếc cửa sỗ bẩn thỉu, mà là chiếc cửa sổ trong sáng để cho người ta nhìn qua chúng ta thấy rõ Đấng Christ và lẽ thật của Ngôi Lời (I Côrinhtô 2.1-5).
(6) Người ta ở chỗ tốt nhất của họ, xa cách ân điển nâng đỡ của Đức Chúa Trời chỉ là một bầu không khí, hơi thở trống không mà thôi (Thi thiên 39.5).
Ý tưởng 4: Không những là hàng tôi tớ, như Êli, các vị Mục sư, và truyền đạo, đều có hai bàn chân bằng đất sét, nhưng họ thường gánh chịu cuộc tấn công đặc biệt của ma quỉ vì công việc của họ đang lo làm là công bố ra Ngôi Lời (I Têsalônica 2.17-18; II Têsalônica 3.1, 2; I Côrinhtô 16.9). Điều nầy có nghĩa là họ cần sự cầu nguyện sốt sắng ủng hộ cho Hội Thánh hơn là phê bình.
PHẦN KẾT LUẬN:
Thật là yên ủi khi biết rằng hàng thánh đồ của Đức Chúa Trời (giống như Êli) đều có bổn tánh giống như chúng ta. Điều nầy minh hoạ lẽ thật của I Côrinhtô 10.13: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người”. Những sự cám dỗ, thử thách, thất bại của chúng ta đều rất phổ thông cho hết thảy mọi người. Bạn và tôi không cô độc đâu, vô luận chúng ta đang đối diện với việc gì, Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài giúp đỡ chúng ta kháng cự cơn cám dỗ, và Đức Chúa Trời là giàu ơn cất chúng đi khỏi khi chúng ta vấp ngã.
Những thất bại và yếu đuối của các bậc anh hào đức tin vĩ đại không bao giờ được xem là những tảng đá cho chúng ta ẩn núp ở đàng sau hầu cho chúng ta có thể cáo lỗi vì mọi thất bại của chúng ta trong tình trạng chưa đủ trách nhiệm. Đức Chúa Trời buộc chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với những gì Ngài đã giao phó cho chúng ta.
Những tấm gương như Êli trong I Các Vua 19 đứng như những lời cảnh cáo hay loại dấu hiệu báo nguy, chớ không phải là những lời cáo lỗi vì thất bại. Trong các bài học nối theo sau, chúng ta sẽ nhìn xem các thất bại của Êli và thể nào Chúa đã cất nhắc ông lên, đặt ông trở lại trên hai chân của mình, và trở lại với chức vụ.
Yếu tố quan trọng là một thái độ nhìn xem và lòng tin đặt nơi Chúa. Sau đây là một trong những minh hoạ hay nhất mà tôi biết về tầm quan trọng của việc giữ một thái độ phải lẽ và tập trung:
Nhà vĩ cầm có tài chuyên về biểu diễn vào thế kỷ thứ 19 Nicolo Paganini đứng trước một ngôi nhà chật ních người, đang chơi một đoạn nhạc khó. Một dàn nhạc đầy đủ vây quanh ông với sự ủng hộ hết mình. Thình lình một sợi dây trên cây đàn vĩ cầm của ông bị đứt khỏi nhạc cụ của ông. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán ông. Ông nhướng mày lại, nhưng vẫn tiếp tục chơi, ứng biến thật là hay.
Trước sự ngạc nhiên của nhạc trưởng, một sợi dây thứ hai bị đứt luôn. Sau đó một lúc, sợi dây thứ ba đứt. Giờ đây đã có ba sợi dây đứt lòng thòng từ cây đàn của Paganini khi nhà trình diễn bậc thầy đã hoàn tất phần sáng tác khó chỉ trên một sợi dây còn lại. Khán thính giả đã nhảy mừng lên trên chân của họ theo cách của người Ý, họ hô to vang dội cả sảnh đường: “Hoan hô, hay lắm! Hoan hô, hay lắm!” Khi tiếng vỗ tay nguôi dần, nhà vĩ cầm yêu cầu người ta ngồi xuống ghế của mình. Mặc dù họ biết không còn phương thế nào để cho họ mong vị nhạc công kia biểu diễn lại, họ đã ngồi xuống tại chỗ của mình.
Ông giơ cây vĩ cầm lên cao cho mọi người xem thấy. Ông gật đầu khi vị nhạc trưởng bắt đầu cho biểu diễn lại và rồi ông xây lưng lại cùng đám đông, rồi với một cái nháy mắt, ông mĩm cười hô to lên: “Paganini . . . và một sợi dây đàn!” Sau đó ông đặt cây đàn Stradivarius còn có một dây vào dưới cằm của mình rồi chơi khúc nhạc sau cùng trên một dây trong lúc khán thính giả (và vị nhạc trưởng) đã lắc đầu của họ trong nỗi ngạc nhiên im lặng. “Paganini . . . và một sợi dây đàn!” (Và tôi nói thêm, một thái độ chịu đựng thật dũng cảm).
Swindoll tiếp tục nói:
Điều nầy có thể gây sốc cho quí vị, nhưng tôi tin quyết định quan trọng nhất tôi có thể đưa ra trên cơ sở từng ngày là sự lựa chọn thái độ của tôi . . . Thái độ là “sợi dây đàn duy nhất” giữ tôi cứ tiến tới hoặc phá hỏng tiến trình của tôi . . . Khi các thái độ của tôi đúng đắn, chẳng có một chiếc hàng rào nào là cao quá, không một đồng trũng nào là sâu quá, không một giấc mơ nào là cực đoan quá, không một thách thức nào là quá lớn đối với tôi.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta sử dụng quá nhiều thì giờ của mình nhắm vào việc làm rung lên những sợi dây đứt, lòng thòng, và bài nhạc – những việc không thể thay đổi – hơn là chúng ta dành sự chú ý vào sợi dây còn lại, là sự lựa chọn thái độ của chúng ta.
Tuy nhiên, đối với Cơ đốc nhân, chúng ta không nói về một thái độ tích cực. Chúng ta đang nói về một thái độ đến từ tấm lòng biết nhìn xem Đức Chúa Trời và tin cậy nơi Ngài.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét