Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

ELIJAH: CON NGƯỜI ÊLI



BÀI 2
CON NGƯỜI ÊLI
I Các Vua 17.1
PHẦN GIỚI THIỆU:
Trong bài học đầu tiên của chúng ta về Êli, chúng ta đã xem qua bối cảnh lịch sử hình thành môi trường thuộc linh và đạo đức mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi Êli bước vào phục sự trong đó. Đó là thời điểm khi các nền luật pháp và trật tự đang bị triệt phá có hệ thống. Đó là thời điểm khi con người tôn giáo phải đưa ra thắc mắc giống như ở Thi thiên 11.3: “Nếu các nền bị phá đổ, người công bình sẽ làm sao?” Từ Thi thiên nầy, chúng ta không phải tỏ ra rồi giấu kín. Mà đúng hơn, chúng ta cần phải noi theo các tấm gương như David, Êlivà Êlisê. Chúng ta cần phải học hỏi từ đời sống của họ và phải sống thật dạn dĩ, như David đã giải đáp cho thắc mắc nầy ở Thi thiên 11.4, chúng ta có thể sống trong ánh sáng của sự kiện: “Đức Giêhôva ngự trong đền thánh Ngài; ngôi Ngài ở trên trời, con mắt Ngài nhìn xem, mí mắt Ngài dò con loài người”. Câu nầy thách thức chúng ta luôn nhớ rằng Đức Chúa Trời không dửng dưng với con người và các nước. Là Đấng Toàn Năng, Ngài đang xử lý với chúng ta theo cách xứng đáng. Chúng ta cần phải nhìn biết và yên nghỉ trên lẽ thật của Thi thiên 33. Đặc biệt hãy chú ý những câu 12-22.
Hiển nhiên là chúng ta lấy làm tiếc về mọi điều chúng ta đang nhìn thấy trong xứ sở và trên thế giới của chúng ta. Thật thế, có nhiều trạng huống càng trở nên quá lố bịch. Dường như mỗi ngày đều đem lại một tai vạ hay một thảm kịch: giết người, giết hàng loạt, giết hàng đống, sự lừa lọc trên các nước – bằng chứng của sự phá sản về mặt đạo đức và sự chúng ta chối bỏ cơ nghiệp Cơ đốc của mình. Thế nhưng đây lại là thời buổi mà chúng ta đang sinh sống trong đó. Như đã xảy ra với Êli thể nào, cũng một thể ấy, Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta hầu việc Ngài và phục vụ tha nhân trong các thời điểm giống như thế.
Trong bài học nầy, chúng ta nhìn thấy sự xuất hiện và phần công bố thẳng thừng của Êli đối với vua Aháp. Thình lình, giống như một tia sét loé ra từ các đám mây tối tăm sa sút thuộc linh của dân Israel, Êli xuất hiện trên chính trường. Đứng trước mặt Aháp, có lẽ trong chính hoàng cung, ông đã dũng cảm công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời nói tới sự phán xét cho nhà vua gian ác nầy. Và không nghi ngờ chi nữa, điều nầy đã được thực hiện trước sự hiện diện của Giêsabên, mụ hoàng hậu có tánh giết người và các tiên tri thần Ba-anh.
NHÂN VẬT ÊLI
Phần khởi đầu lờ mờ của Êli
“Êli ở Thisêbe, là một người trong bọn đã sang ngụ ở Galaát...” (câu 1a). Hãy chú ý xem Êli thể nào đã thình lình xuất hiện trên chính trường. Kinh thánh cho chúng ta biết rất ít về ông. Giống như Mên-chi-xê-đéc, theo sự ghi lại của Kinh thánh, ông vụt nổi bật lên từ chỗ tăm tối. Chẳng có một điều gì nhắc tới bố mẹ, tổ phụ, học vấn hay đời sống thơ ấu của ông hết. Thật đơn giãn, ông được gọi là: “Người Thisêbe, trong bọn đã sang ngụ ở Galaát”. Nói cách khác, ông không có tên trong danh sách: “Người nầy là ai?” trong xứ Isarel. Ông không được biết là một tiên tri, như câu chuyện về sau cho thấy. Tuy nhiên, Kinh thánh đặt phần nhấn mạnh rất ít về lai lịch của ông.
Điều nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng, chúng ta là ai và làm gì thực sự không đáng kể, miễn sao chúng ta có đức tin, có khả năng cho Đức Chúa Trời sử sụng. Đây là một người sống rất gần gũi với Đức Chúa Trời, một con người mà Đức Chúa Trời vốn rất thực đối với ông và Đức Chúa Trời đã đại dụng ông. Trong phần phân tích sau cùng, Đức Chúa Trời là ai và Đức Chúa Trời đang làm gì mới thực sự là vấn đề. Nhận biết Đức Chúa Trời là ai sẽ củng cố niềm tin của chúng ta nơi Ngài, điều đó tác động chúng ta sống ra sao, chúng ta nói gì, và chúng ta sẽ làm gì!
Ngược lại, dường như con người luôn luôn muốn biết: “Ông là ai?” “Ông ấy hay bà ấy là ai?” Người ta có thể nhìn vào mọi thành tựu của họ, giống như Nêbucátnếtsa đã nhìn vậy (Đaniên 4.30), và tự hào kể chúng cho sự chói sáng của họ. Mặt khác, như Môise đã làm trong sự kêu gọi của Đức Chúa Trời (Xuất Êdíptô ký 3.11), chúng ta thường có khuynh hướng suy nghĩ theo cách chán chường: “Ta là ai?” Trong mỗi trường hợp, loại suy nghĩ nầy đặt tiêu điểm trên chúng ta, đúng hơn là phải đặt trên ĐỨC GIÊHÔVA cao cả, chúng ta nương cậy hoàn toàn vào Ngài và Ngài luôn luôn có quyền làm trổi hơn mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng.
Hãy nhớ Giăng Báptít, là bản sao Êli trong Tân ước? Người ta đã hỏi ông: “Ông là ai?” Câu trả lời của ông là: “Ta chỉ là tiếng kêu”. Ông đang nhấn mạnh ông chỉ là công cụ của Đức Chúa Trời hằng sống, ông hiện diện ở đó để giúp cho họ chịu nhìn nhận và biết tin tưởng nơi Đức Chúa Trời hằng sống và chơn thật. Chúng ta cũng cần phải nhớ tới mọi điều sứ đồ Phaolô đã nói với người thành Côrinhtô, họ chỉ nhắm vào mọi cá tính của con người (I Côrinhtô 3.4-9 và 4.1-5).
Chúng ta cần có loại thái độ của Giăng Báptít và Phaolô là dường nào. Chúng ta có khuynh hướng nhắm vào một trong hai thái cực. Chúng ta vừa khởi động vừa trốn tránh chức vụ và sự làm chứng vì chúng ta hướng mắt mình nhìn vào các giới hạn của chúng ta và vào mọi nan đề mà chúng ta đang đối diện với. Hoặc chúng ta làm điều ngược lại và tự hào về những cá tính hơn là về quyền phép và sự hiện diện của Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Tên của Êli
Êli là chữ Hy bá lai Eliyahu có nghĩa là: “Chúa của tôi là Đức Giêhôva”. Hãy chú ý vài điều: Trong tên của Êli, đã được đặt cho ông có lẽ bởi người cha tin kính, chúng ta có thể nhìn thấy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời thường tác động qua những bối cảnh lịch sử trong đời sống của chúng ta. Đức Chúa Trời lựa chọn, dấy lên, rồi sử dụng một người với tên của người ấy rất quan trọng cho bầu không khí tôn giáo trong thời của người ấy và cuộc đấu tranh nối theo sau. Dĩ nhiên, xứ sở đang thờ lạy thần Ba-anh, chớ chẳng có một thần nào khác. Êli dạn dĩ xuất hiện rồi công bố Đức Chúa Trời chơn thật của Israel, Đức Giêhôva, Ngài là Đức Chúa Trời của ông. Phần công bố nầy là trọng tâm lời cầu nguyện của Êli trong I Các Vua 18.36-37. Nhiều tháng trời không có mưa trôi theo sau lời công bố của Êli, bất cứ lúc nào dân sự nghĩ tới hay nhìn thấy Eliyahu, họ phải đối diện với sứ điệp theo tên của ông: “Chúa của tôi là Đức Giêhôva”. Nói cách khác, Chúa của tôi là Đức Giêhôva, chớ không phải Ba-anh. Tên của vị tiên tri, vì cớ đó, đã công bố ra một việc cho thấy ông là ai!?! Đấy là một lời công bố chửng chạc nói lên đức tin của ông, trong phần công bố cho thấy ông đang phản kháng sự thờ lạy thần Ba-anh, lòng trung thành của ông đối với Đức Chúa Trời, và vấn đề chính của thời buổi ấy giống như vấn đề chính của thời buổi hiện tại đây – Đức Chúa Trời của chúng ta là ai và Ngài như thế nào?
Điều nầy thách thức tôi phải đưa ra một số thắc mắc sau đây:
Đức Chúa Trời của tôi là ai và Ngài như thế nào? Có phải chúng ta tuyên xưng đức tin nơi Đức Chúa Trời của Kinh thánh, song thực tế lại sống như hạng vô thần? Liệu Đức Chúa Trời có thực sự là Đức Chúa Trời của chúng ta từ quan điểm ứng xử, tài sản, những thứ ưu tiên một, các sự theo đuổi của chúng ta không? Hoặc có phải chúng ta phạm sai lầm thờ lạy các thần khác, như các thần của cải vật chất cùng mọi chi tiết trong đời sống không? Có phương thức nào cho chúng ta thuật lại không? Dĩ nhiên! Điều gì thực sự quan trọng đối với tôi? Tôi phải cam kết ra sao để ở riêng với Đức Chúa Trời hầu cho tôi thực sự nhận biết Ngài? Tôi có để cho Ngài hoàn toàn sắp xếp lại, tái điều chỉnh, chuyển dịch và sử dụng tôi trong các vấn đề và nhu cần trong thời buổi của chúng ta, và trong đời sống của nhiều người khác ở quanh tôi?
Tên của tôi có nghĩa gì? Nói cách khác, tôi là ai? Giống như Êli, Đức Chúa Trời đã dựng nên mỗi một người chúng ta cho một mục đích nào đó. Chúng ta mỗi người thật đặc biệt với khả năng và các cơ hội bị giới hạn bởi thái độ, đức tin, và sự nhận thức của chúng ta về Đức Chúa Trời, và sự chúng ta sẵn sàng đối với Ngài. Chúng ta hãy mộng mơ nhiều vì chúng ta có một Đức Chúa Trời cao cả. Chúng ta hãy cầu hỏi Chúa bày tỏ ra cho chúng ta thấy khả năng truyền giáo quanh chúng ta, và khiến cho chúng ta nhìn thấy các cơ hội qua mọi khả năng sống động và quyền phép của Ngài. Chúng ta cần hướng mắt nhìn xem các cánh đồng đang trắng cho mùa gặt (đối chiếu Giăng 4.35) trong khi tôi hướng về Chúa của mùa gặt mà cầu nguyện (Luca 10.2).
Diện mạo và tài định hướng của Êli.
Êli được gọi là: “người Thisêbe, trong bọn đã sang ngụ ở Galaát”. Ông cũng được gọi như thế vì ông đã sinh sống từ một thành có tên là Thisêbe ở vùng Thượng Galilê mà chúng ta vốn biết rõ từ sách ngụy kinh ở Tobit 1:2. Có một sách nói rằng “Thisêbe” có nghĩa là “lưu tù”. Chữ nầy chắc chắn phát sinh từ chữ shabah, có nghĩa là “bắt nhốt tù”. Theo quan điểm ra từ những lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời trong Phục truyền luật lệ ký 28.15-37, chữ nầy đã đứng như một lời cảnh cáo về sự phu tù chắc chắn nếu Israel từ chối không chịu ăn năn và xây trở lại cùng Chúa. Ông được gọi là “Êli ở Thisêbe” sáu lần và được biết rõ bởi tước hiệu nầy (đối chiếu I Các Vua 17.1; 21.17, 28; II Các Vua 1.3, 8; 9.36).
Sự việc cho thấy tước hiệu rất quan trọng. Nhiều học giả tranh cãi về địa điểm chính xác của Thisêbe. Nếu Thisêbe là một thị trấn, thì ông đã ra đời ở Thisêbe, song lại trở thành một cư dân của Galaát, có lẽ bởi sự lựa chọn. Kinh thánh không thuật lại cho chúng ta biết tại sao, nhưng kể từ khi: “bọn đã sang ngụ ở Galaát” thực sự có nghĩa là: “những người tạm trú ở Galaát”, điều nầy cho thấy đôi điều về cá tính và mối quan hệ của Êli với Đức Chúa Trời. Danh xưng Galaát có nghĩa là: “một khu vực toàn đá” và có ý nói tới khu vực núi non phía đông sông Giô-đanh ít có người ở. Đây là một khu vực được sử dụng để ở riêng với Đức Chúa Trời. Cụm từ ấy chắc chắn gợi ra cung cách sống của ông là một người tạm trú, là người có tiêu điểm nhắm vào mọi vụ việc thuộc về Đức Chúa Trời.
Tại sao Galaát được nhắc tới? Galaát bày tỏ thực tại lịch sử của Êli và làm sáng tỏ lai lịch của Êli. Điều nầy cung ứng cho chúng ta cái nhìn vào các thế lực hình thành cá tánh của vị tiên tri. Chúng ta hiểu và ứng dụng điều nầy như thế nào? Điều nầy cho chúng ta thấy Êli không xuất thân từ thần học viện xứ Samari. Dân sự vùng núi đá Galaát rất thô lỗ, cứng rắn, nghiêm khắc và có lẽ một ít nghiêm nghị lẫn lạnh lùng. Họ là những người chăn chiên sống gần với sự sáng tạo của Đức Chúa Trời trong các làng mạc hơn là trong vùng phụ cận của hoàng cung chỉ biết có vui chơi hoang phí. Các vùng phụ cận đó có khuynh hướng làm hư hỏng cá tánh của con người và khiến họ nhu nhược hơn là cứng rắn và nghiêm khắc. Dân sự ở Galaát chịu sự dạn dày và kỹ luật bởi thời tiết và cách ăn ở trong chỗ địa hình núi non. Họ có sức lực về mặt cơ bắp rất lớn, và một đời sống như thế cũng cung ứng cá tánh cho họ. Có nhớ sự đối ngược giữa David và Salômôn không? Êli là những gì chúng ta gọi một con người miền núi. Song ông là một con người miền núi đồng đi với Đức Chúa Trời.
Là một người chăn chiên, cá tánh David đã phát triển từ đó, cũng một thể ấy, điều nầy cho chúng ta biết đôi điều về cá tánh mà Đức Chúa Trời đã phát triển nơi Êli. Ngài đã phát triển cá tánh của một người sống tạm trú, ông là người đã sống cách biệt với cách sống trong thời của ông. Ông là một con người am hiểu mọi chi tiết của cuộc sống; một con người bằng lòng, có khả năng chọn lựa và ra đi nếu Đức Chúa Trời bảo phải ra đi. Ông không sa lầy, không bị các khu vực đầy tiện nghi hay bởi một sự thèm khát các thứ vật chất đời nầy lôi cuốn.
Giống như Giăng Báptít, ông là một con người của đồng vắng. Là con người của đồng vắng, ông sống tự do ngoài những vụ việc trong xã hội, những việc đời thường quản trị tấm lòng chúng ta và giữ chúng ta không được thoải mái đi theo Chúa. Điều nầy cho thấy ông đã tự chối bỏ quyền làm chủ chính đời sống ông và, bởi đức tin, đã đầu phục quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Kết quả là, một con người đã dâng hiến hoàn toàn cho Đức Chúa Trời và cho sự phục vụ Ngài. Ông là con người có cá tánh và năng lực ở cả hai mặt: thuộc thể và thuộc linh.
Chúng ta há không tự hỏi lòng một số câu hỏi khó như sau: (a) Tôi đã sống nhu nhược và bị tác động tiêu cực ra sao bởi mọi thứ tiện nghi trong xã hội chúng ta? (b) Tôi sẵn sàng phục vụ Chúa như thế nào nếu gặp phải điều chi khó khăn hoặc bất tiện? (c) Tôi có tấm lòng của một người sống tạm chăng? Hay tôi đang có tấm lòng của một người thường trú trên đất? (d) Tôi có phục theo mọi tiện nghi và khoái lạc của mình hơn là đầu phục Chúa chăng? (đối chiếu I Phierơ 1.13 – 2.12).
Áo xống và bề ngoài của Êli
Êli đứng trụ lại chống các tiên tri Ba-anh và dân chúng của thành phố với từng cách thức. Áo xống và bề ngoài của ông, dù chưa được nói tới ở đây, đã được nói tới trong II Các Vua 1.7-8. Cách thức chúng được nói tới cho thấy dân chúng có một ít kinh hãi bởi ngoại hình và cách xử sự rất phân biệt của vị tiên tri. Ông đã mặc chiếc áo xống lông lạc đà màu đen với thắt lưng bằng da quanh hông giữ chiếc áo không bị tuột. Ăn mặc như thế nầy tỏ ra đây là loại áo xống của vị tiên tri (Xachari 13.4) cùng đứng trụ chống lại các cư dân giàu có của Samari, và đặc biệt là các tiên tri Ba-anh.
Áo xống của ông có tính biểu tượng và thay cho: (a) sự nghèo nàn và các điểm ưu tiên một của ông – các thứ vật chất không nằm trên danh sách ưu tiên một của ông. (b) Sự phân rẽ và sự đoạn tuyệt của ông đối với thế gian – ông không bị nếp sống của thế gian chế ngự. Ông đã sống biệt riêng cho Chúa như tôi tớ của Đức Chúa Trời. (c) Chức vụ và mục đích chính của ông trong cuộc sống – ông là phát ngôn nhân của Đạo Đức Giêhôva. Ông vốn biết rõ mình là ai (đại biểu của Đức Chúa Trời), đang sống ở đâu (trong một thế giới tội lỗi chống nghịch lại các mục đích của Đức Chúa Trời) và tại sao ông có mặt ở đó (để trình bày sứ điệp sáng láng của Đức Chúa Trời cho dân sự đang ở trong tối tăm). Êli đã sống ngược lại với dân sự trong một thành lũy giàu có xa hoa Samari, đặc biệt là các thầy tế lễ nhu nhược, lầm đường lạc lối của Ba-anh. Edersheim nói cho chúng ta biết họ đã mặc áo choàng vải lanh màu trắng, đội mũ chóp cao, và sống trong chỗ cao lương mỹ vị của hoàng cung.
Con người miền núi kiên trì nầy, mặc áo xống bằng lông lạc đà, là nhân vật mà dân chúng nhìn thấy đang sãi bước qua các con đường của thành Samari, bước lên các bậc thang của cung điện vào thẳng sảnh đường có ngai vàng và sự hiện diện của Aháp và Giêsabên. Quí vị không thể hình dung được ông là một loại Grizzly Adams hay một Abraham Lincoln kiên cường đâu? Tôi dám chắc không một binh sĩ, thầy tế lễ, cư dân hay thành viên cảnh sát mật nào của Israel dám đứng theo kiểu cách của ông.
Áo xống và cung cách của Êli bày tỏ ra sự phân rẽ và lòng tin kính của ông đối với Chúa. Sự thể nầy dạy cho chúng ta biết những ưu điểm cùng những giá trị thuộc linh đã cai quản đời sống ông. Ông là con người thực sự sống tự do vì ông được tự do bước theo Chúa. Trong nổ lực của chúng ta để sống tự do hoặc làm việc theo chúng ta thích, khi chúng ta nổi loạn chống nghịch uy quyền và sự tể trị của Chúa trên đời sống chúng ta, chúng ta kinh nghiệm ngay một sự trớ trêu đáng buồn. Chúng ta trở thành nô lệ cho mọi sự ham muốn riêng của mình và trở thành hạng người mà Phierơ mô tả là: “làm tôi mọi sự hư nát” (II Phierơ 2.19).
Êli đối mặt với nhà vua
Sự xuất hiện của Êli gây ấn tượng sâu sắc và đột ngột. Sứ điệp của ông rất ngắn, thẳng thừng, và thật là cộc lốc. Êli đã không thể hiện nghi thức giao tiếp kiểu chính trị trong thời đó. Ông không đến cúi thấp mình xuống. Ông không có những lời lẽ lễ độ để buộc nhà vua phải trân trọng mọi điều ông phải nói. Ông đả kích thẳng Aháp. Ông nói toạt hết rồi ra về cách đột ngột y như lúc ông đến vậy. Ông cho biết sẽ không có mưa hay sương xuống trong nhiều năm tháng nếu ông không nói nữa. Chắc chắn điều nầy đã thêm vào để nhấn mạnh tình trạng bất lực của các tiên tri Ba-anh nghịch lại Chúa mà Êli tiêu biểu cho. Một sự xuất hiện và sứ điệp giống như sứ điệp nầy phù hợp với bối cảnh đòi hỏi sự phán xét giáng trên một vì vua bội đạo cùng dân sự của người. Thực sự đây là lời loan báo cơn phán xét của Đức Chúa Trời như đã cảnh cáo rồi trong Cựu Ước (Lêvi ký 26.19; Phục truyền luật lệ ký 11.16-17; 28.23-24; Amốt 4.7).
Êli không phải là người nói nhiều lời; nhưng ông là người có đức tin lớn. Ông là con người của hành động vì ông cũng là con người của sự cầu nguyện và Ngôi Lời. Lời nói của ông ít ỏi và luôn nhắm vào mục tiêu, nhưng với chúng luôn luôn có đức tin tuyệt đối đặt nơi Chúa là Đức Chúa Trời của ông. Châm ngôn 10.19 chép: “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan”. Lời công bố của Êli có tác động như thế nào trên nhà vua? Vua Aháp đáp ứng ra sao? Tôi tin Kinh thánh im lặng ở chỗ nầy rất quan trọng. Tại sao vậy? Có lẽ vì Kinh thánh cho thấy mọi lời hứa cùng những lời cảnh cáo của Lời Đức Chúa Trời luôn luôn trổi hơn phần đáp ứng hay luận lẽ của con người. Lời của Đức Chúa Trời là thực dù con người có đáp ứng hay phản ứng như thế nào đi nữa. Con người hay các vị thần do họ dựng nên đều tuyệt đối bất lực không có khả năng phủ nhận các mục đích của Đức Chúa Trời.
Khả năng hay xu hướng thuộc linh của Êli
Nơi Êli chúng ta thấy một con người của sự can đảm và đức tin, một người sẵn lòng cho Chúa và là người đáng kể cho Đức Chúa Trời khi mọi nền tảng đang vụn nát ở quanh người. Đức tin, lòng can đảm, và sự phó thác của ông đến từ đâu? Sở dĩ có được như thế là vì ông có xu hướng đặc biệt đối với các vụ việc thuộc linh, có phải không? Phải chăng ông chỉ có một góc dành cho vụ việc thuộc linh? Nói cách khác, bẩm sinh ông đã khác biệt với quí vị và tôi chăng?
Khi chúng ta đọc về ai đó giống như Êli, chúng ta muốn tin thật nhiều hạng người thể ấy vốn đã khác biệt vì sự khác biệt ấy xoa dịu lương tâm của chúng ta và cung ứng cho chúng ta lý do để bào chữa vì đã sống thật xoàng và không có gì đặc biệt. Chúng ta nghĩ sự khác biệt ấy bào chữa cho chúng ta không đụng vào các việc khó vì Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Giacơ 5.16b-17 cho biết nguyên lý đang rộng mở. Trước tiên, Giacơ kêu gọi chúng ta chú ý sự kiện người công bình cầu nguyện trung tín có thể đạt được nhiều và hữu dụng cho Đức Chúa Trời (câu 16b). Tiếp đến, ông nhắc cho chúng ta nhớ rằng Êli là con người với một bản tánh giống như bản tánh của chúng ta.
Đời sống năng động của Êli, chức vụ can đảm và hiệu quả của ông chống lại mọi sự chênh lệch không phải là kết quả của những đức tính bẩm sinh tuyệt vời, cũng không phải nằm trong sự thiếu vắng các sự yếu đuối, thử thách, thất bại cá nhân, cũng không phải thiếu vắng sự sợ hãi. Trong khi Êli có cái đầu và đôi bờ vai thuộc linh cao hơn hầu hết những người đồng thời với ông, ông cũng là một con người bình thường và trung bình từ nhận định về các đức tính và khả năng bẩm sinh hay tự nhiên. Êli có một bản tánh tội lỗi giống như bản tánh của chúng ta với nhiều nỗi yếu đuối, sợ hãi và nghi ngờ. Ông đã đối diện với các triệu chứng “tôi không thể”, “tôi không cảm nhận được gì hết” như bao nhiêu người khác. Thực ra, tính người của ông sẽ nổi lộ ra rõ ràng sau đó trong tường trình về cuộc đời và chức vụ của ông (chương 19). Nhưng, bởi sức lực của Đức Chúa Trời nhờ đức tin, Êli đã thắng hơn tình trạng yếu đuối nhờ vào nguồn lực thiêng liêng nằm trong sự sử dụng của ông. Chính các nguồn lực ấy có sẵn cho chúng ta trong Chúa, thật rất dư dật trong các thời Tân ước qua chức vụ của Đức Thánh Linh.
Quả là chưa có những khó khăn nào ngăn trở hành động của đức tin, song chúng ta lại thất bại không nhìn thấy sức lực của mình trong Chúa. Chính sự thất bại không sống bởi đức tin và nhìn xem Chúa.
Phần ứng dụng và kết luận:
Chúng ta đang sống trong một thời điểm khi các nền tảng đang bị phá diệt có hệ thống. Chúng ta nhìn thấy nhiều hậu quả sa sút của một dân tộc tách rời khỏi những điều tuyệt đối đạo đức của Ngôi Lời và của cơ nghiệp Cơ đốc của chúng ta. Từ cơ nghiệp ấy, chúng ta đã hướng về phần tương đối của chủ nghĩa nhân đạo thế tục với nền tảng cách mạng của nó. Có nhiều người đã chọn lấy triết lý Kỹ Nguyên Mới. Kết quả là, chúng ta đang sống trong một thời điểm tăng trưởng về sự thù nghịch với Đức Chúa Trời chơn thật và với những người muốn đi theo Đức Chúa Trời của Kinh thánh.
Những kết quả quá rõ rệt trong sự sa sút của chúng ta nhìn thấy bất cứ đâu trong chính phủ, trong giáo dục, nơi làm việc, tình trạng kinh tế của chúng ta, trong gia đình, trong cách giải trí, và trong hình tượng. Chúng ta thấy có nhiều nhà thờ quá lãnh đạm với Ngôi Lời và chức vụ mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta. Mới đây tôi có nghe nói về một nhà thờ rất đặc biệt hay làm cho người ta bật cười. Họ có biên soạn kịch vui cho vị Mục sư. Thái độ của họ là: “tại sao cứ làm rối những người đang chết với Kinh thánh mà chi?”
Tỉ lệ ly dị, ma tuý, tội ác trên đường phố, trong nước Mỹ và trong chính phủ của chúng ta, cảnh bạo lực chúng ta đang nhìn thấy trong xã hội, thậm chí giữa vòng các em thiếu niên, sự dấy lên của phong trào đồng tính luyến ái trong quân đội, và sự dấy lên của hệ thống thờ lạy hình tượng cung ứng cho chúng ta một bức tranh thật rùng rợn và đáng sợ. Sự thể ấy rất đáng lo và dẫn đến sự ngã lòng.
Chúng ta phản ứng hay đáp ứng như thế nào trước những tình trạng nầy trong xã hội chúng ta? Chúng ta nghe và nói ra những điều đại loại thế nầy: Chuyện đó có đáng sợ không? Tôi nghĩ chuyện ấy quá kinh khủng đấy! Còn những việc thể nào sẽ đến nữa không? Nhưng tôi có thể làm gì về việc ấy đây? Tôi chỉ là một tiếng kêu thôi. Tôi chẳng là gì cả. Tôi không thể giảng hay dạy. Tôi chỉ là một phụ nữ yếu đuối, một người thợ mộc, thợ hàn, nhân viên kế toán, giáo viên, hoặc là một............................................................(xin điền vào chỗ trống).
Đôi khi chúng ta nghĩ nếu chúng ta chỉ là những đầu óc, tiền bạc, IQ, bộ nhớ, nhân cách như thế thôi, hay nếu chúng ta có địa vị của ông hoặc có khả năng ăn nói lưu loát như ông, có lẽ chúng ta sẽ làm được một việc gì đó. Những lối bào chữa như thế nầy xuất phát từ bản tính anh hùng mà chúng ta thường sử dụng như một lối thoát để trốn tránh trách nhiệm. Bản tính nầy nói chúng ta phải có tiền bạc, danh tiếng hay địa vị, v.v...mới thực sự đáng kể cho Đức Chúa Trời. Nhưng Êli chẳng có một điều gì trong số đó, có phải không?
Giống như 7.000 người trong thời của Êli, họ đã được che giấu trong các hang động để tránh cơn bắt bớ, chúng ta có khuynh hướng lui vào hang động của công việc thường ngày của mình, hoặc lui vào trong kế hoạch đặc biệt, bởi đó chúng ta tìm cách hợp lý hoá các nan đề. Tiếp đến, một dòng sông bào chữa sẽ tuôn ra từ lý trí và môi miệng của chúng ta – đủ để bào chữa cho việc mất nước của chúng ta.
Êli là bài bình luận của Đức Chúa Trời chống lại những lời bào chữa và sợ hãi thường làm cho chúng ta phải tê liệt đi. Như chúng ta đã thấy, ông chẳng có một lợi lộc nào (phải nói như thế) trong thế gian. Vậy thì, điều chi đã làm cho ông phải khó chịu? Điều chi đã khiến ông trở thành một công cụ hữu dụng cho Chúa như thế chứ? Điều chi đã cung ứng cho ông lòng can đảm, và chúng ta phải nói như thế nào, ông có điều chi để Đức Chúa Trời đại dụng chúng trong một phương thức và cấp độ mà Ngài mong muốn?
Bài học kế tiếp của chúng ta không những tỏ ra cho chúng ta thấy những điều Êli đã công bố, mà còn cung ứng cho chúng ta cái nhìn vào sự thể đã khiến cho ông trở thành hạng người mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét