Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

ELIJAH: Phụ lục A: Lẽ đạo nói về sự chịu khổ



Phụ lục A:

Lẽ đạo nói về sự chịu khổ
PHẦN GIỚI THIỆU:
Sao lại là tôi? Sao lại là lúc nầy? Đức Chúa Trời đang làm gì vậy? Khổ là một công cụ mà Đức Chúa Trời sử dụng để lôi kéo sự chú ý của chúng ta và để làm thành các mục đích của Ngài trong đời sống chúng ta. Khổ được ấn định để xây dựng lòng tin của chúng ta nơi Đấng Toàn Năng, thế nhưng chịu khổ đòi hỏi sự đáp ứng đúng đắn nếu sự chịu khổ đó thành công trong việc đạt được các mục đích của Đức Chúa Trời. Chịu khổ buộc chúng ta từ chỗ đặt lòng tin cậy vào sức lực riêng của chúng ta, phải đạt đến chỗ sống bởi đức tin nơi năng lực của Đức Chúa Trời.
Khổ không có giá trị gì nơi bản thân nó, nó cũng không phải là một dấu hiệu của sự nên thánh. Chịu khổ cũng không phải là phương tiện để thủ lợi với Đức Chúa Trời, cũng không phải là phương tiện để bắt phục xác thịt (như trong thuyết khổ hạnh). Khi có thể, người ta sẽ lẫn tránh sự chịu khổ. Đấng Christ đã lẫn tránh sự chịu khổ trừ phi lẫn tránh có nghĩa là hành động trong sự bất tuân đối với ý chỉ của Đức Chúa Cha.
Truyền đạo 7.14: “Trong ngày thới-thạnh hãy vui mừng, trong ngày tai nạn hay coi chừng; vì Đức Chúa Trời đặt ngày nầy đối với ngày kia, hầu cho người đời chẳng thấy trước đặng điều xảy ra sau mình”
Những thắc mắc sau đây được vạch ra để giúp chúng ta biết “xem xét” trong ngày tai nạn:
(1) Tôi sẽ đáp ứng với tình trạng ấy như thế nào?
(2) Tôi sẽ đáp ứng bằng cách nào?
(3) Có phải tôi đang học hỏi từ tình trạng ấy không?
(4) Có phải đáp ứng của tôi đang bày tỏ ra đức tin, tình yêu dành cho Đức Chúa Trời và tha nhân, bổn tánh giống như Đấng Christ, các giá trị, sự đầu phục, những điểm ưu tiên trước sau, v.v...?
(5) Đức Chúa Trời sẽ sử dụng tình trạng ấy trong đời sống tôi như thế nào?
Sự chịu khổ được xác định:
Khổ là gì? Những chỗ rẽ nầy là gì mà Đức Chúa Trời đã đặt trên con đường sự sống đến nỗi chúng ta phải cẩn thận xem xét? Nói một cách đơn giản, đau khổ là điều gây tổn thương hay gây bực tức. Theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, chịu khổ cũng là điều khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. Đây là một công cụ Đức Chúa Trời sử dụng để lôi kéo sự chú ý của chúng ta và để hoàn thành mọi mục đích của Ngài trong đời sống chúng ta theo một phương thức không hề xảy ra nếu không có thử thách hay sự khó chịu.
Các minh hoạ về sự chịu khổ:
“Đó có thể là chứng ung thư hay một cơn đau họng. Có thể đó là một chứng bịnh hoặc mất mát người thân cận với quí vị. Có thể đó là một sự thất bại cá nhân hay sự thua thiệt trong công việc làm ăn hay bài tập ở trường học. Có thể đó là một tin đồn loanh quanh nơi quí vị làm việc hoặc trong Hội thánh của quí vị, làm hại cho tiếng tăm của quí vị, đem đến cho quí vị sự buồn rầu và lo lắng”. Khổ có thể là một việc gì đó nhỏ nhoi và bực bội như muỗi cắn hoặc khó chịu khi phải trông coi một con voi hay phải đối diện với con sư tử ở trong hang sư tử với Đaniên (Đaniên 6).
Các nguyên nhân chung cho sự chịu khổ:
(1) Chúng ta chịu khổ vì chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, ở đây tội lỗi đang cai trị trong tấm lòng của con người.
(2) Chúng ta chịu khổ vì chính sự dại dột của chúng ta. Chúng ta đang gặt lấy những gì chúng ta gieo ra (Galati 6.7-9).
(3) Đôi khi chúng ta chịu khổ vì đấy là kỷ luật của Đức Chúa Trời. “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt” (Hêbơrơ 12.6).
(4) Có thể chúng ta gánh chịu sự bắt bớ vì cớ đức tin của chúng ta – đặc biệt khi chúng ta chọn một chỗ đứng cho các vấn đề thuộc Kinh thánh, nghĩa là, chịu khổ vì cớ sự công bình (II Timôthê 3.12).
Tất nhiên, tất cả những điều nầy không áp dụng cho cùng một thời điểm được. Thí dụ, mọi sự chịu khổ không phải là sản phẩm của sự chúng ta dại dột, tự gây ra tự mình chịu, hay tội lỗi. Tuy nhiên, thực sự là chịu khổ hiếm khi tỏ ra trong những lãnh vực cần thiết, trong những nỗi yếu đuối, và trong các thái độ không đúng cần phải cất bỏ đi giống như cặn bã trong quá trình luyện vàng vậy (đối chiếu I Phierơ 1.6-7).
Bản chất của sự chịu khổ:
Chịu khổ là đau đớn
Khổ là điều rất khó chịu. Không dễ dàng gì chịu khổ đâu. Bất chấp chúng ta biết điều chi và chúng ta chịu khó áp dụng các nguyên tắc nầy như thế nào, chịu khổ thường gây tổn thương (đối chiếu I Phierơ 1.6 --“buồn bã” là lupeo có nghĩa là “gây đau đớn, buồn rầu, đau thương”).
Chịu khổ là bối rối
Khổ là một điều rất mầu nhiệm. Có thể chúng ta biết một vài lý do về mặt thần học cho sự chịu khổ từ Kinh thánh, tuy nhiên khi nó bộc lộ, vẫn còn có một sự kín nhiệm nhất định. Sao lại ngay lúc nầy? Đức Chúa Trời đang làm gì vậy? Trong việc nầy, chịu khổ được hoạch định để gây dựng sự tin cậy của chúng ta nơi Đấng Toàn Năng.
Chịu khổ có mục đích
Khổ không phải là không có ý nghĩa mặc dù lẽ kín nhiệm của nó. Chịu khổ có mục đích chính, đó là hình thành nên bổn tánh giống như Đấng Christ (Roma 8.28-29).
Chịu khổ minh chứng, thử ngiệm chúng ta
“Thử thách” trong Giacơ 1.2 là peirasmos tiếng Hy lạp và có ý nói tới điều phải tra xét, thử nghiệm, và minh chứng tính chất hay sự đúng đắn của một việc gì đó. “Thử thách” trong cùng câu nầy là dokimion cũng có một ý tương tự. Từ nầy có ý nói tới một sự thử nghiệm được ấn định để xác minh hay tán thành. Chịu khổ là điều minh chứng tánh tình và sự ngay thẳng của một người cùng với cả hai phần: đối tượng và bản chất đức tin của một người. Hãy so sánh I Phierơ 1.6-7, ở đây cũng những từ Hy lạp đã được sử dụng kèm theo động từ dokimazo có nghĩa là “đưa vào thử nghiệm” “chứng minh bằng thử nghiệm như thử vàng vậy”.
Chịu khổ và một tiến trình
“Chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục. . .” (Roma 5.3-4). “vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Giacơ 1.3-4). Là một tiến trình, chịu khổ cần có thì giờ. Những kết quả Đức Chúa Trời đang tìm cách hoàn thành với các lần thử thách trong cuộc sống đòi hỏi thì giờ và vì thế, cũng đòi hỏi sự nhịn nhục nữa.
Chịu khổ là cái máy luyện lọc
Vô luận là lý do nào, thậm chí nếu đây không phải là kỷ luật của Đức Chúa Trời dành cho xác thịt, khổ là cái máy luyện lọc vì chẳng có ai trong chúng ta từng được trọn vẹn trong đời nầy (Philíp 3.12-14).
Chịu khổ cung ứng cơ hội
Chịu khổ cung ứng cơ hội cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, cho sự biến đổi, sự làm chứng, và công cuộc truyền giáo của chúng ta, v.v... (Xem các lý do cho sự chịu khổ được đưa ra dưới đây).
Chịu khổ đòi hỏi sự cộng tác của chúng ta
Chịu khổ đòi hỏi sự đáp ứng đúng đắn nếu chịu khổ là thành công trong việc đạt tới mọi mục đích của Đức Chúa Trời. “Hết thảy chúng ta đều muốn sản phẩm, chất lượng; nhưng chúng ta không cần quá trình, sự chịu khổ”. Vì cớ chúng ta là con người, chúng ta không thể có cái nầy mà không có cái kia.
Chịu khổ đã được định trước và không thể tránh được
I Têsalônica 3.3 cho rằng không một người nào nên bối rối bởi các hoạn nạn nầy; vì chính bản thân quí vị biết rõ rằng chúng ta đã được định cho điều nầy.
I Phierơ 4.19: “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hóa thành tín”.
Thắc mắc mà chúng ta phải đối diện với không phải là “nếu” chúng ta chịu thử thách trong đời nầy, mà là chúng ta sẽ đáp ứng lại với các thử thách ấy như thế nào mà thôi.
Chịu khổ là tranh đấu
Không cứ cách nào đó, đây là bãi chiến trường. Đấy là lý do tại sao chúng được gọi là “thử thách” và “thử nghiệm”. Thậm chí khi chúng ta hiểu rõ mục đích và các nguyên tắc của sự chịu khổ, và chúng ta biết các lời hứa của tình yêu thương và mối quan tâm của Đức Chúa Trời đã được đưa ra trong Lời của Đức Chúa Trời để nắm lấy sự chịu khổ, xử lý với mọi thử thách trong cuộc sống không bao giờ dễ dàng vì những nỗi đau của việc chịu khổ. Thử thách cung ứng cho chúng ta khả năng cộng tác với quá trình chịu khổ (Giacơ 1.4). Chúng để cho tiến trình hoạt động và cho phép chúng ta kinh nghiệm sự bình an và niềm vui mừng ở bên trong giữa các cơn thử thách.
Để nắm bắt sự chịu khổ với sự vui mừng và sự bình tịnh, chúng ta phải nhìn tới trước để thấy các mục đích và lý do của Đức Chúa Trời dành cho sự chịu khổ. Điều nầy đòi hỏi đức tin đặt nơi chân lý đời đời của Đức Chúa Trời.
Hãy so sánh các ơn phước của đau khổ được thấy trong sự làm chứng của Tác giả Thi thiên 119:
+ Trước khi bị hoạn nạn:
- Lầm lạc (câu 67a)
+ Trong khi bị hoạn nạn:
- Học hỏi và xoay chiều (câu 71, đối chiếu câu 59)
+ Dưới cơn hoạn nạn, chúng ta cần phải:
- Xác định nguyên nhân nếu chúng ta có thể (Bị hoạn nạn vì tôi đã gây ra một việc gì đó?)
- Xác định các đối tượng (Đức Chúa Trời muốn làm gì trong đời sống tôi hay nơi người khác?)
- Xác định các giải pháp (Đức Chúa Trời muốn tôi vận dụng điều nầy như thế nào?)
+ Sau hoạn nạn:
- Nhận biết và thay đổi (các câu 67b, 97-102)
- Yên nghỉ và đánh giá (các câu 65,72)
Chúng ta phải hiểu mục đích chính của Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta là được biến đổi ra giống theo ảnh tượng của Đấng Christ và Ngài đã quyết định trong chương trình của Ngài sử dụng sự chịu khổ hầu làm phát triển cho chúng ta về mặt thuộc linh. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu đựng sự gian khổ và các thử thách trong cuộc sống, chúng ta cũng phải hiểu và tin nơi các mục đích và lý do khác cho sự chịu khổ khi chúng có quan hệ với mục đích chính.
Các mục đích và lý do cho sự chịu khổ:
(1) Chúng ta chịu khổ như một bằng chứng, như một chứng nhân (II Timôthê 2.8-10; II Côrinhtô 4.12-13; I Phierơ 3.13-17). Khi các tín đồ chịu khổ với sự vui mừng và với sự vững vàng, thì khổ trở thành một bằng chứng kỳ diệu cho quyền phép và đời sống của Đấng Christ mà chúng ta xưng nhận và đặt tên. Khổ cung ứng những cơ hội chính để bày tỏ ra và làm vinh hiển cho quyền phép của Đức Chúa Trời qua các tôi tớ Ngài hầu chứng thực và khẳng định sứ giả cùng sứ điệp của người. Khổ cung ứng nhiều cơ hội để bày tỏ ra phẩm cách tin cậy của chúng ta trong vai trò khâm sai của Đấng Christ (I Các Vua 17.17-24; Giăng 11.1-45). Điều nầy bao gồm các lãnh vực sau:
Làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời trước thế giới của hàng thiên sứ (Gióp 1-2; I Phierơ 4.16).
Bày tỏ ra quyền phép của Đức Chúa Trời cho người khác (II Côrinhtô 12.9, 10; Giăng 9.3).
Bày tỏ ra bổn tánh của Đấng Christ giữa nỗi khổ như một bằng chứng để đưa nhiều người khác về với Đấng Christ (II Côrinhtô 4.8-12; I Phierơ 3.14-17).
(2) Chúng ta chịu khổ để phát triển khả năng và sự đồng cảm của chúng ta để yên ủi người khác (II Côrinhtô 1.3-5)
(3) Chúng ta chịu khổ để đánh hạ sự kiêu ngạo xuống (II Côrinhtô 12.7). Sứ đồ Phaolô đã nhìn thấy cái dằm xóc trong xác thịt ông như một công cụ Đức Chúa Trời cho phép để giúp ông duy trì một tâm thần hạ mình và nương cậy vào Chúa vì những khải thị đặc biệt ông đã xem thấy như một người bị đưa lên đến tầng trời thứ ba.
(4) Chúng ta chịu khổ vì khổ là một công cụ dùng để huấn luyện. Đức Chúa Trời yêu thương và thành tín sử dụng sự chịu khổ để phát triển sự công bình, sự trưởng thành, và sự ăn ở của cá nhân chúng ta với Ngài (Hêbơrơ 12.5…; I Phierơ 1.6; Giacơ 1.2-4). Theo ý nghĩa nầy, chịu khổ được ấn định:
Như phần kỷ luật dành cho tội lỗi hầu đem chúng ta trở lại với mối thông công qua sự chân thành xưng tội (Thi thiên 32.3-5; 119.67).
Như một công cụ để cắt tỉa hầu dời đi nhánh chết ra khỏi đời sống chúng ta (những sự yếu đuối, tội thiếu hiểu biết, những thái độ cùng các giá trị chưa trưởng thành, v.v...). Mục tiêu đáng ao ước là kết được nhiều quả (Giăng 15.1-7). Những cơn thử thách có thể trở thành loại gương quở trách bày tỏ ra những lãnh vực kín đáo của tội lỗi và những yếu đuối (Thi thiên 16.7; 119.67, 71).
Như một công cụ cho sự tấn tới được ấn định để khiến cho chúng ta biết nương cậy vào Chúa và Lời của Ngài. Những cơn thử thách thử nghiệm đức tin chúng ta và khiến cho chúng ta biết sử dụng những lời hứa và các nguyên tắc của Ngôi Lời (Thi thiên 119.71, 92; I Phierơ 1.6; Giacơ 1.2-4; Thi thiên 4.1 [Phân đoạn nầy theo bản Kinh thánh Hêbơrơ có thể đọc như sau: “Ngài rất rộng lượng, xin làm cho tôi được lớn lên bên cạnh nỗi gian truân của tôi]). Chịu khổ hay những cơn thử thách dạy chúng ta lẽ thật của Thi thiên 62.1-8, lẽ thật của sự học tập biết “chờ đợi chỉ nơi một mình Chúa mà thôi”.
Như một phương tiện học biết vâng phục thực sự có ý nghĩa như thế nào! Khổ trở thành một thử nghiệm lòng trung thành của chúng ta (Hêbơrơ 5.8). Minh họa: Nếu một người cha bảo con mình phải làm theo một việc gì đó ông muốn làm (nghĩa là, ăn một tô kem chẳng hạn) và nó ăn tô kem ấy, đứa con đã vâng theo, nhưng nó chưa thực sự học biết một điều gì về sự vâng lời. Tuy nhiên, nếu bố nó yêu cầu nó phải cắt cỏ, yêu cầu nầy biến thành một thử nghiệm và dạy dỗ đôi điều về ý nghĩa của sự vâng phục. Mục tiêu là, sự vâng lời thường khiến cho chúng ta phải trả giá và rất khó thực hiện. Nó có thể đòi hỏi sự hy sinh, lòng can đảm, kỷ luật và đức tin tin rằng Đức Chúa Trời là tốt lành và Ngài luôn chú về tấm lòng của chúng ta bất chấp có điều gì xảy đến cho chúng ta. Nếu như Đức Chúa Trời không cho phép đau khổ bước vào đời sống chúng ta, hiếm khi chúng ta nhìn thấy được nhu cần, những nỗi yếu đuối, các thái độ sai trái v.v..., như trong trường hợp của Gióp.
Bản thân đau khổ không phải là việc tạo ra được đức tin hay sự trưởng thành. Đau khổ chỉ là công cụ mà Đức Chúa Trời đang sử dụng để đem chúng ta đến với chính mình Ngài để chúng ta biết đáp ứng với Ngài và với Lời của Ngài. Đau khổ đẩy chúng ta xây khỏi lòng tin cậy chúng ta có nơi các năng lực riêng của mình mà đến với việc sống bởi đức tin nơi mọi năng lực của Đức Chúa Trời. Đau khổ khiến cho chúng ta phải đặt những việc trước tiên lên trên hết. Chính Ngôi Lời và Thánh Linh của Đức Chúa Trời mới tạo ra đức tin và bổn tánh trưởng thành giống như Đấng Christ (Thi thiên 11967, 71). Trong Giacơ 1.2-4 và I Phierơ 1.6-7 từ ngữ chính là “chứng minh”. “Chứng minh” [proof] là chữ dokimion , nó có hai nghĩa thử nghiệm luyện lọc, và kết quả, chứng minh cái gì còn lại sau khi thử nghiệm. Chúa sử dụng những thử thách để thử nghiệm đức tin chúng ta theo ý nghĩa luyện lọc nó, bày ra bề mặt của nó, nhờ đó chúng ta buộc phải vận hành đức tin của chúng ta.
(5) Chúng ta chịu khổ hầu tỏ ra lòng tin cậy liên tục nơi ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời. Đau khổ được hoạch định để khiến cho chúng ta bước đi bằng khả năng, quyền phép và sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời thay vì bằng sức riêng của chúng ta (II Côrinhtô 11.24-32; 12.7-10; Êphêsô 6.10…; Xuất Êdíptô ký 17.8…). Đau khổ khiến cho chúng ta phải xây khỏi năng lực riêng của mình mà hướng vào năng lực của Ngài.
(6) Chúng ta chịu khổ để bày tỏ ra đời sống và bổn tánh của Đấng Christ (Bông trái Đức Thánh Linh) (II Côrinhtô 4.8-11; Philíp 1.19…). Điều nầy tương tự với điểm (4) ở trên với phần nhấn mạnh nhiều vào tiến trình và sự xác định đối tượng, sản phẩm của bổn tánh Đấng Christ. Điều nầy có hai phương diện: tích cực và tiêu cực:
Tiêu cực: Đau khổ giúp dời đi những điều bất khiết ra khỏi đời sống chúng ta như dửng dưng, tin cậy vào cái tôi của mình, những động lực giả dối, lấy cái tôi làm trọng, các giá trị sai lầm và những thứ tự ưu tiên không đúng, lối biện hộ theo kiểu của con người và né tránh những cơ chế bởi đó chúng ta tìm cách vận dụng các nan đề của mình (những giải pháp do con người lập ra). Đau khổ tự bản thân nó không di dời đi những điều bất khiết, nhưng là một công cụ Đức Chúa Trời sử dụng để khiến cho chúng ta luyện tập đức tin nơi những tiếp trợ của ân điển Đức Chúa Trời. Chính ân điển của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ (lai lịch mới của chúng ta trong Đấng Christ, trong Ngôi Lời và Đức Thánh Linh) mới làm thay đổi chúng ta. Phương diện tiêu cực nầy được hoàn tất theo hai cách:
(a) Khi ở ngoài mối tương giao với Chúa: Đau khổ trở thành kỷ luật đến từ Cha thiên thượng của chúng ta (Hêbơrơ 5.5-11; I Côrinhtô 11.28-32; 5.1-5). Điều nầy bao gồm tội lỗi đã biết, sự loạn nghịch và thái độ dửng dưng với Đức Chúa Trời.
(b) Khi ở trong mối tương giao với Chúa: đau khổ trở thành công tác yêu thương và tỉa sửa khéo léo của Đấng Trồng Nho hầu khiến cho chúng ta phải kết quả. Nó bao gồm tội lỗi không biết, những lãnh vực mà chúng ta không biết tới, nhưng chúng ngăn trở sự lớn lên và kết quả của chúng ta. Trong trường hợp nầy, đau khổ thường dựng lên loại gương soi quở trách (Giăng 15.1-7).
Tích cực: Khi các tín đồ sống dưới sự chịu khổ theo cách vui mừng (nghĩa là, họ nhẫn nhục và tiếp tục giữ lấy phần áp dụng mọi lời hứa và các nguyên tắc của đức tin), đời sống hay bổn tánh của Đấng Christ sẽ càng được bày tỏ ra khi chúng lớn lên qua sự chịu khổ (II Côrinhtô 4.9-10; 3.18). Điều nầy có ý nói tới sự tin cậy, sự bình an, sự vui mừng, sự vững vàng, các giá trị theo Kinh thánh, lòng trung tín và sự vâng phục ngược lại với các thái độ tội lỗi của lý trí, đổ thừa, trốn chạy, than phiền, và các phản ứng nghịch lại Đức Chúa Trời và con người.
(7) Chúng ta chịu khổ để bày tỏ ra bản chất của hạng người gian ác và sự công nghĩa trong lẽ công bình của Đức Chúa Trời khi bản chất ấy rơi vào chỗ phán xét (I Têsalônica 2.14-16). Đau khổ nơi tay của con người (sự bắt bớ, những cách đối xử hung bạo) được phép của Đức Chúa Trời để “làm đầy dẫy lượng tội lỗi của họ”. Nó tỏ ra bản chất độc ác của những người chuyên bắt bớ người khác và sự công bình trong sự phán xét của Đức Chúa Trời.
(8) Chúng ta chịu khổ để mở rộng công cuộc truyền giáo của chúng ta (đối chiếu Philíp 1.12-14 với 4.5-9). Trong tiến trình tạo ra bổn tánh Cơ đốc và nâng cao sự làm chứng của chúng ta cho những người khác, chịu khổ thường mở toang ra nhiều cánh cửa cho công cuộc truyền giáo mà chúng ta chưa hề tưởng được. Sự lao tù của Phaolô (bị xiềng xích mỗi ngày với binh lính La mã tại nhà riêng của ông) đã kết quả trong việc rao giảng Tin lành trong vòng sự canh chừng của đế quốc. Vị sứ đồ, không nghi ngờ chi nữa, cứ tiếp tục vui mừng trong Chúa, nhưng nếu ông lên tiếng than phiền, lằm bằm và cay đắng, sự làm chứng của ông sẽ trở thành con số không.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét