Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Thế giới nầy đi về đâu?



CÓ HY VỌNG TRÊN ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Thế giới nầy đi về đâu?
Các phân đoạn Kinh Thánh chọn lọc
***
1. Thế giới nầy sẽ đi về đâu? Khi chúng ta đánh dấu những tuần lễ và tháng sau cùng của thập niên nầy, thế kỷ nầy và phải, thậm chí thiên hi niên nầy, người ta cả tôn giáo và đời thường đều ý thức được rằng thế giới của chúng ta đang thay đổi cách nhanh chóng. Về mặt tôn giáo, những hiệu sách Cơ đốc đầy dẫy với nhiều sách báo, tạp chí và phim ảnh trình bày chi tiết mọi sự từ học thuyết ngàn năm bình an cho tới sống qua cơn khủng hoảng Y2K. Ngay cả những học giả thế tục cũng có những trông mong đầy sợ hãi. Người nào không có một sự ủng hộ gì đối với Kinh thánh đều nhận biết khả năng phải tận thế, như chúng ta đang biết vậy. Chiến tranh nguyên tử, một tai nạn nguyên tử, khủng hoảng năng lượng, các thảm hoạ sinh thái, các loại virus độc hại, động đất, hạn hán, tầng ozone suy giảm hay thậm chí một sự va chạm trong vũ trụ đã được phổ cập trong những cuộn phim mới đây.
2. Là những người tin theo Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta không phải sợ hãi. II Timôthê 1.7 chép: "Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ". Thứ nhứt, chúng ta biết rằng mọi sự đang ở dưới quyền điều khiển của Đức Chúa Trời toàn tri của chúng ta. Thứ hai, chúng ta biết rằng Kinh thánh cung ứng cho chúng ta nhiều sự kiện về các biến cố trong tương lai. Chúng ta gọi những sự kiện nầy là lời tiên tri hay nghiên cứu về thuyết mạt thế. Có phải quí vị biết rằng Kinh thánh xử lý nhiều với lời tiên tri hơn bất kỳ một đề tài nào khác – đúng ¼ Kinh thánh đều là lời tiên tri không? Mỗi sách trong 66 sách của Kinh thánh đều chứa ít nhất một vài tham khảo về lời tiên tri. Một số sách như Đaniên và Khải huyền đều hoàn toàn là lời tiên tri. J. Dwight Pentecost đã gọi thuyết mạt thế là: "một phần của hệ thống thần học". Nói cách khác, nền giáo dục theo Kinh thánh sẽ là bất toàn nếu không có một số hiểu biết về lời tiên tri.
3. Trước khi chúng ta tìm tòi cho biết thế giới nầy sẽ đi về đâu, thật là quan trọng khi chúng ta để ý tới một vài sự nguy hiểm vốn có trong phần nghiên cứu về lời tiên tri.
A. MỐI NGUY HIỂM #1. Đặt ra niên đại và đưa ra những lời tiên đoán. Khi nói tới tận thế, chúng ta hãy chú ý lời lẽ của Chúa Jêsus trong Mác 13.32-33. Phải chăng Đấng Christ tái lâm trong sự cố Y2K? "Chỉ có Cha biết"! Có nhiều người thường cố gắng đề ra niên đại cho sự tái lâm của Ngài. Hội Murryites đề ra một vài niên đại vào thế kỷ thứ 19. Có người tin Đệ I Thế Chiến là tận thế. Nhiều người khác tuyên bố Hitler, Mussolini và Stalin là những antichrist. Một số thích Hal Lindsey nói tận thế sẽ đến trong vòng một thế hệ hay 40 năm tính từ sự trở về của Israel tại xứ Palestine vào năm 1948. Edgar Whisenant đã viết một quyển sách được phân phối rộng rãi có đề tựa là “88 lý do tại sao sự cất lên sẽ xảy ra vào năm 1988”.
B. MỐI NGUY HIỂM #2. Khi giải thích Kinh thánh theo ánh sáng của những tin tức. Trong ánh sáng buổi bình minh của tân thiên hi niên, có nhiều sự suy đoán. Quí vị đã nhìn thấy những quảng cáo TV đời mới trình chiếu những chuyên gia về lời tiên tri, họ tìm cách làm cho các tin tức chính thích ứng với một câu Kinh thánh nào đó. Chúng ta nên giải thích những tin tức theo ánh sáng của Kinh thánh...những dấu hiệu của các thời kỳ.
C. MỐI NGUY HIỂM #3. Tìm cách trả lời những câu hỏi không thể trả lời. Chúng ta không có những câu trả lời cho tất cả những thắc mắc. Lời tiên tri được niêm kín trong sự kín nhiệm. Nếu quí vị có một câu hỏi, hãy viết nó ra đi. Tôi sẽ tìm cách trả lời câu hỏi đó. Nếu tôi không biết, tôi sẽ nói cho quí vị.
D. MỐI NGUY HIỂM #4. Bất chấp phần ứng dụng thực tế về Kinh thánh. Phần nguy hiểm lớn lao nhất có thể nằm trong phần nghiên cứu nầy, ấy là chúng ta đã lậm về những gì sẽ xảy ra ở ngày mai đến nỗi chúng ta thất bại không sống cho Chúa Jêsus hôm nay. Tôi không thể suy nghĩ về một tham khảo có tính tiên tri trong Tân Ước, nó không thách thức chúng ta phải sống loại đời sống tin kính.
4. Thế giới nầy sẽ đi về đâu? Để trả lời cho thắc mắc đó, chúng ta sẽ xem xét một số dấu hiệu chỉ về những ngày sau rốt và nghiên cứu về lời tiên tri.
I. Những dấu chỉ về các thời kỳ (II Timôthê 3.1-9).
A. Những ngày sau rốt đã được mô tả là "thời kỳ khó khăn" (câu 1). Làm sao chúng ta biết chúng ta đang ở gần kỳ tận thế? Chúng ta nhìn vào những dấu hiệu của các thời kỳ. Trong phân đoạn Kinh thánh nầy, chúng ta học biết rằng những ngày sau rốt sẽ là "thời kỳ khó khăn". "Khó khăn" ra từ một từ ngữ có nghĩa là "bạo lực, nguy hiểm và dã man". Từ nầy được dùng trong Tân Ước ở Mathiơ 8.28, ở đây những kẻ bị quỉ ám được mô tả là: "dữ tợn lắm". Mặc dù điều ác luôn luôn hành hại từng thế hệ, chúng ta chưa hề thấy trước đây các tiêu chuẩn Cơ đốc về đạo đức và chuẩn mực đứng đắn nơi công cộng đã bị xếp xó, chẳng có ai màng đến.
B. Trong những ngày sau rốt, người ta không có tư cách (các câu 2-3).
1. Người ta sẽ "tư kỷ". Chưa bao giờ trong lịch sử có xã hội nào đã bị tác động bởi sự tự mãn như vậy cả.
2. Người ta sẽ "tham tiền". Từ chối không chịu chối bỏ bất cứ thứ chi đem lại nợ nần chồng chất.
3. Người ta sẽ "khoe khoang, xấc xược" và "hay nói xấu". Họ tự thành đạt và kiêu căng.
4. Người ta được mô tả là "nghịch cha mẹ, bội bạc". Vị sứ đồ đã nhìn thấy trong tương lai một thời kỳ khi đơn vị gia đình sẽ bị phá nát.
5. Người ta sẽ "không tin kính" hay phỉ báng. Một người có thể ngồi xem TV hay đi xem phim mà không nghe thấy sự xúc phạm, báng bổ. Bên kia xúc phạm là những vấn đề nổi cộm.
6. Người ta sẽ "vô tình, khó hoà thuận, hay phao vu". Tỉ lệ ly dị đang tăng vọt. Kiện cáo là bình thường.
7. Người ta sẽ "không tiết độ". Họ sẽ "dữ tợn, thù người lành". Thay vì nâng cao những gì là thanh sạch và hiền lành, xã hội của chúng ta xem trọng điều chi là ô uế và gian ác.
C. Trong những ngày sau rốt, người ta chẳng có chút lòng tin quyết nào hết (các câu 4-5).
1. Người ta sẽ "lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời". Chúng ta có thể giải thích tại sao người ta không nhóm lại đặng thờ lạy Đức Chúa Trời bằng cách nào khác không?
2. Họ "bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó". Có nhiều người xưng mình rất tôn giáo, nhưng lại chối bỏ quyền phép của Đức Chúa Trời. Họ chối bỏ sự sáng tạo của Ngài, Lời của Ngài, Con của Ngài và sự tái lâm của Ngài nữa. Chúng ta cần phải "lánh xa" họ.
D. Trong những ngày sau rốt, người ta chẳng có chút lương tâm nào hết (các câu 6-9).
1. Khi Phao-lô nói tới những nhà tôn giáo giả nầy "có kẻ lẻn vào các nhà". Một sách lược thông thường của hệ thống thờ lạy hình tượng là trước tiên trao đổi với người nữ ở trong nhà.
2. Hạng người dối gạt thể ấy "vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được".
3. Trong các câu 8-9, Phao-lô đưa ra hình ảnh hai thầy tế lễ Ai cập từng "chống trả Môise". Mặc dù họ có thể tái tạo một số phép lạ của Môise (những con rắn, nước thành huyết), nhưng họ "không làm thêm được nữa".
II. Nghiên cứu các biến cố có tính tiên tri.
A. Kỷ nguyên Hội thánh.
1. Thần học có hệ thống phân chia niên đại của Kinh thánh thành nhiều kỷ nguyên hay những giai đoạn khác nhau. Kỷ nguyên luật pháp bắt đầu khi Đức Chúa Trời ban luật pháp của Ngài cho Môise vào năm 1.500 TC.
2. Sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Jêsus đã khởi sự những gì chúng ta gọi là Kỷ nguyên Hội thánh, với sự hiện diện quyền phép của Đức Thánh Linh ngự trong các tín đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chiều dài của Kỷ nguyên Hội thánh không được cung cấp cho. Những dấu hiệu các thời kỳ chỉ ra chúng ta đang sống trong hay gần sự kết thúc của kỷ nguyên nầy.
3. Trong Mathiơ 16.18 Chúa Jêsus phán: "Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó". Chúa Jêsus không đề cập tới một Hội thánh địa phương đặc biệt nào hay thậm chí tất cả các Hội thánh địa phương theo ý nghĩa từ thiện. Thay vì thế, Ngài đề cập tới "Hội thánh là thân thể của Ngài" (Êphêsô 1.22-23), là hội chúng đời đời đã được mô tả trong Hêbơrơ 12.23 là: "Hội thánh của những con trưởng được ghi tên trong các từng trời".
4. Về hội chúng đời đời nầy, Chúa Jêsus phán: "các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó". Sự chết, địa ngục, mồ mả sẽ không thắng hơn được dân sự của Đức Chúa Trời và chương trình đời đời của Ngài.
5. Chúa Jêsus sẽ tiếp tục "gây dựng" "Hội thánh" của Ngài cho tới khi nào Hội thánh được trọn vẹn. Khi ấy Ngài sẽ tái lâm để đón rước tất cả các tín đồ về quê hương.
B. Sự cất lên.
1. Biến cố kế tiếp trên dòng thời gian của lời tiên tri theo Kinh thánh là sự cất lên, khi Đấng Christ tái lâm vì tất cả những người được cứu. Tiếng Anh của chúng ta "rapture" (sự cất lên) ra từ một chữ La tinh có nghĩa là "chuyển đi" hay "đưa đi". Mặc dù từ ngữ nầy không thấy có trong Kinh thánh, biến cố mà từ ngữ nầy mô tả đã được thấy rất rõ ràng.
2. Tân Ước mô tả Hội thánh đời đời như là cô dâu của Đấng Christ. Khi mượn hình ảnh xinh đẹp của một đám cưới Do thái, Chúa Jêsus sẽ lìa nhà Cha của Ngài rồi đến đón chúng ta về quê hương với Ngài, đến một chỗ mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta.
3. Chúng ta hãy xem xét I Têsalônica 4.13-17 và I Côrinhtô 15.51-53.
4. Chúa Jêsus sẽ tái lâm và "kèn sẽ thổi lên". Trong Cựu Ước, tiếng kèn thổi một là báo gọi chiến tranh hay là thờ phượng. Lúc có sự cất lên, Chúa Jêsus sẽ đưa chúng ta vào trong sự hiện diện của Ngài và chúng ta sẽ thờ lạy Ngài. Đồng thời, tiếng kèn sẽ báo hiệu chiến trận sau cùng của Đức Chúa Trời với Satan.
5. Trước khi xứ sở chúng ta tuyên bố chiến tranh với quốc gia nào khác, hành động đầu tiên là triệu hồi các đại sứ về nước, đưa họ ra khỏi chỗ tổn hại. Cũng một thể ấy, Đức Chúa Trời sẽ bảo hộ chúng ta tránh khỏi "cơn thạnh nộ" của Ngài khi chiến trận bắt đầu.
6. Chúng ta sẽ nói về sự cất lên chi tiết hơn trong tuần tới.
C. Ngôi phán xét của Đấng Christ.
1. Tôi tin tiếp ngay sau sự cất lên, tất cả những tín đồ sẽ đứng trước "ngôi phán xét của Đấng Christ".
2. II Côrinhtô 5.10 dạy rằng "ngôi phán xét" là một nơi ban thưởng hay mất phần thưởng. Cách thức chúng ta sống đời sống của mình sẽ bị phán xét ở trên trời. Không phải để xem coi chúng ta có được cứu hay không, mà để quyết định các phần thưởng.
3. Kinh thánh nhắc tới nhiều phần thưởng. Tại ngôi phán xét nầy, các phần thưởng sẽ được ban ra. Một lần nữa, đây không nói về sự cứu rỗi của chúng ta, mà nói về sự vâng phục của chúng ta trong Đấng Christ.
D. Cơn đại nạn.
1. Sau sự cất lên, tất cả các tín đồ sẽ đứng trước "ngôi phán xét của Đấng Christ" ở trên trời, những người không tin Chúa bị để lại trên đất, họ sẽ đối mặt với một thời kỳ được biết là Cơn Đại Nạn (Mathiơ 24.21).
2. Hãy dành thì giờ để đọc về thời kỳ nầy ở Khải huyền 4-19.
3. Vì những người tin Chúa đã được dời đi, Satan sẽ cai trị. Hắn sẽ thiết lập “Ba Ngôi Bất Khiết”. Hắn sẽ chiếm lấy chỗ của Đức Chúa Cha. Tôi tớ hắn "con thú" sẽ chiếm chỗ của Đức Chúa Con. Và "tiên tri giả" kẻ dối gạt, sẽ chiếm lấy chỗ của Đấng Yên Ủi, là Đức Thánh Linh.
4. "Con thú" sẽ không phải là một tạo vật ghê khiếp đâu, mà là một cấp lãnh đạo toàn cầu, là kẻ có bản chất giống như một con thú. Hắn sẽ trở thành một thủ lãnh rất sáng chói về mặt chính trị. Có lẽ hắn đang sống hôm nay.
5. Antichrist nầy sẽ đến trong 3 năm rưỡi với một chương trình hoà bình cho Israel và cả thế giới. Ba năm rưỡi sau, sẽ là hỗn độn kinh khiếp.
6. Antichrist sẽ đòi hỏi mọi sự, ai muốn mua cùng bán phải có "dấu của con thú". Có thể đây là một hình xăm hoặc một microchip [một mảnh silic hoặc vật liệu tương tự rất nhỏ mang mạch điện tổng hợp]. Chúng ta không biết.
7. Một người có thể được cứu trong kỳ đại nạn không? Có chứ! Tuy nhiên, quả là khó sống cho Đấng Christ vì cớ quyền lực của tội ác trong thế gian.
E. Chiến trận At-ma-ghê-đôn (Khải huyền 16.12-16; 19.17-21). Ở cuối kỳ đại nạn, người nào chạy theo con thú sẽ nhóm lại với hắn tại trũng Mê-ghi-đô để một trận sống mái chống lại Đấng Christ.
F. Sự tái lâm của Đấng Christ.
1. Hãy mở Mathiơ 24.29-31 để xem phần mô tả bối cảnh vĩ đại nầy.
2. Đây không phải là sự cất lên. Khi ấy Đấng Christ sẽ đến trên không trung. Ở lần đến thứ hai, Ngài sẽ đến với đất. Lúc có sự cất lên, Chúa Jêsus sẽ đến với các thánh đồ Ngài. Ở lần đến thứ hai, Chúa Jêsus sẽ đến với các thánh đồ Ngài.
3. Chúa Jêsus sẽ tái lâm trong vai trò một quan án (Khải huyền 19.11-16). Chúng ta là "các đạo binh trên trời". Các câu 19-21 mô tả sự Chúa Jêsus bắt lấy "con thú" và "tiên tri giả". Chúng "đang sống bị quăng xuống hồ lửa có diêm cháy bừng bừng". Tất cả những kẻ vô tín khác đều bị "giết bởi lưỡi gươm".
G. Sự phán xét Chiên-Dê (Mathiơ 25.31-46). Từ ngữ "muôn dân" là từ Hy lạp ethnos (dân tộc) có ý nói tới "các chủng dân". Tất cả những kẻ vô tín sẽ bị phân rẽ ra khỏi những người tin Chúa (đối chiếu câu 46). Những người tin Chúa khi ấy sẽ bước vào Kỷ Nguyên Nước Trời.
H. Kỷ nguyên Nước Trời.
1. Khải huyền 20.1-2 thuật lại cho chúng ta biết vào thời điểm nầy Satan sẽ bị "xiềng" lại trong "một ngàn năm". Đây là Kỷ Nguyên Nước Trời hay Sự trị vì ngàn năm.
2. Chúa Jêsus sẽ ngồi trên ngôi của David tại thành Jerusalem để cai trị cả thế gian trong một chế độ quân chủ thiêng liêng.
3. Trong câu 4 chúng ta thấy "những ngai". Điều nầy có ý nói tới những người trong chúng ta đã được cất lên. Chúng ta sẽ sống một ngàn năm trên đất bằng loại thân thể đã được làm cho vinh hiển. “Những kẻ” có ý nói tới những kẻ đã tiếp nhận Đấng Christ trong kỳ đại nạn.
4. Trong câu 6 chúng ta là "thầy tế lễ của Đức Chúa Trời" chúng ta sẽ "trị vì với Ngài". Chúng ta sẽ sống rất bận rộn. Nước Trời sẽ là một thời kỳ ơn phước dư dật. Sự rủa sả tội lỗi sẽ bị cất bỏ đi (Êsai 11.1-10).
I. Sự phóng thích Satan.
1. Tấm lòng của con người sẽ không thay đổi. Khải huyền 19.7-9 cho chúng ta biết sau 1.000 năm Satan sẽ được thả ra. Hắn sẽ nhóm nhiều người lại thành một đạo binh cho hắn.
2. Điều nầy dạy cho chúng ta biết rằng một môi trường trọn vẹn không phải là chìa khoá cho sự thay đổi con người. Chìa khoá đang làm thay đổi tấm lòng của con người là Đức Thánh Linh.
3. Những kẻ vô tín xuất thân từ đâu? Họ là con cái của những tín đồ đang bước vào trong Nước Trời. Đối với một người làm cha mẹ, một gia đình Cơ đốc không có nghĩa quí vị đang có những đứa con Cơ đốc! Quí vị phải sống theo đức tin của mình, khi ấy và bây giờ!
4. Đức Chúa Trời lúc đó sẽ hủy diệt họ bằng "lửa".
J. Ngai phán xét Trắng Lớn.
1. Các câu10-15 mô tả một bối cảnh ghê khiếp sau sự hủy diệt lớn lao của Đức Chúa Trời.
2. Satan sau cùng sẽ bị "quăng xuống hồ lửa và diêm".
3. Hết thảy những ai đã chết mà không có Đấng Christ, tên tuổi của họ không có trong "sách sự sống" sẽ bị "quăng xuống hồ lửa".
K. Kỷ nguyên thiên đàng.
1. Chúng ta hãy mở II Phierơ 3.10-13 ra. Ở điểm nầy, Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt các từng trời và đất, rồi đặt chúng ta vào sự sáng tạo mới của Ngài. Tôi nghĩ nơi đây sẽ giống với Vườn Ê-đen trước Sự Sa Ngã.
2. II Phierơ 3; Khải huyền 21.1-8 khi ấy mô tả "trời mới" và "đất mới" thật vinh hiển. Đây sẽ là quê hương của chúng ta cho đến đời đời.
PHẦN KẾT LUẬN. Thế giới sẽ đi về đâu? Đây là một câu hỏi rất hay. Thắc mắc hay hơn nữa là: Điều chi sẽ xảy đến cho thế gian nầy? Đối với người nào nhìn biết Đấng Christ, tương lai là sự vinh hiển. Tôi thích câu nói nầy từ Richard Baxter: "Tri thức tôi về sự sống ấy rất ít ỏi, con mắt của đức tin thì lờ mờ, nhưng Đấng Christ biết rõ mọi sự là đủ rồi, và tôi sẽ được ở với Ngài". Đối với người nào bị lôi kéo vào những việc tầm thường của đời nầy, họ từ chối không phục theo Đấng Christ, tương lai của họ là sự phán xét.
Có một truyền thuyết xưa nói tới một con thiên nga và một con sếu. Một con thiên nga xinh đẹp đáp xuống gần bờ sông, ở đó một con sếu đang lặn lội mò ốc ăn. Trong một vài phút, con sếu quan sát thấy con thiên nga với sự ngạc nhiên rồi lên tiếng hỏi: "Chị ở đâu tới vậy?" Thiên nga đáp: "Tôi đến từ thiên đàng!" Sếu hỏi: "Vậy thiên đàng ở đâu?" Thiên nga nói: "Thiên đàng! Thiên đàng à! Bộ chị chưa nghe nói về thiên đàng sao?" Và con chim xinh đẹp kia tiếp tục mô tả nét huy hoàng của Thành Đời Đời. Nó kể về những con đường bằng vàng, hai cánh cổng, những bức tường bằng đá quí; về dòng sông sự sống, trong như lưu ly, hai bên bờ của nó là cây cối, lá của chúng sẽ được dùng để chữa lành cho các dân. Với khả năng của nó, chim thiên nga đã tìm cách mô tả những kẻ sống ở thế giới kia, nhưng chẳng có sự thích thú nào dù là nhỏ nhất nơi phần của con sếu. Sau cùng, con sếu hỏi: "Có con ốc nào ở đó không?" Thiên nga lặp lại: "Ốc à! Không đâu! Dĩ nhiên là không có rồi". Con sếu khi ấy nói: "Vậy thì”, khi nó cứ tiếp tục lục lọi thật đáng thương dọc theo hai bên bờ sông ấy: "Chị sẽ có thiên đàng của mình. Còn tôi muốn mấy con ốc thôi!"
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét