Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 16.1-5: "Nguyên tắc dâng hiến"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Nguyên tắc dâng hiến
I Côrinhtô 16.1-5
I Côrinhtô 16 theo sát gót chương quan trọng nói tới sự phục sinh. Dường như nó nhảy đại từ sự vinh hiển của thân thể đã được biến đổi, bất tử, không hay hư nát và sự “thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” đến lời lẽ mở đầu của Phaolô trong chương nầy: “Về việc góp tiền cho thánh đồ…”. Ở đây chúng ta chuyển từ sự dạy cao thượng nói tới sự sống lại với “tiếng kèn chót” rung lên trong hai lỗ tai của chúng ta đến sự dạy cơ bản về chức năng quản lý về mặt tài chánh của chúng ta.
Một bài học quan trọng mà hết thảy các tín đồ đều cần phải nắm bắt, ấy là chẳng có một sự nối kết nào giữa lý thuyết và ứng dụng, giữa những gì chúng ta tin và cách chúng ta đang sống. Tôi có trao đổi với một vị Mục sư mới đây, ông đã xưng nhận với tôi rằng ông không giảng nhiều về lý thuyết mà đã nhấn mạnh về phần ứng dụng. Tôi thắc mắc với ông ấy, là nếu ông không giảng lý thuyết, thì ông ứng dụng ở chỗ nào?
Ngược lại, những gì chúng ta tin quyết định cách thức chúng ta sinh sống. Mọi tín điều của chúng ta cai quản nhân sinh quan của chúng ta. Lẽ đạo của chúng ta mô tả tình trạng đạo đức của chúng ta.
• Nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời đang tể trị, Ngài đang hiệp mọi sự lại vì ích cho chúng ta và cho sự vinh hiển của Ngài, chúng ta sẽ đồng đi bởi đức tin chớ không bởi mắt thấy.
• Nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới quanh chúng ta và đã dựng nên chúng ta theo ảnh tượng của chính Ngài, chúng ta sẽ trở thành những quản gia tốt các nguồn tài nguyên và đánh giá sự sống con người như một sự ban cho quí báu từ trên cao.
• Nếu chúng ta tin mọi người là hạng tội nhân đã bị định cho án phạt đời đời trong địa ngục, chúng ta sẽ cẩn thận khi rao giảng và sống theo sứ điệp của Tin Lành.
• Nếu chúng ta tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời không thay đổi, được cảm thúc, thì chúng ta sẽ học hỏi Lời ấy, suy gẫm và gây dựng đời sống mình quanh Lời ấy.
• Nếu chúng ta tin có sự sống đời đời và sự sống lại, chúng ta sẽ như 15.58 chép: “vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn”. II Phierơ 3.14 thêm: “Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được”.
Những gì đặt trước mặt chúng ta trong sự sống lại cung ứng cho chúng ta trách nhiệm lớn lao hôm nay. Nếu chúng ta thực sự tin rằng khi chúng ta được sống lại, Đấng Christ sẽ tái lâm để trị vì, thân thể chúng ta sẽ được biến đổi thành thân thể kỳ diệu thuộc về trời, khi ấy chúng ta cần phải đặt của cải ở trên trời.
Trong chương sau cùng nầy, sứ đồ Phaolô đã nói rất thực tế. Đại đa số I Côrinhtô cho chúng ta biết phải tin theo điều gì. Chương sau cùng nầy dạy chúng ta biết phải sống như thế nào! Ở phần cuối của chương 15, Kinh Thánh dạy chúng ta phải “làm công việc Chúa cách dư dật luôn vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”. Ở chương 16, Kinh Thánh cho chúng ta biết một số phương thức đặc biệt để làm công việc của Đức Chúa Trời, qua cách thức chúng ta dâng hiến, cách thức chúng ta lên kế hoạch và cách thức chúng ta cùng làm việc với nhiều người khác. Hôm nay, chúng ta sẽ nghiên cứu phần đầu tiên trong các phần nầy. Chúng ta hãy xem xét 7 nguyên tắc của sự dâng hiến:
I. Dâng hiến phải là cách làm phổ thông (câu 1).
Ở câu 1, Phaolô nói: “Về việc góp tiền cho thánh đồ, thì anh em cũng hãy theo như tôi đã định liệu cho các Hội thánh xứ Ga-la-ti”. Việc “góp tiền cho các thánh đồ” ông nhắc tới ở đây đã được thực thi từ nhiều Hội Thánh khác nhau trong các khu vực khác nhau cho Hội Thánh bị bao vây trong thành Jerusalem. Phaolô nhắc tới của dâng nầy trong vài thư tín Tân Ước và công việc ấy được mô tả cho chúng ta khá chi tiết trong sách Công Vụ các Sứ Đồ.
Trước hết, Công Vụ các Sứ Đồ 11.28 cho chúng ta biết “sự đói kém lớn” xảy đến trong xứ. Ngày nay ở miền Tây nam, chúng ta hiểu được ý nghĩa của cơn hạn hán. Tuy nhiên, kỷ thuật hiện đại giúp chúng ta đối phó với việc thiếu mưa trầm trọng. Trong thế kỷ đầu tiên, một cơn hạn hán có thể đổi thành đói kém, trong đó thực phẩm sẽ trở nên khan hiếm và giá cả tăng cao, vì thế người ta lâm vào cảnh đói kém.
Thứ hai, chúng ta biết nhiều tín đồ từng ở trong thành Jerusalem đều bị “tản lạc bởi sự bắt bớ xảy đến” (Công Vụ các Sứ Đồ 11.19). Khi sự bắt bớ tăng lên tại thành Jerusalem, nhiều tân tín hữu, họ từ các nơi khác đem theo Tin Lành trở về quê hương, nhưng để cho các tín đồ ở lại thành Jerusalem với nhiều tiếp trợ hạn chế.
Thứ ba, chúng ta biết người Do thái từ thành Jerusalem, họ trở thành Cơ đốc nhân rồi bị bắt bớ thậm chí chính gia đình của họ nữa. Họ bị chối bỏ, bị đối đãi giống như thể họ đã chết rồi vậy. Không những họ mất gia đình, mà còn mất sản nghiệp, công ăn việc làm, và gần như bất kỳ thứ chi giúp cho cuộc sống của họ nữa. Chỉ có phương tiện trợ giúp xã hội duy nhứt từ các nhà hội và họ cũng đã bị trục xuất ra khỏi đó nữa.
Vì cớ tình trạng thảm khốc nầy, Phaolô đã được Chúa dẫn dắt nhận lãnh một của “lạc hiến” từ giữa vòng nhiều Hội Thánh dân Ngoại gửi đến trợ giúp cho Hội Thánh gốc tại thành Jerusalem. Trong một phương thức, của lạc hiến nầy là biểu tượng cho sự hiệp một của Thân Thể Đấng Christ vì nó tỏ ra những Cơ đốc nhân dân Ngoại phần đáp ứng đối với nhu cần lớn lao của các tín hữu Do thái, là những người trước tiên đã đem sứ điệp Tin Lành đến với họ.
Đây là một hình ảnh nói tới cách thức dân sự của Đức Chúa Trời và các Hội Thánh địa phương cần phải cộng tác với nhau. Những gì đang xảy ra cho các anh chị em chúng ta trên khắp thế giới có liên quan đến chúng ta. Các nhu cần của họ sẽ là nhu cần của chúng ta. Chúng ta không nên quá bê tha và hờ hững đến nỗi chúng ta vùi đầu mình vào trong cát và chẳng chú ý gì đến dân sự của Đức Chúa Trời và công việc của Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi. Chúng ta cần phải “dư dật luôn trong công việc của Chúa” và công việc ấy đang ở trong phạm vi toàn cầu.
Chúng ta cũng thấy ở đây một số sự dạy hiển nhiển về cách thức chúng ta phải dâng hiến cho công việc của Chúa. Trước tiên và trên hết, những người tin Chúa sẽ dâng hiến cho chức dịch của Hội Thánh địa phương của họ. Chắc chắn là mỹ mãn và tốt đẹp khi ủng hộ một chức dịch vượt quá phạm vi của Hội Thánh địa phương, nhưng Hội Thánh sẽ là đại lộ chính của chúng ta. Tại sao?
• Dâng hiến qua Hội Thánh địa phương là tiền lệ theo Kinh Thánh. Phaolô đã quyên góp những của dâng nầy từ các Hội Thánh chớ không phải các cá nhân. Trong Công Vụ các Sứ Đồ, chúng ta đọc thấy các tặng phẩm về tiền bạc đã được đặt nơi “chơn của các sứ đồ” (Công Vụ các Sứ Đồ 4.35, 37; 5.2).
• Dâng hiến qua Hội Thánh trợ giúp cho người nào đang phục sự. I Timôthê 5.17-18 chép: “Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần [thì giờ – giá trị, quí báu], nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ. Vì Kinh Thánh rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa; và người làm công thì đáng được tiền công mình”.
• Dâng hiến qua Hội Thánh trợ giúp cho những ai đang có cần. Các thư tín mục vụ cũng nói tới các nguyên tắc trợ giúp cho những người góa bụa và những ai đang có cần.
Tôi thật là biết ơn vì sự dâng hiến của dân sự Đức Chúa Trời ở đây tại Cornerstone. Tôi biết ơn những người nào giúp đỡ chúng ta thực hiện tốt chức năng quản lý tiền bạc. Chắc chắn tôi không giảng phân đoạn Kinh Thánh gốc nầy vì chúng ta đang lâm vào cảnh rối rắm tài chính hoặc vì chúng ta cần quyên góp tiền bạc cho một dự án nào đó. Khi chúng ta làm theo phương thức chú giải qua Kinh Thánh, chúng ta xử lý với “hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” và bao gồm mọi ơn phước và trách nhiệm của sự dâng hiến. Ở đây trong bốn câu đầu tiên chúng ta thấy 7 nguyên tắc của sự dâng hiến.
Trở lại câu 1, Phaolô nói: “Về việc góp tiền cho thánh đồ, thì anh em cũng hãy theo như tôi đã định liệu cho các Hội thánh xứ Ga-la-ti”. Nói cách khác, sự dạy nầy không những là cho “các Hội Thánh xứ Galati” hay là cho Hội Thánh tại thành Côrinhtô. Sự dạy ấy cần phải được làm theo bởi hết thảy Cơ đốc nhân ở khắp mọi nơi trong từng Hội Thánh địa phương.
Phaolô đã thiết lập Hội Thánh ở khắp mọi nơi, ông dạy dỗ các nguyên tắc của sự dâng hiến. Thí dụ, trong Công Vụ các Sứ Đồ 20, khi ông gặp gỡ các trưởng lão đến từ Hội Thánh tại thành Êphêsô lần cuối cùng, ông đã nhắc cho họ nhớ thể nào ông đã dạy họ “hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời”. Thậm chí ông đặc biệt nói ở câu 35: “Tôi từng bày bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh”.
Nếu Phaolô thất bại không dạy dỗ các Hội Thánh nầy về việc dâng hiến, ông sẽ không trung tín với sự kêu gọi của mình. Nếu tôi thất bại không dạy dỗ các bạn về sự dâng hiến, tôi sẽ không trung tín với ơn kêu gọi của tôi và các bạn sẽ không tấn tới về mặt thuộc linh.
Chúa Jêsus đã phán ở Mathiơ 10.8: “Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không”. Nếu các bạn chẳng nhận chi từ nơi Chúa, thế thì đừng dâng. Hãy giữ lấy tiền bạc của mình đi, Đức Chúa Trời không cần đến nó đâu. Hãy tiêu xài nó cho bản thân mình. Mặt khác, nếu bạn tin bạn có những gì bạn đang có vì ơn phước của Đức Chúa Trời, thế thì hãy dâng hiến và dâng hiến thật rời rộng. Nếu Chúa đã ban cho bạn ơn tha thứ, yêu thương, sự tiếp nhận, vui mừng, bình an và an ninh, bạn sẽ chia sẻ với người khác như thế nào?
Hãy nhớ, đây là nguyên tắc phổ thông. Nguyên tắc ấy cần phải được thực hành bởi từng tín hữu ở khắp mọi nơi. Tôi giật mình khi suy nghĩ tới các nguồn tài nguyên sẵn có nếu tất cả các Cơ đốc nhân chịu vâng theo phân đoạn Kinh Thánh nầy.
II. Dâng hiến phải là cách thực hiện hàng tuần (câu 2a).
Câu 2 chép: “Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp”. Hãy cẩn thận chú ý cụm từ “cứ ngày đầu tuần lễ”. Điều nầy dạy chúng ta hai nguyên tắc, khi chúng ta nhóm lại thờ phượng và chúng ta cần phải thờ phượng như thế nào nữa kìa.
Trước tiên, hãy chú ý khi nào chúng ta nhóm lại thờ phượng. Hội Thánh đầu tiên đã nhóm lại với nhau trong sự thờ phượng chung, dạy dỗ và tương giao “cứ ngày đầu tuần lễ”. Điều nầy rất khác biệt với ngày Sa-bát của người Do thái. Ngày Sa-bát bắt đầu lúc mặt trời lặn ngày thứ Sáu và tiếp tục cho đến lúc mặt trời lặn vào chiều thứ Bảy. “Ngày đầu tuần lễ” là ngày Chúa nhựt. Các trước giả Kinh Thánh đã đề cập tới ngày Chúa nhựt là “ngày của Chúa” (đối chiếu Khải huyền 1.10). Sự ấn định nầy có ghi trong nhiều tài liệu Cơ đốc đầu tiên. Thực vậy, các Hội Thánh đầu tiên đã khởi sự cuộc thờ phượng của họ vào cuối ngày Sa-bát (chiều ngày thứ Bảy) và đã thờ phượng suốt cả đêm cho tới khi mặt trời mọc vào ngày Chúa nhựt khi họ trở về làm công việc. Hãy xem xét trường hợp chúng ta thấy ở Công Vụ các Sứ Đồ 20 và Hội Thánh tại thành Trô-ách khi Ơ-tích té ngã từ cửa sổ xuống đất. Phaolô đã giảng, đã làm cho cậu ta sống lại cho tới khi họ “bẻ bánh mà ăn; giảng luận lâu cho đến sáng” (Công Vụ các Sứ Đồ 20.11). Vì chúng ta không phải là người Do thái, chúng ta không phải giữ luật về ngày Sa-bát. Mỗi ngày đều là thánh cho Chúa. Tuy nhiên, theo truyền khẩu của Hội Thánh, chúng ta nhóm lại thờ phượng chung vào “ngày của Chúa”, “cứ ngày đầu tuần lễ”.
Thứ hai, hãy chú ý cách chúng ta cần phải thờ phượng. Khi chúng ta nhóm lại mỗi “ngày của Chúa” chúng ta cần phải đem theo một của dâng. Tôi nhắc như vậy thì có ý thích phương pháp dâng hiến hằng tuần hơn. Giống như các thánh đồ trong Cựu Ước đã dâng con tốt nhứt trong bầy mình làm của lễ cho Đức Giêhôva, chúng ta cần phải dâng phần thu nhập của chúng ta cho Chúa mỗi lần chúng ta đến thờ phượng. Có nhiều Cơ đốc nhân dâng hiến theo kiểu không đều đặn, khi họ ưng ý, khi họ cảm thấy rời rộng, hay chỉ khi họ có dư tiền bạc hoặc điều chi chưa dùng đến. Một số thì dâng một tháng một lần hay một tháng hai lần và dâng tùy theo thời gian họ có thu nhập. Tôi không võ đoán về điểm nầy nhưng tôi muốn nói rằng tôi tin thật là quan trọng khi có khả năng dâng điều chi cho Chúa mỗi lần bạn đến thờ lạy Ngài.
III. Dâng hiến cần phải là một hành động của cá nhân (câu 2b).
Hãy chú ý điều mà Phaolô nói ở câu 2: “mỗi một người trong anh em…”. Đây chẳng phải là một sự dạy dỗ chỉ dành cho người giàu có và dư dả đâu. Mọi người, người nam, người nữ và trẻ em đều phải dâng hiến khi họ đến đặng thờ phượng. Là dân sự của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước sẽ không nghĩ họ đến thờ lạy Đức Chúa Trời mà không đem theo một của dâng, chúng ta dân sự của Đức Chúa Trời trong kỷ nguyên nầy không nên đến trước mặt Chúa với hai bàn tay không.
Dạy cho con cái biết dâng hiến là điều rất quan trọng. Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi cho tôi tiền đồng một hào, và đồng 25 xu để dâng vào trong Hội Thánh. Họ muốn tôi nhìn biết tầm quan trọng của việc dâng hiến. Tương tự thế, khi mấy đứa con gái của tôi còn nhỏ, chúng tôi đã cho chúng tiền bạc để dâng hiến. Giờ đây, chúng đã lớn hơn và có ít tiền riêng, chúng tôi đã trao đổi với chúng về tầm quan trọng của việc dâng hiến tài lực của chúng.
Khi tôi là con trẻ, tôi dâng hiến như một con trẻ. Giờ đây, tôi là một người lớn, tôi dâng hiến như một người lớn. Có một số người muốn trở thành Cơ đốc nhân trưởng thành, song dâng hiến thì giống như Cơ đốc nhân con trẻ, chưa trưởng thành. Một lượng lớn trưởng thành thuộc linh là tin cậy Đức Chúa Trời trong sự dâng hiến.
IV. Dâng hiến phải là một hệ thống đã định trước (câu 2c).
Kế đó, Phaolô nói rằng mọi người cần phải “chắt lót”. Trong xã hội thời ấy, người ta thường được trả công vào cuối ngày lao động. Phaolô đã dạy cho họ biết phát triển một hệ thống nhờ đó họ sẽ không xài hết thu nhập của họ, song để dành lại một phần mỗi tuần để góp lại. Một số Cơ đốc nhân chẳng có một hệ thống hoạch định nào cho sự dâng hiến cả. Họ dâng hiến khi có lời kêu gọi nào đó đụng đến họ. Họ dâng hiến khi có một nhu cần đặc biệt. Đôi khi họ dâng thật rời rộng, nhưng từ tuần nầy qua tuần khác thì họ dâng rất ít. Khuôn mẫu theo Kinh Thánh là phải hoạch định việc dâng hiến của bạn và dâng một số lượng có hệ thống, chớ không phải đợi cho tới Chúa nhựt mới thấy điều chi cần dâng.
Trong quyển The Walk, Gene Getz thuật lại câu chuyện về một Hội Thánh nhỏ ở miền Bắc xứ Chile. Các thuộc viên đều nghèo với gia đình đông con. Của dâng lúc đầu của họ không hơn 6 đôla. Giáo sĩ người Mỹ phục sự ở đó Ngài nhận thấy một gia đình kia có đọc về việc dâng phần mười và muốn thử dâng phần mười đó. Ông ta lo cho họ vì họ nghèo lắm, nhưng ông đã dạy cho họ chính phân đoạn Kinh Thánh nầy trong I Côrinhtô 16. Đây là cách ông mô tả những gì đã xảy ra:
Chúa nhựt sau, lúc cuối buổi nhóm, Manuel đến trao cho tôi một phong bì. Khi anh ta nhìn thấy nét ngạc nhiên trên gương mặt tôi, anh ta nói với chút tự hào: “Đấy là phần mười của chúng tôi!” Tôi khó mà tin được như thế và đứng một hồi lâu với cái phong bì trong tay. Khi anh ta đi rồi, tôi mở phong bì ra thì thấy hai hay ba hóa đơn nhỏ tương đương với 19 xu. Trưa Chúa nhựt kế đó, tôi đi ngang qua nhà của họ trên chiếc xe đạp, họ vẫy tay mời tôi ghé qua. Họ đã có những tin tức đáng khích lệ. Sáng thứ Ba sau khi họ dâng phần mười, chẳng có một miếng bánh vụn trong nhà để ăn điểm tâm, cũng chẳng có tiền để mua nữa. Họ chỉ có mấy đồng pesos để trong hộp tiền phần mười, họ muốn lấy tiền ấy ra. Nhưng suy nghĩ trong một giây, Manuel nói: “Không, chúng ta không nên làm vậy. Đấy là tiền của Đức Chúa Trời. Sáng nay chúng ta sẽ đi nhóm mà không ăn sáng”.
Chẳng có việc gì để làm, chỉ có đi nhóm với mấy con gà. Trước sự ngạc nhiên nhiều của họ, mấy con gà mái đã đẻ trứng – lúc 6.30 sáng! Chúng chưa hề đẻ sớm như thế, trừ phi vào buổi trưa. Họ thâu mấy quả trứng lại, và Manuel vội vã ra cửa hàng ở góc phố. Mấy quả trứng bán được giá tốt, vì vậy anh ta trở lại với số bánh đủ cho cả ngày. Chính buổi trưa hôm ấy, có một người lớn tuổi bán hàng rong đến gõ cửa nhà họ hỏi xem có phân bán không!?! Họ chưa dọn dẹp chuồng gà trong một thời gian, vì vậy họ có thể góp lại được khoảng 20 bao. Số phân đó cũng bán được giá rất tốt. Họ đã mua thực phẩm cho mấy con gà mái, thức ăn cho chính họ và có tiền để dành nữa. Họ quyết định người vợ phải mua một đôi giày với số tiền dư kia. Trưa hôm sau, cô ta lên chiếc xe bus rồi đi khoảng 12 km quanh vịnh đến một thị trấn lớn hơn.
Không lâu sau đó, cô ta xuống xe bus, cô ta tình cờ gặp người cháu mà cô ta không gặp trong 5 năm qua. Họ chào mừng nhau nồng nhiệt lắm, và anh ta hỏi thăm xem cô mình sẽ làm gì trong thị trấn. Khi cô giải thích xong, anh ta nói: “Được lắm, cháu chỉ cho một cửa hàng giày ngay ở phía sau cô kìa. Hãy đến đó và tìm kiểu mà cô thích”. Thế rồi cô ta tìm được ngay kiểu giày mình cần, với cái giá mà cô ta dám trả. Đứa cháu gói đôi giày lại, rồi cô ta trả tiền cho cậu ta. “Ồ không, Cô ơi, cháu không thể lấy tiền của Cô được. Đôi giày nầy là món quà của cháu cơ”. “Không, không cháu ơi! Không nên làm thế. Làm ơn nhận tiền đi nghe”. Khi cuộc trao đổi kết thúc, cô ta trở ra phố với cả hai thứ: đôi giày và tiền mặt.
Tuần sau, Manuel nhận được một việc làm trên dự án kéo dài trong hai năm. Cứ 15 ngày thì công nhân được trả công. Và chắc như thế, sau mỗi ngày nhận được tiền công, hai vợ chồng nầy đến tại nhà thờ với phần mười của họ, giờ đây đã lên hơn của dâng của những người còn lại trong hội chúng.
Lời đồn đãi khắp Hội Thánh, và nhiều người khác bắt đầu kinh nghiệm việc dâng hiến. Tôi đã trả tiền thuê ngôi nhà cũ, cùng với các hóa đơn điện và nước, nhưng không lâu sau đó đã có tiền trong ngân quỹ để lo liệu cho cả ba thứ nầy. Hội chúng cứ tiếp tục tấn tới, và cũng vậy với số thu nhập. Mỗi tháng sổ sách của chúng tôi chỉ ra số thặng dư nhiều trong ngân quỹ. Tôi biết rõ một trong các Mục sư trong hội truyền giáo đang phục vụ giữa vòng người da đỏ không nhận sự trợ giúp ông có cần và đáng được, vì vậy tôi đề nghị rằng chúng tôi nên chọn ra một số tiền để giúp cho ông.
Hội chúng đồng ý, và chúng tôi gửi cho ông tương đương với 20$US mỗi tháng. Trước đó, Hội Thánh đã sẵn sàng muốn có vị Mục sư chủ tọa của mình, và lời mời đến với chính vị Mục sư ấy. Khi Mục sư ấy đến, vợ tôi và tôi được tự do chuyển đến nơi ở mới và khởi sự với Hội Thánh khác. Hai năm sau đó đã liên tục có nhiều tin tức tốt lành. Khi hội chúng cứ tiếp tục lớn lên, họ đã mua ngôi trường cũ mà tôi đã thuê cho họ. Họ khởi sự tu sửa lại, và không lâu sau đó họ đã có một ngồi nhà thật đẹp, hiện đại với các phòng học Trường Chúa nhựt và một giảng đường với hai trăm chỗ ngồi.
Trong lần thăm viếng vừa qua của chúng tôi, họ vừa mới hoàn tất một tư thất cho Mục sư, cất bằng gạch block, với một phòng khách, phòng bếp, nhà tắm, và bốn phòng ngủ, và họ khởi sự một Hội Thánh nhánh trong khu vực dân cư cách đó một dặm. Chúng tôi đã dâng lời cầu nguyện và 19 xu, còn Đức Chúa Trời lo phần còn lại. Dâng hiến vào Hội Thánh còn có ý nghĩa sâu xa hơn là cưu mang công việc của Ngài trong thế gian nầy. Như có người đã nói: “Đức Chúa Trời không muốn chúng ta dâng hiến vì Ngài cần tiền bạc của chúng ta đâu. Ngài muốn chúng ta dâng hiến để Ngài có thể làm thay đổi đời sống của chúng ta”.
V. Dâng hiến phải theo lượng cân xứng (câu 2d).
Phaolô nói mỗi người cần phải “tùy sức mình chắt lót”. Nói như vầy có nghĩa là chúng ta cần phải dâng lại cho Đức Chúa Trời theo như Đức Chúa Trời đã chúc phước cho chúng ta. Nếu chúng ta có nhiều, thì bạn phải dâng nhiều. Nếu bạn có ít, thì bạn dâng ít. Đức Chúa Trời không chú trọng vào số lượng, mà chú trọng vào động lực.
Trường hợp của chúng ta là người đàn bà với hai đồng xu. Mác 12.43-44 chép: “Ngài bèn kêu môn đồ mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình”.
Tiêu chuẩn cơ bản cho dâng hiến là một phần mười, mười phần trăm số thu nhập của bạn. Mặc dù phần mười đã được truyền phải dâng từ trong Cựu Ước, làm thể nào chúng ta là những người sống dưới sự đầy dẫy ân điển của Đức Chúa Trời lại dâng ít hơn những kẻ đã sống dưới gánh nặng của Luật pháp? Chỉ vì chẳng có mạng lịnh nào phải dâng phần mười trong Tân Ước nên chẳng có sự miễn trừ nào cho việc dâng ít hơn. Galati 5.13 chép: “Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt…”. Nếu bạn thực hành việc dâng hiến có hệ thống, tôi khuyên bạn nên khởi sự ngay nơi bạn sinh sống. Hãy quyết định bạn cảm nhận mình có thể dâng bao nhiêu rồi dâng con số đó theo cách bền đỗ. Bạn sẽ lấy làm kinh ngạc khi thấy Đức Chúa Trời chúc phước cho những gì bạn đang dâng hiến.
VI. Dâng hiến cần phải là đáp ứng không ép buộc (câu 2e).
Phaolô muốn khi ông đến chẳng thấy có của “lạc hiến” nào. Tại sao? Vị Sứ đồ biết rõ sự hiện diện của ông sẽ là một cái chạm lớn trên Hội Thánh. Ông không muốn họ dâng hiến vì họ bị cảm động bởi sự giảng dạy của ông hay những câu chuyện của ông nói tới những điều Đức Chúa Trời đã làm ở các chỗ khác. Ông muốn họ phải dâng hiến vì họ biết vâng theo Đức Chúa Trời.
Có một sự tống tiền nhơn danh Cơ đốc giáo. Tôi đều đặn nhận thư từ những người gây quỹ chuyên nghiệp muốn tôi thuê họ hay sử dụng tư liệu của họ để tôi có thể buộc các bạn phải dâng nhiều tiền bạc hơn. Tất nhiên là họ cũng muốn được trả công nữa! Bạn phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời về những gì Ngài muốn bạn dâng hiến và rồi hãy dâng. Nếu bạn cảm thấy không hay về của dâng của mình, hãy cầu nguyện thêm đi.
VII. Dâng hiến phải được duy trì trong trách nhiệm (các câu 3-4).
Các câu 3-4 chép: “Khi tôi đến, tôi sẽ sai những kẻ mà anh em đã chọn cầm thơ tôi đi, đặng đem tiền bố thí của anh em đến thành Giê-ru-sa-lem. Ví bằng việc đáng chính mình tôi phải đi, thì những kẻ ấy sẽ đi với tôi”. Phaolô muốn Cơ đốc nhân phải tán thành hay xác nhận chắc chắn các cá nhân nào đáng được tin cậy để lên thành Jerusalem với món quà. Ngày nay chúng ta sẽ gửi một tấm séc qua mail. Trong thời gian ấy, tiền mặt phải được đích thân mang đến. Phaolô nói rằng “ví bằng việc đáng” thì ông sẽ cùng đi với họ. Bản thân ông không đụng đến tiền bạc. Ông muốn sống cao hơn không bị quở trách hay nghi ngờ.
Điều nầy cho chúng ta biết rằng sẽ có sự kiểm soát sổ về tiền bạc rất quan trọng trong Hội Thánh. Tôi rất hài lòng với cách thức tiền bạc được quản lý ở đây. Có nhiều bộ phận an toàn rất đúng vị trí. Các chấp sự của chúng ta kiểm tiền, người khác cất giữ, người khác nữa theo dõi ngân sách, người khác nữa viết chi phiếu và người khác ký tên trên chi phiếu. Giống như Phaolô, tôi không nắm giữ tiền bạc. Là người được Hội Thánh trả lương, tôi để việc ấy lại cho những người khác để tôi có thể sống không bị quở trách.
Chúng ta hãy kết luận sáng nay với một vài điểm ứng dụng sau cùng:
1. Mọi sự chúng ta có đều là sự ban cho đến từ Đức Chúa Trời; chúng ta nên bằng lòng dâng lại cho Ngài. Chúa Jêsus phán ở Luca 6.38: “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy”.
2. Khi chúng ta có nhiều, chúng ta nên bằng lòng chia sẻ. Êphêsô 4.28: “Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn”.
3. Đức Chúa Trời có quyền trao lại bất cứ điều chi chúng ta đem dâng. II Côrinhtô 9.7-8: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng. Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét