Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 15.20-28: "Biểu đồ của sự sống lại"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Biểu đồ của sự sống lại
I Côrinhtô 15.20-28
Đức Chúa Trời đang tể trị. Ngài trị vì như một vì Vua tuyệt đối trên mọi loài thọ tạo. Ngài điều khiển muôn vật. Không điều chi xảy ra mà vượt quá ý chỉ trọn vẹn của Ngài. Không một việc gì khiến cho Ngài phải ngạc nhiên. Ngài sắp xếp từng biến cố trong lịch sử theo cách thiêng liêng. Ngài phán ở Êsai 46.9-10: “Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta. Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý”.
Tất nhiên nói như vầy không có nghĩa là Đức Chúa Trời tạo ra điều ác đâu. Thay vì thế, điều ác làm cho Ngài bị sốc. Ngài cho phép điều ác ở trong cõi thọ tạo của Ngài trong một thời gian để sử dụng nó cho điều lành. Giống như Giôsép nói với các anh mình ở Sáng thế ký 50.20: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo”.
Không những Đức Chúa Trời đang tể trị, mà Ngài còn không thay đổi nữa. Nói như thế nghĩa là Ngài không hề thay đổi. Thế giới thay đổi. Xã hội thay đổi. Con người thay đổi. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cứ y nguyên. Ngài rất trọn vẹn và không hề biến đổi đối với sự trọn vẹn của Ngài. Hêbơrơ 13.8 chép: “Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi”. Vì Đức Chúa Trời không thay đổi, mọi chương trình của Ngài cũng không thay đổi. Chúng sẽ không thay đổi vì chúng không thể thay đổi. Mọi chương trình của Ngài là trọn vẹn. Chúng không thể cải thiện được.
Một trong những chương trình của Đức Chúa Trời từ cõi quá khứ đời đời là sự sống lại của kẻ chết. Ngài đã ấn định từ buổi ban đầu là Con độc sanh của Ngài sẽ sống lại từ kẻ chết và có được sự thắng hơn âm phủ và mồ mả. Thứ hai, Đức Chúa Trời đã ấn định cho con người cũng sẽ sống lại nữa. Người công bình sẽ sống lại để được sự sống đời đời, còn kẻ không công bình sẽ bị án phạt đời đời.
Trong chương nói tới sự sống lại nầy, Phaolô đã bắt đầu bằng cách nói tới bằng chứng không thể bài bác được về sự sống lại của Chúa Jêsus (các câu 1-11). Kế đó, để đánh thẳng vào triết lý Hy lạp Nhị Nguyên Thuyết, ông đưa ra danh sách những hậu quả kinh khủng của cuộc sống không có sự sống lại (các câu12-19). Trong tiểu đoạn nầy, Phaolô nhắm vào việc tỏ ra biểu đồ, ấn bản của sự sống lại, chương trình không thể bài bác được của Đức Chúa Trời ngay từ lúc ban đầu.
Chúng ta hãy xem xét trước tiên Sự sống lại của Đấng Cứu Chuộc, kế đó Sự sống lại của người được chuộc và sau cùng Sự sống lại và sự phục hồi của muôn vật.
I. Sự sống lại của Đấng Cứu Chuộc (các câu 20-22).
A. CHÚNG TA ĐƯỢC BẢO ĐẢM VÌ ĐẤNG CHRIST ĐÃ SỐNG LẠI (câu 20a).
Tuần qua, chúng ta đã xem xét 7 hậu quả của Phaolô một khi chẳng có sự sống lại ở các câu 12-19.
1. Nếu chẳng có sự sống lại, Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa (câu13).
2. Nếu chẳng có sự sống lại, việc rao giảng Tin Lành là luống công (câu 14a).
3. Nếu chẳng có sự sống lại, đức tin của tín đồ là vô ích (câu 14b).
4. Nếu chẳng có sự sống lại, những ai rao giảng Tin Lành là những kẻ nói dối (câu 15).
5. Nếu chẳng có sự sống lại, các tín đồ không được cứu mà vẫn còn ở trong tội lỗi (các câu 16-17).
6. Nếu chẳng có sự sống lại, hết thảy những ai đã chết với lòng tin cậy nơi Đấng Christ sẽ bị hư mất (câu 18).
7. Nếu chẳng có sự sống lại, trong cả mọi người Cơ đốc nhân là kẻ khốn nạn hơn hết (câu 19).
Tuy nhiên, giờ đây ở câu 20, Phaolô tuyên bố cách đắc thắng: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại…”. Ông không nói các hậu quả kinh khủng nầy khuyến khích nghi ngờ, nhưng bảo đảm cho chúng ta về sự thực cốt lõi, trọng tâm của Cơ đốc giáo: Ngài đã sống lại; quả thực, Ngài đã sống lại!
B. ĐẤNG CHRIST LÀ TRÁI ĐẦU MÙA CỦA SỰ SỐNG LẠI (câu 20b).
Phaolô cũng nói ở câu 20: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ”. “Trái đầu mùa” là một cụm từ rất quen thuộc với hàng độc giả Do thái. Cụm từ nầy đến với chúng ta từ Luật pháp Môise. Một nhà nông Hêbơrơ sẽ dâng của lễ cho Đức Chúa Trời bằng “hoa quả đầu mùa” từ đồng ruộng của ông ta. Ông ta đã trông đợi mùa màng của mình và lấy ra thứ tốt nhứt từ đó.
• Xuất Êdíptô ký 23.19 chép: “Những hoa quả đầu mùa của đất, ngươi phải đem đến đền thờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi…” (đối chiếu 34.26).
• Lêvi ký 2.14-16 chép: “Nếu ngươi dùng hoa quả đầu mùa đặng làm của lễ chay tế Đức Giê-hô-va, thì phải bằng gié lúa rang, hột lúa mới tán ra, đổ dầu vào và thêm nhũ hương. Ấy là của lễ chay. Đoạn, thầy tế lễ lấy một phần hột tán ra với dầu và hết thảy nhũ hương mà xông làm kỷ niệm. Ấy là của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va”.
• Dân số ký 18.12 chép: “Ta cũng đã ban cho ngươi những vật đầu mùa mà dân Y-sơ-ra-ên sẽ dâng cho Đức Giê-hô-va, hết thảy phần dầu, rượu ngọt và lúa miến nhất hạng”.
• Phục truyền luật lệ ký 18.4 chép: “Ngươi sẽ cấp cho người của đầu mùa về ngũ cốc, rượu, dầu và lông chiên hớt đầu tiên của ngươi”.
• Châm ngôn 3.9 chép: “Hãy lấy tài vật và huê lợi đầu mùa của con, mà tôn vinh Đức Giê-hô-va”.
Theo một ý nghĩa, chúng ta vẫn còn dâng cho Chúa “hoa quả đầu mùa” của chúng ta khi chúng ta dâng lên Ngài phần mười và các thứ của dâng trong thu nhập của mình.
“Hoa quả đầu mùa” trở thành một hình bóng được sử dụng rộng rãi khắp cả Kinh Thánh.
• “Hoa quả đầu mùa” được sử dụng để mô tả quốc gia Israel. Giêrêmi 2.3 chép: “Y-sơ-ra-ên vốn là dân biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va; vốn là trái đầu mùa của hoa lợi Ngài…”.
• “Hoa quả đầu mùa” mô tả Đức Thánh Linh ở Rôma 8.23: “không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng, đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy”.
• “Hoa quả đầu mùa” mô tả các tín đồ ở Giacơ 1.18: “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta, hầu cho chúng ta được nên như trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên”.
• “Hoa quả đầu mùa” mô tả dân sót Israel được cứu ở Rôma 11.16: “Vả, nếu trái đầu mùa là thánh, thì cả đồng cũng thánh; và nếu rễ là thánh, thì các nhánh cũng thánh”.
• “Hoa quả đầu mùa” mô tả 144.000 thánh đồ trong kỳ đại nạn ở Khải huyền 14.4: “Những kẻ ấy chưa bị ô uế với đàn bà, vì còn trinh khiết. Chiên Con đi đâu, những kẻ nầy theo đó. Những kẻ đó đã được chuộc từ trong loài người, để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con”.
• “Hoa quả đầu mùa” mô tả những người trở lại đạo đầu tiên của một điểm truyền giáo. Phaolô đã viết ở Rôma 16.5: “Cũng hãy chào Hội thánh nhóm tại nhà hai người. Hãy chào Ê-bai-nết, là người rất thiết với tôi, và đã nên trái đầu mùa trong xứ A-si cho Đấng Christ”.
Giờ đây Phaolô sử dụng hình ảnh quen thuộc nầy để tỏ ra rằng không những Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết; mà Ngài còn là “trái đầu mùa” giữa vòng nhiều người được sống lại. Điều nầy dạy cho chúng ta biết hai lẽ thật hiển nhiên:
• Chúa Jêsus là người đầu tiên được sống lại từ kẻ chết. Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết có một số người đã sống lại từ kẻ chết trước Chúa Jêsus (Êli và con trai đàn bà góa, Laxarơ, v.v…)
Tuy nhiên, tất cả những người ấy đã chết một lần nữa. Chúa Jêsus là người đầu tiên trong số nhiều người được sống lại vĩnh viễn.
• Chúa Jêsus là người tốt nhứt được sống lại từ kẻ chết. “Trái đầu tiên” không những là chi thể đầu tiên của vụ mùa ra từ đồng ruộng mà cũng là tốt nhứt. Không những Chúa Jêsus là người đầu tiên, mà còn là người tốt nhứt nữa. Ngài là người vô tội duy nhứt đã được sống lại. Phần còn lại trong chúng ta sẽ được sống lại trên cơ sở sự công bình của Ngài, chớ không phải của chúng ta.
C. SỰ CHẾT ĐÃ ĐẾN QUA CON NGƯỜI (câu 21a).
Câu 21 chép: “Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết”. Sáng thế ký cho chúng ta biết về người thứ nhứt là Ađam. Chúa ban cho ông một mạng lịnh duy nhứt. Đức Chúa Trời đã phán ở Sáng thế ký 2.16-17: “Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết”.
Tất nhiên là chúng ta biết Satan đã gạt gẫm Êva; nàng đã ăn và đã trao cho Ađam ăn nữa. Ngay giây phút ấy, họ đã chết về mặt thuộc linh. Sự sa ngã của họ từ ân điển sang bổn tánh tội lỗi của họ đem lại sự chết cho tất cả dòng dõi của họ. Chúng ta chết vì chúng ta phạm tội. Đây là giáo lý căn bản nói tới toàn bộ sự đồi bại có tính di truyền.
Rôma 5.12 tóm tắt như sau: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.
D. SỰ SỐNG LẠI CŨNG ĐẾN BỞI CON NGƯỜI (câu 21b).
Một lần nữa câu 21 chép: “Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết”. Người thứ nhứt, Ađam đã truyền sự chết cho mọi người. Tuy nhiên, qua Chúa Jêsus mà có “sự sống lại của kẻ chết”. Di sản của Ađam là sự chết. Di sản của Đấng Christ là sự sống lại, quyền phép thắng hơn sự chết, âm phủ và mồ mả.
Tất nhiên, câu nầy nhấn mạnh đến nhân tính của Đấng Christ. Bạn có thể nhớ lại một trong những tà giáo xoay vòng trong thế kỷ thứ nhứt cho rằng Đấng Christ thực sự không phải là người, mà chỉ tỏ ra là người mà thôi. Sự chết đã đến từ người thứ nhứt là Ađam. Sự sống lại đến từ Người Thứ Hai, là Chúa Jêsus. Rôma 5.18-19 chép: “Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình”.
E. TRONG AĐAM MỌI NGƯỜI ĐỀU SẼ CHẾT, THÌ CŨNG MỘT LẼ ẤY, TRONG ĐẤNG CHRIST MỌI NGƯỜI ĐỀU SẼ SỐNG LẠI (câu 22).
Câu 22 chép: “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại”. Hãy chú ý hai cụm từ “mọi người” trong câu nầy. Trong Ađam, mọi người ở trên đất sẽ chết. Ngược lại, trong Đấng Christ, mọi người: cả hai được cứu và bị hư mất đều sẽ “sống lại”.
Điều nầy không dạy thuyết phổ độ (universalism), là tà giáo dạy hết thảy mọi người sẽ hoàn toàn được cứu. “Mọi” người được nhận dạng với Ađam qua cơ nghiệp thuộc thể và vì thế mỗi người đều sẽ “chết”. “Mọi” người cũng sẽ được sống lại. Những người tin Chúa sẽ được sống lại để được sự sống đời đời. Những kẻ không tin Chúa sẽ được sống lại đối mặt với Đức Chúa Trời trong sự phán xét sau cùng rồi bị ném vào hồ lửa. Chúng ta sẽ bàn về sự sống lại của kẻ bị rủa sả trong một vài phút.
Vì vậy, chúng ta thấy rằng Đấng Christ là “trái đầu mùa”, người thứ nhứt và là người tốt nhứt trong loài người sẽ được sống lại từ kẻ chết. Giờ đây, chúng ta qua phần bàn bạc những người nào sẽ được sống lại.
II. Sự sống lại của người được chuộc (câu 23).
Câu 23 chép: “nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại”. Vì vậy, chúng ta trước tiên học biết rằng sự sống lại sẽ xảy ra trong “thứ tự”.
Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời là một vì Vua đang tể trị, không phải bàn cãi chi hết. Ngài có một chương trình trọn vẹn, một biểu đồ cho muôn vật. Ngài đang làm mọi sự cho “phải phép và theo thứ tự” (14.40). Chúa Jêsus đã được sống lại trước hết. Ngài là “trái đầu mùa”. Kế đó, được sống lại là “những kẻ thuộc về Đấng Christ”. Họ sẽ sống lại trong “ngày Đấng Christ đến”.
A. TRƯỚC TIÊN LÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA NHỮNG TÍN ĐỒ.
Dưới luật gieo gặt của Cựu Ước, hoa quả đầu mùa đã được gặt hái rồi đem dâng cho thầy tế lễ, rồi kế đó nhà nông mau gặt lấy phần vụ mùa còn lại của mình. Không giống với mùa gặt ấy, có tiếng nói của con người lan rộng giữa sự sống lại của Đấng Christ và sự sống lại của những ai “thuộc về Đấng Christ”.
Kinh Thánh hứa rằng biến cố kế tiếp trên thời biểu của Đức Chúa Trời là sự sống lại của hàng tín đồ. Chúng ta không được thuật chính xác khi nào điều nầy sẽ diễn ra. Chúa Jêsus phán ở Mathiơ 24.36: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi”.
Các phân đoạn Kinh Thánh khác giúp chúng ta hiểu đôi điều về thời điểm sự sống lại của những người tin Chúa. Trong phần nghiên cứu Kinh Thánh, bạn sẽ thường nghe hay đọc về từ ngữ cất lên. Từ ngữ nầy không thấy có trong Kinh Thánh gì hết. Nó ra từ một chữ La tinh có nghĩa là “đem đi”. Phân đoạn Kinh Thánh hầu như gắn bó với sự cất lên là I Têsalônica 4.13-18: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau”.
Điều nầy rất rõ ràng. Khi Đấng Christ trở lại đón những kẻ thuộc về Ngài, Ngài sẽ “đem những kẻ đã ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài”. II Côrinhtô 5.8 dạy cho chúng ta biết rằng “lìa bỏ thân thể nầy” là “ở cùng Chúa”. Những tín đồ nào đã chết, họ để thân thể lại phía sau rồi đi thẳng vào trong sự hiện diện của Chúa. Tuy nhiên, nơi sự sống lại, thân thể của họ sẽ lại sống.
Phaolô nói ở đây “kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết”. Mồ mả sẽ mở ra. Thân thể sẽ thoát ra. Họ sẽ được thay đổi và được làm cho vinh hiển. Khi ấy, người nào đã chết trong Đấng Christ sẽ được tái hiệp với thân thể trọn vẹn của họ.
Câu 17 chép: “Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa”. Nếu biến cố nầy diễn ra trong đời sống của chúng ta, thân thể của chúng ta cũng sẽ được biến hóa và chúng ta sẽ được cất lên mà hiệp với họ.
B. THỨ HAI LÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA CÁC THÁNH ĐỒ TRONG KỲ ĐẠI NẠN.
Sách Khải huyền cung ứng hình ảnh cụ thể về thời kỳ 7 năm khủng khiếp sẽ nối theo sau sự cất lên của các thánh đồ. Ở Mathiơ 24.21, Chúa Jêsus phán: “vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa”.
Đúng ra, sự thể nầy giống như địa ngục ở trên đất vậy. Tuy nhiên, suốt trong thời gian nầy, có nhiều người, đặc biệt là người Do thái sẽ được cứu. Ở cuối kỳ đại nạn, hết thảy những ai chịu chết cho Đấng Christ sẽ được sống lại để đồng trị với Ngài.
Khải huyền 20.4-6 chép: “Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán. Kế đó, tôi thấy linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay. Các người ấy được sống và trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm. Còn những kẻ chết khác chẳng được sống cho đến khi đủ một ngàn năm. Ấy là sự sống lại thứ nhất. Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm”.
C. THỨ BA LÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA NHỮNG KẺ KHÔNG TIN CHÚA.
Những kẻ không tin Chúa sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đời đời mà chỉ hưởng sự chết đời đời, là án phạt công bình của Đức Chúa Trời dành cho tội lỗi của họ. Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 5.28-29: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán”.
Hết thảy những ai còn bị để lại là kẻ bị hư mất, kẻ bất nghĩa, những kẻ không tin Chúa. Họ sẽ được sống lại để đối diện với sự phán xét tại Ngai Trắng Lớn của Đức Chúa Trời và rồi sẽ bị bỏ vào hồ lửa đời đời. Hãy chú ý mấy câu nầy từ Khải huyền 20: “Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm” (câu 6).
“Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự Chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (các câu 11-15).
III. Sự sống lại và sự phục hồi (các câu 24-28).
A. SAU SỰ SỐNG LẠI SỰ CUỐI CÙNG SẼ ĐẾN (câu 24).
Câu 24 chép: “Kế đó, cuối cùng sẽ đến, là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực”. Cái điều Phaolô gọi là “cuối cùng” chúng ta phải nghĩ đến là thời điểm của sự phục hồi. Phaolô nói: “Kế đó, cuối cùng sẽ đến…”. Sau điều nầy, sau sự sống lại sau cùng, Chúa Jêsus “giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha”. Mọi sự sẽ được phục hồi lại theo đúng với hướng có từ lúc ban đầu. Sự chết và tội lỗi sẽ bị hủy diệt. Mọi loài thọ tạo sẽ được trọn vẹn. Quyền tể trị của Đức Chúa Trời sẽ chẳng ai chống nghịch nữa. Chúa Jêsus sẽ chuyển giao một thế giới đã được phục hồi trọn vẹn cho Đức Chúa Cha là Đấng đã sai phái Ngài. Sứ mệnh của Ngài sẽ được hoàn tất đầy đủ.
Lúc bấy giờ Chúa Jêsus cũng “phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực”. Bất cứ “đế quốc” hay “quyền cai trị” hoặc “thế lực” nào tự nó dấy lên nghịch lại quyền tể trị của Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ bị phá diệt hết.
Điều nầy sẽ được hoàn tất qua Kỷ nguyên Nước Trời hay Sự Trị Vì trong thời kỳ Thiên Hi Niên. Đấng Christ về mặt cá nhân sẽ trị vì cả đất trong một ngàn năm. Ngài sẽ trở lại nắm lấy cả đất mà Ngài đã dựng nên và đưa nó đến chỗ phải thần phục. Theo Khải huyền 20, các thánh đồ sẽ cai trị và đồng trị với Ngài.
B. ĐẤNG CHRIST SẼ CHINH PHỤC HẾT MỌI KẺ THÙ CỦA NGÀI (các câu 25-27).
Câu 25 chép: “vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chơn mình”. Trong các thời xa xưa, khi một vị vua đến chinh phục một nước hay quân đội khác, vua ấy phải đạp chân lên cổ của kẻ thù bị chinh phục, hành động nầy làm biểu tượng sự thần phục hoàn toàn của kẻ thù. Cũng một thể ấy, Đấng Christ sẽ trị vì trên đất cho tới chừng Ngài đã đặt hết mọi kẻ thù Ngài “dưới chân Ngài”.
Khải huyền 20.3 chép về Satan: “Người quăng nó xuống vực, đóng cửa vực và niêm phong lại, hầu cho nó không đi lừa dối các dân được nữa, cho đến chừng nào hạn một ngàn năm đã mãn. Sự đó đoạn, Sa-tan cũng phải được thả ra trong ít lâu”. Satan sẽ bị xiềng lại suốt Sự Trì Vì Ngàn Năm. Thậm chí hắn sẽ không được tự do dốt gạt loài người nữa, họ sẽ bị lòng họ dối gạt. Có người vẫn sẽ chống đối Đấng Christ.
Vì họ sẽ không bằng lòng thuân phục, Khải huyền 19.15 chép: “Ngài cai trị họ bằng một cây gậy sắt”. Khải huyền 20.7 chép: “Khi hạn ngàn năm mãn rồi, quỉ Sa-tan sẽ được thả”. Một lần nữa, hắn sẽ dối gạt nhiều người và lãnh đạo cuộc tấn công sau cùng vào Nước Trời. Đức Chúa Trời khi ấy sẽ ném mọi kẻ loạn nghịch vào “hồ lửa” (Khải huyền 20.7-10).
Câu 26 chép: “Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là sự chết”. Chúa Jêsus đã phá vỡ quyền lực của sự chết trên thập tự giá và ở phần cuối Thiên Hi Niên, Ngài sẽ phá diệt nó. Sự chết sẽ không còn tác động trên chúng ta nữa. Đấy là lúc sự “cuối cùng” sẽ đến. Đây là lúc Đấng Christ sẽ “giao nước lại cho Đức Chúa Cha” (câu 24). Vương Quốc sẽ đến. Nước ấy sẽ được trọn vẹn và không bị nhiễm tội lỗi nữa. Nước ấy sẽ là một thế giới trọn vẹn có người ở, họ đã được Đấng Christ làm cho trọn vẹn trên thập tự giá, họ sống trong loại thân thể đã được làm cho vinh hiển bởi sự phục sinh.
Câu 27 chép: “Vả, Đức Chúa Trời đã để muôn vật dưới chơn Ngài; mà đã nói rằng muôn vật phục Ngài, thì chắc phải trừ ra Đấng làm cho muôn vật phục Ngài”.
Nói cách khác, Đức Chúa Cha đã ban cho Chúa Jêsus uy quyền để cai trị. Chỉ có Đức Chúa Cha mới được miễn “trừ ra” từ sự trị vì của Đấng Christ.
C. CHÚA JÊSUS SẼ GIAO MỌI LOÀI THỌ TẠO LẠI CHO ĐỨC CHÚA CHA (câu 28).
Câu 28 là một trong những câu đầy quyền lực nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Câu ấy chép: “Khi muôn vật đã phục Ngài, thì bấy giờ chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự”.
Mục đích tối hậu Chúa Jêsus đã làm cho ứng nghiệm từ Sự Sa Ngã của con người là phục hồi lại sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Từ cõi quá khứ đời đời, đến lúc Ngài giáng sinh trong máng cỏ, đến đời sống trọn vẹn của Ngài, đến sự chết hy sinh của Ngài, đến sự sống lại của Ngài, đến việc Ngài mặc lấy quyền bính cho Hội Thánh, đến sự cất lên, kỳ đại nạn, sự Tái lâm, Kỷ nguyên Vương Quốc và sự hủy diệt sau cùng của Satan, Chúa Jêsus sẽ thành toàn mục đích phục hồi sự sáng tạo.
Nhiệm vụ sau cùng của Ngài sẽ là giao hết mọi sự lại cho Đức Chúa Cha. Mục đích tối hậu, ấy là “Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét