Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 15.50-58: "Sự đắc thắng của kẻ được sống lại"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Sự đắc thắng của kẻ được sống lại
I Côrinhtô 15.50-58
Một trong những thực tế của cuộc sống trên hành tinh Quả Đất, ấy là khi cái gì qua thì cho nó qua. Mọi sự sống đều đi đến một mức cuối cùng. Dù là tín đồ hay không phải là tín đồ, Cơ đốc nhân tin kính hay vô thần, Ấn độ giáo hay Hồi giáo, người Do thái hay dân Ngoại, giàu hay nghèo, đen hay trắng, sự chết đến với hết thảy chúng ta. Dù sức khỏe của bạn có mạnh mẽ hay như thế nào đi nữa, dù tốt hay xấu, dù bạn có lên cao trong sự khôn ngoan và tri thức, dù bạn có quyền lực như thế nào hay bạn kiếm được bao nhiêu ảnh hưởng, bạn vẫn phải chết. Thomas Gray đã viết: “Khoe khang về sự trang trọng, phô bày về quyền lực, mọi sự đẹp đẽ và mọi sự giàu có đều phải chờ đợi cái thì giờ không thể tránh được đó. Những con đường vinh quang đều chỉ dẫn tới mồ mả mà thôi”.
Các vận động viên có thể thống trị các trang thể thao và đòi hỏi nhiều triệu đôla chỉ để chơi một mùa giải thôi. Tuy nhiên, không bao lâu nữa thân thể của họ sẽ trở xấu đi, rồi một ngày kia họ sẽ chết giống như bất cứ ai khác. Các hình tượng Hollywood được đối xử giống như các vì thần trong xã hội của chúng ta. Thế mà sắc đẹp và sự khâm phục của họ lại mau qua. Brad Pitt, Angelina Jolie và Brittany Spears cùng nhiều người khác nữa giống như họ hết thảy đều có tiếng tăm, ảnh hưởng và tiền bạc mà bất kỳ ai cũng ham muốn, thế nhưng mỗi người và từng người một trong số họ một ngày kia sẽ chết đi.
Con người có thể dấy lên từ chỗ tối tăm đến những địa vị quyền lực lớn lao. Có thể họ là Tổng Thống và Vua Chúa, thủ trưởng về tài chính và kỹ nghệ. Tên tuổi của họ có thể nằm trên từng tạp chí. Tuy nhiên, một ngày kia cuộc sống cũng sẽ kết thúc cho họ nữa. Hỡi anh chị em yêu dấu trong Chúa, đừng ganh tỵ với hạng người nầy. Đừng ước ao bạn có thể lao động cật lực hết cuộc sống mình để được giống như họ. Khi đời nầy qua đi, sự sống của bạn mới chỉ bắt đầu mà thôi.
Hy vọng lớn lao của từng người tin Chúa, ấy là đời nầy không phải chỉ có như vậy thôi, còn có nhiều thứ nữa sẽ đến! Khi chúng ta đến với mấy câu cuối cùng trong chương phục sinh quan trọng nầy, I Côrinhtô 15, chúng ta nhớ thể nào sứ đồ Phaolô đã công bố ra lẽ thật về sự sống lại theo phần xác của Chúa Jêsus và sự phục sinh hiển nhiên của hết thảy các thánh đồ. Ông đã viết ở các câu 20-22: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại”.
Chúng ta đã kết thúc tuần vừa qua với câu 49 khi Phaolô sánh Ađam với Đấng Christ. Chúng ta đã “mang ảnh tượng của người thuộc về đất”. Giống như Ađam, giờ đây chúng ta đang sống trong loại thân thể “bằng đất” và là đối tượng cho các giới hạn của chúng. Giống như Ađam, chúng ta sẽ chết. Tuy nhiên, đối với người tin Chúa, sự chết chưa phải là cuối cùng đâu. Chúng ta “cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời”. Giống như Đấng Christ đã sống lại, cũng một thể ấy chúng ta cũng sẽ sống lại trong một thân thể phục sinh thật vinh hiển.
Phân đoạn Kinh Thánh gốc hôm nay là một bài ca vui mừng với sự lường trước vinh hiển của sự phục sinh. Phân đoạn Kinh Thánh nầy từng dòng một có cường độ rất mạnh. Thực vậy, nó đã được phổ nhạc rất nhiều lần. Những bản nhạc cổ điển như Messiah của Handel và Requiem của Brahm đã trình bày vẻ đẹp của nó. Sau 49 câu biện hộ và giải thích sự sống lại, Phaolô dựng lên một đỉnh cao của sự đắc thắng. Chúng ta hãy chia phân đoạn Kinh Thánh nầy ra làm bốn phần, sự biến đổi, đắc thắng, cảm tạ và ứng dụng thực của sự sống lại.
I. Sự biến đổi của sự sống lại (các câu 50-53).
A. SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THÂN THỂ CHÚNG TA LÀ CẦN THIẾT (câu 50).
Câu 50 chép: “Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được”. Dù loại thân thể bằng “thịt và máu” rất thích hợp thật kỳ diệu cho sự sống trên đất, chúng không thích ứng chi hết cho sự sống trên thiên đàng. Chúng “không thể hưởng được Nước của Đức Chúa Trời”. Phần lớn thời gian khi bạn đọc cụm từ “Nước của Đức Chúa Trời” trong Tân Ước, cụm từ ấy đề cập tới sự trị vì của Đức Chúa Jêsus Christ trong tấm lòng của các môn đồ Ngài. Thí dụ, khi Chúa Jêsus bị Philát tra hỏi, Ngài đã phán ở Giăng 18.36: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy”. Nước ấy chẳng phải là một nước chính trị thuộc về trần gian, mà là một lãnh vực thuộc linh.
Tuy nhiên, trong câu nầy, Kinh Thánh đề cập tới sự tể trị đời đời của Đức Chúa Trời trên một trời mới đất mới. Chúa Jêsus đã cầu nguyện với Đức Chúa Cha trong bài cầu nguyện mẫu: “Nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như ở trời” (Mathiơ 6.10). Ngay bây giờ “Nước” là thuộc linh, nhưng có một ngày sắp tới đây, khi nước ấy sẽ được tỏ ra cách đầy trọn. Chúng ta không thể bước vào “Nước của Đức Chúa Trời” với loại thân thể bằng đất, hay hư nát nầy.
Hêbơrơ 2.14 chép: “Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ”. Chúa Jêsus “cũng có phần vào đó”. Ngài đã khoác lấy một thân thể bằng “thịt và máu” để Ngài chịu chết rồi vì cớ tội lỗi chúng ta, Ngài sống lại và hoàn toàn “bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết”. Chính thân thể của Chúa Jêsus đã được biến đổi khi Ngài sống lại từ kẻ chết.
Ngay bây giờ, thân thể của chúng ta đang đối diện với “sự hư nát”. Một số bản Kinh Thánh dịch từ nầy là “hay hư mất”. Thân thể của chúng ta suy yếu dần, sa sút với tuổi tác, chết đi rồi trở lại với bụi đất. Một thân thể bị hạn chế như thế không thể sống đời đời ở trên trời được. Nó phải được thay đổi. Hãy xem lại các câu 42-44: “Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng”.
Thân thể của chúng ta giống như một hột giống vậy. Khi chúng ta chết, chúng ta đã được gieo xuống đất. Thế rồi một thân thể mới sẽ mọc lên từ thân thể cũ đó. Sự sống sẽ y nguyên nhưng thân thể hoàn toàn khác đi rồi. Chúa Jêsus đã sử dụng cùng một hình ảnh nầy ở Giăng 12.24: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều”.
B. SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THÂN THỂ CHÚNG TA VÀ NHỮNG NGƯỜI CÒN ĐANG SỐNG LÚC CHÚA TÁI LÂM (câu 51).
Câu 51 chép: “Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa”. Từ ngữ “mầu nhiệm” trong Tân Ước không có ý nói tới điều chi khó hiểu không giải thích được, thay vì thế là phần thông tin đã bị kín giấu trong quá khứ song giờ đây đã được tỏ ra rồi. Trong kỷ nguyên Cựu Ước, dân sự của Đức Chúa Trời vốn hiểu rõ sẽ có một sự sống lại lúc sau cùng. Ngay cả Gióp, về niên đại là một trong những sách xưa cũ nhất trong Kinh Thánh, ông nói ở 19.26: “Sau khi da tôi, tức xác thịt nầy, đã bị tan nát, bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, giờ đây trong Tân Ước, sau sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ, sự khải thị mới đã đến. Một số tín đồ vẫn sẽ sống ngay lúc có sự sống lại rất lớn. Sự “mầu nhiệm” là: “Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa”.
Mặc dù các giáo sư dạy Kinh Thánh thường bất đồng ở chỗ lúc nào biến cố nầy sẽ diễn ra, chúng ta phải đồng ý rằng khi Chúa tái lâm để đón rước dân sự của Ngài, một số tín đồ vẫn hãy còn sống. Họ sẽ không chết, nhưng sẽ được biến hóa ngay lập tức. Chúng ta gọi điều nầy là sự cất lên từ một chữ Latinh có ý nói “đem đi”. Phân đoạn Kinh Thánh chính mô tả điều nầy là I Têsalônica 4.13-18: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau”.
Đại đa số các thánh đồ đều phải “ngủ”. Đây là một hình bóng theo Kinh Thánh về sự chết. Hình bóng nầy không đề cập tới linh hồn ngủ vì II Côrinhtô 5.8 cho chúng ta biết rằng “lìa bỏ thân thể” là được “ở cùng Chúa”. Cũng vậy, hết thảy những người tin Chúa nào đã chết giờ đây đang ở trên thiên đàng. Nơi sự cất lên: “Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài”. Thân thể của họ sẽ được sống lại và họ một lần nửa sẽ ở trong chúng. Thực thế, “chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại… thì không lên trước những người đã ngủ rồi”, vì “những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết”. Khi ấy, người nào hãy còn sống lúc Chúa tái lâm “sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa”. Vì thế, hết thảy chúng ta sẽ không “ngủ” hay chết mà “hết thảy đều sẽ biến hóa”. Đối với người nào hãy còn sống, thân thể của họ sẽ được biến đổi khi họ được “cất lên” để gặp Chúa.
Kinh Thánh cho chúng ta biết về hai người chưa hề đối diện với sự chết, Hê-nóc và Ê-li. Cả hai người nầy đều được cất lên với Chúa và điều nầy làm hình bóng trước cho sự cất lên. Mặc dù chúng ta không được cấp cho nhiều thông tin, chúng ta biết loại thân thể của họ đã được biến hóa rồi. Phaolô đã viết ở Philíp 3.20-21: “Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật”.
C. SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THÂN THỂ CHÚNG TA SẼ LÀ NGAY TỨC KHẮC (câu 52a).
Phaolô nói ở câu 52a rằng chúng ta sẽ được biến hóa: “trong giây phút, trong nháy mắt”. Từ ngữ Hy lạp ở đàng sau “giây phút” là atomos từ đó chúng ta mới có chữ “atom” (nguyên tử). Từ nầy đề cập tới số lượng nhỏ nhất có thể tưởng tượng được, sát nghĩa “không thể phân chia được nữa”, một vật nhỏ đến nỗi không thể phân chia được nữa. Kẻ chết sẽ được sống lại và những tín đồ còn sống được cất lên mau đến nỗi thời gian không thể tính được.
Phaolô nói thêm rằng sự biến đổi thân thể của chúng ta sẽ diễn ra “trong nháy mắt”. Bạn có bao giờ nghe nói về một thị trấn nhỏ đến nỗi nếu bạn nháy mắt bạn sẽ lạc nó? Đấy là ý tưởng ở đây. Sự biến đổi sẽ diễn ra nhanh đến nỗi nếu bạn nháy mắt, bạn sẽ lạc nó ngay.
D. SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THÂN THỂ CHÚNG TA VÀ TIẾNG KÈN CHÓT (câu 52b).
Phaolô nói chúng ta sẽ được biến hóa “lúc tiếng kèn chót” và nói tiếp: “vì kèn sẽ thổi”. “Kèn” nầy là kèn gì và khi nào thì nó sẽ thổi lên? Kèn rất quan trọng trong lịch sử dân Do thái. Thường thì chúng được làm bằng sừng cừu đực và được sử dụng như những ám hiệu. Một tiếng kèn thổi lên báo hiệu năm hân hỉ (Lêvi ký 25.9). Có Lễ thổi kèn để kỷ niệm năm mới và sửa soạn cho Ngày Chuộc Tội. Kèn cũng rất là quan trọng trong các biến cố thuộc tương lai. Trong sách Khải huyền, có một loạt những sự phán xét giáng trên đất và mỗi sự phán xét đều được thiên sứ loan báo bằng cách trổi kèn lên.
Một số giáo sư dạy Kinh Thánh kết cụm từ Phaolô nói ở đây “tiếng kèn chót” với sự phán xét sau cùng trong những lần phán xét nầy là bằng chứng cho một sự cất lên sau kỳ đại nạn. Nhiều người khác với một quan điểm trước kỳ đại nạn nói rằng tiếng kèn nầy thổi lên đánh dấu sự cuối cùng của kỷ nguyên Hội Thánh. Hãy nhớ, I Têsalônica 4.16 chép: “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết”. Bất cứ khi nào điều nầy diễn ra, “tiếng kèn của Đức Chúa Trời” giống như những tiếng kèn xưa của Israel sẽ kêu gọi dân sự Ngài sau cùng hãy nhóm lại với nhau.
Một vị Tuyên Úy quân đội trong cuộc Nội Chiến đã viết về việc nhìn thấy một loạt các binh sĩ nằm bẹp xuống đất trong một cánh đồng rộng một tối mùa đông mà chẳng có túp lều nào. Suốt đêm, tuyết rơi dày từ một đến hai inch và bao phủ họ dưới những chiếc mền hầu cho họ giống như những nấm mộ đắp bằng đất vậy. Khi có hiệu lệnh gióng lên vào sáng hôm sau, hết thảy họ đều chổi dậy từ bên dưới những chiếc mền và vị tuyên úy nói, sự thể nhắc cho ông nhớ tới phân đoạn Kinh Thánh nầy và sự phục sinh quan trọng.
E. SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THÂN THỂ CHÚNG TA SẼ LÀ TUYỆT ĐỐI (các câu 52c-53).
Sau cùng, câu 52 chép: “kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa”. Câu 53 chép: “Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết”. Điều nầy đưa chúng ta trở lại với chỗ chúng ta bắt đầu ở câu 50: “thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được”. Để được thích ứng trên thiên đàng, linh hồn chúng ta không những cần phải được biến đổi, mà thân thể của chúng ta cũng cần nữa. Thân thể của kẻ chết sẽ được “sống lại không hay hư nát” và khi ấy người nào còn đang sống sẽ được cất lên nhưng “hết thảy đều sẽ biến hóa”. Loại thân thể hay chết, hay hư nát nầy sẽ được biến đổi thành loại thân thể bất tử, không hay hư nát nữa.
Mọi lịch sử cứu chuộc đang chuyển hướng vào giây phút đó. Rôma 8.28-30 chép: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em; còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng ĐÃ LÀM CHO VINH HIỂN”.
Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 14.3: “Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó”. Khi Chúa Jêsus thăng thiên về trời, thiên sứ phán cùng các môn đồ ở Công Vụ các Sứ đồ 1.11: “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy”. Phaolô đã viết ở Tít 2.13, là các môn đồ chúng ta “đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ”.
II. Sự đắc thắng của sự sống lại (các câu 54-56).
A. SỰ SỐNG LẠI SẼ CẤT BỎ QUYỀN LỰC CỦA SỰ CHẾT (câu 54a).
Câu 54 chép: “Khi nào thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát, thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết, thì được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng”. Công tác cứu chuộc của Đấng Christ nơi sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài đã phá vỡ quyền lực của sự chết đang nắm giữ chúng ta.
Rôma 6.9 chép: “…Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài”. Chúng ta không còn sợ hãi sự chết nữa vì Chúa Jêsus đã đạt tới mức độ Ngài có thể “phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ” (Hêbơrơ 2.14). Là tín đồ, chúng ta không sợ hãi sự chết. Chúng ta không thúc giục nó vì nó đem lại sự hư nát, sự cô đơn và đau buồn. Tuy nhiên, chúng ta vui mừng khi có một tín đồ qua đời, người ấy đang ở cùng Chúa và một ngày kia thân thể của người sẽ được sống lại.
B. SỰ SỐNG LẠI SẼ LÀM ỨNG NGHIỆM LỜI TIÊN TRI (các câu 54b-56).
Vào ngày đó, cái ngày “long trọng, đáng phải dậy sớm” theo như các nhà truyền đạo xưa gọi nó, vào cái ngày “thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát” và khi “thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết” thì sẽ có sự đắc thắng sau cùng. Đây là sự ứng nghiệm sau cùng của các sách tiên tri. Cụm từ của Phaolô ở câu 54b: “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng” trích từ Êsai 25.8: “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt, và trừ bỏ sự xấu hổ của dân Ngài khỏi cả thế gian; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy”.
Trưng dẫn từ Ôsê 13.14, Phaolô hỏi ở câu 55: “Hỡi sự chết, nào tai vạ mầy ở đâu?” Ông sử dụng hình bóng của con ong đã để lại cái nọc của nó nơi Đấng Christ và chẳng còn làm hại chúng ta nữa. Đấng Christ đã chịu lấy cái “nọc” sự chết vì chúng ta. Ông cũng hỏi: “Hỡi âm phủ, nào sự hủy hoại mầy ở đâu?” Âm phủ hay địa ngục chẳng có sự “thắng” nào trên chúng ta vì sự chết đã qua rồi. Sự chết đến như một kết quả của tội lỗi. Vì tội lỗi đã bị cất đi, sự chết đã bị dời đi theo. Chúng ta sẽ sống cho đến đời đời trong loại thân thể vinh hiển vì chúng sẽ được buông tha khỏi tội lỗi.
Thêm nữa, Phaolô giải thích ở câu 15.56: “Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp”. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn còn xử lý với sự chết. Hết thảy chúng ta đều đã phá vỡ Luật pháp của Đức Chúa Trời. Hết thảy chúng ta đều đã phạm tội. Hết thảy chúng ta sẽ chết mất. Sự thắng, ấy là cái “nọc sự chết” đã bị Đấng Christ cất bỏ rồi. Mồ mả không thể giữ chúng ta cho đến đời đời. Rôma 5.17 chép: “Vả, nếu bởi tội một người mà sự chết đã cai trị bởi một người ấy, thì huống chi những kẻ nhận ân điển và sự ban cho của sự công bình cách dư dật, họ sẽ nhờ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà cai trị trong sự sống là dường nào!”
Thực tế là chúng ta vẫn còn phạm tội. Chúng ta vẫn còn sống trong loại thân thể xác thịt sa ngã, yêu mến tội lỗi. Tuy nhiên, về địa vị, vì chúng ta đang ở “trong Đấng Christ” chúng ta không bị xem là hạng tội nhân nữa, mà được xem là thánh đồ. Dù chúng ta vẫn đang phấn đấu với tội lỗi, I Giăng 1.7 chép: “…huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta”.
III. Sự cảm tạ của kẻ được sống lại (câu 57).
Câu 57 chép: “Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta”. Thực sự, chúng ta có “sự thắng” qua Đấng Christ. Nếu đội của bạn đoạt giải Superbowl, bạn vui mừng vì họ đã đoạt được chiến thắng cho bạn. Theo một ý nghĩa sâu rộng hơn, Đấng Christ đã đạt được chiến thắng tối hậu cho chúng ta và chúng ta vui mừng với sự cảm tạ lớn lao. Chúa Jêsus đã trở nên một người và đã làm ứng nghiệm trọn vẹn từng khía cạnh trong Luật pháp của Đức Chúa Trời, một việc mà chẳng có ai khác làm được. Vì lẽ đó, Ngài là nhân vật vô tội rất trọn vẹn. Ngài là Chiên Con không vít và là Chiên Con, Ngài trở thành của lễ tối hậu và trọn vẹn vì tội lỗi của chúng ta. Qua sự chết thay thế của Ngài, Ngài đã dời đi sự rủa sả của sự chết cho hết thảy những người nào tin bằng cách mang lấy cái “nọc” của nó. Vì cớ Chúa Jêsus, chúng ta có thể hô lên với Phaolô “tạ ơn Đức Chúa Trời”. Cho phép tôi cung ứng cho bạn vài lý do mà chúng ta có thể cảm tạ Đức Chúa Trời vì cớ sự sống lại.
A. THỨ NHỨT, TÌNH TRẠNG ĐỜI ĐỜI CỦA CHÚNG TA LÀ CHẮC CHẮN.
Bài thánh ca xưa chép: “Chúa Jêsus đã trả mọi giá”. Đấy là sự thực. Tôi không phải làm việc, hy vọng và cầu nguyện để tôi tốt đủ mà vào được thiên đàng. Tôi không thể tốt như thế được. Tuy nhiên, Đấng Christ rất trọn vẹn cho tôi. Ngài đã gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì tội lỗi của tôi. Ngài đã trả một món nợ mà Ngài không mắc và tôi đã mắc một món nợ mà tôi không thể trả nổi. Ngài mua lấy ơn cứu rỗi đời đời của tôi và ban ơn ấy cho tôi như một món quà. Rôma 6.23 chép: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta”.
B. THỨ HAI, ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA LÀ CHẮC CHẮN.
Bất luận điều chi xảy ra trong đời nầy, vô luận những cơn gió dữ nào thổi tới, đức tin của chúng ta được xây dựng trên vầng đá tảng Đấng Christ. Hòn Đá Vững Chắc nắm giữ chúng ta qua bao nghịch cảnh. Chúng ta biết rõ dầu chúng ta gặp nghịch cảnh trong đời nầy, chúng ta có thể mang chịu nó với sự nhận biết một đời sống tốt hơn đang chờ đợi chúng ta.
C. THỨ BA, SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚNG TA SẼ LÀ MỘT SỰ HỘI HIỆP.
Khi chúng ta sống lại bất tử và không hay hư nát, chúng ta sẽ cùng nhau hiệp với chính mình Chúa. Chúng ta sẽ gặp được Ngài và được làm nên giống như Ngài! Còn nữa, chúng ta sẽ cùng nhau hiệp với các thánh đồ trong mọi thời đại. Đúng là một sự hội hiệp!
D. THỨ TƯ, SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚNG TA SẼ TRỞ THÀNH SỰ VINH HIỂN.
Những gì thế gian đánh giá nhỏ bé trong ngày ấy sẽ được ban thưởng. Sự thương khó, sự sĩ nhục và sự hầu việc của chúng ta dành cho Đấng Christ khi ấy sẽ có giá trị lớn lắm.
IV. Ứng dụng thực của sự sống lại (câu 58).
Câu 58 chép: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”. Tôi sẽ dành tuần tới rao giảng nguyên sứ điệp từ câu Kinh Thánh nầy. Nó ràng buộc mọi sự trong 57 câu đứng trước nó. Phaolô nói: “Vậy” hay căn cứ vào những lẽ thật không thể chối bỏ được nói tới sự sống lại mà ông đã giải thích tường tận như thế, đây là phương thức chúng ta cần phải sống theo và đưa vào ứng dụng trong đời sống của chúng ta.
A. CHÚNG TA PHẢI VỮNG VÀNG CHỚ RÚNG ĐỘNG.
Cả hai: “vững vàng” và “chớ rúng động” mang ý tưởng của việc “ngồi thật chắc”. Chúng ta cần phép neo vào vầng đá tảng Đấng Christ. Một người đã đóng ngoặc đơn câu nầy như sau: “Chúng ta phải nắm thật chắc tình cảm, phải vững vàng, không biến đổi, không chập choạng và phân tâm, không được ngã lòng”.
Có những lúc chúng ta đã nãn lòng lắm. Hết thảy chúng ta đều đánh trận với những lời nói dối, thử thách, sợ hãi và nghi ngờ. Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý lời cảnh báo của Phaolô ở Êphêsô 4.14 phải: “…không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc”.
Làm sao chúng ta sống được như thế? Chúng ta có thể “vững vàng” và “chớ rúng động” bằng cách tấn tới về mặt thuộc linh. Chúng ta phải chuyển từ tình trạng con trẻ thuộc linh sang sự trưởng thành thuộc linh. Rôma 12.2 chép: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. “Vậy”, vì bạn biết sẽ có sự sống lại và sự sống ở bên kia đời nầy, hãy cởi bỏ những việc nào đang ngăn trở bạn và hãy làm đầy lý trí mình với những vụ việc của Đức Chúa Trời. Hêbơrơ 12.1-2 chép: “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”.
B. CHÚNG TA CẦN PHẢI LUÔN LUÔN DƯ DẬT LUÔN TRONG CÔNG VIỆC CỦA CHÚA.
“Dư dật” mang ý tưởng của “tràn đầy”. Thí dụ, Êphêsô 1.7-8 nói tới “…Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng…”. Đức Chúa Trời chẳng nợ gì chúng ta, nhưng Ngài đã ban cho chúng ta mọi sự lên tới mức tràn đầy. Vì lẽ đó, chúng ta phải dư dật “trong công việc Chúa”. Chúng ta đáng phải nung nấu trong sự hầu việc Ngài. Buồn thay, có nhiều Cơ đốc nhân lại có ý tưởng cho rằng họ đã làm phần của họ nếu họ đi nhà thờ đều đặn, bố thí của dâng của họ và phục vụ ở một chỗ thật nhỏ bé. Ngài đã ban mọi sự cho chúng ta, lẽ nào chúng ta lại dâng cho Ngài quá ít ỏi? Mỗi ngày trong đời sống, chúng ta nên tìm cách có mặt trong sự phục vụ Chúa.
C. CHÚNG TA CẦN PHẢI BIẾT RẰNG CÔNG KHÓ CỦA CHÚNG TA CHẲNG PHẢI LÀ VÔ ÍCH ĐÂU!
Hỡi Hội Thánh, đôi khi tôi đâm ngã lòng. Có lúc tôi lấy làm lạ không biết mình có hoàn tất được điều gì chưa!?! Vào những lúc đó, tôi phải nhớ tới câu nầy. Tôi cũng nghĩ đến Galati 6.9: “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt”. Dù chúng ta không nhìn thấy những kết quả trong lúc bây giờ, chúng ta phải nhớ rằng mùa gặt đang ở phần cuối cùng của thời đại. Chúa Jêsus đã phán ở Khải huyền 22.12: “Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét