Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 9.1-14: "Sự tiếp trợ của Mục sư"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Sự tiếp trợ của Mục sư
I Côrinhtô 9.1-14
Đây là một trong những phân đoạn Kinh Thánh mà tôi không muốn giảng. Nghe phân đoạn nầy giống như là “tự dọn” (self-serving) vậy. Sẽ là tự dọn nếu tôi chọn phân đoạn Kinh Thánh nầy từ khoảng không mong manh kia. Tuy nhiên, trong Hội Thánh nầy chúng ta đã tận tụy với “toàn thể mưu luận của Đức Chúa Trời” do học biết từ câu nầy đến câu khác. Vì vậy chúng ta phải xử lý với phân đoạn Kinh Thánh nầy và tôi hy vọng bạn hiểu tôi tiếp cận với phân đoạn nầy bằng sự khiêm tốn.
Tôi nghĩ chúng ta có thể phân các thuộc viên trong Hội Thánh ra làm một trong hai loại.
Loại thuộc viên thứ nhứt trong Hội Thánh nghĩ Mục sư có việc làm dễ dàng nhất ở trên đất. Họ cho rằng ông ấy chỉ làm việc có hai ngày trong tuần lễ. Ông ấy giảng vào những ngày Chúa nhựt và Thứ Tư còn phần còn lại trong tuần ông ấy có thể làm bất cứ điều chi ông ấy muốn làm. Ông ấy không đi làm sớm hay ở lại muộn. Ở giữa môn golf, săn bắn, và câu cá ông ấy thỉnh thoảng đến tham quan bịnh viện, làm lễ cưới và lo đám tang, vì cớ đó mà ông ấy nhận lãnh sự bù đắp khá cao.
Loại thuộc viên thứ hai trong Hội Thánh nghĩ Mục sư có công việc khó khăn nhất ở trên đất. Họ biết ông ấy không làm việc chỉ có hai ngày một tuần mà phải gọi là 24-7. Họ biết những giờ phút lâu dài nghiên cứu miệt mài để sửa soạn cho một vài phút rao giảng. Họ hiểu công việc khó nhọc khi lo trưởng dưỡng cho bầy chiên, tư vấn, thăm viếng, giám sát và trách nhiệm rất cao ở trước mặt Đức Chúa Trời trong việc giảng dạy, đào tạo và chăm sóc dân sự của Ngài.
Cách thức một người nhận định vai trò của Mục sư quyết định phương thức người ấy xem xét sự bù đắp của Mục sư và tất cả các nhân sự trong Hội Thánh. Nếu bạn xem công tác của Mục sư là dễ dàng và nhẹ nhàng, nhận định của bạn phải là Mục sư không nên được cung lương quá nhiều vì ông ấy chẳng có lao động nhiều. Mặt khác, nếu bạn nhận định công tác của Mục sư là một trong việc làm khó khăn nhất, bạn tin rằng ông ấy nhận lãnh bất cứ sự bù đắp nào mà ông ấy có được. Cho phép tôi nói từ lúc bắt đầu rằng tôi rất, rất cảm ơn sự quan tâm và chăm sóc của Hội Thánh Cornerstone cho mọi nhu cần của gia đình tôi. Thành thực mà nói, tôi đang giảng từ câu nầy đến câu Kinh Thánh khác, chớ không ba hoa để được nổi bật đâu!
Khi chúng ta tiếp cận chương thứ chín nầy, chúng ta nhớ lại rằng Phaolô đã bàn qua “những vùng xám” mà Lời Đức Chúa Trời đặc biệt không nói tới. Phaolô chỉ ra vấn đề rất đặc biệt về thịt được đem cúng cho hình tượng trong chương tám. Ông đưa ra nguyên tắc phải tỉnh thức chớ “lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối” (câu 11). Ở câu 13, ông đưa ra phần ứng dụng cá nhân cho nguyên tắc nầy: “Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi”. Sự tự do Cơ đốc phải luôn luôn bị hạn chế bởi tình yêu thương dành cho tha nhân.
Ở chương chín, Phaolô áp dụng nguyên tắc nầy cho việc nhận lãnh sự ủng hộ về tài chính từ Hội Thánh Côrinhtô. Ở các câu 1-14, ông tóm tắt tại sao ông hay bất cứ cấp lãnh đạo nào trong Hội Thánh nên nhận lấy sự ủng hộ từ Hội Thánh. Ở các câu 15-18, ông giải thích tại sao ông từ chối sự ủng hộ đó.
Từ phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta sẽ bàn qua 6 lý do tại sao quí Mục sư và các nhân sự khác trong Hội Thánh đáng phải được ủng hộ về tài chính bởi dân sự của Đức Chúa Trời. Tôi không giảng bài nầy vì lợi ích của tôi đâu, nhưng để giúp thiết lập chắc chắn nguyên tắc nầy vào sinh hoạt của Hội Thánh chúng ta cho những ai sẽ đến sau chúng ta nữa.
I. Mục sư đáng được ủng hộ vì địa vị của ông ấy (các câu 1-6).
A. ĐÔI KHI CÁC HỘI THÁNH THẤT BẠI KHÔNG ỦNG HỘ THÍCH ĐÁNG QUÍ MỤC SƯ CỦA HỌ.
Một số Hội Thánh có triết lý: “Lạy Chúa, chúng con cứ giữ vị Mục sư của chúng con trong nghèo nàn, còn Ngài cứ giữ cho ông ấy luôn biết hạ mình”. Sự họ ngược đãi vị Mục sư của mình bằng cách không xem trọng sự kêu gọi của quí Mục sư từ Đức Chúa Trời. Họ cung lương cho Mục sư ít tiền bạc hơn là họ có thể cung cấp. Đôi khi họ đòi hỏi Mục sư phải sống trong những tư thất để Mục sư không thể đưa ra yêu sách hầu có được như nhà riêng của mình. Đôi khi quí Mục sư đã góp phần vào tình huống nầy bằng cách không trở thành những người chăn bầy trung tín và thất bại không dạy dỗ “toàn thể mưu luận của Đức Chúa Trời”.
I Timôthê 5.17 chép: “Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ”. “Các trưởng lão” đặc biệt là những người dâng nhiều thì giờ của họ để lãnh đạo Hội Thánh và “chịu chức rao giảng và dạy dỗ” cần phải được “kính trọng” hay “kính trọng bội phần”. Một vị Mục sư làm việc khó nhọc không thể nhận “tiền công gấp bằng hai” nhưng dân sự của người phải đối xử với người theo như người đáng được và tìm cách làm điều tốt nhứt cho người.
B. PHAOLÔ LIỆT KÊ RA BỐN ĐỨC TÍNH CHO CHỨC VỤ CỦA ÔNG (câu 1).
Ở câu 1, ông hỏi: “Tôi chẳng được tự do sao? Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi há chẳng từng thấy Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta sao? Anh em há chẳng phải là công việc tôi trong Chúa sao?” Với bốn câu hỏi nầy, chúng ta thấy rõ bốn đức tính. Thứ nhứt, Phaolô là một “sứ đồ”. Theo ý nghĩa nầy, sứ đồ là sứ giả đặc biệt của Chúa trong kỷ nguyên Tân Ước. Êphêsô 2.20 nói Hội Thánh được “dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri…”. Đúng ra, sứ đồ là một người đã được Đức Chúa Jêsus Christ dạy dỗ và đã được Chúa ủy thác theo cách riêng. Phaolô đã không hãnh diện với tước hiệu nầy theo cách kiêu căng. Ông không sử dụng tước hiệu ấy khi không cần thiết. Mà đúng hơn, ông rất khiêm nhường bởi tước hiệu đó. Ông viết ở 15.9: “Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời”.
Thứ hai, Phaolô sống rất “tự do”. Ông hỏi: “Tôi chẳng được tự do sao?” Sự tự do Cơ đốc vốn rất quan trọng đối với Hội Thánh Côrinhtô. Chúng ta đã tiếp thu vào tuần qua rằng họ đã chia rẽ vì cách sử dụng quyền tự do đó. Phaolô nhắc cho họ nhớ rằng ông cũng sống tự do nữa. Ông tự do đòi hỏi họ ủng hộ ông theo cách xứng đáng để ông có thể phục vụ có hiệu quả.
Thứ ba, Phaolô nhắc cho họ nhớ rằng ông đã từng “thấy Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa chúng ta”. Đây là một phần trong tư cách của ông ở vai trò một vị sứ đồ. Mặc dù Phaolô không có mặt giữa vòng 12 sứ đồ nguyên thủy, ông đã chứng kiến Chúa phục sinh ít nhất là trong ba trường hợp: trên con đường đến thành Đa-mách (Công vụ Các Sứ đồ 9.4-5); khi ông đến thành Côrinhtô lần đầu tiên (Công vụ Các Sứ đồ 18.9-10) và khi ông bị người Do thái bỏ tù tại thành Jerusalem (Công vụ Các Sứ đồ 22.17-18). Nhiều giáo sư dạy Kinh Thánh tin rằng Phaolô đã được Đấng Christ dạy dỗ theo cách riêng trong suốt thời gian ông ở trong xứ Arabia đã được nhắc tới ở Galati 1.17. Tuy nhiên, sứ mệnh cá nhân của ông là do Chúa Jêsus ban uy quyền cho ông.
Thứ tư, họ là “công việc của ông trong Chúa”. Ở một thời điểm khó khăn trong đời sống ông, ông đã đến tại thành phố của họ, truyền đạo cho họ, khởi sự Hội Thánh, dạy dỗ họ trong nhiều tháng trời và thiết lập chắc chắn chức vụ của họ. Phần nhiều người trong số họ đã được cứu và được môn đồ hoá bởi chức vụ của cá nhân ông. Họ là con cái của ông ở trong Chúa. Ông nói ở 4.15: “Bởi chưng, dẫu anh em có một vạn thầy giáo trong Đấng Christ, nhưng chẳng có nhiều cha; vì tôi đã dùng Tin Lành mà sanh anh em ra trong Đức Chúa Jêsus Christ”.
C. NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA PHAOLÔ CHO PHÉP ÔNG NHẬN LẤY SỰ ỦNG HỘ VỀ TÀI CHÍNH (câu 2).
Ông viết ở câu 2: “Nếu tôi không phải là sứ đồ cho kẻ khác, ít nữa cũng là sứ đồ cho anh em; vì chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa”. Phaolô là một vị sứ đồ cho nhiều “kẻ khác”. Phần nghiên cứu mới đây về đời sống của ông trong sách Công vụ Các Sứ đồ dạy cho chúng ta biết rằng ông đã sáng lập nhiều Hội Thánh, cá nhân ông đã dẫn dắt nhiều người đến với Đấng Christ và đã dạy dỗ họ. Thậm chí ngày nay chức vụ sứ đồ của Phaolô chúc phước cho đời sống của chúng ta qua các thư tín của ông trong Tân Ước.
Dầu vậy, nếu Phaolô không phải là “sứ đồ cho kẻ khác” thì “ít nữa” ông cũng là sứ đồ cho người thành Côrinhtô. Nếu Hội Thánh nào có thể khẳng định Phaolô, thì đó là Hội Thánh thành Côrinhtô. Ông đã dành nhiều thì giờ với họ hơn bất cứ một Hội Thánh nào khác được nhắc tới trong sách Công vụ Các Sứ đồ. Công vụ Các Sứ đồ 18.11 chép: “Phao-lô ở lại đó một năm sáu tháng, dạy đạo Đức Chúa Trời trong đám họ”. Sau sự cố trước toà án, câu 18 chép: “Phao-lô ở lại thành Cô-rinh-tô ít lâu nữa”. Vì thế, ông đã có nhiều thì giờ và nổ lực được đầu tư vào Hội Thánh nầy.
Ông nói họ là “ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa”. Một ấn tín đề cập tới thẩm quyền. Trong thời buổi xa xưa, một bức thư riêng đã được đóng ấn bằng sáp và con dấu riêng thay cho chữ ký. Các sách Tin Lành cho chúng ta biết rằng nhà cầm quyền đã ra lịnh mộ của Chúa Jêsus phải bị đóng ấn và lính canh có vũ trang đứng gác. Ngày nay có Con Dấu xác nhận cho chúng ta biết rằng một sản phẩm đã thoả mãn những tiêu chuẩn nhất định. Hội Thánh Côrinhtô đã xác nhận thẩm quyền chức vụ của Phaolô.
D. SỰ BIỆN HỘ CỦA PHAOLÔ ĐÃ ĐƯỢC THIẾT LẬP BỞI MỘT LOẠT NHỮNG CÂU HỎI KHÓ (các câu 3-6).
Ông nói ở các câu 3-4: “Ấy là lẽ binh vực của tôi đối với kẻ kiện cáo mình. Chúng tôi há không có phép ăn uống sao?” Họ vốn quan tâm với thịt được đem cúng cho hình tượng, nhưng chẳng phụ giúp cung cấp thịt cho người nào hướng dẫn họ về mặt thuộc linh. Ít nhất là ông đã trông mong họ phải chu cấp đồ ăn cho ông, một trong những nhu cần cơ bản của cuộc sống. Galati 6.6 chép: “Kẻ nào mà người ta dạy đạo cho, phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó”.
Thứ hai, Phaolô hỏi trong câu 5: “Há không có phép dắt một người chị em làm vợ đi khắp nơi với chúng tôi như các sứ đồ khác cùng các anh em Chúa và Sê-pha đã làm, hay sao?” Mặc dù Phaolô có lẽ là chưa lập gia đình, ông đã có quyền kết hôn và “đắt một người chị em làm vợ” đi khắp nơi với mình. Tuy nhiên, họ không ủng hộ ông đủ cho điều kiện có một người vợ! Tôi nghĩ câu nầy có ý nói một vị Mục sư cần phải được cung lương đủ để vợ ông không phải làm việc mà cùng dự phần với ông trong chức vụ.
Thứ ba, với sự mỉa mai rõ ràng, ông hỏi trong câu 6: “Hay là chỉ một tôi với Ba-na-ba không có phép được khỏi làm việc?” Phaolô hỏi nếu những lợi ích trong chức vụ chỉ dành cho các vị sứ đồ và mục sư khác mà không dành cho ông và Banaba theo cách đặc biệt giống như chỉ có họ mới có “quyền được khỏi làm việc”. Vì vậy, người thành Côrinhtô cần phải giúp đỡ cho Phaolô vì địa vị của ông là cấp lãnh đạo thuộc linh của họ giống như Hội Thánh ngày hôm nay phải giúp đỡ cho vị Mục sư vì cớ địa vị của ông ấy.
II. Mục sư phải được giúp đỡ vì các thói tục của xã hội (câu 7).
Phaolô đưa ra ba minh hoạ ở câu 7 về thói tục của xã hội: “Vậy thì có ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái? Hay là có ai chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình?” Trước tiên, không một NGƯỜI LÍNH nào “ăn lương nhà mà đi đánh giặc”. Những người lính không trang bị cho những chiếc xe tăng và máy bay chiến đấu của họ. Chúng ta sẽ có lực lượng vũ trang như thế nào nếu tất cả các lực lượng vũ trang của chúng ta phải làm những việc tính theo giờ để lo liệu cho bản thân và cho gia đình của họ chứ?
Thứ hai, không một người NÔNG DÂN nào “trồng vườn nho mà không ăn trái”. Vào thế kỷ đầu tiên, có nhiều người thường “xâm canh” hay thuê đất để trồng những vườn nho. Cả hai: nông dân và chủ dất sẽ chia nhau mùa màng. Không một người nào trồng một vườn nho mà không trông mong hưởng được những quả nho đã đốc ra đó. Thứ ba, không một NGƯỜI CHĂN nào “chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình”. Người ấy sẽ nhận lãnh mọi lợi ích của công việc mình.
Tất nhiên, có nhiều trường hợp hiện đại về nguyên tắc nầy đấy. Mọi người làm việc đều phải có lương bổng. Gã thiếu niên kia cắt một bãi cỏ phải được người chủ nhà trả tiền công cho. Cô thiếu nữ làm việc tại siêu thị phải được siêu thị cung lương cho. Người lính cứu hoả phục vụ cho thành phố phải được thành phố ứng lương cho. Viên kế toán phục vụ cho công ty phải được công ty trả lương. Và cũng một thể ấy, thật là thích đáng khi vị Mục sư phục vụ Hội Thánh phải được Hội Thánh cung lương cho.
III. Mục sư phải được giúp đỡ vì cớ luật pháp của Đức Chúa Trời (các câu 8-11).
Hãy chú ý câu 8: “Tôi nói vậy, nào phải chỉ theo thói người ta quen nói đâu? Luật pháp há chẳng nói như vậy sao?” Nói cách khác, Phaolô không đưa ra ý kiến theo con người đâu. Mà thay vì thế, ông đang trình bày một nguyên tắc theo Kinh Thánh có trong cả Cựu và Tân Ước. Ngay cả “luật pháp” cũng nói y “như vậy”.
Câu 9 chép: “Vì chưng có chép trong luật pháp Môi-se rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa” Đây là một trưng dẫn từ Phục truyền luật lệ ký 25.4. “Luật pháp Môise” vốn có lập điều khoản thậm chí cho loài bò nữa. Khi một con bò đang đạp lúa trên sân, người ta không nên khớp miệng nó mà phải để cho nó được tự do ăn thóc lúa như là tiền công của nó vậy.
Phaolô hỏi: “Há phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao?” Câu trả lời cho câu hỏi thật hoa mỹ nầy là: “Không”. Con bò chỉ đóng vai trò minh hoạ cho một nguyên tắc quan trọng hơn. Đức Chúa Trời quan tâm đến thú vật và chu cấp vì ích của chúng. Chúa Jêsus đã phán ở Mathiơ 6.26: “Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?”
Hãy chú ý câu 10: “Quả thật Ngài nói câu đó về chúng ta phải không? Phải, ấy là về chúng ta mà có chép rằng ai cày ruộng phải trông mà cày, ai đạp lúa phải trông cậy mình sẽ có phần mà đạp lúa”. Luật pháp đã lập ra câu nói về loài bò “vì cớ chúng ta”.
Nếu Đức Chúa Trời quan tâm đến loài bò phải được trả công vì cớ việc làm của chính chúng, Ngài còn quan tâm nhiều dường nào về con người phải được bù đắp cách xứng đáng về việc làm của họ? Người nào “cày ruộng” phải “trông” được trả công dư dật. Người nào “đạp lúa” phải “trông cậy mình sẽ có phần mà đạp lúa”. Mọi người đều có phần trong mùa gặt hái. Ở câu 11, Phaolô tiếp tục phần bàn luận nầy bằng cách đi từ chổ kém cõi hơn đến chỗ quan trọng hơn: “Nếu chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, mà muốn thâu lại của vật chất của anh em, thì nào có phải một việc quá lẽ đâu?” Nếu một con bò phải có phần trong lúa thóc mà nó đang đạp kia, thì người nông dân phải có phần lúa thóc ấy nhiều hơn là dường nào! Nếu người nông dân có phần trong đồ ăn theo phần xác mà người làm ra, thì người nào cung ứng thức ăn thuộc linh phải được bù đắp bội phần hơn là dường nào!
Một lần nữa, tôi rất lấy làm sung sướng với phương thức mà Hội Thánh nầy đã bù đắp cho tôi. Tôi khen ngợi các bạn và lấy các bạn làm một gương. Tuy nhiên, chúng ta cần phải trưởng dưỡng luôn bằng chính lẽ thật theo Kinh Thánh nầy. Chúng ta cần phải nắm lấy nó như giá trị cốt lõi cho tương lai, vì nhiều người khác sẽ noi theo đường lối của chúng ta. Đức Chúa Trời chúc phước rời rộng, nhưng có thể cầm giữ lại ơn phước đối với người nào bủn xỉn. II Côrinhtô 9.6 chép: “Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều”. Hỡi Hội Thánh, cứ giữ luôn việc gieo sao cho dư dật! Cứ giữ luôn việc rời rộng với quí vị Mục sư, ban trị sự và các vị giáo sĩ.
Điều kiện duy nhứt là: “nếu chúng tôi đã gieo của thiêng liêng”. Hãy nhớ I Timôthê 5.17: “Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ”. Người nào đã “gieo của thiêng liêng”, người nào “chịu chức rao giảng và dạy dỗ” là những người cần phải được bù đắp xứng đáng. Bất cứ người biếng nhác và bỏ trôi bổn phận mình không cứng đáng với sự bù đắp.
IV. Mục sư cần phải được giúp đỡ vì sự công bằng Cơ đốc (câu 12).
Câu 12 chép: “Người khác còn có quyền ấy trên anh em, huống chi là chúng tôi? Dầu vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự, hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ chút nào”. Rõ ràng “người khác” là những kẻ “có quyền ấy”. Hiển nhiên là Hội Thánh Côrinhtô đã giúp đỡ cho Mục sư và các giáo sĩ khác với những của dâng của họ. Dường như họ đã quan tâm đến Phierơ và Abôlô, nhưng họ đã có một sự ngần ngại khi muốn ủng hộ Phaolô. Dường như có một bè phái trong Hội Thánh chống đối việc ủng hộ cho Phaolô.
Phaolô đã nói nếu ai có “quyền” nhận lãnh sự bù đắp từ nơi họ, thì ông thậm chí có “nhiều” lý do hơn. Ông đã đổ mạng sống của mình vào việc xây dựng Hội Thánh đặc biệt đó. Mặc dù Phaolô có “quyền ấy” được giúp đỡ về mặt tài chính, ông đã chẳng từng “dùng quyền ấy”. Thay vì đòi hỏi sự giúp đỡ và khiến cho họ cảm thấy tội lỗi vì đã không giúp đỡ ông, Phaolô đã quyết định “chịu mọi sự”. Từ ngữ “chịu” có ý nói “gánh vác hay cho qua trong im lặng”. Ông đã làm những gì là cần thiết mà không than van. Chúng ta biết Phaolô vốn có nghề “may trại” (Công vụ Các Sứ đồ 18.3). Ông thường dùng nghề nầy và đã hành nghề ấy tại thành Côrinhtô với A-qui-la và Bê-rít-sin. Trong Công vụ Các Sứ đồ 20.34 ông nói: “Chính anh em biết rằng hai bàn tay nầy đã làm ra sự cần dùng của tôi và của đồng bạn tôi”. Không những ông đã lao động để tự túc cho bản thân mình, mà còn giúp đỡ cho các bạn đồng sự mình trong chức vụ nữa. Ông đã nói trong II Têsalônica 3.8: “chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc, để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết”.
Một lần nữa, Phaolô nói ở câu 12: “Dầu vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự, hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ chút nào”. Ông không muốn một ai nói ông đã nắm lấy chức vụ là vì tiền bạc. Ông không nói rằng tất cả các chức vụ phải lo liệu riêng cho mình. Ông đã chọn điều nầy vì cớ những hoàn cảnh có một không hai của chính ông. Ngược lại, ông đang dạy cho Hội Thánh nầy phải lo chăm sóc tốt các cấp lãnh đạo của Hội Thánh.
V. Mục sư cần được giúp đỡ vì khuôn mẫu của Kinh Thánh (câu 13).
Câu 13 chép: “Anh em há chẳng biết rằng ai hầu việc thánh thì ăn của dâng trong đền thờ, còn ai hầu việc nơi bàn thờ thì có phần nơi bàn thờ sao?”
Các thầy tế lễ Israel của Cựu Ước đã nhận lãnh các thứ của dâng, phần mười về mùa màng và thú vật cũng như các con sinh của dân sự mà họ phục vụ trong đền thờ. Họ không sở hữu tài sản riêng, nhưng phần còn lại của dân tộc đã chia sẻ với họ. Khuôn mẫu nầy đã thực thi ngay cả trước khi có Luật pháp Môise và chức năng tế lễ của dòng Lêvi. Khi Ápraham đánh bại kẻ thù mình, ông đã dâng phần mười chiến lợi phẩm cho một người có tên là Mên-chi-xê-đéc, ông là “thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời Chí Cao” (Sáng thế ký 14.18-20).
VI. Mục sư cần phải được giúp đỡ vì mạng lịnh của Đấng Christ (câu 14).
Phaolô kết luận sự dạy nầy ở câu 14 bằng cách nói: “Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành”. Không nghi ngờ chi nữa, Phaolô đang đề cập tới các mạng lịnh của Chúa cho các môn đồ của Ngài ở Luca 10.7: “Hãy ở nhà đó, ăn uống đồ người ta sẽ cho các ngươi, vì người làm công đáng được tiền lương mình. Đừng đi nhà nầy sang nhà khác”. Cũng một thể ấy, chính Chúa Jêsus đã ban thẩm quyền cho nguyên tắc: “ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành”. Sự dạy rõ ràng là dân sự của Đức Chúa Trời cần phải lo giúp đỡ cho người nào đang phục vụ cho họ. Tuy nhiên, người phục vụ không phải nhận lãnh sự giúp đỡ nầy. Phaolô đã không nhận lãnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét