Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 16.13-14: "Phương thức tấn tới về mặt thuộc linh"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Phương thức tấn tới về mặt thuộc linh
I Côrinhtô 16.13-14
Có một khuôn mẫu đáng phải công nhận trong hầu hết 13 thư tín của Sứ đồ Phaolô trong Tân Ước. Ông khai mào bằng lời chào thăm rồi mau mau chuyển vào dạy dỗ giáo lý mà hàng độc giả đặc biệt cần phải tiếp thu. Kế sau phần lẽ đạo đó, có một phần thực tiễn hay ứng dụng. Các thư tín như Rôma, Galati và Êphêsô có thể được chia thành hai phần: tin vào điều gì và sống ra sao!?!
Thư I Côrinhtô phù hợp với loại khuôn mẫu nầy. Cái điều làm cho thư tín ấy ra đặc biệt, ấy là có 15 chương nói tới lẽ đạo và chỉ có một chương về ứng dụng thực tiễn mà thôi. Tôi tin điều nầy thích ứng với nhiều sai lầm về lẽ đạo trong Hội Thánh đặc biệt ấy. Tuy nhiên, chúng ta không nên thay đổi chi về phần ứng dụng. Dù có 24 câu trong chương 16, chúng được gói ghém với phần dạy dỗ quan trọng dành cho đời sống Cơ đốc.
Ở cuối chương 15 và cách xử lý quan trọng của Phaolô về lẽ đạo nói tới sự sống lại, ông nói trong câu 58: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”. Chương 16 là phần giải thích thực tế về phương thức chúng ta phải “dư dật” hay dốc đổ vào “công việc Chúa”.
Các câu 1-4 dạy cho chúng ta biết phải dâng hiến như thế nào!?! Khi chúng ta nhóm lại vào ngày của Chúa, “ngày đầu tiên trong tuần lễ”, chúng ta cần phải đem theo của dâng thuộc loại nào đó. Chẳng có nguyên tắc đặc biệt nào cho biết chúng ta phải dâng bao nhiêu. Chúng ta cần phải “chắt lót” trong cả tuần lễ. Mỗi người cần phải “để dành tại nhà mình”. Sự dâng hiến của chúng ta không phải là thỉnh thoảng mà phải được hoạch định và sắp xếp có hệ thống tùy theo số thu nhập của chúng ta. Các câu 5-12 dạy cho chúng ta biết phải làm việc như thế nào!?! Từ kế hoạch do Phaolô đề xuất, chúng ta học được rằng trong việc làm của chúng ta cho Chúa, chúng ta cần phải biết nhìn xa trông rộng, biết linh động, biết sửa soạn, cộng tác và mẫn cảm với Đức Thánh Linh.
Giờ đây, chúng ta đã biết rõ cách thức dâng hiến và phương thức làm việc rồi, các câu 13-14 sẽ dạy cho chúng ta biết phải tấn tới như thế nào!?! Nếu có việc chi Hội Thánh trong vai trò một tổng thể cần đến hôm nay, thì đấy là phải tấn tới về mặt thuộc linh. Các tín hữu đã được giáo huấn nhiều hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử, song vẫn còn chưa hiểu biết nhiều về Kinh Thánh. Chúng ta đang sống trong một thời điểm giống rất nhiều với thời điểm của tiên tri Amốt trong Cựu Ước khi ông nói tiên tri: “Chúa Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày sẽ đến, là khi ta khiến sự đói kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va” (Amốt 8.11). Có một cơn “đói kém” trong xứ của chúng ta trong sự trưởng dưỡng về mặt thuộc linh. Khi các tín đồ không được trưởng dưỡng, họ không lớn lên được. Phần lớn sự đổ thừa về việc thiếu tấn tới về mặt thuộc linh đều đến từ chỗ yếu đuối nơi toà giảng.
Tuy nhiên, phần trách nhiệm không thể đặt hết trên vai của quí Mục sư và các cấp lãnh đạo trong Hội Thánh. Hãy chú ý, trong phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta có những mạng lịnh, những điều cấp bách. Mỗi một người chúng ta trong vai trò những cá nhân phải tuân theo các sự dạy dỗ nầy. Đối với một phạm trù lớn hơn, tình trạng trưởng thành thuộc linh của chúng ta đều nương vào sự chúng ta vâng theo Chúa. Ngày nay, chúng ta sẽ tìm cách hiểu rõ và vâng theo từng mạng lịnh trong 5 mạng lịnh nầy, chúng sẽ dẫn chúng ta đến tình trạng trưởng thành thuộc linh. Chúng ta cần phải tỉnh thức, vững vàng, dốc chí trượng phu, mạnh mẽ và yêu thương.
I. Phải tỉnh thức (câu 13a).
Ở câu 13, Phaolô bắt đầu bằng cách cung ứng cho chúng ta một lời hướng dẫn, “Hãy tỉnh thức”. Cụm từ nầy ra từ chữ gregoreo có thể được dịch là “Phải coi chừng, phải thức tỉnh, phải thận trọng”. Về mặt tiêu cực, nó có ý nói “đừng ngủ nữa, đừng thờ ơ, đừng lãnh đạm, không chuẩn bị, lơ đãng”. Chúng ta thấy cụm từ nầy khoảng 22 lần trong Tân Ước và nó luôn luôn đề cập tới các tín đồ đang sống về mặt thuộc linh rất cảnh giác hơn là dửng dưng về mặt thuộc linh.
Sau 15 chương trong thư I Côrinhtô, chúng ta chắc chắn hiểu rõ rằng phần nhiều các tín đồ trong Hội Thánh địa phương đó đã thờ ơ về mặt thuộc linh. Họ không thận trọng canh giữ đức tin của mình. Họ dễ dàng lạc sai đối với đạo thật bởi các triết lý đời nầy. Họ không tìm kiếm sự hiệp một, mà tìm kiếm sự phân rẻ, thậm chí còn thưa kiện nhau ra tòa án của đời nầy nữa. Họ đã chạy theo những ham muốn tư kỷ của chính mình trong các lãnh vực hôn nhân, sống độc thân và ly dị. Họ đã làm hỏng các ân tứ thuộc linh của họ để làm cho bản thân họ được hài lòng. Quan trọng nhất, họ đã thất bại không thể hiện được lòng yêu thương.
Bạn có bao giờ sống dửng dưng về mặt thuộc linh chưa? Bạn có bao giờ lãnh đạm đối với những vụ việc thuộc về Đức Chúa Trời chưa? “Lãnh đạm” là gì? Từ nầy ra từ chữ Hy lạp pathos có ý nói tới tình cảm. Lãnh đạm là thiếu vắng tình cảm, sát nghĩa: “không chút tình cảm nào hết”.
Hết thảy chúng ta đều có những thăng trầm về mặt thuộc linh. Có những lúc khi chúng ta đặc biệt cảm thấy gần gũi với Chúa, khi chúng ta vui thích ở trong Ngài, sẵn sàng thờ lạy Ngài và tìm cách sống vâng phục trong mọi lãnh vực. Ngược lại, có nhiều khi chúng ta không cảm nhận được sự gần gũi đó. Có thể chúng ta nếm trải các dấu hiệu, nhưng trong lòng chúng ta, chúng ta trôi giạt đi. Trong Êsai 29.13, Đức Giêhôva phán: “…Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm…”.
Thờ ơ về mặt thuộc linh cũng đã phát triển cực kỳ ở Êphêsô nữa. Trong bức thư Chúa Jêsus gửi cho 7 Hội Thánh trong sách Khải huyền, Ngài phán với Hội Thánh Êphêsô: “Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó” (Khải huyền 2.4-5). Chìa khóa cho việc tránh né sự lãnh đạm thuộc linh là phải cảnh giác về mặt thuộc linh. Giống như Phaolô nói trong phân đoạn Kinh Thánh gốc, chúng ta cần phải “thức tỉnh”. Chúng ta phải thức tỉnh về việc gì? Tôi thấy ít nhất 6 việc chúng ta cần phải thức tỉnh, hai việc là tích cực và bốn là tiêu cực.
A. CHÚNG TA CẦN PHẢI THỨC TỈNH VỀ SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA.
Mỗi Cơ đốc nhân cần phải “chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ” (Tít 2.13). Chúa Jêsus thuật lại một câu chuyện nói tới những người làm công thờ ơ, họ không thận trọng ở chỗ vắng mặt chủ và Ngài phán trong Mathiơ 24.42: “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến”. Ngài phán ở Mathiơ 25.13: “Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ”. II Phierơ 3.10 nhắc cho chúng ta nhớ rằng sự đến của Ngài sẽ là một sự ngạc nhiên: “Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm…”. Câu 11 chép: “Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào”.
Bạn có tin Kinh Thánh không? Bạn có tin Chúa sẽ tái lâm không? Bạn có tin điều nầy sắp xảy ra, và sự ấy sẽ xảy ra vào bất cứ lúc nào không? Một niềm tin như thế sẽ tác động cách thức chúng ta sinh sống. Rôma 13.11 chép: “Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đang lúc chúng ta đây: giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin”.
B. CHÚNG TA PHẢI THỨC TỈNH ĐỐI VỚI NHỮNG CƠ HỘI.
Về mặt tích cực, chúng ta cần phải thức tỉnh về sự tái lâm của Chúa và thức tỉnh trước những cơ hội. Đức Chúa Trời tể trị, Ngài dẫn dắt chúng ta đến với nhiều người và nhiều tình huống mà chúng ta có thể làm chứng cho tình yêu thương của Ngài qua Tin Lành của Ngài. Chúa Jêsus cố ý tránh né con đường đông người đến xứ Galilê khi Ngài đi ngang qua thành Samari rồi gặp gỡ người đàn bà tội lỗi bên cái giếng. Phaolô đã bị Đức Thánh Linh ngăn cấm không cho qua cõi Á châu vì Đức Chúa Trời muốn ông qua xứ Maxêđoan, đến thành Philíp để gặp một người đàn bà có tên là Lyđi và quan cai ngục có tấm lòng đã được biến đổi.
Đức Chúa Trời tể trị, Ngài đang vận hành trong thế gian nầy kêu gọi người ta đến với chính mình Ngài. Thực sự Chúa Jêsus đã đến “để tìm và cứu kẻ bị mất” (Luca 19.10). Chúng ta phải biết cảnh giác. Chúng ta phải thức tỉnh để nhìn thấy Đức Chúa Trời đang vận hành ở đâu, Ngài đang mở ra những tấm lòng và lý trí ở đâu rồi hiệp với Ngài trong công việc của Ngài. Chúng ta cần phải “lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu” (Êphêsô 5.16).
C. CHÚNG TA CẦN PHẢI THỨC TỈNH ĐỐI VỚI SATAN.
I Phierơ 5.8-9 chép: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình”.
Giống như con sư tử, Satan là một con dã thú. Hắn không thể có linh hồn của bạn, nhưng hắn có thể hủy hoại đời sống của bạn. Hắn tập trung nhiều năng lực để kéo bạn xa khỏi Chúa rồi dẫn bạn vào trong tội lỗi. Chúng ta phải thức tỉnh giống như con nai kia, sẵn sàng tháo chạy ra khỏi tội lỗi và kháng cự lại kẻ thù chính của chúng ta. Chúng ta cần phải tự vũ trang bằng lẽ thật và đứng vững vàng.
D. THỨC TỈNH TRƯỚC SỰ CÁM DỖ.
Chúa Jêsus đã phán ở Mác 14.38: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối”. Chúng ta dễ dàng sa vào sự cám dỗ khi chúng ta mê ngủ về mặt thuộc linh. Khi đôi mắt thuộc linh của chúng ta đóng lại, thậm chí chúng ta không nhìn thấy nó đang đến nữa. Nếu Vua David cầu nguyện trên mái nhà thay vì liếc nhìn người phụ nữ đang tắm, ông sẽ không phạm vào tội tà dâm và giết người rồi gánh chịu nhiều hậu qua ghê khiếp.
E. THỨC TỈNH ĐỐI VỚI CÁC GIÁO SƯ GIẢ.
II Phierơ 2.1 chép: “Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình”.
II Timôthê 4.3-5 chép: “Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ”.
Phaolô nói với các trưởng lão thành Êphêsô trong Công Vụ các Sứ đồ 20.29-30: “Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ”.
Chúng ta đang sống trong sự khải thị trọn vẹn của các lời tiên tri nầy. Có các giáo sư giả ở trong lẫn ngoài Hội Thánh. Ở bên ngoài, những kẻ theo chủ nghĩa thế tục cứ bám theo hòng hủy diệt lòng tin của chúng ta nơi Kinh Thánh. Ở bên trong Hội Thánh, có nhiều người vứt bỏ lẽ thật theo Kinh Thánh rồi gãi ngứa hai lỗ tai để kiếm được lòng người và ảnh hưởng. Phải thức tỉnh đối với hết thảy bọn họ. Hãy thử mọi sự bằng Kinh Thánh.
F. THỨC TỈNH VỀ TÍNH LÃNH ĐẠM.
Trên hết mọi sự, hãy thức tỉnh về sự lãnh đạm, sự thiếu vắng tình cảm dành cho Chúa trong đời sống của bạn. Đừng rơi vào chỗ ngủ quên thuộc linh. I Têsalônica 5.6-8 chép: “Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ. Vì kẻ ngủ thì ngủ ban đêm, kẻ say thì say ban đêm. Nhưng chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy dè giữ, mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương, lấy sự trông cậy về sự cứu rỗi làm mão trụ”.
Có thể bạn công nhận tính lãnh đạm trong đời sống bạn lúc bây giờ. Nếu thực vậy, hãy ăn năn, xưng tội và vùng dậy! Êphêsô 5.14-15 chép: “Cho nên có chép rằng: Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi. Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan”.
II. Phải vững vàng (câu 13b).
Chúng ta cần phải “thức tỉnh”. Bạn không biết đấy, tôi có thể giảng trong 20 phút chỉ có một câu thôi, có phải không? Dầu vậy, chúng ta cần phải “vững vàng trong đức tin”. Đứng vững vàng có nghĩa là phải chắc chắn, không chao đảo, không dời đổi. Đây là một hình ảnh rất thông thường trong các tác phẩm của Phaolô. Thí dụ, ông đã viết ở Philíp 4.1: “Vậy thì, hỡi anh em rất yêu rất thiết, là sự vui mừng và mão triều thiên cho tôi, kẻ rất yêu dấu ơi, hãy đứng vững trong Chúa”. Trong I Têsalônica 3.8, ông nói: “Vì hiện nay chúng tôi sống, là tại anh em đứng vững trong Chúa”. II Têsalônica 2.15 chép: “Hỡi anh em, vậy thì hãy đứng vững, hãy vâng giữ những điều dạy dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ từ của chúng tôi”.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta được truyền cho phải “vững vàng trong đức tin”. “Trong đức tin”, Phaolô có ý nói gì vậy? Đây chẳng phải là đức tin cứu rỗi hay đức tin bền đổ đâu, mà là bộ phận lẽ thật theo Kinh Thánh, là đạo của các sứ đồ. Giuđe 3 chép: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi”. Phaolô nói nhiều về chính sự việc nầy ở I Côrinhtô 15.1: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy”. Philíp 1.27 chép: “Duy anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ, để hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em một lòng đứng vững, đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin Lành”.
Có một số lẽ đạo cần phải thắc mắc. Có một số lẽ đạo mà chúng ta chưa hề thắc mắc. Chúng ta sẽ đổi ý mình trước những điểm mấu chốt của lời tiên tri. Chúng ta sẽ có ý kiến khác biệt đối với điều chi xứng đáng hay bất xứng trong sự thờ phượng, nhưng có những lẽ thật mà chúng ta phải cắm ngọn cờ trên đó và bằng lòng chịu chết nếu như chúng ta có hàng ngàn đời sống. Chúng ta cần phải “vững vàng” chiếu theo thẩm quyền và tính bất biến của Kinh Thánh, thần tánh của Đấng Christ, ơn cứu rỗi là bởi ân điển nhờ đức tin và trọn vẹn của Chúa. Căn cứ vào những điều nầy và nhiều vấn đề có trọng lượng khác, sẽ chẳng có thỏa hiệp và không hề lui đi.
Làm sao chúng ta có thể “vững vàng trong đức tin”? Có một cách duy nhứt. Chúng ta phải neo chặt vào Lời của Đức Chúa Trời. Đấy là nền tảng vững chắc của chúng ta. Êphêsô 2.20 chép Hội Thánh đã được “dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà”. Chúng ta phải sống giống như Hội Thánh đầu tiên theo Công Vụ các Sứ đồ 2.42 “bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ...”. Tại sao chúng ta chú trọng vào việc nhấn mạnh Kinh Thánh tại Cornerstone? Vì đấy là con đường duy nhứt chúng ta có thể trụ vững trong đức tin của lịch sử chống lại một làn dóng sai lầm. Cho phép tôi chia sẻ với bạn hai lãnh vực thật đặc biệt mà chúng ta cần phải “vững vàng” trong đó.
A. THỨ NHỨT, CHÚNG TA PHẢI VỮNG VÀNG CHỐNG LẠI TƯ TƯỞNG TRONG XÃ HỘI.
Nếu chúng ta học được gì về Hội Thánh Côrinhtô, ấy là họ liên tục đầu hàng trước xã hội của họ. Thay vì đứng vững vàng, họ đã sát nhập mọi tư tưởng, đạo đức và triết lý của xã hội vào trong Hội Thánh. Chúng ta thấy việc ấy xảy ra trong từng phương diện hôm nay. Trong một nổ lực để được “thích đáng”, Hội Thánh đã điều chỉnh cho ăn khớp với mọi loại ảnh hưởng của xã hội trong cái lốt lôi cuốn những người không đi nhà thờ. Tất nhiên, khi Hội Thánh điều chỉnh theo thế gian, thế gian không trở giống như Hội Thánh, mà Hội Thánh đang trở giống với thế gian nhiều hơn.
Cũng vậy, nhiều Cơ đốc nhân ngày nay đang chạy theo chủ nghĩa giáo điều. Họ không muốn bàn bạc về lẽ đạo. Tuy nhiên, không có lẽ đạo chúng ta chẳng có nền tảng nào để đứng vững trên đó. Không có đạo thật, Tin Lành trở thành vô hiệu quả. Không có đạo thật, tình trạng đạo đức tàn phai đi. Không có đạo thật, lẽ thật bị thỏa hiệp. Các tín đồ đầu tiên đã đối diện với tà giáo trên từng góc cạnh. Nếu bạn đọc lịch sử Hội Thánh và các tác phẩm của Hội Thánh đầu tiên về các giáo phụ, bạn thấy ngay tính cần thiết tuyệt đối của họ khi phải có giáo lý thống nhất. Họ đã nhóm lại với nhau trong những giáo hội nghị và thiết lập bản tín điều nói tới đức tin chung, tỉ như Bài Tín Điều Các Sứ Đồ và Bản Tín Điều Nicene. Ở Hội Thánh địa phương nầy, chúng ta cung ứng một bản tín điều không phải vì chúng ta không muốn được “thích đáng” mà vì các lẽ đạo thuộc lịch sử nói tới đức tin là thích đáng ở từng phương diện!
B. THỨ HAI, CHÚNG TA PHẢI ĐỨNG VỮNG VÀNG CHỐNG LẠI CUỘC TẤN CÔNG CỦA NGHI NGỜ.
Những cuộc tấn công của Satan rất là tinh vi. Chiến lược của hắn không phải là cuộc tấn công trực diện vào đức tin của bạn đâu, nhưng thay vì thế hắn tấn công ở ngoài rìa. Hắn muốn chúng ta phải nghi ngờ tính chính xác của Kinh Thánh, chức năng lãnh đạp của Đức Thánh Linh và tình yêu thương trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Bạn là một tín đồ trong Đấng Christ sẽ rất quan tâm đến việc đứng vững vàng theo cách riêng trong đức tin vì Satan đang tấn công vào đức tin cá nhân của bạn! Êphêsô 6.12-13 chép: “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng”.
III. Phải khao khát (câu 13c).
Phaolô cho chúng ta biết muốn tấn tới trong Đấng Christ, chúng ta phải “thức tỉnh, phải vững vàng trong đức tin” và cũng phải “dốc chí trượng phu” nữa. Thật là thú vị đối với tôi khi thấy các nhà dịch thuật bản Kinh Thánh NKJV đã chọn cụm từ “phải dốc chí trượng phu”. Bản Kinh Thánh KJV chép: “rời bỏ như đấng nam nhi”. Nhiều bản dịch hiện đại khác chép: “hãy hành động như đấng nam nhi”. Từ nầy đến từ chữ andrizo và sát nghĩa có ý nói “Hãy xử sự như người lớn”.
Đây là bức tranh bằng lời. Khi tôi còn nhỏ, tôi sẽ “xử sự như người lớn”. Tôi sẽ giả vờ đóng vai cha của mình. Tôi sẽ giả vờ đóng vai người tiên phuông can đảm và tôi đã đóng vai ấy ở trong rừng. Tôi giả vờ làm một chàng cao bồi lúc nào cũng sẵn sàng và năng động. Những đứa trẻ nhỏ tìm cách bắt chước theo người lớn sống ở chung quanh chúng. Chúng muốn trở thành hạng người có khả năng chịu đựng thử thách, dũng cảm và mạnh sức.
Đấy là những gì từ nầy muốn nói tới. Chúng ta cần phải không thỏa lòng với tình trạng chưa trưởng thành về mặt thuộc linh. Chúng ta cần phải biết nhìn vào các tấm gương và hy sinh giống như họ. Chúng ta cần phải ao ước muốn lớn lên trong Chúa. Tuy nhiên, bản dịch NKJV “phải dốc chí trượng phu” mang lấy ý nghĩa đó. Lớp thiếu niên khâm phục gì nơi người lớn chứ? Ấy chẳng phải là lòng can đảm và sức lực của họ sao? Nếu Phaolô có thể diễn đạt điều nầy theo lối nói Texas hiện đại, có lẽ ông sẽ nói rằng chúng ta cần phải “đấu bò” hết. Chúng ta cần phải bỏ đi sự rên rỉ giống như trẻ con rồi hãy hành động như người lớn. Tôi chọn mô tả như thế nầy là khao khát sự lớn lên về mặt thuộc linh. Chúa Jêsus đã phán ở Mathiơ 5.6: “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!”
Tấn tới về mặt thuộc linh không giống như đói khát theo phần xác, bạn càng ăn nhiều chừng nào thì bạn càng đói khát thêm. Đừng lấy làm thỏa lòng! Hãy khao khát muốn được trưởng thành. Phần nhiều các tín đồ tại thành Côrinhtô đều hành xử giống như trẻ con vậy. Ông đã nói với họ ở 14.20: “Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhân”. Hãy lắng nghe lời quở trách của ông ở 3.1-2: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy. Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt”. Ở 4.21, ông trách rồi dọa họ như người cha nói với con cái của mình: “Anh em muốn điều gì hơn: muốn tôi cầm roi mà đến cùng anh em, hay là lấy tình yêu thương và ý nhu mì?” Đừng lấy làm thỏa lòng khi hàng ghế đều đầy ắp song còn một chỗ con trẻ về mặt thuộc linh. Hãy thèm khát sự lớn lên về mặt thuộc linh. II Phierơ 3.18 chép: “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ”.
IV. Phải mạnh mẽ (câu 13d).
Chúng ta cần phải cảnh giác. Chúng ta cần phải đứng vững vàng trong đức tin. Chúng ta cần phải khao khát muốn tấn tới về mặt thuộc linh, nhưng chúng ta cũng cần phải “mạnh mẽ” nữa. Từ ngữ Phaolô nói tới “mạnh mẽ” ở đây được sử dụng ở chỗ khác trong Tân Ước đề cập tới sức lực bề trong. Thí dụ, Luca 1.80 chép về con trẻ Jêsus: “Vả, con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Y-sơ-ra-ên”. Phaolô đã cầu nguyện cho Hội Thánh tại thành Êphêsô: “tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng” (Êphêsô 3.16).
Vì thế, chúng ta đang nói tới sức lực thuộc linh bề trong. Một người sẽ rơi vào chỗ yếu đuối trong thân thể, nhưng lại mạnh mẽ trong tâm linh. Êphêsô 6.10 chép: “Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài”. II Timôthê 2.1 chép: “Vậy, hỡi con, hãy cậy ân điển trong Đức Chúa Jêsus Christ mà làm cho mình mạnh mẽ”.
Câu nầy sát nghĩa muốn nói rằng “phải mạnh lên”. Bạn không thể tự mình “mạnh lên” được. Chúng ta không thể thêm sức lực thuộc linh cho chính mình được. Ngược lại, Chúa sẽ làm cho chúng ta được mạnh mẽ. Tuy nhiên, Chúa làm cho chúng ta được mạnh mẽ bằng cách nào đây? Ngài khiến cho chúng ta được mạnh mẽ lên khi chúng ta biết nương cậy nơi Ngài. Con đường đi lên chính là phải đi xuống. Phương thức muốn mạnh mẽ trong Chúa không phải là nương cậy vào xác thịt yếu đuối kia. Giacơ 4.8-10 chép: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi; hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên”. I Phierơ 5.6-7 chép: “Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em”.
Tôi nghĩ khi Phaolô viết ra câu nầy, ông đã in trong trí một tình huống trong chính đời sống của ông. Trong II Côrinhtô 12.4, ông viết về người “được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra”. Đức Chúa Trời đã tỏ ra nhiều điều cho Phaolô biết, nhưng cũng ban cho ông “cái dằm trong xác thịt” để ông luôn nhớ mà khiêm nhường. Có một mối nguy hiểm rất tinh vi dành cho Cơ đốc nhân đang tấn tới để người trở thành kiêu ngạo trong quá trình thuộc linh của chính người ấy. Khi người kiếm được sự quen thuộc nhiều hơn với Lời của Đức Chúa Trời, người ấy sẽ bị cám dỗ muốn phô trương. Người ấy sẽ cứ nói đang khi người ấy phải lắng nghe. Người ấy vô ý phát triển hình thái Pharisi của riêng mình. Tôi thấy điều nầy thường có nơi những tín đồ nào hay đấu tranh cho lẽ đạo nói tới ân điển. Cái điều làm cho tôi ngạc nhiên là người ta cảm thấy tự hào về việc nhận lãnh ân điển! Ngược lại, người nào có một sự hiểu biết về ân điển của Đức Chúa Trời đáng phải là kẻ khiêm nhường nhất trong loài người!
V. Phải yêu thương (câu 14).
Chúng ta phải thức tỉnh, vững vàng, khao khát, mạnh mẽ, và sau cùng chúng ta phải có lòng yêu thương. Phaolô nói ở câu 14: “Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu thương mà làm”. John MacArthur viết: “Yêu thương bù vào và làm cân đối mọi sự khác. Đây là nguyên tắc rất đẹp đẽ, dịu dàng. Yêu thương giữ sự kiên quyết của chúng ta không trở thành cứng ngắt và sức lực của chúng ta không trở nên hống hách. Yêu thương giữ tình trạng trưởng thành của chúng ta luôn tử tế và biết xem xét. Yêu thương giữ đạo thật của chúng ta không trở thành giáo điều khó chữa trị và cuộc sống bình dị của chúng ta không trở thành thiển cận tự xưng công bình”.
Không có tình yêu thương, mọi sự khác đều chẳng ra gì hết. I Phierơ 4.8 chép: “Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi”. I Giăng 4.7 chép: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời”. Vì vậy, chúng ta hãy phấn đấu để đạt được sự trưởng thành. Chúng ta biết phải tấn tới như thế nào, chúng ta hãy thận trọng trong sự tấn tới đó!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét