Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 15.12-19: "Tầm quan trọng của sự sống lại"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Tầm quan trọng của sự sống lại
I Côrinhtô 15.12-19
Benjamin Franklin, chủ nhà in, nhà phát minh, là đại sứ và là người cấu trúc bản hiến pháp của Hoa kỳ không bao giờ tuyên xưng công khai đức tin nơi Đấng Christ. Tuy nhiên, ông đã có đức tin cá nhân nơi Chúa. Ông đã viết bia mộ cho chính mình, ghi trên hòn đá trong nghĩa trang Hội Thánh Đấng Christ ở Philadelphia, bang Pennsylvania.
Thi thể của chủ nhà in B. Franklin,
Giống như tờ bìa của một quyển sách cũ
Nội dung của nó bị rách nát
Trần trụi không còn nét chữ và ánh mạ trên đó
Nằm ở đây, làm đồ ăn cho giòi bọ
Nhưng việc làm sẽ chẳng bị hư mất hoàn toàn
Vì ông tin tờ bìa ấy
Sẽ còn tái hiện lại
Trong một phiên bản mới và trọn vẹn hơn
Được hiệu đính và đồng ý của Đấng Tác Giả.
Franklin rõ ràng đã tin nơi sự sống lại. Kinh Thánh hứa giống như Đấng Christ đã phục sinh, hết thảy các tín đồ một ngày kia sẽ lại sống. Ngài là “trái đầu mùa” của sự sống lại (câu 23). Thực vậy, sự sống lại của Chúa Jêsus là hòn đá góc quan trọng của Cơ đốc giáo. Không có sự sống lại đó, đức tin của chúng ta là vô ích. Đấy là lý do tại sao Phaolô trình bày bằng chứng mạnh mẽ ấy trong các câu 1-11. John Singleton Copley, đã thừa hưởng một lý trí lỗi lạc nhất trong lịch sử nước Anh và ba lần là Đại Pháp Quan của Anh quốc đã viết: “Tôi biết rõ chứng cớ, và tôi nói cho bạn biết, bằng chứng nói tới sự sống lại ấy cho tới nay không hề gãy vỡ”.
Các tín đồ thành Côrinhtô không chối bỏ sự sống lại của Đấng Christ. Chúa Jêsus đã chết, bị chôn và đã sống lại theo Lời Kinh Thánh là sứ điệp mà Phaolô đã “rao giảng”, là điều mà họ đã “nhận lãnh” và họ đã “đứng vững” trong đó, với sự nhận biết họ đã được “cứu” (các câu 1-2). Những sự biến đổi của chính họ đã làm chứng cho sự sống lại của Đấng Christ. Họ có thể nhìn vào sự làm chứng của nhiều chứng nhân, nhiều người vẫn còn sống lúc bấy giờ (câu 6). Tin nơi sự sống lại về phần xác của Đấng Christ là cần thiết để được cứu. Rôma 10.9 chép: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu”.
Người thành Côrinhtô đã tin vào sự sống lại của Đấng Christ, nhưng họ gặp rắc rối khi tin vào sự sống lại của hết thảy các tín đồ. Giống như hầu hết mọi nan đề họ gặp phải, xã hội đã ảnh hưởng đến mọi niềm tin của họ. Người Hy lạp tin vào một thứ triết lý gọi là Nhị Nguyên Thuyết (dualism). Thuyết nầy dạy rằng con người có hai bổn tánh: xác thể và thuộc linh. Phần thuộc linh được coi là tốt lành và phần xác thể bị coi là xấu. Vậy nên, tâm linh tốt lành đã bị nhốt tù trong một xác thể xấu xa. Với dòng suy tưởng nầy, sự sống lại của thân thể xấu một lần nữa nhốt tù một linh hồn tốt lành là đáng ghét. Theo quan điểm của họ, sự chết phóng thích linh hồn ra khỏi thân thể và thể xác là thứ cuối cùng muốn được đem theo vào đời sau.
Khi Phaolô giảng về sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ tại thành A-then trên đồi Acropolis, các triết gia Hy lạp đã bị đảo lộn. Công Vụ các Sứ Đồ 17.32 chép: “Khi chúng nghe nói về sự sống lại của kẻ chết, kẻ thì nhạo báng, người thì nói rằng: Lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó”.
Mặc dù chưa rõ rệt, sự sống lại của thân thể các tín đồ đã được giới thiệu rồi trong Cựu Ước.
• Thi thiên 17.15 chép: “Còn tôi, nhờ sự công bình, tôi sẽ được thấy mặt Chúa; Khi tôi tỉnh thức, tôi sẽ thỏa nguyện nhìn xem hình dạng của Chúa”.
• Thi thiên 49.15 chép: “Nhưng Đức Chúa Trời sẽ chuộc linh hồn tôi khỏi quyền âm phủ, vì Ngài sẽ tiếp rước tôi”.
• Thi thiên 73.24 chép: “Chúa sẽ dùng sự khuyên dạy mà dẫn dắt tôi, rồi sau tiếp rước tôi trong sự vinh hiển”.
• Gióp 19.26 chép: “Sau khi da tôi, tức xác thịt nầy, đã bị tan nát, bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời”.
• Ở Êxêchiên 37, Đức Chúa Trời đã tỏ cho vị tiên tri một sự hiện thấy về trũng xương khô đã trở lại với sự sống. Mặc dù đây là một bức tranh nói tới quốc gia Israel, quan niệm về sự sống lại đã được tỏ ra rồi.
• Êsai 26.19 chép: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống, những xác chết của tôi đều chổi dậy! Hỡi kẻ ở trong bụi đất, hãy thức dậy, hãy hát! Vì hột móc của Ngài như hột móc lúc hừng đông, đất sẽ buông các âm hồn ra khỏi”.
• Đaniên 12.2 nói tiên tri: “Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời”.
Tân Ước giải thích trọn vẹn những gì Cựu Ước còn úp mở:
• Chúa Jêsus phán ở Giăng 6.44: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta, và ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt”.
• Chúa Jêsus cũng phán ở Giăng 11.25: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi”.
• Chúa Jêsus đã đưa ra nhiều tham khảo đến sự sống lại của con người. Ngài đối mặt với người Sađusê (họ chối bỏ sự sống lại) về thắc mắc hôn nhân ở trên trời (Mác 12.18-17; Mathiơ 22.23-33). Thực vậy, Ngài đã phán ở Luca 20.37-38: “Còn về sự kẻ chết sống lại, Môi-se đã cho biết trong câu chuyện về bụi gai, khi người gọi Chúa là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Vậy, Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của kẻ sống; vì ai nấy đều sống cho Ngài”.
• Phaolô đã viết ở Philíp 3.20-21: “Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật”.
• Ông đã nói trong Công Vụ các Sứ Đồ 24.15: “và tôi có sự trông cậy nầy nơi Đức Chúa Trời, như chính họ cũng có vậy, tức là sẽ có sự sống lại của người công bình và không công bình”.
• Tuy nhiên, với sự sâu sắc, quan trọng nhất, hầu hết các dữ liệu Kinh Thánh nói về sự sống lại của hàng tín đồ đang có ở đây, trong chương quan trọng nói tới sự phục sinh, I Côrinhtô 15.
Mặc dù sự dạy rõ ràng trong toàn bộ Kinh Thánh về sự sống lại, vẫn có nhiều người hồ nghi tại thành Côrinhtô. Phaolô nói tới họ ở câu 12: “Vả, nếu giảng dạy rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại?”
Có lẽ có một số người hồ nghi giữa vòng chúng ta nữa đấy. Bạn có thể tin Đấng Christ đã phục sinh, nhưng lại vật vã với quan niệm cho rằng mọi người đều sẽ lại sống ra khỏi mồ mả của họ. Ở các câu 13-19, Phaolô liệt kê ra cho chúng ta thấy 7 hậu quả của cách nói chẳng có sự sống lại của hàng tín đồ.
I. Nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa (câu 13).
A. CHỐI BỎ SỰ SỐNG LẠI LÀ CHỐI BỎ ĐẤNG CHRIST PHỤC SINH.
Các câu 12-13 chép: “Vả, nếu giảng dạy rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại? Nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa”.
Người thành Côrinhtô đã không chối bỏ sự sống lại của Đấng Christ. Có lẽ họ tìm cách đi vòng quanh với nan đề nầy bằng cách nói rằng Đấng Christ là Đức Chúa Trời và thực sự chẳng phải là người. Vì cớ nhị nguyên thuyết, có lẽ họ lý luận rằng một khi Ngài là thiêng liêng Ngài thực sự chẳng phải là người, nhưng chỉ tỏ ra là người.
Dù vậy, Đấng Christ vừa là Đức Chúa Trời vừa là người một cách trọn vẹn. Nếu Ngài không phải là người, Ngài không thể chết được. Nếu Ngài không chết, Ngài không thể trả giá cho tội lỗi của chúng ta. nếu Ngài không chết, Ngài không thể thực sự sống lại từ kẻ chết. Chối bỏ nhân tính trọn vẹn của Đấng Christ là vô hiệu hóa Tin Lành. Phaolô nói rõ ràng ở các câu 3-4 rằng: “Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh”.
Chúng ta biết rằng Chúa Jêsus vừa là Đức Chúa Trời vừa là người rất trọn vẹn. Ngài đã ra đời. Ngài lớn lên từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Ngài đã ăn. Ngài đã uống. Ngài biết yếu sức và phải nghỉ ngơi. Ngài đã ngủ. Ngài tỏ ra những cảm xúc. Thân thể Ngài bị đánh đòn, bị bầm tím và bị rách nát. Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài đã bị đâm. Ngài bị đổ huyết ra. Ngài chịu chết. Ngài không tỏ ra mình là con người; Ngài là con người.
Khi Chúa Jêsus lần đầu tiên xuất hiện với các môn đồ sau khi sống lại, họ tưởng Ngài là một hồn linh hay một con ma. Ngài phán với họ ở Luca 24.39: “Hãy xem tay chân ta: thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có”.
Nhiều năm về sau, rất lâu sau sự sống lại, Chúa Jêsus đã hiện ra với vị sứ đồ cao tuổi là Giăng trên hòn đảo Bát-mô. Ngài phán với người bạn thâm niên của mình: “Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ” (Khải huyền 1.17-18).
Giăng đã viết một bức thư chối bỏ tà giáo cho rằng Đấng Christ không phải là người. Ông đã nói ở 2 Giăng 7: “Trong thế gian đã rải nhiều kẻ dỗ dành, là kẻ chẳng xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà đến: ấy đó thật là kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ”.
B. HÃY XEM XÉT MỌI HẬU QUẢ CỦA MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐẤNG CHRIST PHỤC SINH.
Nếu Đấng Christ không chết đi, Ngài không thể sống lại từ kẻ chết. Điều nầy có ý nghĩa như thế nào cho thế gian? Từ một nhận định theo đời nầy, sẽ chẳng có một kỳ lễ nào là quan trọng hết. Ít nhiều gì thì chỉ có những kiệt tác của nghệ thuật và kiến trúc mà thôi. Sẽ chẳng có cách ứng xử đạo đức, lịch sự, và hợp lẽ. Mọi sự tốt lành trong thế gian đều xuất phát từ Đấng Christ. Từ một nhận định theo tôn giáo, sẽ chẳng có Cơ đốc giáo nào hết, không có nhà thờ, chẳng có muối và sự sáng trong thế gian.
Từ một nhận định theo Kinh Thánh, không có sự sống lại, chúng ta sẽ phải giữ mọi điều răn và nghi thức của Cựu Ước. Tuy nhiên, toàn bộ quan điểm của Luật pháp là tỏ ra cho chúng ta thấy chúng ta không thể giữ được Luật pháp ấy. Luật pháp kết án thực sự chúng ta là hạng tội nhân và nhơn sức riêng của mình chúng ta không làm sao sống đẹp lòng Đức Chúa Trời cho được. Luật pháp cho chúng ta thấy chúng ta đã bỏ quá dấu hiệu rồi. Êsai 64.6 chép: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi”.
Từ một viễn cảnh đời đời, nếu chẳng có sự sống lại, thì Đấng Christ không phục sinh và nếu không có sự sống lại, chúng ta chẳng có hy vọng gì về sự cứu rỗi. Chúng ta sẽ bị định cho âm phủ đời đời.
C. VÌ CÓ SỰ SỐNG LẠI, ĐẤNG CHRIST ĐÃ PHỤC SINH.
Chúng ta có minh chứng về ngôi mộ trống. Tất cả các cấp lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đều đang ở trong mồ mả của họ. Chúng ta có minh chứng của nhiều nhân chứng. Phierơ đã nhìn thấy Chúa Jêsus, mười hai môn đồ và hơn năm trăm người từng chứng kiến sau cái chết của Ngài. Giacơ cũng đã trông thấy Ngài, các sứ đồ và kế đó là Phaolô.
Còn gì nữa, chúng ta có minh chứng về quyền phép của Ngài trong đời sống của chúng ta. Ngài đã cứu chúng ta và làm biến đổi chúng ta. Chúng ta không phải là người như hiện nay và nhất định chẳng phải là người mà chúng ta sẽ trở thành. Ngài chữa lành cho chúng ta. Ngài phục hồi chúng ta. Ngài vá lại các mối quan hệ tan vỡ và những gia đình rạn nứt. Ngài chữa lành thân thể của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự bình an ở giữa mọi giông tố của cuộc sống và bảo đảm sự bình tịnh ở giữa nhiều rối loạn. Và bài hát xưa nói rõ điều nầy: “Nếu hỏi rằng Chúa sống đâu nào, rằng Chúa sống trong lòng nầy!”
II. Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì Tin Lành chẳng có ý nghĩa chi hết (câu 14a).
Câu 14 chép: “Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công…”. Chối bỏ sự sống lại là chối bỏ sự phục sinh của Đấng Christ và chối bỏ sự phục sinh của Đấng Christ là chối bỏ chính Tin Lành. Sự rao giảng Tin Lành sẽ ra “luống công”. “Luống công” ra từ chữ kenos có nghĩa là “trống không, vô ích và vô mục đích”. Từ ngữ nầy phác họa một cái bình trống. Nó có ý nói “tay không” đến mà chẳng có quà. Không có sự sống lại, Tin Lành chỉ là một cái vỏ trống không; cũng vậy, lời lẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.
Một lần nữa, các câu 3-4 cho chúng ta thấy rằng sự sống lại là cốt lõi cho Tin Lành. Không có sự sống lại, tại sao phải rao giảng chứ? Tại sao lại có nhà thờ? Tại sao phải tốn thì giờ và năng lực của chúng ta? Cơ đốc giáo sẽ chẳng có gì khác biệt với bất kỳ một tôn giáo nào khác. Cơ đốc giáo sẽ chẳng có mục đích chi hết. Tuy nhiên, vì Đấng Christ đã sống lại, Tin Lành là Tin Lành quyền phép. I Côrinhtô 1.18 chép: “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời”. Rôma 1.16 chép: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc”.
Quyền phép của sự sống lại vẫn còn tỏ ra khắp thế gian. Trên từng đại lục, trong từng quốc gia chứng cớ Ngài hằng sống đang vang dội khắp thế giới. Nhiều người đã được cứu. Nhiều đời sống đã được biến đổi. Đôi lúc chúng ta quên bẳng đi sự ấy. Chúng ta bị oanh tạc với phương tiện truyền thông tiêu cực ở đây. Hết thảy chúng ta ở một thời điểm nào đó bước vào công trường truyền giáo rồi nhìn thấy trước tiên quyền phép của Tin Lành giữa vòng những kẻ chưa hề nghe được Tin Lành trước đó.
III. Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin chúng ta cũng vô ích (câu 14b).
Một lần nữa câu 14 chép: “Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích”. Chối bỏ sự sống lại là chối bỏ đức tin của chúng ta nơi Đấng Christ. Đức tin của chúng ta giống như Tin Lành cũng bị “luống công”, cuộc sống trống vắng, giống như bề mặt của mặt trăng vậy. Nếu Đấng Christ không sống lại thì “đại sảnh đức tin” trong Hêbơrơ 11 sẽ được gọi là “đại sảnh của kẻ dại”. Tất cả những người tuận đạo, hết thảy các tín đồ nào đã chịu khổ vì Đấng Christ đã chịu khổ trong hư không. Tuy nhiên, vì Đấng Christ đã sống lại, đức tin nơi Ngài là mọi sự có giá trị. Đức tin một lần đủ cả đã được phân phát cho các thánh đồ không phải là “luống công” mà là đầy dẫy quyền phép, làm biến đổi nhiều tội nhân thành thánh đồ. Đức tin nơi Đấng Christ sẽ đưa bạn qua hết thảy giông tố của cuộc sống, thậm chí qua cả sự chết nữa. Tôi thích câu chuyện nói tới hai người tuận đạo sắp sửa bị ăn thịt trong hang sư tử. Một kẻ mù và người kia thì què. Người nầy nói với người kia: “Hãy vui vẻ lên anh, chúng ta sắp được chữa lành rồi”.
IV. Lại nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì chúng tôi đã làm chứng trái với Đức Chúa Trời (câu 15).
Câu 15 chép: “Lại nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì Đức Chúa Trời đã chẳng khiến Đấng Christ sống lại, mà chúng tôi đã làm chứng trái với Đức Chúa Trời rằng Ngài đã làm cho Đấng Christ sống lại, té ra chúng tôi làm chứng dối cho Đức Chúa Trời”.
Chối bỏ sự sống lại là chối bỏ tất cả những ai lo rao giảng Tin Lành. Hết thảy những ai làm chứng cho thân thể phục sinh của Đấng Christ sẽ bị phác hiện ra là kẻ nói dối. Nghĩa là họ rất khó tin một khi họ đến với cùng một câu chuyện và lo thuyết phục nhiều người.
Còn gì nữa, hết thảy họ đã chịu khổ rất khủng khiếp về việc làm chứng nầy. Loại người nào mãi lo nói dối, phí mạng sống của họ lo rao truyền chứng cớ ấy, chẳng nhận lãnh tiền bạc hay đền bù nào hết, bị thế gian chối bỏ và bị hành hình? Sự hy sinh của họ chỉ ra sự thật của những điều mà họ đã làm chứng cho.
Chối bỏ sự sống lại của Đấng Christ không những là chối bỏ các vị sứ đồ và những chứng nhân, mà còn chối bỏ hết thảy những người khác, là những người lo rao giảng Đấng Christ trải qua nhiều thế kỷ. Augustine, Jerome, Luther, Calvin, Gill, Edwards, Spurgeon, bảng danh sách còn dài … hết thảy họ đều là những tay bịp bợp nếu Đấng Christ không sống lại. Cái điều hợp lý theo sau, ấy là nếu điều nầy là thực thì chính Đấng Christ là kẻ nói dối, hay ít nhất là phạm sai lầm rất trầm trọng. C.S. Lewis đã viết rằng Đấng Christ đã để lại cho chúng ta chỉ có ba quan niệm nói về Ngài. Một, Ngài là kẻ nói dối, hai là mất trí, và ba là Chúa. Tuy nhiên, vì Đấng Christ đã sống lại, sự rao giảng Tin Lành không phải là “làm chứng dối” mà là quyền phép của Đức Chúa Trời làm thay đổi nhiều đời sống.
V. Lại nếu kẻ chết không sống lại, chúng ta không được cứu (các câu 16-17).
Chối bỏ sự sống lại là chối bỏ ơn cứu rỗi cho con người. Ở câu 16, Phaolô lặp lại phần bàn luận chính của ông: “Vì nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa”. Khi ấy ông tiếp tục chỉ ra ở câu 17: “Và nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình!” “Vô ích” là chữ mataios, “không thực, không thành công, không kết quả – vô dụng, vô mục đích”. Nếu Đấng Christ không sống lại, bạn vẫn “còn ở trong tội lỗi mình”. Bạn bị hư mất cho đến đời đời và chẳng có hy vọng gì tránh thoát sự đọa đày đời đời trong địa ngục.
Ngày 29/10/1929 được gọi là “Thứ Sáu Đen”. Vào ngày nầy thị trường chứng khoán sụp đổ. Giá cả tuột liên tục. Nhiều ngân hàng đóng cửa. Hàng triệu người Mỹ mất hết tiền tiết kiệm của họ. Những nhà tài chính mất thật nhiều tiền, nhiều người trong số họ đã kết thúc đêm ác mộng bằng một viên đạn vào đầu hay bằng một cú nhảy qua cửa sổ Wall Street. Hàng triệu người mất việc làm. Họ đã đi khắp xứ trên những chiếc xe lửa chở hàng hóa để tìm việc làm. Một số đứng bán táo trên các góc phố. Những dòng người xếp hàng ăn cháo được thấy có trên từng thành phố. Sự phá sản của thị trường chứng khoán đưa xứ sở đến chỗ đình trệ, giờ kinh tế tối tăm nhất mà xứ sở chúng ta đã từng nhìn biết. Nó tạo ra nhiều làn sóng gây sốc khắp thế giới.
Hãy tưởng tượng xem, nếu tờ giấy nầy sáng nay với mọi tin tức trên truyền hình và internet rao giảng sứ điệp cho rằng phần còn lại của thân thể Đấng Christ đã được tìm thấy. Có lẽ bạn nhớ tới sự náo động cách đây một thời gian khi mồ mả của Giacơ em Chúa Jêsus đã được tìm ra. Hãy tưởng tượng xem, nếu thuộc về họ là minh chứng ADN dẫn tới minh chứng kết luận rằng Chúa Jêsus ở Nazarét không sống lại từ kẻ chết, không thăng thiên về trời, song đã chết mất và cứ chết mãi giống như bao người khác!?!
Đâu là kết quả? Điều nầy sẽ còn là tàn phá nhiều hơn “Thứ Sáu Đen” kia. Hy vọng của chúng ta sẽ mất đi cho đến đời đời. Sẽ chẳng có sự cứu rỗi chi hết. Chúng ta sẽ hư mất y như kẻ tà giáo bẩn thỉu nhất. Đức tin của chúng ta sẽ được chứng minh là “luống công”, tuyệt đối là vô giá trị. Tuy nhiên, viễn cảnh ấy không hề xảy ra vì Đấng Christ đã sống lại ra khỏi mồ mả và đã thăng thiên về trời. Giờ đây, Ngài đang ngồi bên hữu của ngai Đức Chúa Trời. Vì Ngài đã sống lại, chúng ta có sự cứu rỗi. Các thánh đồ của nhiều thế kỷ qua đã vang dội điệp khúc vui mừng: “Ngài đã sống lại; Ngài thực đã sống lại!”
VI. Nếu kẻ chết không sống lại, những tín đồ đã qua đời phải hư mất (câu 18).
Câu 18 chép: “Vậy, những kẻ ngủ trong Đấng Christ cũng phải hư mất đời đời”. “Hư mất” là một từ nghe rất mạnh. Từ ngữ nầy ra từ chữ appollumai có nghĩa là “bị hủy diệt, bị thủ tiêu, bị hủy hoại”. Chối bỏ sự sống lại là nói rằng hết thảy những ai đã chết với lòng tin nơi Đấng Christ đã bị hủy diệt hoàn toàn và đời đời.
Điều nầy sẽ có nghĩa là toàn bộ Kinh Thánh là một lời dối trá cả thể. Nói như thế có nghĩa là hết thảy các thánh đồ của Đức Chúa Trời không những đã tin theo một lời dối trá, mà giờ đây còn ở trong một tình trạng hủy diệt trong địa ngục đời đời. Ápraham, Y-sác, Gia-cốp, Môise, Giôsuê, David, Đaniên, Êsai, Giêrêmi, Phierơ, Giacơ, Giăng và bản thân Phaolô hiện đang bị nung đốt với những ngọn lửa đời đời nếu kẻ chết chẳng sống lại.
Từng Cơ đốc nhân thuộc mọi thời đại cũng sẽ bị “hư mất” nữa. Nếu kẻ chết không sống lại, những ngục tối địa ngục đầy những người như các cấp lãnh đạo Cơ đốc như Augustine, Luther, Calvin, Wesley, Edwards, Whitfield, Moody và nhiều người khác nữa.
Còn nữa, những người thân của bạn, những kẻ “ngủ trong Đấng Christ”, những người thân đã qua đời đã tin theo Đấng Christ cũng còn ở trong chỗ hành hình. Những bà mẹ, người cha, ông bà, và bạn hữu, họ đã đặt đức tin của mình nơi Đấng Christ đã chết đều nhìn thấy tin như thế là vô giá trị.
Ngợi khen Đức Chúa Trời, kẻ chết được sống lại và Đấng Christ đã phục sinh! Tôi có sự bảo đảm về việc gặp gỡ những người thân yêu dấu của mình một lần nữa. Tôi sẽ gặp lại mẹ tôi, không phải tiều tụy trong đau khổ, mà trong một thân thể trọn vẹn nguyên lành. Tôi sẽ bước đi với ông bà của tôi y như tôi đã bước đi khi tôi còn là một thiếu niên. Tôi sẽ bước đi với Charles Spurgeon. Tôi sẽ hát những bài ca ngợi khen với chính Phaolô!
Cho phép tôi chia sẻ với bạn một trong những câu Kinh Thánh mà tôi rất ưa thích. I Têsalônica 4.13-18 chép: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau”.
Khi tôi thi hành tang lễ bên mồ mả, hầu như tôi luôn trưng dẫn mấy câu Kinh Thánh nầy. Tôi nhắc cho dân sự nhớ rằng chúng ta đang đứng trên phần “đất của sự sống lại”. Một ngày kia, nhiều mồ mả sẽ được mở ra. Vì giống như Đấng Christ đã sống lại, những kẻ tin theo Ngài cũng sẽ sống lại nữa!
Thật yên ủi dường bao khi biết rõ lúc chúng ta nói tạm biệt với một tín đồ, chúng ta không nói mãi cho đến đời đời, mà chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi! Nếu bạn nhìn biết Đấng Christ và những người thân của bạn vốn nhìn biết Ngài, bạn sẽ được tái hiệp một ngày kia. Cựu Ước mô tả sự chết của các vị tộc trưởng như đang “quy về với tổ phụ mình”. Ở sự chết, chúng ta cũng sẽ nhóm lại với người của mình, tất cả những người thuộc về Đức Chúa Trời.
VII. Nếu kẻ chết không sống lại, những tín đồ là khốn nạn hơn hết (câu 19).
Câu 19 chép: “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết”. “Khốn nạn” ra từ chữ eleeinos và được sử dụng chỉ một lần khác trong Kinh Thánh. Khi tham khảo đến Hội Thánh Laođixê, Chúa Jêsus phán ở Khải huyền 3.17: “Vả, ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ”. Vì vậy, ý nghĩa là khốn nạn, đáng thương.
Tôi không thích thương hại, còn bạn thì sao? Tuy nhiên, chối bỏ sự sống lại là tự đặt mình vào chỗ để được thương hại. Chối bỏ sự sống lại là chối bỏ quyền phép của Đấng Christ. “Hy vọng” nơi Chúa Jêsus nếu chỉ “trong đời nầy mà thôi”, hết thảy chúng ta đều sẽ khốn nạn lắm. Tại sao?
Không có sự sống lại, chúng ta chẳng có một Cứu Chúa nào hết, không có sự tha thứ, chẳng có Tin Lành, không có đức tin nào có ý nghĩa, chẳng có sự sống và không có hy vọng cho bất cứ việc gì trong những việc nầy. Không có sự sống lại, Kinh Thánh là một quyển sách dối trá. Không có sự sống lại, Hội Thánh là vô mục đích, hãy đóng cửa nhà thờ đi, hãy bán quách tài sản ấy, rồi gửi tiền vào viện nghiên cứu ung thư hay chỗ nào đó sẽ giúp chúng ta sống lâu hơn vì không có sự sống lại thì chẳng có hy vọng vì ở đời sau.
Không có sự sống lại, thì chẳng có gì tuyệt đối nữa. Chúng ta nên làm điều chi mà lòng mình ao ước. Chúng ta sẽ “ăn, uống và cứ sung sướng đi rồi ngày mai chúng ta sẽ chết”. Vì chúng ta chẳng có hy vọng gì về ngày mai, chúng ta sẽ thỏa mãn trong từng ham muốn của xác thịt. Chúng ta nên nói dối, lừa đảo và cướp bóc chẳng cần biết đến hậu quả vì đời nầy chỉ kết thúc trong một thời gian ngắn nữa thôi và nó sẽ qua đi. Sống cho Đấng Christ trong đời nầy chỉ hoàn toàn là rồ dại thôi. Không có sự sống lại, dạy dỗ, rao giảng, làm chứng, bố thí, chịu khổ, hy sinh và làm việc hoàn toàn là hư không. Đời sống của chúng ta sẽ phí mất đi trên những lời hứa trống rỗng.
Tuy nhiên, vì Đấng Christ đã sống lại, chúng ta không phải bị khốn nạn. Chúng ta không phải bị khốn nạn vì bởi ân điển Ngài chúng ta sẽ không bị định đi địa ngục; thay vì thế chúng ta sẽ sống đời đời trên thiên đàng. Rôma 8.1 chép: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ; họ không bước theo xác thịt, nhưng bước theo Thánh Linh”. Chúng ta không phải bị khốn nạn vì đời sống chúng ta có ý nghĩa và mục tiêu đích thực theo sự tể trị của Đức Chúa Trời. Rôma 8.28-29 chép: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em”.
Chúng ta không bị khốn nạn vì dù đời nầy có khó nhọc, chúng ta có “sự bình an vượt quá mọi suy tưởng” (Philíp 4.7). Chúng ta không bị khốn nạn vì quyền phép cứu chúng ta đang nâng đỡ chúng ta và ban vinh hiển cho chúng ta. Phaolô đã cầu nguyện ở Êphêsô 1.18-20 rằng: “lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao, và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình, mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời”. Chính quyền phép ấy đã làm cho Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết đang tác động trong chúng ta lúc bây giờ!
Chúng ta không bị khốn nạn vì chúng ta không phục vụ một ông chủ chết mà là Chúa hằng sống! Vì thế, bạn thấy đấy, mọi sự chúng ta đang nắm giữ, mọi sự cung ứng mục đích cho đời sống chúng ta đang bám chặt vào sự sống lại. Lẽ đạo nói tới sự sống lại là trọng tâm đức tin của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét