Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 15.29-34: "Tác động từ sự sống lại"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Tác động từ sự sống lại
I Côrinhtô 15.29-34
Từ ngữ “tác động” được xác định là “cung ứng với một sự động viên; bước vào hành động; thúc đẩy”. Từ nầy mang ý tưởng kích thích hay thôi thúc luôn. Một từ đồng nghĩa là khuyến khích điều chi có ý tưởng gốc nói tới một người sẽ “chỉnh âm” cho các nhạc sĩ khác ca hát hay đánh đàn. Có nhiều loại tác động mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Chúng ta bị những biển quảng cáo tác động phải mua sắm. Chúng ta bị tác động phải làm mất cân vì những lưu tâm đến sức khỏe. Chúng ta bị tác động phải đầu tư vì cớ tiền bạc của chúng ta phải quay vòng. Chúng ta bị tác động phải chịu khó làm việc vì cớ tiền lương tăng và sự nghiệp thăng tiến.
Tuy nhiên, có phải bạn xét thấy có những tác động thuộc linh nữa không? Chúa Jêsus đã hứa rằng nếu chúng ta sống thành tín với Nước của Ngài, chúng ta sẽ được ban thưởng vào cuối kỳ. Ngài đã phán: “Chủ nói với người rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Mathiơ 25.21).
Phaolô vốn hiểu rõ tác động của phần thưởng ở trên trời. Ngài phán trong Philíp 3.13-14: “Hỡi Anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ”.
Phierơ cũng bị tác động bởi một cơ nghiệp đời đời. Ông đã viết ở I Phierơ 1.3-4: “Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em”.
Dù vậy, đây là tư tưởng tôi muốn chúng ta phải suy gẫm hôm nay: lẽ đạo của chúng ta, chúng ta tin gì về Đấng Christ và đặc biệt chúng ta tin gì về sự sống lại đang tác động chúng ta. Những gì chúng ta tin quyết định cách chúng ta sinh sống. Thí dụ, hãy xem người Sađusê, một trong hai nhóm nắm lấy quyền lực tại thành Jerusalem suốt kỷ nguyên Tân Ước. Họ là những người phóng khoáng trong thời của họ và chối bỏ những sự xưng nhận siêu nhiên, lạ lùng của Kinh Thánh. Họ chối bỏ sự hiện hữu của hàng thiên sứ. Quan trọng nhất, họ đã chối bỏ sự sống lại. Một ngày kia, họ đến với Chúa Jêsus để thử Ngài. Họ dựng nên một tình huống có tính giả thuyết, trong đó có một người chết không con cái. Theo tục lệ của người Do thái, em của người khi ấy sẽ lấy góa phụ để sanh con cái cho người anh quá cố của mình. Lúc đó người em cũng chết, vì thế người em khác lấy nàng làm vợ. Việc nầy cứ tiếp tục cho tới người sau cùng trong bảy anh em. Nếu tôi là người em út đó, tôi sẽ bỏ chạy trốn khỏi người đàn bà ấy! Thiển cận mà tự mãn, người Sađusê hỏi Chúa Jêsus nàng kia sẽ là vợ ai khi có sự sống lại. Chúa Jêsus đã nghiêm khắc đáp cùng họ: “Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh, và cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời thể nào. Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy. Các ngươi há không đọc lời Đức Chúa Trời phán về sự sống lại của kẻ chết rằng: Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao? Đức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống” (Mathiơ 22.29-32).
Chúa Jêsus phán “Ta là”. Ngài đã phán dứt khoát ngay khi ấy rằng, trong thời hiện tại đó Ápraham, Ysác và Giacốp hãy còn sống và Ngài là Đức Chúa Trời của họ. Họ chỉ trông đợi đến thời điểm khi thân thể họ sẽ được sống lại. Vì người Sađusê chối bỏ không tin nơi sự sống lại, họ không bị tác động để tin theo Đấng Christ. Sự chối bỏ sự sống của họ sau khi chết đã khiến họ làm theo điều chi họ đẹp lòng mà chẳng nghĩ gì đến sự phán xét hầu đến cả.
Trong các tuần lễ qua, chúng ta đã nhấn mạnh sự thực, ấy là sự sống lại chính là trọng tâm của Cơ đốc giáo. Chối bỏ sự sống lại theo phần xác của Đấng Christ và mọi tín đồ là cắt đứt phần rễ cái của đức tin. Rõ ràng, một số sự dạy giả dối trong Hội Thánh Côrinhtô đã khiến cho một số Cơ đốc nhân ở đó phải đâm hồ nghi về sự thực của sự sống lại. Ở các câu 12-19, Phaolô cung ứng cho họ bảy hậu quả nếu không có sự sống lại.
1. Nếu chẳng có sự sống lại, Đấng Christ không sống lại (câu 13).
2. Nếu chẳng có sự sống lại, thì giảng Tin Lành là luống công (câu 14a).
3. Nếu chẳng có sự sống lại, đức tin của tín đồ là vô ích (câu 14b).
4. Nếu chẳng có sự sống lại, những kẻ rao giảng Tin Lành là hạng người nói dối (câu 15).
5. Nếu chẳng có sự sống lại, những người tin Chúa không được cứu mà vẫn còn ở trong tội lỗi của họ (các câu 16-17).
6. Nếu chẳng có sự sống lại, hết thảy những ai đã chết trong sự tin cậy Đấng Christ đều bị hư mất (câu 18).
7. Nếu chẳng có sự sống lại, trong mọi người Cơ đốc nhân là kẻ khốn nạn hơn hết (câu 19).
Ở các câu 20-28, Phaolô lập biểu đồ của sự sống lại. Ông nhắc cho độc giả của ông hiểu rằng Đấng Christ là “trái đầu mùa” của hết thảy những ai sẽ được sống lại. Tuy nhiên, vẫn có một thời điểm khi tất cả người tin Chúa sẽ được kêu gọi ra khỏi mồ mả và thân thể họ sẽ được biến đổi. Sau đó, Phaolô quyết chắc với chúng ta Đấng Christ sẽ trị vì làm Vua trên mọi loại thọ tạo rồi “đặt mọi sự dưới chơn Ngài”. Câu 28 là một trong những câu nói quan trọng nhất trong Kinh Thánh. Câu nầy nói cho chúng ta biết: “Khi muôn vật đã phục Ngài, thì bấy giờ chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự”. Đấng Christ sẽ giao lại cho Đức Chúa Cha một cõi thọ tạo đã được chuộc và dâng mọi vinh hiển cho Ngài. Với sự kiện đó, trong phần Kinh thánh hôm nay, chúng ta sẽ xem xét ba phương thức mà niềm tin nơi sự sống lại sẽ tác động vào chúng ta hôm nay.
I. Sự sống lại tác động vào chúng ta để được cứu (câu 29).
A. ĐÂY LÀ MỘT CÂU NÓI GÂY HOANG MANG.
Câu 29 chép: “Bằng chẳng vậy, những người vì kẻ chết chịu phép báp tem sẽ làm chi? Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp tem?” Trở lại một chút, khi chúng ta bắt đầu chương 15, có người đến nói với tôi: “Tôi rất sung sướng khi chúng ta sau cùng đã đến với chương nầy vì tôi luôn muốn am hiểu câu 29”. Đáp ứng của tôi là: “Tôi cũng vậy đó!” Phải nhìn nhận đây là một câu rất khó hiểu.
Có người kết luận rằng câu nầy muốn nói rằng người sống có thể thể hiện ơn cứu rỗi của người chết qua sự ủy nhiệm hay qua phép báptêm thay thế. Về mặt cơ bản, nếu một người thân qua đời mà không có Đấng Christ, người khác có thể chịu báptêm bằng tên tuổi của họ rồi bảo đảm họ được cứu đời đời. Sự thể nầy đã được những kẻ theo dị giáo đời xưa cũng như cách thực hành cứ tiếp diễn trong hệ phái Mormon ngày nay. Họ đã chọc tức người Do thái trên khắp thế giới cách đây mấy năm bằng phép báptêm thay thế cho những nạn nhân bị xử chết bằng hơi ngạt. Điều nầy giống với việc bán bùa xá tội của Giáo hội Công giáo Lamã, sự việc đã giúp khuấy động Công cuộc Cải chánh vào thế kỷ thứ 16.
Có một số câu rất khó khăn được thấy có trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy tiếp thu một bài học phải tiếp cận chúng theo phương thức sao cho thích ứng! Thứ nhứt, chúng ta không được võ đoán về việc gì mà chúng ta chưa dám chắc. Chúng ta không nên đưa ra những giả định rồi xây dựng học thuyết trên những gì là chưa rõ ràng. Thứ hai, chúng ta phải lấy Kinh Thánh giải thích Kinh Thánh. Nói cách khác, khi chúng ta đến với một việc gì đó mà chúng ta chưa hiểu rõ, chúng ta sánh điều đó với những gì chúng ta hiểu rõ ràng. Chúng ta hãy làm như thế với câu nầy.
Trước tiên, chúng ta biết rằng phép báptêm không cứu được ai hết, dù sống hay đã chết. Kinh Thánh không dạy sự tái sanh qua phép báptêm. Kinh Thánh phán rõ ràng ở Êphêsô 2.8-9: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”. Chúng ta được cứu nhờ chỉ một mình ân điển trong Đấng Christ đến với sự vinh hiển của một mình Đức Chúa Trời. Phép báptêm là một dấu hiệu bề ngoài của sự biến đổi bên trong nầy. Trong Hội Thánh đầu tiên, muốn trở thành Cơ đốc nhân thì phải chịu phép báptêm. Tuy nhiên, các vị sứ đồ chưa hề dạy rằng phép báptêm đem lại sự cứu rỗi.
Thứ hai, không một người nào có thể tác động vào ơn cứu rỗi của người khác. Chúng ta ước ao rất nhiều cho người thân yêu của mình được cứu, chúng ta không làm được điều chi để khiến họ được cứu. Chúng ta có thể làm chứng, cầu nguyện và khích lệ họ trong từng phương thức, nhưng mỗi người phải xử lý với Đức Chúa Trời theo cách riêng. Rôma 14.12 chép: “Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời”.
Vì vậy để giải thích câu nầy, trước tiên chúng ta phải áp dụng những gì chúng ta đang biết rõ. Chúng ta biết rõ là phép báptêm không thể cứu được ai. Vì thế, chúng ta biết rõ chúng ta không thể tạo ra ơn cứu rỗi của người chết bằng cách chịu phép báptêm thay cho họ. Cho nên, câu nầy có ý nói tới một việc khác kia. Một cách giải thích khả thi và là cách giải thích dường như có ý nghĩa nhiều nhất đối với tôi ấy là chữ “vì” như trong “vì những kẻ ấy mà chịu báp têm”, có thể được dịch theo cách khác. Từ Hylạp có ý bóng bẩy hơn. Từ ấy có thể được dịch là “vì cớ”. Thay vì ám chỉ người tin Chúa phải chịu phéptêm thay cho người quá cố, ý nghĩa có thể là người tin Chúa đó đã được cứu, vì thế chịu báptêm vì cớ sự làm chứng của những người tin Chúa kia đã qua đời.
B. ĐỨC CHÚA TRỜI SỬ DỤNG SỰ LÀM CHỨNG CỦA KẺ CHẾT ĐỂ RAO GIẢNG TIN LÀNH.
Nhiều người vô số đã đến với Đấng Christ vì cớ sự làm chứng của những tín đồ kia, họ đã sống cách trung tín rồi đã qua đời trong Đấng Christ. Sự hiện diện của họ đã không còn nữa, nhưng sự làm chứng của họ đang sống động luôn như thức hương ngào ngạt ở trong phòng. Hêbơrơ 11.4 cung ứng một câu nói quan trọng về Abên trung tín, ông đã bị giết chết bởi anh mình là Cain. Kinh Thánh chép: “…dầu người chết rồi vẫn còn nói”.
Êtiên, nhà lãnh đạo lỗi lạc, là giáo sư và là nhà tuận đạo đầu tiên của Hội Thánh đã kêu lớn tiếng khi ông bị ném đá đến chết ở Công Vụ các Sứ đồ 7.60: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” Chắc như in, khi ấy một thanh niên có tên là Saulơ đã chứng kiến điều nầy và đã nghe thấy sự làm chứng của Êtiên. Có lẽ Đức Chúa Trời đã sử dụng sự làm chứng của Êtiên để làm ray rứt tấm lòng của một nhân vật sẽ trở thành Sứ đồ Phaolô.
Vào lứa tuổi thanh thiếu niên của tôi, một trong những người bạn cùng đội bóng chày và người anh của bạn ấy đã chết thảm khi xe hơi của họ phải trượt ở dưới lườn của xe rờ-moọc. Cả hai thanh thiếu niên ấy đều là Cơ đốc nhân và tại tang lễ của họ Tin Lành đã được rao giảng rất rõ ràng. Vài người đã đến với Đấng Christ như một kết quả của sự họ làm chứng. Mỗi lần tôi giảng một sứ điệp trong tang lễ, tôi tìm cách chia sẻ Tin Lành. Nếu người quá cố là một tín đồ, chúng ta vui mừng trước sự thực chúng ta sẽ lại gặp nhau ở phía bên kia. Nếu tôi không dám chắc về sự làm chứng của kẻ chết, tôi nói cho người ta biết rằng nếu người ấy có thể trò chuyện lại với bạn, chắc chắn người sẽ nói cho bạn biết rằng bạn cần phải tin cậy Đấng Christ. Tuyệt đối đấy là một câu nói rất chính xác. Nếu bạn nghi ngờ tôi, hãy đọc về người giàu trong âm phủ ở Luca 16.
Một vị Mục sư đã viết về một phụ nữ Cơ đốc trung tín kia, bà nầy đã làm chứng cho người chồng không tin trong hai mươi năm trời. Bà ấy qua đời mà chưa nhìn thấy chồng mình đến với Đấng Christ. Ở tang lễ của bà, Tin Lành đã được trình bày rất rõ ràng. Sau buổi lễ, người chồng buồn rầu kia đến với Mục sư rồi nói: “Tôi muốn được cứu. Tôi tin. Tôi không thể mang lấy tư tưởng của việc bị phân rẽ ra khỏi bà ấy cho đến đời đời”. Vì thế, có lẽ đây là ý nghĩa của câu nầy. Có người đã được cứu và vì thế chịu phép báptêm vì cớ người chết. Dù họ đã qua đời, đức tin của họ nơi Đấng Christ hãy còn nói.
C. SỰ SỐNG LẠI CUNG ỨNG CHO CHÚNG TA HY VỌNG VỀ NHỮNG KẺ ĐÃ CHẾT TRONG ĐẤNG CHRIST.
Phaolô đã viết ở I Têsalônica 4.13-14: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài”. Vì chúng ta tin nơi sự sống lại, chúng ta không buồn rầu như những kẻ chẳng có sự trông cậy.
D. SỰ SỐNG LẠI BUỘC CHÚNG TA PHẢI ĐƯỢC CỨU.
Có lẽ đây là lẽ thật quan trọng nhất tôi sẽ chia sẻ với bạn hôm nay. Vì có sự sống lại, vì có sự sống sau khi chết, bạn phải được cứu. Hêbơrơ 9.27 chép: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét”. Đừng đặt đức tin của bạn vào tôn giáo hay các nghi thức. Những việc ấy chẳng thể giúp gì cho bạn. Chỉ có Đấng Christ mới có quyền cứu bạn thôi. Nếu bạn chưa được cứu, hay không dám chắc về sự cứu rỗi, tốt hơn bạn nên tỉnh thức và suy nghĩ về thắc mắc quan trọng nhất trong đời sống của bạn. Nếu bạn sắp qua đời hôm nay, bạn có dám chắc điều chi sẽ xảy ra cho bạn chăng?
II. Sự sống lại tác động chúng ta phục vụ (các câu 30-32).
A. PHAOLÔ ĐÃ CHỊU KHỔ TRONG KHI ÔNG PHỤC VỤ ĐẤNG CHRIST (các câu 30-32a).
Phaolô nói ở câu 30: “Lại sao chính mình chúng tôi giờ nào cũng ở trong sự nguy hiểm?” Từ ngữ được dịch “nguy hiểm” ở đây không ám chỉ đến một trò chơi nào, mà chỉ nói tới nguy hiểm. Không giống như phần lớn sự chúng ta phục vụ Đấng Christ, chức vụ của Phaolô đã đặt ông vào một sự liều lĩnh thường trực. Hầu như “từng giờ” trong ngày ông đều ở trong sự hiểm nguy. Hãy xem xét phần làm chứng của ông ở II Côrinhtô 11.23-28: “Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là kẻ hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh”.
Trở lại phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta ở câu 31, ông nói: “Hỡi anh em, tôi chết hằng ngày, thật cũng như anh em là sự vinh hiển cho tôi trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta”. Rõ ràng, ông không có ý nói tới sự chết theo phần xác, mà thay vì thế, ông đã chết đối với bản ngã của ông. Ông đặt sự chết cho những ham muốn của chính xác thịt ông để ông lo hầu việc Đấng Christ và Hội Thánh của Ngài. Phaolô rất vô kỷ nơi phần các môn đồ của ông, đặc biệt các tín hữu thành Côrinhtô nầy, ông đang “khoe” về họ.
Ông đã nói ở Galati 2.20: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”. Chính mình Chúa Jêsus đã phán ở Luca 9.23: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta”. Phaolô tiếp tục nói ở câu 32: “Nếu tôi theo cách loài người mà đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” Chúng ta không biết cụ thể Phaolô có “đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô” hay không hay ông đang nói theo nghĩa bóng ông đang nổi loạn và đám đông hùng hục kia đang đòi huyết của ông.
Phaolô không chỉ có một mình trong những sự ông chịu khổ. Chúng ta tiếp thu những báo cáo hàng tuần về các giáo sĩ dũng cảm cùng những nhà lãnh đạo Hội Thánh trên khắp thế giới, họ dâng mình cho Đấng Christ và nhịn chịu đau khổ và chết chóc vì cớ Tin Lành. Chỉ có thiên đàng mới tỏ ra hàng triệu thánh đồ nào đã chịu khổ để phục vụ cho Cứu Chúa.
B. TẠI SAO NGƯỜI TA CHỊU KHỔ TRONG KHI PHỤC VỤ ĐẤNG CHRIST NẾU KHÔNG CÓ SỰ SỐNG LẠI? (câu 32b).
Mục đích của Phaolô rất rõ ràng: “Nếu kẻ chết chẳng sống lại…” sao lại băn khoăn? Tại sao phải nhịn chịu mọi sự ông đã gánh chịu nếu chẳng có sự sống lại. Tại sao phải từ bỏ mọi sự để hầu việc Đấng Christ nếu khi bạn chết thì mọi sự sẽ qua đi hết? Tại sao không “ăn, uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết?” Đấy là lối lý luận của thế gian. Đấy là triết lý bên ly rượu bia. Nếu chẳng có sự sống nào sau khi chết, thế thì chẳng có một tác động đời đời nào về đời nầy cả. Nên chi chúng ta hãy ăn bất cứ thứ chi chúng ta muốn, uống thứ gì chúng ta khoái, ngủ với bất cứ ai chúng ta cần và làm bất cứ chi chúng ta thích vì khi đời nầy qua đi, thì hết thảy sẽ qua đi.
Triết lý nầy kích thích thế giới hậu hiện đại của chúng ta. Họ cho rằng chúng ta hết thảy có mặt ở đây là do một sự tình cờ. Chúng ta đã tiến hóa từ những hình thái kém cõi hơn và khi chúng ta qua đi vũ trụ sẽ cứ tiếp tục tiến hóa. Chúng ta chỉ là bụi đất ở trong gió thôi. Kết quả là, lẽ thật duy nhứt là lẽ thật chúng ta chọn tin theo. Đạo đức duy nhứt là bộ luật tư riêng mà chúng ta đang chọn lấy. Chúng ta không xét đoán người khác. Chúng ta sống và cứ sống vì chúng ta hết thảy sẽ phải chết mất và đấy là sự cuối cùng.
Bạn có thấy chúng ta tin điều gì sẽ quyết định cách chúng ta sống không? Tuy nhiên, khi chúng ta tin chúng ta là những linh hồn đời đời được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta đang có một thế giới quan khác biệt rất triệt để. Chúng ta chịu trách nhiệm về mọi hành động của chúng ta. Chúng ta hiểu những gì chúng ta làm không chỉ tác động vào người khác trong lúc bây giờ, mà còn tác động trong cõi đời đời nữa.
III. Sự sống lại tác động chúng ta để được nên thánh (các câu 33-34).
A. ĐỨC CHÚA TRỜI KÊU GỌI CHÚNG TA PHẢI NÊN THÁNH.
Từ ngữ nên thánh đề cập tới công việc của Đức Chúa Trời trong sự biến đổi chúng ta trong Đấng Christ. Nếu bạn đã được cứu, bạn đang ở trong tiến trình được nên thánh. Đây là công việc tối thượng của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta cộng tác với Đức Chúa Trời bằng cách sống vâng phục Ngài.
Chúng ta nói chúng ta “nuôi dạy” con cái mình. Theo cách nói ấy, chúng ta muốn nói rằng chúng ta giúp nắn đúc chúng khi chúng lớn lên từ thuở thơ ấu đến trưởng thành. Chúng ta dạy dỗ, huấn luyện và đề ra những đường biên giới. Chúng ta nuôi dạy chúng. Một số con cái rất dễ dạy. Chúng biết cộng tác và vâng lời. Nhiều đứa khác thì cứng đầu và rất khó dạy. Theo ý nghĩa rộng hơn, sự nên thánh là hành động của Đức Chúa Trời đang nuôi dạy chúng ta lớn lên về mặt thuộc linh. Giống như con cái của chúng ta, chúng ta có thể làm cho tiến trình đó ra dễ dàng hay khó khăn hơn. Được nên thánh có nghĩa là học biết bước đi trong sự thánh khiết và công bình. Như thế có nghĩa là những gì chúng ta tin theo đang mô tả cách chúng ta sinh sống. Nói như thế có nghĩa là đang đầy dẫy Đức Thánh Linh và đồng đi với Đức Thánh Linh. Nói như thế có nghĩa là ngày càng trở nên giống như Chúa Jêsus hơn.
B. ĐỨC CHÚA TRỜI KÊU GỌI CHÚNG TA ĐỪNG ĐỂ BỊ DỐI GẠT VỀ ĐỜI NẦY (câu 33).
Giờ đây, hãy lưu ý câu 33: “Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt”. Nói như vầy có nghĩa là đừng dại dột. Đừng tự lừa mình. Galati 6.7 chép: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. Có nhiều người xưng mình là Cơ đốc nhân đã bị thế gian dối gạt. Họ chẳng biết phân biện chi hết. Họ vặn TV lên rồi tắt đi não bộ của họ. Họ uống lấy những lời dối trá của một xã hội băng hoại rồi nghĩ điều ấy sẽ chẳng tác động đến họ. Họ nghĩ sống trung tín trong một nhà thờ hay trong một lớp học Kinh Thánh có nghĩa là họ sẽ chẳng bị ảnh hưởng. Một lần nữa: “Chớ hế dối mình”.
Từ ngữ “xấu” nầy ra từ một chữ có ý nói “nhíu lại hay teo đi”. Đây là một hình ảnh nói tới một cây hay bụi gai đã chết đi hay héo khô rồi. “Bạn bè” ra từ chữ homila, từ nầy có ý nói một hội đoàn hay một bài giảng. Chúng ta có chữ “homiletics” (thuyết giáo) từ chữ nầy đây. Cho nên “bạn bè xấu” có thể ám chỉ đến cả hai: con người và sự dạy “làm hư” người tin Chúa và làm co lại sự sống thuộc linh của người.
Liên tục gắn bó với “bạn bè xấu” dù là với con người hay với phương tiện truyền thông sẽ luôn luôn làm hư hỏng các “thói nết tốt”. Sự gắn bó đó sẽ làm thay đổi nghĩ suy, cách ứng xử và hiển nhiên và những niềm tin của chúng ta. Tôi dám chắc bạn đã kinh nghiệm điều nầy rồi. Tôi dám chắc đã có những lúc trong cách ăn ở Cơ đốc của bạn, khi bạn nung nấu vì Đức Chúa Trời. Bạn đã ở trên ngọn lửa về mặt thuộc linh. Tấm lòng bạn phủ lút với tình yêu dành cho Đấng Christ và dân sự của Ngài. Nhưng tôi cũng chắc rằng có những lúc khi ngọn lửa cháy thấp xuống. Có thể bạn đang thổi riu riu những viên than hồng sự sống thuộc linh của bạn trong lúc bây giờ. Tại sao điều nầy xảy ra? Vì chúng ta bị quyến rũ xa khỏi những vụ việc của Đức Chúa Trời bởi hội đoàn quá dễ dãi của thế gian. Chúng ta rất dễ bị sa bại.
C. ĐỨC CHÚA TRỜI KÊU GỌI CHÚNG TA PHẢI TỈNH BIẾT, THEO CÁCH CÔNG BÌNH (câu 34).
Phaolô phát ra lời kêu gọi phải tỉnh thức. Ông nói ở câu 34: “Hãy tỉnh biết, theo cách công bình, và chớ phạm tội; vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào, tôi nói vậy để anh em hổ thẹn”. Từ nầy cần phải được vang dội trong Hội Thánh khắp thế giới: “Hãy tỉnh biết, theo cách công bình!” Có một cõi đời đời. Có những phần thưởng cần phải kiếm được hoặc bị mất đi. Có những hậu quả cho mọi hành động, tư tưởng và tín điều của chúng ta. II Phierơ 3.11 chép: “Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào”. Mọi điều nầy dường như là quan trọng trong lúc bây giờ một ngày kia sẽ “tiêu tán đi”. Khi ấy chúng ta sẽ chỉ còn có những gì mình đã làm cho Đấng Christ mà thôi. Chỉ có một đời sống; không bao lâu nữa sẽ qua đi. Chỉ có những gì được làm ra cho Đấng Christ sẽ còn lại mà thôi.
Phaolô nói, phải nhớ tới kẻ “không biết Đức Chúa Trời chút nào”. Thay vì để cho thế gian ảnh hưởng chúng ta, chúng ta sẽ ảnh hưởng vào thế gian. Thay vì chìm đắm theo cấp độ của nhiều người ở chung quanh chúng ta, chúng ta nên giữ theo tiêu chuẩn của Đấng Christ. Phaolô nói: “Tôi nói vậy để anh em hổ thẹn”. Chúng ta không đáng được nhắc nhớ về những sự nầy. Hỡi Hội Thánh, hãy tỉnh thức mà ra khỏi giấc ngủ của mình. Rôma 13.11-12 chép: “Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đang lúc chúng ta đây: giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin. Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng”.
Vì thế, hiểu biết về sự sống lại sẽ tác động chúng ta trong ba phương thức. Chúng ta bị tác động để ĐƯỢC CỨU. Nếu bạn không nhìn biết Đấng Christ, hãy hiểu rằng bạn có thể đối diện với Ngài trong vai trò Quan Án hay một Cứu Chúa. Chúng ta sẽ bị tác động để PHỤC VỤ. Nếu bạn là người tin Chúa, hãy hiểu rằng sự phục vụ của bạn đối với Đấng Christ sẽ kéo dài mãi cho đến cõi đời đời, bất luận là giá nào. Chúng ta sẽ bị tác động để được NÊN THÁNH. Đức Chúa Trời sẽ làm cho mỗi tín đồ đều được nên thánh, nhưng chúng ta sẽ bằng lòng, sốt sắng dự phần bằng cách xây hướng về Ngài và xây khỏi sự quyến rũ của thế gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét