Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 13.6-7: "Những đóng góp của tình yêu thương"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Những đóng góp của tình yêu thương
I Côrinhtô 13.6-7
Hôm nay, chúng ta tiếp tục phần nghiên cứu sách I Côrinhtô và đặc biệt chương quan trọng thứ 13. Tiểu đoạn Kinh Thánh nầy được gọi là “Bài Thánh Ca Yêu Thương” và “Chương Yêu Thương” giữa vòng những danh xưng khác. Sứ điệp cơ bản của 13 câu nầy là: không có tình yêu thương thì chẳng ra gì hết. Theo Anh ngữ, chúng ta thường mô tả một việc gì đó bằng tỉnh từ. Chúng ta nói tới đôi giày màu đen hay chiếc áo choàng màu xanh. Tuy nhiên, người Hy lạp thường sử dụng động từ để mô tả. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta thấy tình yêu thương được mô tả với những động từ. Mục tiêu không phải là nhắm nhiều vào tình yêu là gì, mà nhắm vào tình yêu đang làm gì. I Giăng 3.18 bày tỏ tình cảm rất trọn vẹn: “Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.
Ở các câu 4-5, chúng ta đã xem xét 9 trong 15 thuộc tính của tình yêu thương.
• TÌNH YÊU THƯƠNG HAY NHỊN NHỤC. Ý nghĩa cơ bản nói tới “chịu khổ lâu dài” là phải nhịn nhục. Sát nghĩa, có ý nói tới “chịu đựng lâu dài”. Từ nầy cũng đề cập tới khả năng chịu đựng người ta bất chấp sự yếu đuối, thất bại, dại dột hay thậm chí lạm dụng.
• TÌNH YÊU THƯƠNG HAY NHÂN TỪ. Nhịn nhục sẽ chẳng lấy điều chi từ người khác, nhưng sự nhân từ sẽ ban cho hay làm một việc gì đó cho người khác. Nhân từ có nghĩa là “tỏ ra mình là có ích”. Nhân từ có nghĩa là sống giàu ơn và sẵn lòng phục vụ.
• TÌNH YÊU THƯƠNG CHẲNG GHEN TỊ. “Ghen tị” ý nói ghen tuông, “có một ao ước mạnh mẽ”. Ghen tị có hai hình thức. Hình thức thứ nhứt nói: “Tôi muốn cái mà người kia có”. Hình thức thứ hai nói: “Tôi ước họ không có cái mà họ đang có”.
• TÌNH YÊU THƯƠNG CHẲNG KHOE MÌNH. Cụm từ “khoe mình” có ý nói “ăn nói ngạo mạn” hoặc khoác lác hay khoe khoang. Khoe khoang là chị em song sinh với ghen tị. Ghen tị muốn cái mà người ta đang có. Khoe khoang là nổ lực làm cho người ta ganh tị với mình. Ghen tị hạ người ta xuống; khoe khoang nâng mình lên.
• TÌNH YÊU THƯƠNG CHẲNG LÊN MÌNH KIÊU NGẠO. “Lên mình” là tỏ ra tự phụ, kiêu căng và ngạo mạn. Lên mình có nghĩa là suy nghĩ nhiều về bản thân mình hơn bạn nghĩ tới người khác. Chúng ta chẳng có lý do nào để “lên mình” hết vì mọi sự chúng ta sống hay đang có đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời đấy thôi. Ngài xứng đáng với mọi sự vinh hiển và chúng ta chẳng đáng được chi hết.
• TÌNH YÊU THƯƠNG CHẲNG LÀM ĐIỀU TRÁI PHÉP. “Làm điều trái phép” là hành động không xứng với phong cách nghèo nàn. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc làm điều trái phép và khinh suất. Khinh suất có ý nói bạn yêu thương người ta nhưng đôi khi nói hay làm ra những việc làm tổn thương cho họ. Làm điều trái phép có ý nói bạn không quan tâm một khi bạn gây tổn thương cho họ hay không.
• TÌNH YÊU THƯƠNG CHẲNG KIẾM TƯ LỢI. Yêu thương thanh sạch không “tìm kiếm tư lợi” hoặc không sống ích kỷ hoặc không năng động. Gốc rễ cơ bản của bổn tánh sa ngã của con người là sống ích kỷ, muốn đi theo đường riêng mình.
• TÌNH YÊU THƯƠNG CHẲNG NÓNG GIẬN. Cụm từ “nóng giận” có ý nói “nổi giận lên”. Từ ngữ nầy mang ý tưởng nói tới sự bùng nổ tình cảm hay hành động cách thình lình. Yêu thương tìm cách tránh việc nổi giận, thạnh nộ và chao đảo bởi những việc đã được nói ra và được làm ra. Cơ đốc nhân nào không yêu thương không kềm hãm được khi bị phật lòng. Khi chúng ta học biết yêu thương, chúng ta không học ăn miếng trả miếng.
• TÌNH YÊU THƯƠNG CHẲNG NGHI NGỜ SỰ DỮ. “Suy nghĩ” là từ ngữ nói tới việc giữ sổ. Ý nói giữ lấy dấu vết của sự việc. Mặc dù tình yêu thương của Đấng Christ trên thập tự giá, tội lỗi của chúng ta đã được che đậy. Vì cớ ơn tha thứ của Ngài dành cho tội lỗi của chúng ta, chúng ta không có quyền không tha thứ đối với người khác. Êphêsô 4.32 chép: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”.
Giờ đây, với nội dung sẵn có đó, chúng ta hãy xem xét 6 thuộc tính còn lại đã được liệt kê ra ở các câu 6-7.
I. Tình yêu thương chẳng vui về điều không công bình (câu 6a).
Câu 6 chép, tình yêu thương “chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật”. Ý nghĩa cơ bản nói tới việc “vui về điều không công bình” là lấy làm thỏa mãn trong tội lỗi dù là tội lỗi của chúng ta hay tội lỗi của người khác. Nó mang ý tưởng khoe khoang trong tội lỗi. Tôi ví điều nầy với việc nói năng trong phòng thay quần áo. Quí vị các ông đều biết rõ tôi muốn nói gì mặc dù tôi dám chắc giới nữ cũng có lối ăn nói của riêng họ. Đây là ý tưởng khoái trá và cười đùa với cảnh đồi bại ở chung quanh chúng ta. Êphêsô 5.4 mô tả điều nầy là: “Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng”. Êsai 5.20 chép: “Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vật chi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay”.
Đây là ba phương thức đôi khi chúng ta “vui về điều không công bình”.
Thứ nhứt, chúng ta “vui về điều không công bình” khi chúng ta chấp nhận các tiêu chuẩn giải trí của đời nầy. Thật là mâu thuẫn khi trong vai trò Hội Thánh, chúng ta xét đoán tà dâm, tình dục trước hôn nhân, đồng tình luyến ái, say xỉn, ăn nói tục tỉu, v.v… còn ở nhà, chúng ta để cho những tội lỗi nầy và nhiều thứ khác nữa bước vào sinh hoạt gia đình của chúng ta qua bộ máy vô truyến truyền hình. Chúng ta có một kẻ hay nhòm lổ khóa thật là tội lỗi. Dường như chúng ta nghĩ rằng làm những việc như thế nầy quả là sai lầm, thì chẳng có gì sai lầm khi nhìn người khác đang làm các việc đó trên TV. Cho phép tôi nói rằng tôi không chống những Cơ đốc nhân hay ghiền TV đâu nhé. Chúng ta có những kẻ ấy trong ngôi nhà của chúng ta. Cái điều làm cho tôi bối rối là những Cơ đốc nhân nào chẳng biết phân biệt hay kềm chế gì khi đến với phương tiện giải trí. Một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giải trí mấy năm gần đây là phần giới thiệu ghi lại những câu nói mà tất cả quí vị ghi lại toàn bộ chương trình rồi xem nó khi nhàn rỗi. Hãy học biết chọn lấy phương tiện giải trí lành mạnh. Ngoài vô tuyến truyền hình, cũng một sự thực đó áp dụng cho các loại sách báo, tạp chí, âm nhạc và tất cả các hình thức truyền thông khác.
Thứ hai, chúng ta “vui về điều không công bình” khi chúng ta ngồi lê đôi mách. Ngồi lê đôi mách là trọng tâm của việc vui mừng trong tội lỗi. Khi chúng ta ngồi lê đôi mách, 99% thì giờ chúng ta kháo nhau về những thất bại và thiếu sót của người khác. Phần lớn ngồi lê đôi mách là thổi phồng và hoàn toàn thường là giả dối. Ngay cả sự việc có là sự thật đi nữa thì nó vẫn là sai lầm. Không một ai từng được giúp đỡ qua việc ngồi lê đôi mách đâu. Granville Walker đã viết:
Có những lúc khi yên lặng là thì giờ vàng son, khi chúng ta nên đứng trên chân của mình và bất chấp những hậu quả thách thức những điều ác sờ sờ đó, không nên sử dụng thì giờ vào những việc thể ấy. Nhưng có những lúc khác khi yên lặng là quí báu, khi nói ra sự thực là khiến cho nhiều con tim phải rỉ máu không cần thiết và khi chẳng đạt được một điều gì và mọi sự đều bị tổn thương bởi một cái lưỡi ăn nói bừa bãi.
Thứ ba, chúng ta “vui về điều không công bình” khi chúng ta hành động trong sự ghen tị. Một phần của sự ghen tị là ao ước điều ác nào đó sẽ xảy ra cho một người. Chúng ta muốn điều xấu xa xảy đến cho họ. Đây là cái nhân rất đáng ghét của căn bịnh tội lỗi. Khi chúng ta vui vẻ lúc ai đó vấp ngã, chúng ta đang ở trong cái bám chặt của điều ác và đã lạc sai xa khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Đây là ba lý do “vui về điều không công bình” là sai lầm. Thứ nhứt, đây là một sự sĩ nhục đối với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta vui thích trong tội lỗi, chúng ta đang thích thú trong những gì lầm lỗi nhất và làm buồn lòng Cha thiên thượng của chúng ta. Chúa Jêsus đã chịu thương khó trên thập tự giá vì cớ tội lỗi mà chúng ta đang miệt mài. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta rất nhạy cảm về việc xúc phạm đến người khác, điều nầy chẳng có gì thú vị hết. Chúng ta đã rơi vào những chỗ lố bịch cực kỳ trong cái xã hội sai trái về chính trị nầy. Tuy nhiên, chúng ta thường làm buồn lòng Đức Chúa Trời dường bao nếu như chẳng xem xét vấn đề nầy? Nếu chúng ta quan tâm về điều chi làm buồn lòng Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ chẳng quan tâm đến việc làm buồn lòng người ta.
Thứ hai, quả là tổn hại cho người nào đang phạm tội. Khi chúng ta ủng hộ môn giải trí tội lỗi, chúng ta đang khích lệ người ta trong công nghệ đó cứ sản xuất ra càng nhiều hơn và tệ hại hơn. Khi chúng ta ngồi lê đôi mách về tội lỗi của ai đó, chúng ta giận dữ đối với họ và khích lệ họ nên phạm tội tệ hại hơn. Tình yêu thương không bồi thêm tai hại vào. Tình yêu thương lo phục hồi. Galati 6.1 chép: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng”.
Thứ ba, việc ấy đang gây tổn hại cho Hội Thánh. Tân Ước rất cụ thể khi nói cho chúng ta biết phải xử lý thể nào với tội lỗi trong Hội Thánh. Những kẻ bị kéo vào lề lối có tính hủy diệt của tội lỗi cần phải đối mặt với theo cách riêng và giàu ơn. Tuy nhiên, nếu họ không chịu xây khỏi tội lỗi sau những lần gặp gỡ riêng nhiều lần, họ cần phải được đối chất cách công khai. I Côrinhtô 5.11 chép: “Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy”. II Têsalônica 3.6 chép: “Hỡi anh em, nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, chúng tôi khuyên anh em phải lánh người anh em nào không biết tu đức hạnh mình, và không bước theo các điều dạy dỗ mà anh em đã nhận lãnh nơi chúng tôi”. Kỷ luật là phần cần thiết của tình yêu thương. Tuy nhiên, kỷ luật trong Hội Thánh dù là ở cấp độ nào cũng là một tiến trình rất đau đớn. Chúng ta đừng bao giờ “vui vẻ” hay miệt mài trong tội lỗi, dù là của chúng ta hay của người khác.
II. Tình yêu thương vui trong lẽ thật (câu 6b).
Một khía cạnh trong câu nói của Phaolô ở câu 6, tình yêu thương “chẳng vui về điều không công bình”, ấy là tình yêu thương “vui trong lẽ thật”. Hãy chú ý mạo từ xác định. Tình yêu thương không những vui trong sự thực cụ thể mà còn vui trong “lẽ thật” nữa. “Lẽ thật” trong lý trí của Phaolô có ý nói tới lẽ thật của Đức Chúa Trời.
Tuần nầy, tôi có nói trong một cuộc trao đổi với một số anh em: “Thần học chính xác và giáo lý chuẩn mực sẽ ra vô dụng cho chúng ta nếu chúng ta không yêu thương nhau”. Tôi nhất trí cách tuyệt đối và khẳng định câu nói đó. Tuy nhiên, sự thực cũng ngược lại thế. Tình cảm ủy mị dành cho nhau chẳng có giá trị gì nếu chúng ta vòng tay ôm lấy đạo giả. Tình yêu thương theo ý Đức Chúa Trời được xây dựng trên lẽ thật của Đức Chúa Trời. Chúng ta sống trong một ngày mà ở đó đạo lý, thần học và sự dạy mạnh mẽ theo Kinh Thánh đang xuống dốc. Có một thứ triết lý giữa vòng các tín đồ, cơ bản triết lý ấy nói như sau: “Bạn tin bao lâu, bạn yêu thương nhau bao lâu chẳng là vấn đề chi hết”. Tôi có nghe nói ai đó nói năng theo kiểu phê phán như sau: “Chúng ta thường được trưởng dưỡng bằng đạo, đạo, đạo”.
Đạo là lẽ thật! Đây là lẽ thật quan trọng nhất trong mọi lẽ thật! Đạo không nhạt nhẽo hay khô khan mà là sôi nổi và tươi mới vì chúng ta đặt cược số phận mình vào đấy. Hết thảy Kinh Thánh là đạo. Mọi sự có trong đó chính là sự khải thị của Đức Chúa Trời về chính mình Ngài. Giờ đây, chúng ta chắc chắn không muốn tiếp cận Kinh Thánh như một sự tiếp cận theo kiểu không thực tế được. Chúng ta không muốn học biết lẽ thật chỉ để cho chúng ta lấy làm tự hào về tri thức của mình. I Côrinhtô 8.1 chép: “Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt”. Chúng ta muốn biết rõ lẽ thật vì tình yêu thương thực lấy cơ sở từ lẽ thật.
Tình yêu Agape “vui trong lẽ thật”. Chúng ta nên vui mừng khi chúng ta nghe thấy lẽ thật được rao giảng. Điều ấy khiến cho chúng ta muốn hô to lên! Nếu sự dạy và sự rao giảng chính xác về Ngôi Lời dường như nhạt nhẽo, sở dĩ như thế là vì sự nêm nếm của chúng ta về lẽ thật đã trở nên nhạt nhẽo rồi. Vấn đề không phải với Kinh Thánh mà là với chúng ta. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ không làm hại đến lẽ thật. Hãy lắng nghe Sứ đồ Giăng ví tình yêu thương và lẽ thật như thế nào ở II Giăng 6-10: “Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo. Trong thế gian đã rải nhiều kẻ dỗ dành, là kẻ chẳng xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà đến: ấy đó thật là kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ. Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình, nhưng cho được phần thưởng đầy đủ. Hễ ai đi dông dài, chẳng bền lòng theo đạo Đấng Christ, thì người ấy không có Đức Chúa Trời. Còn ai bền lòng trong đạo ấy, thì người đó có Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào hỏi họ”. Trổi hơn cả đạo thật, chúng ta cũng hiểu rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ không chú vào lầm lỗi của người khác. Tình yêu thương ấy chẳng gạt bỏ người ta. Khi đối chiếu với “vui về điều không công bình”, tình yêu thương sẽ luôn luôn “vui trong lẽ thật”. Tình yêu ấy nhìn thấy việc lành của Đức Chúa Trời trong đời sống của tha nhân và chờ đợi cách nhịn nhục khi Ngài biến đổi họ ra giống theo ảnh tượng của Đấng Christ.
III. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự (câu 7a).
Câu 7 bắt đầu bằng cách nói cho chúng ta biết rằng tình yêu thương “dung thứ mọi sự”. Chúng ta hãy xác định ý nghĩa của câu nói nầy. “Dung thứ” sát nghĩa có ý nói “che đậy hay giúp đỡ”. Nó mang ý tưởng bảo hộ. Tình yêu thương giống như việc chia sẻ một cây dù trong cơn mưa bão. Điều ác là đẩy ai đó đứng ngay dưới cái máng xối nước! “Mọi sự” không phải là tất cả đâu. Tình yêu thương từ chối ghen tị, khoe khoang, kiêu ngạo, lỗ mãng, ích kỷ, giận dữ bất kính, tức tối, dối trá và bội đạo. Bởi “mọi sự”, Phaolô có ý nói “mọi sự” nào đẹp lòng đối với Đức Chúa Trời.
Vì thế, “dung thứ mọi sự” có nghĩa là bao che, hay bảo hộ tránh thiệt hại hoặc chế nhạo. Có người đã nói theo cách nầy: “Tình yêu thương nhìn qua kính thiên văn; còn ghen tị, nó nhìn qua kính hiển vi. Tình yêu thương không giữ một mảy may tội lỗi và thất bại nào của người khác”. Bản chất tội lỗi của con người tìm kiếm khoái lạc trong việc tỏ ra lầm lỗi của người khác. Trẻ con hay nói “chuyện tầm phào”. Còn người lớn thường ngồi lê đôi mách về nhau. Loại phim ngắn làm cho hàng triệu người muốn được nổi danh. Còn những buổi trình diễn thật và những chương trình kém chất lượng giữ các phẩm chất của chúng được cao bằng cách tỏ ra những bí mật. Giống như “những gã tò mò” lái xe thật chậm gần một tai nạn, chúng ta bị cuốn hút bởi tội lỗi của người khác. Chúng ta có thể lượng được tình cảm của chúng ta dành cho ai đó bằng cách chúng ta mau mắn khám phá ra lỗi lầm của người đó. Chúng ta yêu thương gia đình, bạn đời, con cái của mình. Chúng ta có thể chỉ trích họ, nhưng nếu có ai đó chỉ ra lầm lỗi của họ, chúng ta mau mắn binh vực ngay. Khi có người phê phán một người bạn tốt, chúng ta mau mau nhảy vào biện hộ cho người ấy.
Mặt khác, khi chúng ta nghe một lời than phiền nghịch lại người nào chúng ta chẳng quan tâm đến, hầu như chúng ta luôn luôn nhất trí.
Tình yêu Agape không xưng công bình tội lỗi hoặc thỏa hiệp với lẽ thật, nhưng tình yêu ấy cũng không tỏ ra hay khoe khoang những thất bại của người khác. Châm ngôn 10.12 chép: “Sự ghen ghét xui điều cãi lộn; Song lòng thương yêu lấp hết các tội phạm”. Bạn yêu thương con cái của mình. Vì thế, bạn cảnh cáo, chỉnh sửa, khuyên bảo và thậm chí quở trách chúng nữa. Dầu vậy, bạn không hề nói về chúng xấu xa thể nào cho người khác biết. Bạn yêu thương chúng. Đức Chúa Trời cảnh cáo chúng ta phải có thứ tình yêu ấy cho nhau trong Hội Thánh.
IV. Tình yêu thương tin mọi sự (câu 7b).
Khi Phaolô nói rằng tình yêu thương “tin mọi sự”, ông muốn nói rằng tình yêu thương không nghi ngờ hay nhạo báng. Nhạo báng là tinh thần của thời đại chúng ta. Chúng ta hay nghi ngờ nhà cầm quyền, tòa án, các cấp lãnh đạo, và phương tiện truyền thông. Đôi khi, thậm chí chúng ta còn nghi ngờ bạn bè và người bạn đời của mình nữa. Thái độ nầy là đối chọi với tình yêu thương. Tình yêu thương dựng lên một câu cầu tin cậy. Khi nó nghe nói về thất bại của ai đó, không những nó tìm cách “che đậy” những lỗi lầm ấy mà còn từ chối không kết tội hoặc rao ra sự phán xét cho tới khi có xác minh rõ ràng. Tình yêu ấy không kết án căn cứ theo tin đồn. Tình yêu thương tin hết sức nơi người ta cho tới khi nào có xác minh khác. Khi lỗi lầm hay động lực của một người còn nằm trong sự hồ nghi, tình yêu thương tin vào mọi khả năng dễ chịu nhất. Tình yêu thương là thứ tình yêu rất lạc quan. Tôi thích dẫn chứng nầy mà tôi góp nhặt được trong thời gian qua:
Tình yêu thương là…
Chậm nghi ngờ – mau với chơn thật.
Chậm xét đoán – mau xưng công bình.
Chậm xúc phạm – mau biện hộ cho.
Chậm quở trách – mau mềm mại.
Chậm xem thường – mau tán thưởng.
Chậm đòi hỏi – mau ban cho.
Chậm kích động – mau xoa dịu.
Chậm ngăn trở – mau cứu giúp.
Chậm phẫn nộ – mau tha thứ.
Trong Hội Thánh, chúng ta phải gieo ra một tinh thần biết tin cậy. Sẽ luôn luôn có nhiều nan đề lắm. Sẽ luôn luôn có những mối quan hệ dễ rạn nứt. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn luôn chấp nhận rằng mỗi tín hữu đều đã dâng mình phục vụ và tôn vinh Chúa. Khi có ai đó thất bại không thường làm thỏa mãn mọi trông đợi của chúng ta, chúng ta nên hành động trong ân điển, thương xót và trên hết mọi sự tìm cách phục hồi lại người đó. Chúng ta phải từ chối không đưa ra điều chi hồ nghi đối cùng anh chị em của mình. Bản chất tội lỗi tin điều tệ hại nhất nơi người khác. “Mấy người bạn” của Gióp, họ hoàn toàn tin rằng mọi rối rắm của ông đã đến vì ông đã phạm tội theo cách riêng nghịch lại Đức Chúa Trời. Họ nghi ngờ điều xấu nhất. Ông đã kêu la trong thất vọng đối với họ ở Gióp 16.2: “Ta thường nghe nhiều lời giảng luận như vậy; Các ngươi hết thảy đều là kẻ an ủi bực bội”. Ông đã nói ở 21.27: “Nầy, tôi biết ý tưởng các bạn, cùng các mưu kế các bạn toan dùng đặng tàn hại tôi”. Khi bạn nghe nói về mọi lầm lỗi và thất bại của người khác, hãy hành động trong sự yêu thương và tin ở điều tốt nhất. Đừng chạy ùa đến sự phán xét. Có lẽ bạn không có đủ hết các dữ kiện đâu.
V. Tình yêu thương trông cậy mọi sự (câu 7c).
Khi Phaolô nói rằng tình yêu thương “trông cậy mọi sự”, ông có ý nói chúng ta đừng bao giờ bỏ qua hy vọng. Đôi khi chúng ta có đức tin ít ỏi, song chúng ta đừng bao giờ bỏ qua hy vọng. Chúng ta cứ giữ việc yêu thương một kẻ bị hư mất và đừng bao giờ bỏ qua hy vọng rằng người ấy (nam hay nữ) một ngày kia sẽ đạt tới chỗ nhìn biết Chúa và sẽ được cứu. Chúng ta đừng bao giờ từ bỏ việc yêu thương một đứa con hoang đàng và cứ hy vọng, cầu nguyện một ngày kia nó (nam hay nữ) sẽ quay trở lại và thực sự đồng đi với Chúa. Chúng ta đừng bao giờ bỏ qua hy vọng một tín hữu lạc lối, có lẽ người nào đó đã đối diện với kỷ luật sẽ quay trở lại và một lần nữa vòng tay ôm lấy sự vâng phục theo Kinh Thánh. Chúng ta đừng bao giờ bỏ qua hy vọng rằng Hội Thánh sẽ tiến tới trước trong ý chỉ của Đức Chúa Trời rồi trở thành những gì Ngài mong muốn Hội Thánh phải ở trong sự hiệp một, tin cậy và thờ phượng. Một lẽ thật quan trọng mà tôi phải nhấn mạnh ở đây, ấy là ân điển của Đức Chúa Trời có ý nói thất bại của chúng ta chưa phải là cuối cùng đâu. Khi Phierơ chối bỏ Đấng Christ cách đáng thương, Chúa Jêsus đã giữ mãi kỳ vọng chắc chắn rằng một ngày kia ông sẽ lo trưởng dưỡng bầy chiên của Ngài. Qua việc quốc gia Israel đã xây khỏi Đức Chúa Trời hết lúc nầy tới lúc khác, Đức Chúa Trời cứ giữ kỳ vọng rằng một ngày kia trong hệ thống hoạt động của Ngài, mọi lời hứa của Ngài sẽ được ứng nghiệm. Chúng ta phải thể hiện kỳ vọng của mình cho nhau khi chúng ta vấp ngã và thối lui trước sự cám dỗ. Chúng ta phải nhớ đến những gì Phaolô đã nói trong Philíp 1.6: “tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ”. Ngày nay, có thể bạn đang ở trong một cái trũng rất sâu. Tôi đã từng ở đó rồi. Có thể bạn cảm thấy nghịch cảnh đang thắng hơn và bị tấn công từ mọi phía. Tôi đã từng bị như thế. Tuy nhiên, dầu phải qua “trũng bóng chết” Đức Chúa Trời đang ở cùng chúng ta. Sự hiện diện của Ngài bảo đảm cho hy vọng của chúng ta. Galati 6.9 chép: “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt”. I Côrinhtô 15.58 chép: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”.
VI. Tình yêu thương nín chịu mọi sự (câu 7d).
Sau cùng, ở câu 7, Phaolô nói tình yêu thương “nín chịu mọi sự”. “Nín chịu” ra từ chữ Hy lạp đề cập tới một đối tượng về mặt quân sự. Nín chịu có ý nói phải bám lấy trận địa bằng mọi giá. Nín chịu nghĩa là đứng đương đầu với sự chống đối mạnh mẽ và từ chối không thôi yêu thương, không thôi tin tưởng và không thôi hy vọng. Tôi thích đọc về kỷ nguyên Nội Chiến. Một trong những câu chuyện tôi ưa thích ra từ Trận đánh ở Gettysburg. Trận đánh nầy dưới quyền chỉ huy của Tướng Lawrence Chamberlain, một vị giáo sư đại học còn trẻ đổi thành một sĩ quan trong quân đội. Trung đoàn Maine của ông đã được đặt tại tuyến cuối của quân Liên Hiệp trên một cái gò nhỏ có tên là Đỉnh Little Round. Chính ở đây, bên sườn quân Liên Hiệp, Tướng Robert E. Lee đã phái lữ đoàn Texas của Tướng John Bell Hood trực tiếp đối mặt Chamberlain. Hết cuộc tấn công nầy đến tấn kích khác ào ạt đổ xô vào người của Chamberlain. Ông nói cho họ biết rằng cả quân đội đều nương vào việc giữ lấy trận địa của họ. Họ phải giữ cho đến viên đạn cuối cùng, thậm chí cho đến người cuối cùng. Khi đạn dược của họ cạn kiệt rồi, Chamberlain chỉ huy họ xuống đồi đánh xáp là cà bằng dao găm để chiến thắng trong ngày đó. Vì quyết định gan lì của ông phải bám trụ và lòng can đảm của ông khi đối mặt với quân thù, Chamberlain đã nhận được huy chương danh dự cao quí nhất. Về sau trong cuộc sống, ông đã phục vụ trong vai trò Thống đốc Bang Maine.
Tình yêu thương của chúng ta phải “nín chịu” chính xác theo cùng một phong cách ấy. Tình yêu ấy cứ bám trụ. Tình yêu thương giúp chúng ta bám lấy Lời của Đức Chúa Trời. Tình yêu thương bám giữ lấy sự hiệp một trong Hội Thánh. Tình yêu thương giúp chúng ta giữ lấy Sứ Mệnh Cao Cả. Với tình yêu thương chúng ta phải bám lấy bằng mọi giá. Không một ai từng nói hay hơn C.S. Lewis:
“Rốt lại tình yêu rất dễ bị tổn thương. Yêu điều gì, và con tim bạn chắc chắn bị vò xé và sẽ bị tan vỡ. Nếu bạn muốn biết chắc nó phải được giữ nguyên vẹn, bạn đừng dâng con tim đó cho ai khác, cũng không cho một con vật nào khác. Hãy bao phủ nó cách cẩn thận với những sở thích riêng và một ít xa hoa; hãy tránh những bẫy dò; hãy chốt nó an toàn trong chiếc quan tài ích kỷ của bạn. Nhưng trong chiếc quan tài đó – an toàn, tối tăm, không chuyển dịch, không có không khí – nó sẽ thay đổi. Nó sẽ không bị vỡ ra; nó sẽ không tan nát, không xuyên thủng được, không thể cải tạo được nữa… Chỗ duy nhứt ở ngoài Thiên đàng, ở đó bạn có thể được an ninh trọn vẹn không vướng mọi nguy hiểm của tình yêu … là địa ngục”. 1 MacArthur, J. (1996, c1984). 1 Corinthians. Includes indexes. Chicago. Moody Press.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét