Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 15.35-49: "Thân thể phục sinh của tín đồ"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Thân thể phục sinh của tín đồ
I Côrinhtô 15.35-49
Hôm nay, chúng ta trở lại với phần nghiên cứu sách I Côrinhtô và đặc biệt chương 15, chương phục sinh quan trọng của Kinh Thánh. Tiểu đoạn Kinh Thánh nầy không những xử lý với sự thực lịch sử nói tới sự sống lại của Đấng Christ, mà còn mô tả chi tiết sự sống lại của mọi tín đồ chân chính.
Phaolô viết chương nầy, về mặt lịch sử xử lý với sự chối bỏ sự sống lại bởi một số người trong Hội Thánh Côrinhtô. Người Hy lạp tin theo Nhị Nguyên Thuyết (dualism), cho rằng con người ta có hai phần: xác và hồn. Trong suy nghĩ của họ, hồn là thanh sạch, còn thân thể là xấu. Vì thế, sự chết sẽ giải phóng hồn thanh sạch ra khỏi thân thể xấu xa kia. Cho nên, đối với họ tư tưởng về sự sống lại là điều đáng ghê tởm.
Không cứ cách nào đó, Cơ đốc nhân tại thành Côrinhtô nghĩ họ có thể có Cơ đốc giáo mà không cần có sự sống lại. Tuy nhiên, như chúng ta đã học, không có sự sống lại thì chẳng có Cơ đốc giáo gì hết. Sự sống lại là trọng tâm của đức tin chúng ta. Ở các câu 12-19, Phaolô cung ứng cho họ 7 hậu quả nếu chẳng có sự sống lại:
1. Nếu chẳng có sự sống lại, Đấng Christ không sống lại (câu 13).
2. Nếu chẳng có sự sống lại, thì giảng Tin Lành là luống công (câu 14a).
3. Nếu chẳng có sự sống lại, đức tin của tín đồ là vô ích (câu 14b).
4. Nếu chẳng có sự sống lại, những kẻ rao giảng Tin Lành là hạng người nói dối (câu 15).
5. Nếu chẳng có sự sống lại, những người tin Chúa không được cứu mà vẫn còn ở trong tội lỗi của họ (các câu 16-17).
6. Nếu chẳng có sự sống lại, hết thảy những ai đã chết trong sự tin cậy Đấng Christ đều bị hư mất (câu 18).
7. Nếu chẳng có sự sống lại, trong mọi người Cơ đốc nhân là kẻ khốn nạn hơn hết (câu 19).
Vì lẽ đó, phải có sự sống lại, không những là sự sống lại của Đấng Christ, mà còn sự sống lại của mọi tín đồ nữa. Thêm nữa, ngay cả những người không tin Chúa sẽ được sống lại để đối diện với sự phán xét đời đời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói tới “sự sống lại của người công bình và không công bình” (Công Vụ các Sứ đồ 24.15; Khải huyền 20.12-13).
Như vậy Kinh Thánh giới thiệu cho chúng ta với một vấn đề rất là logic. Tất cả mọi người chết sẽ sống lại thể nào? Ý tưởng mỗi người từng sống đây được phục sinh dường như rất khó nghe. Thực vậy, đấy là những thắc mắc mà Phaolô khởi sự với ở câu 35: “Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại?” Người ta vẫn còn đưa ra những thắc mắc nầy và tương tự hôm nay. Làm sao những kẻ bị chôn trong đại dương cách nay nhiều thế kỷ sống lại cho được? Làm sao những kẻ bị bom nổ tung sống lại cho được?
Làm sao những kẻ đã bị hỏa táng và tro bụi của họ bị tan rãi sống lại cho được? Ngay cả những người được ướp và chôn cẩn thận sẽ hiển nhiên bị phân hủy. Chính mình Đức Chúa Trời phán về con người trong Sáng thế ký 3.19: “cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. Chúng ta có thể hiểu thể nào người mới chết, được sửa soạn và được đặt trong những hầm mộ cẩn thận sẽ được sống lại, nhưng về mọi người khác nữa thì sao?
Qua sự cảm thúc trực tiếp của Đức Thánh Linh, Phaolô giải đáp các thắc mắc nầy theo bốn cách. Thứ nhứt, ông cung ứng những minh họa về loại thân thể phục sinh, kế đó là hình thái, những đối chiếu và nguyên mẫu của loại thân thể phục sinh.
I. Minh họa về loại thân thể phục sinh (các câu 35-38).
A. SỰ CHẾT CỦA THÂN THỂ CŨ (các câu 35-36).
Phaolô nói ở các câu 35-36: “Nhưng có kẻ sẽ nói rằng: Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại? Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được”. Đối với chúng ta, các thắc mắc Phaolô đang dấy lên rất là chính đáng. Thực vậy, kẻ chết làm sao sống lại được chứ? Thân thể họ giống với cái gì đây? Chúng ta trông mong cho đến cái ngày đó. Chúng ta lấy làm tò mò, lạ lùng. Chúng ta muốn hiểu biết thêm. Tuy nhiên, ở thành Côrinhtô, các thắc mắc nầy không được đưa ra để tìm kiếm sự thực. Chúng được đưa ra từ sự nhạo báng và chế giễu. Những thắc mắc nầy đã được đưa ra để hỏi vặn Phaolô theo cùng một cách với người Pharisi và người Sađusê đã mồi chài, đánh bẫy Chúa Jêsus.
Phaolô nói cho họ biết họ rất ư là “dại dột”, chữ nầy ra từ chữ aphron có ý nói “không biết gì hết”. Đây là một từ để chế giễu thường đề cập tới một người chẳng có hiểu biết mà lại kiêu căng về sự dốt nát của mình. Ngày nay, có nhiều người giống như họ. Họ “khôn lanh theo mắt mình”. Giống như Chúa Jêsus đã phán với người Sađusê ở Mathiơ 22.29: “Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh, và cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời thể nào”.
Họ, những kẻ chối bỏ sự sống lại đều là “dại dột” vì họ không nhìn biết “vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được”. Hột giống dường như là một vật đã chết. Nó cứng ngắc, không màu sắc và vô tri giác. Tuy nhiên, khi nó được gieo trong đất và phân hủy, sự sống mới nảy ra từ nó.
Chúa Jêsus đã sử dụng minh họa nầy ở Giăng 12.24: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều”.
Trước khi Chúa Jêsus trở thành Cứu Chúa của chúng ta, Ngài phải chịu chết và bị chôn. Trước khi chúng ta có sự sống đời đời, sự sống đời nầy của chúng ta phải đi tới mức cuối cùng. Thân thể vật lý của chúng ta phải chết đi để ban sự sống cho thân thể thuộc linh của chúng ta.
B. KHÁC BIỆT VỚI THÂN THỂ CŨ (câu 37).
Câu 37 chép: “Còn như vật ngươi gieo, ấy không phải là chính hình thể sẽ sanh ra, chẳng qua là một cái hột, như hột lúa mì hay là hột giống nào khác”. Tôi không phải là nhà nông, nhưng tôi là con của một nhà nông bán thời gian và là cháu nội của một nhà nông đúng nghĩa. Việc ấy vẫn còn ở trong dòng máu của tôi vì tôi hay trồng cà và tiêu! Cái điều Phaolô muốn nói ở đây, ấy là nếu bạn muốn trồng bắp, bạn không trồng nguyên cây bắp xuống đất, bạn phải gieo hạt bắp. Cây ra từ hột giống rất khác biệt với chính hột giống.
Chúa Jêsus chào đời vào trong thế gian nầy với thân thân thể như thân thể của chúng ta. Ngài là Đức Chúa Trời hóa thân thành nhục thể trong xác thịt loài người. Ngài tự mình phục theo những giới hạn của thân thể con người. Thân thể của Ngài cần thức ăn, quần áo, nơi ở và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, thân thể phục sinh của Ngài hoàn toàn là khác biệt. Trông Ngài vẫn y như thế. Người ta vẫn nhận ra Ngài. Nhưng Ngài không còn bị giới hạn bởi thời gian, không gian và các thứ vật chất nữa. Ngài hiện ra rồi biến mất. Ngài bước vào phòng mà chẳng cần phải mở cửa.
Khi chúng ta được sống lại từ kẻ chết, chúng ta sẽ khác biệt y như thế. I Giăng 3.2 chép: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy”. Tôi lấy sự nầy để nói rằng thân thể chúng ta sẽ được sống lại y như thân thể của Ngài vậy.
C. TÍNH LIÊN TỤC CỦA THÂN THỂ CŨ (câu 38).
Câu 38 chép: “Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình thể riêng”. Mặc dù hột giống thay đổi triệt để trong việc trở thành một cây trưởng thành, nó vẫn giữ nguyên sự sống. Hột giống lúa mì không trở thành cây bắp được. Đấy là điều mà Phaolô muốn nói khi ông nói: “mỗi hột có hình thể riêng”. Tuy là trong hình thể khác biệt, nhưng có cùng sự sống.
Khi Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết, Ngài rất khác biệt nhưng Ngài vẫn là Jêsus. Các môn đồ của Ngài đều nhìn biết Ngài. Họ đã nhận ra giọng nói, gương mặt, hai tay, hai chân của Ngài dễ nhận ra đối với họ. Trong khi Phierơ còn ở trên chiếc thuyền trên Biển Galilê, ông đã nhận ra Chúa Jêsus đang đứng trên bờ rồi lội vô mà đón Ngài.
Cũng một thể ấy, thân thể của chúng ta sẽ chết đi và thay đổi hình dạng, nhưng chúng vẫn sẽ là thân thể của chúng ta. Chúng ta vẫn dễ nhận ra mặc dù một số người trong chúng ta trông sẽ đẹp đẽ hơn nhiều! Tôi lấy làm lạ không biết chúng ta có giữ được những âm sắc đặc biệt trong thân thể đã được làm cho vinh hiển của chúng ta hay không? Liệu chúng ta vẫn sẽ nói năng như một người Texas trên thiên đàng?
Tôi có một người bạn thân suốt những năm trung và đại học có tên là Jimmy. Chúng tôi đi chơi chung với nhau, chơi nhạc ở một vài ban. Sau đại học, chúng tôi chuyển đi và không còn liên lạc với anh ấy nữa. Vài năm trôi qua. Thế rồi một ngày kia, khi về thăm nhà tôi gặp lại Jimmy. Anh ấy trông rất quen thuộc, nhưng tôi không thể hình dung ra anh ấy là ai. Anh ấy luôn tròn trĩnh giống như một đứa trẻ, nhưng lúc tôi gặp thì anh ấy mất trọng lượng nhiều nên trông ốm yếu hẳn đi. Phải mất một phút đồng hồ mới nhận ra anh ấy là ai. Anh ấy vẫn là Jimmy, nhưng anh ấy trông rất khác. Trong một phương thức long trọng hơn, chúng ta vẫn là chúng ta nhưng trông đẹp đẽ hơn nhiều.
II. Hình thái của thân thể phục sinh (các câu 39-42a).
A. CÓ MỘT SỰ ĐA DẠNG CỦA THÂN THỂ BẰNG ĐẤT (câu 39).
Phaolô nói ở câu 39: “Mọi xác thịt chẳng phải là đồng một xác thịt; nhưng xác thịt loài người khác, xác thịt loài thú khác, loài chim khác, loài cá khác”. Điều nầy rất rõ ràng. Trong môn sinh vật học, chúng ta hiểu rõ có sự khác biệt tuyệt đối giữa “xác thịt loài người” và “xác thịt loài thú”, giữa “loài cá” và xác thịt của “loài chim”.
Acid amin là khuôn mẫu kiến thiết sự sống. Những kết hợp khả thi của acid amin hình thành sự sống gần như là vô hạn. Mỗi tạo vật và mỗi thực vật là một hình thái sự sống phân biệt được Đức Chúa Trời dựng nên. Không có hai người, thú vật, hột giống, cây cối hoặc côn trùng nào giống y như nhau cả. Chúng ta nói tới những người sanh đôi, song họ rất khác biệt và có những điểm khác nhau. Hãy xét xem tài năng tuyệt vời của Chúa chúng ta! ADN của chúng ta, mả gene của cá nhân có từng hình thái sự sống. Trong bản thân nó là một sự tranh luận tích cực nghịch lại những đề xuất của thuyết tiến hóa. Chúng ta có thể thay đổi diện mạo với thực đơn, tập luyện, màu tóc, bởi môi trường và với tuổi tác, song chúng ta không bao giờ thay đổi mà bước vào hình thái sự sống khác được. Chúng ta vẫn sẽ luôn luôn là chúng ta. Mọi sự sống rất là đặc biệt.
B. CÓ SỰ ĐA DẠNG CỦA THÂN THỂ THUỘC VỀ TRỜI (các câu 40-41).
Câu 40 chép: “Lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau”. Phaolô đang đối chiếu loại thân thể thuộc về đất của con người với loại thân thể thuộc về trời. Sự “vinh quang” hay hình thái tự nhiên của thân thể thuộc về đất rất khác với vinh quang chúng ta nhìn thấy ở trên trời.
Phaolô nói ở câu 41: “Vinh quang của mặt trời khác, vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao khác; vinh quang của ngôi sao nầy với vinh quang của ngôi sao kia cũng khác”. Cũng có những khác biệt lớn giữa các thiên thể ở trên trời nữa. Các phi hành gia khẳng định rằng không có hai ngôi sao nào giống y nhau hết. Đức Chúa Trời đã dựng nên từng tạo vật đặc biệt ở trên trời.
C. SỰ BIẾN ĐỔI CỦA THÂN THỂ THUỘC VỀ ĐẤT (câu 42a).
Trong nửa phần đầu của câu 42, Phaolô đưa ra sự ví sánh: “Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy”. Thân thể phục sinh của chúng ta sẽ khác với thân thể thuộc về đất giống như thân thể thuộc về trời khác với thân thể thuộc về đất, giống như thịt của loài cá khác với thịt của loài người. Hãy suy nghĩ trong một phút về sự hóa hình của Chúa Jêsus. Ở Mathiơ 17, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã đem Phierơ, Giacơ và Giăng lên núi Herman. Các câu 2-3 chép: “Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng. Nầy, có Môi-se và Ê-li hiện đến, nói chuyện cùng Ngài”. Trong một thời gian ngắn, Chúa đang ở trong sự vinh hiển của Ngài. Dù Ngài rất khác biệt, Ngài vẫn là Jêsus. Cũng vậy, khi chúng ta sống lại từ kẻ chết. Chúng ta sẽ chính là mình. Chúng ta sẽ có cùng loại thân thể. Nhưng thân thể của chúng ta sẽ rất là khác biệt.
III. Những đối chiếu của loại thân thể phục sinh (các câu 42b-44).
A. THÂN THỂ THUỘC VỀ ĐẤT HAY HƯ NÁT, LOẠI THÂN THỂ ĐỜI ĐỜI KHÔNG HAY HƯ NÁT (câu 42b).
Ở câu 42b, Phaolô viết: “Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát”. Một lần nữa, chúng ta thấy hình bóng của hột giống và cây. Thân thể được “gieo ra” hay được trồng xuống đất khi chúng ta chôn cất hay tống táng nó. Không cần phải có nhiều lưu ý khi nhận biết rằng mọi sự sống tự nhiên đều được “gieo ra là hay hư nát”. “Hay hư nát” cũng được dịch là “hay hư mất” ở các bản dịch khác. Chúng ta hiểu cụm từ ấy muốn nói gì rồi. Chúng ta mua những sản phẩm dễ bị hư hỏng. Sữa rất dễ bị hỏng. Sau một vài ngày nói đổi ra chua. Trái cây và rau xanh rất dễ bị hư hỏng. Nếu không đem dùng, chúng sẽ thối rữa. Bánh sẽ nổi mốc meo lên. Nhiều sản phẩm đều có thời hạn sử dụng. Cũng một thể ấy với thân thể con người. Thân thể đó hay hư nát, dễ hư mất. Chúng ta có một tầm vóc cho thời hạn sử dụng. Thi thiên 90.10 chép: “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi”.
Luật thứ hai của Nhiệt động lực học (Thermodynamics) hay vật lý cơ bản nói rằng hệ thống sự sống nằm trong một quá trình phân hủy. Nói cách khác, mọi thứ gì sống đều đang dãy chết từ từ. Mọi cơ quan đang bị hư hoại. Đây là phần tranh luận hợp lý sôi nổi khác nghịch lại với tôn giáo tiến hóa. Từ ngày chúng ta chào đời, chúng ta bắt đầu chết. Có thể nó tốn nhiều thập niên, nhưng vì thân thể chúng ta là hay hư nát, chúng từ từ hư hoại đi và chắc chắn là hư mất.
Nhiều phân đoạn Kinh Thánh nói đến sự thực hiển nhiên nầy. Truyền đạo 3.20 chép: “Cả thảy đều qui vào một chỗ; cả thảy do bụi đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi đất”. Thi thiên 103.14-16 chép: “Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất. Đời loài người như cây cỏ; Người sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa”.
Ồ, chúng ta đang chống chọi phấn đấu với tuổi tác và chắc chắn với sự chết là dường nào! Chúng ta ăn uống có chế độ. Chúng ta luyện tập. Chúng ta dùng những thứ vitamin. Chúng ta đi khám bệnh. Chúng ta canh chừng sức khỏe của mình. Dù vậy, ngay cả người mạnh sức nhứt, khỏe mạnh nhứt giữa vòng chúng ta cũng ngày càng già và yếu ớt đi và chắc chắn chết mất. Thân thể sẽ hư hoại sau khi chết. Chúng ta tẩn liệm thân thể đã chết để bảo tồn họ lâu đủ cho tang lễ. Thỉnh thoảng chúng ta nghe thấy về loại thân thể được bảo tồn tự nhiên bằng băng đá. Mới đây, những nhà leo núi tại California đã khám phá ra thân thể của viên phi công trong Đệ II Thế Chiến và mảnh vụn máy bay của viên phi công nầy trong băng đá. Người ta nhận ra anh ta qua những di sản của anh ta, nhưng dù sau khi bị đóng băng hơn 60 năm, thân thể của anh ta cũng đã bị hư hoại.
Mặc dù thân thể được “gieo ra là hay hư nát”, Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ nó “sống lại là không hay hư nát”. Thân thể phục sinh sẽ không biết đến hư hoại nữa. Thân thể phục sinh sẽ không còn phục theo tội lỗi và vì thế không già yếu và chết đi nữa. Câu 54 chép rằng kỳ sẽ đến khi “thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát”. Những gì giờ đây là dễ hư mất khi ấy sẽ không còn hư mất nữa. Hãy lắng nghe lời lẽ của Phierơ trong I Phierơ 1.3-4: “Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em”.
B. THÂN THỂ THUỘC VỀ ĐẤT GIEO RA LÀ NHỤC, THÂN THỂ ĐỜI ĐỜI LÀ VINH (câu 43a).
Một đối chiếu thứ hai được thấy ở câu 43a: “gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh”. Nói như thế có quan hệ đến giá trị. Trong hệ thống của Đức Chúa Trời, sau khi sa ngã, con người bị hư hoại bởi tội lỗi và giá trị của người bị giảm đi. Con người được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời phản ảnh hình tượng của Đức Chúa Trời và làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên tội lỗi đã làm lu mờ hình ảnh vinh hiển đó.
Vì cái đầu của chúng ta là Ađam đã sa vào trong tội lỗi, từng dòng dõi của ông ấy, từng người trong dòng giống con người được sanh ra với một bản tánh loạn nghịch, tội lỗi. Không những chúng ta được “gieo ra là nhục”, chúng ta được ra đời trong sự “nhục” đó. Hết thảy chúng ta đều đang phấn đấu với tội lỗi. Phaolô chi tiết hóa sự phấn đấu của cá nhân ông trong Rôma 7. Ông kêu gào ở câu 24: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?”
Chúng ta đã chào đời trong tội lỗi. Chúng ta phấn đấu trọn đời mình với tội lỗi. Chúng ta chết trong tội lỗi. Tuy nhiên vì cớ ân điển và sự thương xót của Chúa chúng ta, chúng ta có thể được “sống lại là vinh”. Thân thể phục sinh của chúng ta sẽ được phục hồi trọn vẹn với giá trị. Sẽ chẳng còn có tội lỗi, đau khổ hay buồn rầu nữa khi ấy. Chúng ta sẽ không bị giới hạn trong khả năng của mình khi phục vụ và tận hưởng Đức Chúa Trời. Khải huyền 21.4 chép: “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết ,cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.
C. THÂN THỂ THUỘC VỀ ĐẤT LÀ YẾU, THÂN THỂ ĐỜI ĐỜI LÀ MẠNH (câu 43b).
Thêm nữa, câu 43b chép: “đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh”. Phần đối chiếu thứ ba nầy có quan hệ với khả năng của chúng ta. Chúng ta bị hạn chế bởi sự “yếu”. Chúng ta bị suy yếu nơi sức khỏe thể xác, sự chịu đựng và sức đề kháng đối với bịnh tật và bất lợi. Thân thể của chúng ta hoàn toàn dễ vỡ. Chúng ta bị gãy xương, da chúng ta bị đứt và bị rách, chúng ta bị nhiễm trùng, bịnh tật rồi chắc chắn là chết mất.
Loại thân thể dễ vỡ nầy chỉ là tạm thời mà thôi. II Côrinhtô 5.1 sánh thân thể con người với một túp lều. Câu ấy chép: “Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra”. Một túp lều là một cấu trúc tạm thời. Cũng một thể ấy, thân thể nầy của chúng ta là nơi trú ngụ tạm thời cho linh hồn đời đời của chúng ta.
Tuy nhiên, trong sự sống lại, loại thân thể yếu đuối nầy sẽ được “sống lại là mạnh”. Dù chúng ta không thể biết hết mọi sự, chúng ta có thể biết bất cứ điều chi tâm thần được chuộc của chúng ta muốn làm, thân thể được chuộc của chúng ta sẽ có thể làm. Chúng ta sẽ không còn nói như thế nầy nữa: “tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Mathiơ 26.41).
D. THÂN THỂ THUỘC VỀ ĐẤT LÀ THỂ HUYẾT KHÍ, THÂN THỂ ĐỜI ĐỜI LÀ THIÊNG LIÊNG (câu 44).
Phần đối chiếu sau cùng nằm ở câu 44: “đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng”. Phần đối chiếu nầy xử lý với lãnh vực tồn tại. Chúng ta ra đời với một “thể huyết khí” sẽ được sống lại với “thể thiêng liêng”. Lãnh vực “huyết khí” là phạm vi sự sống mà chúng ta đang nhìn biết hôm nay. Lãnh vực ấy quan hệ với cách thức chúng ta sinh sống và làm lụng. Mặc dù chúng ta bị tiêm nhiễm với tội lỗi từ sự sa ngã và dù thực sự chúng ta dễ vỡ lắm, chúng thích hợp cho sự sống ở đây trên đất nầy.
Trong sự sống lại, loại thân thể “huyết khí” của chúng ta sẽ trở thành loại thân thể “thiêng liêng”. Trong “thân thể huyết khí” ấy, chúng ta không thể có mối tương giao mặt đối mặt với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta được sống lại và mọi dấu tích của tội lỗi đã bị dời đi khỏi thân thể của chúng ta, chúng ta có thể đứng trước mặt Ngài trong mối tương giao vẹn toàn. Chúng ta sẽ không sống như hàng thiên sứ, nhưng chúng ta sẽ sống “giống như” họ, trong đó chúng ta sẽ được trang bị cho sự sống ở trên trời. Chúa Jêsus đã phán ở Luca 20.34-36: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Con cái của đời nầy lấy vợ gả chồng; song những kẻ đã được kể đáng dự phần đời sau và đáng từ kẻ chết sống lại, thì không lấy vợ gả chồng. Bởi họ sẽ không chết được nữa, vì giống như các thiên sứ, và là con của Đức Chúa Trời, tức là con của sự sống lại”.
IV. Nguyên mẫu của sự sống lại (các câu 45-49).
Nguyên mẫu là nguyên bản đầu tiên. Trước khi công ty xe hơi tiếp thị mẫu xe mới, có những nguyên mẫu giúp cho các kỷ sư phát triển xe hơi thành hình thức sau cùng của nó. Tuần qua, các chấp sự đã cung ứng cho quí vị một chương trình chiến lược cho Hội Thánh chúng ta vào năm 2006. Có một nguyên mẫu gốc tài liệu đó, nhưng nó đã trải qua nhiều sự xem xét lại trước khi quí vị nhận được chương trình ấy. Theo một ý nghĩa rộng lớn hơn, Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta một nguyên mẫu, một nguyên bản đầu tay của thân thể phục sinh.
A. PHAOLÔ SÁNH AĐAM VỚI CHÚA JÊSUS (câu 45).
Câu 45 chép: “ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống”. Phần đầu tiên của câu nầy ra từ Sáng thế ký 2.7: “A-đam trở nên một loài sanh linh” hay một “linh hồn sống”. Thân thể của Ađam không được vinh hiển, nhưng nó ở trong chỗ trọn vẹn vì chính Đức Chúa Trời có phán thân thể ấy là “tốt lành” (Sáng thế ký 1.31).
Tân Ước ví sánh và đối chiếu Ađam với Đấng Christ. Thực vậy, Chúa Jêsus đôi khi được gọi là Ađam thứ hai. Hãy cùng tôi mở ra ở Rôma 5.12-21: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội. Vì, trước khi chưa có luật pháp, tội lỗi đã có trong thế gian, song chưa có luật pháp, thì cũng không kể là tội lỗi. Nhưng từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của A-đam, là người làm hình bóng của Đấng phải đến. Song tội lỗi chẳng phải như sự ban cho của ân điển. Vì nếu bởi tội lỗi của chỉ một người mà mọi kẻ khác đều phải chết, thì huống chi ơn của Đức Chúa Trời và sự ban cho trong ơn Ngài tỏ ra bởi một người là Đức Chúa Jêsus Christ, chan chứa cho hết thảy mọi người khác là dường nào! Lại sự ban cho nầy chẳng phải như việc xảy đến bởi một người phạm tội đâu: sự phán xét bởi chỉ một tội mà làm nên đoán phạt; nhưng sự ban cho của ân điển thì sau nhiều tội rồi, dẫn đến sự xưng công bình. Vả, nếu bởi tội một người mà sự chết đã cai trị bởi một người ấy, thì huống chi những kẻ nhận ân điển và sự ban cho của sự công bình cách dư dật, họ sẽ nhờ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà cai trị trong sự sống là dường nào! Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình. Vả, luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm; nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa, hầu cho tội lỗi đã cai trị làm nên sự chết thể nào, thì ân điển cũng cai trị bởi sự công bình thể ấy, đặng ban cho sự sống đời đời bởi Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta”.
Ađam trở thành “một linh hồn sống” còn Chúa Jêsus là “thần ban sự sống”. Qua Ađam, chúng ta thừa hưởng tội lỗi và sự chết theo phần xác. Qua cơ nghiệp của chúng ta từ Ađam, chúng ta có loại thân thể vật lý. Ngài là nguyên mẫu của chúng ta. Qua cơ nghiệp của chúng ta từ Chúa Jêsus, chúng ta sẽ có loại thân thể thiêng liêng. Ngài là nguyên mẫu trọn vẹn của chúng ta.
B. PHAOLÔ CHIA SẺ TRÌNH TỰ CƠ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA (câu 46).
Câu 46 chép: “Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, ấy là thể huyết khí; rồi thể thiêng liêng đến sau”. Từng con người, kể cả Chúa Jêsus đã khởi sự cuộc sống trong một thân thể huyết khí, vật lý của con người. Khi Chúa Jêsus sống lại ra khỏi mồ mả, thân thể của Ngài đã được thay đổi bởi quyền phép của Đức Chúa Trời thành thân thể thiêng liêng, thuộc về trời. Cũng một thể ấy, chúng ta bắt đầu sự sống trong loại thân thể huyết khí, theo phần xác, nhưng nơi sự sống lại thân thể chúng ta sẽ được dựng nên theo thể thiêng liêng và vinh hiển, phù hợp với thiên đàng.
C. PHAOLÔ CÔNG BỐ CÁC YẾU TỐ CỦA THÂN THỂ CHÚNG TA (các câu 47-48).
Các câu 47-48 chép: “Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai bởi trời mà ra. Người thuộc về đất thể nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy; người thuộc về trời thể nào, thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy”. Chúng ta biết rằng Ađam là “thuộc về đất” vì Đức Chúa Trời đã dựng nên ông bằng “bụi đất”. Điều nầy cụ thể nói rằng Ađam thuộc về “đất”.
Chúa Jêsus, “người thứ hai” là “Chúa đến từ Trời”. Chúa Jêsus có trước Ađam. Ngài hằng hữu và tự hằng hữu. Ngài đã dựng nên trời và đất. Ngài “đến từ trời”. Ađam thuộc về đất, còn Chúa Jêsus thuộc về trời. Qua Ađam dòng giống con người đã đến. Qua Chúa Jêsus, dòng giống thuộc về trời đã đến.
Phaolô nói “Người thuộc về đất thể nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy”. Như Ađam thuộc về đất và nhiễm bẩn với tội lỗi, cũng một thể ấy với chúng ta. Tuy nhiên, “người thuộc về trời thể nào, thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy”. Trong Ađam, chúng ta thuộc về đất, nhưng trong Đấng Christ, một ngày kia thân thể chúng ta sẽ được dựng nên để thuộc về trời.
D. PHAOLÔ VÍ SÁNH ẢNH TƯỢNG CỦA THÂN THỂ CHÚNG TA (câu 49).
Câu 49 chép: “Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời”. Còn bây giờ, chúng ta trông giống như Ađam, nhưng rồi chúng ta sẽ trông giống như Chúa Jêsus. Từ nghiên cứu các phân đoạn Kinh Thánh mô tả thân thể phục sinh của Chúa Jêsus, chúng ta có một quan niệm về thân thể phục sinh của chúng ta sẽ ra giống với điều gì! Chúng ta sẽ không còn bị hạn chế trong thời gian và không gian, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể ăn, uống, ngồi, trò chuyện và được nhận ra.
Loại thân thể nầy, từng ra đời dễ bị hư mất, nhục, yếu đuối và huyết khí sẽ được sống lại như loại thân thể không còn bị hư nát, vinh hiển, mạnh mẽ và thiêng liêng. Chúa Jêsus đã phán ở Mathiơ 13.43: “Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy nghe!” Philíp 3.21 chép Đấng Christ: “…Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật”.
Chúng ta hãy kết thúc với hai tư tưởng chính:
Thứ nhứt, sự sống lại cung ứng cho chúng ta hy vọng. Một số người trong chúng ta và nhiều người khác mà chúng ta yêu thương đều có những chiến trận theo phần xác. Những phấn đầu theo phần xác đến với tuổi tác, bịnh tật và tình trạng dễ vỡ đang hành hại chúng ta. Đối với một số người, mỗi ngày là một cuộc tranh đấu theo phần xác. Sự sống lại bảo đảm cho chúng ta rằng tình trạng ấy sẽ không còn có nữa. Như một nhà truyền đạo xưa kia hay nói: “Điều nầy sẽ không còn có nữa, có nhiều thứ tốt đẹp hơn đang đến”.
Thứ hai, sự sống lại cung ứng cho chúng ta sự tin quyết. II Phierơ 3.11-12 chép: “Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi!” Chúng ta biết rằng đời nầy không bao lâu nữa sẽ qua đi. Chúng ta biết rõ Đấng Christ sẽ khiến cho sự sống lên đến tột đỉnh như chúng ta biết đó. Vì vậy, tiêu điểm của chúng ta sẽ nhắm vào là những việc đời đời, chớ không nhắm vào những việc tạm thời. Sự hiểu biết nầy thúc đẩy chúng ta nhắm vào sự “nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình” vì chúng ta trông mong lời hứa của Đức Chúa Trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét