Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Sống hôm nay theo ánh sáng của ngày mai



CÓ HY VỌNG TRÊN ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Sống hôm nay theo ánh sáng của ngày mai
II Timôthê 3.10 - 4.8
1. Cách đây mấy năm, một thị trấn nhỏ trong bang Maine phải được tái thiết lại vì một đập thủy điện đã được xây dựng ngang qua ngôi làng của họ. Bối cảnh thị trấn của họ sẽ bị ngập lụt và bị nhận chìm. Cơ quan nhà nước đã dành ưu đãi cho dân chúng về giá cả bồi thường cho tài sản của họ. Một việc lạ đã xảy ra. Một thời gian ngắn sau khi tiền bồi thường được loan báo, thị trấn nhỏ nhắn một thời xinh đẹp kia người ta định giữ nguyên như vậy đã rơi vào cảnh hư nát. Lớp sơn tróc ra, những tấm ván lỏng lẻo ra, cỏ dại mọc lên trong khu đậu xe. Một người địa phương tóm tắt cảm xúc của cộng đồng với một phóng viên báo chí: “Tại sao phải giữ nguyên thị trấn trong khi mai đây nó sẽ chẳng còn có nữa?”
2. Trải qua chín tuần lễ chúng ta đã xem xét các biến cố chính của lời tiên tri trong Kinh thánh theo dòng thời gian. Chúng ta đã học biết về Sự Cất Lên của Hội thánh, Ngai Phán Xét của Đấng Christ, Kỳ Đại Nạn, Sự Dấy Lên của Antichrist, Sự Đến Lần Thứ Hai của Đấng Christ, Vương Quốc trong thời kỳ Thiên Hi Niên, Ngai Trắng Lớn Phán Xét và tương lai đời đời, Kỹ Nguyên Thiên Đàng.
3. Chúng ta sẽ làm gì với sự hiểu biết nầy? Francis Shaeffer đã hỏi: “Rồi chúng ta sẽ sống ra sao?” Chuck Colsen trong quyển sách mới của ông đã cập nhật câu hỏi ấy với đề tựa Bây giờ chúng ta sẽ sống ra sao? Có một việc là chắc chắn. Chúng ta không cần phải để cho lớp sơn tróc ra và cỏ dại mọc lên trong đời sống của chúng ta. Không, chúng ta cần phải sống hôm nay theo ánh sáng của ngày mai.
4. Loạt bài nầy đã khởi sự với một sứ điệp có đề tựa Thế Giới Nầy Sẽ Đi Về Đâu? Trong bài giảng khởi đầu ấy, phân đoạn Kinh thánh gốc của chúng ta là II Timôthê 3.1-9. Chúng ta đã học biết “những thời kỳ nguy hiểm” hay những thời kỳ tàn bạo, độc ác giữa những dấu hiệu khác sẽ đánh dấu những “ngày sau rốt”. Chúng ta đã khởi sự loạt bài ở 3.1-9 và hôm nay ở sứ điệp cuối cùng, chúng ta sẽ kết thúc ở 3.10 - 4.8. Tôi muốn cung ứng cho quí vị bốn chìa khoá cho cuộc sống hôm nay theo ánh sáng của ngày mai.
I. Tiếp tục trung tín (3.10-12).
A. Timôthê noi theo gương của Phaolô.
1. Sau khi viết về những dấu hiệu trong những “ngày sau rốt” và kẻ tội ác sẽ hiện đến, Phaolô khen ngợi Timôthê.
2. Ông khích lệ Timôthê vì vị Mục sư trẻ đã có “sự dạy dỗ, tánh hạnh, ý muốn, đức tin, nhịn nhục, yêu thương, bền đỗ”.
3. Vị Sứ Đồ đang ở gần kề phần cuối của cuộc đời mình. Ông biết ngày giờ của mình không còn bao nhiêu nữa. Ông đang đợi sự hành quyết tại Rôma. Timôthê là học trò của ông. Trong mấy năm qua, Timôthê đã cẩn thận “noi theo” Phaolô, nhưng thời gian sắp tới đây, Timôthê sẽ phải đứng trên chân của mình.
4. Sự việc cho thấy, dường như Phaolô muốn nói: “Hỡi Timôthê, sắp tới đây khi ta đã đi rồi, ta muốn con phản ảnh lại những gì ta đã dạy, ta đã sống như thế nào và ta đã dâng mình vì mục đích nào. Ta muốn con ghi nhớ ta đã tin Đức Chúa Trời, kính mến Đức Chúa Trời và đã chịu khổ vì Đức Chúa Trời như thế nào! Ta đã nêu một gương cho con và ta muốn con sống y như ta đã sống”.
5. Phaolô đã nói với người thành Côrinhtô: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (I Côrinhtô 11.1).
6. Khi chúng ta tiếp cận với những “ngày sau rốt”, những thời điểm đã được nói trước trong lời tiên tri, người nào trung tín với Đức Chúa Trời sẽ đứng vững ở ngoài đám đông kia. Phaolô đã cầu thay cho các tín hữu ở thành Philíp để họ sẽ “ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian” (Philíp 2.15).
B. Có nhiều tấm gương trong Kinh thánh.
1. Hêbơrơ 11 được gọi là “Đại Sảnh Đức Tin”. Chương nầy đưa ra hai phần: phần định nghĩa và vô số tấm gương những đời sống trung tín.
2. Ở đây chúng ta thấy những tấm gương như A-bên, Hê-nóc, Nôê, Ápraham, Sara, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, Môise, Giô-suê, Raháp, v.v…Tác giả đã nói phần bắt đầu ở câu 32: “Ta còn nói chi nữa? Vì nếu ta muốn nói… thì không đủ thì giờ”. Ông tiếp tục nhắc tới “Ghê-đê-ôn”, “Ba-rác”, “Sam-sôn”, “Giép-thê”, “Đa-vít”, “Sa-mu-ên” và “các đấng tiên tri”. Ông viết về những anh hùng đức tin nầy, họ “tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn”. Ông nói họ đã đối mặt với: “nhạo cười, roi vọt”, và “cũng chịu xiềng xích lao tù nữa”. Họ cũng bị “ném đá”, “cưa xẻ”, “bị giết bằng gươm”, “bị thiếu thốn mọi đường”, “bị hà hiếp”, và bị “ngược đãi”. Tác giả nói tới những nhà vô địch trong đức tin nầy rằng “thế gian không xứng đáng cho họ ở”.
3. Michael Martin Murphy có một bài hát với đề tựa là: “Tôi đến từ một dãy dài yêu thương”. Khi tôi đọc chương nầy, tôi biết rằng tôi đến từ một dãy dài đức tin!
Quí vị có nghe nói về Susan Butcher chưa? Cô đã phấn đấu và đã thắng một cuộc đua 500 dặm trược tuyết bằng xe do chó kéo ở Minnesota trong cái chết chóc của mùa đông. Thực thế, cô đã thắng cuộc đua ấy những hai lần! Hãy tưởng tượng xem, hết ngày nầy qua ngày khác kiệt lực đi trong những điều kiện như bão tuyết, cô cùng đội chó Eskimo đã đua trong mấy trăm dặm. Hãy tưởng tượng sự đơn điệu buồn tẻ, sự căng thẳng, lạnh giá và kiệt sức xem. Làm sao cô có thể chịu đựng được như thế? Trong một cuộc phỏng vấn, Butcher đã nói: “Tôi chỉ nhớ rằng có nhiều người khác đã chịu đựng cảnh ấy trước tôi, và tôi cũng có thể chịu đựng được. Vì họ đã chịu được, thì tôi cũng có thể chịu nổi”.
C. Lời khuyên thực tế. Hãy tìm một gương tốt.
1. Người ta học dương cầm, dạy dỗ một đứa trẻ nhỏ hay trải qua những kỳ thi cuối của mình như thế nào? Chúng ta nhớ lại rằng nhiều người khác đã trải qua. Nếu họ có thể qua được, chúng ta cũng có thể qua được nữa.
2. Nguyên tắc nầy được đưa ra trong lãnh vực đức tin. Timôthê đã noi theo Phaolô. Nhiều người khác đã noi theo ông. Sự việc giống như chuyển giao khúc gậy thuộc linh vậy. Chúng ta gọi đó là môn đồ hoá.
3. Tôi rất biết ơn vì có nhiều vị cố vấn thuộc linh trong đời sống tôi. Tôi nhớ vị giáo viên lớp trường Chúa nhựt khi học lớp 7, vị Mục sư đặc trách thanh niên, những thầy dạy Kinh thánh và vị Mục sư chủ toạ của tôi. Tôi có nhiều tấm gương trước tôi trong chính hội chúng của tôi.
4. Khi quí vị sống cho Đấng Christ trong những “ngày sau rốt” nầy, hãy chọn lấy một tấm gương, một vai trò mẫu mực rồi noi theo với hết sức của mình.
II. Tin cậy vào lẽ thật (3.13-17).
A. Sự CẦN THIẾT của Kinh thánh (câu 13).
1. Trong phạm vi của những “ngày sau rốt”, Phaolô nói rằng “những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn”. Chúng ta không phải nhìn quanh lâu mà không nhất trí với vị Sứ đồ ở điểm nầy. Từ những kẻ viết sách báo khiêu dâm cho đến những nhà truyền đạo như nghệ sĩ trên vô tuyến truyền hình, họ “làm lầm lạc kẻ khác mà cũng lầm lạc chính mình nữa”.
2. Kinh thánh là quyển sách tiêu khiển, là kim chỉ nam, và là sách đầu tay của chúng ta. Sách ấy dẫn dắt chúng ta qua những làn sóng bão táp thoả hiệp trong thời hiện đại đến nơi bình tịnh của lẽ thật đời đời.
Một tác giả vô danh đã nói theo cách nầy: “Quyển sách nầy là tâm ý của Đức Chúa Trời, tình trạng của con người, phương thức cứu rỗi, số phận của tội nhân, và phước hạnh của người tin Chúa. Lẽ đạo của Kinh thánh là thánh, giáo huấn của Kinh thánh rất chặt chẽ; lịch sử của Kinh thánh là thực, và mọi quyết định của Kinh thánh là bất biến. Hãy đọc Kinh thánh để được khôn ngoan, hãy tin theo Kinh thánh để được an ninh, làm theo Kinh thánh để được nên thánh. Kinh thánh chứa ánh sáng để dẫn dắt bạn, đồ ăn để nâng đỡ bạn, và sự yên ủi để cổ vũ bạn. Kinh thánh là tấm bản đồ của du khách, là cây trượng của lữ khách, là la bàn cho viên phi công, là thanh gươm của chiến sĩ, và là cá tánh của Cơ đốc nhân. Ở đây thiên đàng được phục hồi, thiên đàng mở cửa ra, và hai cánh cổng của địa ngục được bày ra. Đấng Christ là đề tài chính của Kinh thánh, Kinh thánh vẽ ra ơn phước của chúng ta, và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là cứu cánh của Kinh thánh. Kinh thánh phải đầy dẫy trong trí, tể trị tấm lòng, và dẫn dắt bước chân. Hãy đọc Kinh thánh cách chậm rãi, thường xuyên, với sự khẩn nguyện. Kinh thánh là cái mỏ của sự giàu có, một thiên đàng vinh hiển, và một dòng sông khoái lạc. Hãy làm theo mọi giáo huấn của Kinh thánh thì Kinh thánh sẽ dẫn dắt quí vị đến đồi Gôgôtha, đến ngôi mộ trống, đến một đời sống phục sinh trong Đấng Christ; phải, đến với sự vinh hiển, đến với cõi đời đời”.
B. NGHIÊN CỨU Kinh thánh (các câu 14-15).
1. Phaolô khích lệ Timôthê phải “đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy”. Kế đó, với lời lẽ dịu dàng, ông tô điểm một bức tranh bằng lời khi nói thêm: “vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh”.
2. Bà nội của Timôthê là Lô-ít và mẹ là Ơ-nít đã mềm mại, cẩn thận dạy dỗ Timôthê Lời của Đức Chúa Trời từ lúc còn thơ ấu.
3. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ tới việc nhìn thấy bố tôi đọc Kinh thánh mỗi sáng. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ thể nào mẹ tôi đọc cho tôi nghe và quyết chắc tôi phải có mặt trong nhà thờ.
4. Hỡi những người làm cha mẹ, làm ông bà, chúng ta cần phải mang lấy rồi chuyển giao ngọn đuốc cho thế hệ hầu đến. Có thể họ sẽ là thế hệ cuối cùng đấy!
5. Có thể quí vị không có một bậc phụ huynh dạy dỗ quí vị về Kinh thánh “từ khi còn thơ ấu”, nhưng quí vị đang có Lời của Đức Chúa Trời hôm nay, hãy nghiên cứu Kinh thánh đi!
6. Lời lẽ của Phaolô dặn Timôthê là: “Đừng lui đi. Đừng dừng lại. Hãy vững vàng với lẽ thật mà con đã học trên đầu gối của mẹ mình”. Chúng ta đang sống trong một thời đại thông tin. Chúng ta bị tấn công với tri thức mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi càng học hỏi tôi càng tin quyết nơi lẽ thật của Kinh thánh càng hơn.
C. QUYỀN PHÉP của Kinh thánh (các câu 16-17).
1. Kinh thánh đã “được soi dẫn” hay được “Đức Chúa Trời hà hơi”.
2. Kinh thánh rất “có ích”. Tôi thấy ngồi trước TV sẽ chẳng có ích lợi bao nhiêu, nhưng từng giây phút tôi để ra với Kinh thánh là rất có ích lợi.
3. Kinh thánh sẽ khiến cho tôi được “trọn vẹn” hay trưởng thành.
Quí vị có nhớ câu chuyện nổi tiếng Mutiny on the Bounty [Nổi loạn trên đảo Bounty] không? Theo sau sự nổi loạn của họ chống lại viên Đại úy Bligh xâu xa, 9 người nổi lọan, cùng với những người đàn ông, đàn bà Tahiti cùng đi với họ, đã tìm được đường sang đảo Pitcairn, một chấm nhỏ trong biển Nam Thái Bình Dương có bề dài hai dặm và rộng một dặm. Mười năm sau, sau khi chiến đấu chỉ còn có một người sống sót, John Adams. 11 phụ nữ và 23 trẻ em hình thành phần còn lại của dân cư hòn đảo. Vào thời điểm nầy, Adams tìm được quyển Kinh thánh ở đáy chiếc rương cũ. Ông bắt đầu đọc, và quyền phép thiêng liêng của Lời Đức Chúa Trời chạm đến tấm lòng của kẻ giết người chai lì kia đang sống trên hòn đảo núi lửa thuộc vùng biển Thái Bình Dương và đã thay đổi đời sống ông cho đến đời đời. Sự bình an và tình yêu thương mà Adams đã tìm được trong Kinh thánh đã thế chỗ hoàn toàn đời sống cũ hay tranh cãi, và rượu chè. Ông bắt đầu dạy Kinh thánh cho các trẻ em cho tới chừng mỗi người trên hòn đảo đã kinh nghiệm được chính sự thay đổi đáng kinh ngạc mà ông đã tìm được. Ngày nay, với số cư dân chưa tới 100 người, gần như mỗi người trên hòn đảo Pitcairn đều là một Cơ đốc nhân.
III. Chia sẻ Cứu Chúa (4.1-4).
A. Mạng lịnh của Phaolô (câu 1). Trong câu nầy Phaolô giống như một vị Tướng lãnh đang đứng trước quân đội của mình vậy. Ông nói: “Ta răn bảo con”. Ông cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa Jêsus, là Đấng sẽ “đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài”.
B. Sứ mệnh của chúng ta (câu 2).
1. Chúng ta cần phải “giảng đạo”. “Giảng” có nghĩa là “công bố”. Đây không phải là một câu chỉ dành cho quí Mục sư hay các giáo sư dạy Kinh thánh, mà là dành cho hết thảy những người tin Chúa.
2. Có phải quí vị biết mình có một chỗ trong chương trình có tính tiên tri của Đức Chúa Trời? Chỗ đó nằm ở đây. Khi ngày ấy hầu gần, quí vị và tôi cần phải trung tín chia sẻ sứ điệp nói tới Đấng Cứu Thế.
3. Chúng ta cần phải “sẵn sàng” làm chứng cho người khác biết về Chúa Jêsus bất luận “gặp thời hay không gặp thời”. Hãy làm chứng dù gặp hay không gặp thời. Khi quí vị cảm nhận hay quí vị không cảm nhận. Hãy làm chứng đạo vào mùa đông và vào mùa hè, mùa xuân và mùa thu. Hãy công bố Đấng Christ ra ở nơi sứ điệp được tán thưởng và ở nơi sứ điệp bị dèm chê. Hãy giảng đạo ở nơi hai cánh cửa rộng mở và ở nơi chúng bị đóng lại. Hãy chia sẻ tin lành với cả người già lẫn trẻ, kẻ giàu hay nghèo, ở nơi công cộng hay tại tư gia.
4. Tôi thích I Phierơ 3.15: “nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ”.
5. Chúng ta cần phải “đem lòng rất nhịn nhục”, “bẻ trách” và “nài khuyên”. Chúng ta cần phải trình bày cho rõ ràng, nhưng đừng nhồi nhét vào họng của người ta. Côlôse 4.6 chép lời nói của chúng ta cần phải “nêm thêm muối”.
6. Hãy nhớ lý thuyết cho phim Star Trek: “dạn dĩ đi đến nơi nào mà chưa có con người đến”. Hết thảy chúng ta đều có lời kêu gọi ấy. Quí vị đang có một lãnh vực ảnh hưởng rất đặc biệt.
C. Những ngày tối tăm (các câu 3-4).
1. Trong những “ngày sau rốt” nầy, những “thời kỳ nguy hiểm” nầy, có nhiều tiếng kêu gào phải chú ý. Nhiều người sẽ “không chịu nghe đạo lành”. Hệ thống thờ lạy hình tượng, Kỹ Nguyên Mới, chủ nghĩa thần bí, chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa thế tục, v.v…hết thảy đều xưng mình là thực. Trong thời kỳ tối tăm nầy, sự sáng chiếu rọi của Tin lành càng trở nên quan trọng hơn.
2. Cho phép tôi đưa ra đề nghị sau cùng. Trong “thời kỳ nguy hiểm” nầy trong những ngày sau rốt, giữ lấy sứ điệp đơn sơ kia rất là quan trọng.
Vào ngày 7 tháng 4 năm 1865, Tổng thống Abraham Lincoln đã viết một thông điệp đơn sơ gửi cho Tướng Grant. Thông điệp ấy ghi như sau: “Tướng Sheridan nói: ‘Nếu sự việc được hối thúc, tôi nghĩ Lee sẽ đầu hàng’. Hãy hối thúc việc ấy”. Một sứ điệp đơn sơ đã xoay chiều lòng lịch sử. Khi đến với Tin lành của Đấng Christ, hãy hối thúc việc ấy!
IV. Hoàn tất cuộc chạy (4.5-8).
Phải, nhiều người sẽ “bịt tai không nghe lẽ thật” nhưng chúng ta cần phải “có tiết độ trong mọi sự”, phải “chịu cực khổ” để “làm việc của người giảng Tin lành” và để “làm cho đầy đủ mọi phận sự về chức vụ con [của chúng ta]”. Họ có thể tranh luận với những tín điều của chúng ta, nhưng không thể tranh luận với các tấm gương của chúng ta được. Philíp 2.15 cho chúng ta biết phải trở nên “con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian”. Đây là ba tư tưởng về việc hoàn ấtt cuộc chạy.
A. Hãy đổ sự sống của quí vị ra, đừng cất giấu nó (câu 6).
B. Hãy giữ đức tin, đừng lui đi vào lúc sau cùng (câu 7).
C. Hãy giữ mắt nhìn về đích đến, chớ đừng nhìn vào cuộc đua (câu 8).
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 1960, John F. Kennedy thường kết thúc bài diễn văn của mình với câu chuyện của Đại Tá Davenport, phát ngôn viên của Dinh Đại Sứ ở Connecticut. Một ngày kia vào năm 1789, bầu trời Hartford tối tăm rất gỡ lạ, một số đại sứ, sợ rằng tận thế đến nơi. Chấm dứt tiếng kêu la đòi ngưng họp tức thì, Davenport đứng bật dậy rồi nói: “Ngày Phán Xét một là đang đến gần hoặc chưa. Nếu ngày ấy chưa đến, chẳng có lý do gì phải ngưng họp. Nếu ngày ấy đến, tôi chọn được người ta thấy mình đang làm bổn phận. Vì lẽ đó, tôi muốn những ngọn đèn được đem ra”. Thay vì e sợ bóng tối tăm, chúng ta cần phải được thắp sáng khi chúng ta canh chừng và trông đợi. Chúng ta không biết khi nào chương cuối của sự sống trên đất sẽ trở nên rõ ràng, nhưng khi chương ấy mở ra, nguyện ai nấy đều thấy chúng ta đang thực thi bổn phận của mình.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét