Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 1.1-9: "Viết cho người thành Côrinhtô, với tình yêu thương".



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Viết cho người thành Côrinhtô, với tình yêu thương
I Côrinhtô 1.1-9
Hãy tưởng tượng bối cảnh nầy. Quí vị là một người cha đang ngăn chặn đứa con mình đi theo đường lối riêng của nó lần đầu tiên. Nó sẽ lên đường đến trường đại học hay vào quân đội hoặc đến nơi ở riêng của nó. Một số người trong quí vị đã kinh nghiệm rồi sự việc nầy. Nhiều người khác sẽ đối diện với điều nầy không bao lâu nữa. Chiếc xe hơi đã bị trùm mền, lời từ giả đã được thốt ra rồi. Quí vị trông thấy con của mình bước lên xe rồi lái đi vào tuổi trưởng thành. Quí vị đã làm hết sức mình để nuôi dạy nó cho đúng đắn. Quí vị đã dạy cho nó biết cái đúng cái sai. Quí vị đưa nó đến nhà thờ. Quí vị để ý đến mọi quyết định của nó. Thế rồi cuộc đời nó bây giờ nằm trong tay của nó. Bây giờ hãy tưởng tượng một vài tháng đã trôi qua. Quí vị nghe nói từ mấy người bạn của nó rằng nó đã sống xa cách với gốc rễ đạo đức và thuộc linh của nó. Không cứ cách nào đó, nó đã rời bỏ mọi giá trị mà quí vị đã truyền đạt cho nó. Nó mất đi chứng cớ là một Cơ đốc nhân. Chúng ta hãy nói cách duy nhứt mà quí vị truyền đạt cho nó là viết một lá thư bày tỏ ra mọi cảm xúc là một người cha. Quí vị sẽ nói gì nào? Quí vị sẽ viết một lá thư như thế bằng cách nào?
Sứ đồ Phaolô đã đối diện với một phần việc tương tự khi ông ngồi xuống viết lá thư mà chúng ta hiện nhìn biết là I Côrinhtô. Ông đã sáng lập Hội Thánh tại thành Côrinhtô trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai. Ông đã ở lại với họ khoảng hai năm, dạy dỗ họ và khiến cho họ lập nền vững chắc trong đức tin. Có nhiều người, thậm chí các cấp lãnh đạo của nhà hội Do thái đã được cứu. Việc mở ra Hội Thánh nầy là một trong những chuyến mạo hiểm thành công nhất của Phaolô. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, Phaolô nghe được một số tin tức rất đáng lo ngại. Ông hay rằng Hội Thánh không còn hiệp một nữa, mà đã chia ra thành hai phe. Ông hay được họ đã trở nên kiêu ngạo và không còn có thái độ của một tôi tớ nữa. Ông hay được tình trạng phi luân về tình dục đã toả khắp Hội Thánh, thậm chí có cả mối quan hệ loạn luân nữa. Ông hay được họ đang khoe khoang sự tự do của họ trong vai trò Cơ đốc nhân, làm đảo lộn vai trò của người nam người nữ, làm ô uế Tiệc Thánh và lạm dụng các ân tứ thuộc linh. Họ đã sa đà cách xa lẽ thật của Kinh Thánh đến nỗi một số người trong họ đã thắc mắc về lẽ đạo nói tới sự sống lại. Thực vậy, họ là một Hội Thánh đầy rắc rối. Vì thế Phaolô, giống như một người cha đau khổ, ngồi xuống, viết trong tay rồi bắt đầu viết cho con cái lạc sai của mình.
Mặc dù I Côrinhtô là một bức thư riêng, nó cũng là một bức thư được cảm thúc nữa. II Timôthê 3.16 chép: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình”. Đức Thánh Linh đã chọn cảm thúc hay “hà hơi” qua Phaolô những lời lẽ mà chúng ta đang có ở trước mặt đây. Mặc dù Phaolô là một người cha đầy tình yêu thương, ông không đưa ra một cú đánh nào. Ông hoàn toàn nghiêm khắc với họ. Vì thế, ông bắt đầu bức thư nầy giống như quí vị bắt đầu một bức thư gửi cho đứa con sai lạc của mình. Ông nhắc cho họ nhớ tới gốc rễ của họ trong đức tin theo Kinh Thánh. Với điều đó trong trí, tôi đã đặt đề tựa cho sứ điệp nầy, Viết Cho Người Thành Côrinhtô, Với Tình Yêu Thương. Chúng ta sẽ nhắm vào 9 câu đầu, chia thành 5 phân đoạn: tác giả, thành phố, Hội Thánh, lời chào thăm và các ơn phước.
I. Tác giả (câu 1).
Khi chúng ta ngồi lại để viết một bức thư, tấm thiệp hay email hôm nay, chúng ta đặt tên của người nhận ở phần đầu rồi tới tên của chúng ta ở phần cuối. Chúng ta viết một câu như “Thân mến” kế đó ký tên của mình. Tuy nhiên, người Hy lạp xưa kia thường đặt tên của họ ngay phần đầu của bức thư, trong lời chào thăm để độc giả sẽ nhận ra ai là tác giả. Phaolô luôn luôn đặt tên của ông ở phần đầu và cũng có tên của ai đó đã giúp ông viết thư. Vì thế, Phaolô bắt đầu thư tín nầy trong câu 1 bằng cách nói: “Phao-lô, theo ý Đức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, cùng Sốt-then, anh em chúng ta”. Hai lẽ thật hiển nhiên lộ ra trong câu nầy. Thứ nhứt, Phaolô là một vị sứ đồ và thứ nhì, người trợ giúp ông có tên là Sốt-then.
A. PHAOLÔ LÀ MỘT SỨ ĐỒ.
Phaolô muốn nhắc cho người Côrinhtô ngay lúc đầu rằng ông là một “sứ đồ”. Ông muốn họ phải nhớ rằng lời nói của ông có thẩm quyền rất lớn. Sứ đồ là gì? Sứ đồ là một người được chọn bởi chính mình Chúa Jêsus để dạy dỗ và bày tỏ ra những lẽ thật làm nền tảng cho Hội Thánh. Êphêsô 2.20 nói Hội Thánh được “dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri”.
Về cơ bản, đã có hai tính cách dành cho hàng sứ đồ. Thứ nhứt, về cá nhân họ được chính Đấng Christ kêu gọi. Mỗi người trong 12 môn đồ của Chúa Jêsus đã nhận được một lời mời riêng. Phierơ và Giăng đã được kêu gọi phải lìa bỏ lưới đánh cá của họ. Mathiơ được kêu gọi phải rời bỏ phòng thuế vụ của mình. Trong mỗi trường hợp, họ đã bỏ hết thảy ở đàng sau để đi theo Chúa Jêsus. Thứ hai, về cá nhân họ được chính Đấng Christ dạy dỗ. Họ có thể dạy dỗ Lời của Chúa vì họ đã ở với Chúa. Giăng giải thích trong I Giăng 1.1- 3:
“Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về lời sự sống;vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi; chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ”.
Như chúng ta đã biết, Phaolô chưa hề gặp Chúa Jêsus trong công tác chứng đạo riêng của Chúa Jêsus. Ông không có mặt giữa vòng 12 môn đồ nguyên thủy. Khi Giu-đa tự tử rồi, Ma-thia đã được chọn để nắm lấy vị trí của ông ta. Dù vậy, Phaolô lại có đức tính rất đặc biệt để nắm lấy chức vụ. Trong phần nghiên cứu mới đây của chúng ta về sách Công vụ Các Sứ đồ, chúng ta đã nghe Phaolô ba lần mô tả thể nào Chúa đã đến với ông trên con đường đến thành Đa-mách. Chúa Jêsus đã phán cùng ông: “…vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên” (Công vụ Các Sứ đồ 9.15). Thứ hai, Phaolô đã được chính Chúa Jêsus dạy dỗ. Theo Galati 1.17, ông đã tốn một thời gian trong xứ Arabia. II Côrinhtô 12.2 cho thấy rằng Chúa đã tỏ cho Phaolô thấy một cảnh tượng ở “từng trời thứ ba” hay “Ba-ra-đi” (đối chiếu các câu 2-4). Vì thế, Chúa đã ban cho Phaolô những khải thị quan trọng để xây dựng một nền tảng vững chắc cho Hội Thánh của Ngài.
Tuy nhiên, cách thức Phaolô sử dụng tước hiệu “sứ đồ” không phải để khoe khoang địa vị của ông. Một số người thích làm cho người khác chú ý đến địa vị cùng những thành tựu của họ bằng cách liệt kê ra tất cả tước hiệu, bằng cấp cùng những thành tựu của họ. Họ thích như thế! Tôi đã gặp nhiều vị Mục sư cùng những nhà thần học giống như vậy!
Sự chọn lựa lời lẽ của Phaolô không phải là “kéo kèn riêng của mình”. Hãy chú ý cách cẩn thận, “theo ý Đức Chúa Trời, [ông] được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ”. Ông không phải là một sứ đồ vì ông là tốt đẹp hơn hay thông minh hơn nhiều người khác. Thay vì thế, địa vị sứ đồ mà ông có là do sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, chớ không phải do công trạng của ông. Ông sống rất khiêm hạ về địa vị ấy. Ông đã nói trong I Côrinhtô 15.9: “Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời”.
B. PHAOLÔ ĐƯỢC SỐT-THEN TRỢ GIÚP.
“Sốt-then” có lẽ được kể ra ở đây trong lời chào thăm nầy vì ông ta là thư ký của Phaolô, có lẽ đang viết khi Phaolô đọc bức thư nầy từ Chúa. Dường như đôi mắt của Phaolô đã yếu đi trong những năm tháng sau cùng của ông (Galati 6.11).
Sốt-then duy nhứt khác được nhắc tới trong Kinh Thánh có ở Công vụ Các Sứ đồ 18.17. Khi Phaolô lần đầu tiên đến tại thành Côrinhtô, ông đã có chức vụ rất thành công, với các cấp lãnh đạo của nhà hội chịu tin theo Tin Lành. Những người Do thái vô tín đã bắt giận dữ, họ đang kéo Phaolô đến trước mặt Tổng đốc Ga-li-ôn. Ga-li-ôn từ chối không chịu nghe sự tố giác rồi đưa những người Do thái đến trường án. Người Hy lạp nỗi giận và “bắt Sốt-then, chủ nhà hội, đánh đòn trước tòa án”.
Sau sự cố nầy, chính Sốt-then không những đã trở thành tín đồ, mà còn là người phụ tá riêng cho Phaolô nữa. Chắc chắn các Cơ đốc nhân người Côrinhtô đều vui sướng ở đây từ Sốt-then người anh em của họ nữa.
II. Thành phố (câu 2a).
Để hiểu rõ “Hội thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô”, chúng ta cần phải hiểu biết về thành phố Côrinhtô. Một ít lai lịch sẽ trợ giúp ở đây. Cho phép tôi cung ứng cho bạn ba lẽ thật nói tới thành cổ ấy.
A. CÔRINHTÔ LÀ MỘT THÀNH PHỐ QUAN TRỌNG.
Mặc dầu hôm nay Côrinhtô là một thị trấn nhỏ dường như chẳng có gì quan trọng lắm, trong thời của Phaolô, thành nầy là một thành phố rất thịnh vượng, giàu có và nằm ở vị thế rất thuận lợi. Đây là trung tâm của con đường bộ xuyên Hy lạp và mọi con đường thương mại đi ngang qua Côrinhtô.
Hy lạp bị chia thành hai phần: Bắc và Nam. Ở giữa là một dãi đất hẹp gọi là eo đất. Tại eo đất nầy, đất hẹp lắm chỉ có bốn dặm bề ngang. Ở đây các con tàu tránh nguy hiểm của việc dong buồm quanh bán đảo bằng cách chuyển con tàu của họ lên bộ bằng các bánh xe trượt. Côrinhtô nằm trên ngọn đồi lớn quan sát “xa lộ của tàu bè” nầy. Côrinhtô vốn nổi tiếng vì phương tiện giải trí của nó. Nó đăng cai tổ chức cả những trận đấu thế vận và địa phương, tất nhiên giải địa phương được đặt tên là Isthmus của thành Côrinhtô. Cuộc sống về đêm phủ lấy thành phố và đây là một địa điểm khách du lịch rất ưa thích. Côrinhtô cũng là một thuộc địa của người La mã với số cư dân gồm người La mã, người Hy lạp và nhiều người đến định cư từ vùng cận động, chủ yếu là người Do thái.
B. CÔRINHTÔ LÀ MỘT THÀNH PHỐ TÔN GIÁO.
Côrinhtô là quê hương của đền thờ thần Aphrodite, nữ thần tình yêu và sinh sản của người Hy lạp. Đền thờ nằm trên một ngọn đồi nhìn bao quát cả thành phố. Từ đền thờ khoảng 1000 nữ tế/gái điếm sẽ xuống thành phố hành nghề tôn giáo của họ.
C. CÔRINHTÔ LÀ MỘT THÀNH PHỐ ĐỒI BẠI.
Thậm chí trong thời của Phaolô, Côrinhtô được biết đến vì sự đồi bại của nó. Trong văn chương cổ điển của Hy lạp, “ăn ở như người thành Côrinhtô” là đồng nghĩa với cách ăn ở vô đạo đức. Người thành Côrinhtô nổi tiếng vì sự trác táng, dâm dục của họ. Côrinhtô là “thành phố tội lỗi”.
III. Hội Thánh (câu 2b).
Như tôi đã nói ở trên, Phaolô lần đầu tiên đến với thành Côrinhtô trên chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ông. Khi đến nơi, ông đã gặp gỡ A-qui-la và Bê-rít-sin; những người Do thái mới đến từ Rôma, giống như ông, họ là những người sống nhờ nghề may trại. Ông đã ở lại với họ và làm việc với họ trong khi ông giảng dạy trong các nhà hội. Nhiều người Do thái đã tin theo Chúa Jêsus, ngay cả Cơ-rít-bu, lãnh đạo của nhà hội. Ông đã ở lại đó hơn 18 tháng trời, lo truyền giảng và môn đồ hoá.
Các tín đồ ở đó đã dựng lên một Hội Thánh địa phương, là điều mà Phaolô gọi là: “Hội Thánh của Đức Chúa Trời”. Họ không còn thuộc về chính mình họ nữa. Họ là thân thể của Đấng Christ và họ đã thuộc về Ngài. Cái điều quan trọng là in trong trí rằng Hội Thánh nầy, giống như từng Hội Thánh trong Tân Ước đều thuộc về Đấng Christ. Chúng ta phải tìm kiếm ý chỉ của Ngài, sự ngợi khen và sự vinh hiển của Ngài. Phaolô mô tả các tín hữu nầy, họ được chọn lựa để dựng nên Hội Thánh theo ba cách.
A. HỘI THÁNH ĐƯỢC DỰNG LÊN TỪ NHỮNG NGƯỜI CÓ ĐỜI SỐNG ĐÃ ĐƯỢC NÊN THÁNH.
Câu 2 chép: “gởi cho Hội thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ…”. Được “nên thánh” là được “biệt riêng ra” có ý đề cập tới việc được biệt riêng ra khỏi tội lỗi và khỏi thế gian tội lỗi nầy. Mỗi tín hữu chân chính đều được Đức Chúa Trời biệt riêng ra khỏi thế gian. Nên thánh là một từ ngữ mà mỗi tín hữu đều hiểu rõ. Từ ngữ nầy đề cập tới tiến trình Đức Chúa Trời làm biến đổi chúng ta ra giống theo ảnh tượng của Chúa Jêsus. Từ ngữ ấy có ý nói chúng ta đã được “làm nên thánh” bởi công tác cứu chuộc của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Khi Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá, Ngài đã trả giá cho mọi tội của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai. Không phải vì chúng ta sống như thế nào, mà vì sự hy sinh của Chúa Jêsus, Đức Chúa Trời có thể dán con tem “thánh khiết” hay “đã được nên thánh” trên đời sống của chúng ta. Đây là điều khiến cho ân điển của Đức Chúa Trời ra đáng kinh ngạc như thế. Người thành Côrinhtô sống rất kiêu ngạo, chia rẽ, vô luân về tình dục và lừa lọc, tuy nhiên các tín đồ thực giữa vòng họ đã được nhắc tới là “đã được nên thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ”.
B. HỘI THÁNH ĐƯỢC DỰNG LÊN TỪ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC KÊU GỌI LÀM THÁNH ĐỒ.
Câu 2 chép: “gởi cho Hội thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ” và những người đã “được gọi làm thánh đồ”. “Thánh đồ” ra từ cùng một chữ như “được nên thánh” và có nghĩa là “được biệt riêng ra” hay “thánh khiết”. Mỗi tín hữu là một thánh đồ. Giáo hội Công giáo La mã trong nhiều thế kỷ đã phong cho nhiều người là thánh. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, tất cả các tín đồ đều được gọi là thánh đồ … không phải vì cách ăn ở của chúng ta, mà vì cớ Cứu Chúa của chúng ta! Chúng ta sẽ không nên thánh trong cách ăn ở của chúng ta, mà chúng ta được nên thánh trong địa vị của chúng ta trong Đấng Christ.
John MacArthur viết: “Những vị Tổng thống không luôn luôn ra vẻ theo cách của Tổng thống, những nhà ngoại giao không luôn luôn ra vẻ theo cách ngoại giao, bậc vua chúa không luôn luôn ra vẻ theo cách vương giả — nhưng họ vẫn là Tổng thống, những nhà ngoại giao, và bậc vua chúa. Cơ đốc nhân không luôn luôn ra vẻ giống như Cơ đốc nhân, mà họ vẫn là Cơ đốc nhân”.
Các tín hữu ở thành Côrinhtô, giống như chúng ta đều được “kêu gọi để được cứu”. Đức Chúa Trời, theo mục đích cao cả của chính Ngài đã lựa chọn họ. Êphêsô 1.4 chép: “trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời”.
C. HỘI THÁNH ĐƯỢC DỰNG LÊN BỞI NHỮNG NGƯỜI BIẾT CẦU KHẨN DANH CHÚA JÊSUS.
Câu 2 cũng mô tả Hội Thánh là những người “bất luận ở nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta”. Họ gắn bó vào đời sống thuộc linh với các Cơ đốc nhân khác, là thân thể của Đấng Christ hay Hội Thánh trong sự toàn vẹn của nó.
Đôi khi Cơ đốc giáo của chúng ta bị hạn chế đến nỗi chúng ta quên mất bức tranh lớn. Chúng ta quên rằng vương quốc của Đức Chúa Trời còn lớn lao hơn Hội Thánh và cộng đồng của chúng ta. Chúng ta quên rằng Đức Chúa Trời có số lượng tín đồ chân chính không đếm được trên khắp thế giới, họ cầu khẩn danh của Ngài giống như chúng ta vậy. Mặc dầu Hội Thánh tại thành Côrinhtô là một Hội Thánh đầy rối rắm, nó vẫn là một Hội Thánh. Mặc dầu các tín đồ có nhiều nan đề, họ vẫn là tín đồ, vẫn là con cái của Đức Chúa Trời. Phaolô muốn nhắc cho họ nhớ rằng trên hết mọi sự họ vẫn là Cơ đốc nhân.
IV Lời chào thăm (câu 3).
Kế đó, Phaolô đưa ra lời lẽ theo thói quen chào thăm trong câu 3: “nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ!” Chúng ta hãy xem xét câu Kinh Thánh nầy:
A. ÂN ĐIỂN.
“Ân điển” đề cập tới đặc ân, sự ưu đãi dành cho kẻ không đáng được hay không kiếm được. Lời cầu nguyện của Phaolô, ấy là ân điển sẽ nâng đỡ họ, vì chính ân điển đã cứu họ.
B. BÌNH AN.
“Bình an” ở đây là tương đương với chữ Hy bá lai shalom, vẫn là một lời chào thông thường của người Do thái hôm nay. Đây là lời cầu nguyện xin sự bình an của Đức Chúa Trời, “sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết” sẽ giáng trên đời sống của họ (Philíp 4.7).
Cho nên, hiệp “ân điển” và sự “bình an” lại với nhau là lời chào thăm tuyệt vời từ tín hữu nầy đối với tín hữu kia. Trong những năm gần đây, tôi đã sử dụng lời chào của Phaolô để ký vào phần nhiều thư từ riêng của tôi. MacArthur, J. (1996, c1984). 1 Côrinhtô ians. Includes indexes. Chicago. Moody Press.
V. Các ơn phước (các câu 4-9).
Giống như một bức thư nhắc đứa con lạc sai nhớ tới cơ nghiệp tin kính của mình, giờ đây Phaolô nhắc cho các tín đồ tại thành Côrinhtô nhớ tới ơn phước của việc làm con cái của Đức Chúa Trời. Phaolô đã nói rồi với Hội Thánh lạc sai nầy rằng họ đã được “nên thánh” và là “thánh đồ”. Bây giờ ông kêu gọi họ phải xử sự cho ra vẻ như thế mới được. Lối viết: “anh em là” là cơ sở cho mệnh lệnh “anh em nên”. Vì anh em có ơn phước nầy trong Đấng Christ, anh em nên sống giống như một Cơ đốc nhân. Khi Chúa Jêsus phán với người đàn bà bị bắt quả tang trong tội lỗi: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Giăng 8.11). Chúng ta hãy xem xét 5 ơn phước khi trở thành một tín đồ:
A. CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC BAN CHO ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (Câu 4).
Phaolô nói trong câu 4: “Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Đây là thì bất định [the aorist tense] có ý nói đây là thời điểm đặc biệt trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã ban cho họ ân điển của Ngài. Giây phút bạn tin cậy Đấng Christ, ân điển của Đức Chúa Trời đang giáng trên bạn đấy.
Ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời là ơn Ngài dành cho kẻ không đáng được. Ngài không cứu chúng ta vì chúng ta sống nhơn đức đâu. Ngài không cứu chúng ta mà còn cất chúng ta đi khi chúng ta phạm tội. Ngài không mong chúng ta bồi trả lại Ngài vì cớ tội lỗi chúng ta là rất lớn, còn ơn của Ngài là rất lớn chúng ta không thể bồi trả lại vì đây là một món nợ. Thay vì thế, chúng ta cần phải nhớ rằng Đức Chúa Trời tùy theo mục đích tối hậu của Ngài, “bởi ân điển” đã chọn cứu chúng ta. Chúng ta không đáng được ơn ấy. Chúng ta không kiếm được ơn đó. Chúng ta thậm chí không tin ơn ấy nếu Ngài không ban bố đức tin cho chúng ta. Êphêsô 2.8-9 chép: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”. Vì vậy, chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời vì ân điển của Ngài.
B. CHÚNG TA ĐƯỢC BAN CHO DƯ DẬT (Câu 5).
Câu 5 chép: “vì chưng anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho, cả lời nói và sự hiểu biết”. Được “dư dật” là lãnh hội những sự giàu có. Anh em đã được dư dật do tiếp nhận một cơ nghiệp, được đưa vào trong một gia đình giàu có hay trúng một giải thưởng lớn. Tuy nhiên, loại giàu có mà Phaolô đang nói tới còn có giá trị hơn và lâu dài hơn tiền bạc kiếm được nữa. Một số tín hữu giàu có nhất chưa bao giờ có nhiều thứ vật chất. Đừng cảm thấy tệ hại một khi bạn không có nhiều tiền bạc vì bạn đang sở hữu sự giàu có lớn lao hơn. Rôma 8.17 chép chúng ta là “kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ”.
Đặc biệt hãy chú ý, chúng ta được “dư dật về mọi điều ban cho trong Ngài”. Chúng ta có mọi sự mà Đấng Christ có để ban cho và mọi sự mà chúng ta đang có cần (thậm chí khi chúng ta chưa có mọi sự chúng ta cần nữa). II Phierơ 1.3 chép: “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính”. Côlôse 2.10 chép: “Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự”. I Côrinhtô 3.21 chép: “vì mọi sự đều thuộc về anh em”.
Đấng Christ có mọi sự chúng ta cần và Ngài ban mọi sự ấy cho chúng ta trong sự dư dật. Philíp 4.11-13, 19 chép: “Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi… Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Hãy chú ý hai lãnh vực trong đó chúng ta được giàu có.
Thứ nhứt, chúng ta được giàu có trong “cả lời nói”. Lời nói mà Phaolô in trong trí ở đây là sứ điệp nói tới Tin Lành. Không phải ai trong chúng ta đều có cùng khả năng nói năng đâu. Một số rất có tài hùng biện và sở hữu năng khiếu bộc lộ cá tính rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã làm cho hết thảy đều được dư dật với khả năng cung ứng Tin Lành cho người khác. Hết thảy chúng ta đều có thể chứng đạo và hết thảy chúng ta đều phải làm chứng. Nếu bạn cảm thấy không thích ứng, hãy cầu nguyện. Hội Thánh đầu tiên đã cầu xin để có được sự “dạn dĩ” (Công vụ Các Sứ đồ 4.29). Phaolô thường yêu cầu người khác cầu thay cho để ông có lòng dạn dĩ mà chứng đạo. Trong Êphêsô 6.19, ông nói: “Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành”. Đôi khi chúng ta lấy làm ngạc nhiên, lúc chúng ta chứng đạo và Đức Chúa Trời sử dụng lời nói của chúng ta. Tôi không bao giờ quên lần đầu tiên tôi chia sẻ Đấng Christ với một người bạn trong trường Đại học. Anh bạn đó đã mau mắn tiếp nhận Đấng Christ và tôi rất vui sướng!
Thứ hai, chúng ta được làm cho dư dật trong mọi “sự hiểu biết” nữa. Qua Lời của Ngài và Thánh Linh của Ngài, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để biết sống cho Ngài và lo chia sẻ Tin Lành. Chúng ta không biết hết mọi sự, nhưng chúng ta biết mọi sự chúng ta cần phải biết để sống cuộc đời nầy.
C. CHÚNG TA ĐƯỢC BAN CHO LỜI CHỨNG VỀ ĐẤNG CHRIST (Câu 6).
Câu 6 chép: “như lời chứng về Đấng Christ đã được vững bền ở giữa anh em”. “Lời chứng” ra từ một chữ Hy lạp nói tới sự làm chứng. Đây cũng là chữ từ đó chúng ta có trong Anh ngữ từ “martyr” [tuận đạo]. Chúa Jêsus đã phán trong Công vụ Các Sứ đồ 1.8: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”.
Khi quí vị được cứu, lời chứng về Đấng Christ đã được “vững bền” hay đã được định liệu ở trong quí vị. Đấng Christ đã có chỗ ngự trị trong đời sống của quí vị. Những gì chúng ta nói và cách thức chúng ta cư xử đều phản ảnh Đấng Christ. Chúng ta là những chứng nhân của Đấng Christ dù hay hoặc dở.
D. CHÚNG TA CHẲNG THIẾU MỘT ƠN NÀO (Câu 7a).
Câu 7a chép: “cũng chẳng thiếu một ơn nào…”. Đức Chúa Trời không hề yêu cầu chúng ta phải làm một việc gì đó mà Ngài không mặc lấy quyền phép cho chúng ta để lo làm. Để trở thành một “chứng nhân” cho Đấng Christ, chúng ta sẽ không thiếu ơn đâu. Chúng ta có mọi sự chúng ta cần trong vai trò những cá nhân để sống cho Đấng Christ. Chúng ta có mọi sự chúng ta cần trong vai trò Hội Thánh địa phương để đem Tin lành chạm đến cộng đồng của chúng ta.
Đặc biệt “ơn” mà Phaolô đề cập đến ở đây là một ân tứ thuộc linh, một khả năng mà Đức Chúa Trời ban cho qua sự cứu rỗi của chúng ta. Như chúng ta sẽ thấy, người thành Côrinhtô khao khát những ân tứ mà họ chưa có. Họ muốn những ân tứ thật hào nhoáng, nổi bật. Họ muốn gây ấn tượng cho nhau. Tuy nhiên, Phaolô nhắc cho họ nhớ rằng Đức Chúa Trời đã ban ơn cho họ với từng khả năng mà họ cần để phục vụ Ngài.
Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh nầy từng ân tứ thuộc linh mà chúng ta cần để trở thành Hội Thánh mà Ngài muốn chúng ta phải trở thành. Những gì chúng ta có không phải là thiếu sự hiểu biết hay quyền phép hoặc ân tứ, mà là thiếu sự mong muốn!
E. CHÚNG TA ĐANG TRÔNG ĐỢI SỰ TỎ RA CỦA ĐẤNG CHRIST (Câu 7b).
Trong nửa phần sau của câu 7, Phaolô nói họ đang “trông đợi kỳ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta hiện đến”. Đức Chúa Trời cứu chúng ta bởi ân điển của Ngài. Ngài làm cho chúng ta được dư dật bởi ân điển của Ngài. Ngài cũng bảo đảm sự phu phỉ tối hậu về ân điển của Ngài. Khi chúng ta đồng đi với Chúa và vâng theo Ngài, chúng ta đang phát triển một sự khao khát nhiều hơn. Mặc dù Đức Chúa Trời làm thoả mãn mọi nhu cần của chúng ta, cuộc sống nầy chẳng có gì là thoả mãn hết. Như một nhà truyền đạo từng nói: “Từng ấy thôi; việc gì đến sẽ đến!”
Chúng ta cần phải “sốt sắng trông đợi”, khao khát với sự đề phòng dè dặt. Tuy chúng ta chưa mặc lấy loại áo trắng rồi ngồi suốt cả ngày trên nóc nhà thờ. Chúng ta cần phải chờ đợi với sự tích cực cả thể. Chúng ta biết rõ Đấng Christ sẽ ngự đến nhưng chúng ta biết có nhiều việc cần phải làm trước tiên. Êphêsô 5.14-16 chép: “Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi. Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu”.
F. CHÚNG TA ĐƯỢC VỮNG BỀN CHO ĐẾN CUỐI CÙNG (các câu 8-9).
Các câu 8-9 chép: Đức Chúa Trời “sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta”. Đức Chúa Trời sẽ làm cho chúng ta được “vững bền” cho đến cuối cùng. Nói như thế có nghĩa là lúc chúng ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời ở trên trời, sẽ không có một màn hình khỗng lồ nào tỏ ra mọi tội lỗi và thất bại của chúng ta. Thay vì thế, chúng ta sẽ đứng với Đấng Christ trong sự công bình của Ngài và được thấy là “không vít”. Mọi tội lỗi của chúng ta sẽ bị quên đi. Chúng ta có thể dám chắc về điều nầy vì “Đức Chúa Trời là thành tín”. Ngài bắt đầu sự cứu rỗi của chúng ta, trong đó Ngài kêu gọi chúng ta bước vào mối “thông công với Con Ngài”. Ngài là thành tín trong quá khứ. Ngài là thành tín với chúng ta hiện nay khi ban cho chúng ta mọi sự chúng ta cần, mọi lời nói, mọi sự hiểu biết, mọi ân tứ. Ngài sẽ thành tín với chúng ta trong tương lai, đưa chúng ta vào trong sự hiện diện của Ngài “không vít”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét