Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 15.1-11: "Trường hợp sống lại của Đấng Christ"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Trường hợp sống lại của Đấng Christ
I Côrinhtô 15.1-11
I Côrinhtô 15 là một trong những chương quan trọng nhất của Kinh Thánh. Giống như chương 13 là “chương yêu thương” và Hêbơrơ 11 là “chương đức tin”, đây là “chương phục sinh”. Sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ từ kẻ chết là vầng đá tảng của Cơ đốc giáo. Không có sự sống lại, đức tin của chúng ta chẳng có ý nghĩa gì hết. Từng lẽ đạo khác được kiến thiết trên lẽ đạo cốt yếu nầy. Sự sống lại là trọng tâm đức tin của chúng ta. Giống như cơ thể con người không thể sống mà không có trái tim bơm máu, Cơ đốc giáo không thể sống nếu không có sự sống lại.
Sự sống lại là trọng tâm mọi sự dạy của Đấng Christ.
• Ngài đã phán ở Giăng 11.25: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi”.
• Ngài đã phán ở Mathiơ 12.40: “Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm”.
• Ngài đã phán ở Giăng 2.19: “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại!”
• Ít nhất ở ba trường hợp khác nhau, Chúa Jêsus đặc biệt đã giải thích cho các môn đồ Ngài hiểu rằng Ngài sẽ bị giết, bị chôn và sống lại vào ngày thứ ba. Thí dụ, Mác 8.31 chép: “Bấy giờ, Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, phải chịu giết, sau ba ngày phải sống lại” (đối chiếu 9.9, 31; 10.32-34).
• Khi dự tiệc thánh trên phòng cao, Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 16.22: “Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại thấy các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng, và chẳng ai cướp lấy sự vui mừng các ngươi được”.
Không những sự sống lại là trọng tâm sự dạy của Chúa Jêsus, mà nó còn là sứ điệp chính của Hội Thánh đầu tiên. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phierơ đã giảng về Chúa Jêsus: “Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó” (Công Vụ các Sứ đồ 2.24). Ở Công Vụ các Sứ đồ 3.14-15, Phierơ và Giăng đã nói với các cấp lãnh đạo Do thái: “Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công bình mà xin tha một kẻ giết người cho mình; các ngươi đã giết Chúa của sự sống mà Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, và chúng ta là người làm chứng về điều đó”.
Vì cớ tầm quan trọng của nó, Satan luôn luôn tìm cách gieo nghi ngờ lên giá trị sự sống lại của Đấng Christ. Trong mỗi hình thức có thể tưởng tượng được, hắn đã tìm cách chối bỏ thực tại cho rằng Đấng Christ đã sống lại ra khỏi mồ mả. Tại sao chứ? Không có sự sống lại, đức tin của chúng ta là vô mục đích. Không có sự sống lại, tại sao phải trở thành Cơ đốc nhân? Phaolô nói rất hay ở câu 19: “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết”.
Không có sự sống lại, chúng ta chẳng có hy vọng gì về sự cứu rỗi. Rôma 10.9 chép: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu”. Trừ phi Đấng Christ sống lại từ kẻ chết, Cơ đốc giáo chỉ là thứ tôn giáo khác lập trên một tiên tri đã chết, chẳng khác gì Đạo Hồi, Ấn độ giáo, hay Phật giáo.
Giờ đây, giữa vô số nan đề trong Hội Thánh ở thành Côrinhtô, đã có một sự chối bỏ lẽ đạo nói tới sự sống lại. Các tín hữu thành Côrinhtô không chối bỏ sự sống lại của Đấng Christ, mà chối bỏ sự sống lại của tất các các tín đồ. Ở chương 15, Phaolô gắn sự sống lại của Đấng Christ với sự sống lại hiển nhiên của hết thảy các tín đồ. Bạn không thể có cái nầy mà không có cái kia.
Phaolô giới thiệu lẽ đạo nói tới sự sống lại cỉa các tín đồ bằng cách trình bày trường hợp chắc chắn nói tới sự sống lại của Đấng Christ. Giống như một vị trạng sư bào chữa sáng chói, ông giới thiệu hết bằng chứng nầy tới bằng chứng kia. Ông gọi sáu người chứng đến đứng ra cung ứng chứng cớ có thẩm quyền về thân thể sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ, là Con của Đức Chúa Trời.
I. Bằng chứng của Hội Thánh Côrinhtô (các câu 1-2).
Các chứng nhân đầu tiên được Phaolô mời đến chính là những Cơ đốc nhân thành Côrinhtô. Ông nói ở câu 1: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy”.
Trước tiên, ông nhắc cho họ nhớ rằng họ là “anh em”. Họ là anh chị em trong đức tin. Có thể họ chưa trưởng thành và yếu đuối trong giáo lý của họ, song họ vẫn còn là tín đồ. Sự thực, họ cho thấy rằng niềm tin của họ đang đặt vào sự sống lại của Đấng.
Thứ hai, Phaolô nhắc cho nhớ đến “Tin Lành” mà ông đã “rao giảng” cho họ. “Tin Lành” ra từ chữ Hy lạp mà từ đó chúng ta có evangelism và chữ nầy có nghĩa là “những tin tức tốt lành” hay “tin mừng”. Chúng ta sẽ thấy một định nghĩa cụ thể về Tin Lành ở các câu 3-4. Phaolô đã đến với họ lo rao giảng các tin tức tốt lành nói tới sự sống lại của Đấng Christ.
Thứ ba, ông nhắc cho họ nhớ rằng họ đã hết lòng “nhận lãnh” sứ điệp của ông nói về Đấng Christ. Trước đó, họ là những người Do thái chưa tin và là những người Ngoại bị hư mất. Họ là hạng người tà dâm, trộm cắp, đồng tính luyến ái và đồi trụy đủ mọi loại. Tuy nhiên, ánh sáng của Tin Lành đã chiếu rọi và linh hồn tối tăm của họ rồi biến đổi hạng tội nhân nầy thành những thánh đồ.
Thứ tư, Phaolô nói không những họ đã “nhận lấy” Tin Lành đó, mà “anh em còn đứng vững vàng trong đạo ấy” nữa. Sự cứu rỗi không phải là kinh nghiệm trong một lúc đâu. Ơn cứu rỗi không phải là việc đã xảy ra trong quá khứ. Thay vì thế, ơn cứu rỗi diễn ra liên tục. Chúng ta đang ở trong tình trạng được cứu. Đấy là những gì ông muốn nói ở câu 2: “và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích”.
Nói như vầy không có nghĩa là các tín hữu chân chính đánh mất đức tin của họ nếu họ sa vào tội lỗi hoặc có những giây phút hoặc các khoảnh khắc nghi ngờ. Thay vì thế, đây là một lời cảnh cáo nghịch lại sự tuyên xưng giả dối. Bản dịch Phillips dịch câu nầy như sau: “Nếu anh em giữ lòng trung tín với sứ điệp mà tôi đã cung ứng cho anh em, sự cứu rỗi của anh em vẫn có hiệu lực – tất nhiên là trừ phi đức tin anh em không với tới sứ điệp đó”.
Sự cứu rỗi thuộc về Chúa. Ngài kêu gọi chúng ta. Ngài thuyết phục chúng ta. Ngài biến đổi chúng ta. Ngài xưng công bình cho chúng ta. Ngài xây chúng ta lại. Ngài làm cho chúng ta nên thánh. Ngài sẽ làm vinh hiển cho chúng ta. Đây là mọi sự mà công tác của Ngài đang thực thi cho con người. Những nhà cải chánh thể hiện tư tưởng nầy như sau: chỉ bởi ân điển thôi, nhờ một mình đức tin, chỉ một mình Đấng Christ thôi, đạt tới sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 10.28-29: “Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha”.
Chúng ta được cứu vì Đức Chúa Trời nắm giữ chúng ta chớ không phải chúng ta nắm lấy Đức Chúa Trời đâu. Chúng ta không thể giữ được ơn cứu rỗi của mình, chúng ta cũng không thể kiếm được ơn cứu rỗi ấy. Sự thực cho thấy rằng chúng ta “nắm chặt lấy” Đức Chúa Trời là bằng chứng cho thấy rằng Ngài đang nắm giữ chúng ta. Chúng ta gọi điều nầy là sự “bền đỗ của các thánh đồ”. Một tín đồ chơn thật sẽ bền đỗ trong đức tin. Người ấy có thể vấp ngã. Người ấy có thể vật vã với nghi ngờ, nhưng ơn cứu rỗi của người làm chứng rằng qua ơn ấy người nắm chặt lấy Đấng Christ.
Chúa Jêsus thường nói tới đức tin giả dối, có người nói họ tin song lại bước ra khỏi đức tin của mình. Ấy chẳng phải là họ đôi khi đánh mất ơn cứu rỗi đâu, mà họ chưa hề cứu trong chỗ thứ nhứt. Hãy xem xét Thí dụ nói tới người gieo giống (Mathiơ 13.24-30, 34-30) và thí dụ nói tới một tay đánh lưới (Mathiơ 13.47-50). Chúa Jêsus đã phán về hai ngôi nhà khác nhau với hai cái nền khác nhau (Mathiơ 7.24- 27). Ngài đã phán về con đường hẹp dẫn tới sự sống đời đời và con đường rộng dẫn tới sự hủy diệt (Mathiơ 7.13-14).
Có lẽ rung động nhất là lời lẽ của Chúa Jêsus ở Mathiơ 7.22-23: “Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”
Ngày nay có nhiều người, có lẽ một số trong các bạn, họ trông giống như Cơ đốc nhân, nói năng giống như Cơ đốc nhân, song thực sự chẳng phải là Cơ đốc nhân. Hạng người thể ấy bề ngoài rất tôn giáo, nhưng chẳng có một sự vâng phục thực sự nào đối với Ngôi Lời và chẳng mang trái Thánh Linh nào hết. Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 8.31: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta”.
Mục đích của Phaolô trong hai câu đầu tiên, ấy là ơn cứu rỗi của người thành Côrinhtô là bằng chứng của sự sống lại của Đấng Christ. Tuy nhiên, không những ơn cứu rỗi của họ, mà còn ơn cứu rỗi của từng tín đồ trong hai ngàn năm qua, cung ứng bằng chứng nói tới Chúa phục sinh. Mohammed đã chết. Đức Phật đã chết. Nhưng chúng ta đang phục vụ một Chúa hằng sống!
II. Bằng chứng của Cựu Ước (các câu 3-4).
Giờ đây, Phaolô mời nhân chứng thứ hai đứng dậy. Ông nói ở các câu 3-4: “Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh”. Đây là định nghĩa cổ điển của sứ điệp Tin Lành, nhưng nhấn mạnh sự lặp đi lặp của cụm từ “theo Lời Kinh Thánh”.
Phaolô “đã dạy dỗ” những gì ông đã “nhận lãnh”. Phaolô đã giảng “trước hết” hoặc “quan trọng nhất” (bản Kinh Thánh NASV) Tin Lành “theo lời Kinh Thánh”. Ông không đến “trước hết” với sự cải tổ xã hội hoặc cung ứng cho họ một mục đích. Ông đã đến với sứ điệp làm thay đổi đời sống nói tới sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ.
Phaolô đã “nhận lãnh” sứ điệp nầy từ một nguồn theo hai cách. Nguồn thứ nhứt là chính mình Đấng Christ. Đấng Christ đã tự bày tỏ chính mình Ngài ra cho Phaolô trong vài cơ hội và Phaolô đã sử dụng lý trí sáng láng của ông và sự giáo dục về thần học để nắm bắt các lẽ thật của Kinh Thánh Cựu Ước nói về Đấng Mêsi. Không một sự giảng dạy nào xứng đáng, trừ phi sự giảng dạy ấy đã được “nhận lãnh”. Chúng ta không giảng triết lý, nhưng rao giảng những gì chúng ta đã “nhận lãnh” từ sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh khi cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh.
Phaolô đã rao giảng một sứ điệp có ba phần:
Thứ nhứt, ông đã giảng thể nào “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta”. Chúa Jêsus đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên chính mình Ngài và đã trở nên một của lễ đáng nhận đối với Đức Chúa Trời (II Côrinhtô 5.21; I Phierơ 2.24; Êsai 53.6). Ngài là “Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế” (Khải huyền 13.8). Chiên Con bị giết trong Vườn Êđen tiêu biểu cho sự hy sinh của Đấng Christ che đậy tội lỗi của chúng ta.
Thứ hai, Phaolô đã giảng thể nào “Ngài đã bị chôn”. Sự chôn của Đấng Christ minh chứng rằng Ngài thực sự đã chết. Đức Chúa Trời đã sai Giô sép người Arimathê đến để bảo toàn thân thể của Đấng Christ trong chính ngôi mộ của ông hầu cho bằng chứng của sự sống lại sẽ chẳng có ai dám thắc mắc.
Thứ ba, Phaolô đã giảng thể nào “Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba”. Ngài đã thắng hơn sự chết, âm phủ và mồ mả. Đấy là sự định nghĩa của Tin Lành. Tuy nhiên, Phaolô đã giảng tất cả ba lẽ thật nầy “theo Lời Kinh Thánh”. Ông đã xác quyết từng lẽ thật mà ông đã dạy bởi uy quyền của Lời Đức Chúa Trời.
Khi Chúa Jêsus cùng đi với hai môn đồ về làng Emmaút, Luca 24.27 chép: “Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh”.
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Phierơ đã giảng từ Thi thiên 16 rằng Vua David đã: “nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi Âm phủ, và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát” (Acts 2:31, 25-30).
Khi Phaolô đứng trước mặt Vua At-ríp-ba, ông nói ở Công Vụ các Sứ đồ 26.22-23: “Song nhờ ơn Đức Chúa Trời bảo hộ, tôi còn sống đến ngày nay, làm chứng cho các kẻ lớn nhỏ, không nói chi khác hơn là điều các đấng tiên tri và Môi-se đã nói sẽ đến, tức là Đấng Christ phải chịu thương khó, và bởi sự sống lại trước nhất từ trong kẻ chết, phải rao truyền ánh sáng ra cho dân sự và người ngoại”.
Nhiều lần trong Tân Ước, chúng ta thấy các tham khảo trong Cựu Ước nói tới sự sống lại của Chúa Jêsus. Thực vậy, có hơn 400 tham khảo nói tới Đấng Christ trong Cựu Ước. Sự thực cho thấy rằng Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết không phải là một việc gì mới mẻ, nhưng đã được tỏ ra trong Kinh Thánh Cựu Ước trong nhiều thế kỷ.
III. Bằng chứng của nhiều người chứng kiến (các câu 5-7).
Kế tiếp, Phaolô mời một đám đông những người chứng kiến Đấng Christ phục sinh. Bằng chứng của đám đông chứng kiến là bằng chứng có hình thức mạnh mẽ nhất trong bất cứ phiên toà nào.
A. THỨ NHỨT, SỨ ĐỒ PHIERƠ (“SÊ-PHA”) LÀ MỘT NHÂN CHỨNG (câu 5a).
Phaolô nói ở câu 5: “và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha”. Một trong những đòi hỏi của địa vị sứ đồ là đã nhìn thấy Chúa phục sinh theo phần xác. Khi Chúa Jêsus hiện ra cho nhiều môn đồ Ngài thấy, Ngài đã tỏ chính mình Ngài ra cho họ. Chúng ta không biết chính xác khi nào hay làm thể nào Chúa Jêsus thực hiện lần hiện ra đặc biệt nầy cho Phierơ. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ sự hiện ra đó đã nhấn mạnh ân điển và sự thương xót của Ngài cho Phierơ đã thay đổi rồi sau đó.
B. THỨ HAI, MƯỜI HAI MÔN ĐỒ LÀ NHỮNG NGƯỜI CHỨNG KIẾN (câu 5b).
Phaolô nói Chúa Jêsus đã được nhìn thấy bởi Phierơ và “sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ”. Tất nhiên, mười hai thực sự chỉ là mười một sau cái chết tự vẫn của kẻ phản bội là Giuđa. Các môn đồ còn lại đã rúc lại sợ hãi vào ngày Chúa Jêsus sống lại không nhận ra Chúa của họ hãy còn sống. Tuy nhiên, khi Ngài hiện ra cùng họ, họ đã được biến đổi. Nổi sợ hãi của họ biến đi và họ trở nên những sứ giả dạn dĩ đến từ trời. Êphêsô 2.20 chép Hội Thánh “được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri”.
C. THỨ BA, NĂM TRĂM ANH EM LÀ NHỮNG NGƯỜI CHỨNG KIẾN (câu 6).
Câu 6 chép: “Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi”. Hãy chú ý, có số lượng và chất lượng trong sự làm chứng của họ. Hết thảy họ đều đồng ý trong sự làm chứng và sức mạnh tuyệt đối nơi số lượng họ là “hơn năm trăm anh em” là điều khó tranh cãi. Thật là khó buộc 5 người nhất trí trên những gì họ đã trông thấy và đã nghe nói, đằng nầy có đến “hơn năm trăm” người.
Đặc biệt, hãy chú ý đám đông đã nhìn thấy Chúa Jêsus “cùng trong một lần”. Ở một điểm, trong suốt 40 ngày giữa sự sống lại và sự thăng thiên, Chúa Jêsus đã thực hiện lần hiện ra đặc biệt nầy. Mặc dù chúng ta không biết khi nào hay làm thể nào điều nầy đã diễn ra, sự việc đã được hiểu rõ trong thế kỷ thứ nhứt. Thực vậy, Phaolô đã viết thơ I Côrinhtô chỉ chừng hai mươi năm sau khi Chúa phục sinh.
Phần nhiều những người chứng kiến nầy vẫn còn sống dù một số trong họ đã qua đời. Bất cứ một kẻ nào nghi ngờ cũng có thể nhìn xem nơi họ!
D. THỨ TƯ, GIACƠ LÀ MỘT CHỨNG NHÂN (câu 7a).
Câu 7 chép: “Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ…”. Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết Phaolô đang nói tới Giacơ nào. Không biết có phải là Giacơ con của Xêbêđê hay Giacơ con của A-phê. Tuy nhiên, dường như phải nói rằng Phaolô đang đề cập tới Giacơ, em kế của Chúa.
Em của Chúa Jêsus không chịu tin nơi Ngài. Kinh ngạc thay, ông lớn lên trong cái bóng của Chúa Jêsus song không tin theo Ngài. Giăng 7.5 chép: “Bởi chưng chính các anh em Ngài không tin Ngài”. Dù vậy, Chúa đã hiện ra cho Giacơ và tất nhiên điều nầy đã cụ thể làm thay đổi đời sống ông. Ông đã trở thành một tín đồ và là cấp lãnh đạo tiên khởi của Hội Thánh thành Jerusalem. Ông đã viết một sách được kể đến trong Tân Ước và đã trở thành nhà tuận đạo nơi tay của cấp lãnh đạo Do thái đầy giận dữ.
E. THỨ NĂM, TẤT CẢ CÁC SỨ ĐỒ ĐỀU LÀ NHỮNG NGƯỜI CHỨNG KIẾN (câu 7b).
Phaolô nói ở câu 7: “Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ đồ”. Trong bốn mươi ngày giữa sự sống lại và sự thăng thiên, “các sứ đồ” đã tác động nhau với Chúa phục sinh. Câu chuyện tôi ưa thích là ở Giăng 21, ở đây Chúa Jêsus sửa soạn bữa điểm tâm cho họ tại bờ biển Galilê.
IV. Bằng chứng của sứ đồ Phaolô (các câu 8-10).
Kế đó, chính Phaolô chiếm lấy chỗ đứng để cung ứng bằng chứng riêng của mình về sự ông gặp gỡ với Chúa phục sinh. Ông nói ở câu 8: “Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy”.
A. “RỐT LẠI”, PHAOLÔ ĐÃ NHÌN THẤY CHÚA JÊSUS (câu 8a).
“Rốt lại”, Chúa Jêsus đã hiện ra với Phaolô. Lâu lắm sau lần thăng thiên về trời, Ngài đã hiện ra với Phaolô (khi ấy là Saulơ) trên con đường đến thành Đa-mách. Saulơ sẽ đi đến đó từ thành Jerusalem để bắt bớ những Cơ đốc nhân và bỏ họ vào tù, giết chết họ nếu cần thiết. Đấng Christ đã can thiệp vào chương trình của Phaolô bằng cách làm cho ông phải mù với thứ ánh sáng đến từ trời và kêu gọi đích danh ông.
Lần hiện ra của Chúa Jêsus với Phaolô rất khác biệt với những lần hiện ra của Ngài cho bất cứ người nào khác trong cả hai chỗ hậu-phục sinh và hậu-thăng thiên. Sự hiện ra nầy cũng độc nhất vô nhị theo ý nghĩa Phaolô là người chưa tin Chúa lúc bấy giờ. Hết thảy những lần hiện ra hậu-phục sinh (với ngoại lệ cho Giacơ) đều cho các môn đồ của Chúa Jêsus.
B. PHAOLÔ ĐÃ CẢM THẤY MÌNH GIỐNG NHƯ “THAI SANH NON” (câu 8b).
“Thai sanh non” cũng có thể được dịch là “ra đời không đúng kỳ”. Cụm từ nầy ra từ một chữ Hy lạp bình thường để cập tới một sự sẩy thai, phá thai hay ra đời thiếu tháng. Phaolô dường như muốn nói ở đây rằng ông đã có một sự ra đời thiếu tháng, trong đó ông đã được ra đời quá trễ không thể bước đi với Chúa Jêsus trong suốt chức vụ trên đất của Ngài giống như bao sứ đồ khác đã có. Tuy nhiên, do sự tiếp trợ đặc biệt của ân điển Đức Chúa Trời, Phaolô nói: “Ngài cũng hiện ra cho tôi xem”.
C. PHAOLÔ ĐÃ TỰ XEM MÌNH LÀ “RẤT HÈN MỌN TRONG CÁC SỨ ĐỒ” (câu 9).
Câu 9 chép: “Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời”. Phaolô không hề nghi ngờ vai trò của mình là một sứ đồ. Tuy nhiên, ông không hề thôi ngạc nhiên nơi chiều sâu của ân điển Đức Chúa Trời khi kẻ bắt bớ Hội Thánh lại trở thành giáo sĩ lỗi lạc nhất của Hội Thánh đó.
Từng người nam người nữ quan trọng của Đức Chúa Trời đều được đánh dấu trước tiên bởi sự khiêm nhường. Phaolô đã có những đức tính sâu xa hơn bất cứ một vị sứ đồ nào khác. Ông đã được giáo dục tốt hơn. Ông đã được trau giồi và luyện lọc. Ông là công dân của La mã. Ông là con người của thế gian. Tuy nhiên, dù ông có hết thảy đức tính đáng ao ước của con người, ông vốn biết rõ ông là “rất hèn mọn” giữa vòng những người đã đồng đi với Chúa Jêsus theo cách riêng.
Phaolô tiếp tục suy gẫm về ân điển của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời đã hành động đối cùng ông bằng sự công bình, ông sẽ bị giết và bị ném và hình khổ đời đời. Tuy nhiên, vì những lý do mà Phaolô không thể dò được theo cách riêng, Đức Chúa Trời đã hành động trong ân điển đối cùng ông. Ngài đã tha thứ cho ông hết mọi tội, thậm chí sự thực cho thấy rằng ông đã “bắt bớ Hội Thánh của Đức Chúa Trời”. Không những Chúa Jêsus đã cứu Phaolô, nhưng đã khiến ông trở thành một “sứ đồ”. Tội nhân đã trở thành thánh đồ, kẻ bắt bớ trở thành người giảng đạo và kẻ thù trở thành một trạng sư.
D. PHAOLÔ ĐÃ QUY MỌI SỰ CHO “ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI” (câu 10).
Ông nói ở câu 10: “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi”.
Ông nói: “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời”. Ông không trở thành một vị sứ đồ qua sự thành tựu của con người. Ông không được cứu do tuân giữ Luật pháp và truyền thống. Ông là người thể nào là nhờ “ân điển vô đối của Đức Chúa Trời”. Phaolô nhìn nhận ông chỉ là một cái bình, công cụ trong tay của Đức Chúa Trời.
Phaolô đã quyết rằng ân điển của Đức Chúa Trời ban cho ông “không phải là uổng” đâu. Ông muốn minh chứng mình là trung tín. Thái độ biết ơn của ông đã khiến cho ông muốn làm việc khó nhọc để những sự giàu có của ân điển Đức Chúa Trời sẽ không phải là uổng ở nơi ông. Về các vị sứ đồ khác, ông nói: “tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác”. Nói như thế nghe rất kiêu ngạo, song không phải là có ý đó đâu. Phaolô chỉ muốn nói rằng ông đã đi xa hơn và đã giảng Tin Lành ở nhiều nơi hơn các vị sứ đồ khác. Trong II Côrinhtô 11, ông cung ứng một danh sách nhiều lần chịu khổ theo phần xác mà ông đã gánh chịu vì cớ thập tự giá: “Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là kẻ hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ — Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh”.
Thái độ biết ơn của đối với ân điển của Đức Chúa Trời đã nung nấu sự vâng phục của ông ngay tại bề mặt của nghịch cảnh ghê khiếp. Hãy chú ý một lần nữa lời lẽ của ông: “Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi”. Bạn thấy đấy, ông không kiêu ngạo đâu. Ông đã kể ra mọi sự mà ông đã chịu cho ân điển của Đức Chúa Trời. Ông không thể đạt được những gì ông đã đạt được hay chịu đựng những gì ông đã chịu nếu không có ân điển của Đức Chúa Trời. Ân điển đã cứu ông là ân điển đã vùa giúp ông.
Chúng ta hãy tự hỏi mình một câu hỏi quan trọng. Khi chúng ta xem xét chiều sâu ân điển của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta, chúng ta phải đưa ra thắc mắc: Há ân điển Đức Chúa Trời đối cùng tôi sẽ bị uổng chăng? Kể từ khi Đức Chúa Trời cứu bạn, bạn đã đáp ứng với sự trung tín hay bất trung vậy?
Mục đích của Phaolô là đây: Đời sống của ông sẽ không hề được thay đổi và ông sẽ không thể chịu nổi những gì ông đã gánh chịu trừ phi ông đã gặp gỡ Đấng Christ phục sinh. Đời sống của chính ông là minh chứng cho sự sống lại của Đấng Christ.
V. Bằng chứng của sứ điệp Tin Lành (câu 11).
Người chứng sau cùng đứng lên bảo hộ cho sự sống lại của Đấng Christ là chính sứ điệp Tin Lành. Phaolô nói ở câu 11: “Ấy vậy, dầu tôi, dầu các người khác, đó là điều chúng tôi giảng dạy, và là điều anh em đã tin”.
Phaolô đã viết ở Rôma 1.16: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc”. Sự sống lại của Đấng Christ cung ứng cho sứ điệp Tin Lành “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”. Ở đây sứ điệp ấy được rao giảng, quyền phép của Đức Chúa Trời làm biến đổi đời sống của những người nghe.
Phaolô nói rằng dầu là “các người khác”, các vị sứ đồ và các nhà truyền đạo khác đã lo rao giảng sứ điệp nầy hoặc chính mình ông, chính sứ điệp ấy được rao giảng và đã làm biến đổi đời sống của họ. Vô số đời sống của những tín đồ trong hơn hai ngàn năm qua cung ứng bằng chứng cho quyền phép của Tin Lành là sự sống lại của Đấng Christ. Nếu bạn là một Cơ đốc nhân chân chính, sự sống lại của Chúa Jêsus là tín điều quan trọng nhất mà bạn đang có. Với tín điều ấy, bạn sẽ được sanh lại. Không có tín điều đó, bạn đã bị rủa sả cho đến đời đời rồi. Rôma 10.9 chép rất đặc biệt: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét