Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Những ngày tăm tối nhất trên đất



CÓ HY VỌNG TRÊN ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Những ngày tăm tối nhất trên đất
Các phân đoạn Kinh thánh chọn lọc
1. Mùa bão tố luôn luôn làm cho tôi phải say mê. Những nhà khí tượng học lần theo dấu những cơn bão khi chúng được hình thành ngoài đại dương và đưa ra những tiên liệu chắc chắn nơi chúng sẽ đổ bộ vào các bờ biển phía đông của chúng ta. Vợ tôi là Debra cùng gia đình của nàng vẫn hay nhắc khi họ sống ở vùng Corpus Christi và thể nào họ đã chịu đựng trận bão Celia, một trong những trận bão lớn nhất đổ bộ vào bờ biển Texas. Cái điều hấp dẫn tôi về những trận bão nầy là cách thức người ta đáp ứng với chúng. Một số đi sơ tán, một số chuẩn bị và ở lại, và một số rõ ràng suy nghĩ bão sẽ không bao giờ xảy ra cho họ.
2. Kinh thánh cho chúng ta biết về một trận bão sắp xảy tới cho cả thế gian. Trận bão nầy sẽ đem lại những ngày tối tăm nhất trong lịch sử nhân loại. Mặc dù thời kỳ nầy được gọi bằng nhiều danh xưng trong Kinh thánh, danh xưng thông thường nhất là "kỳ đại nạn".
3. Trước khi chúng ta đào sâu vào đề tài rất hấp dẫn nầy, chúng ta quay trở lại một chút và hiểu rõ trận bão sẽ xảy ra vào thời điểm nào. Chúng ta hiện đang sống trong KỶ NGUYÊN HỘI THÁNH, một thời kỳ trong đó Chúa Jêsus đang xây dựng Hội thánh đời đời của Ngài. Kỷ nguyên nầy sẽ kết thúc với SỰ CẤT LÊN, khi Chúa Jêsus tái lâm trên không trung để đón rước dân sự của Ngài. Khi ấy chúng ta sẽ xuất hiện trước NGAI PHÁN XÉT CỦA ĐẤNG CHRIST hay bema để nhận lãnh những phần thưởng vì sự chúng ta vâng phục đối với Ngài trong đời nầy. Trong khi chúng ta xuất hiện trước mặt Chúa, những người không tin Chúa bị bỏ lại ở đàng sau trên đất sẽ nếm trải một thời kỳ khủng khiếp được gọi là KỲ ĐẠI NẠN.
4. Kỳ đại nạn là một đề tài rất bao la trong Kinh thánh. Vì lẽ đó, trong sứ điệp nầy mục tiêu của tôi chỉ là làm quen với quí vị bằng một số thông tin cơ bản và khích lệ quí vị trong phần nghiên cứu riêng tư của quí vị về lời tiên tri. Hôm nay chúng ta sẽ hỏi và đáp trong hy vọng một số thắc mắc về kỳ đại nạn, những ngày tối tăm nhất ở trên đất.
I. Kỳ đại nạn là gì?
A. Từ ngữ "tribulation" [kỳ đại nạn] (trong Anh ngữ) ra từ chữ La tinh tribulum, nguyên đề cập tới một công cụ nông nghiệp dùng để phân thóc ra khỏi gạo (người Việt nam gọi là cái sàng). Từ ngữ Hy lạp ở đàng sau "tribulation" trong Tân Ước có nghĩa là "áp lực, đau đớn, khổ sở, hay rối rắm". "Kỳ đại nạn" sẽ là một thời kỳ trong đó bàn tay phán xét của Đức Chúa Trời sẽ ụp xuống, đem áp lực lớn cùng đau khổ giáng trên cả thế gian.
B. Trong các phân đoạn khác, Kinh thánh dạy rằng thời kỳ nầy sẽ kéo dài trong 7 năm. Thời kỳ nầy là một tổng thể được gọi là "hoạn nạn lớn" và 3 năm rưỡi sau cùng được gọi là "Kỳ đại nạn", một thời kỳ với cường độ rất mạnh.
C. Hãy chú ý 3 phân đoạn Cựu Ước chủ chốt. Giêrêmi 30.5-9; Đaniên 12.1; Giô-ên 2.1-2.
D. Hết thảy chúng ta đều đã nhìn thấy các hình ảnh diệt chủng của Phát xít Đức. Chúng làm cho chúng ta phải phát bịnh. Chúng ta có thể tưởng tượng được nỗi đau khổ đó, tuy nhiên Chúa Jêsus phán trong Mathiơ 24.21: "vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa". Không một điều gì, không có lụt lội, không có tình trạng nô lệ trong Ai cập, không có cuộc xâm lược của người Babylôn hay người Syri, thậm chí diệt chủng phát xít trong lịch sử cận đại không thể sánh với thời kỳ nầy. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nầy phần nhiều dân cư trên đất sẽ bị hủy diệt trong tất cả các tai vạ trước đó kết hợp lại.
II. Tại sao phải có kỳ đại nạn?
Kinh thánh đề xuất 2 mục đích thiêng liêng cho biến cố nầy.
A. MỤC ĐÍCH #1. Kỳ đại nạn sẽ giáng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên sự vô tín. Những phân đoạn Kinh thánh quan trọng nói tới kỳ đại nạn cho thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ đổ cơn thạnh nộ của Ngài ra trên những ai chối bỏ Ngài. Êsai 26.21 chép: "Vì nầy, Đức Giê-hô-va ra từ nơi Ngài, đặng phạt dân cư trên đất vì tội ác họ". Chúng ta đọc Thi thiên 2.5-12.
B. MỤC ĐÍCH #2. Kỳ đại nạn sẽ tỏ ra sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời đối cùng dân sót của Israel.
1. Israel là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời từ xưa đã lập một giao ước hay lời hứa với Ápraham (Sáng thế ký 12.1-3). Dù dân Do thái đã chối bỏ Đấng Mêsi của họ, qua kỳ đại nạn số dân sót Giu-đa sẽ tin theo Ngài và nhận lãnh sự ứng nghiệm của giao ước. Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất lời hứa của Ngài.
2. Giêrêmi 30.7 chép: "Khốn thay! Ngày đó thật lớn, đến nỗi chẳng hề có ngày nào giống như vậy. Ấy là kỳ tai hại của Gia-cốp! Nhưng nó sẽ được cứu thoát khỏi sự ấy".
3. Chúng ta hãy mở Kinh thánh ra ở Xachari 13.8-9. Ở đây Đức Chúa Trời hứa rằng "hai phần ba" dân Do thái sẽ "bị diệt" nhưng phần ba còn lại sẽ được "luyện" giống như bạc luyện "qua lửa" và sẽ kêu cầu danh Đức Giêhôva.
4. Trong phần nghiên cứu sâu hơn, hãy đọc Rôma 11, ở đây chúng ta học biết rằng số dân sót sẽ được "tháp vào" trong Nước của Đức Chúa Trời. Về số dân sót, Phao-lô viết: "cả dân Israel sẽ được cứu" (câu 26).
III. Ai sẽ gánh chịu kỳ đại nạn?
A. Người được cứu trong kỷ nguyên nầy sẽ được dời đi. Chúng ta gọi đây là sự cất lên của Hội thánh. Chúa Jêsus sẽ ngự đến trên không trung và tiếp nhận tất cả những tín đồ chân chính cho chính mình Ngài. Ở cuối kỳ đại nạn, người được cứu sẽ trở lại đất cùng với Đấng Christ để trị vì trong Vương quốc Thiên hi niên. Chúng ta đầy lòng tin cậy rằng Sự Cất Lên sẽ đi trước Kỳ Đại Nạn vì 3 lý do.
1. Trước tiên là lẽ đạo Tân Ước nói tới HIỂM HỌA TRƯỚC MẮT. "Trước mắt" có nghĩa là "sẵn sàng". Nói cách khác, bất cứ lúc nào. Tân Ước dư thừa nhiều câu nói bảo người tin Chúa phải xem chừng, phải coi chừng và sẵn sàng trước sự tái lâm của Đấng Christ. Có nhiều dấu lạ về những ngày sau rốt và về Sự Tái Lâm của Đấng Christ, nhưng chẳng có một dấu hiệu nào đi trước báo hiệu Sự Cất Lên cả. Sự ấy sẽ đến bất cứ lúc nào. Sau đây là một vài phân đoạn Kinh thánh tiêu biểu:
a. Gia-cơ 5.7-9. I Phierơ 4.7 chép: " Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện".
b. Hê-bơ-rơ 10.24-25 chép: "Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy".
c. I Giăng 2.28 chép: "Vậy bây giờ, hỡi các con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến".
d. Hê-bơ-rơ 10.37 chép: "Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu".
e. II Ti-mô-thê 4.8 chép: "Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài".
f. Vậy ra Hội thánh đầu tiên đã tin theo việc sắp sửa xảy ra, trông mong Chúa tái lâm vào bất kỳ lúc nào.
g. Chúng ta không được truyền cho phải quan sát về sự hiện đến của antichrist, đây sẽ là trường hợp nếu Sự Cất Lên đã đến trong lúc hoặc sau Kỳ Đại Nạn. Hãy mở ra Tít 2.11-13. Chúng ta cần phải "chờ đợi sự trông cậy hạnh phước", sự xuất hiện của Đấng Christ!
2. Thứ hai, sự thực Kỳ Đại Nạn đã nhắm vào số dân sót của ISRAEL, chớ không phải Hội thánh. Mục đích của Đức Chúa Trời trong Kỳ Đại Nạn là giáng cơn thạnh nộ của Ngài trên những kẻ không tin Chúa và cứu chuộc số dân sót của tuyển dân Ngài.
3. Thứ ba là các phân đoạn Kinh thánh hứa SỰ BẢO HỘ tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.
a. Chúa Jêsus phán trong Khải huyền 3.10: "Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất”. Trong sự so sánh với những gì chúng ta đã đọc, trừ ra Kỳ Đại Nạn thì có thể sẽ là biến cố nào?
b. Người thành Têsalônica đã có nhiều thắc mắc về Sự Cất Lên và Kỳ Đại Nạn. Phao-lô bảo họ phải "chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thạnh nộ ngày sau" (I Thườngêsalônica 1.10). Ông cũng viết: "Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được đồng sống với Ngài là Đấng đã chết vì chúng ta" (I Têsalônica 5.9-10). Có nhiều người khác nữa chúng ta có thể liệt kê ra.
Tôi muốn nói rằng có một số học viên Kinh thánh, họ tin người được cứu sẽ trải qua Kỳ Đại Nạn. Lúc nào họ cũng chỉ ra II Têsalônica 2.1-3. Đây là phân đoạn Kinh thánh gốc của thuyết hậu Đại Nạn. Thuyết nầy cho rằng antichrist sẽ xuất hiện trước Sự Cất Lên, nó làm cho lẽ đạo nói tới hiểm họa trước mắt không còn có hiệu lực nữa.
4. Rõ ràng câu 1 chỉ ra Sự Cất Lên "sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài". I Têsalônica 4.17 chép, chúng ta sẽ "cùng nhau được cất lên".
5. Như tôi đã nói, người thành Têsalônica đã có nhiều thắc mắc về những kỳ sau rốt vì họ đã bị nhầm lẫn và chao đảo bởi các giáo sư giả. Họ lấy làm lo rằng những sự bắt bớ, đau khổ mà họ đang đối diện với cho thấy rằng "ngày của Chúa [hay ngày của Đức Giêhôva] đã "đến" rồi (câu 2).
6. Phao-lô bảo họ đừng vội "bối rối và kinh hoảng" cũng đừng để cho ai "lừa dối" họ vì "ngày ấy" ngày của Chúa sẽ không đến cho tới chừng "sự bội đạo" và "người tội ác" antichrist "sẽ hiện ra".
7. "Ngày của Đấng Christ" hay ngày của Đức Giêhôva và Sự Cất Lên không phải là cùng một sự việc đâu! "Ngày ấy" đề cập tới kỳ đại nạn. Trong vùng Trung đông, một ngày bắt đầu từ lúc mặt trời mọc. Thí dụ, ngày Sa-bát của người Do thái bắt đầu vào lúc mặt trời lặn ngày thứ Sáu rồi kết thúc vào lúc mặt trời lặn vào ngày thứ Bảy. Trong xã hội thời ấy, ngày bắt đầu bằng sự tăm tối và rồi khi ánh sáng hiện đến. Ngày của Đức Giêhôva sẽ bắt đầu với sự tăm tối của Kỳ Đại Nạn và khi ấy Đức Chúa Con, là "suối nguồn chảy xuống từ trên cao" sẽ hiện ra giống như mặt trời mọc lên ở chỗ còn mờ mờ tối. Đấy không phải là những gì Sự Cất Lên mà là Sự Đến Lần Thứ II hay sự tái lâm lần thứ hai.
B. Người không được cứu của kỷ nguyên nầy sẽ bị để lại ở phía sau. Khi ấy, nếu Hội thánh, người được chuộc của Đức Chúa Trời đã được cất lên rồi, chỉ có những kẻ không tin mới còn ở lại để nhận lãnh toàn bộ cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì cớ họ vô tín và chối bỏ Đấng Cứu Thế.
IV. Thời gian của Kỳ Đại Nạn (Đaniên 9.24-27).
A. Đaniên cung ứng cho chúng ta khung thời gian của "bảy mươi tuần lễ".
1. Vào khoảng năm 538TC, Đức Chúa Trời đã ban cho Đaniên lời tiên tri nầy và từng phần vẫn chưa ứng nghiệm. Chúng ta xác định thời điểm nầy bởi câu 1.
2. Đaniên nói tiên tri về "bảy mươi tuần lễ", sát nghĩa "bảy mươi lần bảy". Điều nầy không có ý nói tới một tuần mà nói tới nhiều năm. Vì lẽ đó 70 lần 7 năm sẽ là 490 năm.
3. "Mạng lịnh xây cất lại thành Jerusalem" đã được ban ra trong Nêhêmi 2.1-8 từ Vua At-ta-xét-xe trong tháng Ni-san vào năm 455TC. Từ thời điểm ấy "cho đến Đấng Mêsi là Vua” có 7 tuần và 62 tuần hay 69 tuần lễ.
4. Cái điều hấp dẫn, ấy là Đấng Christ đã thực hiện cuộc đắc thắng vào thành Jerusalem của Ngài (Mathiơ 23.37-39), đã bị đóng đinh trên thập tự giá và đã sống lại vào mùa xuân năm 32SC. Như vậy chính xác 483 năm sau hay 69 "tuần lễ" kể từ sự phục hưng thành Jerusalem (câu 25). Thật là chính xác!
5. Trong câu 26, Đaniên nói tiên tri rằng "Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi" có nghĩa là phải chịu án phạt sự chết.
B. Đaniên cung ứng cho chúng ta các chi tiết của "một tuần lễ"
1. Hãy chú ý có hai vị vua trong câu 26: "Đấng chịu xức dầu" và "vua hầu đến". Vua đầu tiên là Chúa Jêsus và vua thứ hai là antichrist.
2. Có "dân của vua hầu đến sẽ hủy phá thành và nơi thánh". Điều nầy đã xảy ra vào năm 70SC khi các binh đoàn La mã của Titus đến hủy phá thành Jerusalem.
3. Có một khoảng trống về niên đại giữa 69 tuần lễ đầu tiên và tuần lễ sau cùng. Tuần thứ 69 kết thúc lúc Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá. Khoảng thời gian xen giữa là kỷ nguyên Hội thánh. Tuần thứ 70 của 7 năm là Kỳ Đại Nạn. Tuần lễ nầy sẽ bắt đầu khi antichrist xuất hiện.
Hãy tưởng tượng một trận đấu bóng rỗ, trong đó trọng tài cho dừng trận đấu trong một phút. Có phải trận đấu đã hết rồi không? Không. Nếu trọng tài chờ một tiếng đồng hồ, trận đấu có chấm dứt chăng? Không. Nếu trọng tại chờ một ngày thì trận đấu có xong không? Không. Trận đấu không hề xong cho tới phút sau cùng đã được thi đấu xong. Đức Chúa Trời đã cho dừng một thời gian. Chúng ta đang ở trong những ngày sau rốt của khoảng trống về niên đại đang trông đợi sự tái lâm của Đấng Christ và tuần lễ sau cùng bắt đầu.
4. Có một số người gặp rắc rối bởi khoảng trống nầy. Trước tiên, hãy chú ý là Đaniên nói tiên tri về 69 tuần lễ đầu tiên, nhưng không bắt đầu nói tới tuần lễ sau cùng cho tới câu 7. Có nhiều lời tiên tri với một khoảng trống về niên đại. Thí dụ, chúng ta hãy xem Êsai 9.6-7; 61-1-2.
5. Vì những lý do đã được trình bày trước đây, tôi tin chắc rằng Sự Cất Lên sẽ xảy ra ngay phần đầu của tuần lễ thứ 70.
6. Câu 27 nói antichrist sẽ "lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ", là tuần lễ thứ 70. Hắn sẽ lập một hiệp ước hoà bình trên toàn cầu. Mọi người sẽ sống với sự hoà bình đó, đặc biệt là Israel. Từ các phân đoạn Kinh thánh khác, chúng ta tóm tắt, Israel sẽ tái thiết lại đền thờ và lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ họ trở lại với Do thái giáo của lịch sử bằng cách dâng thú vật làm con sinh. Nhiều người Do thái sẽ xưng antichrist là đấng mêsi của họ.
7. Tuy nhiên, "đến giữa tuần ấy" hay sau ba năm rưỡi, "người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi". Khi ấy hắn sẽ làm ra "những sự gớm ghiếc". Các phân đoạn Kinh thánh khác dạy chúng ta biết rằng hắn sẽ tôn mình lên để người ta thờ lạy hắn. Chúng ta sẽ nhắc tới vấn đề nầy chi tiết hơn trong hai tuần lễ.
8. Ở cuối tuần lễ thứ 70, Đấng Christ sẽ tái lâm trong sự vinh hiển nơi Lần Đến Thứ Nhì.
9. Đức Chúa Trời có một chiếc đồng hồ. Không phải loại Rolex, Bulova hoặc thậm chí Timex đâu. Chiếc đồng hồ của Đức Chúa Trời là Israel. Hãy hướng mắt của quí vị vào Israel.
V. Liệu người ta có được cứu trong Kỳ Đại Nạn không?
A. Có, Đức Chúa Trời sẽ cứu số dân sót của Israel.
1. Chúng ta đã xét qua Xachari 13.8-9, ở đó Đức Chúa Trời hứa rằng "hai phần ba" dân Israel sẽ bị "diệt" nhưng một phần ba dân sót sẽ được "luyện lọc" giống như bạc luyện "qua lửa" và sẽ kêu cầu danh của Chúa.
2. Khải huyền 14 nói tới 144.000 người sẽ được "đóng ấn" hay được Đức Chúa Trời bảo hộ qua Kỳ Đại Nạn.
3. Đức Chúa Trời sẽ đưa số dân sót người Do thái có đức tin qua Kỳ Đại Nạn. Họ sẽ nhận lãnh sự ứng nghiệm hoàn toàn giao ước hay lời hứa mà Ngài đã lập với Ápraham.
B. Có, sự chứng đạo Tin lành vẫn còn có mặt.
1. Tôi tin nhiều dân Ngoại cũng sẽ được cứu nữa. Sẽ có những người nghĩ rằng họ đã được cứu trước Sự Cất Lên.
2. Sẽ có một số người chưa được cứu trước Sự Cất Lên. Những đôi vợ chồng, những đứa con, các bè bạn không tin sẽ quay trở lại với Kinh thánh, với những chứng đạo đơn Tin lành và sách báo Cơ đốc.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét