Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 9.15-27: "Sống theo những điều ưu tiên một – Phần 2"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Sống theo những điều ưu tiên một – Phần 2
I Côrinhtô 9.15-27
Tuần nầy chúng ta sẽ hoàn tất sứ điệp mà tôi đã bắt đầu tuần trước với đề tựa là Sống Theo Những Điều Ưu Tiên Một. Tôi bắt đầu sứ điệp bằng cách yêu cầu bạn phải xem xét bạn cảm thấy thế nào nếu bác sĩ cho bạn hay là bạn sắp chết. Tin tức cho hay mình sắp chết làm thay đổi đời sống bạn ra sao? Tuy nhiên, sự thực cho thấy rằng chúng ta SẼ chết! Chúng ta có thể gọi là sống nhưng chắc thật chúng ta sẽ chết. Hêbơrơ 9.27 chép: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét”. Hết thảy chúng ta sẽ giữ phần trang bị cho mình với sự chết.
Vì thì giờ của chúng ta trên đất là ngắn ngủi, chúng ta sẽ sống với một ý thức cấp bách, một ý thức có mục đích và một ý thức về sự ưu tiên. Hãy lắng nghe Ê-phê-sô 5.14-17: “Cho nên có chép rằng: Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi. Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào”. Lời kêu gọi là phải TỈNH THỨC và phải LỢI DỤNG hay mua lại thì giờ. Kinh Thánh buộc Cơ đốc nhân phải sống có mục đích cho sự ưu tiên.
Khi chúng ta xem xét phân nửa sau của chương 9, sứ đồ Phao-lô giải thích ba điểm ưu tiên liên tục dẫn dắt đời sống của ông. Chúng ta hãy ôn lại vắn tắt hai ưu tiên đầu mà chúng ta đã khám phá trong tuần qua và rồi đào sâu vào ưu tiên thứ ba.
I. Ưu tiên của Phao-lô là làm tròn ơn kêu gọi của ông (các câu 16-18).
Hết thảy chúng ta có một ơn kêu gọi từ Đức Chúa Trời. Ơn kêu gọi của Phao-lô là rao giảng Tin Lành.
A. PHAO-LÔ KHÔNG KHOE KHOANG TRONG VIỆC RAO GIẢNG TIN LÀNH (câu 16a).
Ông nói ở câu 16: “Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình …”. Ông không kiêu ngạo về khả năng giảng đạo của mình. Phao-lô có thể khoe về Tin lành, nhưng không khoe trong việc rao giảng của ông. Ông vui vẻ rao giảng những tin tức tốt lành nói tới ân điển và sự chuộc tội qua Đấng Christ. Tuy nhiên, ông đã không “khoe” trong việc giảng đạo của ông. Sứ điệp phải là quan trọng nhất. Sứ giả thì kém quan trọng hơn. Ông chỉ là một công cụ ở trong tay của Chúa. Chúng ta đừng bao giờ “khoe” hay trở nên kiêu căng về sự kêu gọi và sự ban ơn của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Mọi sự chúng ta có hay chúng ta có thể làm đều đã được ban cho bởi Đức Chúa Trời.
B. PHAO-LÔ ĐÃ RAO GIẢNG VÌ LÀ LẼ CẦN KÍP (câu 16b).
Hãy xem lại câu 16: “Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay!” Nói cách khác, Phao-lô đang nói ông chẳng có một sự lựa chọn nào hết. Đức Chúa Trời KHIẾN ông phải giảng đạo.
Phao-lô không phải là người đầu tiên phải giảng đạo vì có lẽ cần kíp đó. BALAAM đã tìm cách rủa sả dân Israel nhưng Đức Chúa Trời đã khiến ông phải chúc phước cho dân ấy. GIÔNA đã được kêu gọi đến với thành Ninive, nhưng đã tìm cách trốn sang Ta-rê-si. Sau khi Đức Chúa Trời để cho ông tốn một ít thời gian ở trong bụng con cá lớn, ông đã ngần ngại đến giảng ở nơi mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông. Đức Chúa Trời đã truyền cho ÊXÊCHIÊN ngay từ ban đầu rằng chẳng có ai chịu tin theo ông và người ta sẽ bác bỏ sứ điệp của ông. Tuy nhiên, ông vẫn lo rao giảng Lời của Đức Chúa Trời.
Chính mình Phao-lô đã được Đức Chúa Trời kêu gọi ở một tư thế rất đặc biệt. Sau khi ông bị mù trên con đường đến thành Đa-mách, Đức Chúa Trời phán với Anania trong Công vụ các Sứ đồ 9.15: “Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên”. Tôi hiểu điều nầy. Tôi không muốn trở thành một nhà truyền đạo. Tôi không hề dự trù mình sẽ trở thành một vị Mục sư. Tuy vậy, Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi. Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn phải trở thành … có thể không trở thành một Mục sư hay nhà truyền đạo, nhưng Ngài đã kêu gọi bạn phải sử dụng các ân tứ, thì giờ và ta-lâng để phục vụ Ngài. Đừng chần chừ nữa. Đừng trốn tránh Ngài. Ưu tiên một trong đời sống của bạn sẽ là chu toàn ơn kêu gọi mà Đức Chúa Trời đã ban cho bạn. Rồi đến cuối cuộc đời, bạn có thể nói với Phao-lô: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin” (II Timôthê 4.7).
C. SỰ RAO GIẢNG CỦA PHAO-LÔ LÀ MỘT CHỨC VỤ (các câu 17-18).
Phao-lô nói trong câu 17: “Nếu tôi vui lòng làm việc đó, thì được thưởng; lại nếu tôi không vui lòng mà làm, thì cái chức vụ cũng vẫn phó thác cho tôi”. Một “chức vụ” là việc được phó thác cho bạn, một sự phó thác thiêng liêng. Phao-lô đã được Đức Chúa Trời giao thác cho với “chức vụ” về Tin Lành. Vì vậy, một mặt ông lo rao giảng vì ông biết rõ Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông một “phần thưởng”, còn ở mặt kia, ông vốn hiểu rõ rằng trong thực tế, ông lo rao giảng vì đây là trách nhiệm của ông. Bạn không thể đứng sau tòa giảng hết tuần nầy sang tuần khác trừ phi bạn đã được cứu, bạn đã được Đức Chúa Trời kêu gọi. Bạn có một chức vụ. Ưu tiên trước hết và quan trọng nhất trong đời sống của bạn sẽ phải là lo chu toàn sự kêu gọi ấy.
II. Ưu tiên của Phao-lô là được kẻ bị mất (các câu 19-23).
A. PHAO-LÔ HẠN CHẾ QUYỀN TỰ DO CỦA MÌNH ĐỂ ĐƯỢC KẺ BỊ HƯ MẤT (câu 18).
Câu 19 chép: “Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn”. Ưu tiên của Phao-lô không phải là sự tự do của riêng ông. Ông sẽ từ bỏ sự tự do; ngay cả trở thành một nô lệ để chu toàn ưu tiên lớn lao hơn, chinh phục người ta về cho Đấng Christ. Ông sẽ vui vẻ giảm bớt các thói quen, kềm chế những ước muốn và thay đổi lối sống của mình nếu có bất cứ việc gì trong số nầy làm ngăn trở ai đó không đạt tới đức tin nơi Chúa.
B. PHAO-LÔ SỬ DỤNG SỰ TỰ DO CỦA ÔNG ĐỂ CHINH PHỤC NHIỀU LOẠI NGƯỜI KHÁC NHAU (các câu 20-22a).
Phao-lô cung ứng sự tôn trọng và kính nể đối với người Do thái, những ai đang ở dưới Luật pháp của Môise. Ông đã hạn chế sự tự do Cơ đốc của mình để không làm cho họ phải khó chịu hầu cho ông đưa được họ về với Đấng Christ. Tương tự, Phao-lô không tìm cách sống dưới luật pháp khi ông ở gần với dân Ngoại, những kẻ không có luật pháp. Ông sử dụng các thói quen của họ để làm chứng cho họ về Chúa Jêsus. Đối với những người yếu đuối, Phao-lô đã rất kiên nhẫn. Ông không phiền về việc đi chậm hay lặp đi lặp lại các bài học cơ bản.
C. PHAO-LÔ TRỞ NÊN MỌI CÁCH CHO MỌI NGƯỜI ĐỂ CỨU CHUỘC ĐƯỢC MỘT VÀI NGƯỜI (các câu 22b-23).
Hãy chú ý một lần nữa phần cuối của câu 22: “ … tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào”. Phao-lô không có ý nói rằng ông đã thỏa hiệp hay thay đổi Tin Lành. Thực ra, ông đã nói thẳng trong Galati 1.9: “Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them!” Ông không kiến thiết một chức vụ “tìm kiếm nhạy cảm”. Thay vì thế, những gì Phao-lô muốn nói tới, ấy là ông đang bằng lòng từ bỏ bất kỳ một sự tự do nào để đem được nhiều người về cho Đấng Christ.
Được kẻ bị mất là ưu tiên của Phao-lô cũng là một ưu tiên trong đời sống của chúng ta. Thực thế, lý do duy nhứt Đức Chúa Trời để chúng ta lại trên đất sau khi Ngài cứu chúng ta để chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân cho Ngài trong thế gian. Có phải chúng ta cam kết chia sẻ Tin Lành với người khác không? Với nhận định đó, chúng ta hãy sử dụng số lượng thì giờ còn lại của mình để đào sâu vào ưu tiên sau cùng của chúng ta.
III. Ưu tiên của Phao-lô là một phần thưởng thiên thượng (các câu 24-27).
Hãy chú ý câu 24 rằng ở giữa những người chạy thi “chỉ một người được thưởng”. Ở câu 25 chúng ta đọc thấy việc nhận “mão triều thiên hay hư nát” và một “mão triều thiên không hay hư nát”. Ở câu 27, Phao-lô nói tới khả năng “bị bỏ”. Những câu nầy nhấn mạnh ưu tiên của việc tìm kiếm một phần thưởng thiên thượng.
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng khi đời nầy qua đi sẽ có những phần thưởng đời đời dành cho sự vâng phục và sự phục vụ trung tín. Trở lại ở chương 3, chúng ta đã nghiên cứu nói tới bema hay “ngai phán xét của Đấng Christ”. Mọi việc làm của chúng ta sẽ phải đưa qua lửa. Có việc sẽ là “vàng, bạc” và “bửu thạch”. Có việc sẽ là “gỗ, cỏ khô” và “rơm rạ”. Câu 8 chép: “…ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm”. Câu 14 chép: “Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình”.
Không cứ cách nào đó, ở cuối kỷ nguyên nầy, Đấng Christ sẽ ban thưởng cho các tôi tớ trung tín của Ngài. Trong thí dụ nói tới các ta-lâng, Chúa phán với các tôi tớ trung tín của Ngài: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Mathiơ 25.21, 23). Kinh Thánh mô tả những phần thưởng thiên thượng nầy giống như các mão triều thiên vậy. Ở đây, trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, ở câu 25, Phao-lô mô tả một “mão triều thiên không hay hư nát”. Ở II Timôthê 4.8, chúng ta đọc thấy một “mão triều thiên của sự công bình”. Gia-cơ 1.12 nói tới một “mão triều thiên của sự sống”. I Phierơ 5.4 mô tả “mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo”.
Vì thế, một trong những ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc đời của Phao-lô là những phần thưởng của cõi đời đời. Ông muốn trở thành hạng “đầy tớ ngay lành và trung tín” đó. Ông không muốn bỏ qua bất cứ điều chi mà Đức Chúa Trời đã dành cho ông. Phao-lô đang giúp cho chúng ta hiểu ý niệm các phần thưởng thiên thượng bằng cách áp dụng phần ứng dụng về cuộc đua của kẻ chạy thi. Hết thảy chúng ta đều quá quen thuộc với những trận đấu Olympic. Chúng ta xem từng trận đấu vào mùa hè hay mùa đông trên vô tuyến truyền hình cứ hai năm một lần. Những trận đấu Olympic thời xưa đã diễn ra cứ bốn năm một lần không ngắt quãng từ năm 776 TC cho tới lúc họ phải dừng lại bởi Hoàng đế La mã là Theodosius vào năm 393 SC.
Trong khi bạn quá quen thuộc với những trận đấu Olympic, có lẽ bạn chưa nghe nói tới những trận đấu của người sống ở vùng eo đất. Những trận đấu nầy được kể đặt ra cho những người sống ở eo đất, một cái eo hẹp của vùng đất nối thành phố Côrinhtô với lục địa. Mặc dù có cấp độ nhỏ hơn so với những trận đấu Olympic, các trận đấu ở vùng eo đất ấy rất được lòng người và là nguồn của nhiều sự tự hào cho người thành Côrinhtô. Chúng ta hãy xét qua hai phương diện trong việc nhận lãnh các phần thưởng thiên thượng.
A. NHẬN LÃNH CÁC PHẦN THƯỞNG THIÊN THƯỢNG ĐÒI HỎI PHẢI ĐỀ RA QUYẾT TÂM (các câu 24-25).
Câu 24 chép: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng”. Chúng ta hãy xét câu hỏi trước: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao?” Có một chút quở trách ở đây. Chúa Jêsus thường hỏi người Do thái: “Các ngươi há chưa đọc đến sao?” (xem Mathiơ 12.3,5; 19.4; 22.31). Ngay lập tức lý trí của họ đi thẳng đến bối cảnh các trận đấu vùng eo đất của chính họ. Từ ngữ Hy lạp nói tới “cuộc đua” là stadion từ đó chúng ta mới có chữ “stadium” [vận động trường] của chúng ta. Họ sẽ hình dung những kẻ chạy thi đang nắm lấy mục tiêu rồi chạy nước rút tới mức đến hay trong một cuộc đua dài hơn đo những sãi chân của họ và lo bảo tồn năng lực để về tới mức sau cùng.
Trong cuộc đua, tất cả những người chạy thi sẽ chạy nhưng chỉ có một người thắng và duy nhứt “được thưởng”. Mục tiêu của vận động viên là rất rõ ràng: không một vận động viên nào chạy chỉ để chạy thôi! Họ đã tốn nhiều tháng và nhiều năm trời, thậm chí cả cuộc đời họ để tập luyện và sửa soạn cho cuộc đua. Họ tập luyện khó nhọc và từ bỏ nhiều thứ xa xỉ và khoái lạc không những để họ có thể hoàn tất cuộc chạy, mà họ còn phải thắng cuộc đua nữa. Vì vậy không có một vận động viên nào chạy chỉ để chạy; mà thay vì thế, từng vận động viên chạy để chiến thắng! Đấy là BỘ QUYẾT TÂM của ông! Mỗi ngày khi vận động viên tập luyện, người nghĩ tới việc chiến thắng. Mỗi lần người thúc đẩy cơ thể mình chịu khó nhọc hơn, người hạ quyết tâm phải chiến thắng.
Cũng một thể ấy trong đời sống Cơ đốc của chúng ta! Chúng ta không những chạy cuộc đua, mà chúng ta còn chạy để chiến thắng nữa! Sự khác biệt lớn giữa những cuộc thi của vận động viên và đời sống chúng ta là tín đồ, ấy là từng Cơ đốc nhân nào biết phấn đấu sẽ chiến thắng. Chúng ta không tranh đua nghịch lại tín hữu khác mà nghịch lại những chướng ngại đang đặt ở trước mặt chúng ta. Mỗi một người chúng ta đang chạy với chính cuộc đua của mình. Mỗi một người chúng ta có thể chiến thắng. Mỗi một người chúng ta có thể nhận lãnh phần thưởng đời đời.
Phao-lô nói: “Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng”. Hêbơrơ 12.1-2 thêm vào bức tranh nói tới đời sống Cơ đốc nầy giống như một cuộc đua: “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”.
“Nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn” dường như đề cập tới nhiều người khác họ đã đi trước chúng ta, giống như những vị anh hào đức tin đã được nhắc tới trong chương 11. Ý tưởng ở đây, ấy là vì nhiều người khác đã hoàn tất cuộc chạy, vì nhiều người khác đã đoạt được giải thưởng, thì chúng ta cũng phải một thể ấy.
Bằng cách nào chúng ta chiến thắng? Trước hết, chúng ta phải “quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta”. Chúng ta ăn năn và đoạn tuyệt với tội lỗi nào cứ kéo ngược chúng ta lại. Chúng ta có thể gạt qua một bên những việc nhất định nào không nhất thiết là tội lỗi nhưng vẫn có thể ngăn trở chúng ta. Chúng ta có thể chọn không thực thi những quyền tự do Cơ đốc nhất định nào đó.
Thứ hai, chúng ta phải “lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”. Đời sống Cơ đốc không phải là một cuộc chạy nước rút mà là cuộc thi marathon. Chúng ta phải hoàn tất cuộc chạy ấy với một bộ quyết tâm phải hoàn tất mỹ mãn. Thứ ba, chúng ta phải “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin”. Chúng ta phải hướng mắt nhìn về Ngài và biết rõ khi chúng ta băng qua mức đến, Ngài sẽ có mặt ở đó để tiếp đón chúng ta! Ngài đã hoàn tất cuộc chạy ấy! Ngài “đã gánh chịu thập tự giá” và Ngài cũng sẽ giúp chúng ta hoàn tất cuộc chạy nữa! Cách đây nhiều năm, khi tôi còn ở trong đội chạy thi của nhà trường, tôi đã có những bạn đồng đội, thực sự họ không muốn có mặt ở đó. Họ không thích chạy. Họ không có bất cứ một sự khát khao đặc biệt nào để đua tranh hết. Họ chẳng có quyết tâm muốn chiến thắng. Kết quả là, họ chẳng muốn thêm gì vào trong đội chạy nữa hết. Họ chỉ tham gia có nửa vời. Cũng ý nghĩa ấy, có nhiều tín đồ tham gia chạy cuộc đua nhưng không chạy với một tư thế để họ có thể chiến thắng. Họ có mặt trong cuộc chạy, nhưng họ không chạy để chiến thắng. Đâu là mục đích của cuộc chạy một khi bạn không ra sức để chiến thắng?
Hãy xem câu 25. Ở đây chúng ta học biết nhiều về cách chạy để chiến thắng: “Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát”. “Đua tranh để đoạt được phần thưởng” ra từ chữ Hy lạp agonizomai, và sát nghĩa có ý nói “chịu khổ”. Chúng ta có chữ “agony” [đau đớn cực độ về thể xác hay tinh thần] từ chữ nầy. Một vận động viên chịu khổ trong tập luyện. Biết “điều độ” là tập luyện sự tiết độ. Trở lại thời buổi cấm nấu và bán rượu, đã có những nhóm “cộng đồng không uống rượu” khuyến khích sự tiết độ trong việc dùng rượu.
Một vận động viên trả một giá rất cao dể chiến thắng. Người ấy phải chịu khổ. Người sử dụng sự tiết độ. Người chịu đựng sự tập luyện sôi nổi. Người phải thon thả, không để cho cơ thể mập lên và phát triển cơ bắp. Người tập luyện bắp thịt, hai lá phổi, những phản xạ, và khả năng chịu đựng của mình. Người ăn thức ăn lành mạnh khi người muốn chè chén say sưa. Người phải ngủ nhiều khi người muốn thức khuya. Người phải chối bỏ mình và đặt mình vào điểm nguy kịch … tôi muốn chúng ta có lý thuyết từ phim Rocky để hoạt động ở điểm nầy! Tôi có thể nghe thấy điểm ấy trong đầu của tôi! Tại sao? Tại sao người phải tự hành hạ mình chứ? Người làm vậy vì người muốn chiến thắng! Nếu một vận động viên sẽ trả một giá cao cho một chiến thắng tạm thời, vì một thành tích không bao lâu nữa sẽ bị người khác phá vỡ, chúng ta đáng phải bằng lòng trả một giá để đoạt được những phần thưởng đời đời của Đức Chúa Trời. Hãy xem lại câu 25b: “họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát”.
Một người chiến thắng trong các cuộc thi ở vùng eo đất kia hay những trận đấu Olympic đã đoạt được một vòng hoa nguyệt quế. Vòng hoa tự bản thân nó chẳng là gì hết, nhưng nó tiêu biểu cho danh tiếng và số phận. Tuy nhiên, ngày hôm nay bạn có biết tên tuổi của bất kỳ ai trong những vận động viên xa xưa ấy không? Không. Di sản của họ đã qua mất từ lâu rồi. Vòng hoa của họ là “hay hư nát”. Những lần ôm hôn mà họ nhận được cho chiến thắng của họ đã trôi qua mất từ lâu rồi. Tuy nhiên, khi chúng ta thắng trong cuộc đua đời nầy, chúng ta nhận được “mão triều thiên không hay hư nát”. Phần thưởng của chúng ta sẽ mãi mãi là vô tận. Một thi sĩ đã nói Chỉ có một đời không bao lâu nữa sẽ qua. Chỉ có những việc được làm cho Đấng Christ sẽ còn lại cho đến đời đời. Chính Chúa Jêsus có phán: “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy, Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mathiơ 6.19- 21).
Kẻ thù, xác thịt của chúng ta và thế giới sa ngã nầy đang nhóm lại để cướp đi thì giờ và mục tiêu của chúng ta. Chúng ta dễ dàng lạc lối bởi những việc nhỏ. Chúng ta hãy hạ quyết tâm hướng mắt mình nhìn về phần thưởng và “nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Philíp 3.14).
B. NHẬN LÃNH CÁC PHẦN THƯỞNG THIÊN THƯỢNG ĐÒI HỎI PHẢI TỰ KỶ LUẬT (các câu 26-27).
Tuần nầy, tôi có đọc về một phụ nữ kia đã vất vả cả năm trời với trọng lượng của bà ấy. Sau cùng, bà đã tập luyện đủ để tự kỷ luật hầu làm mất đi trọng lượng quá dư thừa. Một trong những thách thức quan trọng nhất của bà ta là thôi không đến với cửa hàng bánh rán trên đường đến sở làm của bà ta. Bà ta không không dừng lại trong nhiều tháng trời và quyết định ban thưởng cho việc tự kỷ luật bản thân bằng cách dừng lại duy nhứt để uống một tách cà phê. Bà ta ngồi yên lặng bên cái bàn hớp từng ngụm trong khi ở bàn kế bên có một người đang ăn mấy cái bánh rán trông rất ngon lành. Khi ấy ông ta đứng dậy rồi ra đi để lại một cái bánh chưa đụng đến trên chiếc khăn ăn. Cái bánh nầy cũng là thứ bà ta rất ưa thích đây, nó còn được tráng đầy đường trên mặt nữa. Bà ta liếc mắt nhìn quanh, chẳng thấy ai để ý, nên chụp lấy cái bánh rồi bẻ ra. Khi ấy người kia quay trở lại với tách cà phê mới. Ông nhìn lên bàn và bà ta mĩm cười … với đường còn dính trên khoé miệng mình!
Hết thảy chúng ta đều cần phải biết tự kỷ luật. Hãy chú ý câu 26: “Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió”. Trong phân nửa đầu của câu nầy, Phao-lô vẫn đang sử dụng minh họa của việc chạy thi. Ở phân nửa thứ nhì, ông chuyển phần minh họa sang đấm bốc. Ông nói: ““Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ”. “Bá vơ” ra từ chữ adelos. Delos có nghĩa là “rõ ràng hay đơn giản”. Vì vậy adelos có ý nói “không rõ ràng hay không đơn giản”. Phao-lô đã nhất định. Ông đã có một mục tiêu rõ ràng. Ông muốn dẫn dắt người ta đến chỗ nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ. Ông đã viết trong Côlôse 1.28: “Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời”. Mắt của Phao-lô đang ngửa trông phần thưởng. Ông hạ quyết tâm phải chiến thắng. Quyết tâm của ông đã khiến ông phải sống tự kỷ luật. Buồn thay, điều nầy lại không thực đối với nhiều Cơ đốc nhân. Hãy lắng nghe lời lẽ của John Phillips: “Nhiều Cơ đốc nhân dường như không có sự hay biết nầy. Họ có thái độ vô tình, dửng dưng, yếu đuối đối với đời sống Cơ đốc. Họ lạc lối rất dễ dàng. Một cây mưa rào giữ họ luôn ở trong nhà. Một mái nhà tranh bên bãi biển có thể chiếm hết cả mùa hè của họ. Một buổi hòa nhạc, cú đập bóng của Jimmy, cơ hội cho một trận đấu golf miễn phí là mọi sự làm cho họ phải chệch hướng đối với những việc thực sự đáng kể. Họ có mặt tại cuộc đua không để chiến thắng. Mọi sự họ đang làm là tham dự trận đấu mà thôi”.
Phao-lô nói: “tôi đánh, chẳng phải là đánh gió”. Tất nhiên câu nầy minh họa cho sự đấm bóng. Phao-lô vốn chẳng sơ sài đâu. Ông không phải là đang giả vờ đâu. Ông muốn lấy cái đai kia kìa. Ông bị đánh bầm tím và đổ máu ra. Tuy nhiên, ông đang đánh với ai vậy? Hãy xem câu 27: “song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”. Phao-lô đang đánh với chính xác thịt của mình. Một bản dịch xưa nói “đày đọa thân thể tôi”. Đấy là những điều một số người trong quí vị đang làm sau khi ở nhà thờ về, quí vị đày đọa thân thể mình! Khi Phao-lô nói: “tôi đãi thân thể tôi” là dịch sát nghĩa từ ngữ hupopiazo là “đánh phía dưới con mắt”. Đúng ra Phao-lô đang nói ông tự đánh bầm mắt mình.
Môn quyền anh xưa kia rất tàn bạo và thường kẻ thua bị chết ngay tiếng chuông rung. Người Hy lạp mang “dây da hay đai da, quấn quanh hai bàn tay của võ sĩ, để cho cú đấm của họ được mạnh hơn”. Thứ nầy được gọi là găng tay. Trong các trận đấu công khai trong thời của Phao-lô, găng tay “thường được thắt nút buộc lại, có bọc sắt và chì ở trong”.
Phao-lô không khuyến khích tự hành phạt mình bằng roi như nhiều người Công giáo đã thực hành trong nhiều năm trời. Thay vì thế, ông đang nói rằng ông đánh trận khó nhọc nghịch lại xác thịt mình và thắng hơn bất cứ ngăn trở nào muốn giữ ông không chu toàn được ơn kêu gọi của mình, chinh phục được kẻ bị mất và kiếm được một phần thưởng thiên thượng. Đâu là nổi lo của Phao-lô? Câu 27 chép: “…e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”. Phao-lô đã giữ lấy cao độ những ưu tiên nầy vì lo rằng sau khi giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cho nhiều người khác; ông sẽ thất bại không đòi được phần thưởng. Vì vậy hãy chạy đi. Hãy chạy cuộc thi ấy. Và hãy chạy theo một phương thức để bạn có thể chiến thắng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét