Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

1 Corinthians 12.8-11: "Sự đa dạng của các ân tứ thuộc linh – Phần 1"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Sự đa dạng của các ân tứ thuộc linh – Phần 1
1 Corinthians 12.8-11
Khi chúng ta tiếp tục phần nghiên cứu theo từng câu một sách I Côrinhtô, chúng ta thấy lẽ đạo chính trong các chương 12-14, là lẽ đạo nói tới các ân tứ thuộc linh. Những ân tứ thuộc linh là sự Đức Chúa Trời ban cho để được sử dụng trong chức vụ. Mỗi tín đồ nhận lãnh các ân tứ thuộc linh khi họ được cứu và được Đức Thánh Linh ngự vào lòng. Bạn đang có những ân tứ thuộc linh và ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho đời sống bạn, ấy là bạn phải sử dụng chúng trong sự hầu việc Ngài.
Hội Thánh Côrinhtô đã vặn vẹo sự dạy nói về các ân tứ thuộc linh. Họ đã mượn từ các nghi thức loạn tâm thần của các “tôn giáo mầu nhiệm” trong xã hội của họ đến mức độ có người tự xưng là đang “nói bởi Thánh Linh”, lại thậm chí gọi Chúa Jêsus là đáng bị “rủa sả” nữa. Vì tri thức của họ về các ân tứ thuộc linh đã bị bóp méo như thế, nên Phaolô viết để chỉnh sửa họ lại.
Đối với Hội Thánh hiện đại, có lẽ không một lãnh vực nào trong sự dạy của Kinh Thánh đã bị hiểu sai và áp dụng không đúng rất nhiều hoặc quan trọng cho tính hiệu quả của Hội Thánh cho bằng các ân tứ thuộc linh. Đức Thánh Linh đã ban ơn cho mỗi tín đồ vì hai lý do rất quan trọng: sự GÂY DỰNG cho Hội Thánh và TRUYỀN GIÁO cho thế gian. Ngược lại, khi chúng ta thất bại không sử dụng các sự ban cho thuộc linh của mình, Hội Thánh sẽ mất đi quyền phép, sự hiệp một, và tình trạng hiệu quả.
Từ ngữ Hy lạp nói tới các “ân tứ” là charisma và cơ bản có ý nói “một sự ban cho của ân điển” hay một “ơn rời rộng”. Các ân tứ thuộc linh không phải là những ta-lâng đâu, chúng đến sau khi được cứu như một kết quả của ơn cứu rỗi. Hai danh sách chính các ân tứ thuộc linh được thấy ở đây trong các câu 8-10, 28 và ở Rôma 12.6-8. Hai bảng danh sách nầy không đồng nhất và không linh động. Dường như chúng cung ứng cho chúng ta phạm trù tổng quát về các ân tứ. Có hai phạm trù chính của các ân tứ. Có những ân tứ chức vụ THƯỜNG TRỰC. Những ân tứ nầy đang phát triển liên tục và được phân phối trong hội chúng của chúng ta ngày nay: nói tiên tri, tri thức, khôn ngoan, dạy dỗ, khuyên bảo, lãnh đạo, bố thí, thương xót, đức tin và sự phân biện. Cũng có các ân tứ dấu hiệu TẠM THỜI. Rất sớm sủa trong sinh hoạt của Hội Thánh, các ân tứ nầy đã được ban ra cho một số người để xác nhận lẽ thật của hàng sứ đồ. Đến gần cuối thế kỷ đầu tiên khi Tân Ước được hoàn tất, chúng thôi không còn có nữa.
Các câu 4-7 cho chúng ta biết có những sự “khác nhau” hay sự đa dạng trong các ân tứ và chúng được sử dụng trong nhiều “chức vụ” khác nhau. Giống như có nhiều ân tứ, có nhiều cách thức các ân tứ nầy được sử dụng. Một người với ân tứ dạy dỗ có thể dạy thiếu nhi, thanh niên, tráng niên hoặc có thể được sử dụng trong sự dạy dỗ cho toàn bộ hội chúng. Trong bất cứ phương thức nào chúng được sử dụng, các ân tứ thuộc linh rất cần cho sự gây dựng nhiều người khác chớ không phải cho riêng mình.
Câu 6 chép có nhiều “việc làm” khác nhau. Từ ngữ nầy ra từ chữ energema. Đức Thánh Linh mặc lấy quyền phép cho các ân tứ của Ngài. Giống như bóng đèn tròn thì vô dụng khi không có điện, các ân tứ thuộc linh của chúng ta không có hiệu quả nếu chúng ta không bước đi trong năng lực Thánh Linh của Chúa. Câu 7 nhắc cho chúng ta nhớ rằng mặc dù có nhiều ân tứ và nhiều chức dịch, ấy là “vì ích cho mọi người”. Các ân tứ của chúng ta đã được ban cho chúng ta, nhưng chúng không phải là vì chúng ta đâu. Chúng cần phải được sử dụng trong sự phục vụ lẫn nhau.
Khi chúng ta tiếp cận danh sách các ân tứ nầy ở các câu 8-11, chúng ta sẽ xem xét từng ân tứ một theo cách riêng.
I. Ân tứ lời nói khôn ngoan (câu 8a).
“Lời nói khôn ngoan” là một từ ngữ rất rộng rãi. Trong kỷ nguyên Tân Ước, từ ngữ nầy chủ yếu đề cập tới khả năng nói trực tiếp Lời chưa thành văn của Đức Chúa Trời giống như các tiên tri trong Cựu Ước. Tuy nhiên, theo ý nghĩa cơ bản nhất, cách duy nhứt ân tứ nầy được ban ra hôm nay nhằm vào khả năng áp dụng những gì đã có sẵn – Lời Đức Chúa Trời đã được tỏ ra rồi.
“Lời” ra từ chữ logos. Từ nầy có nghĩa là “lời đã được thốt ra” hay Ngôi Lời đã được phán ra. Trong Giăng 1, Chúa Jêsus được gọi là “Ngôi Lời”. Chúa Jêsus đúng là tiếng của Đức Chúa Trời phán cùng loài người. “Khôn ngoan” ra từ chữ phổ thông sophia. Triết lý nói “yêu sự khôn ngoan” đến từ chữ nầy đây. Trong các phân đoạn Kinh Thánh, từ nầy đề cập tới sự khôn ngoan thật, sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời. Giacơ 1.5 chép: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho”. Sự khôn ngoan thuộc linh là khả năng biết chắc và áp dụng ý muốn của Đức Chúa Trời.
Ân tứ thuộc linh “lời nói khôn ngoan” có thể được hiểu là khả năng Đức Chúa Trời ban cho để chuyển lẽ thật vào ứng dụng thực hành. Ân tứ thuộc linh nầy có phần ứng dụng quan trọng trong Hội Thánh. Đây là ân tứ nền tảng cho nhà truyền đạo nào muốn bắt nhịp cầu giữa Lời Đức Chúa Trời và dân sự của Đức Chúa Trời. Phân phát thông tin về Kinh Thánh cũng chưa phải là đủ; chúng ta cần phải biết cách áp dụng Kinh Thánh vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Bạn từng có nan đề và bạn cần mưu ý hay chăng? Bạn đến gặp ai nào?
Có đúng người chưa? Mưu luận xấu thì tệ hại hơn là chẳng có mưu luận gì hết. Trong trường hợp đó, bạn cần một tín hữu với ân tứ khôn ngoan nầy. Người ấy có thể dẫn dắt bạn trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn. Cũng vậy, ân tứ khôn ngoan rất là quan trọng cho bất kỳ ai tư vấn cho người khác. Giống như phần còn lại của các ân tứ thuộc linh, ân tứ nầy đến từ “Đức Thánh Linh”. Ngài truyền đạt và mặc lấy quyền phép cho ân tứ nầy cho bất cứ ai mà Ngài muốn. Bạn có thể đến gặp một nhà cố vấn đầu tư và ông ta sẽ cung ứng cho bạn phần phân tích thị trường và nơi bạn sẽ đặt tiền bạc vào. Bạn có thể đến với nhà tư vấn về trường học và cô ấy sẽ cung ứng cho bạn lời khuyên tốt về các lớp học mà bạn nên tham dự vào. Bạn có thể viết “Abby thân mến” về sinh hoạt tình cảm của bạn, nhưng nếu bạn muốn có tư vấn tin kính trổi hơn sự khôn ngoan đời nầy, bạn cần ai đó với ân tứ “lời nói khôn ngoan”.
II. Ân tứ lời nói có tri thức (câu 8b).
“Lời nói có tri thức” cũng là một câu nói rất rộng rãi. Về mặt luận lý, câu nầy đáng phải được đặt trước “lời nói khôn ngoan” vì bất cứ sự khôn ngoan thật nào đều đến từ sự hiểu biết Lời của Đức Chúa Trời. Phải có tri thức trước khi có sự khôn ngoan. Trong kỷ nguyên sứ đồ, cần phải nói rằng Đức Chúa Trời đang truyền đạt tri thức theo cách siêu nhiên.
Trong Hội Thánh đầu tiên, chẳng có phần Tân Ước nào được cảm thúc hết. Kinh Thánh uy nhứt họ đã có là Cựu Ước. Những tín đồ ấy đã nghiên cứu Cựu Ước, nhưng họ cần thông tin về Tân Ước. Đức Chúa Trời đã sử dụng “lời nói tri thức” nầy đôi lúc để phán trực tiếp về những nhu cần của một hội chúng. Chắc chắn Phaolô và các trước giả viết Kinh Thánh đã có “lời nói tri thức” khi họ viết ra những sách Tân Ước. Phillips viết: Ân tứ nầy đặc biệt có cần trong những ngày đầu của Hội Thánh. Lẽ thật được viết ra cho người thành Têsalônica, trong trường hợp có cần cho một Hội Thánh tại thành Galati. Người nào với ân tứ lời nói khôn ngoan sẽ được thúc giục để tỏ ra lẽ thật và người nào với ân tứ tri thức sẽ có khả năng diễn giải lẽ thật đó … Đức Thánh Linh, Ngài biết rõ chính xác, từng câu nói và tuyệt đối, đúng những gì chắc chắn phải có trong Tân Ước, cung ứng lời nói khôn ngoan và lời nói tri thức đó đây trong các Hội Thánh địa phương theo như hoàn cảnh đòi hỏi.
Tuy nhiên, ngày nay ân tứ nầy đang tác động rất khác biệt. Chúng ta không còn cần tri thức mới từ Đức Chúa Trời nữa. Lẽ thật của Ngài đã được tỏ ra đầy đủ cho chúng ta trong Kinh Thánh trọn bộ rồi. II Phierơ 1.3 chép: “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta”. Chúng ta không cần một sự khải thị nào mới nữa. Thực thế, Giuđe 3 chép: “…tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi”. Đức tin đã được phân phối cho chúng ta để sử dụng “một lần đủ cả”. Chúng ta có mọi sự Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải biết trong Kinh Thánh trọn bộ.
Vì vậy, ngày nay nếu “lời nói khôn ngoan” đề cập tới khả năng để áp dụng Kinh Thánh, “lời nói tri thức” là khả năng để hiểu biết Kinh Thánh, để khám phá ý nghĩa đầy đủ của một phân đoạn rồi giải thích theo một phương thức mà nhiều người có thể hiểu được. Có phải bạn từng bối rối về một phân đoạn Kinh Thánh hay một lãnh vực giáo lý khá gai góc và rồi chẳng có ai giải thích phân đoạn ấy cho bạn và làm sáng tỏ ý tưởng không? Đấy là tác động phụ của ân tứ thuộc linh nầy.
Một lần nữa, đây là ân tứ nền tảng dành cho nhà truyền đạo và giáo sư dạy Ngôi Lời. Người phải có khả năng được Đức Thánh Linh mặc lấy quyền phép cho để khiến những sự dạy của Kinh Thánh ra rõ ràng cho nhiều người khác. Ân tứ nầy giống như các ân tứ khác đã được ban ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Tôi thường nghe và đọc theo những giáo sư dạy Kinh Thánh, họ đã tốt nghiệp rất cao trong bộ môn thần học, những thuật ngữ của Kinh Thánh, lịch sử, triết lý và xã hội học. Đức Chúa Trời sử dụng tri thức của họ để giúp cho tôi hiểu rõ các phân đoạn Kinh Thánh nhất định nào đó.
Tuy nhiên, tôi cũng đã lắng nghe nhiều người với ít hay chẳng có đào tạo nào theo hình thức, những người nầy về mặt cơ bản đã tự học. Tuy nhiên, khi họ dạy Lời của Đức Chúa Trời, tôi học hỏi nhiều từ họ cũng như những người có học vấn cao kia. Chắc chắn chẳng có gì sai với học vấn cao, nhưng khi phải đến với sự dạy Kinh Thánh, đây là một ân tứ chớ không phải một trình độ mới kiếm được đâu. Khi tôi khởi sự học đại học, tôi muốn mình sẽ trở thành một nhạc sĩ. Tôi nghĩ tôi có thể hầu việc Đức Chúa Trời bằng cách hướng dẫn các buổi thờ phượng, điều khiển ca đoàn và viết nhạc thánh ca. Tôi nắm lấy nhạc lý, điều khiển ca đoàn và những công việc có quan hệ khác. Tuy nhiên, tôi tìm được những điều tôi đáng tận hưởng nhất là Kinh Thánh và các lớp thần học. Qua sự cầu nguyện và thử nghiệm, tôi bắt đầu hiểu ra rằng Đức Chúa Trời đã ban ơn cho tôi để giảng dạy. Đây là một ân tứ mà tôi phải khám phá. Tất nhiên, tôi đã học hỏi, tiếp thu và thực hành bất cứ khi nào và với bất cứ người nào khả thi, nhưng có một nhận thức trong đó tôi không được truyền cho phải giảng dạy, mà được ơn để giảng dạy. Một số người trong quí vị có các ân tứ thuộc linh mà quí vị chưa khám phá ra. Quí vị cần phải bận bịu trong công tác hầu việc Chúa ở bất cứ đâu và khắp mọi nơi. Khi bạn bắt tay vào việc, bạn sẽ thấy mình có những ân tứ mà bạn chưa biết biết hết.
III. Ân tứ đức tin (câu 9a).
“Đức tin” là một đòi hỏi để được cứu. Hết thảy chúng ta đều có đức tin nơi những việc tầm thường: một cái ghế được giữ đứng thẳng, đồ ăn trên đĩa sẽ không làm tổn thương cho chúng ta hoặc ngân hàng sẽ không cướp lấy tiền bạc của chúng ta. Tuy nhiên, đức tin cứu rỗi là một loại đức tin còn nhiều hơn mà chúng ta không thể gợi lên từ linh hồn tội lỗi, băng hoại của chúng ta. Êphêsô 2.8 chép: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời”. Đức tin để được cứu đến với chúng ta là “sự ban cho của Đức Chúa Trời”. Đức tin siêu nhiên nầy cũng bị đòi hỏi để sống cuộc sống Cơ đốc, bằng không chúng ta sẽ bị nghi ngờ và thất vọng chiếm hữu.
Tuy nhiên, ân tứ thuộc linh đức tin không phải là đức tin cứu rỗi hay đức tin mà mọi Cơ đốc nhân thực đang xưng ra. Thay vì thế, đức tin ấy dường như là một khả năng mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, biết nương cậy vào Đức Chúa Trời giữa những hoàn cảnh nghiệt ngã và các tình huống bất khả thi. Một tín đồ với ân tứ thuộc linh “đức tin”, qua sự cầu nguyện tin cậy Đức Chúa Trời làm phép lạ dấu kỳ, mà những người khác thì không đạt tới mức độ đó. Jesus phán trong Mathiơ 17.20: “…Ngài đáp rằng:… nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được”.
Trong I Côrinhtô 13.2, Phaolô sánh đức tin với tình yêu thương: “…dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì”. Ông không nói đức tin không quan trọng, mà đức tin ấy phải được tình yêu thương ca ngợi. Hãy chú ý ở đây ông đề cập tới các cấp độ của đức tin bằng cách nói một người phải có “cả đức tin”. Những tín đồ với ân tứ “đức tin” thì rất mạnh mẽ trong sự cầu nguyện. Giacơ 5.14-18 chép: “Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều. Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn, người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu”.
Sự luyện tập ân tứ “đức tin” nầy sẽ gây dựng đức tin nơi nhiều người khác và đem lại sự trông cậy và yên ủi. Thí dụ, khi Phaolô bị lọt vào cơn bão biển ghê khiếp trên đường đến Rôma, ông nói với những kẻ cùng đi tàu với mình: “Hỡi bạn hữu ta, chớ chi bữa trước tin lời ta mà chẳng dời khỏi đảo Cơ-rết, thì chúng ta đã chẳng mắc cơn nguy hiểm và tổn hại nầy. Nhưng bây giờ, ta khuyên các ngươi hãy vững lòng; trong các ngươi chẳng mất ai hết, chỉ mất chiếc tàu mà thôi. Vì đêm nay, một thiên sứ của Đức Chúa Trời, là Đấng ta thuộc về và hầu việc, có hiện đến cùng ta mà phán rằng: Hỡi Phao-lô, đừng sợ chi hết; ngươi phải ứng hầu trước mặt Sê-sa; và nầy, Đức Chúa Trời đã ban cho ngươi hết thảy những kẻ cùng đi biển với ngươi. Vậy, hỡi các ông, hãy vững lòng, vì ta có lòng tin cậy Đức Chúa Trời rằng sẽ xảy ra như lời Ngài đã phán vậy” (Công Vụ các Sứ đồ 27.21-15).
Những người tuận đạo trong Hội Thánh đầu tiên đã làm chứng cho đức tin của họ thậm chí khi phải chịu chết. Kết quả là, có nhiều người đã dạn dĩ trong việc chia sẻ Tin Lành. Phaolô đã viết cho người thành Philíp trong lần bị tù đầu tiên như sau: “Tôi có lòng trông cậy chắc chắn nầy, việc chi tôi cũng chẳng hổ thẹn cả, nhưng bao giờ cũng thế, tôi nói cách tự do mọi bề, như vậy, dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi. Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (Philíp 1.20-21).
Các vị giáo sĩ tiền phong như Hudson Taylor ở Trung Hoa lục địa hay William Carey ở Ấn độ đã dùng đời sống mình rao truyền Tin Lành với ít hay chẳng có sự tiếp trợ nào cả. Đức tin của họ, đã tỏ ra trong những tác phẩm họ viết vẫn còn cảm thúc chúng ta ngày nay. Vô số các giáo sĩ đã lao động miệt mài và khó nhọc trong một số công trường, nơi đó có rất ít đáp ứng với Tin Lành. Điều chi khiến cho họ cứ ở lại đó? Chỉ có thể là ân tứ thuộc linh: đức tin phi thường.
Đời sống của George Mueller trụ vững như một bằng chứng của đức tin. Mặc dù ông không hề xưng mình có ân tứ thuộc linh, chắc chắn ông đã luyện tập ân tứ ấy khi ông chăm sóc cho hàng trăm trẻ mồ côi ở Bristol, Anh quốc. Mueller cho biết ở những thời điểm khác nhau, không những lúc bắt đầu công việc, mà còn trong nhiều năm sau nữa, Đức Chúa Trời đã thấy thích ứng khi thử đức tin ông đến mức tối đa, nhưng chỉ để chứng minh cho ông thấy cách quả quyết rằng Ngài sẽ chẳng khác gì hơn là Đức Chúa Trời của ông, Ngài là thành tín luôn giữ giao ước. Với phần minh họa ông đề cập đến một thời điểm khi, những đứa trẻ chỉ còn có bữa ăn sau cùng trong ngày, chẳng có gì còn lại bằng tiền bạc hay loại điểm tâm gì cho sáng hôm sau. Ông Mueller trở về nhà, nhưng chẳng có gì gửi đến hết, và ông đã nghỉ ngơi suốt đêm, phó thác nhu cần xin Đức Chúa Trời tiếp trợ cho. Sáng sớm hôm sau, ông đi bách bộ, và trong khi cầu nguyện xin giúp đỡ cho nhu cần, ông bước sang một con đường mà ông hoàn toàn không để ý, và sau khi đi bộ một khoảng ngắn, có người bạn đón gặp ông, và nói ông ta rất hân hạnh được gặp ông, rồi xin ông nhận cho £5 cho các trẻ mồ côi. Ông cảm ơn ông ấy, rồi không nói một lời với người dâng hiến về thời điểm của nhu cần, ngay lập tức ông đi thẳng đến viện mồ côi, ngợi khen Đức Chúa Trời vì câu trả lời trực tiếp nầy cho sự cầu nguyện.
Ở một dịp khác, khi chẳng có ngân quỹ trong tay để cung ứng bữa điểm tâm cho những trẻ mồ côi, một quí ông gọi đến trước giờ ăn sáng rồi để lại một số tiền dâng hiến cung ứng mọi nhu cần trong hiện tại của chúng. Khi báo cáo trong năm được phát ra, minh chứng nầy được ghi lại về sự thành tín của Đức Chúa Trời khi gửi tiếp trợ đúng lúc khi có cần, và một thời gian ngắn sau người dâng hiến kia được mời đến và trình bày cho ông ta biết, sự dâng hiến của ông ấy đã được trao vào một thời điểm đặc biệt có cần, ông ấy cảm thấy ông ấy phải nói ra những hoàn cảnh mà tùy theo đó ông ấy đã dâng hiến số tiền.
Ông ấy có dịp đến văn phòng của mình tại Bristol sáng sớm hôm đó trước bữa điểm tâm, và trên đường đi tư tưởng nầy thoạt đến với ông: “Ta phải đến viện mồ côi của Ông Mueller và dâng cho họ một của lễ lạc hiến”, và ông quay lại đi một khoảng ngắn chừng một phần tư dặm hướng về viện mồ côi, khi ông dừng lại, tự nhũ thầm: “Mình dại quá, sao lại trễ nãi công việc mà mình tính làm! Mình có thể trao số tiền cho viện mồ côi vào dịp khác mà”. Ông ta bèn quay lại rồi đi ngược về hướng văn phòng của mình, nhưng rồi lại cảm thấy phải quay trở lại. Ông ta nhũ thầm rằng: “Những đứa trẻ mồ côi sẽ cần tới số tiền ngay bây giờ. Mình phải trao số tiền khi Đức Chúa Trời sai mình đến để giúp chúng”. Ấn tượng nầy mạnh đến nỗi ông ta quay trở lại rồi đi theo hướng ngược lại cho tới khi ông ta đến viện mồ côi, rồi trao số tiền tiếp trợ cho chúng với bữa điểm tâm. Lời bình của Mueller về cớ sự nầy như sau: “Đúng là Cha thiên thượng giàu ơn của tôi!” và khi ấy ông đã giục giã những khán thính giả của mình nên tin cậy và minh chứng Ngài là Đức Chúa Trời thành tín hay giữ giao ước với những ai biết đặt lòng trông cậy của họ nơi Ngài.
Có phải bạn đang có ân tứ đức tin đó chăng? Có phải bạn đã nhìn thấy Đức Chúa Trời trả lời cho sự cầu nguyện của bạn nghịch lại với mọi sự bàn tán không? Có phải bạn tin Đức Chúa Trời sẽ tiếp trợ cho khi người khác nghi ngờ không. Có thể bạn nhìn thấy một sự mặc khải về tương lai, mà nhiều người khác thì không thấy chăng? Vậy, hãy cầu nguyện đi! Hãy trông đợi Đức Chúa Trời trả lời cho những lời cầu nguyện của bạn và hãy sử dụng ân tứ của bạn để khích lệ nhiều người khác! Ồ, thể nào một số tôi tớ của Đức Chúa Trời đang chịu khó làm việc cần được khích lệ cách liên tục bởi sự làm chứng của bạn về đức tin! Hãy luyện tập ân tứ của bạn!
IV. Ân tứ chữa tật bịnh (câu 9b).
Câu 9 chép: “cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh”. Đừng quên số nhiều của “ơn chữa tật bịnh” cho thấy rằng một số ơn có thể chữa lành nhiều nan đề và một số ơn chữa lành nhiều nan đề khác. Đã có sự đa dạng trong khả năng chữa lành. Tôi tin rằng khả năng chữa lành là một ân tứ dấu hiệu tạm thời. Khi chúng ta thấy những lần chữa lành trong Kinh Thánh, chúng hầu như luôn luôn có mục đích xác định hay quy thẩm quyền cho sứ điệp Tin Lành.
Chúa Jêsus đã chữa lành vì mục đích tỏ ra lai lịch của Ngài. Mathiơ 8.16-17 chép: “Đến chiều, người ta đem cho Đức Chúa Jêsus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh, vậy cho được ứng nghiệm lời của Đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta”. Các vị sứ đồ đã được ban cho ơn chữa tật bịnh. Mathiơ 10.1 chép: “Đức Chúa Jêsus gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma, và chữa các thứ tật bịnh”.
Bảy mươi môn đồ được Chúa Jêsus sai đi, họ được trao cho khả năng chữa lành bịnh tật. Luca 10.1 chép: “Kế đó, Chúa chọn bảy mươi môn đồ khác, sai từng đôi đi trước Ngài, đến các thành các chỗ mà chính Ngài sẽ đi”. Ở câu 9 Ngài phán với họ: “Hãy chữa kẻ bịnh ở đó, và nói với họ rằng: Nước Đức Chúa Trời đến gần các ngươi”.
Một số lãnh đạo trong Hội Thánh đầu tiên cũng có ân tứ nầy như trong trường hợp của Philíp. Công Vụ các Sứ đồ 8.5-7 chép: “Phi-líp cũng vậy, xuống trong thành Sa-ma-ri mà giảng về Đấng Christ tại đó. Đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói; vì có những tà ma kêu lớn tiếng lên mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và què được chữa lành cũng nhiều”.
Sứ đồ Phaolô đã có ơn chữa lành. Trong Công Vụ các Sứ đồ 14.8-10, chúng ta đọc thấy ông chữa lành cho người què tại Lít-trơ và dân chúng tìm cách xưng ông và Banaba là thần linh. Trong Công Vụ các Sứ đồ 16, ông đuổi quỉ (hồn ma) ra khỏi một cô gái nô lệ. Công Vụ các Sứ đồ 19.11-12 chép: “Đức Chúa Trời lại dùng tay Phao-lô làm các phép lạ khác thường, đến nỗi người ta lấy khăn và áo đã bận vào mình người mà để trên các kẻ đau yếu; thì họ được lành bịnh, và được cứu khỏi quỉ dữ”.
Trong Công Vụ các Sứ đồ 20, ông đã làm cho Ơ-tích sống lại từ kẻ chết sau khi anh ta ngủ gục trong nhà hội và té ngã từ cửa sổ tầng thứ ba. Một con rắn độc từng cắn Phaolô và ai nấy đều trông mong ông sẽ chết (Công Vụ các Sứ đồ 28.3-6). Ngay cả hạng người như Phaolô, rõ ràng ông đã có được ơn nầy, đã sử dụng ơn ấy cách đơn sơ. Ông thường đau ốm và chịu khổ từ những lần bị đánh đòn và ngược đãi. Ông có thị lực rất yếu và nhiều điều bất khả khác. Tuy nhiên, ông không hề chữa cho bản thân mình hoặc yêu cầu ai khác làm việc đó.
Bạn của Phaolô là Ép-ba-phô-đích đã đau bịnh nặng lắm và sẽ ngã chết nếu như Đức Chúa Trời không can thiệp. Ông viết ở Philíp 2.27: “Vả, người mắc bịnh gần chết; nhưng Đức Chúa Trời đã thương xót người, và chẳng những người mà thôi, cả đến tôi nữa, đặng tôi khỏi buồn rầu càng thêm buồn rầu”. Khi Timôthê đau bịnh với những rắc rối của bao tử, Phaolô không khuyên Timôthê tìm kiếm ai đó với “ơn chữa tật bịnh” mà nói trong I Timôthê 5.23: “Đừng chỉ uống nước luôn; nhưng phải uống một ít rượu, vì cớ tì vị con, và con hay khó ở”. Người bạn khác của Phaolô là Trôphim không được Phaolô chữa lành mà “để lại thành Milê” (II Timôthê 4.20).
Vì lẽ ấy, chúng ta phải kết luận rằng Phaolô chỉ có thể sử dụng ơn chữa tật bịnh của ông trong các trường hợp đặc biệt để củng cố sứ điệp của mình mà thôi, không phải chỉ làm nhẹ bớt nổi đau hay kéo sự chú ý vào bản thân ông hoặc chức vụ của ông. Giống như Phaolô, nhiều người khác đã sở hữu ơn nầy chắc chắn có lòng thương xót đối với những kẻ đau khổ, mà mục đích chính cho sự chữa lành là xác định thẩm quyền của sứ điệp và sứ điệp đã được rao giảng ra.
Một lần nữa, không có phần Kinh Thánh nào là bất toàn và đã có nhiều tiên tri giả. Những thứ ơn dấu hiệu nầy đã minh chứng sứ điệp mà các vị sứ đồ và những người khác rao giảng quả thực đến từ Đức Chúa Trời. Khi Nicôđem nói với Chúa Jêsus trong Giăng 3.2: “…Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được”. Ngày nay, chúng ta không cần đến các ân tứ dấu hiệu nữa. Nếu bạn muốn biết những gì tôi giảng có thật hay không, bạn có thể mở quyển Kinh Thánh của mình ra để mà nghiên cứu. Đại Mạng Lịnh buộc chúng ta không phải để chữa lành kẻ đau, mà phải môn đồ hóa, làm phép báp têm và dạy dỗ cho họ.
Cho dù “ơn chữa tật bịnh” dường như ngày nay không còn năng động, Đức Chúa Trời vẫn chữa lành. Qua thời gian, Tân Ước gần như là trọn vẹn rồi, Giacơ viết: “Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người” (Giacơ 5.14). Chúng ta có làm điều nầy hay không? Phải, khi chúng ta được yêu cầu. Có phải người ta được chữa lành không? Phải, dường như có người được chữa lành. Có phải tôi và các trưởng lão khác có “ơn chữa tật bịnh” không? Tuyệt đối không. Không một ai ngày hôm nay chữa lành giống như Chúa Jêsus hay các sứ đồ đã chữa lành. Hầu hết những kẻ được gọi là “những người chữa lành theo đức tin” thời nay rất giống với những tay đấu vật “chuyên nghiệp” hơn là chức vụ chữa lành được mô tả trong Tân Ước.
Chúng ta có mỗi quyền hạn tự ném mình vào ơn thương xót của Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài chữa lành cho chúng ta bất kỳ thương tích hay bịnh tật nào. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta không một lời hứa nào trống không để chữa lành cho bất kỳ ai. Chúng ta hãy kết thúc theo cách nầy: Một số trong quí vị có những thứ ơn mà chúng ta đã học hỏi hôm nay. Một số trong quí vị có ân tứ lời nói khôn ngoan, một số có ân tứ tri thức và một số có ân tứ đức tin. Chúng ta hãy sử dụng các ân tứ ấy cách rời rộng “để ai nấy đều được sự ích chung”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét