Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 7.17-24: "Bí quyết của sự thoả lòng"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Bí quyết của sự thoả lòng
I Côrinhtô 7.17-24
Có phải bạn là một người thoả lòng không? Có phải bạn sống hạnh phúc và thoả lòng với chặng đường sống cùng các ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho bạn không? Buồn thay, có nhiều người thường vật vã với tình trạng không thoả lòng. Họ không hài lòng với phần tài chính của họ, họ nghĩ họ đáng phải có tiền bạc nhiều hơn. Họ chẳng hài lòng với công ăn việc làm của mình, cứ nghĩ họ cần phải được công nhận nhiều hơn, thăng tiến mau hơn và được đền bù lớn hơn. Họ không thoả lòng với hôn nhân của họ. Người bạn đời của họ không còn làm thoả mãn các nhu cần của họ nữa, vì vậy họ tìm ở nơi khác và ngoại tình, ly dị và phá nát đời sống mấy đứa con của họ.
Họ không thoả lòng với tài sản của họ. Họ luôn luôn muốn có một ngôi nhà to lớn, đẹp đẽ hơn trong vùng phụ cận xinh đẹp hơn, một chiếc xe hơi đắt tiền, đời mới hơn, nhiều quần áo hơn, nhiều môn giải trí hơn, nhiều, nhiều, nhiều hơn nữa…
Người ta không thoả lòng với cái nhìn hiện tại, vì vậy họ tìm loại tủ quần áo mới, kiểu tóc mới, thực đơn mới, những phương pháp luyện tập thân thể mới và thậm chí phẩu thuật tạo hình mới nữa. Bảng danh mục những điều không thoả lòng nầy còn tiếp tục và tiếp tục nữa nhưng bạn hiểu rõ mục đích rồi, không một thứ nào trong các thứ nầy sẽ làm cho chúng ta được thoả lòng trọn vẹn đâu.
Sa-lô-môn là một vị vua của Israel trong Cựu Ước, ông đã có sự giàu có và đặc ân không lường được nơi quyền sử dụng của ông. Ông đặt ra một cuộc theo đuổi những điều làm thoả mãn trong cuộc sống. Đây là một “cuộc truy lùng để kiếm được điều tốt nhứt”. Ông đã ghi lại những lần tìm kiếm của mình trong Cựu Ước được gọi là sách Truyền đạo. Ông mở đầu sách ấy bằng câu nói: “hư không của sự hư không, thảy đều hư không”. Ông hỏi. “Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi?” Ông kết luận. “Muôn vật thảy đều lao khổ, loài người không thế nói ra được; mắt không hề chán ngó, tai chẳng hề nhàm nghe. Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời” (Truyền đạo 1.2b, 3, 8-9).
Vì vậy, Vua Sa-lô-môn đã tìm kiếm bất cứ điều chi đẹp lòng mình. Ông theo đuổi sự giàu có, phụ nữ, rượu ngon, và sự khôn ngoan. Chẳng một thứ nào trong số đó làm vừa lòng ông. Ông kết luận quyển sách bằng câu nói: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (Truyền đạo 12.13-14). Bạn có nắm bắt kịp không? Đâu là kết luận của Vua Sa-lô-môn? Ông nói: “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi”. Michê 6.8 trình bày vấn đề theo cách nầy: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” Chúng ta sẽ không tìm ra sự thoả lòng chân thật ở các ân tứ, song chỉ tìm được điều ấy ở nơi Đấng Ban Cho các ân tứ mà thôi.
Kinh Thánh đã nói nhiều về sự thoả lòng. Cho phép tôi cung ứng cho bạn một vài câu Kinh Thánh nói tới vấn đề nầy:
Thi thiên 37.16 chép: “Của người công bình tuy ít, còn hơn sự dư dật của nhiều người ác”. Châm ngôn 14.14 chép: “Lòng kẻ nào lìa xa Đức Chúa Trời sẽ được no nê sự kết quả của mình; Còn người lành nhờ chính mình mà được thỏa nguyện”. Châm ngôn 30.8 chép: “Xin dan xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá; Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang; Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng”. Truyền đạo 4.6 chép: “Thà đầy một lòng bàn tay mà bình an, hơn là đầy cả hai mà bị lao khổ, theo luồng gió thổi”.
Ở Luca 3.14, Giăng Báptít đã giảng đạo cho mấy tên lính và nói: “Đừng hà hiếp, đừng phỉnh gạt ai hết, nhưng hãy bằng lòng về lương hướng mình”. Sứ đồ Phaolô đã viết trong Galati 5.26: “Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau”. Ông nói trong Philíp 4.11: “Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy”. Ông viết ở I Timôthê 6.6: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn”. Hêbơrơ 13.5 kết luận: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.
Vì vậy, khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh, và đây chỉ là một khuôn mẫu, chúng ta hiểu rằng là những tín đồ chúng ta cần phải sống thoả lòng với những ơn phước của Đức Chúa Trời và đừng ao ước một điều chi khác nữa. Hãy nhìn vào phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta. Chắc chắn chúng ta nhìn thấy nguyên tắc nầy đã được nói tới ba lần chỉ trong tám câu. Phaolô biết trong câu 17: “Rốt lại, ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi”. Ông nói ở câu 20: “Ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy”. Sau cùng, hãy lưu ý câu 24: “Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời”.
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay trong các câu 17-24 là phân đoạn nằm trong dấu ngoặc đơn. Nếu bạn nhớ lại từ các phần nghiên cứu trước đây của chúng ta, chương 7 mở ra khi Phaolô nói với người thành Côrinhtô: “Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em…” (câu 1). Rõ ràng là người thành Côrinhtô đã có nhiều thắc mắc, vì vậy họ đã viết thư cho Phaolô để hỏi han về các vấn đề nầy. Một trong những thắc mắc quan trọng nhất là nhắm vào hôn nhân và gia đình. Ông nói tới các vấn đề quan hệ tình dục trong hôn nhân, ơn ban độc thân và người tin Chúa thành hôn với người không tin Chúa. Trong câu 25, một lần nữa Phaolô quay trở lại với đề tài hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, ở đây trong các câu 17-25, chúng ta thấy ông dạy về sự thoả lòng, được đặt trong dấu ngoặc đơn. Dường như là một số người ở tại thành Côrinhtô không thoả lòng khi thành hôn và nhiều người khác không thoả lòng khi sống độc thân. Một số người dạy rằng để sống thuộc linh hơn bạn phải lập gia đình. Nhiều người khác dạy rằng tình trạng thuộc linh chơn thật chỉ được thấy trong đời sống độc thân. Vì vậy Phaolô ngưng cuộc bàn bạc nầy về hôn nhân lại để giảng dạy bí quyết của sự thoả lòng. Ông viết để nhắc cho chúng ta nhớ mọi sự trong những điều Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta phải sống theo. Chúng ta hãy lưu ý PHẦN GIẢI THÍCH bí quyết, hai TRƯỜNG HỢP về bí quyết và sau cùng TRÔNG MONG bí quyết về sự thoả lòng.
I. Phần GIẢI THÍCH về sự thoả lòng (câu 17).
A. CHÚA ĐÃ PHÂN PHỐI NHỮNG SỰ KÊU GỌI KHÁC NHAU CHO NHỮNG NGƯỜI KHÁC NHAU.
Câu 17 chép: “Rốt lại, ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban [phân phối, theo bản Kinh Thánh Anh ngữ] cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi. Ấy đó là điều tôi dạy trong hết thảy các Hội thánh”. Hãy lưu ý từ ngữ “phân phối”. Từ nầy ra từ chữ merizo và có nghĩa là “chia ra, phân chia hay ban ra”. Bản dịch Kinh Thánh NAS dịch từ nầy là “chỉ định”. Nó phác họa một người cha đang chia chác cơ nghiệp của mình cho mấy người con khi ông thấy thích hợp. Đức Chúa Trời đã khôn khéo “phân phối” hay chỉ định chúng ta theo đúng với vị trí của chúng ta trong cuộc sống.
Không phải là tình cờ hay ngẫu nhiên mà chúng ta đang đứng ở chỗ nầy đâu. Đức Chúa Trời đã vận hành trong mọi hoàn cảnh để đem chúng ta đến chỗ mà chúng ta hiện đang đứng đây. Thậm chí Ngài còn sử dụng điều ác để hoàn thành các ý tốt của Ngài. Rôma 8.28 chép: “Vả, chúng ta biết rằng [sát nghĩa: Đức Chúa Trời khiến cho] mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định”.
Chúng ta cần phải ăn ở “theo ơn Chúa đã ban cho mình”. Điều nầy nói tới vị trí chúng ta đang đứng trong cuộc sống. Đức Chúa Trời đã dẫn dắt mỗi một người chúng ta đến tại nơi mà chúng ta đang đứng đây. Bàn tay không thấy được của Ngài đã khôn ngoan lèo lái đường lối của chúng ta. Châm ngôn 16.9 chép: “Lòng người toan định đường lối mình; Song Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người”. Vì vậy, nếu Đức Chúa Trời đã lèo lái chúng ta phải thành hôn, chúng ta phải giữ lấy, ở lại trong mối hôn nhân đó. Nếu Chúa để cho chúng ta sống độc thân, chúng ta phải tìm cách sống thoả lòng trong tình trạng độc thân của chúng ta.
Đức Chúa Trời đã chỉ định rất đặc biệt mỗi con người với các ta-lâng và khả năng bẩm sinh nhất định nào đó. Đức Chúa Trời đã chỉ định tài năng của Barry Bonds. Ngài trang bị cho Bill Gates với khả năng phát triển phần mềm. Ngài đã đặt để trong Pavarotti với một giọng hát thật hùng hồn. Mọi con người đều được sanh ra với những năng khiếu đặc biệt ở bên trong. Tuy nhiên khi chúng ta được tái sanh, chúng ta nhận lãnh thêm nhiều khả năng nữa. Đây là những ân tứ thuộc linh, do Chúa ban cho. Chúng ta sẽ bàn về chúng rất chi tiết ở chương 12. Có người có ân tứ bố thí tiền bạc. Nhiều người khác có ân tứ giảng dạy. Nhiều người khác nữa được ban cho ơn tỏ ra lòng thương xót và có lòng thương xót.
Mục đích là, là một tín đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, Đức Chúa Trời đã và đang khôn khéo lèo lái cuộc đời của bạn. Ngài để cho bạn đưa ra nhiều sự lựa chọn, nhưng bàn tay không thấy được của Ngài đã dẫn dắt bạn từng bước một trên đường. Những gì bạn đã được “phân phối” cho dù đó là ta-lâng tự nhiên, các ân tứ thuộc linh hay thậm chí tình trạng hôn nhân, đều nằm trong ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho bạn đấy.
B. MỖI NGƯỜI CHÚNG TA BƯỚC ĐI TRONG ƠN KÊU GỌI MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ BAN CHO CHÚNG TA.
Vì Đức Chúa Trời đã “phân phối” cho các tín đồ những ơn mà Ngài muốn họ phải có, vì lẽ đó “ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi”. “Ăn ở” ở đây có nghĩa là “bước đi” hay “ăn ở rộng rãi”. Từ nầy đề cập đến lối sống của chúng ta hay cách chúng ta sinh sống. Chúng ta cần phải sống hạnh phúc với những gì mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.
Mỗi tín đồ đều có ơn kêu gọi riêng từ nơi Chúa và người ấy sẽ “ăn ở” trong ơn ấy mà không tìm kiếm điều chi khác. Cơ đốc nhân nào đã thành hôn không nên tìm cách ly dị. Cơ đốc nhân nào còn sống độc thân đừng nên theo đuổi hôn nhân dù là giá nào. Cơ đốc nhân nào là nô lệ đừng bỏ trốn chủ mình. Thực vậy, sách Philêmôn là một thư tín từ Phaolô viết cho Philêmôn yêu cầu ông ta nhận lại Ô-nê-sim, là nô lệ của ông ta, hắn đã bỏ trốn song trong quá trình ấy đã trở thành một Cơ đốc nhân. Ô-nê-sim cần phải quay trở lại và phục vụ cho chủ mình.
Điều nầy không có ý nói rằng người nào là Cơ đốc nhân cần phải ở lại trong công việc làm ăn, việc làm hay những sinh hoạt nào là tội lỗi và bất hợp pháp. Êphêsô 4.28 chép: “Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn”. Nếu người buôn ma túy đến với Đấng Christ, người ấy phải tìm một việc làm mới. Đức Chúa Trời đã “phân phối” cho chúng ta và chỉ định chúng ta nơi chúng ta sinh sống hầu cho chúng ta sẽ làm chứng về sự vinh hiển của Ngài cho nhiều người ở chung quanh chúng ta. Nơi bạn sinh sống, trong sở làm, trường học, vùng phụ cận, cộng đồng, các mối quan hệ của bạn là nơi Đức Chúa Trời muốn bạn phải có mặt ở đó. Ngài mong bạn chia sẻ Đấng Christ với đúng những con người ở nơi bạn sinh sống. Khi tôi lớn lên ở bất cứ nhà thờ nào tìm cách làm chứng đạo đều có một buổi thăm viếng vào buổi tối. Mặc dù có một số người đã được hướng dẫn đến với Đấng Christ, chia sẻ Đấng Christ trong các mối quan hệ ở nơi Đức Chúa Trời đã đặt để chúng ta sẽ đạt được nhiều hiệu quả cho chúng ta hơn.
C. ĐÂY LÀ SỰ DẠY PHỔ THÔNG CHO TẤT CÁC CÁC TÍN ĐỒ.
Ở cuối câu 17, Phaolô nói: “Ấy đó là điều tôi dạy trong hết thảy các Hội thánh”. Mỗi một Hội Thánh địa phương cần phải nhìn biết và hiểu rõ bí quyết quan trọng nầy về sự thoả lòng. Không nghi ngờ chi nữa, Timôthê đã đưa sự dạy nầy đến với họ. Hãy lưu ý 4.17: “Vì cớ đó, tôi đã sai Ti-mô-thê, là con yêu dấu của tôi, cùng là trung thành trong Chúa, đến cùng anh em; người sẽ nhắc lại cho anh em biết đường lối tôi trong Đấng Christ, và tôi dạy dỗ cách nào trong các Hội thánh khắp các nơi”.
Sự dạy nầy rất là phổ thông: “Rốt lại, ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi”. Hãy trở thành người mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn phải trở thành. Điều nầy là thực tại thành Côrinhtô, tại thành Êphêsô và tại thành Têsalônica. Điều nầy cũng thực tại thành phố Nữu Ước, Dallas và tại Amarillo. Đừng phấn đấu để trở thành một con người khác. Phải trở thành tôi tớ đặc biệt mà Đấng Christ đã chỉ định và ban ơn cho bạn phải trở thành và phải thoả lòng.
II. Hai TRƯỜNG HỢP về sự thoả lòng (các câu 18-22).
A. TRƯỜNG HỢP VỀ PHÉP CẮT BÌ.
Câu 18 chép: “Có người nào đã chịu phép cắt bì rồi được gọi chăng? nên cứ giữ cắt bì vậy. Có người nào chưa chịu phép cắt bì mà được gọi chăng? thì chớ chịu phép cắt bì”. Phép cắt bì là rất quan trọng đối với người Do thái. Đây là một dấu hiệu xưa về giao ước của Đức Chúa Trời với tổ phụ họ là Ápraham. Ở Sáng thế ký 17.9-14, Đức Chúa Trời phán với Ápraham: “Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta. Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi. Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi. Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì. Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy. Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta”.
Y khoa đã khẳng định còn hơn là dấu hiệu của con dấu Đức Chúa Trời đóng trên dân sự Ngài, phép cắt bì làm cho sức khoẻ được tăng thêm. Như một kết quả, hầu hết những trẻ thơ nam sanh trong xứ sở nầy, người Do thái và dân Ngoại đều phải chịu phép cắt bì. Tuy nhiên, đối với người Do thái, phép cắt bì là dấu hiệu của Đức Chúa Trời. Mỗi lần một người đàn ông cởi bỏ y phục của mình ra, người ấy được nhắc nhớ theo phần xác rằng mình là một người con của giao ước. Người Do thái đã xem kẻ không phải là Do thái là kẻ “không chịu phép cắt bì”. Chàng thiếu niên David đã nói với chiến binh giềnh giàng Gô-li-át: “Vì người Phi-li-tin nầy, kẻ chẳng chịu phép cắt bì nầy, là ai, mà lại dám sỉ nhục đạo binh của Đức Chúa Trời hằng sống?" (I Samuên 17.26).
Tuy nhiên, giống như phép cắt bì là dấu hiệu tự hào dân tộc đối với người Do thái, dấu hiệu nầy là một sự bối rối đối với người La mã và người Hy lạp. Sử gia Josephus kể lại về những người đã phẩu thuật để họ không phải chịu phép cắt bì. Người nam trần truồng rất phổ thông ở các nhà tắm, các phòng tập thể dục và các đấu trường khiến cho phép nầy là một vấn đề chính đối với một số người. Celsus, nhà bách khoa La mã, đã viết một phần mô tả chi tiết về phẩu thuật nầy vào thế kỷ đầu tiên.
Các rabi người Do thái đã viết nhiều sách xét đoán về việc “lẫn tránh phép cắt bì” như thế. Họ gọi những người nào đã tiếp nhận sự phẩu thuật nầy là “espispatics” từ chữ Hy lạp epispaomai, có nghĩa là “xoay sở đối phó”. Thật là thú vị khi chính từ nầy epispaomai đã được sử dụng trong câu 18 và được dịch là “chưa chịu phép cắt bì”.
Phaolô nói: “Có người nào đã chịu phép cắt bì rồi được gọi [được gọi đến ơn cứu rỗi bởi sự kêu gọi hiệu quả của Đức Chúa Trời] chăng? nên cứ giữ cắt bì vậy”. Nếu một người nam Do thái được cứu bởi Đấng Christ, đối với người chẳng cần phải có một cuộc phẩu thuật và đoạn tuyệt cơ nghiệp mình trong vai trò người Do thái. Phaolô cũng nói: “Có người nào chưa chịu phép cắt bì mà được gọi chăng? thì chớ chịu phép cắt bì”. Có những người được biết là những kẻ theo Do thái giáo, họ dạy rằng phép cắt bì và tuân giữ luật pháp Cựu Ước là cần thiết cho dân Ngoại để trở thành Cơ đốc nhân. Phaolô đã viết về họ ở Philíp 3.2: “Hãy coi chừng loài chó; hãy coi chừng kẻ làm công gian ác; hãy coi chừng phép cắt bì giả”. Họ là “những kẻ chuyên cắt xẻo” vì họ cắt xẻo thân thể của con người vì một mục đích tôn giáo không cần thiết. Phaolô nói trong câu 19: “Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời”. Bạn có thấy như thế chăng? Cả hai: chịu phép cắt bì và chưa chịu phép cắt bì đều “chẳng hề gì” khi sánh với việc nhìn biết Đấng Christ. Nếu bạn là Cơ đốc nhân đã chịu phép cắt bì ở tại thành Côrinhtô, bạn không nên tìm kiếm bất kỳ một phẩu thuật nào để thay đổi sự ấy. Nếu bạn là một Cơ đốc nhân chưa chịu phép cắt bì ở tại thành Côrinhtô, bạn không nên tìm một giáo sư người Do thái để làm phép cắt bì cho bạn. Phaolô nói thẳng: “sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời”. Vâng lời thì quan trọng hơn sự có mặt hay thiếu vắng bất cứ dấu hiệu nào trên thân thể của chúng ta.
Câu 20 chép: “Ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy”. Dù đã chịu phép cắt bì hay chưa chịu phép cắt bì, hãy là chính mình. Phải thoả lòng với người mà Đức Chúa Trời đang khiến bạn phải trở thành.
B. TRƯỜNG HỢP VỀ NÔ LỆ.
Phaolô nói ở câu 21: “Ngươi đương làm tôi mọi mà được gọi chăng? Chớ lấy làm lo; song nếu ngươi có thể được tự do, thì hãy nhân dịp đó là hơn”. Vị sứ đồ không bỏ qua cũng không xét đoán tình trạng làm nô lệ, thay vì thế sự dạy của ông ở đây cho thấy rằng trong khi làm nô lệ cho chủ mình thì có thể được Đức Chúa Trời sử dụng. Ông viết cho những nô lệ ở Êphêsô 6.5-8: “Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Đấng Christ, không phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta, nhưng phải như tôi tớ của Đấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Hãy đem lòng yêu mến hầu việc chủ, cũng như hầu việc Chúa, chẳng phải như hầu việc người ta, vì biết rằng bất luận tôi mọi hay tự chủ, mỗi người đều sẽ nhận lãnh của Chúa tùy việc lành mình đã làm”.
Ông đã nói nhiều với người thành Côlôse trong Côlôse 3.22-24: “Hỡi kẻ làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc. Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa”.
Có lẽ có tới 50% cư dân trong đế quốc La mã đều là nô lệ. Nhiều Cơ đốc nhân trong thế kỷ đầu tiên đều là nô lệ. Trong hầu hết các Hội Thánh đầu tiên nô lệ và chủ nô đã tương giao với nhau. Nhiều nô lệ người La mã đã có học vấn rất tốt, văn hoá cao và rất hay chữ. Họ đã phục vụ trong vai trò bác sĩ, giáo sư, thầy giáo, và kế toán cũng như những nghề nghiệp cao thượng khác. Mặc dù có người làm việc hầu bàn, nhiều người rất có tài.
Một số nô lệ, đặc biệt những người có học đã được đối đãi rất tốt và được giao cho những địa vị rất cao. Tất nhiên những người khác đã bị ngược đãi và lạm dụng. Dù vậy Phaolô đã không đưa ra một sự phân biệt nào. Ông nói với những nô lệ có lòng tin Chúa: “Chớ lấy làm lo”. Chỉ vì giờ đây họ là Cơ đốc nhân không có nghĩa là họ sẽ được tự do đâu. Tất nhiên, nếu họ được tự do thậm chí được dễ dãi hơn. Phaolô nói: “song nếu ngươi có thể được tự do, thì hãy nhân dịp đó là hơn”.
Tuy nhiên, tự do hay nô lệ, câu 22 chép: “Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đương tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ”. Bạn có thể là một nô lệ chịu mọi điều kiện tệ hại nhất, tuy nhiên nếu Chúa đã kêu gọi bạn được cứu, ngay cả khi còn là nô lệ bạn sẽ được tự do trong Đấng Christ: “ấy là kẻ Chúa đã buông tha”. Đấng Christ đã buông tha tất cả những tín đồ ra khỏi tội lỗi, khỏi Satan, khỏi sự phán xét và khỏi địa ngục. Chúng ta về phần xác thì là nô lệ, nhưng chúng ta đã được buông tha ra khỏi các hình thức tệ hại nhất của sự nô lệ. Trong Đấng Christ chúng ta được tự do vinh hiển dầu về phần xác chúng ta đang ở trong xiềng xích.
Phaolô đã viết thư tín cuối cùng trong II Timôthê. Từ chỗ sâu thẳm của ngục tù La mã, ông nói: “ … vì Tin Lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu” (II Timôthê 2.9). Hãy lưu ý một lần nữa câu 22: “Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đương tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ”. Nếu bạn là nô lệ và được kêu gọi đến với sự cứu rỗi, hãy vui mừng đi vì trong Đấng Christ bạn đã được buông tha. Thật là nghịch lý, dù bạn đã được buông tha khi bạn được kêu gọi đến với ơn cứu rỗi, giờ đây bạn là “tôi mọi của Đấng Christ”. Chúng ta được buông tha ra khỏi tội lỗi và sự chết, nhưng đã trở nên tôi mọi của Đấng Christ. Rôma 6.22 chép: “Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng”.
Vì lẽ đó, nếu một người Côrinhtô đã được cứu trong vai trò là nô lệ, người ấy phải tin theo Đấng Christ và phải sống thoả lòng khi là nô lệ tốt cho chủ mình. Nếu một người Côrinhtô đã được buông tha khi người đã được cứu, người bước vào sự làm tôi mọi của Đấng Christ. Dù là cách nào, phải thoả lòng ở chỗ Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn.
III. TRÔNG MONG về sự thoả lòng (các câu 23-24).
Câu 23 chép: “Anh em đã được chuộc bằng giá cao, chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi”. Chúng ta thuộc về Đấng Christ. Ngài đã trả giá cho mạng sống chúng ta trên thập tự giá. 6.20 chép: “Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời”. I Phierơ 1.18-19 chép: “vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít”.
Cái điều Phaolô có trong trí ở đây chẳng phải là làm tôi mọi về phần xác đâu, mà là tôi mọi về mặt thuộc linh. Chúng ta thuộc về Đấng Christ. Đấng Christ trông mong chúng ta bước theo Ngài chớ không phải bước theo loài người. Chúng ta không nên dịnh hướng theo sinh hoạt của thế gian. Chúng ta không nên để cho thế gian nói mình phải nên giống với điều gì, chúng ta nên sống ở đâu, chúng ta phải có cái gì, v.v… Có người đang là nô lệ cho những trông mong của người khác rồi vì thế họ thấy không thoả lòng dầu khi được Đức Chúa Trời chúc phước cho rất nhiều.
Câu 24 chép: “Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời”. Đây là bí quyết của sự thoả lòng: “cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời”. Thi thiên 37.4 chép như vầy: “Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước”. Phải biết chắc sự vui thích của bạn không những đặt nơi các ân tứ, mà còn phải đặt nơi Đấng Ban Cho nữa.
Khi tôi nghĩ đến sự thoả lòng và tin cậy nơi Đức Chúa Trời, tôi nghĩ đến Giôsép. Ông đã bị các anh mình khinh dễ và bị bán đi làm nô lệ. Ở đó ông trở thành tên nô lệ đáng tin và có giá trị đối với Phôtipha. Tuy nhiên, ông đã bị vu cáo rồi bị ném vào ngục. Dù ở trong tù, Đức Chúa Trời đã dấy ông lên và ban ơn cho ông. Ông đã giải thích các điềm chiêm bao của quan thượng thiện và quan tửu chánh của Pharaôn, nhưng đã bị bỏ quên hơn hai năm trời. Sau cùng, ông đã được tôn vinh. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nầy, Giôsép đã học biết tin cậy và thoả lòng trong Chúa.
Hãy lắng nghe Thi thiên 105.17-18: “Ngài sai một người đi trước Y-sơ-ra-ên, là Giô-sép bị bán làm tôi mọi. Người ta cột chân người vào cùm, làm cho người bị còng xiềng”. Giôsép đã bị “còng xiềng” nhưng còng cũng xiềng lấy linh hồn ông! Đức Chúa Trời đã sử dụng cách khôn khéo từng hoàn cảnh trong đời sống của Giôsép để nắn đúc ông. Cũng thực một thể ấy cho bạn đấy. Phải thoả lòng khi “cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời”. Giờ đây, trước khi chúng ta hoàn tất ở đây, hãy để cho tôi biết chắc bạn đã hiểu những gì thoả lòng không nói đến. Thoả lòng không có ý nói bạn không cầu xin Đức Chúa Trời về mọi điều mà bạn đang có cần. Đừng quên ý tưởng cho rằng bạn không cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và chữa lành. Có nhớ người đàn bà bị bịnh mất huyết không? Trong 12 năm trời, bà ta đã tốn biết bao nhiêu tiền bạc nơi các bác sĩ, họ chẳng giúp gì được bà ấy. Tuy nhiên, khi bà ta chạm đến vạt áo của Chúa Jêsus Jesus, bà ta đã được chữa lành. Đức Chúa Trời muốn chúng ta tìm kiếm Ngài để xin Ngài những việc mà chúng ta có cần. Hãy lắng nghe lời lẽ của Chúa Jêsus từ Luca 11.9-13: “Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ. Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá, mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng, mà cho bò cạp chăng? Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!”
Vì vậy thoả lòng có nghĩa là chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời làm thoả mãn mọi nhu cần của chúng ta. Nhu cần của bạn hôm nay là gì vậy? Hãy cầu xin Đức Chúa Trời những gì bạn có cần, nhưng hãy tin cậy Ngài và phải thoả lòng trong mọi hoàn cảnh của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét