Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 14.20-40: "Lẽ thật về nói tiếng lạ"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Lẽ thật về nói tiếng lạ – Phần 2
I Côrinhtô 14.20-40
Tuần qua, chúng ta đã học về sự nhầm lẫn quanh ân tứ thuộc linh nói tiếng lạ, cả trong Hội Thánh Côrinhtô trong thế kỷ thứ nhứt và trong nhiều Hội Thánh ngày nay. Mọi người dường như xem ân tứ nói tiếng lạ theo một hướng khác, chớ không giống như ba người mù đi xem một con voi kia đâu.
Chúng ta chẳng có cây búa nào để bủa nghịch lại các tín hữu đồng lao, những kẻ xưng mình có ơn nói tiếng lạ và đang sử dụng ân tứ ấy. Tôi không muốn giảng “nghịch lại” bất cứ ai hay bất cứ điều gì!?! Thay vì thế, mục tiêu của chúng ta là chỉ dạy dỗ điều chi Kinh Thánh chép và sửa đổi niềm tin của mình theo đúng với Kinh Thánh.
Tiểu đoạn I Côrinhtô nầy rất là quan trọng vì nó cung ứng cho chúng ta một hình ảnh rõ nét về cách sử dụng thích ứng ân tứ chân thật nói tiếng lạ và một cơ bản theo Kinh Thánh về việc xét đoán ân tứ nầy có đang vận hành hôm nay hay là không!?!
Từ chỗ khởi sự của nó vào ngày lễ Ngũ Tuần như đã được ghi lại trong Công Vụ các Sứ Đồ 2 đến chỗ đình chỉ gần phần kết thúc của kỷ nguyên sứ đồ, ân tứ nói tiếng lạ luôn luôn có hai mục đích rất là đặc biệt: góp phần như một dấu hiệu và để truyền đạt Tin Lành cách mau chóng.
Tại thành Côrinhtô, ân tứ chân chính đã bị dùng sai. Cách nói năng trong trạng thái mê mẩn là rất phổ thông trong nhiều tôn giáo La-Hy. Qua việc uống rượu, nhảy múa và những kinh nghiệm về tình dục, những kẻ tà giáo đã đưa mình vào tình trạng lơ lửng, trong tình trạng ấy họ sẽ nói lảm nhảm những lời không theo trí khôn. Điều nầy được xem là ngôn ngữ của các thần. Cơ đốc nhân thành Côrinhtô dường như đã đem hình thái thực hành ngoại giáo nầy vào trong Hội Thánh và đã nhầm nó với ân tứ chân chính nói các thứ tiếng.
Tuần vừa qua, như chúng ta đã xem xét phân nửa đầu của chương nầy, chúng ta đã học biết rằng người thành Côrinhtô giả mạo các thứ tiếng là KHÔNG CẦN THIẾT (các câu 1-5), KHÔNG THEO TRÍ KHÔN (các câu 6-12) và KHÔNG KẾT QUẢ (các câu 13-19). Dường như Phaolô tóm tắt cả chương đó với câu 19: “nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ”.
Trong phân nửa thứ hai của chương 14, chúng ta sẽ tiếp thu mục đích và tiến trình về sự nói các thứ tiếng cũng như làm thế nào để đem trật tự lại cho các buổi thờ phượng trong nhà thờ.
I. Mục đích của việc nói các thứ tiếng (các câu 20-25).
A. PHAOLÔ KHÍCH LỆ CHÚNG TA PHẢI HÀNH ĐỘNG THEO CÁCH TRƯỞNG THÀNH (câu 20).
Câu 20 chép: “Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhân”. Các tín hữu tại thành Côrinhtô đều được hết đấy, trừ ra về sự thành nhân. Thư tín nầy nhấn mạnh rằng họ vốn xem cái tôi là trọng, bè đảng, ganh ghét, chia rẽ, kiêu ngạo, bừa bãi, phỉnh dối và phi luân.
Tuy nhiên, dù họ chưa trưởng thành rõ nét, Phaolô nhắc cho họ nhớ rằng họ là “anh em”, anh chị em trong Chúa. Ngay cả những tín hữu chưa trưởng thành vẫn còn là con cái của Đức Chúa Trời và là anh chị em của chúng ta. Đức Chúa Trời không gạt bỏ chúng ta ra khỏi gia đình vì cớ chúng ta chưa trưởng thành.
Chẳng có gì sai với việc chưa trưởng thành về mặt thuộc linh và hạn chế trong sự bạn hiểu biết Kinh Thánh. Tuy nhiên, có điều sai quấy với việc trụ lại ở chỗ đó! Phaolô nói cho họ biết: “về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con”. Một trong những ảnh hưởng xấu của Hội Thánh hiện đại là thiếu hiểu biết về Kinh Thánh, điều nầy khiến cho họ không thành nhân về mặt thuộc linh. Thật là xấu hổ khi ngồi trên một hàng ghế hết tuần nầy đến tuần khác, năm nầy qua năm khác mà chẳng tấn tới bao lăm về tri thức và sự hiểu biết lẽ thật thiêng liêng. Chỉ đem theo Kinh Thánh kè kè một bên thì chưa phải là đủ đâu, chúng ta phải học hỏi Kinh Thánh nữa!
Người thành Côrinhtô và nhiều tín đồ hiện đại đã bị sai lạc do giả mạo các thứ tiếng vì họ chưa trưởng thành. Êphêsô 4:14 cho chúng ta biết: “Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc”.
Phaolô cũng nói trong câu nầy khi bị “lừa đảo” hay dỗ dành, chúng ta không như “trẻ con” nữa. Nếu chúng ta chưa trưởng thành về mặt thuộc linh, chúng ta sẽ được thành nhân trong các đường lối của trần gian. Nếu chúng ta trưởng thành về mặt thuộc linh, chúng ta sẽ không thành nhân hay là “trẻ con” trong các đường lối của thế gian. Phaolô nói chúng ta cần phải trở nên “con trẻ”, ít biết về tình trạng tội lỗi của xã hội, nhưng “về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhân”.
Có phải bạn là người theo thế gian không? Có phải bạn tự áp dụng điều ác của thế gian? Có phải bạn đã đi rong trong khu phố không? Hoặc ngược lại, có phải bạn là một người thuộc linh, dâng mình vào những vụ việc của Đức Chúa Trời song ít quan tâm đến những bận bịu của trần gian? Mưu luận của Phaolô là nên ao ước sự thành nhân về mặt thuộc linh, chớ đừng trưởng thành về đời nầy.
B. PHAOLÔ NHẮC CHO CHÚNG TA NHỚ ĐẾN SỰ DẠY CỦA CỰU ƯỚC (câu 21).
Câu 21 chép: “Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ nhờ những người nói tiếng lạ, và môi miệng người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy họ cũng chẳng nghe ta”.
Đây là một trưng dẫn từ Êsai 28.11-12. Phần ứng dụng chính của lời tiên tri đó là hình phạt của Đức Chúa Trời cho sự bất tuân và sự bội đạo của họ. Vương quốc phía Bắc là Israel, đã bị đưa vào cuộc phu tù bởi người Asiri. Vương quốc phía Nam là Giuđa không bao lâu nữa sẽ bị người Babylôn chinh phục. Những người ngoại quốc với “các thứ tiếng khác” và “môi miệng khác” sẽ “phán cho dân nầy”.
Phần ứng dụng phụ của lời tiên tri nầy đã diễn ra vào thế kỷ thứ nhứt. Israel một lần nữa nghịch lại Chúa trong sự vô tín rất cay đắng. Nó đã đóng đinh chính Đấng Mêsi của nó. Một lần nữa Đức Chúa Trời đã sai dấu lạ “các thứ tiếng” đến vào Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Công Vụ các Sứ Đồ 2. Đây là một sự cảnh cáo. Dù có nhiều người đã tin, phần lớn đã không tin và đã gánh chịu án phạt của Đức Chúa Trời một lần nữa vào năm 70SC, khi Các Binh Đoàn La Mã của Titus tàn sát thành Jerusalem và làm tan lạc người Do thái. Vì lẽ ấy, khi người Do thái thấy và nghe dấu lạ các thứ tiếng, họ phải biết rằng sự phán xét đã được thi hành.
C. PHAOLÔ KHẲNG ĐỊNH RẰNG CÁC THỨ TIẾNG CHỦ YẾU LÀ MỘT DẤU HIỆU (câu 22).
Câu 22 chép: “Thế thì, các thứ tiếng là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa”. Hãy chú ý một lần nữa, Phaolô sử dụng số nhiều “các thứ tiếng” để phân biệt ân tứ thuộc linh chân chính với hình thái giả mạo do người thành Côrinhtô thực hành.
Các thứ tiếng là “một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin”. Mục đích của các thứ tiếng không bao giờ dùng để công nhận tình trạng thuộc linh siêu đẳng của một người. Chẳng có bằng chứng nào theo Kinh Thánh cho thấy rằng người ta phải chờ đợi và ước ao một ơn phước phụ của Thánh Linh để người ấy (nam hay nữ) có thể học nói tiếng lạ. Thay vì thế, ân tứ thuộc linh nầy là một lời kêu gọi tỉnh thức dành cho người Do thái vô tín.
Vì Israel đã chối bỏ ơn cứu rỗi qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã lấy lời mời đó chuyển sang các dân Ngoại. Các thứ tiếng không phải để gây dựng hàng tín đồ, mà để gây dựng những kẻ nào chưa tin. Ngược lại, “còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa”. Những kẻ chưa tin Chúa không thể hiểu được lẽ thật thuộc linh. Tâm trí của họ bị tối tăm đối với các vụ tiệc thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể rao giảng lẽ thật theo Kinh Thánh suốt cả ngày cho kẻ chưa được cứu, nhưng cho tới khi nào Đức Chúa Trời mở lòng họ ra, sự giảng dạy ấy là vô nghĩa đối với họ.
Tuy nhiên, các tín đồ đã có Đức Thánh Linh. Khi họ nghe giảng lời của Đức Chúa Trời, Thánh Linh đưa lẽ thật Lời ấy vào tấm lòng của họ. Vì vậy, các thứ tiếng là một dấu cho những kẻ chưa tin Chúa. Còn lời tiên tri là dành cho những người tin Chúa rồi.
D. PHAOLÔ CUNG ỨNG MỘT MINH HỌA NÓI TỚI BUỔI THỜ PHƯỢNG VỚI TIẾNG LẠ (câu 23).
Câu 23 chép: “Vậy, khi cả Hội thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?”
Phaolô yêu cầu chúng ta hình dung “cả Hội Thánh” nhóm lại với nhau ở “một nơi”. Hết thảy các nhóm tư gia nhỏ hơn đã nhóm lại thành một nhóm lớn y như chúng ta đang nhóm hiện nay. Trong bối cảnh ấy, ông yêu cầu chúng ta hình dung “nếu ai nấy đều nói tiếng lạ” thì sẽ ra sao nào!?! Thậm chí nếu ai nấy đều có ân tứ chân chính, ân tứ ấy vẫn bị lạm dụng.
Đôi khi trong buổi thờ phượng tối, chúng ta tổ chức cầu nguyện theo vòng tròn. Với nhiều người cầu nguyện lớn tiếng, bạn có thể thốt ra một hay hai lời ở đây và ở kia, song bạn không hiểu rõ ai đó đang cầu nguyện cái gì trừ phi bạn đang có mặt ở trong nhóm ấy. Giờ đây, hãy hình dung nếu có người đang nói lớn tiếng và chúng ta hết thảy đều nói qua tiếng lạ các ngôn ngữ khác nhau. Phaolô nói nếu có “kẻ tầm thường” hay “người chẳng tin” bước vào một buổi thờ phượng như thế, “họ há chẳng nói anh em điên cuồng sao?” Ở thành Côrinhtô, một người chưa tin Chúa nào đến nghe một sự hỗn độn như thế sẽ xem Cơ đốc giáo là sự bày tỏ khác của các thứ tôn giáo bí nhiệm ngoại đạo trong thời đó.
E. PHAOLÔ CUNG ỨNG MỘT MINH HỌA VỀ BUỔI THỜ PHƯỢNG VỚI LỜI TIÊN TRI (các câu 24-25).
Câu 24 chép: “Song nếu ai nấy đều nói tiên tri, mà có người chẳng tin hoặc kẻ tầm thường vào nghe, thì họ sẽ bị mọi người bắt phục, và bị mọi người xét đoán”. Bởi “ai nấy đều nói tiên tri” Phaolô không có ý nói rằng mọi người đều nói cùng một thời điểm đâu. Ông có ý nói hết thảy theo cách nầy hay cách kia đang thốt ra rõ ràng Lời của Đức Chúa Trời theo một tư thế dễ hiểu. Một người “chẳng tin, người tầm thường” nào đến với một nhà thờ như thế sẽ nghe một sứ điệp rõ ràng, hiệp lẽ từ mọi người và “bị mọi người bắt phục” rồi “bị mọi người xét đoán”.
Còn nữa, câu 25 chép: “sự kín giấu trong lòng họ đã tỏ ra; họ bèn sấp mặt xuống đất, thờ lạy Đức Chúa Trời, và nói rằng thật có Đức Chúa Trời ở giữa anh em”. Lời của Đức Chúa Trời là lời quyền phép. Khi Lời ấy công bố chính xác và tình cảm “sự kín giấu trong lòng họ đã tỏ ra”. Họ sẽ bị bắt phục về tội lỗi và sự loạn nghịch của chính họ đối với Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời khi ấy sẽ mở lòng họ để tin theo và khi họ “sấp mặt xuống đất” họ sẽ bằng lòng “thờ lạy Đức Chúa Trời và nói rằng thật có Đức Chúa Trời ở giữa anh em”. Nhiều, nhiều lần chúng ta đã chứng kiến điều nầy trong chính Hội Thánh của chúng ta. Khi chúng ta giảng dạy Lời Đức Chúa Trời và nhiều lẽ thật, người chưa tin Chúa không thể nắm bắt được, qua Ngôi Lời Đức Chúa Trời kéo họ đến với chính mình Ngài và họ nhận tin.
Có người nói thế nầy với tôi: “Khi tôi khởi sự đến nhóm với Hội Thánh nầy, tôi không hiểu hoặc tin nhiều điều mà ông đang giảng dạy. Tôi không biết làm thế nào điều ấy xảy ra hoặc chính xác khi nào điều ấy xảy ra. Nhưng tôi có thể nói cho ông biết ngay bây giờ rằng tôi đang tin đây”.
Công việc đầy năng quyền nhất của Hội Thánh là một sự trình bày rõ ràng, chính xác và đầy quyền năng Lời của Đức Chúa Trời. Hêbơrơ 4.12 chép: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng”.
II. Tiến trình nói các thứ tiếng và trật tự trong buổi thờ phượng (các câu 26-40).
Trong tiểu đoạn sau cùng nầy của chương 14, Phaolô cung ứng sáu nguyên tắc đặc biệt hướng dẫn các Hội Thánh trong buổi thờ phượng chung của họ.
A. NGUYÊN TẮC 1: GÂY DỰNG NHAU (câu 26).
Câu 26 chép: “Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói tiếng lạ, hoặc giải tiếng lạ chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng”.
Khi Phaolô hỏi: “Hỡi anh em, nên nói thể nào?” ông biết rõ tình trạng nhóm lại rồi. Ông đã nghe các báo cáo trực tiếp từ “người nhà Cơlôê” (1.11). Ông đã hay được về những lộn xộn trong những lần nhóm lại của họ. Ông biết rõ đấy là sự nhầm lẫn. Thực vậy, ông tiếp tục cung ứng một phần mô tả các buổi thờ phượng của họ giống với điều gì!?! Thứ nhứt, “trong anh em, ai có bài ca”. Không một ai muốn hát lên cùng một bài ca. Có thể người nầy muốn hát thánh ca và nhiều người kia muốn hợp xướng. Mục tiêu không nhằm vào việc ngợi khen Đức Chúa Trời, giảng dạy hoặc khích lệ qua âm nhạc, mà nhằm vào những gì người ấy đứng lên hát kìa.•
Ai có “bài giảng dạy”. Không ai muốn lắng nghe. Ai nấy đều muốn đứng giảng. Ai nấy đều muốn có thì giờ tương đương nhau, để đưa ra ý kiến của họ về bất cứ đề tài nào.
• Ai có “nói tiếng lạ”. Ai nấy đều muốn nói các thứ tiếng dù họ có ân tứ chân chính hay không!?! Tuy nhiên, một người mới sẽ nghĩ hết thảy họ đều điên cuồng (câu 23).
• Ai có “lời tỏ sự kín nhiệm”. Một phần trong ân tứ nói tiên tri trước khi hoàn tất Tân Ước là mặc khải trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ tỏ ra qua con người những lẽ thật chính xác giờ đây đã được viết ra trong quyển Kinh Thánh của chúng ta. Một lần nữa, ai nấy đều muốn nói; chẳng có ai muốn nghe hết.
• Ai có “giải tiếng lạ”. Họ đã thêm vào những lộn xộn ấy bằng cách thử nói cho người khác biết tri thức của họ về những điều đã được nói ra.
Họ đã không thú trọng vào việc tiếp thu, phục vụ hay gây dựng nhau. Họ muốn người khác nghe họ. Họ tranh thủ muốn được người khác chú ý và nổi bật. Có lần tôi tình nguyện dạy một lớp Kinh Thánh cho các học sinh trung học. Mặc dù tôi thích việc ấy, phấn đấu lớn lao nhất của tôi là buộc họ thôi đừng nói chuyện nữa và hãy khởi sự lắng nghe. Đấy là dấu hiệu của tình trạng chưa trưởng thành.
Với nhiều lộn xộn như thế, Phaolô nói lại lẽ đạo khăng khăng của mình: “Hãy làm hết thảy cho được gây dựng”. Hãy sử dụng các ân tứ của bạn để gây dựng nhau hoặc không sử dụng chúng. Các ân tứ của bạn chẳng có ý nghĩa gì cho bạn, song có ý nghĩa cho nhiều người khác!
B. NGUYÊN TẮC 2: THÔNG GIẢI CHO NHAU (các câu 27-28).
Câu 27 chép: “Ví bằng có người nói tiếng lạ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải”. Rõ ràng, Phaolô đang nói tới ân tứ chân chính ở đây. Nếu ai đó có ân tứ và được giục giã nói bởi Đức Thánh Linh, có những nguyên tắc đặc biệt cần phải noi theo.
Trước tiên, ân tứ ấy phải được giới hạn. Ông nói : “chỉ nên hai hoặc ba người là cùng”. Mọi người trong buổi thờ phượng không phải được khích lệ cứ nổ lực nói tiếng lạ đâu. Một hay hai hoặc có lẽ trong những trường hợp hiếm hoi, thậm chí là ba người nên nói tiếng lạ. Chúng ta làm chủ các ân tứ của mình. Dù tôi có ân tứ nói tiên tri, tôi không phải giảng dạy. Đôi khi tôi ngồi ở phía sau rồi để cho người khác sử dụng các ân tứ của họ.
Thứ hai, cần phải có trật tự, “mỗi người phải nói theo lượt mình”. Họ không nên nói cùng một lúc. Mục đích cho mọi người là biết rõ điều chi đã được nói ra. Điều nầy quả là rất khó nếu hết thảy họ đều khởi sự nói các thứ tiếng khác cùng một lúc.
Thứ ba, cần phải rõ ràng, “phải có một người thông giải”. Ân tứ chân chính không phải là nói lắp bắp trong mê sảng, mà là các thứ tiếng đích thực. Cùng với ân tứ nói tiếng lạ, Đức Thánh Linh đã ban cho ơn “thông giải các thứ tiếng” (12.10). Có người sử dụng ân tứ ấy để khiến cho mọi người hiểu được những gì đã được nói ra.
Phaolô tiếp tục nói ở câu 28: “Nếu không có ai thông giải, thì người đó phải làm thinh ở trong Hội thánh, mình nói với mình và với Đức Chúa Trời”. Nếu không được thông giải, chẳng có ai hiểu được. Nếu không có ai hiểu được, chẳng ai được gây dựng hết. Nếu không có ai được gây dựng, ân tứ chẳng có chỗ nào trong Hội Thánh.
Nếu không có người thông giải, người nào với ân tứ nói tiếng lạ cần phải “làm thinh”, không được nói công khai ly trừ ra “mình nói với mình và với Đức Chúa Trời”. Người ấy cần phải cầu nguyện trong thầm lặng.
Giờ đây, chúng ta phải sống cho thành thực. Có phải hầu hết Hội thánh và Cơ đốc nhân hiện đại nào tin họ có ân tứ nói tiếng lạ đều noi theo tiến trình đã được tóm tắt rõ ràng về sự sử dụng ân tứ không? Thường thì không nhiều các thứ tiếng được sử dụng bởi nhiều người cùng một lúc mà không có sự thông giải. Khi có thông giải, có nhiều người nói tiếng lạ chớ không phải một người đâu. Có phải loại thờ phượng nầy rất phổ thông cùng với sự dạy Kinh thánh rõ ràng lo gây dựng Hội Thánh hay những sự lộn xộn sẽ diễn ra trong Hội thánh Côrinhtô mà Phaolô đang tìm cách chỉnh đốn?
C. NGUYÊN TẮC 3: NÓI TIÊN TRI TRONG TRẬN TỰ CHO NHAU (các câu 29-32).
Êphêsô 2.20 chép Hội Thánh được “dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà”. Các sứ đồ theo trình tự lo gây dựng Nước của Đức Chúa Trời. Các tiên tri đã ở lại một chỗ và xây dựng các Hội thánh địa phương. Cả hai đều dạy dỗ những lẽ thật đã tạo nên Tân Ước. Qua sự hoàn tất của kỷ nguyên Tân ước, cả hai chức vụ nầy không còn tồn tại nữa. Trong các thư tín mục vụ của Phaolô: I Timôthê và II Timôthê và Tít, chức vụ nói tiên tri không được nhắc tới.
Tuy nhiên, các tiên tri vẫn còn năng động trong thư tín I Côrinhtô nầy. Chẳng có nhắc gì tới một Mục sư ở thành Côrinhtô, nhưng có vài tiên tri. Phaolô cung ứng bốn tiến trình dành cho các vị tiên tri.
Thứ nhứt, chúng ta thấy ở câu 29 chép: “Người nói tiên tri cũng chỉ nên có hai hoặc ba người nói mà thôi”. Bạn có bao giờ đến với một hội nghị Kinh Thánh, ở đó chỉ có hai hay ba diễn giả lo giảng dạy mà thôi chưa? Tôi nghĩ Phaolô đang nhắm vào mục tiêu ở đây!
Thứ hai, chúng ta thấy “…còn những kẻ khác thì suy xét”. Họ có ân tứ phân biệt (12.10). Họ lo cân phân những gì đã được nói ra nghịch lại với Lời Đức Chúa Trời để giữ lấy sự thanh sạch của đạo. I Giăng 4.1 chép: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ”. Thật là bất ngờ, chúng ta cần phải cẩn thận cân phân những điều mà giáo sư hay truyền đạo giảng gì về Lời của Đức Chúa Trời.
Thứ ba, chúng ta thấy ở câu 30: “Song, nếu một người trong bọn người ngồi, có lời tỏ sự kín nhiệm, thì người trước nhất phải nín lặng”. Nếu một tiên tri đang ngồi nghe vị tiên tri khác và trong quá trình ấy có một lời tỏ sự kín nhiệm mới, người đang nói cần phải sấp mình xuống sàn nhà để Hội Thánh có thể nghe lời tỏ sự kín nhiệm mới ra từ Chúa.
Thứ tư, câu 31 chép: “Bởi vì anh em đều cứ lần lượt mà nói tiên tri được cả, để ai nấy đều được dạy bảo, ai nấy đều được khuyên lơn”. Họ cần phải “lần lượt” mà nói tiên tri. Họ không nên nói cùng một lúc. Trong đó, ai nấy có thể nghe mọi sự và “ai nấy đều được dạy bảo”. Hơn nữa, câu 32 thêm: “Tâm thần của các đấng tiên tri suy phục các đấng tiên tri”. Không những họ xem xét sứ điệp của nhau, mà họ còn làm chủ được tâm thần của họ nữa. Chúng ta phải làm chủ các ân tứ của mình vì sự gây dựng cho Hội Thánh.
D. NGUYÊN TẮC 4: ĐỪNG LÀM LOẠN LẠC NHAU (câu 33).
Câu 33 chép: “Vả, Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa sự loạn lạc, bèn là Chúa sự hòa bình. Hãy làm như trong cả Hội thánh của các thánh đồ”. Đức Chúa Trời không gây ra “sự loạn lạc” hay lộn xộn trong Hội Thánh. Sự dạy dỗ và thờ phượng trong Hội Thánh phải phản ảnh đặc điểm và bổn tánh của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời là “tác giả” của “sự bình an”. Rôma 15.33 mô tả Ngài là “Đức Chúa Trời bình an”. II Têsalônica 3.16 mô tả Ngài là: “Chúa bình an”. Rôma 14.17 chép: “Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy”. Rôma 15.13 chép: “Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin, hầu cho anh em nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy!” Galati 5.22 chép: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín…”.
Đức Thánh Linh không đem sự lộn xộn và loạn lạc vào trong Hội Thánh, mà đem sự bình an. Phaolô nói đây là lẽ thật bao quát có thể đem áp dụng “trong cả Hội Thánh của các thánh đồ”. Khi bạn tìm được một Hội Thánh đang ở trong sự bình an và hiệp một, bạn đang có sự hiện diện và quyền phép của Đức Chúa Trời. Khi bạn tìm thấy một Hội Thánh lộn xộn, bạn đang có hạng người xác thịt chỉ biết lấy cái tôi làm trọng. Giacơ 3.14-18 chép: “Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình. Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy”.
E. NGUYÊN TẮC 5: PHẢI PHỤC TÙNG NHAU (các câu 34-35).
Câu 34 chép: “đờn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em: họ không có phép nói tại nơi đó, nhưng phải phục tùng cũng như luật pháp dạy”. Đây là một câu thường bị áp dụng sai hoặc bất chấp. Chìa khóa cho sự thông giải chính xác luôn luôn bắt đầu với văn mạch. Văn mạch là sự luyện tập các ân tứ thuộc linh trong sự thờ phượng chung.
Hãy chú ý thể nào dòng mệnh lệnh cách nầy có quan hệ với câu 33: “trong cả Hội Thánh của các thánh đồ”. Đây là một nguyên tắc phổ thông, không phải một vấn đề thuộc địa phương hay văn hóa chỉ trong thời điểm đó hoặc trong một địa điểm đặc biệt nào đó.
Trong việc hướng dẫn các buổi thờ phượng chung trong Hội Thánh, nữ giới cần phải “nín lặng” và “không có phép nói”. Ở thành Côrinhtô nói như thế có nghĩa là nữ giới không được phép nói các thứ tiếng hay nói tiên tri.
Nguyên tắc nầy đến trực tiếp từ Cựu Ước “như Luật pháp dạy”. Một phần của sự rủa sả của nữ giới, ấy là nàng phải phục theo chồng mình (Sáng thế ký 3.16). Nữ giới cần phải phục tùng chồng của họ. Nam giới cần phải lãnh đạo. Nữ giới cần phải phục theo.
Phaolô đặc biệt nói ở trong I Timôthê 2.11-12: “Đàn bà phải yên lặng mà nghe dạy, lại phải vâng phục mọi đàng. Ta không cho phép đàn bà dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông; nhưng phải ở yên lặng”. Chúng ta đã lướt qua vai trò của nữ giới trong Hội Thánh ở chương 11 về sự trùm đầu. Phaolô đã nói ở 11.5: “Nhưng phàm người đờn bà cầu nguyện hoặc giảng đạo mà không trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình: thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy”.
Chuyển sang câu 35 chúng ta đọc: “Nhược bằng họ muốn học khôn điều gì, thì mỗi người trong đám họ phải hỏi chồng mình ở nhà; bởi vì đờn bà nói lên trong Hội thánh là không hiệp lẽ”.
Hãy chú ý nữ giới cần phải “học” bằng cách hỏi “chồng mình ở nhà”. Điều nầy ám chỉ trực tiếp nam giới cần phải trở thành cấp lãnh đạo thuộc linh trong gia đình của họ, dạy dỗ vợ con mình Lời của Đức Chúa Trời tại chính trong nhà của họ.
Rõ ràng tại thành Côrinhtô, nữ giới là một phần của sự lộn xộn. Tôi thấy rất là thú vị, trong nhiều Hội Thánh đang thực thi hình thức hiện đại về việc nói tiếng lạ, nữ giới đang đi ở hàng đầu.
Thường thì bạn sẽ thấy cả hai vợ chồng được liệt kê là “Mục sư”. Nhiều nhà thờ và nhóm như thế đã được sáng lập bởi những người đàn bà. Làm thể nào một phụ nữ đóng vai trò Mục sư nếu người ấy phải “nín lặng” chớ?
Chúng ta hãy đưa ra một vài thắc mắc thực tế. Nữ giới phải luôn luôn “nín lặng” trong nhà thờ không? Có phải luôn luôn là “không hiệp lẽ cho đờn bà nói lên trong Hội Thánh” không? Không. Một lần nữa, văn mạch cai quản sự giải thích. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì những người nữ thuộc linh nào đang dạy dỗ và kỷ luật con cái. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì những người nữ thuộc linh nào đang phục vụ thật hiệu quả trong nhiều cách thức. Trong các lớp học Kinh Thánh và các bối cảnh không theo hình thức, nữ giới được tự do nói. Tuy nhiên, trong sự thờ phượng chung, nam giới cần phải nắm vai trò lãnh đạo. Đây là nguyên tắc siêu văn hóa.
Giờ đây, Phaolô biết rõ điều nầy sẽ làm dấy lên một số giận dữ đây. Ông vốn biết rõ lời lẽ như thế nầy sẽ làm chao đảo một số người, vì vậy ông nói thêm ở câu 36: “Có phải là đạo Đức Chúa Trời ra từ nơi anh em, hoặc chỉ đến cùng anh em mà thôi chăng?” Hãy đóng ngoặc đơn “anh em không phải là tác giả Lời của Đức Chúa Trời, anh em là ai mà thắc mắc Lời ấy? Hãy vâng theo Lời ấy!”
F. NGUYÊN TẮC 6: ĐỀ CAO NHAU (các câu 37-40).
Câu 37 chép: “Nếu ai tưởng mình là tiên tri, hay là được Đức Thánh Linh soi sáng, thì người ấy hãy biết rằng đều tôi viết cho anh em đây là mạng lịnh của Chúa”. Một người thuộc linh sẽ vâng theo Lời của Đức Chúa Trời. Nếu một người là “tiên tri hay thiêng liêng”, nếu người thực sự có ân tứ nói tiếng lạ, người ấy nên “biết” rằng sứ điệp của Vị Sứ đồ là “mạng lịnh của Chúa”. Về cơ bản, người ấy không nên tranh luận nghịch lại Kinh Thánh, song phải khẳng định Kinh Thánh.
Câu 38 chép: “Mà nếu ai muốn bỏ qua thì mặc họ bỏ qua!” Một cách dịch sát nghĩa, nhưng trong bảng Kinh Thánh NASV ghi như sau: “Nhưng nếu có ai không công nhận điều nầy, người ấy không đáng được công nhận”. Bất kỳ người nào không công nhận và phục tùng theo Lời rõ ràng của Đức Chúa Trời thì không đáng được công nhận hay không đáng được Hội Thánh nghe theo. Điều nầy áp dụng cho người nào nói: “Tôi biết Kinh Thánh nói gì rồi, nhưng…”.
Câu 39 chép: “Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói tiếng lạ”. Là Hội Thánh, chúng ta cần phải ao ước nhiều và đánh giá cao ơn gây dựng của việc nói tiên tri hay dạy dỗ Lời đã được tỏ ra của Chúa. Đồng thời, chúng ta không nên “ngăn trở chi về điều nói tiếng lạ”. Một lần nữa, hãy chú ý hình thức số nhiều, chỉ ra ân tứ chân chính. Bao lâu ân tứ chân chính được giới thiệu và được thực hành theo những câu nầy, thì không nên ngăn trở ân tứ ấy.
Mặc dù tôi tin ân tứ chân chính đã bị đình chỉ vào thế kỷ đầu tiên, cho phép tôi nói rằng nếu có ai đến với Hội Thánh chúng ta, họ thực sự có ân tứ ấy, người ấy sẽ nói Lời của Đức Chúa Trời bằng các thứ ngôn ngữ chưa hề học, và bằng lòng phục tùng theo tiến trình đã được đề ra trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta không nên “ngăn trở” người ấy sử dụng ân tứ đó.
Phaolô kết luận bằng cách nói ở câu 40: “Nhưng mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự”. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của ân điển và thứ tự. Mọi sự chúng ta làm, đặc biệt trong sự thờ phượng chung phải phản ảnh các thuộc tánh thiêng liêng của Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét