Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 12.8-11: "Sự đa dạng của các ân tứ thuộc linh – Phần 2"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Sự đa dạng của các ân tứ thuộc linh – Phần 2
I Côrinhtô 12.8-11
Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục một sứ điệp mà tôi đã khởi sự tuần qua về sự đa dạng của các ân tứ thuộc linh như chúng đã được liệt kê ra ở các câu 8-11. Đối với những ai trong quí vị còn mới mẻ với phần nghiên cứu từng câu một sách I Côrinhtô, từ ngữ Hy lạp nói tới “ân tứ” là charisma và cơ bản có ý nói tới “sự ban cho ân điển” hay “ân ban rời rộng”. Khi một người được cứu, Đức Thánh Linh đến sống trong người ấy hay ngự trong người ấy. Trong ơn cứu rỗi, Đức Thánh Linh ban cho người tin Chúa với những khả năng thiêng liêng để được sử dụng trong sự hầu việc. Các ân tứ thuộc linh không phải là những khả năng tự nhiên, mặc dù những khả năng tự nhiên cũng có thể được Chúa sử dụng nữa. Thay vì thế, các ân tứ thuộc linh đến sau ơn cứu rỗi là một kết quả của ơn cứu rỗi.
Tuần nầy có người đến hỏi tôi về sự khác biệt giữa khả năng tự nhiên và các ân tứ thuộc linh. Người nầy từng là một giáo sư trước khi ông được cứu và cảm thấy rằng Đức Chúa Trời đã ban cho ông một khả năng để giảng dạy thậm chí trước khi ông được cứu nữa. Tôi giải thích sự khác biệt giữa khả năng giảng dạy tự nhiên và ân tứ giảng dạy thuộc linh, ấy là Đức Thánh Linh ban ơn cho một số tín đồ với khả năng giảng dạy Kinh Thánh một cách đặc biệt.
Trước khi chúng ta đào sâu vào phần còn lại của phân đoạn Kinh Thánh gốc, chúng ta hãy quay trở lại rồi ôn tóm tắt nội dung. Ở các câu 4-7, sứ đồ Phaolô mô tả nhiều sự “đa dạng” hay khác nhau trong những ân tứ thuộc linh. Tân Ước cung ứng cho chúng ta hai danh sách các ân tứ thuộc linh. Một là phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta hôm nay và cũng ở câu 28 nữa. Còn danh sách kia nằm ở Rôma 12.6-8. Trong các danh sách nầy, chúng ta thấy hai phạm trù chính của các ân tứ thuộc linh.
Có những ân tứ phục vụ thường trực. Các ân tứ nầy gồm có nói tiên tri, tri thức, khôn ngoan, dạy dỗ, khuyên bảo, lãnh đạo, cứu giúp, bố thí, thương xót, đức tin và phân biệt. Còn có những ân tứ dấu hiệu tạm thời. Mục đích của các ân tứ nầy là để xác nhận thẩm quyền sứ điệp của hàng sứ đồ trước khi hoàn tất Tân Ước.
Câu 5 dạy rằng có nhiều “chức vụ” khác nhau, trong đó các ân tứ thuộc linh đã có chỗ sẵn rồi. Giống như có nhiều ân tứ thuộc linh, có nhiều phương thức để sử dụng các ân tứ ấy trong sự hầu việc Đức Chúa Trời và các tín hữu khác.
Câu 6 chép rằng có các “việc làm” khác nhau. Từ ngữ nầy đến từ chữ energema hay năng lực. Giống như cái bóng đèn tròn kia là vô dụng trừ phi nó được tiếp điện cho, Đức Thánh Linh phải mặc lấy quyền phép cho các ân tứ của chúng ta.
Câu 7 nhắc cho chúng ta nhớ rằng những ân tứ của chúng ta không phải để cho chúng ta được hài lòng riêng tư của mình đâu; thay vì thế, chúng hiện hữu là vì “sự ích chung”. Tuần rồi chúng ta đã xem xét cẩn thận bốn ân tứ đầu tiên được nhắc tới trong phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta.
A. ÂN TỨ KHÔN NGOAN.
Sát nghĩa thì “lời nói khôn ngoan” có ý “nói năng khôn ngoan”. Trong kỷ nguyên Tân Ước, ân tứ nầy chủ yếu đề cập tới việc rao giảng trực tiếp Lời của Đức Chúa Trời chưa được viết ra. Hãy nhớ, Đức Thánh Linh vốn biết chính xác những gì phải có trong Tân Ước. Theo nhận định cơ bản nhất, phương thức duy nhứt ân tứ nầy được ban cho hôm nay nằm trong khả năng biết áp dụng Lời Đức Chúa Trời đã được viết ra rồi. Giuđe 3 nói tới “…đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi”. Đạo đã được truyền cho “một lần đủ rồi” và chẳng cần một mặc khải nào sâu xa hơn nữa. Đây là ân tứ nền tảng dành cho các nhà truyền đạo và giáo sư dạy Kinh Thánh.
B. ÂN TỨ TRI THỨC.
Vào thế kỷ đầu tiên, “lời nói tri thức” đã được áp dụng chủ yếu cho Đức Chúa Trời một cách siêu nhiên truyền đạt tri thức về ý muốn của Ngài chắc chắn sẽ được viết ra trong Tân Ước. Ngày nay chúng ta hiểu ân tứ nầy là khả năng Đức Chúa Trời ban cho để học hỏi và và tìm hiểu chắc chắn đầy đủ ý nghĩa của một phân đoạn Kinh Thánh và giải thích nó để cho nhiều người khác có thể nắm bắt được các sự dạy của Kinh Thánh. Ân tứ nầy cũng là nền tảng cho những ai chuyên dạy dỗ Kinh Thánh.
C. ÂN TỨ ĐỨC TIN.
Ân tứ thuộc linh “đức tin” không phải là đức tin thông thường hay thậm chí đức tin để được cứu rỗi nữa. Thay vì thế, dường như ân tứ nầy mạnh mẽ hơn, khả năng mãnh liệt hơn nương cậy vào Đức Chúa Trời ở giữa những hoàn cảnh khốn khó. Một người với ân tứ đức tin thuộc linh rất mạnh mẽ trong sự cầu nguyện. Giacơ 5.16 chép: “…người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều”. Người nào với ân tứ thuộc linh cũng là công cụ trong sự khích lệ nhiều người khác và gây dựng đức tin.
D. ÂN TỨ CHỮA TẬT BỊNH.
Có số nhiều trong “ân tứ chữa tật bịnh” chỉ ra rằng có người sẽ chữa lành một số ốm đau, còn người khác thì không. Đã có tính đa dạng trong khả năng chữa tật bịnh. Giống như nhiều ân tứ khác, chúng ta sẽ bàn bạc hôm nay, chữa bịnh là một ân tứ dấu hiệu siêu nhiên củng cố xác nhận sứ điệp. Mặc dù Sứ đồ Phaolô chắc chắn đã có ân tứ nầy, chúng ta đã nhìn thấy thể nào ở nhiều cơ hội, ông không thể chữa lành những kẻ sống gần gũi với ông. Ông chỉ sử dụng ân tứ nầy trong những trường hợp mà ở đó ông cần xác nhận tính hợp lệ cho sứ điệp Tin Lành. Giờ đây với nội dung đề ra trong lý trí, chúng ta hãy cẩn thận xem xét sáu ân tứ còn lại ở các câu 10-11.
I. Ân tứ làm phép lạ (câu 10a).
A. LÀM PHÉP LẠ LÀ MỘT DẤU ĐẾN TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI.
Ở câu 10, Phaolô nói Đức Thánh Linh đã ban cho “người thì được làm phép lạ”. Không may, trong thời buổi của chúng ta “làm phép lạ” được gắn với hạng người như Oral Roberts và Hinn. Hơn nữa, ân tứ thuộc linh chân chính làm phép lạ là tiếng kêu la từ những gì được xưng nhận bởi những kẻ hám lợi tôn giáo trong thời buổi của chúng ta.
“Làm phép lạ” dịch từ chữ dunamis, là từ ngữ phổ thông trong Tân Ước nói tới quyền phép. Dịch sát nghĩa, nó có ý nói “làm ra quyền phép”. Ân tứ là việc thể hiện ra quyền phép thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời thường dẫn dắt chúng ta bằng cách sử dụng người khác, các hoàn cảnh và những sự cố trong thiên nhiên. Đây không phải là phép lạ gì, mà là cách thức hành động thông thường của Đức Chúa Trời. Một phép lạ là khi Đức Chúa Trời gạt qua một bên những luật lệ tự nhiên rồi hành động theo cách siêu nhiên để bày tỏ ra quyền phép toàn năng, thiêng liêng của Ngài. Khi các môn đồ băng qua Biển Galilê và đã kinh nghiệm một cơn bão cuồng nộ là một sự cố của tự nhiên. Khi Chúa Jêsus đi trên mặt biển mà đến với họ, đấy là một sự cố lạ lùng, siêu nhiên cung ứng bằng chứng cho thần tính của Ngài.
B. CHÚA JÊSUS LÀ ĐẤNG LÀM PHÉP LẠ LỚN LAO NHẤT.
Mỗi một phép lạ của Chúa Jêsus là một dấu hiệu của lai lịch Ngài là Đấng Mêsi của Israel. Phép lạ đầu tiên của Ngài là biến nước thành rượu trong một đám cưới. Giăng 2.11 chép: “Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Đức Chúa Jêsus làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy; môn đồ bèn tin Ngài”.
Giăng kết thúc sách Tin Lành mình với câu nầy: “Đức Chúa Jêsus đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách nầy. Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20.30-31).
Phierơ đã giảng vào Lễ Ngũ Tuần trong Công Vụ các Sứ đồ 2.22: “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết”.
C. CÁC SỨ ĐỒ VÀ TIÊN TRI KHẲNG ĐỊNH TIN LÀNH VỚI NHIỀU PHÉP LẠ.
Phaolô và Banaba đã phục vụ ở thành Ycôni: “…đầy dẫy sự bạo dạn và đức tin trong Chúa, và Chúa dùng tay của hai sứ đồ làm những phép lạ dấu kỳ, mà chứng về đạo ân điển của Ngài” (Công Vụ các Sứ đồ 14.3). Về sau, Phaolô đã nói với người thành Côrinhtô: “Các bằng cớ về chức sứ đồ tôi đã tỏ ra trong anh em bởi sự nhịn nhục mọi đàng, bởi các dấu lạ, các sự khác thường, và các phép lạ” (II Côrinhtô 12.12).
Hêbơrơ 2.3-4 hỏi: “mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? -là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó”.
Hãy suy nghĩ với tôi về một số “dấu kỳ sự lạ” mà các sứ đồ đã làm ra. Ở Công Vụ các Sứ đồ 13, Phaolô đã giá tay trên Êlyma với sự mù lòa. Ở chương 20, ông đã vực Ơtích sống lại từ kẻ chết. Ở Công Vụ các Sứ đồ 4, Phierơ đã đở một kẻ bị què đứng dậy tại cổng đền thờ và người ấy đã nhảy nhót vì vui mừng. Ở Công Vụ các Sứ đồ 9, ông đã làm cho Đôca sống lại từ kẻ chết. Danh tiếng của Phaolô là làm ra nhiều điều lạ lùng. Phierơ đã được một thiên sứ dẫn dắt từ trong nhà ngục. Phaolô đã bị một con rắn độc cắn, nhưng đã rảy nó đi. Danh sách “dấu kỳ sự lạ” mà các vị sứ đồ đã làm ra còn nhiều, nhiều nữa.
D. CÁC PHÉP LẠ CHÂN CHÍNH LUÔN LUÔN XÁC NHẬN KHẢI THỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ THỰC.
Sự “làm phép lạ” không hề tôn vinh con người, nhưng để ngợi khen Đức Chúa Trời. Không một ai trong số đó với ân tứ nầy có thể sử dụng ân tứ cho tiếng tăm riêng của họ. Chúa Jêsus là Đấng làm phép lạ cả thể nhất vì Ngài là Đức Chúa Trời trong xác thịt con người. Sự “làm phép lạ” là một trong “các dấu lạ của sứ đồ” (đối chiếu II Côrinhtô 12.12). Các ân tứ dấu lạ đó chỉ cần thiết bao lâu Đức Chúa Trời đang tỏ ra Lời của Ngài. Khi Lời của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra hoàn toàn rồi và các sách thuộc kinh điển của Kinh Thánh đã hoàn tất, các ân tứ dấu hiệu siêu nhiên mất dần ra khỏi bối cảnh.
Phải chăng phép lạ rất thường xuyên trong những thời kỳ Kinh Thánh? Chắc chắn có nhiều phép lạ được mô tả trong cả Cựu và Tân Ước, nhưng có phải chúng rất phổ thông không? Một số người ngày nay ao ước muốn thấy những phép lạ. Họ muốn xem thấy một dấu hiệu đến từ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, lịch sử theo Kinh Thánh dường như nói rõ ràng rằng hầu hết những người nào sống trong các thời kỳ Kinh Thánh không hề chứng kiến các phép lạ. Hãy cùng với tôi xem xét vấn đề nầy …
E. NĂM THỜI KỲ TRONG KINH THÁNH VỀ DẤU KỲ SỰ LẠ.
1. Hãy suy nghĩ xem. Sau Vườn Êđen, sau Nước Lụt, Sáng thế ký ghi lại đời sống của Ápraham và các vị tộc trưởng. Mặc dù Đức Chúa Trời chắc chắn bày tỏ chính mình Ngài ra cho các tổ phụ nầy của Israel, rồi dẫn dắt họ đi theo ý chỉ của Ngài, chúng ta không đọc thấy các dấu lạ lùng được hoàn thành trong đời sống của họ. Mãi cho đến thời MÔISE và GIÔSUÊ, chúng ta đã đọc về 10 trận dịch ở Ai cập, việc chia Biển Đỏ ra làm hai, mana xuống từ trời, nước chảy ra từ hòn đá, băng qua sông Giôđanh, chinh phục thành Giêricô và còn nữa. Tại sao? Có thể nào khi Môise qua đời 5 sách đầu tiên trong sự khải thị của Đức Chúa Trời, là Ngũ Kinh đã được hoàn tất? Bấy giờ, họ có Luật pháp của Đức Chúa Trời dẫn dắt họ và chẳng cần một dấu lạ nào nữa hết, có phải không?
2. Xuyên suốt thời kỳ Các Quan Xét, qua sự trị vì của các vua đầu tiên của Israel, chúng ta thấy Đức Chúa Trời hành động, dẫn dắt và xét đoán dân sự Ngài, nhưng chẳng có một dấu kỳ sự lạ nào hết. Kinh Thánh đã tốn nhiều mực cho đời sống của David, nhưng ông không hề chứng kiến các phép lạ đáng kinh ngạc đâu. Nhiều thế hệ dấy lên, nhiều thế hệ qua đi kể từ thời Môise và Giôsuê. Thế rồi Đức Chúa Trời dấy các tiên tri của Ngài lên, là Êli và Êlisê, họ đã làm nhiều phép lạ đáng kinh. Các dấu lạ của họ cùng sứ điệp của họ được ban ra là để kêu gọi Israel quay lại đừng thờ lạy hình tượng nữa. Tuy nhiên, khi chức vụ của họ đến hồi kết thúc, Đức Chúa Trời đã ban ra mặc khải sâu xa hơn với các tác phẩm của những tiên tri đầu tiên, các sách lịch sử và một số Thi thiên.
3. Nhiều thế kỷ trôi qua mà chẳng có những việc làm lạ lùng nào đến từ trời cả. Khi ấy Đức Chúa Trời bắt đầu làm ra những dấu kỳ sự lạ qua Đaniên ở Babylôn. Đức Chúa Trời đã xác nhận và phê chuẩn những lời tiên tri được ban ra qua Đaniên, phần nhiều chưa được ứng nghiệm bởi việc làm ra các phép lạ qua ông. Thời kỳ nầy kết thúc với sự hoàn tất Cựu Ước.
4. Giữa hai Giao ước là bốn thế kỷ thầm lặng. Đức Chúa Trời chẳng tỏ ra điều chi mới mẻ. Ngài chẳng sai phái một tiên tri nào hết. Ngài chẳng làm ra phép lạ nào cả. Dân sự của Đức Chúa Trời trong ba thời kỳ chẳng chứng kiến một dấu kỳ sự lạ nào trong sự tồn tại của họ. Tuy nhiên, thời kỳ thứ tư các phép lạ đã được đổ ra với sự đến của Đấng Mêsi. Giăng 21.25 chép: “Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jêsus đã làm; ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy”. Kỷ nguyên nầy tiếp tục qua thế kỷ đầu tiên với các chức vụ của những sứ đồ cho tới khi Tân Ước được hoàn tất.
5. Kinh Thánh chỉ ra rằng sẽ có thời kỳ thứ năm là thời kỳ của phép lạ. Theo Khải huyền 11, Đức Chúa Trời sẽ làm cho hai chứng nhân sống lại, họ sẽ kêu gọi dân sót của người Do thái đến với Đấng Christ. Họ sẽ có quyền phép làm ra sự lạ lùng để xác quyết sứ điệp của họ. Chúng ta không cảm thấy điều chi là sai vì trong thời của chúng ta, chúng ta không chứng kiến các sự cố lạ lùng. Thực vậy, xuyên suốt lịch sử tuyển dân của Đức Chúa Trời, các phép lạ không xảy có thường xuyên, nhưng thường là để xác quyết sự mặc khải mới. Khuôn mẫu luôn luôn là khi Đức Chúa Trời tỏ ra điều chi mới, Ngài ban ra những dấu kỳ sự lạ. Vì lẽ đó, khi mặc khải của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh đã được hoàn tất, ân tứ thuộc linh “làm phép lạ” không còn được ban ra nữa.
II. Ân tứ nói tiên tri (câu 10b).
A. NÓI TIÊN TRI KHÔNG LUÔN LUÔN LÀ ĐOÁN TRƯỚC.
Chắc chắn đã có một nhận thức trong đó người nào nói tiên tri đã đoán trước cuộc tương lai. Các tiên tri trong Cựu Ước đã rao giảng về sự công bình và đã cảnh cáo về sự phán xét không tránh được cùng những ơn phước của Đức Chúa Trời bằng cách đoán trước những sự cố sẽ xảy đến. Phần nhiều những lời tiên tri của họ đã được ứng nghiệm rồi, nhưng nhiều lời tiên tri khác nữa vẫn chưa ứng nghiệm cho tới lần xuất hiện sau cùng và vinh hiển của Chúa Christ. Trong kỷ nguyên Tân Ước, ân tứ nói tiên tri, đặc biệt những gì được đề cập tới trong 13.8 đề cập tới một sự đoán trước khải thị mới trước khi Kinh Thánh hoàn tất. Vì hết thảy các Hội Thánh đều chưa có Tân Ước và vì Đức Thánh Linh biết rõ điều chi chắc sẽ được tỏ ra trong Tân Ước, Ngài đã tỏ ra điều chi cần thiết cho các Hội Thánh qua những người có ân tứ nói tiên tri.
Tuy nhiên, ý nghĩa cơ bản của từ ngữ “nói tiên tri” không phải là đoán trước y như nó sẽ lộ ra. Từ Hy lạp là prophemi, là một từ kép. Tiếp đầu ngữ pro có nghĩa là “lộ ra hay trước mặt”. Phemi có nghĩa là “phát biểu hay nói ra hoặc khẳng định”. Vì thế, “prophesy” (nói tiên tri) theo ý cơ bản của nó có nghĩa là nói trước hay nói cách công khai.
Ngày nay ân tứ nói tiên tri là khả năng Đức Chúa Trời ban cho để đứng trước mặt dân sự rồi nói ra Lời của Ngài. Các tiên tri ngày xưa đã nói ra Lời Đức Chúa Trời chưa thành văn. Ngày nay người nào với ân tứ nói tiên tri đang nói ra Lời Đức Chúa Trời đã thành văn rồi. Ân tứ nói tiên tri là ân tứ thuộc linh ưu thế của tôi. Ân tứ ấy làm cho tôi phải kinh ngạc. Có những lúc khi tôi đang rao giảng cho quí vị và Thánh Linh của Đức Chúa Trời chiếm hữu. Tất nhiên Ngài sử dụng những điều tôi đã học hỏi và sửa soạn, nhưng Ngài bộc lộ Ngôi Lời ra với một quyền phép và tình cảm trổi hơn tôi nhiều. Đúng là một sự vui mừng trọn vẹn cho tôi khi điều ấy xảy ra!
B. NÓI TIÊN TRI LUÔN GÂY DỰNG NHIỀU NGƯỜI KHÁC.
Trong bốn câu đầu tiên của chương 14, Phaolô nhấn mạnh sự nổi bật của ân tứ thuộc linh nói tiên tri. Ông truyền cho họ phải: “ước ao các sự ban cho thiêng liêng, nhứt là sự ban cho nói tiên tri”. Ở câu 3, ông nói: “còn như kẻ nói tiên tri, thì nói với người ta để gây dựng, khuyên bảo và yên ủi”. Ở câu 4, ông nói: “Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội thánh”. Câu 5 chép: “Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội thánh được gây dựng”. Tại sao nói tiên tri quan trọng như thế chứ? Khi người nào với ân tứ nói tiên tri luyện tập ân tứ của họ để nói ra Lời của Đức Chúa Trời, toàn thể bộ phận các tín đồ sẽ được gây dựng và trưởng dưỡng trong lẽ thật của Kinh Thánh.
C. NÓI TIÊN TRI KHÔNG CHỈ DÀNH CHO CÁC NHÀ TRUYỀN ĐẠO VÀ CÁC GIÁO SƯ.
E có ai đó sẽ nhầm lẫn, cho phép tôi nói thêm rằng không chỉ có những người nào đứng sau tòa giảng hay bục giảng là được kêu gọi để nói tiên tri đâu. Mỗi một tín đồ đều có trách nhiệm phân phối lẽ thật của Kinh Thánh cho mọi người. 1 Phierơ 3.15 chép: “nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ”.
III. Ân tứ phân biệt (câu 10c).
A. PHÂN BIỆT LÀ KHẢ NĂNG QUYẾT ĐỊNH ĐÂU LÀ ĐÚNG ĐÂU LÀ SAI.
Kế đó ở câu 10, Phaolô nói Đức Thánh Linh đã ban cho “người thì được phân biệt các thần”. Đây là một ân tứ thuộc linh quan trọng vì Satan là kẻ dối gạt. Hắn giả mạo chân lý. Chúa Jêsus đã nói về hắn ở Giăng 8.44: “Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối”.
Satan bắt đầu ném nghi ngờ vào lẽ thật của Đức Chúa Trời trong Vườn Êđen khi hắn cám dỗ Êva. Hắn sẽ tiếp tục bóp méo và giả mạo Lời của Đức Chúa Trời cho tới lúc có sự phán xét sau cùng của hắn. Sự phân biệt khi ấy là một sự ban cho thật đặc biệt để nhìn thấu những lời dối trá của kẻ thù.
B. TẤT CẢ TÍN ĐỒ PHẢI HỌC BIẾT PHÂN BIỆT BẰNG LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
Mặc dù có người đặc biệt được Đức Thánh Linh ban ơn để phân biệt lẽ thật, tất cả tín đồ phải học biết phân biệt bằng cách trưởng dưỡng trên Lời của Đức Chúa Trời. 1 Giăng 4.1 chép: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ”. Có nhiều “tiên tri giả” họ đang làm cho nhiều tín đồ phải sai lạc. Có nhiều vị giáo sư có ý tốt, họ cung ứng qua loa Kinh Thánh hầu đạt được các mục tiêu riêng của họ. Mỗi một chúng ta đều có trách nhiệm phải học hỏi và nhìn biết Lời của Đức Chúa Trời hầu cho chúng ta có thể phân biệt giữa đúng và sai. Chúng ta phải sống như người thành Bêrê, họ “…sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công Vụ các Sứ đồ 17.11).
Đừng là một tín đồ chim non mãi. Chim non nhắm mắt chúng lại, há hoác miệng ra rồi ăn bất cứ thứ chi mẹ chúng đổ vào. Mỗi Cơ đốc nhân sẽ lắng nghe mọi sự dạy với hai con mắt, hai lỗ tai và lý trí đang thử mọi sự bằng Lời của Đức Chúa Trời. Không một giáo sư chân chính nào dạy Kinh Thánh trong lúc nghiên cứu lẽ thật lại bực tức khi câu nói của mình bị Kinh Thánh thử nghiệm.
C. ÂN TỨ PHÂN BIỆT LÀ KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT NHẬN RA LẼ THẬT.
Rõ ràng ân tứ phân biệt là khả năng đặc biệt nhìn thấy rõ qua những lời dối trá của Satan. Ơn “phân biệt các thần” nầy có ý nói tới khả năng nhìn thấy bên kia lời lẽ và hành vi của một người rồi nhận ra hoạt động của ma quỉ đang dẫn dắt người ấy. “Các thần” cũng có thể đề cập tới linh hồn của con người. Vì thế, ân tứ sẽ trở thành khả năng để “đánh giá” người ta và phân biệt mọi động lực của họ. Các tín đồ với ân tứ nầy rất hữu dụng trong việc hướng dẫn và đưa ra những quyết định cho Hội Thánh. Họ giúp chúng ta nhìn biết khi nào và làm thế nào để thỏa mãn mọi nhu cần. Họ giúp chúng ta quyết định cần phải chú trọng vào chức vụ nào nhất. Ân tứ nầy có quan hệ gần gũi với ân tứ khôn ngoan. John MacArthur gọi ân tứ phân biệt là “ơn của Đức Thánh Linh trên các ân tứ” vì Đức Chúa Trời sử dụng ân tứ ấy để tỏ ra dù muốn hay không một sự bày tỏ ra các ân tứ khác là quyền của Ngài.
IV. Ân tứ nói tiếng lạ (câu 10d).
Kế đó trong câu 10, Phaolô nói Đức Thánh Linh đã ban cho “kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau”. “Nói nhiều thứ tiếng khác nhau” là một ân tứ dấu hiệu tạm thời cho việc có khả năng công bố Lời của Đức Chúa Trời bằng một ngôn ngữ chưa học hay làm chủ được. Thí dụ, giống như tôi được ơn giảng trôi chảy bằng tiếng Pháp hay tiếng Nga hoặc tiếng Nhật mà không có học biết nói các thứ tiếng đó. Thực vậy, “nói nhiều thứ tiếng khác nhau” (tongues) ra từ chữ Hy lạp glossa, nghĩa là “ngôn ngữ”. Chúng ta có từ ngữ “glossary”(các từ khó) trong tiếng Anh là từ chữ nầy.
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh giáng trên Phierơ và nhiều người khác cùng nhóm lại với ông và mặc lấy cho họ quyền phép để nói “các thứ tiếng khác” (Công Vụ các Sứ đồ 2.4). Dân chúng ít nhất 13 nhóm tiếng nói và thổ ngữ khác nhau đã nói: “Vậy thì, sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh đẻ?” (nghĩa là, các câu 8-11).
Ân tứ thuộc linh nói các thứ tiếng khác nhau giống như ân tứ chữa tật bịnh và làm phép lạ là một ân tứ dấu hiệu tạm thời siêu nhiên khiến cho người ta chịu nghe giảng Tin Lành qua những hàng rào ngôn ngữ và nhờ đó xác định thẩm quyền lẽ thật của sứ điệp đã được rao giảng ra. Chúng ta biết ân tứ nầy không còn được ban ra hôm nay đặc biệt vì 13.8 chép: “…sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi”. Chẳng có một chỗ nào nhắc tới việc nói các thứ tiếng trong bất kỳ thư tín nào viết cho các Hội Thánh khác cho thấy rằng trước khi Tân Ước được hoàn tất ân tứ nầy đã đình chỉ rồi. Tôi không nói nhiều về việc nói các thứ tiếng ở đây vì chúng ta sẽ xử lý với nó chi tiết hơn khi chúng ta làm việc qua các chương 13 và 14.
V. Ân tứ thông giải (câu 10e).
Đức Thánh Linh cũng đã ban cho “người thì được thông giải các thứ tiếng ấy”. Vì đã có việc “nói các thứ tiếng khác nhau” chúng ta biết không phải mỗi lần sử dụng ân tứ nầy thì giống như kinh nghiệm tại Lễ Ngũ Tuần đâu. Đôi khi trong các Hội Thánh đầu tiên ân tứ đã được ban cho để những người nào không nói thứ tiếng đó có thể hiểu được những gì đã được nói ra. Hãy tưởng tượng đang ở tại một nhà thờ trong nước Nga mà chẳng hiểu chi hết. Khi ấy có người chưa học tiếng Anh quay sang rồi nói cho bạn với Anh ngữ những gì vừa mới được nói ra. Một lần nữa, chúng ta sẽ xử lý với ân tứ nầy chi tiết hơn khi chúng ta nghiên cứu các chương 13-14.
VI. Các ân tứ được phân phối (câu 11).
Câu 11 chép: “Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người”. Chúng ta hãy bước vào ba lẽ thật quan trọng.
A. TRƯỚC TIÊN, ĐỨC THÁNH LINH LÀ NGUỒN CỦA CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH.
Phaolô nói các ân tứ đã được ban cho bởi “đồng một Thánh Linh”. Ở các câu 8-10, Phaolô nói các ân tứ đã được phân phát “nhờ Đức Thánh Linh”, “nhờ một Đức Thánh Linh” và “bởi một Đức Thánh Linh”. Bất cứ khả năng nào chúng ta có để phục sự cho Đức Chúa Trời không phải của chúng ta mà là của Đức Thánh Linh.
B. THỨ HAI, ĐỨC THÁNH LINH TÁC ĐỘNG QUA MỌI ÂN TỨ THUỘC LINH.
Phaolô cũng nói ở câu 11 rằng “mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi”. “Công việc” cũng là chữ mà chúng ta đã thấy ở câu 6, energema có nghĩa là Đức Thánh Linh mặc lấy quyền phép cho tất cả ân tứ thuộc linh. Theo một ý nghĩa, Đức Thánh Linh ban cho chúng ta các ân tứ nhưng Ngài là Đấng sử dụng chúng. Người tin Chúa không thực sự sử dụng các ân tứ, nhưng phục theo Đức Thánh Linh là Đấng sử dụng chúng để hầu việc Đức Chúa Trời và nhiều người khác nữa.
C. THỨ BA, ĐỨC THÁNH LINH PHÂN PHÁT TẤT CẢ CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH.
Sau cùng, Phaolô nói Đức Thánh Linh “theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người”. Mặc dù chúng ta ao ước những ân tứ nhất định nào đó, chúng ta nhận lãnh điều chi Đức Thánh Linh theo quyền tể trị chọn lựa mà ban cho chúng ta. Chúng ta được chỉ định “theo cách riêng” bởi Đức Chúa Trời vì mục đích đặc biệt và vì những chức vụ đặc biệt. Vì thế, sự kết hợp các ân tứ của chúng ta có cả riêng và chung. Phải tùy vào bản thân mình. Tốt hơn hết, hãy định vị những gì Đức Chúa Trời đã dựng nên và những ơn mà bạn đã được ban cho! Đức Thánh Linh phân phát cả hai: ân tứ và việc làm qua họ “theo ý Ngài muốn”. Ngài muốn hành động qua mỗi một người chúng ta. Vì lẽ đó, mục tiêu chính của chúng ta là phải phục theo Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét