Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 13.8-13: "Tình yêu thương nín chịu"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Tình yêu thương nín chịu
I Côrinhtô 13.8-13
Khi chúng ta làm việc qua I Côrinhtô từng câu một, chúng ta đã để cả tuần qua vào chương 13, một trong những chương quan trọng nhất và đáng yêu nhất trong cả Kinh Thánh. Chương nầy được gọi là “Chương Tình Yêu” hay “Bài Thánh Ca Yêu Thương”.
Sứ đồ Phaolô bắt đầu ở các câu 1-3 bằng cách nói rằng dầu bạn nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ nếu không có tình yêu thương, mọi sự bạn nói ra chỉ như đồng kêu lên hay chập chỏa vang tiếng mà thôi. Dầu bạn có những ân tứ thuộc linh đáng kinh ngạc và đức tin để dời núi, nếu không có tình yêu thương các ân tứ nầy chỉ là vô ích mà thôi. Nếu bạn có tánh rời rộng để bố thí mọi sự hoặc nếu bạn có là nhà tuận đạo đi nữa, song nếu chẳng có tình yêu thương, mọi hành động của bạn sẽ chẳng là gì hết. Lẽ đạo là: “Không có tình yêu thương, thì chẳng có việc nào ra gì hết”. Ở các câu 4-7, Phaolô liệt lê 15 thuộc tính của tình yêu thương. Thú vị thay, ông không mô tả tình yêu thương với những tỉnh từ, mà với các động từ. Phần nhấn mạnh không nhắm vào tình yêu là gì, mà nhắm vào tình yêu đang làm gì.
Như chúng ta đã lưu ý nhiều lần, Hội Thánh Côrinhtô chưa được trưởng thành. Họ phân rẽ. Họ kiêu ngạo. Họ sống theo thế gian. Chúa Jêsus kêu gọi hết thảy tín đồ phải trở nên “muối của đất”, để bảo tồn các giá trị thuộc linh trong một thế giới ngoại giáo. Tuy nhiên, người thành Côrinhtô đã không ảnh hưởng xã hội của họ; thay vì thế, xã hội đã ảnh hưởng trên họ. Sự thể giống như sự khác biệt giữa máy điều nhiệt và nhiệt kế vậy. Một nhiệt kế ghi lại nhiệt độ của một căn phòng. Một máy điều nhiệt làm thay đổi nhiệt độ. Sự kêu gọi của chúng ta là phải quên đi bóng tối tăm của thế gian và bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời. I Giăng 1.7 chép: “Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta”.
Hội Thánh Côrinhtô đã được phước với nhiều vị giáo sư và Mục sư chuyên dạy Kinh Thánh rất xuất sắc. Họ đã ngồi dưới sự dạy tốt đẹp nhất từng có được. Họ được phước với một sự dư dật nhiều ân tứ thuộc linh. Họ được phước về mặt vật chất với sự giàu có. Họ đáng phải là một Hội Thánh thịnh vượng, một điểm mở của công cuộc truyền giáo và là một trung tâm sai phái các giáo sĩ ra đi. Tuy nhiên, họ chẳng đạt được một việc gì trong các việc nầyvì cớ họ thiếu tình yêu thương. Không có tình yêu thương, mọi ơn phước khác của họ đều trở nên vô hiệu quả. I Phierơ 4.8: “Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi”. Đối với người thành Côrinhtô, thiếu tình yêu thương đã gây ra thật nhiều tội lỗi.
Hỡi Hội Thánh, chúng ta cần phải để ý tới tấm gương nầy. Chúng ta cũng được phước trong nhiều phương diện. Chúng ta cũng có nhiều cơ hội để được Đức Chúa Trời sử dụng trong việc gây dựng vương quốc của Ngài. Tuy nhiên, hết thảy mọi điều nầy đã bị phí phạm nếu chúng ta nhắm vào tính ích kỷ của chính chúng ta thay vì học biết yêu thương giống như Đức Chúa Trời đã yêu thương. Thực vậy, không có tình yêu thương, thì chẳng có việc nào ra gì hết.
Trong tiểu đoạn sau cùng nầy của chương 13, vị sứ đồ đối chiếu tính tạm thời của các ân tứ thuộc linh với tính lâu dài của tình yêu thương.
I. Các ân tứ thuộc linh sẽ qua đi (câu 8).
Câu 8 chép: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ”.
A. TÌNH YÊU THƯƠNG CHẲNG HỀ HƯ MẤT BAO GIỜ.
Phân đoạn nầy bắt đầu với thuộc tính sau cùng của tình yêu thương: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ”. “Chẳng hề hư mất” có ý nghĩa cơ bản nói tới “rơi xuống”. Từ ngữ Hy lạp đã được sử dụng để mô tả một cái lá cây đã chết khô rồi rơi xuống đất, ở đó nó mục nát đi. Tình yêu thương không hề mục nát bao giờ. Từ nầy được sử dụng trong văn học cổ điển nói tới một nghệ sĩ tồi bị huýt sáo buộc phải rời sân khấu. “Chẳng bao giờ” đề cập tới thời gian. Sát nghĩa từ nầy đọc là: “Chẳng có một thời điểm nào tình yêu thương sẽ chết mất đi, rơi xuống hay mục nát”. Tình yêu thiêng liêng của Đức Chúa Trời là vĩnh viễn tự nhiên.
Tình yêu thương không hư mất bao giờ vì đấy là bổn tánh cốt lõi của Đức Chúa Trời. Hãy suy nghĩ đến tình yêu ấy như thế nầy: Trên thiên đàng, chúng ta sẽ chẳng cần gì đến các ân tứ thuộc linh. Ở đó sẽ chẳng có rao giảng, dạy dỗ, nói tiên tri, các ân tứ tri thức, sự khôn ngoan, tiếng lạ hay bất kỳ một ân tứ thuộc linh nào khác. Thậm chí chúng ta không cần đến đức tin hay sự trông cậy vì đức tin của chúng ta đã trở nên thấy được và chúng ta sẽ sống trong sự hiện diện của Đấng Trông Cậy Hạnh Phước. Chỉ có tình yêu thương còn lại mà thôi. Chúng ta sẽ tắm trong sự hiện diện trọn vẹn của tình yêu không phai của Đức Chúa Trời cho cả cõi đời đời. “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ”.
Khi câu nầy nói: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ”, nói như thế không có nghĩa là tình yêu thương sẽ luôn luôn thành công đâu. Chúa Jêsus đã yêu thương thế gian. Ngài yêu thương con người. Tuy nhiên, Ngài đã và bị người ta xem khinh và chối bỏ. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không luôn luôn được tiếp nhận hay đền đáp lại. Dầu vậy, tình yêu agape chẳng biết tới một giới hạn nào. Tình yêu ấy “chẳng hề hư mất bao giờ”, cứ mãi lo yêu thương. Khi chúng ta sa vào những cuộc chiến đấu tạm về sự loạn nghịch và ích kỷ, Đức Chúa Trời không thôi yêu thương chúng ta. Thay vì thế, giống như Đức Chúa Cha dịu dàng, Ngài yêu thương kỷ luật chúng ta, đưa chúng ta trở lại với sự vâng phục. Bạn có bao giờ cảm thấy giống như Đức Chúa Trời đã từ bỏ bạn chưa? Bạn có bao giờ bước đi qua “trũng bóng chết” chưa? Bạn có bao giờ kêu la như các môn đồ đã kêu la ở giữa giông bão: “Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?” (Mác 4.38). Tất nhiên là Ngài rất quan tâm. Tình yêu thương của Ngài chẳng hề hư mất bao giờ. Hêbơrơ 13.5 nhắc cho chúng ta nhớ: “…vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. Trong trũng tuyệt vọng và ngã lòng, khi dường như chẳng có lối thoát, Đức Chúa Trời đang ở cùng chúng ta. Thi thiên 106.1 chép: “Ha-lê-lu-gia! Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là thiện; Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời”.
Reuel Howe minh họa phương diện nầy của tình yêu Đức Chúa Trời trong một câu chuyện nói tới bà mẹ kia và cô con gái 8 tuổi bướng bỉnh của bà. Cô gái bị sửa phạt rồi giận dữ ra khỏi phòng. Nó bước lại gần giường ngủ của mẹ nó và nhìn thấy chiếc váy mới màu đỏ của bà đặt trên giường, sẵn sàng mặc vào buổi tối đó. Trong một hành động loạn nghịch có ý báo thù, cô bé gái cắt chiếc váy của mẹ nó với những đường cắt chéo qua lại bằng cây kéo. Ngay khi đó mẹ nó bước vào phòng. Bà nhìn thấy cây kéo trong tay con gái mình và chiếc váy đã bị cắt rách hết. Bà ngồi xuống bên giường rồi bắt đầu bật khóc. Đứa con xếp kéo lại rồi bắt đầu khóc theo. Nó nói: “Mẹ ơi”, nhưng chẳng có lời đáp lại. Một lần nữa, nó kêu: “Mẹ ơi, Mẹ”, nhưng mẹ nó chẳng đoái hoài gì đến nó hết. Thế rồi, nó kêu lên: “Mẹ ơi, Mẹ, cho con xin”. Ngước nhìn lên trong hai hàng nước mắt, mẹ nó nói: “Xin cái gì?” Cô bé gái nài nĩ: “Xin đem con trở lại, xin đem con trở lại”. Đấy là tình yêu của Đức Chúa Trời. Tình yêu ấy đem chúng ta trở lại. Nếu Đấng Christ được thành hình ở trong lòng chúng ta, nếu chúng ta được biến đổi bởi tình yêu của Ngài, khi ấy chúng ta cần phải tỏ ra tình yêu không giới hạn, nín chịu đối với nhiều người khác.
B. NHỮNG LỜI TIÊN TRI VÀ TRI THỨC SẼ QUA ĐI.
Hãy chú ý sự đối ngược rõ ràng: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết…”. Chữ “hết” ra từ chữ katargeo có nghĩa là “đặt dấu chấm hết, hủy bỏ, thủ tiêu”. Giờ đây, hãy lưu ý cụm từ sau cùng trong câu: “…sự thông biết hầu bị bỏ”. “Bị bỏ” dù được dịch khác trong những bản Kinh Thánh Anh ngữ, chính xác đấy là chữ katargeo – “thủ tiêu”. Vì vậy cả hai ân tứ thuộc linh “nói tiên tri” và “sự thông biết” sẽ bị bỏ nhưng tình yêu thương chẳng hề thất bại bao giờ.
Cả hai thì của động từ nầy được sử dụng theo thể thụ động. Đây là một thuật ngữ song rất quan trọng khi nghe kỹ. Trong tiếng Hy lạp, có ba cách nói cơ bản mở rộng các động từ: chủ động, thụ động và dung hòa. Giọng chủ động có ý nói chủ thể đang thực hiện hành động. Giọng thụ động có ý nói đối tượng sẽ được hành động bởi chủ thể. Giọng dung hòa có ý nói chủ thể đích thân đang thực hiện hành động. Thí dụ, giọng chủ động sẽ là: “mẹ tắm cho con”. Bà mẹ đang hành động. Giọng thụ động sẽ là: “đứa con được mẹ tắm cho”, đứa con sẽ được thực hiện hành động đó. Giọng dung hòa sẽ là: “đứa con tự tắm cho mình”.
Katargeo được sử dụng trong giọng thụ động có ý nói đến ai đó hoặc vật gì đó sẽ hành động chiếu theo “lời tiên tri” và “sự thông biết” để khiến cho chúng bị hủy đi. Tất nhiên, Ai Đó là chính mình Đức Chúa Trời. Ở điểm nầy, Đức Chúa Trời sẽ hành động chiếu theo các ân tứ thuộc linh rồi khiến cho chúng bị hủy đi.
C. NÓI TIẾNG LẠ SẼ THÔI.
Xen kẻ giữa hai câu nói nầy về các ân tứ thuộc linh “nói tiên tri” và “sự thông biết” là câu nói đối ngược: “sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi”. “Thôi” không phải là katargeo; mà nó là pauo. Từ nầy có nghĩa là “đình chỉ, ngừng lại, chấm dứt hay đến mức cuối”. Không giống như “lời tiên tri” và “sự thông biết”, là những điều đã được đưa ra trong giọng thụ động, “thôi” hay pauo là giọng dung hòa có ý nói hành động ấy sẽ tự chủ thể thực hiện (nghĩa là, “đứa con tự tắm lấy”). Nói theo cách đơn giãn, các ân tứ thuộc linh nói tiên tri và sự thông biết sẽ kết thúc khi Đức Chúa Trời hành động để kết thúc chúng. Tuy nhiên, ân tứ nói tiếng lạ sẽ tự nó đi đến mức cuối. Nó có một thời hạn phải kết thúc, không tùy tiện máy móc nữa. Việc gì đó hay ai đó sẽ không khiến cho nó phải dừng lại; nó sẽ tự mình kết thúc thôi.
Các loại pin có tuổi thọ có hạn. Chúng sẽ hoạt động chỉ trong nhiều giờ và rồi chúng sẽ “thôi” không hoạt động nữa. Đấy là ý ở trong động từ nầy. Ân tứ nói tiếng lạ như chúng ta thấy nó trong Tân Ước sẽ được sử dụng trong một thời gian ngắn, nhưng rồi tự nó sẽ kết thúc thôi. Những chiếc xe hơi hiện đại đều có hai ràng buộc chính về an toàn: dây ràng và túi không khí. Dây ràng nơi ghế ngồi đòi hỏi bạn phải hành động trước khi nó hoạt động. Túi không khí sẽ tự nó hành động. Lời tiên tri và sự thông biết sẽ kết thúc khi chúng đã hành động rồi. Nói tiếng lạ sẽ tự nó kết thúc. Đúng vậy, Phaolô đang nói: “Nói tiếng lạ sẽ tự nó thôi đi”.
D. TÌNH YÊU THƯƠNG NÍN CHỊU, LỜI TIÊN TRI VÀ SỰ THÔNG BIẾT SẼ HẾT, NÓI TIẾNG LẠ SẼ THÔI.
Mặc dù chúng ta chắc chắn không muốn đặt Đức Chúa Trời vào một cái hộp và ra sức hạn chế quyền tể trị của Ngài trên loài thọ tạo, ân tứ thuộc linh nói tiếng lạ như đã được giới thiệu trong Tân Ước sẽ thôi ở phần kết thúc kỷ nguyên các sứ đồ. Đặc biệt Đức Chúa Trời có thể ban cho người ta nói nhiều thứ tiếng không? Một cách tuyệt đối. Có phải Đức Chúa Trời đang làm những việc lạ lùng trong lãnh vực nầy, đặc biệt trong công trường truyền giáo? Tôi chẳng có hồ nghi chi hết. Tuy nhiên, ân tứ đặc biệt nói tiếng lạ như chúng ta thấy nó được mô tả ở đây lâu nay đang trên đường đi tới điểm kết thúc rồi. Cho phép tôi cung ứng cho bạn 5 lý do tại sao tôi tin điều nầy là sự thực.
Thứ nhứt, nói tiếng lạ là một ân tứ dấu hiệu. Giống như những sự chữa lành và làm ra nhiều phép lạ, nói các thứ tiếng đã phụ giúp xác nhận sứ điệp của những vị sứ đồ, các tiên tri trước khi Tân Ước được hoàn tất. Ở cuối kỷ nguyên sứ đồ, các ân tứ nầy đã thôi.
Thứ hai, nói các thứ tiếng là một dấu hiệu nói tới sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên Israel. Hãy lật ra ở 14.21-22, chúng ta đọc: “Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ nhờ những người nói tiếng lạ, và môi miệng người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy họ cũng chẳng nghe ta. Thế thì, các thứ tiếng là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa”. Nói các thứ tiếng theo Kinh Thánh chưa bao giờ là một dấu chỉ về tình trạng thuộc linh, mà là một dấu cho người chưa tin, đặc biệt là người Do thái. Vì người Do thái chối bỏ Đấng Christ, hệ thống thờ phượng của họ sẽ bị hủy diệt trong vòng khoảng 15 năm kể khi tác phẩm nầy được viết ra. Vì lẽ ấy, nói các thứ tiếng là một dấu cho người Do thái vô tín sẽ thôi.
Thứ ba, nói các thứ tiếng không gây dựng cho Hội Thánh. Nói các thứ tiếng không phải là một dấu cho người tin Chúa mà cho người không tin Chúa. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng đã được sử dụng cách thích ứng và được giải thích đầy đủ rồi, nói các thứ tiếng chỉ gây dựng Hội Thánh bằng một phương thức có hạn. Hãy chú ý mấy câu nầy ở chương 14: • I Côrinhtô 14.5: “Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội thánh được gây dựng”.
• I Côrinhtô 14.12-13: “Ấy vậy, vì anh em nôn nả ước ao các sự ban cho thiêng liêng, hãy tìm cho được dư dật đặng gây dựng Hội thánh. Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy”.
• I Côrinhtô 14:22: “Thế thì, các thứ tiếng là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa”.
• I Côrinhtô 14:27-28: “Ví bằng có người nói tiếng lạ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải. Nếu không có ai thông giải, thì người đó phải làm thinh ở trong Hội thánh, mình nói với mình và với Đức Chúa Trời”.
• Hãy chú ý cách đặc biệt những gì Phaolô nói trong câu 19: “nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ”. Vì thế, nói các thứ tiếng có ít sự gây dựng cho Hội Thánh.
Thứ tư, nói các thứ tiếng chỉ được nhắc đến trong sách sớm nhất trong các sách Tân Ước. Thật là thú vị khi có nhiều người ngày nay tin mạnh mẽ đến nỗi nói các thứ tiếng là một sự dạy quan trọng của Kinh Thánh khi ân tứ ấy chỉ được nhắc tới trong 3 sách của Tân Ước! Sứ đồ Phaolô nhắc tới ân tứ nầy chỉ ở sách I Côrinhtô trong 14 sách. Ân tứ ấy không xuất hiện trong sách Công Vụ các Sứ đồ sau 19.6. Vì vậy dường như trước khi Kinh Thánh được hoàn tất, ân tứ nói tiếng lạ đã bị đình chỉ rồi.
Thứ năm, nói tiếng lạ có ít chỗ tham khảo đến trong lịch sử Hội Thánh. Từ 100 đến 200 năm qua, nói tiếng lạ không còn là một vấn đề trong Hội Thánh nữa vì ai nấy đều tin chắc ân tứ ấy đã thôi rồi. Trong hai ngàn năm, kể từ thời các sứ đồ, mới đây chỉ có vài lần tranh cãi về việc nói tiếng lạ. MacArthur viết: “Ân tứ nói tiếng lạ chẳng có một chỗ nào nói tới hay tìm thấy trong các tác phẩm nào của các Giáo phụ Hội Thánh. Clement ở Rôma đã viết một bức thư gửi cho Hội Thánh Côrinhtô vào năm 95, chỉ khoảng bốn thập niên sau khi Phaolô viết thư tín I Côrinhtô. Khi bàn về các nan đề trong Hội Thánh, Clement chẳng có nhắc tới việc nói tiếng lạ. Rõ ràng cả cách sử dụng và lạm dụng ân tứ ấy đã bị đình chỉ. Justin Martyr, Giáo phụ Hội Thánh lỗi lạc của thế kỷ thứ hai, đến thăm nhiều Hội Thánh trong thời của ông, tuy nhiên trong các tác phẩm nhiều tập của ông, ông chẳng nhắc tới chi về việc nói tiếng lạ cả. Ân tứ ấy chẳng được nhắc tới thậm chí giữa vòng các bảng danh sách dài những ân tứ thuộc linh. Origen, một học giả sáng chói của Hội Thánh, ông đã sống trong thế kỷ thứ ba, chẳng có nhắc tới việc nói tiếng lạ. Trong cuộc bút chiến chống lại Celsus, ông luận rằng các ân tứ dấu hiệu trong thời các sứ đồ đều nhất thời và không được các Cơ đốc nhân trong thời của ông luyện tập. Chrysostom, có lẽ là cột trụ quan trọng nhất trong các trước giả quan tâm đến Tân Ước, đã sống từ năm 347 cho tới năm 407. Khi viết về I Côrinhtô 12, ông nói rằng nói tiếng lạ và các ân tứ lạ lùng khác không những đã đình chỉ, mà còn không thể xác định chính xác nữa. Augustine, trong lời bình của ông về Công Vụ các Sứ đồ 2.4, đã viết: “Trong những thời xa xưa nhất, Đức Thánh Linh đã giáng trên họ, những người tin Chúa và họ đã nói các thứ tiếng. Đây là những dấu hiệu được sử dụng trong thời đó, vì có sự trợ giúp của Đức Thánh Linh. Việc ấy đã được thực thi để báo hiệu và rồi nó qua đi”. Các sử gia và những nhà thần học của Hội Thánh đầu tiên đã cho rằng nói tiếng lạ đã bị đình chỉ không còn tồn tại sau thời kỳ các sứ đồ. Về ân tứ nầy chúng ta biết rõ nằm trong phong trào được lãnh đạo bởi Montanus, một người dị giáo vào thế kỷ thứ hai, ông tin rằng sự mặc khải thiêng liêng còn tiếp tục qua ông trổi hơn cả Tân Ước”.
Chúng ta có thể tiếp tục mãi ở đây, nhưng cho phép tôi nói rằng tôi chẳng có ý đố kỵ gì với những ai xưng mình đang thực hành nói tiếng lạ hôm nay. Nhiều người trong số họ là những tín đồ thành thật, họ chắc trung tín nhiều với Đức Chúa Trời còn hơn cả tôi nữa. Dứt khoát, tôi cũng không muốn nói rằng Đức Chúa Trời không thể truyền đạt theo cách siêu nhiên qua những hàng rào ngôn ngữ, đặc biệt trong phạm trù truyền giáo. Tuy nhiên, tôi tin rằng ân tứ nói tiếng lạ mà Hội Thánh đầu tiên đã kinh nghiệm đã đạt tới điểm phải đình chỉ ở cuối kỷ nguyên các sứ đồ.
Có người thắc mắc: “Còn về lời tiên tri của Giôên mà Phierơ trưng dẫn ở Công Vụ các Sứ đồ 2 vào ngày lễ Ngũ Tuần thì sao? Nói như thế nghĩa là trong những ngày sau rốt Đức Chúa Trời sẽ ban ra các ân tứ dấu hiệu một lần nữa chăng?” Chúng ta hãy xét việc ấy. Giôên 2.28-32 chép: “Sau đó, ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri; những người già cả các ngươi sẽ thấy chiêm bao, những kẻ trai trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện thấy. Trong những ngày đó, dầu những đầy tớ trai và đầy tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên. Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất: tức là máu lửa, và những trụ khói. Mặt trời sẽ đổi ra tối tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến. Bấy giờ ai cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu; vì theo lời Đức Giê-hô-va, thì ở trên núi Si-ôn và trong Giê-ru-sa-lem, sẽ có những người trốn khỏi, và trong những người còn sống sót, sẽ có kẻ mà Đức Giê-hô-va kêu gọi” (đối chiếu Công Vụ các Sứ đồ 2.17-21).
Những gì đã xảy ra tại Lễ Ngũ Tuần và trong kỷ nguyên Hội Thánh đầu tiên chỉ là một hình bóng nói trước những gì sẽ xảy ra vào cuối thời đại. Sẽ chẳng có “máu lửa, và những trụ khói”. “Mặt trời” không “sẽ đổi ra tối tăm”, “mặt trăng [không] ra máu” nữa. Những việc đó không xảy ra trong thời hiện tại. Chúng chỉ ra thời kỳ mạt thế, cuối cùng của thời đại trong “ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giêhôva”. Tuy nhiên, mục đích của câu là một sự trái ngược. Các ân tứ thuộc linh không phải là tiêu điểm của chúng ta. Đồng thời hết thảy chúng sẽ thôi hoặc qua đi khỏi bối cảnh. Tuy vậy, “tình yêu thương chẳng hề thất bại bao giờ”. Tình yêu thương còn mãi đời đời.
II. Các ân tứ thuộc linh chỉ là một phần thôi (các câu 9-10).
A. CHÚNG TA HIỂU BIẾT CHỨA TRỌN VẸN VÀ CHÚNG TA NÓI TIÊN TRI CHƯA TRỌN VẸN (câu 9).
Câu 9 chép: “Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn”. Bạn có thấy sự song hành giữ sự thông biết và nói tiên tri không? Chúng sẽ tiếp tục trong một thời gian ngắn cho tới chừng nào Đức Chúa Trời ngăn chặn chúng lại. Chúng sẽ “hư mất” hay sẽ “hết” khi “sự trọn lành đã đến”. Thậm chí cả Phaolô không có nhắc tới việc nói tiếng lạ ở đây vì ân tứ ấy không bao lâu nữa sẽ tự nó mất đi.
Ngày nay, chúng ta vẫn còn có các ân tứ nói tiên tri và sự thông biết. Trong thời kỳ Cựu Ước, ân tứ nầy đã được sử dụng để loan báo sự mặc khải của Đức Chúa Trời, những gì chưa được viết ra trong Kinh Thánh. Ngày nay, các ân tứ nầy đã được sử dụng để dạy dỗ và khẳng định mặc khải thành văn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.
Dù vậy tất cả các ân tứ, cả những ân tứ tạm thời kia đã bị đình chỉ lâu rồi và các ân tứ vẫn hoạt động hôm nay đều là nhất thời. Chúng sẽ không kéo dài cho đến đời đời đâu. Các ân tứ dấu hiệu chỉ là tạm thời hơn những ân tứ còn lại. Ơn nói tiên tri của chúng ta, đấy là sự dạy dỗ và rao giảng cũng như sự thông biết của chúng ta, khả năng nắm bắt mọi lẽ thật quan trọng của Đức Chúa Trời nhất định là “chưa trọn vẹn”. Mặc dù chúng ta có Lời trọn vẹn của Đức Chúa Trời để nghiên cứu, Lời ấy không nói cho chúng ta biết mọi sự cần phải biết. Trong những giới hạn về sự thông biết Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, những tín điều và sự dạy thần học quan trọng đều là các bức họa của con trẻ mà thôi. Ngay cả nếu bạn có thể hiểu đầy đủ Kinh Thánh đi nữa, bạn vẫn chưa biết hết được Đức Chúa Trời trong đời nầy. Hãy xét qua mấy câu sau đây:
• I Côrinhtô 8.2 chép: “Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết”.
• Ở Philíp 3.12, Phaolô nói về chính đời sống của ông: “Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đang chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Jêsus Christ giựt lấy rồi”.
• Gióp 11.7-9 thắc mắc: “Nếu ông dò xét, há có thể hiểu biết được sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, Và thấu rõ Đấng Toàn năng sao? Sự ấy vốn cao bằng các từng trời: Vậy ông sẽ làm gì? Sâu hơn âm phủ: ông hiểu biết sao đặng? Bề dài sự ấy lại hơn cỡ trái đất, Và rộng lớn hơn biển cả”.
• Thi thiên 40.5 chép: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công việc lạ lùng Chúa đã làm, Và những tư tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều, Không thể sắp đặt trước mặt Chúa; Nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, Thật lấy làm nhiều quá không đếm được”.
Giờ đây, Đức Chúa Trời nhất định ban cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để biết trong lúc bây giờ. Kinh Thánh rất đầy đủ rồi. II Phierơ 1.3 chép: “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta”. Côlôse 2.3 cho chúng ta biết trong Đấng Christ “đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng”. Chỉ khi “sự trọn lành” đến, sự thông biết chưa trọn vẹn của chúng ta sẽ được lồng vào sự thông biết hoàn toàn của Chúa.
B. “SỰ TRỌN LÀNH” ĐẾN SẼ BỎ HẾT SỰ THÔNG BIẾT VÀ NÓI TIÊN TRI (câu 10).
Câu 10 chép: “song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ”. THẮC MẮC TO LỚN là: sự gì là “sự trọn lành”? Tôi phải công nhận với bạn rằng tôi đã vật lộn với câu nầy cả tuần lễ đó. Tôi biết mình đã suy nghĩ như thế nào, song tôi muốn được thong thả trí óc và xem xét mọi quan điểm. Tôi đã dọc nhiều sách và đã xem qua nhiều bàn luận.
Thực vậy, cho phép tôi cung ứng cho bạn những mục đích chính của quan điểm và rồi tôi sẽ nói cho bạn biết tôi đã đạt tới chỗ phải tin tưởng như thế nào kìa.
1. Phần giải thích thứ nhứt, sự trọn lành là sự hoàn tất Kinh Thánh. Quan điểm nầy rất phổ thông giữa vòng những Cơ đốc nhân bảo thủ. Về cơ bản thì quan điểm cho rằng khi kinh điển của Kinh Thánh bị khép lại, mọi ân tứ thuộc linh trừ ra đức tin, sự trông cậy và tình yêu thương sẽ hết đi. Người nào theo quan điểm nầy nói rằng cách giải thích như thế rất phù hợp với nội dung của phân đoạn Kinh Thánh. Vì chữ “trọn lành” là teleion có ý nói “trưởng thành”, họ nói rằng ở phần kết thúc của kinh điển trong Tân Ước đã chuyển Cơ đốc giáo từ chỗ con trẻ đến chỗ trưởng thành. Về sự nầy, họ chỉ ra nội dung của câu 11: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ”.
Cho phép tôi cung ứng cho bạn bốn lý do tại sao tôi không chấp nhận quan điểm nầy.
Thứ nhứt, quan điểm ấy chẳng ăn nhập gì đến người thành Côrinhtô. Họ và có lẽ ngay cả Phaolô đã có một ít hoặc chẳng hiểu biết gì về cách thức Kinh Thánh được hoàn tất. Làm sao họ có thể hình dung được về những quyển Kinh Thánh của chúng ta hôm nay với cụm từ “trọn lành” cho được?
Thứ hai, chấp nhận quan điểm nầy là chối bỏ mọi ân tứ thuộc linh trừ ra đức tin, sự trông cậy và tình yêu thương (câu 13). Theo cách giải thích nầy, không những nói tiếng lạ sẽ thôi, mà còn lời tiên tri, sự thông biết, sự thương xót, sự cứu giúp và một loạt các ân tứ khác vẫn có cần và được sử dụng bởi Hội Thánh ngày nay.
Thứ ba, đây không phải là một quan điểm mà đại đa số Cơ đốc nhân chính thống đã duy trì trong nhiều thế kỷ. Thay vì thế, dường như nó kiếm được sự chấp nhận giống như một cách đánh trận với phong trào rất lôi cuốn hơn thế kỷ qua.
Thứ tư, câu 12 chỉ nói rằng khi sự “trọn lành” đến, chúng ta sẽ thấy “mặt đối mặt”. Phải, Kinh Thánh trọn bộ đang tô vẽ một bức tranh nói tới Đức Chúa Trời. Chắc chắn chúng ta có nhiều hiểu biết ngày nay mà người thành Côrinhtô đã có. Tuy nhiên, sự thông biết của chúng ta về Đức Chúa Trời vẫn bị hạn chế rất nhiều. Chúng ta biết mọi sự chúng ta cần phải biết nhưng chúng ta không biết mọi sự chúng ta sẽ biết. Dù vậy, Kinh Thánh hứa sẽ có một thời điểm mà chúng ta sẽ nhìn thấy Đấng Christ “hai mặt đối nhau”.
2. Phần giải thích thứ nhì, sự trọn lành là sự cất lên của Hội Thánh.
Trên biểu đồ tiên tri, kỷ nguyên nầy sẽ đạt tới phần kết cuộc với sự Cất Lên của mọi kẻ được chuộc. I Têsalônica 4.16-17 chép: “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn”.
Tuy nhiên, các sách tiên tri nói rõ rằng sẽ có nhiều sự giảng dạy trong suốt kỳ Đại Nạn và trong Vương quốc Thiên Hi Niên. Giảng dạy đòi hỏi các ân tứ nói tiên tri và sự thông biết. Nếu lời tiên tri và sự giảng dạy đình chỉ ngay lúc có Sự Cất Lên, thì làm sao còn có giảng dạy được nữa?
3. Phần giải thích thứ ba, sự trọn lành là sự Tái Lâm của Đấng Christ.
Thứ nhứt, thì của chữ teleion không đề cập tới một thân vị, mà đề cập tới một điều kiện. Vậy, chữ ấy không đề cập tới thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ. Kỷ nguyên Vương quốc hay sự trị vì ngàn năm cũng đến sau sự Tái Lâm. Một lần nữa, sẽ có nhiều sự giảng dạy trong suốt thời kỳ nầy. Êsai 11.9 chép về ngày ấy: “…vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển”. Êsai 29.18 chép: “Trong ngày đó, kẻ điếc sẽ nghe những lời trong sách; con mắt của kẻ đui sẽ xem thấy từ sự tối tăm mù mịt”.
4. Phần giải thích thứ tư, sự trọn lành là kỷ nguyên đời đời.
Tôi cảm thấy rất yên ủi với cách giải thích nầy. Sau Vương quốc Thiên Hi Niên, sau khi Satan bị xét đoán và tất cả những kẻ không tin Chúa bị xét đoán, Đức Chúa Trời sẽ thiết lập trời mới đất mới, Ngài sẽ sống ở đó với kẻ được chọn của Ngài. Ở đó, chúng ta sẽ tắm trong sự hiện diện của Ngài cho đến đời đời. Chẳng còn cần tới sự giảng dạy nữa, vì chúng ta sẽ có sự hiểu biết trọn vẹn trong sự hiện diện trọn vẹn của Ngài. Chúng ta sẽ có lý trí trọn vẹn trong loại thân thể trọn vẹn, sống trong một môi trường trọn vẹn. Chỉ khi ấy, các ân tứ đặc biệt là giảng dạy sẽ không còn cần thiết nữa. Ân tứ duy nhứt còn lại là tình yêu thương và tình yêu ấy sẽ ngự trị cho đến đời đời.
Đối với người tin Chúa, tình trạng đời đời nầy sẽ bắt đầu nơi sự chết hay sự cất lên, khi chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Ngài. Khi chúng ta “lìa bỏ thân thể” chúng ta sẽ được “ở cùng Chúa” (II Côrinhtô 5.8). I Giăng 3.2 chép: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy”. Thể trạng đời đời bắt đầu cho những tín đồ khi sự sống nầy qua đi. Tuy nhiên, nó sẽ không bắt đầu cho mọi loại thọ tạo cho tới sau Kỷ Nguyên Vương Quốc.
III. Các ân tứ thuộc linh là cơ bản (các câu 11-12).
A. TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CỦA CHÚNG TA GIỐNG NHƯ CON TRẺ (câu 11).
Khi tôi nói các ân tứ thuộc linh là cơ bản, tôi có ý nói chủ yếu theo ý thức cơ bản hoặc hiểu biết cơ bản. Trong khu vực Trường Chúa Nhựt có một lớp cơ bản. Trong lớp đó, những con trẻ của chúng ta đang tiếp thu những điều rất cơ bản về Lời của Đức Chúa Trời.
Phaolô sánh đời sống thuộc linh hiện tại của ông với con trẻ. Ông nói trong câu 11: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ”.
Trước tiên, Phaolô nói: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ”. Lời lẽ của ông là con trẻ. Chúng ta vẫn nhắc cho các bé gái của chúng ta nhớ tới những việc về sự duyên dáng mà chúng hay nói khi còn nhỏ. Cách nói năng của trẻ con bị hạn chế trong từ vựng và phạm vi. Cũng ý nghĩa như thế, những gì chúng ta nói về Đức Chúa Trời giờ đây rất chủ yếu và cơ bản. Ngay cả những bài giảng quyền năng nhất và thần học sâu sắc phức tạp nhất đều là con trẻ được sánh với những gì chúng ta sẽ nói trong sự hiện diện của Đấng Christ. Hãy chú ý điều nầy được sánh thể nào với nói tiên tri và sự giảng dạy.
Thứ hai, ông nói: “tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ”. Điều nầy so sánh với ân tứ thông biết. Lý do sự nói năng của đứa trẻ bị hạn chế là vì tư tưởng của nó luôn có hạn. Khi chúng ta còn trẻ hết thảy chúng ta đều được nói cho biết: “Em sẽ hiểu khi em lớn lên một chút nữa”. Cũng một thể ấy, sự hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời và những việc thuộc linh chưa được đầy đủ lắm và bị hạn chế giờ đây, nhưng trong sự hiện diện của Ngài sẽ được trọn vẹn và không còn có giới hạn nữa.
Thứ ba, Phaolô tiếp tục nói: “khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ”. Là một người Do thái, Phaolô đã có một mitzvah. Đây là chữ Hy bá lai nói tới “con của Luật pháp”. Ở tuổi 13, ông được coi là người lớn trong xã hội của mình và bị buộc phải để những việc con trẻ lại sau lưng. Sau khi mẹ tôi qua đời cách đây mấy năm, bố tôi góp lại một số đồ chơi, sách vỡ còn chừa lại khi tôi còn nhỏ. Tôi đã giữ vài cuốn làm vật lưu niệm, nhưng chúng tôi đã bỏ chúng đi rồi. Là một người lớn, tôi chẳng còn dùng cho “những việc con trẻ” nữa. Chúng ta một ngày kia sẽ có một mitzvah thuộc linh. Khi chúng ta gặp gỡ Đấng Christ, “những việc con trẻ” của đời nầy, những việc dường như là quan trọng trong lúc bây giờ, sẽ qua đi khỏi ký ức của chúng ta.
B. TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CỦA CHÚNG TA GIỐNG NHƯ MỘT TẤM GƯƠNG MỜ (câu 12).
Câu 12 chép: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy”. Gương kiểu xưa được làm bằng kim loại đánh bóng, chớ chẳng phải kính đâu. Nhà ngôn ngữ học A.T. Robertson nói rằng gương trong II Côrinhtô đặc biệt được xem là có giá trị. Phaolô sử dụng hình bóng ấy để làm bật ra mục đích nầy. Vì loại gương nầy gần như không trong sáng rõ ràng như loại kính hiện đại của chúng ta, người ta luôn luôn nhìn thấy hình ảnh của mình cách “mập mờ”. Robertson trưng dẫn một câu nói xưa: “Thấy mặt người bạn trong gương mờ sẽ rất khác với việc nhìn thẳng vào người bạn đó”.
Nói theo cách thuộc linh, sự thông biết của chúng ta giờ đây mờ ảo lắm, giống như nhìn vào một cái gương xưa vậy. Chúng ta thấy hình dạng cơ bản, nhưng các chi tiết quen thuộc vẫn mờ nhạt. Phaolô nói rằng chúng ta sẽ thấy “hai mặt đối nhau”. Điều nầy khiến tôi phải nghĩ tới Fanny J. Crosby, tác giả thánh ca mù, bà đã sáng tác hơn 9000 bài ca thánh và bài ca Tin Lành suốt cả cuộc đời mình. Bà từng nói rằng bà chẳng lo chi về việc bị mù, vì gương mặt đầu tiên bà sẽ nhìn thấy phải là Chúa Jêsus.
Hãy chú ý phần cuối của câu 12. Phaolô nói: “ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy”. Đức Chúa Trời biết mọi sự về chúng ta, thậm chí số tóc trên đầu của chúng ta nữa. Khi sự “trọn lành” đến, chúng ta cũng sẽ biết Ngài cách trọn vẹn nữa. Mọi thắc mắc về đời nầy sẽ được bật mí. Chúng ta sẽ hiểu lý do tại sao chúng ta phải chịu khổ. Những tình huống khó khăn về thần học sẽ được làm cho biết cách trọn vẹn. Khi ấy chúng ta sẽ có thể nắm bắt được sự bao la của ân điển Ngài. Êphêsô 2.4-7 chép: “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu, và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ, hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ”.
Tôi thích bài thơ xa xưa, có đề tựa: Chữ viết bằng tay của Đức Chúa Trời:
Ngài viết ra những chữ rất trang trọng,
Để cho khả năng cận thị của chúng ta hiểu được;
Chúng ta hiểu được,
nhưng có những nét đứt quãng,
Và tìm cách tìm hiểu mọi sự kín nhiệm
nói tới những hy vọng đã héo hắt,
Về sự chết, sự sống,
chiến tranh không dứt, sự tranh cạnh vô ích,
Nhưng ở đó, với trí hiểu rộng rãi, rõ ràng hơn,
Chúng ta sẽ thấy điều nầy –
đường lối của Ngài luôn luôn đúng.
IV. Tình yêu thương là vĩnh cửu (câu 13).
Câu 13 chép: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương”. Trong thì hiện tại, vì “bây giờ”, “đức tin, sự trông cậy” và “tình yêu thương” vẫn còn ngự trị. Đây là ân tứ quan trọng nhất trong các ân tứ thuộc linh. Đây là “điều trọng hơn hết” (13.13). Đây là các ân tứ đã được ban cho từng tín đồ với một lượng nào đó.
Tuy nhiên, “tình yêu thương” là “điều trọng hơn”. Tình yêu thương chứa đựng “đức tin” trong đó nó “tin mọi sự”. Tình yêu thương chứa đựng “sự trông cậy” trong đó nó “trông cậy mọi sự” (câu 7). Sẽ chẳng còn có đức tin hay sự trông cậy nữa ở thiên đàng vì mọi sự chơn thật đều được biết hết và mọi sự tốt lành sẽ được vui hưởng trọn vẹn. “Tình yêu thương” là điều trọng nhất vì nó là quan trọng nhất. Tình yêu thương là ân tứ trọng hơn hết thậm chí ngay bây giờ đây, vì không có tình yêu thương thì chẳng có việc gì ra hồn hết. “Tình yêu thương” là điều trọng nhất vì khi chúng ta hành động trong sự yêu thương, chúng ta được nối kết với Đức Chúa Trời. I Giăng 4.11 chép: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau”.
Cho phép tôi kết thúc với mấy câu nầy:
Tôi mãi đếm những tờ đô la của mình,
Trong khi Đức Chúa Trời đếm thập tự giá;
Tôi tính những điều kiếm được
Trong khi Ngài tính những điều bị mất;
Tôi được kể là xứng đáng
bởi những thứ mua sắm được,
Còn Ngài kể đến tôi
bởi những vết sẹo mà tôi đang mang đây.
Tôi thèm lắm vinh quang
rồi tìm cách có được những học vị;
Ngài rơi lệ khi Ngài tính thì giờ trên đầu gối của tôi.
Tôi không hề biết, cho tới một ngày kia bên mồ mả,
Hư không dường bao là
các thứ cả đời chúng ta lo dành dụm.
Tôi không biết cho tới chừng người bạn ra đi,
Người giàu có nhất là người giàu có
trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét