Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 14.1-19: "Lẽ thật về nói tiếng lạ – Phần 1"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Lẽ thật về nói tiếng lạ – Phần 1
I Côrinhtô 14.1-19
Có một câu chuyện đời xưa gần như có nguồn gốc ở Trung Quốc cổ nói tới ba người mù, họ đang xem xét một con voi. Sau đây là bài thơ mô tả câu chuyện đó:
Có ba người Hoa
Tánh ham thích học hỏi,
Họ đến xem một chú voi
(Dù cả ba đều mù),
Mỗi người một quan sát
Muốn làm thỏa mãn lý trí mình.
Người thứ nhứt đến gần con voi,
Và gần như vấp ngã
Bên sườn to rộng và vững chắc của nó,
Ngay lập tức bắt đầu hô to lên:
"Chúa chúc phước cho tôi! Nhưng con voi
giống như một bức tường!"
Người thứ hai, đụng phải cái ngà
Bèn kêu lên: "Ôi! Chúng ta đang có gì đây,
Nó tròn, nhẵn và nhọn hoắc?
Đối với tôi việc nầy rõ ràng lắm rồi
Con voi kỳ lạ nầy
giống như một ngọn giáo!"
Người thứ ba đến gần con vật,
Và tay đang vịn lấy cái vòi,
Rất dạn dĩ, anh ta nói:
"Tôi thấy con voi
giống như một con rắn!"
Tôi luôn được nhắc nhớ về câu chuyện đời xưa ấy khi tôi nghĩ đến cách thức Hội Thánh hiện đại xem xét ân tứ thuộc linh nói tiếng lạ. Vì cớ tính đại chúng của các Hội Thánh được ưa chuộng và các sự dạy của họ, nhiều Cơ đốc nhân đã bị nhầm lẫn về mọi điều Kinh Thánh dạy về việc nói tiếng lạ.
Trước khi chúng ta đi xa hơn, tôi muốn đưa ra một điểm tuyệt đối rõ nét và tôi chẳng có cái búa nào để bủa nghịch lại các anh chị em đang có sức lôi cuốn của chúng ta. Tuy nhiên, khi bạn dạy dỗ qua Kinh Thánh một cách có hệ thống và lần lượt qua từng câu Kinh Thánh một, bạn phải xử lý với từng đề tài. Trong phần nghiên cứu về sách I Côrinhtô, chúng ta không thể chạy ùa qua chương 14 được. Chúng ta phải xử lý với nó. Trách nhiệm của tôi là cung ứng cho bạn “toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời” dù có được ưa thích hay là không.
Nếu chúng ta làm theo những qui tắc nghiêm ngặt của việc giải thích Kinh Thánh, đặc biệt nghiên cứu từng câu một trong nội dung của nó, chúng ta sẽ thấy rằng phần lớn những gì được mô tả trong thời của chúng ta như ân tứ thuộc linh nói tiếng lạ, nó không được phổ thông lắm trong những ngày dựng nền tảng của Hội Thánh.
Trong Tân Ước, ân tứ nói tiếng lạ đã phục vụ cho hai chức năng chính:
• Thứ nhứt, đây là một DẤU HIỆU LẠ LÙNG. Ở Công Vụ các Sứ đồ 2, khi Đức Thánh Linh lần đầu tiên giáng lâm trên Hội Thánh, các tín đồ đã nói ra “những sự cao trọng của Đức Chúa Trời” (câu 11). Các tín hữu Do thái nầy đã nói về Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời, sự chết có tính cách hy sinh của Ngài và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
Họ đã nói theo ngôn ngữ riêng, nhưng người ta từ 13 nhóm tiếng khác nhau nghe họ nói bằng ngôn ngữ chính của họ. Thực vậy, cụm từ “nói các thứ tiếng” ra từ chữ glossa có nghĩa là: “các thứ tiếng”. Những khách ngoại bang nầy đang viếng thăm thành Jerusalem ngày ấy đã lấy làm kinh ngạc khi phép lạ nầy xảy ra. Câu 12 chép: “Ai ai đều sợ hãi, không biết nghĩ làm sao, bèn nói với nhau rằng: Việc nầy là nghĩa làm sao?” Cho nên, ân tứ nói tiếng lạ là một dấu hiệu. Về sau, khi Tin Lành được rao giảng cho người nhà Cọt-nây, nhiều người Ngoại đã được cứu. Công Vụ các Sứ đồ 10.45-46 chép: “Các tín đồ đã chịu phép cắt bì, là những kẻ đồng đến với Phi-e-rơ, đều lấy làm lạ, vì thấy sự ban cho Đức Thánh Linh cũng đổ ra trên người ngoại nữa. Vì các tín đồ đó nghe họ nói tiếng ngoại quốc và khen ngợi Đức Chúa Trời”. Một biến cố tương tự đã xảy ra với một vài người từ thành Êphêsô ở chương 19. Nói các thứ tiếng khẳng định sự Đức Thánh Linh giáng lâm trên Hội Thánh một cách cụ thể. Nói các thứ tiếng khẳng định ơn cứu rỗi của những tín đồ dân Ngoại đầu tiên.
• Thứ hai, nói các thứ tiếng là dành cho SỰ TRUYỀN ĐẠT. Đức Chúa Trời đã ban ân tứ nầy cho một số người để họ có thể truyền đạt rõ ràng các tin tức tốt lành nói tới Đức Chúa Jêsus Christ ngay lập tức cho nhiều người biết theo các thứ tiếng nói của họ. Điều nầy là cần thiết trong suốt thời kỳ non trẻ của Cơ đốc giáo để Lời của Đức Chúa Trời có thể được truyền bá rộng rãi mau chóng giữa vòng các dân Ngoại.
Chúng ta cũng nên lưu ý ở đây rằng ân tứ nói tiếng lạ dường như rất hiếm hoi. Ân tứ ấy chỉ được mô tả ở hai trong số 27 sách của Tân Ước và đã được nói trước ở một trong số 39 sách Cựu Ước. Quả là không đúng khi đặt phần nhấn mạnh trên một việc mà trong Kinh Thánh không chú trọng bao nhiêu hết.
Sách I Côrinhtô khẳng định rằng Hội Thánh Côrinhtô đã dùng sai và giả mạo ân tứ chân chính nói các thứ tiếng. Trong thế kỷ đầu tiên, sự thực hành những cách nói năng trong trạng thái mê man rất phổ thông trong các ngoại giáo thuộc Lamã–Hy lạp. Người ta sẽ say sưa và tự nhảy múa trong mê loạn. Họ tìm kiếm một trạng thái nửa tỉnh nửa mê mà họ tin đã cho phép họ tương giao với các thần linh.
Cách nói năng lắp bắp của họ trong các hoàn cảnh nầy được tin là ngôn ngữ của các thần. Những gì từng gợi ý trước đây đã được làm cho rõ ràng trong chương nầy. Phần lớn những điều được đổ cho việc nói tiếng lạ trong Hội Thánh Côrinhtô không phải là ân tứ chân chính mà là một sự giả mạo mượn từ các thứ ngoại giáo. Những buổi thờ phượng của họ đã trở thành hỗn độn và chẳng chú trọng bao nhiêu vào sự thờ phượng chân chính và sự dạy Kinh Thánh.
Dường như rất rõ ràng là nói năng trong trạng thái mê loạn đã trở thành một biểu tượng cho địa vị thuộc linh. Hết thảy họ đều bị nung nấu với một sự khao khát muốn nói tiếng lạ dù họ có ân tứ chân chính hay không. Hội Thánh thì chưa trưởng thành và rất xác thịt. Họ lập phe đảng, ganh ghét, chia rẽ, tranh cãi, kiêu căng, bừa bãi và phi luân. Mọi nổ lực giả dối của họ trong việc nói tiếng lạ chỉ thêm lên sự nhầm lẫn mà thôi.
Vì thế, Phaolô trong nửa đầu của chương 14 giải thích ba lý do tại sao nói tiếng lạ không phải là ân tứ chính của Đức Thánh Linh và không phải là ơn mà chúng ta nên tìm kiếm.
I. Nói tiếng lạ là không cần thiết (các câu 1-5).
A. TÌNH YÊU THƯƠNG LÀ CẦN THIẾT (câu 1a).
Câu 1 chép: “Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương. Cũng hãy ước ao các sự ban cho thiêng liêng, nhứt là sự ban cho nói tiên tri”. “Nôn nả” ra từ chữ dioko có nghĩa là “chạy theo, săn đuổi hay đuổi bắt với cảm xúc mãnh liệt”. Từ nầy đôi khi được dịch là “quấy rầy”.
Vấn đề quan trọng nhất với Hội Thánh Côrinhtô và với nhiều Cơ đốc nhân ngày nay là thiếu tình yêu agape. Đấy là lý do tại sao Phaolô hiến toàn bộ chương thứ 13 cho cái mà ông gọi là “con đường tốt lành hơn” (12.31). Tình yêu thương nín chịu. Tình yêu thương chịu đựng. Hiển nhiên hết thảy các ân tứ thuộc linh sẽ truyền đi từ bối cảnh nầy.
Ý chỉ của Đức Chúa Trời cao cả hơn mọi sự, ấy là chúng ta hãy “nôn nả tìm kiếm tình yêu thương”. I Phierơ 1.22 chép: “Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng”. Chúng ta cần phải theo đuổi “mối quan hệ cứu chuộc” nầy.
Chúng ta yêu thương những kẻ chưa tin Chúa nên chúng ta phải chia sẻ Đấng Cứu Chuộc. Chúng ta yêu mến các tín hữu vì trong mối tương giao của chúng ta, chúng ta được khích lệ phải đồng đi với Đấng Christ. Vì thế, chúng ta cần phải thật khó nhọc khi theo đuổi, nôn nả tìm kiếm tình yêu thương.
B. CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH RẤT CẦN THIẾT (câu 1b).
Cũng trong câu 1, Phaolô nói chúng ta nên “ước ao các sự ban cho thiêng liêng”. Chúng ta cần phải nôn nả “tìm kiếm tình yêu thương” trước tiên, nhưng không nên xem thường “các sự ban cho thiêng liêng” của chúng ta. Chúng ta không nên lập ra một nhóm nào đó cắt rời với phần còn lại của thế gian rồi ngồi quanh, công bố tình yêu thương của mình cho nhau. Thay vì thế, chúng ta cần phải năng động trong chức vụ khi sử dụng các sự ban cho thiêng liêng của chúng ta.
Người thành Côrinhtô đã có nan đề ngược lại. Họ không chú trọng vào tình yêu thương và mọi chú trọng của họ đều nhắm vào các sự ban cho thiêng liêng, đặc biệt là nói tiếng lạ vì họ muốn tỏ ra tầm quan trọng của họ, chớ không lo gây dựng cho người khác.
C. NÓI TIÊN TRI LÀ CẦN THIẾT (câu 1c).
Chúng ta cần phải “ước ao các sự ban cho thiêng liêng, nhứt là sự ban cho nói tiên tri”. “Nói tiên tri” nghĩa là “nói trước” và một khi đấy là tiêu điểm của việc nói trước, trong phạm trù nầy chủ yếu nó được áp dụng cho việc nói ra, thốt ra Lời của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta cần phải ao ước một ân tứ thuộc linh, ao ước của chúng ta phải dành cho việc nói tiên tri vì sự dạy Lời Đức Chúa Trời gây dựng cho toàn thể Hội Thánh.
Chữ “anh em” nằm trong hình thức số nhiều cho thấy rằng họ và chúng ta trong vai trò một Hội Thánh nên ao ước “nói tiên tri”. Không phải ai trong Hội Thánh cũng có ân tứ nói tiên tri và có người có nhiều ân tứ hơn người khác. Tuy nhiên, chúng ta hết thảy đều đánh giá cao chức vụ “nói tiên tri”. Trọng tâm sinh hoạt của Hội Thánh đáng phải có là lo dạy dỗ và học hỏi Lời của Đức Chúa Trời.
D. NÓI TIẾNG LẠ LÀ KHÔNG CẦN THIẾT VÌ CHÚNG KHÔNG LÀM ÍCH CHO TOÀN THỂ HỘI THÁNH (câu 2).
Câu 2 chép: “Vì người nào nói tiếng lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm)”. Khi Phaolô nói người ấy “không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời” ông không sử dụng mạo từ xác định. Nếu người ấy đang nói với Đức Chúa Trời Toàn Năng, bản Hy lạp chỉ ra “Đức Chúa Trời”. Thay vì thế, từ nầy sẽ được dịch là “với một vị thần”. Một lần nữa, nói tiếng lạ theo kiểu của người thành Côrinhtô gần giống với các tà giáo bí nhiệm.
Có người sử dụng câu nầy để đẩy mạnh ý niệm cho rằng các tín đồ đang nói các thứ tiếng trong ngôn ngữ cầu nguyện riêng với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, từng lời cầu nguyện được ghi lại trong Kinh Thánh đã được thốt ra với Đức Chúa Trời như một lời cầu nguyện theo trí khôn với tiếng nói phổ thông. Ngay cả lời cầu nguyện như thầy tế lễ cả của Chúa Jêsus trong Giăng 17, ở đây Ngài nói năng trực tiếp với Đức Chúa Cha bằng tiếng nói phổ thông của con người.
Phaolô nói thẳng: “bởi chẳng ai hiểu” lối nói năng đó. Nói cách khác, sự sai lầm nầy về việc nói tiếng lạ chẳng có ích lợi gì cho ai cả, thậm chí chẳng ích lợi cho cả người nói nữa. Người ấy nói ra “lời mầu nhiệm”, không phải những điều mầu nhiệm trong thần học Kinh Thánh, mà là những lời nói không theo trí khôn, chẳng có ý nghĩa gì hết, phần nhiều rất giống với những gì đã được thực hành trong các tôn giáo bí nhiệm. Hãy chú ý trong bảng Kinh Thánh NKJV chữ “linh” không được viết hoa. Các nhà dịch thuật không tin Phaolô đang đề cập tới Đức Thánh Linh, mà đang đề cập tới tâm thần của người ta.
Vì thế, phần lớn cách nói tiếng lạ của người Côrinhtô là một loại nói lắp bắp trong trạng thái mê loạn nhắm vào Đức Chúa Trời, song chẳng có ích cho Hội Thánh hay cho cả người nói nữa.
E. NÓI TIÊN TRI LÀ CẦN THIẾT VÌ NÓ LÀM ÍCH CHO CẢ HỘI THÁNH (các câu 3-4).
Ngược lại, câu 3 chép: “còn như kẻ nói tiên tri, thì nói với người ta để gây dựng, khuyên bảo và yên ủi”. Người nào nói ta Lời của Đức Chúa Trời làm ích cho Hội Thánh qua sự gây dựng. Khi Ngôi Lời được đọc lên cách công khai và được công bố theo cách đầy năng quyền và chính xác, hết thảy những ai nghe trước tiên nhận được “sự gây dựng”, họ được gây dựng trong đức tin của họ. Thứ hai, họ nhận được “sự khuyên bảo” hay sự khích lệ cho việc bước theo Đấng Christ. Sau cùng, họ cũng nhận được “sự yên ủi” nữa.
Rôma 15.4 chép: “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy”.
Ở câu 4, ông tiếp tục đối chiếu khi nói: “Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội thánh”. Người nào nói huyên thuyên trong trạng thái mê man không làm sự gây dựng đâu, chẳng khích lệ hay yên ủi ai khác trừ ra bản thân mình. Người chỉ kêu gọi sự chú ý vào bản thân người và ngăn trở buổi thờ phượng. Một cách trình diễn như thế là tập trung vào cái tôi và chẳng làm ích được cho ai khác.
F. CHỨC VỤ NÓI TIÊN TRI TRỌNG HƠN CHỨC VỤ NÓI TIẾNG LẠ (câu 5).
Phaolô viết ở câu 5: “Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội thánh được gây dựng”.
Khi Phaolô nói: “Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả”, ông đang lập một đối chiếu giữa sự giả mạo và ân tứ chân chính. Chắc chắn ông không muốn hạ thấp sự tỏ ra chơn thật của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, ông ước ao “hơn nữa” Hội Thánh sẽ được ban ơn với và tôn cao ân tứ “nói tiên tri” vì ơn ấy có lợi ích cho cả thân thể.
Hãy chú ý các câu 2 và 4, Phaolô nói bằng số ít khi ông nói “tiếng lạ”. Dù vậy, ở đây trong câu 5, ông sử dụng số nhiều “các thứ tiếng”. Dường như rất hợp lý khi điểm khác biệt nầy cho thấy ông đang đối chiếu sự giả mạo với ân tứ chân chính. Những nhà dịch thuật bản King James đã bắt lấy chỗ nầy và thay vì chỉ sử dụng số ít “tiếng lạ”, họ đã thêm vào chữ không biết rõ để xác nhận Phaolô đang nói tới việc nói lắp bắp không phải là ân tứ của Đức Thánh Linh.
Nói tiên tri luôn luôn trọng hơn nói tiếng lạ vì ơn ấy gây dựng cho cả thân thể. Thời điểm duy nhứt ân tứ nói tiếng lạ có lợi ích là khi có người “giải thích” mọi điều đã được nói ra để cả Hội Thánh có thể “nhận được sự gây dựng”. Một trường hợp khả thi là nếu có người nào hiện diện nói thứ tiếng khác và Đức Thánh Linh sử dụng ai đó nói theo tiếng nói của họ. Một người giải thích sẽ trợ giúp cho cả Hội Thánh đều nhìn biết những điều đã được nói ra.
Bất kỳ tiếng lạ nào được sử dụng không mang lại sự gây dựng, sự khích lệ và sự yên ủi cho cả Hội Thánh một là giả mạo hoặc ngược lại với sự dạy của Kinh Thánh. Vì vậy, nói tiếng lạ là không cần thiết cho Hội Thánh lớn lên và được trưởng dưỡng trong công việc của Chúa. Tuy nhiên, không những nói tiếng lạ là không cần thiết, tại thành Côrinhtô cũng như ở nhiều địa điểm hôm nay, chúng ta thấy rằng…
II. Nói tiếng lạ không thể hiểu được (các câu 6-12).
A. MỘT NGUYÊN TẮC: NÓI TIẾNG LẠ LIÊN TỤC LÀ VÔ ÍCH (câu 6).
Câu 6 chép: “Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ tiếng lạ, mà lời nói tôi chẳng tỏ sự kín nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em?” Phaolô đã có ân tứ nói tiếng lạ chân chính cho dù Kinh Thánh đặc biệt không cung ứng bản tường trình nói về việc ông sử dụng ân tứ đó. Nếu ông nói với họ để nhiều người khác trong các thứ tiếng khác có thể hiểu được, khi sử dụng ân tứ chân chính, trừ phi ông cung ứng “sự kín nhiệm”, “sự thông biết” qua việc “nói tiên tri” và “sự khuyên dạy”thì chức vụ của ông sẽ chẳng có mục đích gì hết.
B. MỘT MINH HỌA: ÂM NHẠC KHÔNG CÓ ÂM ĐIỆU THÌ VÔ ÍCH (các câu 7-8).
Phaolô viết ở các câu 7-8: “Vậy, dẫu vật không linh tánh phát ra tiếng, như ống tiêu, đờn cầm: nếu không có âm điệu phân biệt nhau, thể nào nhận biết được ống tiêu hay là đờn cầm thổi và khảy cái chi? Lại nếu kèn trổi tiếng lộn xộn, thì ai sửa soạn mà ra trận?”
Khi Phaolô viết về “ống tiêu” hay “đờn cầm”, ông đề cập tới những nhạc cụ thông thường trong thời của ông. Các nhạc cụ nầy rất phổ thông và được thấy có trong nhiều gia đình. Chúng ta phải sánh chúng trong thời của chúng ta với những chiếc đàn dương cầm hay vĩ cầm. Thí dụ, khi bạn chơi đàn guitar, bạn phải chơi những âm điệu hoặc tấu lên một giai điệu. Bạn phải tạo ra “âm điệu phân biệt”. Khảy bừa lên những dây đàn guitar không phải là âm nhạc dễ nhận biết được. Tấu bừa lên chiếc đàn dương cầm không phải là âm nhạc dễ nghe được.
Trừ phi bạn chơi với “sự phân biệt” nơi các nốt nhạc, chẳng có ai sẽ biết được “ống tiêu hay đờn cầm thổi”, chẳng có ai sẽ hiểu hay tán thưởng âm điệu cho được.
Cũng tương tự như thế, tiếng kèn hay tù và được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong quân đội để ra hiệu cho các binh sĩ vào trận. Có những tiếng gọi nhất định để truyền lịnh, rút lui, trụ lại hay tiến tới. Một người lính nghe thấy “tiếng kèn lộn xộn” sẽ không biết phải làm gì trong trận chiến và mọi kết quả sẽ là tai họa.
C. ỨNG DỤNG: NÓI TIẾNG LẠ LIÊN TỤC LÀM CHO NHIỀU NGƯỜI KHÁC PHẢI THỜ Ơ (các câu 9-12).
Câu 9 chép: “Anh em cũng vậy, nếu dùng lưỡi nói chẳng rõ ràng cho người ta nghe, thì làm sao họ được biết điều anh em nói? Vì anh em nói bông lông”. Nếu tôi đến trước mặt bạn nói bằng thứ tiếng nước ngoài hay nói lắp bắp, bạn sẽ không thể hiểu được, bạn sẽ chẳng tiếp thu được gì bất luận tôi nói dài hay nói nhiều đến cở nào đi nữa.
Phaolô nói ở câu 10: “Trong thế gian có lắm thứ tiếng, mỗi thứ đều có nghĩa”. Tất cả các thứ tiếng có giá trị cho người nào hiểu được chúng. Tuy nhiên, một thứ tiếng nói mà không có nghĩa thực sự không phải là tiếng nói, mà chỉ là nói lắp bắp thôi. Ý nghĩa cung ứng tầm quan trọng cho tiếng nói.
Có vài lần tôi được ơn giảng cho những người không nói tiếng Anh. Mỗi lần tôi nói đều qua một thông dịch. Tôi nói một hay hai câu rồi người thông dịch chuyển lời lẽ của tôi thành tiếng nói của khán thính giả. Không có người thông dịch, khả năng truyền đạt của tôi sẽ bị tịt ngòi đi. Đấy chính xác là điều Phaolô muốn nói ở câu 11: “Vậy nếu tôi chẳng biết nghĩa của tiếng nói đó, thì người nói tiếng đó sẽ coi tôi là mọi, và tôi cũng coi họ là mọi nữa”.
Vì vậy, nếu bất cứ một tiếng ngoại quốc nào không giải thích được đều là vô nghĩa đối với kẻ nghe, càng vô nghĩa dường bao khi lời nói huyên thuyên giả mạo do người thành Côrinhtô và nhiều người ngày nay thốt ra?
Đấy là lý do tại sao Phaolô nói ở câu 12: “Ấy vậy, vì anh em nôn nả ước ao các sự ban cho thiêng liêng, hãy tìm cho được dư dật đặng gây dựng Hội thánh”.
III. Nói tiếng lạ là không kết quả (các câu 13-19).
Rõ ràng ở các câu 13-19, Phaolô đang nói rất mỉa mai đối với những kẻ nói bằng thứ tiếng giả mạo không lý giải được. Hãy lưu ý, ông sử dụng số ít “tiếng lạ” thay vì số nhiều “các thứ tiếng” khi đề cập tới người thành Côrinhtô. Đấy là lý do tại sao ông nói ở câu 13: “Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy”.
A. NGÔN NGỮ CẦU NGUYỆN RIÊNG LÀ KHÔNG KẾT QUẢ (câu 14).
Câu 14 chép: “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng”. Một trong những sự dạy chính trong các Hội Thánh có sức lôi cuốn quần chúng, ấy là nói tiếng lạ đã được sử dụng trong ngôn ngữ cầu nguyện riêng. Nhiều tín đồ đã được khích lệ chỉ cầu nguyện bất cứ điều chi thốt ra từ miệng của họ. Tôi có băng ghi một bài giảng bởi vị Mục sư lãnh đạo trong cộng đồng nầy, ông nói rằng ông cầu nguyện bằng tiếng lạ mỗi sáng ông cạo râu. Điều nầy dường như cũng là việc đã xảy ra tại thành Côrinhtô. Mục tiêu của các tôn giáo bí nhiệm là phớt lờ lý trí và ý thức để đạt tới một thể trạng lơ lửng.
Phaolô nói nếu ông cầu nguyện bằng tiếng lạ tự phịa, “tâm thần” ông đang cầu nguyện. Một lần nữa, điều nầy không đề cập tới Đức Thánh Linh. Phaolô nói: “tâm thần tôi”. Một tín đồ phải có một ao ước chân chính trong tâm thần mình muốn giao thông với Đức Chúa Trời, nhưng nếu người ấy cầu nguyện bằng thứ tiếng chẳng ai biết, người ấy không biết mình đang nói gì và vì thế mối giao thông của người với Đức Chúa Trời là “không kết quả”. Người ấy chẳng có cầu nguyện gì hết.
B. CẦU NGUYỆN VÀ CA HÁT KHÔNG HIỂU ĐƯỢC LÀ KHÔNG KẾT QUẢ (câu 15).
Phaolô nói ở câu 15: “Vậy thì tôi sẽ làm thế nào? Tôi sẽ cầu nguyện theo tâm thần, nhưng cũng cầu nguyện bằng trí khôn. Tôi sẽ hát theo tâm thần, nhưng cũng hát bằng trí khôn”.
“Hiểu” là chìa khóa. Khi chúng ta cầu nguyện, tâm thần và tấm lòng chúng ta phải dính dáng vào. Nhất định tâm thần của chúng ta phải dính dáng vào, nhưng chúng ta không phớt lờ lý trí của mình và tìm kiếm một vài kinh nghiệm lơ lửng trong sự cầu nguyện.
Rôma 8.26 chép: “Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta”. Quả thật, Thánh Linh Đức Chúa Trời đang cầu thay cho chúng ta khi chúng ta không biết phải cầu nguyện điều gì và cầu nguyện như thế nào!?! Tuy nhiên, “sự thở than không thể nói ra được”không phải là sự cầu nguyện của chúng ta, mà là của Ngài.
Cũng hãy chú ý, Phaolô nhắc tới việc “hát”. Ông nói ông sẽ “hát bằng trí khôn”. Mục đích của âm nhạc trong Cơ đốc giáo không phải là đẩy chúng ta vào chỗ ý thức lơ lửng đâu. Mà đó là phương tiện truyền đạt dành cho sự thờ phượng và dạy dỗ. Côlôse 3.16 chép: “Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời”. Ngay cả việc lặp đi lặp lại những câu nói đơn giản trong một bài hát nhiều lần có thể mang lại cảm xúc hấp dẫn nhưng nó sẽ không dạy dỗ hay khuyên bảo thân thể của Đấng Christ.
Mục tiêu của chúng ta phải là “hiểu”. Chúng ta thường xuyên phấn đấu để hiểu biết bổn tánh của Đức Chúa Trời, thuộc tánh của Đức Chúa Trời và mục đích cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua Lời của Đức Chúa Trời.
C. CẦU NGUYỆN VÀ CA HÁT MÀ KHÔNG HIỂU ĐƯỢC THÌ CHẲNG ÍCH CHI CHO NGƯỜI NGHE (các câu 16-17).
Câu 16 chép: “Bằng không, nếu ngươi chỉ lấy tâm thần mà chúc tạ, thì người tầm thường ngồi nghe, chẳng hiểu ngươi nói gì, thể nào họ theo lời chúc tạ mình mà đáp lại rằng "A-men" được?”
Chúng ta hãy nói về một tín đồ chân chính kia biết kính sợ Đức Chúa Trời song tin mình phải cầu nguyện bằng một thứ tiếng không biết rõ. Trong tâm thần của mình, người ấy dâng lời cảm tạ với Chúa. Tuy nhiên, khi người nói ra những lời lẽ trong lúc cầu nguyện mà chẳng ai hiểu được, làm sao có người nói “Amen” hay “tôi đồng ý” với lời cầu nguyện thể ấy cho được. Khi chúng ta không biết lời cầu nguyện ấy nói gì, bạn không thể nhất trí được. Đấy chính xác là điều Phaolô muốn nói ở câu 17: “Thật vậy, lời chúc tạ của ngươi vẫn tốt lành; song kẻ khác chẳng nhờ đó mà được gây dựng”.
Tuần lễ nầy tôi đã đến giảng ở một buổi thờ phượng kia. Gia đình và khán thính giả chủ yếu có gốc Tây ban Nha và Bồ đào Nha. Khi tôi bước vào giảng đường, âm nhạc đã được trổi lên nhưng việc ca hát thì bằng tiếng Tây ban Nha. Khi tôi nói rất ít tiếng Tây ban Nha, tôi không thể nói cho bạn biết bài hát ấy có hay hay không vì tôi không biết họ đang hát cái gì. Tôi hiểu ít nhất là lời lẽ hát kia nằm trong thứ ngôn ngữ khác thôi. Thật là dễ nhầm lẫn khi nghe ai đó nói hay hát bằng một thứ tiếng mà mình hoàn toàn không biết.
Nếu tôi nhờ ai đó trong nhà thờ, là người biết thành thực kính sợ Đức Chúa Trời và chúng ta yêu cầu người ấy cầu nguyện. Nếu người ấy đến với chiếc micro và cầu nguyện bằng một thứ tiếng không phân biệt được, dù trong lòng người ấy đang ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta chỉ sẽ dễ nhầm lẫn mà thôi.
D. VIỆC PHAOLÔ SỬ DỤNG TIẾNG LẠ LÀ VÔ ÍCH (các câu 18-19).
Ông nói ở câu 18: “Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói tiếng lạ nhiều hơn hết thảy anh em”. Hãy chú ý số nhiều “các thứ tiếng”. Phaolô đã có ân tứ chân chính. Mặc dù, ân tứ của ông là “nhiều hơn hết thảy anh em”, nhiều hơn bất kỳ người nào trong những người thành Côrinhtô, chúng ta không có một tường trình đặc biệt nào nói tới ông đang sử dụng ân tứ ấy trong Kinh Thánh. Đem sánh với các ân tứ khác của ông, ân tứ nầy là một việc nhỏ.
Thay vì thế, trong câu 19 ông nói: “nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ”.
Quan trọng hơn khi nói năm thứ tiếng theo trí khôn để nhiều người khác có thể hiểu được hơn là nói ra vạn lời không theo trí khôn chẳng có ai hiểu được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét