Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 10.14-22: "Thờ lạy hình tượng và Tiệc Thánh của Chúa"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Thờ lạy hình tượng và Tiệc Thánh của Chúa
I Côrinhtô 10.14-22
Hai trong những lẽ đạo chính của thư tín I Côrinhtô là thờ lạy hình tượng và Tiệc Thánh của Chúa. Trong ba chương vừa qua chúng ta đã bàn về vấn đề Cơ đốc nhân ăn thịt được cúng cho thần tượng. Ở chương 11 có nhiều sự dạy về lý do tại sao và bằng cách nào chúng ta sẽ đến với Tiệc Thánh và kỷ niệm mối tương giao. Thú vị thay, trong phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay, Phaolô cột hai lẽ đạo nầy lại với nhau. Thờ lạy hình tượng cực kỳ phát triển tại thành Côrinhtô. Hình tượng và các đền thờ của hình tượng đều nhan nhãn khắp thành phố. Trên ngọn đồi nằm ở phía sau thành phố là đền thờ của Aphrodite, một kỳ công của thế giới cổ. Aphrodite (Venus) là nữ thần tình yêu và sanh sản. Mỗi đêm 1000 gái điếm hành lễ miệt mài cuộc truy hoan của họ trong sự “thờ phượng” thần tượng của họ.
Trong thành Côrinhtô, có nhiều thần tượng gồm những nam, nữ thần khác nhau. Những nơi đổ nát của nhiều đền thờ cổ vẫn còn nhan nhãn hôm nay. Những thợ thủ công đã thực hiện thu nhỏ các thần tượng nầy đem bán trong các khu chợ để dân chúng có thể đem thần tượng của họ về nhà mình. Người Hy lạp và người La mã không những là người theo đa thần giáo mà còn thờ lạy nhiều quỉ nữa. Không những họ tin nhiều tà thần, mà họ còn tin vào nhiều thứ quỉ dữ nữa. Họ tin rằng ma quỉ đã tự chúng gắn liền với thịt và khi bạn ăn thứ thịt đó, ma quỉ nhập vào thân thể và thực hiện sự ám ấy.
Họ đã chiến đấu với nan đề quỉ ám nầy bằng cách dâng thịt cúng cho nhiều thần tượng khác nhau. Một phần ba thịt được thiêu đốt trên bàn thờ. Một phần ba là quà cho các thầy tế lễ (họ đã đem bán hầu hết thịt ấy trong chợ) và một phần ba được người thờ lạy giữ lấy. Nó trở thành thứ thịt “phục vụ cho lò mổ thuộc linh”. Bất cứ thịt nào được cúng cho thần tượng đã được bảo đảm không bị quỉ ám.
Thật là khó tránh việc ăn thịt đã được đem cúng cho thần tượng vì nó được đánh giá rất cao và được phục vụ hầu hết các sự cố trong xã hội như tiệc cưới và các thứ tiệc tùng khác. Trong Hội thánh có những người từ chối không mua hay ăn bất cứ thịt nào làm đối tượng cho sự thờ lạy hình tượng. Mặt khác, có nhiều tín hữu họ hiểu thịt ấy chỉ là thịt. Họ hiểu rằng thần tượng do con người làm ra và ma quỉ không chiếm hữu được thịt. Có nhiều sự phân rẽ trong Hội thánh về vấn đề nầy. Vì vậy, họ đã viết cho Phaolô để hỏi han phần mưu luận của ông. Trong các chương 8-10, Phaolô đáp ứng với thắc mắc của họ.
Ở chương 8, Phaolô giải thích cho họ hiểu rằng thịt là thịt và chúng ta được tự do làm bất cứ điều chi Kinh Thánh không cấm đoán. Tuy nhiên, sự tự do của chúng ta phải bị hạn chế bởi tình yêu thương. Chúng ta phải yêu người khác đủ để không sử dụng sự tự do của chúng ta làm dịp cho họ vấp ngã. Ở chương 9, Phaolô minh họa nguyên tắc bằng cách tỏ ra ông có thể buộc Hội thánh Côrinhtô cung lương cho ông. Ông đã chọn không làm như thế vì ông không muốn họ vấp ngã và phật lòng. Sử dụng không đúng sự tự do của chúng ta gây tổn thương cho nhiều người khác.
Ở 13 câu đầu của chương 10, Phaolô đưa ra vài trường hợp trong Cựu Ước cảnh cáo việc sử dụng không đúng sự tự do cũng gây tổn thương cho chúng ta. Dường như là từ phân đoạn Kinh Thánh hôm nay có một số người Côrinhtô gần như sa lại vào tình trạng thờ lạy hình tượng. Họ đang xúc phạm Tiệc Thánh của Chúa bằng sự kiêu căng của họ và bị cám dỗ dự phần vào các sinh hoạt tội lỗi trong những đền chùa thờ lạy hình tượng. Cũng một thể ấy, nhiều Cơ đốc nhân ngày nay tin rằng bao lâu họ đến với Hội thánh, đã chịu phép báp-têm và dự phần đều đặn Tiệc Thánh của Chúa thì họ được miễn trừ đối với những tác dụng tàn phá của tội lỗi. Phaolô viết để đối mặt với thái độ nầy. Chúng ta sẽ chia phân đoạn Kinh Thánh thành hai phần, sự nhắc nhở chống tình trạng thờ lạy hình tượng và những lời bàn luận nghịch lại tình trạng thờ lạy hình tượng.
I. Sự nhắc nhở chống tình trạng thờ lạy hình tượng (các câu 14-15).
A. PHAOLÔ NHẮC CHO HỌ NHỚ MỘT LẦN NỮA VỀ ISRAEL.
Câu 14 chép. “Hỡi kẻ yêu dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng”. Chữ “vậy” buộc chúng ta phải quay trở lại với những gì vừa được thốt ra. Ở câu 12, Phaolô đối mặt với sự cả tin trong việc dự phần vào tình trạng thờ lạy hình tượng bằng cách nói: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”. Ở câu 13, ông nói tới “sự cám dỗ” và nhắc cho họ nhớ rằng Đức Chúa Trời không để cho bạn phải bị “cám dỗ quá sức” chịu đựng, nhưng sẽ cung ứng một con đường “cho ra khỏi”. Vì vậy, bạn nên “tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng”.
Tuy nhiên, “vậy” cũng đề cập tới các trường hợp tiêu cực của Israel ở các câu 1-11. Ở câu 7, Phaolô nói: “Cũng đừng thờ hình tượng nữa, như mấy người trong họ”. Câu nầy dẫn ký ức tới bối cảnh ở chân núi Sinai, khi Môise đang ở trên núi tiếp nhận Luật pháp của Đức Chúa Trời. Arôn và phần còn lại của dân sự đã tạo nên một con bò con bằng vàng rồi dựng nó lên làm một đối tượng đặng thờ lạy. Trong vài đường lối kỳ lạ, họ đang dùng con bò con làm một đối tượng thấy được bằng mắt thường để thờ phượng Đức Chúa Trời. G. Campbell Morgan đã viết: “Họ đã tạo ra một thứ giúp cho họ nhìn biết Đức Chúa Trời, và giây phút họ đã làm vật ấy họ đã hạ thấp quan niệm của họ về Đức Chúa Trời … Thờ lạy hình tượng đặc biệt được đề cập tới ở đây, ấy là đặt một vật gì đó vào trong chỗ của Đức Chúa Trời, bề ngoài tiêu biểu cho Đức Chúa Trời, là thứ không tiêu biểu được cho Ngài, và hiến sự thờ phượng cho một vật hạ thấp toàn bộ ý niệm về sự sống”.
Khi chúng ta lái xe xuống các con đường trong thành phố, chúng ta không nhìn thấy chùa chiền nào hết dành cho các nam nữ tà thần, nhưng có sự thờ lạy hình tượng y như thế. Thờ lạy hình tượng còn hơn cả quì gối xuống ôm lấy một hình tượng bằng đá. Thờ lạy hình tượng có thể là một vật gì đó, một đồ vật, một ý niệm, một triết lý, một con người, một thói quen, một sự nghiệp, một công ăn việc làm, một môn thể thao, một sinh hoạt hay bất cứ điều chi trở nên quan trọng hơn sự thờ phượng, ý chí và công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta.
Thờ lạy hình tượng là chối bỏ Đức Chúa Trời, địa vị phải lẽ của Ngài và làm mờ đi sự vinh hiển của Ngài. Gióp 31.24-28 chép: “Nếu tôi có để lòng tin cậy nơi vàng, và nói với vàng ròng rằng: Ngươi là sự nương nhờ của ta; Nếu tôi vui mừng về tài vật tôi nhiều, và vì tay tôi đã được lắm của; Nếu tôi có thấy mặt trời chiếu sáng, và mặt trăng mọc lên soi tỏ, Nếu lòng tôi có thầm mê hoặc, và miệng tôi hôn gởi tay tôi; Điều đó cũng là một tội ác đáng bị quan xét phạt; Vì nếu làm vậy, tôi đã từ chối Đức Chúa Trời trên cao kia”.
B. PHAOLÔ NHẮC CHO HỌ NHỚ HỌ LÀ AI!?!
Một lần nữa trong câu 14, chúng ta đọc: “Hỡi kẻ yêu dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng”. Hãy gạch dưới chữ “yêu dấu”. Phaolô vốn yêu mến hạng người nầy. Ông là Mục sư và là cha thuộc linh của họ. Ông đã quở trách họ và thay vì thế đôi khi còn châm biếm họ nữa. Giờ đây, là một người chăn yêu thương, ông nhắc cho họ nhớ họ rất yêu rất thiết trong tình cảm của ông. Hỡi Hội thánh, quí vị là rất “yêu dấu” đối với Chúa, Ngài cũng là Mục sư của bạn nữa đấy. Giống như Phaolô, đôi khi tôi bị buộc phải nói với giọng rất khó chịu và đưa ra lời quở trách. Tôi không phải là loại tay sai. Tôi là một người chăn chiên giống như bạn vậy, tôi muốn trang bị cho bạn để nắm lấy chức vụ và giúp bạn ngày càng trở nên giống như Đấng Christ hơn.
C. PHAOLÔ NHẮC CHO MỌI NHỚ ĐẾN “CON ĐƯỜNG RA KHỎI”.
Khi nhắc đến các thần tượng, Phaolô tóm tắt mưu luận của ông bằng một chữ: “tránh”. Nếu bạn đang đi ngang qua một thửa ruộng và bạn nghe âm thanh khò khè của con rắn, chẳng ai bảo bạn phải chạy tránh đi. Nếu bạn đang ở trong một tòa nhà và bạn ngửi thấy mùi khói và nhìn thấy lửa, chẳng có ai thuyết phục bạn phải chạy nhanh ra khỏi tòa nhà. Tuy nhiên, khi đến với tội lỗi, chúng ta thường không nhìn thấy mối nguy hiểm cho tới chừng quá trễ. I Côrinhtô 6.18 chép: “Hãy tránh sự dâm dục …” II Timôthê 2.22 chép: “Cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ, mà tìm những điều công bình, đức tin, yêu thương, hòa thuận với kẻ lấy lòng tinh sạch kêu cầu Chúa”. I Timôthê 6.8-12 chép: “Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại. Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến”.
I Giăng 5.21 chép: “Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!” Ở câu 13 của phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, Phaolô nói cho chúng ta biết khi chúng ta bị cám dỗ sẽ luôn luôn có một “con đường ra khỏi”. Con đường ra khỏi tội lỗi là “tránh”. Tôi thấy một khuôn khổ nhiều lần trong đời sống của các tín hữu. Có người đến với Đấng Christ và được cứu. Họ được bao phủ với đời mới của họ trong Đấng Christ. Họ lặn hụp trong Hội thánh và tiệc tùng trên sự dạy dỗ, tương giao, và vui mừng trong Chúa. Họ lớn lên trong Chúa và khám phá ra sự tự do Cơ đốc của họ. Khi ấy, sau không thời gian ngắn, họ bắt đầu lần ngược lại với thế gian, từ chỗ mà họ được cứu. Họ nghĩ họ mạnh mẽ lắm. Nhiều lần, trước khi họ nhận biết sự ấy, thế gian và xác thịt đã đẩy họ ra khỏi Đấng Christ.
Khuôn khổ nầy là điều mà Phaolô e sợ đối với người thành Côrinhtô. Phương thức duy nhứt để đối phó với những sự cám dỗ của thế gian là “tránh”.
D. PHAOLÔ YÊU CẦU HỌ PHẢI XEM XÉT PHẦN MƯU LUẬN CỦA ÔNG.
Sau khi nói thật nhẹ nhàng với các anh chị em “yêu dấu” của mình, trong câu 15 vị sứ đồ nói thêm: “Tôi nói với anh em cũng như nói với kẻ thông minh; chính anh em hãy suy xét điều tôi nói”. Ông yêu cầu họ phải suy xét như “kẻ thông minh”. Phần nhiều trong chức vụ của tôi, trong đời sống cá nhân của nhiều người, tôi đang cung ứng cho họ sự hướng dẫn của Kinh Thánh và yêu cầu họ phải sống thật “khôn ngoan”. Ông yêu cầu họ phải nghe theo mọi sự luận bàn của ông và xét xem nếu những gì ông nói không ở trong sự khôn ngoan đến từ Lời của Đức Chúa Trời và phải “suy xét” cho bản thân họ những gì ông đang nói. Tôi yêu cầu bạn phải làm y việc ấy mỗi lần tôi đứng trước mặt bạn lo rao giảng Ngôi Lời.
II. Những lời bàn luận nghịch lại tình trạng thờ lạy hình tượng (các câu 16-22).
Sau khi sử dụng phần loại suy về Tiệc Thánh của Chúa, Phaolô đưa ra ba lý do tại sao chúng ta nên tránh né bất kỳ hình thức thờ lạy hình tượng nào.
A. THỜ LẠY HÌNH TƯỢNG LÀ MÂU THUẪN (các câu 16-18).
Câu 16 chép: “Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao?” Lần đầu tiên trong bức thư, Phaolô nói tới Tiệc Thánh của Chúa. Ông sẽ xử lý với phần nghi lễ nầy một cách rộng rãi ở chương 11.
Thứ nhứt, ông nói tới “cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước”. Trong xã hội Do thái, điều nầy ám chỉ đến cái chén rượu sau cùng trong bữa ăn, một bằng chứng của sự cảm tạ Đức Chúa Trời vì các ơn phước của Ngài. Nó cũng đề cập tới cái chén thứ ba trong bữa ăn Lễ Vượt Qua, cái chén mà Chúa Jêsus đã dùng như một biểu tượng của huyết Ngài đổ ra vì tội lỗi chúng ta trên thập tự giá. Tại Bàn Tiệc của Chúa, khi chúng ta nhận “chén”, chúng ta “chúc phước” hay ngợi khen Chúa vì sự hy sinh của Ngài vì chúng ta đã nhận lãnh “ơn phước” của sự chết Ngài vì ích cho chúng ta. Huyết của Ngài đã đổ ra để chúng ta được cứu rỗi.
Êphêsô 1.7 chép: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài”. Côlôse 1.14 chép: “trong Con đó chúng ta có sự cứu chuộc, là sự tha tội”. Hêbơrơ 9.12 chép: “Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời”. Thứ hai, trong câu 16, Phaolô nói tới: “Cái bánh mà chúng ta bẻ” và hỏi: “há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao?” “Bánh” trong Bàn Tiệc của Chúa là biểu tượng cho đời sống của Đấng Christ. Bánh là yếu tố chính của cuộc sống, là cây trượng của cuộc sống. Trong Kinh Thánh, bánh luôn luôn làm biểu tượng cho sự sống.
Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 6.35 và ở Giăng 6.48: “Ta là bánh của sự sống”. Ngài phán ở Giăng 6.51: “Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta”. Giống như mana đã ban sự sống thuộc thể cho dân Israel trong đồng vắng, Đấng Christ ban cho chúng ta sự sống thuộc linh. Ngài phó sự sống thuộc thể của Ngài để làm cho chúng ta sống lại từ sự chết thuộc linh.
Qua cả hai: chén và bánh, chúng ta có “mối giao thông với thân thể của Đấng Christ”. “Giao thông” ra từ chữ Hy lạp koinonia, chữ nầy có nghĩa là “tương giao” hay “chia sẻ”. I Côrinhtô 1.9 cho chúng ta biết chúng ta được “gọi thông công với Con Ngài”. Philíp 2.1 nói tới: “sự thông công nơi Thánh Linh”. Philíp 3.10 nói chúng ta có thể biết “sự thông công thương khó của Ngài”. II Côrinhtô 8.4 đề cập tới: “có phần vào sự giùm giúp các thánh đồ”.
Khi chúng ta đến với Bàn Tiệc của Chúa, khi ấy chúng ta có mối “thông công” hay giao thông mật thiết sâu sắc với Đấng Christ và Hội thánh của Ngài. Chúng ta thông công cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Đấy là điều câu 17 có ý nói tới khi chép: “Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh”. Chúng ta có mối giao thông mật thiết với Đấng Christ và với nhau qua Tiệc Thánh của Chúa. Chúng ta được khế hiệp với nhau trong đó.
Câu 18 chép: “Hãy xem dân Y-sơ-ra-ên theo phần xác: những kẻ ăn thịt con sinh tế, há không thông đồng với bàn thờ sao?” Khi dân Israel dâng của lễ cho Đức Chúa Trời trên bàn thờ, hết thảy họ đều là “kẻ dự phần” vào của lễ. Giống như chúng ta được hiệp lại với nhau bởi Tiệc Thánh của Chúa, dân Israel xưa kia đã hiệp một trong những thứ con sinh làm của dâng. Phaolô đang kiến thiết một quan điểm. Chúng ta có sự hiệp một với những gì chúng ta dự phần trong đó. Dự phần vào Tiệc Thánh của Chúa đồng hóa chúng ta với Đấng Christ. Dự phần vào bàn thờ đồng hóa một người với Do thái giáo. Dự phần vào các hình tượng đồng hóa một người với tình trạng thờ lạy hình tượng. Thật là mâu thuẫn đối với những tín đồ khi có việc gì phải làm với sự thờ lạy hình tượng.
Nhiều người họ đi nhà thờ Cơ đốc, họ nghĩ Tiệc Thánh của Chúa bảo hộ họ tránh khỏi những sự tàn diệt của tội lỗi. Họ tin rằng dự tiệc thánh trong một tư thế kỉnh kiền khiến cho họ đồn trú tránh được nguy hiểm của những sự lựa chọn tội lỗi của họ. Các tín hữu thành Côrinhtô đã cảm thấy an ninh khi ve vãn với sự thờ lạy hình tượng vì họ đang dự Tiệc Thánh của Chúa. Họ đã thay thế sự thánh khiết của Chúa để lấy sự nên thánh cá nhân.
B. THỜ LẠY HÌNH TƯỢNG LÀ THUỘC VỀ MA QUỈ (các câu 19-21).
Câu 19 chép: “Nói vậy có ý chi? Của cúng thần tượng có giá trị gì và thần tượng có ra gì chăng?” Câu trả lời cho hai câu hỏi là “Không”. Phaolô đã giải thích rồi ở 8.4: “Vậy, về sự ăn của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác”. Nói cách khác, hình tượng về mặt thuộc thể chẳng là gì hết, chỉ là tượng đá hay gỗ chạm khắc. Chúng “thật là hư không”, chỉ là những đồ vật vô tri vô giác mà thôi. Tuy nhiên, câu 20 chép: “Chắc là không; nhưng đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỉ, chớ không phải cúng tế Đức Chúa Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỉ”. Bản thân hình tượng chẳng là gì hết, song thế lực ở đàng sau các hình tượng là thuộc về ma quỉ. “Những người Ngoại” hư mất kia tưởng họ đang lẫn tránh ma quỉ bằng cách cúng tế cho hình tượng, khi sự thực là họ đang dâng những của lễ cho ma quỉ ở đàng sau các hình tượng đó.
Đừng để bị dối gạt, kẻ ác có một đội quân tà linh, chúng đang làm theo mệnh lệnh của hắn trong thế gian nầy. Satan là một kẻ nói dối, là cha của kẻ nói dối. Công việc của đội quân tà linh của hắn là lan truyền sự dối gạt và làm mù lý trí của người ta. II Côrinhtô 4.4 nói về kẻ chưa được cứu: “cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời”. Những hệ thống tôn giáo giả trong thế gian nầy đều là công việc của ma quỉ. Ma quỉ đang lừa gạt. Dù là thế lực có tổ chức trong lịch sử hay những sự dạy giả dối đa dạng của hệ thống thờ lạy hình tượng và những kẻ giả mạo tôn giáo, ma quỉ là gốc rễ của mọi sự lừa gạt.
Câu 21 chép: “Anh em chẳng có thể uống chén của Chúa và cũng uống chén của các quỉ; chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại dự tiệc của các quỉ”. Bạn không thể có mối giao thông với Đấng Christ và đồng thời có mối giao thông với ma quỉ được. Bạn không thể “uống chén của Chúa” hay “dự phần” vào cả “tiệc của Chúa” và “tiệc của các quỉ”. Chúa Jêsus phán ở Mathiơ 6.24: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa”.
Hãy suy nghĩ về Nô-ê xem. Khi đến lúc phải bước cả vào tàu, ông và gia đình ông phải đưa ra một quyết định. Một là họ phải bước vào trong chiếc tàu và tin cậy Đức Chúa Trời hoặc họ phải ở lại với thế gian. Sẽ không có tình trạng một chân ở trên tàu còn chân kia ở trong thế gian được. Đấy là những gì Phaolô muốn nói ở đây. Bạn không thể hầu việc Đức Chúa Trời mà cứ nắm chặt lấy tình trạng tội lỗi của thế gian nầy. Chữ “giả hình” là một phần trong từ vựng phổ thông của chúng ta. Chúng ta nghĩ tới một kẻ giả hình, là người trông rất tôn giáo, nhưng kỳ thực không phải vậy. Chữ nầy ra từ chữ Hy lạp hupokrisis có ý nói tới “đóng một vai trò, giả vờ”. Biểu tượng mặt nạ hai mặt trong nhà hát, một bên vui và một bên buồn ra từ chữ giả hình nầy. Nó có nghĩa là “hai mặt”. Ma quỉ không thể chiếm hữu Cơ đốc nhân, nhưng chúng có thể ám vào chúng ta. Chúng có thể tấn công chúng ta và tìm cách thao túng chúng ta bằng cách che giấu lẽ thật khỏi mắt chúng ta. Đấy là lý do tại sao Kinh Thánh cảnh cáo chúng ta phải cầm gươm lên rồi dấn thân vào bãi chiến trường thuộc linh.
Êphêsô 6.12 chép: “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy”. II Côrinhtô 10.4 chép: “Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy”. “Đồn lũy” đã được sử dụng để nói tới một tiền đồn hay một thành trì. Một đồn lũy thuộc linh là một cơ hội, một “lợi thế” nếu bạn muốn, mà Satan đã dựng lên trong đời sống của bạn.
II Giăng 10-11 chép: “Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào hỏi họ. Vì người nào chào hỏi họ, tức là dự vào công việc ác của họ”. Khi những nhóm thờ lạy hình tượng đến tại nhà của bạn, bạn có mời họ vào không? Có người tìm cách làm chứng cho họ. Nhưng phải cẩn thận. Một chứng nhân của hệ thống thờ lạy hình tượng đã chịu ảnh hưởng của ma quỉ và bạn đang mời ảnh hưởng của ma quỉ ấy vào trong nhà của mình khi bạn để cho người ấy bước vào trong.
C. THỜ LẠY HÌNH TƯỢNG LÀ LÀM BUỒN LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI (câu 22).
Lý do sau cùng chúng ta cần phải xây khỏi đối với mọi hình thức thờ lạy hình tượng, ấy là nó làm buồn lòng Đức Giêhôva Đức Chúa Trời nhiều lắm. Câu 22 hỏi: “Hay là chúng ta muốn trêu lòng Chúa ghen chăng? Chúng ta há mạnh hơn Ngài sao?” Khi chúng ta để cho bất cứ điều chi chiếm lấy chỗ của Đức Chúa Trời, khi chúng ta để cho bất cứ điều gì hay bất cứ ai làm cho chúng ta phải rối rắm xa rời mục đích của Chúa trong đời sống của chúng ta, chúng ta “đang trêu lòng Chúa ghen”. Israel thường xuyên rời xa sự thờ phượng Đức Giêhôva rồi đi dông dài theo sau các tà thần và hình tượng khác. Đức Chúa Trời liên tục quở phạt họ vì tội lỗi nầy cho tới lúc sau cùng Ngài để cho họ phải tản lạc trong sự lưu đày nơi các xứ ngoại quốc.
Bạn còn nhớ điều răn đầu tiên trong 10 Điều Răn của Đức Chúa Trời không? Ấy là: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Êdíptô ký 20.3). Điều răn thứ hai tương tự vậy: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình”. Khi ấy Đức Chúa Trời giải thích: “vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà”. Sau đó, ở Phục truyền luật lệ ký 32.21, Chúa phán với dân sự: “Chúng nó giục ta phân bì, vì cúng thờ thần chẳng phải là Đức Chúa Trời, Lấy sự hư không mà chọc giận ta; Ta cũng vậy, lấy một dân tộc hèn mà trêu sự phân bì của chúng nó, Lấy một nước ngu dại mà chọc giận chúng nó”.
Đức Chúa Trời để cho họ phải chịu khổ thật ghê khiếp vì cớ họ thiếu trung thực. Đức Chúa Trời không giống như một người bạn hay ghen tương, ích kỷ, là người muốn điều khiển đời sống của người khác. Thay vì thế, thuộc về Ngài là sự ghen tương của một người Cha yêu thương. Ngài ghen tương vì Ngài yêu chúng ta. Tình yêu của Ngài khiến Ngài phải giận dữ ngay sự việc sẽ làm tổn hại hay ngăn trở chúng ta. Đâu là những hình tượng trong đời sống của bạn? Sinh hoạt nào, thói quen nào, nhân vật nào trong đời sống bạn khiến cho Đức Chúa Trời phải ghen tương? Bạn có muốn một sự xác định để nhận dạng hình tượng trong kỷ nguyên nầy không? Thật là đơn giãn. Bất cứ điều chi kích thích Đức Chúa Trời phải ghen tương đều là một hình tượng. Phải cẩn thận đấy. Đừng tìm cách đặt một chân trong thế gian và chân kia trên chiếc tàu. Làm thế sẽ chẳng được gì đâu! Câu 12 chép: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét