Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

I Côrinhtô 16.13-14: "Phải quan hệ như thế nào với các tín hữu khác"



I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI
Phải quan hệ như thế nào với các tín hữu khác
I Côrinhtô 16.13-14
Bạn biết rõ cảm xúc mà bạn có được khi bạn trở về nhà từ một chuyến du hành thật dài hay hoàn tất việc đọc một quyển sách thật hay, hoặc tới chỗ kết thúc của một cuốn phim hay chưa? Bạn đã tận hưởng nỗi buồn đó thật nhiều, nhưng rồi nó sẽ qua đi, nhưng cùng lúc ấy bạn nhìn tới đàng trước trông đợi một việc khác. Cũng có một ý thức về sự thỏa lòng. Đấy là cách mà tôi cảm nhận khi chúng ta bắt đầu sứ điệp cuối cùng nầy trong phần nghiên cứu từng câu một sách I Côrinhtô. Chúng ta đã khởi sự loạt bài học nầy từ ngày 12 tháng 9 năm 2004. Trong 54 buổi sáng Chúa nhựt, chúng ta đã mở Kinh Thánh ra và nổ lực đào bới những lẽ thật thuộc linh từ quyển Kinh Thánh quan trọng nầy. Là một hội chúng, chúng ta đã để ra phần tốt nhứt của một năm rưỡi cho việc đào sâu vào những sự dạy quan trọng. Đây là một chuyến hành trình rất xứng đáng và tốt đẹp. Chúng ta đã tiếp thu được thật nhiều!
• Chúng ta đã học biết Hội Thánh cần phải hiệp một, không nên chia bè phái.
• Chúng ta đã học biết có quyền phép siêu nhiên trong sứ điệp nói tới thập tự giá, là Tin Lành.
• Chúng ta đã học biết mọi việc làm của chúng ta sẽ đưa ngang qua lửa tại Ngai Phán Xét của Đấng Christ.
• Chúng ta đã học biết rằng chúng ta là những quản gia mọi tài nguyên và chất lượng quan trọng nhất trong sự phục vụ của chúng ta đối với Chúa thành tín.
• Chúng ta đã học biết Hội Thánh địa phương phải thật cẩn thận và khôn khéo trong việc thực hiện phần kỷ luật.
• Chúng ta đã học biết anh em có đức tin cần phải tự họ liệu định những dị biệt và không nên kiện nhau ra tòa án.
• Chúng ta học biết các nguyên tắc quan trọng về sự độc thân, cưới gã và ly dị.
• Chúng ta đã học biết chúng ta cần phải giới hạn quyền tự Cơ đốc của mình vì cớ những tín đồ yếu đuối hơn.
• Chúng ta học biết phải tôn kính và dè chừng khi chúng ta đến với Tiệc Thánh.
• Chúng ta học biết về các ân tứ thuộc linh và phải sử dụng chúng như thế nào trong chức vụ.
• Chúng ta học biết tầm quan trọng của lẽ đạo quan trọng nói tới sự sống lại.
Là Giáo sư-Mục sư, phần nghiên cứu của chúng ta về sách 1 Côrinhtô đã làm phong phú đời sống tôi và tôi nguyện rằng bạn sẽ được phước bởi phần nghiên cứu ấy nữa. Tôi nghĩ đến điều Chúa phán ở Êsai 55.11: “thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó”. Dù mọi vấn đề trong sách nầy không áp dụng cho mỗi một người chúng ta, chúng ta đã kiếm được một sự hiểu biết rất lớn về Lời của Đức Chúa Trời và có lợi nhiều cho hết thảy chúng ta. Truyền đạo 11.1 chép: “Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại”.
Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau đi sâu vào sứ điệp sau cùng. Bạn nhớ lại rằng trong sách nầy, 15 chương đầu tiên chủ yếu là giáo lý, nhưng chương sau cùng nầy, chương 16 là chương ứng dụng thực tế. Phaolô kết luận chương 15 bằng cách nói ở câu 58: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”. Chương 16 cho chúng ta biết phương thức “làm công việc Chúa cách dư dật luôn”. Các câu 1-4 dạy chúng ta cách thức dâng hiến. Các câu 5-12 dạy phương thức làm việc. Các câu 13-14 dạy chúng ta cách thức lớn lên và giờ đây trong sứ điệp sau cùng nầy các câu 15-24 sẽ dạy chúng ta phải quan hệ với các tín hữu khác như thế nào trong Hội Thánh.
Thật là thú vị đối với tôi khi thấy Phaolô bắt đầu quyển sách nầy với các mối quan hệ trong Hội Thánh và giờ đây kết thúc cùng với lẽ đạo ấy. Ông đã khởi sự chương một bằng cách nói ở câu 10: “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau”. Ông đã chỉ cho họ thấy họ đã tự chia rẻ bằng cách trung thành với các vị giáo sư khác nhau dạy Kinh Thánh ở các câu 11-13: “Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh. Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô; -ta là của A-bô-lô, -ta là của Sê-pha, -ta là của Đấng Christ. Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp tem sao?”
Họ không nên phân rẻ nhau ra, song phải hiệp một. Cũng một thể ấy đối với chúng ta. Như Đấng Christ là một, thì chúng ta cũng phải thể ấy, thân thể của Ngài phải tìm cách “hiệp một ý một lòng cùng nhau”. Chúng ta hãy hoàn tất thư tín quan trọng nầy bằng cách áp dụng năm nguyên tắc trong sự quan hệ với nhau. Chúng ta cần phải hầu việc, kính phục, gợi nhớ lại, đánh giá cao, và tiếp nhận các tín hữu khác.
I. Hầu việc các tín hữu khác (câu 15).
Ở câu 15, Phaolô nói: “Hỡi anh em, còn một lời dặn nữa: anh em biết rằng nhà Sê-pha-na là trái đầu mùa của xứ A-chai, và biết rằng nhà ấy hết lòng hầu việc các thánh đồ”. Từ câu nầy, chúng ta học được từ tấm gương của “nhà Sêphana”, bao gồm gia đình, tôi tớ, nô lệ của người nầy. Chúng ta hãy trước tiên tiếp thu Sêphana là ai và kế đó ông đã làm gì!?!
A. NHÀ SÊPHANA GỒM NHỮNG AI!?!
Khi Phaolô viết về “nhà Sêphana”, ông nhắc cho người thành Côrinhtô nhớ rằng họ là “trái đầu mùa của xứ Achai”, giữa vòng những người đầu tiên được cứu không những tại thành Côrinhtô, mà còn trong cả xứ “Achai” nữa, là tỉnh phía Bắc của Hy lạp. Công Vụ các Sứ đồ 17-18 nói rất chi tiết thể nào Phaolô đã đến tại thành Côrinhtô lần đầu tiên từ thành Athen. Ông đã không được tiếp đón đàng hoàng bởi các triết gia kiêu căng ở đồi Areopagus hay đồi Mar. Ở đó vẫn có một số người đã trở lại đạo (17.34). Dường như Phaolô đã đến tại thành Côrinhtô không cứ cách nào đó đã bị đình trệ dữ lắm. Ông tìm gặp Aquila và Bêrítsin và đã lao động với họ lo may trại suốt thời gian giảng đạo mà ông có thể giảng vào “ngày Sa-bát, trong nhà hội” (18.4). Ông đã bị chống đối rất căng bởi người Do thái ở đó, vì thế ông đã nói với họ trong câu 6: “Ước gì máu các ngươi đổ lại trên đầu các ngươi! Còn ta thì tinh sạch; từ đây, ta sẽ đi đến cùng người ngoại”. Chúng ta đọc thấy thể nào một vài người Do thái như Giúttu và Cơrítbu đã được cứu nhưng “lại có nhiều người Cô-rinh-tô từng nghe Phao-lô giảng, cũng tin và chịu phép báp-tem” (câu 8). Chúa Jêsus đã đến với Phaolô trong một sự hiện thấy và nói: “Đừng sợ chi; song hãy nói và chớ làm thinh; ta ở cùng ngươi, chẳng ai tra tay trên ngươi đặng làm hại đâu; vì ta có nhiều người trong thành nầy”.
Giữa vòng những người đầu tiên nầy chịu theo Đấng Christ tại thành Côrinhtô là Sêphana và người nhà của ông. Đấy là phương thức mà công cuộc truyền giáo lo thực hiện. Khi gia trưởng của nhà ấy trước hết tin theo Đấng Christ, phần còn lại trong gia đình thường đi theo những bước chơn ông. Thực vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết đích thân Phaolô đã làm phép báptêm cho gia đình nầy: “Tôi cũng đã làm phép báp tem cho người nhà Sê-pha-na; ngoài nhà đó, tôi chẳng biết mình đã làm phép báp tem cho ai nữa” (I Côrinhtô 1.16).
Chúng ta giả định từ câu 17 rằng “Sêphana, Phốttuna và Achaicơ” đã đến từ thành Côrinhtô đến chỗ Phaolô ở tại thành Êphêsô và mang theo với họ bức thư chứa các thắc mắc cho Phaolô xem, ông có nhắc tới ở 7.1: “Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em…”. Vì vậy, Sêphana và gia đình ông đã có mặt giữa vòng “trái đầu mùa của xứ Achai”. Phaolô vốn biết rõ họ lâu nhất. Họ sống thân thiết với ông. Đấy là chỗ quan trọng. Tôi gắn bó. Tôi hiểu biết. Tôi đã biết rõ một số người trong các bạn kể từ lần đầu tiên tôi đến tại Amarillo cách đây 14 năm. Tuy nhiên, có lý do khác mà Phaolô đã đánh giá cao gia đình nầy, không những là họ sinh sống tại đó, mà còn những gì họ đã làm nữa kìa.
B. NHỮNG ĐIỀU NHÀ SÊPHANA ĐÃ LÀM.
Phaolô nói họ đã “hết lòng hầu việc các thánh đồ”. “Hầu việc” ra từ chữ tasso có ý nói tới, “sắp đặt trong một tư thế có trình tự, có phân công, có chỉ định, có quy định”. Hãy chú ý cách thức từ ngữ nầy được sử dụng ở chỗ khác, thí dụ, Mathiơ 28.16 chép: “Mười một môn đồ, đi qua xứ Ga-li-lê, lên hòn núi mà Đức Chúa Jêsus đã chỉ cho”. Công Vụ các Sứ đồ 13.48 chép: “Và phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo”. Rôma 13.1 chép: “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định”. Vì vậy, sát nghĩa thì câu nầy có thể đọc như sau: “Họ tự chỉ định mình vào sự phục vụ các thánh đồ”.
Như vậy, câu nầy có ý nói Sêphana và người nhà của ông đã tự mình thúc giục trong sự phục vụ Hội Thánh. Họ tự chỉ định mình. Họ không chờ đợi có ai đó yêu cầu. Họ đã tình nguyện. Khi họ nhìn thấy một nhu cầu, họ làm thỏa mãn nhu cầu đó. Khi có ai cần sự khích lệ, họ liền khích lệ. Khi có ai cần sự dạy dỗ, họ dạy dỗ ngay. Khi có người nào cần sự giúp đỡ về tiền bạc, họ lo liệu liền. Khi có việc gì cần được làm sạch sẽ, họ lau chùi ngay. Bạn đã tiếp thu được ý tưởng rồi đấy. Sự tổ chức rất là quan trọng. Một số chức vụ đã được thiết lập trong Hội Thánh. Cũng vậy, những địa vị trong hàng lãnh đạo đều đã được xác định rõ ràng rồi. Điều nầy đã được thực hiện như thế trong Hội Thánh đầu tiên và đáng phải có trong bất kỳ Hội Thánh địa phương nào ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải sẵn sàng và bằng lòng hầu việc bất cứ khi nào có một nhu cầu. Thực vậy, người nào trở thành cấp lãnh đạo đã được chỉ định trong Hội Thánh thường phải là những người biết tự giục giã mình trong sự phục vụ.
Bản Kinh Thánh King James cung ứng cho chúng ta một cách dịch thuật rất thú vị. Bản Kinh Thánh ấy chép họ rất “say mê” trong sự phục vụ các thánh đồ. Khi chúng ta nghe từ ngữ “say mê”, chúng ta nghĩ tới từ ấy cách tiêu cực. Khi có người nào say mê ma túy hay rượu chè, họ đang khao khát một thứ rất tiêu cực. Cái thèm khát của họ ngày càng tăng cho tới chừng họ đã sử dụng chúng. Tuy nhiên, gia đình Sêphana đã say mê muốn hầu việc các thánh đồ. Khi họ dâng mình vào phục vụ cho bất cứ nhu cần nào, cái thèm khát của họ về sự phục vụ tăng lên. Tôi đã thấy hạng người thể ấy trong Hội Thánh chúng ta. Họ tình nguyện ở đây, ở kia và không lâu sau đó thì họ cảm thấy bắt buộc phải hầu việc. Đúng là một phần mô tả thật kỳ diệu cho bất cứ một tín hữu nào biết say mê lo làm công việc của Chúa.
Trong cụm từ “hầu việc các thánh đồ”, Phaolô sử dụng chữ diakonia. Diakonos là chữ mà từ đó chúng ta có chữ “deacon” (chấp sự) theo Anh ngữ. Sát nghĩa, chữ nầy có nghĩa là “hầu bàn”. Chấp sự nguyên thủy trong Công Vụ các Sứ đồ 6 có ý đó, họ phải lo cho các góa phụ nghèo nàn trong Hội Thánh phải có thực phẩm để ăn. Chữ “hầu bàn” đã có mặt để ám chỉ đủ loại chức dịch hay chức vụ trong Hội Thánh. Hết thảy chúng ta đều hầu việc Chúa, và một trong những phương thức chính chúng ta hầu việc Chúa là phục vụ cho thân thể của Ngài, là Hội Thánh. Đặc biệt hãy chú ý gia đình của Sêphana đã hết lòng “hầu việc các thánh đồ”, nghĩa là cho các tín hữu khác.
Hêbơrơ 6.10 chép: “Đức Chúa Trời không phải là không công bình mà bỏ quên công việc và lòng yêu thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh đồ và hiện nay đang còn hầu việc nữa”. Vì thế, một trong những phương thức chính chúng ta cần phải gắn bó với nhau trong Hội Thánh là tự chỉ định mình phục vụ nhau. Đừng chờ cho người ta phải yêu cầu. Hãy tìm một nhu cầu rồi làm thỏa mãn nó.
II. Kính phục các tín hữu khác (câu 16).
Trong câu 16, Phaolô nói thêm: “Vậy, hãy kính phục những người thể ấy, và kính phục cả mọi người cùng làm việc, cùng khó nhọc với chúng ta”. Điều nầy buộc phải quay lại với phần đầu của câu 15: “Hỡi anh em, còn một lời dặn nữa…”. Câu nói về “nhà Sêphana” được đóng trong dấu ngoặc của câu nói nầy. Chúng ta cùng nhau đọc lại: “Hỡi anh em, còn một lời dặn nữa… hãy kính phục những người thể ấy, và kính phục cả mọi người cùng làm việc, cùng khó nhọc với chúng ta”.
Từ ngữ Hy lạp phổ thông nói tới sự kính phục, sát nghĩa có ý nói: “sắp đặt theo đẳng cấp”. Đây là một từ quân sự mô tả thể nào binh lính đứng theo đẳng cấp sau các sĩ quan của họ. Từ ngữ phổ thông nầy trong Tân Ước được sử dụng khoảng 49 lần. Thực ra, nó nói tới việc dành sự tôn kính cho người khác, vâng phục và đặt mọi nhu cần của họ trước nhu cần của chính bạn. Đời sống Cơ đốc là một đời sống thuận phục. Một Cơ đốc nhân không phục tùng là một sự nghịch lý. Giống như Đấng Christ đã phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha, chúng ta cần phải biết thuận phục nữa.
• Hết thảy chúng ta đều phải thuận phục đối với Chúa khi Ngài tỏ chính mình Ngài ra trong Lời của Ngài và bởi Thánh Linh Ngài. Giacơ 4.7 chép: “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em”.
• Chúng ta cần phải thuận phục nhau. Êphêsô 5.21 chép hết chúng ta cần phải “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau”.
• Những kẻ làm vợ cần phải vâng phục chồng mình. Êphêsô 5.22 chép: “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa”.
• Con cái cần phải vâng phục cha mẹ của chúng. Êphêsô 6.1 chép: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm”.
• Hội Thánh cần phải vâng phục các bậc trưởng lão. Hêbơrơ 13.17 chép: “Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em”.
• Hết thảy chúng ta cần phải vâng phục bậc cầm quyền. Rôma 13.1 chép: “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định”.
• Những người trẻ tuổi cần phải vâng phục bậc trưởng thượng. I Phierơ 5.5a chép: “Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão”.
Khi chúng ta vâng phục, thì xác thịt tức tối lắm, nhưng đấy đúng là vai trò của chúng ta là những tín đồ. I Phierơ 5.5b chép: “Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường”.
Phần nhấn mạnh của Phaolô trong câu nầy, ấy là người thành Côrinhtô nên nhìn vào hạng tín đồ trưởng thành, năng động như Sêphana rồi “đứng nối tiếp” sau lưng họ, tiếp thu từ nơi họ, phải học kỷ luật từ nơi họ. Đấy cũng là phương thức chúng ta quan hệ với nhiều người khác trong Hội Thánh. Chúng ta cần phải “kính phục những người thể ấy, và kính phục cả mọi người cùng làm việc, cùng khó nhọc” cho Chúa.
Hãy tìm một người nam hay người nữ tin kính nào biết “làm việc, cùng khó nhọc” cho Chúa rồi “kính phục” họ. Hãy tiếp thu từ nơi họ. Hãy sử dụng họ như một tấm gương cho vai trò. Đồng thời khi bạn trưởng thành, nhiều người khác sẽ tranh đua với đời sống của bạn. Phaolô đã viết ở I Têsalônica 1.5-6: “Vả, đạo Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu thương đối với anh em là thể nào. Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó”. Hêbơrơ 13.7 chép: “Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ”.
Chúa Jêsus ban cho chúng ta khuôn mẫu nầy lặp đi lặp lại tính kỷ luật ở Luca 6.40: “Môn đồ không hơn thầy; nhưng hễ môn đồ được trọn vẹn thì sẽ bằng thầy mình”. Tôi là người như hiện nay vì cớ có nhiều người khác dạy dỗ tôi. Dầu khi tôi là Mục sư, tôi tự mình kính phục đối với các trưởng lão và theo một ý nghĩa, kính phục tất cả các bạn. Một Cơ đốc nhân không biết vâng phục là một sự mâu thuẫn rõ ràng.
III. Làm cho các tín hữu khác được yên lặng (các câu 17-18a).
Phaolô nói ở các câu 17-18a: “Sê-pha-na, Phốt-tu-na và A-chai-cơ đến đây, tôi lấy làm vui mừng lắm; các người ấy đã bù lại sự anh em thiếu thốn. vì các người ấy đã làm cho yên lặng tâm thần của tôi và của anh em…”. Như đã nói rồi, Sêphana, Phốttuna, và Achaicơ đã đến với Phaolô tại thành Êphêsô. Họ đã trải qua một thời gian với ông tại đó. Cụm từ “bù lại sự anh em thiếu thốn” thực ra có ý nói rằng họ đã mang một món quà về tiền bạc đến giúp cho Phaolô. Tuy nhiên, “vì các người ấy đã làm cho yên lặng tâm thần của tôi” thì quí giá hơn bất cứ một của dâng nào khác. Họ đã đến bên cạnh ông, khích lệ ông, và gây dựng ông.
“Làm cho yên lặng” ra cùng từ một chữ Hy lạp (anapauo) mà Chúa Jêsus đã sử dụng khi Ngài hứa “yên nghỉ” cho người nào sẽ chạy đến với Ngài. Ngài phán ở Mathiơ 11.28: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”. Chúa Jêsus đã cất gánh nặng ra khỏi vai chúng ta khi chúng ta đặt gánh nặng của mình nơi chơn Ngài. Khi chúng ta mệt mõi và cưu mang gánh nặng của thế gian trên vai mình, chúng ta đến với Đấng Christ qua sự cầu nguyện, thờ phượng, còn Ngài ban cho chúng ta sự yên nghỉ và sự bình an trong tấm lòng của chúng ta. Qua sự giao thông với Chúa và phản ảnh tình yêu thương của Ngài, chúng ta tìm được sự “yên nghỉ”; chúng ta được “làm cho yên lặng”.
Phaolô sử dụng chính từ ngữ nầy để mô tả thể nào ba người bạn từ thành Côrinhtô đến giúp đỡ ông. Họ đã làm tâm linh ông được “yên lặng”, họ đã làm cho ông được “yên nghỉ”. Bạn có nhìn thấy hàm ý ở đây chăng? Khi chúng ta dự tính làm cho người khác được yên lặng, chúng ta đang làm công việc của Chúa Jêsus. Khi chúng ta khích lệ, gây dựng và làm cho người khác được mạnh mẽ, Đấng Christ đang làm việc qua chúng ta để ban cho họ được yên nghỉ và tươi mới. Vậy thì chúng ta thực sự đang hoạt động như Thân thể của Ngài.
Chúa thường yên ủi chúng ta qua người khác. Phaolô đã viết ở II Côrinhtô 7.6: “Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng yên ủi kẻ ngã lòng, đã yên ủi tôi bởi Tít đến nơi”. I Têsalônica 5.14 chép: “Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người”. I Têsalônica 5.11 chép: “Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm”.
Tôi dám chắc hết lúc nầy tới lúc khác, hết thảy chúng ta đều được làm cho yên lặng hay yên ủi bởi anh chị em trong Đấng Christ. Hết thảy chúng ta đều đã kinh nghiệm những cảm xúc ngã lòng chỉ để được nhấc lên bởi anh chị em khác. Sự thể giống như được ban cho một ly nước lạnh vào ngày hè nóng nực, khô hạn. Tôi nghĩ Đức Chúa Trời ban ơn cho một số tín đồ với nhận thức đặc biệt về sự phân biện nhìn biết khi nào ai đó cần được nhấc lên. Họ biết được người khác cần gì rồi đến bên cạnh chúng ta cung ứng cho chúng ta những lời nói khích lệ làm cho tâm thần chúng ta được yên lặng. Có một người trong Hội Thánh nầy có tâm thần bình tịnh và dịu dàng. Người ấy có tấm lòng dịu dàng và nhận định được nổi đau của người khác. Nhiều lần người ấy đến với tôi chỉ vì đã ý thức được tôi cần có cánh tay quàng bên vai mình. Có một phụ nữ rất kỳ diệu ở đây với chính ân tứ đó. Bà không nói nhiều khi trực diện, nhưng thường thì tôi được làm cho yên lặng qua cách đọc lời lẽ của bà ấy trên một tấm thiệp.
Hết thảy chúng ta không có ân tứ phân biện và khích lệ đặc biệt đó, nhưng chúng ta có thể phát triển thói quen liên tục thốt ra lời lẽ làm cho tâm thần nhiều người khác được yên lặng. Ồ, chúng ta cần phải gieo ra mối tương giao Cơ đốc làm cho yên lặng ấy. Bạn bè biết làm cho yên lặng khích lệ chúng ta trong đức tin, giữ chúng ta không sa vào trong tội lỗi và khích lệ chúng ta khi chúng ta ngã lòng. Đấy là lý do tại sao mối thông công liên tục là quan trọng. Đấy là lý do tại sao chúng ta cần nhóm lại với nhau nhiều hơn là chỉ có buổi sáng thờ phượng Chúa nhựt. Khi chúng ta đan dệt lại nhiều đời sống lại với nhau, thông công trong công việc của Chúa, chúng ta thường xuyên làm cho nhau được yên lặng.
IV. Tán thưởng các tín hữu khác (câu 18b).
Một lần nữa trong các câu 17-18 Phaolô nói: “Sê-pha-na, Phốt-tu-na và A-chai-cơ đến đây, tôi lấy làm vui mừng lắm; các người ấy đã bù lại sự anh em thiếu thốn, vì các người ấy đã làm cho yên lặng tâm thần của tôi và của anh em…”. Giờ đây hãy lưu ý phần cuối của câu 18: “Hãy biết quí trọng những người dường ấy”. “Quí trọng” ra từ chữ epignosko và có ý nói “công nhận, chú trọng đến, tán thưởng”. Phaolô đang nói chúng ta đặc biệt kính trọng và tán thưởng các tín hữu nào sẵn lòng hầu việc Chúa.
Mọi sự sống của con người rất có giá trị, vì chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Đấy là lý do tại sao cộng đồng Cơ đốc đứng vững vàng trong việc chống lại sự phá thai, tự tử có sự trợ giúp của bác sĩ và bất cứ hành động nào khác làm suy giảm giá trị sự sống của con người. Chúng ta không chất đống xương cốt và các tế bào, nhưng chất chứa đỉnh cao sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và những linh hồn sống.
Mặc dù đời sống con người rất có giá trị, chúng ta cần phải đặc biệt đánh giá cao các tín đồ là anh chị em trong Đấng Christ và là kẻ đồng kế tự Nước Thiên Đàng. Hết thảy chúng ta đều đứng bằng nhau dưới chơn thập tự giá là những kẻ nhận lãnh ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời. Trong Hội Thánh địa phương, chúng ta cần phải tán thưởng và “quí trọng” nhau. Người thành Côrinhtô đã không làm như thế. Họ đã tự phân rẻ thành nhiều bè phái. Họ kiện nhau ra tòa và đuổi theo những quyền lợi ích kỷ của riêng họ. Thậm chí họ không xem trọng Phaolô và có người đã thắc mắc vai trò sứ đồ và thẩm quyền của ông nữa.
Sứ đồ Giăng đã viết về một người có tên là Điôtrép: “…là kẻ ưng đứng đầu Hội thánh”. Giăng nói ông ta đã “lấy lời luận độc ác mà nghịch cùng chúng ta. Điều đó còn chưa đủ, người lại không tiếp rước anh em nữa, mà ai muốn tiếp rước, thì người ngăn trở và đuổi ra khỏi Hội thánh”. (III Giăng 9-11). Chỉ với đôi ba câu sau đó ông viết về Đêmêtriu, là người mà “Mọi người đều làm chứng tốt cho, và chính lẽ thật cũng chứng cho” (III Giăng 12).
Khi Phaolô nói cho chúng ta biết phải “quí trọng” những ai đang hầu việc Chúa, ông không nhất thiết có ý nói chúng ta phải làm những hình tượng cho sân cỏ của nhà thờ hoặc thậm chí đặt tên nhà thờ theo tên của họ. Thay vì thế, ông muốn nói chúng ta phải tỏ ra sự tôn trọng cho họ thay vì “nói huyên thuyên” nghịch lại họ.
Tất nhiên, đấy đặc biệt là sự thực đối với các cấp lãnh đạo Hội Thánh. Chúng ta chọn cấp lãnh đạo Hội Thánh như thế nào? Có phải chúng ta tìm kiếm hạng người có tiền bạc, danh tiếng và ảnh hưởng đời nầy không? Không. Chúng ta tìm kiếm hạng người nào biết khiêm nhường và họ trung tín lo làm công việc của Chúa. Người nào sẽ trở thành lãnh đạo không tìm kiếm một địa vị; địa vị tìm kiếm họ. I Têsalônica 5.12 chép: “Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em”. I Timôthê 5.17 chép: “Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ”.
MacArthur viết: Ý định của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh rất là đơn giản. Người tin kính cần phải nắm lấy chức vụ lãnh đạo. Họ cai trị, họ dạy dỗ, họ quở trách, họ nêu gương. Họ đã được chọn vì họ đặc biệt biết vâng phục Chúa. Phần còn lại của Hội Thánh vì thế phải phục theo họ, với sự kính trọng, tôn cao, và yêu thương. Họ phải trình sổ với Chúa về chức năng lãnh đạo của họ, và phần còn lại phải trình sổ cho Chúa về sự vâng phục chức năng lãnh đạo đó. “Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em” (Hêbơrơ 13.17). Nếu chúng ta không thuận theo và tôn trọng những người đang nắm chức vụ lãnh đạo phải lẽ trong Hội Thánh, chúng ta không những làm suy bại và ngăn trở sự kết quả của họ, mà còn ngăn trở cho bản thân mình nữa. Chúng ta không thể hầu việc Chúa cách xứng đáng nếu chúng ta không quí trọng các cấp lãnh đạo tin kính.
V. Tiếp nhận các tín hữu khác (các câu 19-24).
Ở các câu 19-20, Phaolô viết về cách thức chúng ta cần phải tiếp nhận các tín hữu khác. Trong thế kỷ đầu tiên, khi Cơ đốc nhân đi đó đi đây, không có nhiều nhà thờ thuộc các hệ phái khác nhau ở mỗi thành phố, nhưng thường chỉ có một hay hơn một hội chúng, hội chúng nhỏ đó nhóm lại tại tư gia hay trong các ngôi nhà khác nhau khắp thành phố. Vừa đến thị trấn, người ấy sẽ hỏi thăm Cơ đốc nhân nhóm lại ở đâu rồi đến đó mà nhóm lại. Người ấy đã được tiếp đón, và các nhu cần của người được thỏa. Ngày nay các tín đồ đi tham quan có thể không hỏi thăm song họ đến với những buổi thờ phượng của chúng ta. Tôi thấy có hai cách họ được tiếp đón như sau:
A. THỨ NHỨT, CÁC TÍN HỮU KHÁC CẦN PHẢI ĐƯỢC TIẾP NHẬN VỚI SỰ MẾN KHÁCH (câu 19).
Phaolô nói ở câu 19: “Các Hội thánh ở xứ A-si chào thăm anh em. A-qui-la và Bê-rít-sin gởi lời chào anh em trong Chúa, Hội thánh hiệp trong nhà hai người ấy cũng vậy”. Khi lần đầu tiên ông đến thành Côrinhtô, ông được tiếp đón vào trong nhà và làm công việc may trại với “Aquila và Bêrítsin”. Họ đã cung ứng cho ông một chỗ để sống và một phương thức để lao động kiếm tiền. Sau đó, khi ông đến tại thành Êphêsô, họ đã đi theo ông và rõ ràng đã thiết lập một hội chúng “trong nhà của họ”.
Như vậy, chẳng cần phải nói chúng ta phải nồng ấm tiếp đón những vị khách trong các buổi thờ phượng của chúng ta. Chúng ta không nên để cho họ phải bối rối, nhưng chúng ta phải cẩn thận chào tiếp họ, làm cho họ cảm thấy được tiếp đón ở nhà thờ giống như họ đã được tiếp đón trong gia đình của chúng ta vậy. Chúng ta hãy nghĩ tới gia đình Cơ đốc trong một phút xem. Trong Hội Thánh đầu tiên, có nhiều ngôi nhà được sử dụng để thờ phượng, để tổ chức các bữa ăn thông công, để dạy dỗ và giảng đạo. Có một thời gian ngắn tôi đã giảng ở một “Hội Thánh tư gia” ở nước Nga. Dân sự đã nhóm lại trong một căn phòng nhỏ và mặc dù tôi không thể hiểu được lời nói của họ, tôi nhìn thấy chính mối thông công Cơ đốc mà chúng ta đang có trong gia đình Hội Thánh của chúng ta. Chỉ vì chúng ta có một ngôi nhà thờ xinh đẹp, chúng ta có thể nhóm lại đặng thờ phượng và phục vụ không có nghĩa là tư thất của chúng ta không phải là chổ cho sự tiếp đãi Cơ đốc. Trong kỷ nguyên nầy, người ta cẩn thận những gì tư riêng của họ. Tư thất của một người được coi là vùng đất riêng tư của họ, một nơi mà người ấy có thể trú ngụ và tự mình hưởng thụ. Ngược lại, tư thất của chúng ta cần phải mở rộng và tiếp đón hết thảy những ai đang cần sự mến khách.
B. THỨ HAI, CÁC TÍN HỮU KHÁC CẦN PHẢI ĐƯỢC TIẾP ĐÓN VỚI TÌNH CẢM (câu 20).
Câu 20 chép: “Hết thảy anh em đây chào thăm các anh em. Hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau”. Cái “hôn thánh” là hôn như thế nào? Một lần nữa, trong chuyến đi của tôi đến nước Nga, tôi được hôn ở hai bên gò má nhiều lần bởi các anh em trong Chúa. Là một người Mỹ, tôi chỉ biết bắt tay hay ôm ghì, nhưng tục lệ của họ là hôn trên gò má. Đây là một dấu hiệu của tình cảm. Tôi không đề nghị rằng người của chúng ta hết thảy đều sẽ hôn nhau đâu. Nguyên tắc ở đây, ấy là chúng ta cần phải tỏ ra tình cảm quí trọng chân thành. Chúng ta không nên để cho những khách lạ cứ mãi là khách lạ. Chúng ta cần phải tiếp đón người ta vào trong sinh hoạt của Hội Thánh.
Cho phép tôi đưa ra một lời thực tế về tình cảm, đặc biệt là cái ôm ghì. Những người đàn ông có thể ôm ghì nhau. Điều đó là tốt thôi. Các phụ nữ có thể làm y như vậy. Tuy nhiên, chỉ thế thôi thì chúng ta không thể hiện những dấu hiệu sai lầm hoặc làm cho ai đó thấy bất tiện, hỡi quí ông, đừng ôm lấy phụ nữ và phụ nữ đừng ôm lấy đàn ông. Một cái ôm từ bên hông truyền đạt tình cảm thuộc linh cách xứng đáng. Cũng vậy, hãy tỏ ra tình cảm của bạn cảm xúc, giống như phải cẩn thận qua cách bạn truyền đạt cảm xúc đó.
C. THỨ BA, MỘT VÀI LỜI BÌNH LUẬN SAU CÙNG (các câu 21-24).
Phaolô nói ở câu 21: “Tôi là Phao-lô, chính tay tôi viết chào thăm anh em”. Thư tín nầy đã được viết ra. Có bằng chứng cho thấy rằng tầm nhìn của vị Sứ đồ sút kém đi và có lẽ ông không thấy rõ khi viết lách. Có lẽ giống như tôi, ông viết rất là kém và muốn viết cho rõ nét hơn. Dù là trường hợp nào, giờ đây Phaolô ký tên trên bức thư bằng chính tay mình và có lẽ ông đã viết ra ba câu sau cùng.
Câu 22a chép: “Bằng có ai không kính mến Chúa, thì phải bị a-na-them!” Dù chúng ta cần phải tiếp nhận các tín hữu thật nồng ấm trong trong mối tương giao của chúng ta, chúng ta không phải tiếp đón những kẻ chưa thực sự kính mến Đấng Christ. Ai đó không có tình cảm dành cho Chúa sẽ phá vỡ Hội Thánh. Nói như thế không phải nói chúng ta không nên chào đón những người chưa tin Chúa cách nồng ấm và chia sẻ Tin Lành. Đây là phần tham khảo đến một vấn đề hóc búa, một kẻ lừa đảo. Một người thể ấy đáng bị anathema, “bị rủa sả”, đáng bị hủy diệt.
Kế đó, ở 22b, Phaolô hô lớn: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” (Ma-ra-na-tha). Chữ nầy ra từ phần chuyển ngữ Hy lạp của từ Aram maranatha. Dường như ông muốn nói: “Lạy Chúa, xin hãy đến và giải phóng chúng tôi ra khỏi những kẻ ác nầy”. Sau cùng, ông kết thúc ở các câu 23-24, với tình cảm cá nhân của chính ông: “Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ ở với anh em! Lòng yêu thương của tôi ở với hết thảy anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ. Amen”. Ân điển và sự bình an là lời cầu nguyện của Phaolô dành cho hết thảy các Hội Thánh. Ông bắt đầu với lời cầu nguyện nầy (1.3) và giờ đây ông đang kết thúc cũng với lời cầu nguyện ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét