Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

TIÊN TRI ÊXÊCHIÊN



NHÂN VẬT KINH THÁNH
TIÊN TRI ÊXÊCHIÊN
Phần giới thiệu:
Qua những lời tiên tri dẫn tới cuộc phu tù cho người Babylôn, chúng ta đã nhìn thấy Đức Chúa Trời trông mong dân sự Ngài ăn năn tội lỗi của họ và sống vâng phục Ngài. Tuy nhiên, dân sự phải có ý chí và phải chọn vâng phục.
Khi tôi lớn lên, nhiều lần bố mẹ tôi phải sử dụng kỷ luật trong đời sống tôi để đổi hướng ý ngoan cố của tôi. (Do đó, tôi tin rằng nếu các bậc phụ huynh ngày nay hiểu rõ nhu cần phải kỷ luật con cái họ, chúng ta sẽ nhìn thấy ít nan đề đi giữa vòng lớp người trẻ. Đây là nguyên tắc theo Kinh Thánh!)
Ở đâu thiếu kỷ luật trong một đời sống, ở đấy chỉ thêm nhiều sự bất tuân mà thôi. Vì, ở đâu không có kỷ luật, ở đó chỉ có một thái độ: “Tôi có thể xoay sở với việc kia, thì tôi có thể xoay sở với việc nầy”.
Có người nói rằng: “Tôi nghĩ chúng ta nên sử dụng sự củng cố tích cực thay vì kỷ luật buộc con trẻ phải vâng lời”. Việc như thế có thể tác động trong một số trường hợp, nhưng không mãi mãi được.
Đức Chúa Trời đã hứa mọi loại củng cố tích cực nếu Israel chỉ chịu vâng lời Ngài, nhưng việc ấy chẳng có hiệu quả. Ngài phải viện đến hình thức sửa phạt. Và Ngài sử dụng các vị tiên tri của Ngài đến phân phát sứ điệp để họ biết ăn năn tốt hơn rồi vâng theo Ngài hoặc sự sửa phạt sẽ xảy đến!
Tối nay, chúng ta nhắm vào tiên tri Đaniên (là nhân vật chúng ta đã nghiên cứu các nhân vật trong sách Đaniên) và xem xét tiên tri Êxêchiên. Êxêchiên là một người đã chọn vâng theo Đức Chúa Trời. Êxêchiên là một thầy tế lễ (1.3). Giống như ông đã khởi sự chức vụ mình là một thầy tế lễ, Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông trở thành một tiên tri. Êxêchiên vâng theo tiếng phán của Đức Chúa Trời và đã trở thành phát ngôn viên của Đức Chúa Trời lo kêu gọi dân sự của Đức Chúa Trời, những kẻ bị bắt đi làm phu tù trong xứ Babylôn nên ăn năn và vâng lời. Êxêchiên đã sống theo những gì ông rao giảng!
Chúng ta nắm bắt dòng thời gian chỉ ra thời thế của vị tiên tri nầy, hãy hiểu rằng Giêrêmi đã trở thành tiên tri cho xứ vào năm 627TC. Đaniên bị bắt đi làm phu tù trong xứ Babylôn ở cuộc xâm lược đầu tiên đã xảy ra khoảng 22 năm sau cuộc xâm lược ấy vào năm 605TC. Êxêchiên bị bắt đi làm phu tù trong cuộc xâm lược lần thứ hai khoảng 8 năm sau vào năm 597TC và đã trở thành tiên tri khoảng 4 năm sau, vào năm 593TC. Khoảng 7 năm sau đó, vào năm 586TC cuộc xâm lược thứ ba diễn ra khi xứ Giuđa sụp đổ và thành Jerusalem bị hủy diệt hoàn toàn.
I. LAI LỊCH CỦA ÊXÊCHIÊN.
Tên của ông có nghĩa là: “Đức Chúa Trời rất mạnh sức” hay “Người được Đức Chúa Trời làm cho mạnh mẽ”.
Tên của ông được tóm tắt bằng những gì Đức Chúa Trời đã làm trong đời sống ông. Đức Chúa Trời đã làm cho ông mạnh mẽ để có thể tỏ ra cho dân sự của Đức Chúa Trời thấy rằng Đức Chúa Trời rất mạnh sức.
Ông là con trai của một người có tên là Bu-xi, về nhân vật nầy chúng ta chẳng biết gì hết (1.3).
Êxêchiên chào đời và lớn lên trong xứ Giuđa và được sửa soạn để trở thành thầy tế lễ trong Đền Thờ của Đức Chúa Trời, khi người Canh-đê đến bao vây xứ Giuđa lần thứ nhì vào năm 597TC và đã bắt ông đi cùng với 10.000 phu tù khác nữa (II Các Vua 24.8-14).
II. SỰ KÊU GỌI VÀ SỨ MỆNH CỦA ÊXÊCHIÊN (1.1 – 3.27)
Giống như Giêrêmi, Êxêchiên là một thầy tế lễ khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông.
Sau năm năm trong cuộc phu tù, sự kêu gọi của Đức Chúa Trời đến với Êxêchiên ở tuổi 30 (1.1)
Êxêchiên đã phục vụ trong xứ Babylôn khi Giêrêmi đang rao giảng cho người Do thái vẫn còn ở tại thành Jerusalem và Đaniên đang phục vụ trong triều đình Vua Nêbucátnếtsa.
A. Sự hiện thấy về những vật sống (1.1-28)
Các câu 1-3
Đức Chúa Trời đã truyền đạt cho Êxêchiên trong những sự hiện thấy. Dân sự của Đức Chúa Trời, những kẻ bị đày sang xứ Babylôn đã mất đi nhận thức về mục đích và sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và Êxêchiên đã tiếp cận họ với một sự hiện thấy từ Đức Chúa Trời để cảnh cáo họ về các hậu quả của tội lỗi trước khi quá trễ.
Các câu 4-5 (và 6-25)
Trong lần hiện thấy đầu tiên nầy, Đức Chúa Trời kêu gọi Êxêchiên bước vào chức vụ nói tiên tri. Trong sự kêu gọi đó, Đức Chúa Trời đã tỏ ra cả sự hiện diện và quyền phép của Ngài cho Êxêchiên biết.
Luồng gió bão đến từ phương Bắc là một dấu hiệu chỉ về những đoàn quân mạnh sức của Babylôn đang hướng về thành Jerusalem như công cụ phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên xứ Giuđa.
Sự hiện thấy nầy đã tỏ ra cho Êxêchiên biết rằng sự hủy diệt hầu đến của thành Jerusalem là sự sửa phạt của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi của xứ sở và của dân Giuđa.
Lần tấn công của người Babylôn còn nặng nề hơn một cuộc tấn công về mặt thuộc thể, bốn sinh vật sống được mô tả ở các câu 6–25 cho thấy rằng đây cũng là một sự phán xét về mặt thuộc linh vì cớ tội lỗi nghịch lại một Đức Chúa Trời thánh khiết (đối chiếu các tạo vật trong Khải huyền 4.6-9).
Êxêchiên đã ở cách xa Đền Thờ tại thành Jerusalem khi ông nhận lãnh sự hiện thấy nầy. Tuy nhiên, qua sự hiện thấy nầy ông đã được nhắc nhớ rằng Đức Chúa Trời đang hiện diện ở khắp mọi nơi, và Ngài tể trị trên mọi điều đang diễn ra ở trên đất.
Các câu 25-28
Ở đây, chúng ta thấy những gì tôi tin là mô tả Êxêchiên đang đối mặt với Đức Chúa Jêsus Christ trước khi Ngài hóa thân thành nhục thể.
Hãy chú ý cách thức đáp ứng của Êxêchiên là sấp mặt xuống đất. Có phải điều nầy nhắc cho bạn nhớ tới trường hợp nào đó trong Tân Ước không? (Phaolô trong Công Vụ các Sứ đồ 9.3-4; Giăng trong Khải huyền 1.17).
Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng Êxêchiên sẽ như thế nào khi kinh nghiệm sự hiện thấy nầy.
Chắc chắn có nhiều điều Êxêchiên không hiểu, cũng như có nhiều điều mà tôi nhất định không hiểu tới. Nhưng Êxêchiên biết rõ mỗi một chi tiết đều có ý nghĩa vì sự ấy đã đến từ Đức Chúa Trời.
B. Đức Chúa Trời kêu gọi Êxêchiên (2.1–10)
Câu 1
Đức Chúa Trời bất tử phán cùng Êxêchiên bằng cách gọi ông là Con Người.
Chắc chắn điều nầy đã nhấn mạnh khoảng cách ở giữa họ.
Đức Chúa Trời chọn thể hiện ý chỉ của Ngài trên đất qua chúng ta dù chúng ta là loại tạo vật bất toàn và giới hạn.
Câu 2
Chúng ta thấy ở đây, Êxêchiên đã có một thái độ rộng mở và vâng phục, còn Đức Chúa Trời thì làm cho ông được đầy dẫy với Thánh Linh của Ngài.
Đức Chúa Trời không mong chúng ta hiểu hết mọi sự về Ngài hay về những gì Ngài kêu gọi chúng ta phải lo làm. Ngài chỉ muốn chúng ta trở thành hạng tôi tớ biết bằng lòng và vâng phục, là hạng người trung tín làm theo y như Ngài bảo chúng ta phải lo làm.
Các câu 3-5
Êxêchiên cần phải phát ra sứ điệp của Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài dù họ có chịu nghe hay không!?! (Điều nầy nhắc cho chúng ta nhớ đôi điều về ơn kêu gọi của Êsai ở Êsai 6 và ơn kêu gọi của Giêrêmi ở Giêrêmi 1 mà chúng ta đã xem qua rồi trong các bài nghiên cứu trước đây).
Lượng thành công của Êxêchiên không phải ở chỗ dân sự đáp ứng có mỹ mãn hay không, mà ở chỗ ông vâng lời Đức Chúa Trời và lo chu toàn ý định của Đức Chúa Trời trong đời sống mình hay không mà thôi.
Cũng thực như thế với sự công bố của chúng ta về Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ!
Đức Chúa Trời sẽ không xét đoán chúng ta về những người khác đáp ứng mỹ mãn thế nào đối với Lẽ Thật mà chúng ta đang rao giảng.
Đức Chúa Trời sẽ xét đoán chúng ta về cách thức chúng ta trung tín thế nào khi lo rao giảng Lẽ Thật!
Đức Chúa Trời gọi hạng người nầy là “dày mặt” và “cứng lòng” vì họ sống loạn nghịch và đã từ chối không chịu công nhận lối sống tội lỗi của họ.
Thậm chí khi các tiên tri thực của Đức Chúa Trời chỉ ra tội lỗi của họ, họ bất chấp lẽ thật.
Ngày nay, có nhiều người trong Hội Thánh sống y như dân sự Giuđa. Họ rất dày mặt và cứng lòng. Khi Lời Đức Chúa Trời được rao ra và tội lỗi bị phơi bày, hầu hết dân sự đều mang theo với đời sống họ chẳng một suy nghĩ nào về việc phải làm hòa lại với Đức Chúa Trời. Họ chỉ tiếp tục sống trong tình trạng gian ác của họ giống như thể chẳng có gì sai trái cả.
Các câu 6-10
Chúa bảo Êxêchiên đừng sợ họ hay lời nói của họ và đừng trở nên giống như họ.
Ngày nay có nhiều người, bất chấp sợ hãi, đã xem thường sứ điệp của Đức Chúa Trời.
Có những người lấy làm mệt mõi về những kẻ không chịu nghe và họ thôi không còn lo rao giảng nữa.
Có những người khác nữa, họ nhìn thấy hết thảy sự gian ác và quyết định dự phần vào “mặt tối tăm”.
Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta “hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (II Timôthê 4.2)
Thậm chí dù khi “sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Timôthê 4.3-4)
Bốn lần trong câu, Đức Chúa Trời bảo Êxêchiên đừng sợ hay đừng kinh hãi.
Với Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang ngự trong chúng ta, chúng ta có thể gạt qua một bên những nổi sợ hãi về sự chối bỏ hay chế nhạo. Sức lực của Đức Chúa Trời là mạnh mẽ đủ để giúp chúng ta sống cho Ngài bất luận sự chế nhạo như thế nào hoặc các nghịch cảnh mà chúng ta có thể phải đối diện với.
C. Sự chỉ định của Đức Chúa Trời phải trở thành một người canh (3.1-27)
Các câu 1-3
Êxêchiên đã ăn lấy sứ điệp của Đức Chúa Trời rồi thấy thức ăn thuộc linh không những là ngon cho ông, mà còn ngọt như mật nữa (đối chiếu Khải huyền 10.8-10)
Nếu chúng ta tiêu hóa Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy rằng không những Lời ấy khiến cho chúng ta được mạnh mẽ trong đức tin mình, mà sự khôn ngoan của Lời ấy còn làm cho đời sống chúng ta ra ngọt như mật nữa.
Chúng ta cần phải nuôi mình về phần thuộc linh giống như chúng ta trưởng dưỡng thân thể mình về mặt thuộc thể nữa.
Các câu 4-9
Đức Chúa Trời bảo cho Êxêchiên biết rằng nếu ông được sai đi giống như một giáo sĩ ngoại quốc, những người kia sẽ chịu nghe theo ông, nhưng đồng bào của ông sẽ không chịu nghe đâu.
Đức Chúa Trời lặp lại sự dày mặt và cứng lòng của họ.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã khiến cho ông được mạnh mẽ đủ để đứng nghịch lại sự chống đối mà ông sẽ đối diện với.
Các câu 10-11
Êxêchiên đã nhận lãnh Lời của Đức Chúa Trời và làm cho chúng ăn sâu tận đáy lòng ông trước khi rao giảng chúng cho nhiều người khác nghe.
Sứ điệp của Đức Chúa Trời phải ăn sâu vào đáy lòng chúng ta và tỏ ra trong mọi hành động của chúng ta trước khi chúng ta có thể vùa giúp cho nhiều người khác một cách hiệu quả để hiểu được rồi áp dụng Lời ấy.
Các câu 12-15
Êxêchiên trở nên cay đắng nóng nảy. Nhưng ông không nóng nảy với Đức Chúa Trời. Ông đã nóng nảy với tội lỗi và thái độ của dân sự.
Sự hiện thấy của ông kết thúc và giờ đây ông bước theo công việc mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông – nghĩa là, nói tiên tri cho dân nầy, họ ít quan tâm chẳng cần gì đến sứ điệp của Đức Chúa Trời.
Trước cuộc phu tù, chính số dân nầy là những kẻ mà Giêrêmi đã nói tiên tri cho họ, song họ chẳng khứng nghe.
Giờ đây, Êxêchiên đến với sứ điệp tương tự, và ông cũng mong bị từ chối. Nhưng ông đã có sự hiện thấy nầy từ Đức Chúa Trời rất tươi mới trong lý trí mình. Ông chẳng có gì phải sợ hãi vì Đức Chúa Trời đã ở cùng ông. Vì vậy, bất chấp hậu quả, Êxêchiên chỉ biết vâng theo Đức Chúa Trời mà thôi.
Êxêchiên đã ngồi yên lặng giữa vòng dân sự trong bảy ngày chờ đợi sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời. Bảy ngày là thời gian thông thường dành cho việc than khóc kẻ chết. Kẻ chết trong trường hợp nầy là những người chết về mặt thuộc linh!
Các câu 16-21
Một người canh đứng trên bức tường thành và cảnh báo dân chúng về mối nguy hiểm đang đến gần.
Vai trò của Êxêchiên là phải trở thành người canh thuộc linh cảnh báo dân sự về sự phán xét của Đức Chúa Trời sắp xảy đến.
Một người canh nắm lấy trách nhiệm và sẽ thường phải trả giá bằng mạng sống mình nếu người thất bại không cảnh cáo thành phố về mối nguy hiểm đang tới gần. Không nghi ngờ chi nữa, Đức Chúa Trời đã buộc Êxêchiên chịu trách nhiệm về những người mà ông đã thất bại không chịu cảnh cáo họ.
Chúng ta cũng là những người canh, chúng ta phải cảnh cáo kẻ bị hư mất về mối nguy hiểm hầu đến của địa ngục và cảnh cáo người được cứu về sự phán xét hầu đến tại ngôi của Đức Chúa Trời.
Trong những câu nầy, chúng ta cần phải biết rằng Đức Chúa Trời không nói về việc mất đi ơn cứu rỗi, nhưng thay vì thế về sự chết theo phần xác.
Các câu 22-27
Một lần nữa, chúng ta thấy như trước đây, Êxêchiên đã sấp mặt xuống đất khi đối diện với sự vinh hiển của Đức GIÊHÔVA.
Khi chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Trời trong mọi vinh quang và thánh khiết của Ngài, chúng ta phải sấp mặt mình xuống đất trước mặt Ngài!
Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời nhập vào ông, Ngài khiến ông đứng trên chân của mình.
Công Vụ các Sứ đồ 1.8: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”.
Êxêchiên được phép nói chỉ khi Đức Chúa Trời có một sứ điệp cho dân sự Ngài để dân sự Ngài sẽ nhìn biết rằng bất cứ điều chi Êxêchiên thốt ra đều là sứ điệp của Đức Chúa Trời. Họ không lấy làm lạ nếu Êxêchiên đang nói bởi uy quyền của ông hay bởi quyền phép của Đức Chúa Trời.
III. CHỨC VỤ CỦA ÊXÊCHIÊN.
Vậy thì Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Êxêchiên làm việc gì?
A. Có những sứ điệp nói tới sự sụp đổ(4.1-24.27)
1. Đức Chúa Trời sai ông đến giúp cho các phu tù hiểu rõ lý do tại sao họ đã bị đưa sang Babylôn trong chỗ thứ nhứt.
Israel đã phạm tội và kế đó họ đã từ chối không chịu ăn năn và đấy là lý do tại sao sự sửa phạt của Đức Chúa Trời xảy đến.
Cả sự sụp đổ của thành Jerusalem và cuộc lưu đày sang Babylôn là sự sửa phạt nơi tay của Đức Chúa Trời để chỉnh sửa dân sự Ngài và kéo họ ra khỏi lối sống tội lỗi của họ.
Êxêchiên đã cảnh cáo họ không những Đức Chúa Trời buộc xứ Giuđa phải chịu trách nhiệm về tội lỗi, mà mỗi cá nhân còn phải trình sổ với Ngài về tội lỗi cá nhân của họ nữa.
2. Đức Chúa Trời đã sai ông để xua tan hy vọng giả dối của họ khi cho rằng tình trạng phu tù của họ chỉ là một tình trạng ngắn ngủi.
Giống như những người đã sống trong thành Jerusalem (là những người mà Giêrêmi đã nói tiên tri cho họ), những người Do thái nầy, họ đã là phu tù rồi, đã tin rằng thành Jerusalem sẽ không sụp đổ và không bao lâu nữa họ sẽ trở về lại xứ sở của mình.
Êxêchiên đã cảnh cáo họ sự sửa phạt nầy là chắc chắn vì vớ tội lỗi của họ và Đức Chúa Trời đã ở trong tiến trình thanh lọc dân sự Ngài.
Ông nói cho họ biết rằng Đức Chúa Trời là thánh khiết và ông nói cho họ biết thành Jerusalem và Đền thờ đã trở nên ô uế. Xứ sở sẽ bị thanh lọc qua 70 năm phu tù.
B. Có những sứ điệp nói nghịch lại các thành dân Ngoại và các nước.
Êxêchiên đã được sai đến để xét đoán mọi hành động tội lỗi của cả những thành phố và quốc gia:
1. Am-môn (25.1-7)
Vì cớ họ vui mừng khi có sự báng bổ Đền Thờ.
2. Mô-áp (25.8-11)
Vì họ lấy làm vui sướng nơi sự gian ác của Giuđa.
3. Ê-đôm (25.12-14)
Vì cớ sự thù hằn chủng tộc đối với người Do thái. Họ thù ghét Israel nhiều đến nỗi họ lấy làm vui mừng khi thành Jerusalem bị hủy diệt. (Chú ý: sự hủy diệt Ê-đôm cũng được nhắc tới ở chương 35)
4. Philitin (25.15-17)
Vì họ tìm cách báo thù nghịch lại Giuđa vì đã đánh bại họ trong chiến trận.
5. Ty-rơ (Thủ phủ của Phê-ni-xi) (26.1 – 28.19)
Ty-rơ vui mừng khi thành Jerusalem sụp đổ, vì Ty-rơ và Giuđa luôn luôn tranh giành lợi lộc thương mại đi ngang xứ họ từ Ai cập ở miền Nam và xứ Mêsô bôtami ở phía Bắc.
Ty-rơ quản trị đường biển thương mại trong khi Giuđa quản trị các con đường thương mại bằng lạc đà. Khi Giuđa bị đánh bại, Ty-rơ nghĩ rằng mình sẽ tự có những con đường thương mại ấy. Nhưng sự hả hê của họ không kéo dài. Đến năm 585TC, Babylôn đã tấn công Ty-rơ và sau cùng bị dẫn tù sau 13 năm chiến trận.
6. Si-đôn (28.20-26)
Đây là cảng nổi tiếng khác nằm cách phía Bắc Ty-rơ chừng vài dặm và nền kinh tế của nó gắn bó với Ty-rơ. Họ bị kết án xem thường dân sự của Đức Chúa Trời.
7. Ai cập (29.1 – 32.32)
Có bảy lời tiên tri trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, hết thảy đều xử lý với sự phán xét giáng trên Ai cập.
Có ba lý do cho thấy tại sao Đức Chúa Trời sẽ xét đoán Ai cập:
a. Ai cập là một kẻ thù thời xa xưa của người Do thái (đã bắt họ làm nô lệ trong 400).
b. Ai cập đã thờ lạy rất nhiều tà thần.
c. Ai cập phản bội Israel khi họ đã ký kết liên minh với họ.
8. Tại sao Babylôn không được nhắc tới?
Vài điều khả thi tồn tại. Có lẽ như thế là vì:
a. Đức Chúa Trời muốn khuyến khích một tinh thần hợp tác giữa những cuộc lưu đày và Babylôn để bảo tồn dân sự của Ngài.
b. Đức Chúa Trời vẫn sử dụng Babylôn để thanh lọc chính dân sự của Ngài.
c. Đức Chúa Trời muốn sử dụng Đaniên, ông đã trở thành một quan chức có quyền lực trong xứ Babylôn, để kéo người Babylôn đến với Ngài.
C. Có những sứ điệp nói tới hy vọng (33.1–48.35)
1. Đức Chúa Trời đã sai Êxêchiên mang đến cho những kẻ phu tù một sứ điệp mới nói tới hy vọng.
Sau sự sụp đổ của thành Jerusalem, Êxêchiên đã phân phát những sứ điệp nói tới sự phục hưng và hy vọng trong tương lai cho người Do thái.
Ông yên ủi dân sự bằng cách nói cho họ biết ngày sẽ đến khi Đức Chúa Trời phục hồi lại những kẻ biết ăn năn và giữ lòng trung tín với Ngài (nghĩa là, số dân sót).
Đức Chúa Trời sẽ làm Vua và Đấng Chăn Giữ họ, và Ngài sẽ ban cho dân sự Ngài một tấm lòng mới để thờ phượng Ngài. Ngài sẽ lập một chính quyền mới và một Đền Thờ mới.
2. Đức Chúa Trời đã sai Êxêchiên để nhắc cho những kẻ phu tù nhớ đến nhu cần của họ phải nương vậy vào chính mình Đức Chúa Trời.
Phần kết luận:
Vì thế, chúng ta đọc trong lời tiên tri của Êxêchiên thấy rằng với uy quyền thiêng liêng ông đã xua tan đi mọi ảo tưởng, đoạn tuyệt với những tiên tri giả, và công bố sự ăn năn, sự phấn hưng và sự làm nên mới.
Truyền khẩu cho rằng Êxêchiên bị kết án tử hình bởi những phu tù đồng bào của ông vì cớ ông trung tín và dạn dĩ trong việc đoạn tuyệt với họ vì họ thờ lạy hình tượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét