NHÂN VẬT KINH THÁNH
TIÊN TRI ÁPĐIA
Phần giới thiệu:
Tối nay, chúng ta muốn nhìn vào tiên tri Ápđia, ông là tác giả sách ngắn nhất trong Cựu Ước mang tên ông.
Tên Ápđia có nghĩa là: “tôi tớ hay người thờ phượng Đức Giêhôva”.
Giữa vòng dân Do thái, nhiều cái tên tỉ như tên “Ápđia”, rất phổ thông và chúng thường hay có trong Cựu Ước. Thực vậy, có ít nhất 13 người trong Cựu Ước mang tên Ápđia.
Chúng ta biết rất ít hay chẳng biết gì về những người có tên Ápđia trong Kinh Thánh.
Thực ra, chỉ có hai người xuất hiện trong lý trí của tôi khi tôi bắt đầu bài nghiên cứu nầy. Bạn sẽ nhớ, có một người tên Ápđia, ông là Quan Gia Tể cung điện của Aháp, là người đã che giấu một trăm tiên tri của Đức Giêhôva trong I Các Vua 18.3-16 và kế đó có tiên tri Ápđia.
Chúng ta sẽ xem xét tiên tri Ápđia tối nay.
Mọi sự chúng ta biết về vị tiên tri nầy, ấy là ông là tiên tri đã viết ra sách ngắn nhất trong Cựu Ước.
Nguồn gốc, tuổi tác, đời sống, xứ sở, bố mẹ, và mồ mả của ông chẳng có ai biết hết. Thuộc về ông là giọng nói của khách lạ.
Không một phần tiểu sử cá nhân, không một sự kiện đơn sơ hay truyền khẩu riêng tư nào được truyền tụng lại.
Tôi nghĩ sứ điệp từ Đức Chúa Trời cho chúng ta, ấy là công việc quan trọng hơn người làm việc.
Lời tiên tri của Ápđia luôn luôn là sự ưa thích của người Do thái vì cớ lời tiên tri ấy nghịch lại một trong những kẻ thù cay đắng nhất của Israel – một xứ sở và dân tộc có tên là Êđôm.
Êđôm là láng giềng ở phía Nam xứ Giuđa, chia sẻ một đường biên giới chung. Nhưng chúng ta biết những kẻ láng giềng ấy chẳng luôn luôn thân thiện đâu, và Êđôm chẳng ưa thích gì về Giuđa hay Israel.
Theo Sáng thế ký 25.30 và Sáng thế ký 36,1, chúng ta biết dân Êđôm là dòng dõi của Êsau, anh em song sinh với Giacốp. Êđôm có nghĩa là “đỏ”.
Kinh Thánh cho thấy rằng thường xuyên có xung đột giữa hai dòng giống nầy.
Hãy nhớ thể nào Giacốp và Êsau đã đấu tranh với nhau trong lòng mẹ của họ (Sáng thế ký 25.19-26).
Cũng nhớ rằng khi Êsau bán quyền trưởng nam mình cho Giacốp và Giacốp đã dối gạt cha mình là Ysác ban cho ông ơn phước của quyền con trưởng, sự ấy đã gây ra xích mích trong gia đình (Sáng thế ký 25.29-34; 27.1-45).
Thực vậy, Êsau vốn ghét bỏ Giacốp và chỉ muốn giết chết Giacốp thôi (Sáng thế ký 27.41).
Khi Giacốp trở về quê nhà ở Sáng thế ký 33, chúng ta biết rằng Giacốp đã sợ những gì Êsau sẽ làm khi ông gặp Êsau trên đường.
Ở Dân số ký 20.14-22, dân Êđôm, dòng dõi của Êsau, tự họ tỏ ra chẳng thân thiện với Môise và dân Israel, và từ chối không cho họ đi ngang qua lãnh thổ của họ khi tiến vào xứ Canaan, và sự cay đắng nầy cứ tiếp tục.
Các vua Israel thường xuyên xung đột với Êđôm (Saulơ, David, Solomon, Giôram, và Acha).
Theo Thi thiên 137.7, Êđôm đã khích lệ Babylôn đến hủy diệt Jerusalem.
Tới thời điểm đó thì Ápđia mới rao ra sứ điệp nầy, Êđôm đã vui mừng về số phận không may của cả Israel và Giuđa. Vì lẽ đó, Đức Chúa Trời đã dùng Ápđia để loan báo sự phán xét giáng trên Êđôm vì những hành động nhẫn tâm và hiềm thù của họ đối với dân sự Ngài.
Chúng ta dám nói rằng “Êđôm” đứng như mẫu mực cho tất cả những kẻ đại thù của Nhà Israel.
Khi chúng ta nhìn vào Quyển Sách do ông viết, chúng ta thấy phong cách viết lách của Ápđia đầy cá tính. Ngôn ngữ của ông thì đơn sơ và trong sáng và theo ngôn ngữ Hy bá lai, thì hướng về thể thơ rất nhiều.
Những bài học thu lượm được từ phần mô tả của Ápđia về cá tánh, cơ nghiệp và kế đó sự sụp đổ và số phận của Êđôm; sẽ trở thành bằng chứng rất rõ ràng cho chúng ta. Thật là không khôn ngoan khi cư xử tệ bạc với những ai thuộc về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ làm sự báo thù.
Thủ phủ của Êđôm lúc bấy giờ là Petra, một thành phố bị coi là không thể đánh chiếm được vì nó nằm trên vách đá cứng rắn và sâu trong hẽm núi chỉ có thể đột nhập vào được qua một khe thật hẹp.
Những gì Êđôm coi là sức mạnh của nó sẽ là sự sụp đổ của nó.
I. SỰ HỦY DIỆT ÊĐÔM.
A. Êđôm tưởng có sự an ninh trong thành phố của họ (các câu 3-4). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ xô họ xuống từ trên cao.
B. Êđôm có sự kiêu ngạo trong chỗ tự mãn của họ (câu 4). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ đánh hạ họ.
C. Êđôm vốn tin tưởng vào sự giàu có của mình (các câu 5-6). Tuy nhiên, trộm cướp sẽ thâu tóm lấy mọi sự họ đã có.
D. Êđôm vốn tin cậy vào những đồng minh của họ (câu 7). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ khiến họ xây lại nghịch với Êđôm.
E. Êđôm vốn tin cậy vào sự khôn ngoan của họ (các câu 8-9). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ đưa vào chỗ nhầm lẫn.
II. TỘI LỖI CỦA ÊĐÔM.
A. Êđôm là kẻ thù của Israel (câu 10).
B. Êđôm từ chối không trợ giúp cho Israel (câu 11).
C. Êđôm vui mừng khi có sự không may cho Israel và Giuđa (câu 12).
D. Êđôm đã cướp bóc Jerusalem (câu 13).
E. Êđôm phản bội anh em cùng huyết thống với họ trong lúc khủng hoảng (câu 14).
F. Êđôm trợ giúp Giuđa và các kẻ thù của Israel (câu 14).
III. CHÂN DUNG CỦA ÊĐÔM (các câu 15-16).
Đức Chúa Trời sẽ đối xử với Êđôm mọi điều mà họ đã đối xử với dân sự của Đức Chúa Trời cách sai trái (Mathiơ 25.31-46).
IV. SỰ PHỤC HƯNG CỦA ISRAEL (các câu 17-21).
Dân Êđôm bị Judas Maccabeus đánh cho tan tác vào năm 185TC.
Xứ sở chẳng còn tồn tại vào thế kỷ thứ nhất SC.
Vào thời điểm có lời tiên tri của Ápđia, Êđôm dường như được tồn tại hơn xứ Giuđa. Tuy nhiên, Êđôm đã tiêu tan và Giuđa vẫn còn tồn tại.
Điều nầy tỏ ra tính chắc chắn tuyệt đối của Lời Đức Chúa Trời và về án phạt đang chờ đợi hết thảy những ai ngược đãi dân sự của Đức Chúa Trời.
Phần kết luận:
Ápđia đã tỏ ra sứ điệp của Đức Chúa Trời nói tới sự phán xét giáng trên xứ Êđôm. Đức Chúa Trời không đẹp lòng với sự loạn nghịch cả bên trong lẫn bên ngoài của họ.
Ngày nay, con người sống y như thời của Ápđia. Chúng ta thấy sự kiêu ngạo, ganh ghét, và bất lương, và chúng ta lấy làm lạ không biết khi nào điều đó sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, bất chấp mọi tác dụng của tội lỗi, chúng ta yên nghỉ nơi sự hiểu biết cho thấy Đức Chúa Trời đang tể trị.
Khi chúng ta phấn đấu, chúng ta sẽ không thất vọng hay mất hy vọng. Khi mọi sự được nói ra và được làm ra rồi, Đức Giêhôva vẫn sẽ là Vua, và lòng tin cậy mà chúng ta đặt nơi Ngài sẽ không rơi vào chỗ luống nhưng đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét