Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Sự giáng lâm của Đức Thánh Linh



Công vụ Các Sứ đồ – Sự làm chứng của Hội Thánh
Sự giáng lâm của Đức Thánh Linh
Công vụ Các Sứ đồ 2.1-13
Nếu bạn là một đứa trẻ Do thái lớn lên trong xứ Israel vào thế kỷ đầu tiên, không chút nghi ngờ thời điểm bạn ưa thích nhất trong năm sẽ là Lễ Lều Tạm hay Su-cốt. Bạn sẽ yêu mến kỳ lễ đặc biệt của người Do thái trong Cựu Ước vì cha của bạn đã dựng lên một nơi ở ngoài trời, bạn và gia đình bạn sẽ sống ở ngoài trời trong 7 ngày. Khi sử dụng những nhánh cây liễu và nhành chà là, các gia đình đã dựng lên những túp lều để sống trong đó. Chúng được dựng lên ở trong sân, ở trên đám ruộng, lề đường, các khu vực công cộng và trên cả mái nhà. Cả gia đình đều ra khỏi những căn nhà tiện nghi của họ rồi “đóng trại” trong một tuần lễ để nhắc cho họ nhớ thể nào Đức Chúa Trời đã quan phòng đến các tổ phụ của họ trong khi ra khỏi Ai cập, lúc họ sống trong đồng vắng những 40 năm.
Phần thú vị khác nữa trong Lễ Lều Tạm đã diễn ra ngay trung tâm của thành thánh là Jerusalem. Trong 7 ngày, giữa nhiều của lễ và nhiều hoạt động, các thầy tế lễ sẽ diễu hành từ đền thờ trong một đám rước thật long trọng đi xuống nhiều nấc thang ở Ao Silôam trong trũng Kít-rôn mang theo nhiều bình nước bằng vàng. Họ sẽ mang nước lên vào trong sân của đền thờ trong lúc dân sự đang hát những Thi thiên ca ngợi Chúa. Hãy tưởng tượng khu vực đền thờ đã tụ tập hàng ngàn người thờ phượng đang ca hát những lời nầy từ Thi thiên 148.1-5: "Ha-lê-lu-gia! Từ các từng trời hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va! Hãy ngợi khen Ngài trong nơi cao cả! Hỡi hết thảy các thiên sứ Ngài, hãy ngợi khen Ngài! Hỡi cả cơ binh Ngài, hãy ngợi khen Ngài! Hỡi mặt trời, mặt trăng, hãy ngợi khen Ngài! Hỡi hết thảy ngôi sao sáng, hãy ngợi khen Ngài! Hỡi trời của các từng trời, hỡi nước trên các từng trời, hãy ngợi khen Ngài! Cả thảy khá ngợi khen danh Đức Giê-hô-va; Vì Ngài ra lịnh, thảy bèn được dựng nên".
Thế rồi nước được đổ ra và khi nó chảy ngang qua những hòn đá lát đường và dưới chân của dân sự, họ sẽ nhớ thể nào Đức Chúa Trời đã mang nước mát từ hòn đá trong sa mạc đến để dập tắt sự khao khát của tổ phụ họ. Họ đã nhớ lại thể nào Môise đập vào hòn đá và nước ban sự sống đã tràn ra.
Vào ngày thứ tám, ngày sau cùng của kỳ lễ cũng được gọi là "ngày trọng thể trong kỳ lễ" chẳng có một đám rước nào hết. Không có nước đổ ra nữa. Đây là sự tuân giữ một ngày sabát rất long trọng để nhắc cho họ nhớ về Đức Chúa Trời hay giữ lời hứa của họ. Ngài rất thành tín khi đưa họ vào một đất đượm sữa và mật. Họ không còn cần đến nước chảy ra từ hòn đá nữa vì Đức Chúa Trời đã ban cho họ phần đất dư dật nầy làm cơ nghiệp.
Giờ đây, trước khi chúng ta bước vào sách Công Vụ các Sứ Đồ, hãy mở quyển Kinh Thánh của bạn ra ở Giăng 7. Lễ Lều Tạm đã diễn ra vào mùa thu và mùa xuân kế đó trong suốt Lễ Vượt Qua, Chúa Jêsus đã bị đóng đinh vào thập tự giá và đã sống lại. Vì thế đây là trọn lễ Vượt Qua cuối cùng của cuộc đời và chức vụ của Ngài ở trên đất. Giăng 7.2 chép. "Vả, ngày lễ của dân Giu-đa, gọi là lễ Lều Tạm gần đến". Phần giữa của chương mô tả thể nào dân sự bị phân ra theo ý kiến của họ về Chúa Jêsus là ai!?!Tuy nhiên câu 37 cho chúng ta biết rằng "Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ" Chúa Jêsus đã đứng dậy trước đám dân đông rồi lớn tiếng phán rằng: "Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy".
Đây là lời mời gọi rất trịnh trọng của Ngài. Họ đã được nhắc nhớ về cách Đức Chúa Trời ban nước sự sống từ hòn đá trong đồng vắng. Giờ đây Ngài đang nói cho họ biết bởi sự theo Ngài, họ sẽ có cơn khát khác bị dập tắt, chớ không phải cơn khát của thân thể mà là cơn khát của linh hồn. Thay vì nước chảy ra từ một hòn đá, từ bên trong họ sẽ tuôn tràn ra "dòng sông sự sống [dòng nước chảy xiết]"
Chúa Jêsus có ý nói gì vậy? Giăng giải thích trong câu 39. Thực vậy, mọi sự tôi đã nói trên đây dẫn chúng ta đến với câu nầy. Câu 39 chép. "Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển". "Sông nước hằng sống" nầy tuôn tràn ra từ các môn đồ Ngài là cách nói bóng gió mô tả chức vụ của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, đặc biệt hãy chú ý là "Đức Thánh Linh chưa ban xuống". Theo Giăng 14.17, Đức Thánh Linh đã ở "với" họ, song chưa "ở trong" họ vì như chúng ta đọc ở đây "Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển". Bao lâu Chúa Jêsus còn ở với họ, Đức Thánh Linh sẽ chưa đến. Nhưng khi Ngài rời khỏi họ, Đức Thánh Linh, Đấng Nâng Đỡ, Đấng Yên Ủi, Lời Hứa của Đức Chúa Cha sẽ đến ngự ở trong họ, mặc lấy quyền phép cho họ để xây dựng Nước Đức Chúa Trời.
Ngày nay, trong phần nghiên cứu Công Vụ các Sứ Đồ 2, chúng ta thấy sự ứng nghiệm cụ thể lời lẽ của Chúa Jêsus, sự giáng lâm của Đức Thánh Linh trên Hội Thánh để ngự vào và mặc lấy quyền phép cho Hội Thánh. Trong Công Vụ các Sứ Đồ 1, ngay trước khi Ngài thăng thiên, Chúa Jêsus căn dặn các môn đồ Ngài phải "chờ đợi điều Cha đã hứa" và họ sẽ "chịu phép báptêm bằng Đức Thánh Linh trong ít ngày nữa" (các câu 4-5). Ở Công Vụ các Sứ Đồ 2, chúng ta thấy sự cố nầy đang diễn ra. Phân đoạn Kinh Thánh nầy đánh dấu sự thay đổi về thời tiết trong những cách Đức Chúa Trời đối xử với dân sự của Ngài. Do sự việc quan trọng, chúng ta cần phải dành thì giờ và tìm cách hiểu rõ Đức Thánh Linh giáng lâm có nghĩa gì và thể nào lẽ thật ấy áp dụng vào đời sống của chúng ta là những Cơ đốc nhân ngày hôm nay. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta sẽ nghiên cứu PHÉP BÁPTÊM bằng Đức Thánh Linh, sự ĐẦY DẪY Đức Thánh Linh và sự LÀM CHỨNG của Đức Thánh Linh.
I. Phép BÁPTÊM bằng Đức Thánh Linh (các câu 1-3).
A. Nơi họ đang ở (câu 1).
Mặc dù có vài kỳ lễ hàng năm và những kỷ niệm trong xứ tại Israel vào thế kỷ đầu tiên, ba kỳ lễ nầy là quan trọng nhất: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều Tạm. Chúng ta đã bàn bạc rồi kỳ lễ Lều Tạm, vì thế chúng ta hãy nhắm vào Lễ Ngũ Tuần. Câu 1 cho chúng ta biết chính vào "ngày Lễ Ngũ Tuần" mà Đức Thánh Linh đã mặc lấy quyền phép cho Hội Thánh. Chính danh xưng có nghĩa là tuần thứ "năm mươi" trong 50 ngày. Lễ Ngũ Tuần đã tổ chức vào ngày thứ năm mươi sau Lễ Vượt Qua. Tuần nầy cũng được gọi là Lễ của các tuần lễ vì đây là một tuần trong các tuần lễ, 7 x 7 = 49 ngày và tuần tới là Lễ Ngũ Tuần. Lễ Vượt Qua nằm ở giữa tháng Tư và vì vậy Lễ Ngũ Tuần đã được kỷ niệm khoảng đầu tháng 6. Do sự ấm áp của thời tiết và điều kiện du lịch rất tốt của thời điểm ấy trong năm, lễ ấy đáng dự nhất trong năm. Lữ khách Do thái cùng những người cải đạo đã tụ tập trên các đường phố của thành Jerusalem vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Đây là thời điểm trọn vẹn cho sự giáng lâm của Đức Thánh Linh và sự giới thiệu Tin lành của Hội Thánh lần đầu tiên.
Lễ Ngũ Tuần nguyên được gọi là Lễ Hoa Quả Đầu Mùa bao gồm việc dâng các thứ của lễ gồm bông trái đầu mùa gặt, cảm tạ Đức Chúa Trời vì lời hứa trọn mùa gặt hầu đến. Thật là thích đáng làm sao, vào ngày Lễ Ngũ Tuần 3.000 linh hồn đã được cứu và được thêm vào trong Hội Thánh, "hoa quả đầu mùa" của nhiều mùa nữa sẽ đến! Câu 1 cũng nói rằng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, "môn đồ nhóm họp tại một chỗ". Chúng ta thấy ở chương 1 rằng họ đang ở trên "phòng cao".
Mười một sứ đồ giờ đây đã trọn vẹn 12 người với Mathia thêm vào, nhiều phụ nữ và các em của Chúa Jêsus cũng như các môn đồ khác đã lên tới "một trăm hai mươi người" (1.15). Ngay trước khi Chúa Jêsus thăng thiên, Ngài dặn họ phải "chờ" sự giáng lâm của Đức Thánh Linh. Vì vậy, trong khoảng 10 ngày, họ đã ở lại với nhau tại địa điểm đó. Họ đã "đồng một ý" bền lòng mà "cầu nguyện" (1.14).
Đây là những con người khao khát, có cần. Ồ, tôi dám chắc họ có thức ăn. Tôi không đề cập đến phần đói khát theo phần xác, mà đề cập tới phần đói khát về mặt thuộc linh. Vì hơn ba năm qua, họ đã đi theo Chúa Jêsus. Họ đã mặt đối mặt tương giao với Ngài. Muốn trở thành một Cơ đốc nhân khi ấy phải có mặt theo phần xác trong sự hiện diện của Đấng Christ. Ngay cả sau khi có sự sống lại, Ngài đã hiện ra với họ nhiều lần trong khoảng thời gian "bốn mươi ngày" (1.3). Vì vậy, suốt đời sống Cơ đốc của họ, họ thực sự chưa hề tách biệt ra khỏi Chúa Jêsus. Giờ đây, trong vòng mười ngày đã có sự thiếu thốn nầy. Tôi dám chắc họ nhớ những gì Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 15.5: "Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được". Họ là "nhánh" đốc ra từ Ngài. Mọi sự họ có thể làm là cầu nguyện và chờ đợi những gì Chúa Jêsus đã hứa. Tuy nhiên, chính sự khao khát của họ đã làm cho họ phải sẵn sàng như thế để được đầy dẫy.
B. Những điều họ đã nghe nói (câu 2).
Trong quyển Kinh Thánh của tôi, tôi đã khoanh tròn hai chữ ở câu 2: "thình lình" và "ngồi". Một trăm hai mươi người đang "ngồi" trong phòng cao khi sự kiện nầy diễn ra. Họ không quì gối hoặc đứng hay nằm mệt đừ trong nhiều ngày với sự cầu nguyện không thôi. Họ đang "ngồi" và trông đợi. Đức Thánh Linh không đến vì những lời cầu nguyện của họ, mà đến vì lời hứa của Đức Chúa Cha. Đang khi họ "ngồi", chúng ta chú ý rằng "thình lình" Đức Thánh Linh ngự đến. Họ biết rõ Ngài sẽ ngự đến. Họ đang quan sát và chờ đợi Ngài ngự đến. Nhưng khi Ngài ngự đến, Ngài đã đến thật mau chóng có một ảnh hưởng rất đáng ngạc nhiên. Tôi nghĩ ảnh hưởng ấy sẽ giống với ảnh hưởng khi có sự cất lên. Chúng ta cần phải quan sát và trông đợi. Chúng ta biết rõ sự tái lâm của Ngài là có ở khắp mọi nơi, sự tái lâm ấy sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng có một yếu tố kinh ngạc cho sự tái lâm ấy nữa. Chúa Jêsus, giống như Đức Thánh Linh vào dịp Lễ Ngũ Tuần sẽ đến cách "thình lình". Cho nên, "thình lình", không báo trước "có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào". Chúng ta không lạ lùng gì với ngọn gió thổi "bạo lực" ở đây trên vùng High Plains. Chúng ta rất quen thuộc với tiếng "ồn" của một "ngọn gió thổi ào ào".
Giờ đây, có một sự bất đồng giữa các giáo sư dạy Kinh Thánh đối với những gì vừa xảy ra trên phòng cao. Rõ ràng đây không phải là trận bão bình thường của mùa hè. Đây là tiếng "ồn" siêu nhiên đã đến "từ trời". Có người nói thực sự chẳng có một ngọn gió thuộc thể nào quét qua căn phòng đó. Những chiếc áo xống và tóc không bay phần phật khi ấy; đồ đạt chẳng bị lật úp do tốc độ của ngọn gió. Đấy chỉ là tiếng "ồn" nghe "giống như" một ngọn gió. Nhiều người khác vẫn cho rằng đấy là một ngọn gió thực sự quét qua căn phòng thu hút đám đông vì trong cả tiếng Hy lạp và tiếng Hy bá lai, từ ngữ nói đến gió và Đức Thánh Linh cùng là một chữ. Ở trong Giăng 3.8, Chúa Jêsus đã mô tả Đức Thánh Linh là một ngọn gió cho Niecôđem biết.
Trong trường hợp có một ngọn gió thật hay không hoặc tiếng ồn không phải là vấn đề. Cái điều chúng ta biết chắc, ấy là sự hiện diện và quyền phép của Đức Thánh Linh đã ngự đến trên từng người trong căn phòng đó và thế gian chưa từng biết như thế. Câu 2 chép: "tiếng ấy đầy khắp nhà môn đồ ngồi".
C. Những điều họ trông thấy (câu 3).
Họ đã nghe tiếng "ào ào" và kế đó "hiện ra" trước mặt họ "từng cái lưỡi bằng lửa". Vậy, họ vừa nghe và thấy sự tỏ ra nầy của Đức Thánh Linh. Từ bản Hy lạp, dường như sự hiện diện bốc lửa nầy là lần đầu tiên và kế đó chia ra thành nhiều "cái lưỡi". Robertson lưu ý: "... bề ngoài giống như lửa tự thể hiện ngay lúc đầu, như đã có, trong một thân, và kế đó thình lình chia ra thành nhiều hướng và; một phần lửa ấy đáp đậu trên từng người hiện diện". Những ngọn lửa cháy nhấp nhô như thế nầy chỉ có thể được mô tả là "những cái lưỡi bằng lửa" chia ra rồi "đậu trên mỗi người trong bọn". Chẳng có ai rời khỏi nơi đó. Đây không phải là một tặng phẩm dành cho cá nhân tín đồ mà là một sự ban cho cho cả Hội Thánh.
Giống như tiếng "ào ào" của ngọn gió, có sự khác biệt trong dư luận về trường hợp đây là những ngọn lửa cụ thể hoặc chỉ là một thứ gì đó trông giống như ngọn lửa. Chúng ta biết rõ Giăng Báptít đã nói tiên tri trong Mathiơ 3.11: "Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa". Lửa cũng là một hình ảnh chỉ ra sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Hãy suy nghĩ về bụi gai cháy của Môise xem, sự xuất hiện của Đức Chúa Trời trên núi Sinai hoặc xe ngựa lửa trong Cựu Ước.
Có thể bạn nghĩ: "Wow, ước gì tôi kinh nghiệm một việc giống như vậy!" Cho phép tôi giúp cho bạn nhé! Nếu bạn thực sự đã được cứu, đã thực được sanh lại, thì bạn đã kinh nghiệm rồi những gì các môn đồ đầu tiên nầy đã chờ đợi. Lễ Ngũ Tuần là phép báptêm lúc ban đầu của Đức Thánh Linh. Lễ Ngũ Tuần đánh dấu thời điểm khi các tín đồ lần đầu tiên được sự hiện diện của Đức Thánh Linh ngự trị. Kể từ thời điểm ấy, khi một người được cứu, người ấy bị nhúng vào trong Thân của Đấng Christ. Phép báptêm bằng nước phác hoạ ra phép báptêm thuộc linh. Có ba phân đoạn chính chỉ ra điều nầy:
Rôma 6.4-6 chép: "Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa".
I Côrinhtô 12.13 chép: "Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa".
Galati 3.27 chép: "Vả, anh em thảy đều chịu phép báp tem trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy".
Ngay thời điểm đó khi bạn tin lần đầu tiên, khi bạn quì gối xuống trước mặt Chúa Jêsus và được cứu, bạn bị nhúng vào trong Đấng Christ, sự sống của bạn đã bị trói buộc và giấu kín trong Ngài và với những ai thực sự thuộc về Ngài. Việc nầy lần đầu tiên xảy ra trong dịp Lễ Ngũ Tuần theo một phương thức rất ấn tượng và nó tiếp tục xảy ra mỗi lần có ai đó được sanh lại.
II. Sự ĐẦY DẪY Đức Thánh Linh (câu 4).
A. Ý nghĩa của sự được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Câu 4 chép: "Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh... ". Họ được "đầy dẫy Đức Thánh Linh", điều nầy có nghĩa gì chứ? Có một sự khác biệt giữa phép báptêm bằng Đức Thánh Linh và sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Các câu 1-3 mô tả phép báptêm rất ấn tượng bằng Đức Thánh Linh. Câu 4 mô tả sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Trong ba câu đầu tiên nầy, Đức Thánh Linh ngự đến trên họ trong lần đầu tiên. Ngài đến để ngự vào trong lòng họ. Đấy là phép báptêm. Ở câu 4, như một kết quả của sự Đức Thánh Linh ngự đến, họ được mặc lấy quyền phép để phục vụ. Đấy là sự đầy dẫy. Bạn đã tiếp thu được chưa?
Phép báptêm thuộc linh là phép chỉ xảy ra chỉ có một lần mà thôi. Đối với chúng ta ngày nay, phép ấy xảy ra ngay khi có sự biến đổi. Một lần nữa I Côrinhtô 12.13 chép: "Vì chưng chúng ta … đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân...". Điều nầy xảy ra gây ấn tượng cho Hội Thánh vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Đôi khi có người nói chúng ta cần ngày Lễ Ngũ Tuần khác nữa. Điều nầy không thực đâu! Các vị sứ đồ chưa hề tìm kiếm một ngày Lễ Ngũ Tuần khác. Chúng ta không cần phép báptêm thuộc linh khác, mà chúng ta đang cần sự đầy dẫy thuộc linh.
Chúng ta sẽ tìm kiếm liên tục để được "đầy dẫy Đức Thánh Linh". Tất nhiên là Phierơ đã được đầy dẫy vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên trong Công Vụ các Sứ Đồ 4.8 chúng ta đọc: "Bấy giờ Phi-e-rơ, đầy dẫy Đức Thánh Linh, nói rằng: Hỡi các quan và các trưởng lão...". Phần nhiều các tín hữu đã được đầy dẫy vào ngày Lễ Ngũ Tuần lại được đầy dẫy nữa. Công Vụ các Sứ Đồ 4.31 chép: "Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ". Công Vụ các Sứ Đồ 6.5 đánh dấu Ê-tiên là "người đầy đức tin và Đức Thánh Linh", tuy nhiên ở Công Vụ các Sứ Đồ 7.55 khi ông làm chứng cho Tin Lành, ở đây nói một lần nữa ông được "đầy dẫy Đức Thánh Linh". Công Vụ các Sứ Đồ 9.17 chép Phaolô đã được "đầy dẫy Đức Thánh Linh" khi A-na-nia đến cùng ông. Tuy nhiên, ở Công Vụ các Sứ Đồ 13.9, ở đây một lần nữa nói rằng ông đã được "đầy dẫy Đức Thánh Linh". Vì vậy, phép báptêm bằng Đức Thánh Linh lại đến một lần nữa. Tuy vậy, chúng ta được TRUYỀN cho phải liên tục tìm cách để được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Êphêsô 5.18 chép: "Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh".
B. Những gì xảy ra khi họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Kế đó, câu 4 nói cho chúng ta biết như một kết quả của việc được "đầy dẫy Đức Thánh Linh” họ "khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói". Ồ, bạn tôi ơi, chúng ta khởi sự từ đây. Họ nói “các thứ tiếng khác”, điều nầy có nghĩa gì vậy? Có phải họ nói lắp bắp một mạch rất khó hiểu không? Không, không phải thế đâu. Câu 8 chép người nào nghe họ nói đều cho là: "chúng ta nghe họ nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh đẻ?" Chẳng có gì phải phiên dịch cả. Vì như chúng ta sẽ thấy, nhiều dân tộc khác nhau với các thứ tiếng nói, thổ ngữ khác nhau đều nói họ nghe nói rõ ràng tiếng mẹ đẻ của xứ họ "những sự cao trọng của Đức Chúa Trời". "Lưỡi" ra từ chữ glossa từ đó chúng ta mới có từ "glossary" [theo Anh ngữ]. Ý nghĩa rõ ràng, ấy là Đức Thánh Linh về mặt siêu nhiên đã cho phép các môn đồ nói bằng các thứ tiếng mà họ chưa hề nghe hay học nữa. Đây là một phép lạ rất quan trọng với những kết quả rất đáng ngạc nhiên ... nhưng rất nhiều trong giờ phút ấy.
Đã có nhiều sự giải thích sai vào thế kỷ sau cùng về ý nghĩa của Lễ Ngũ Tuần, phép báptêm thuộc linh và nói các thứ tiếng. Tôi biết rõ phần nhiều người trong quí vị đang có những thắc mắc về các vấn đề nầy. Vì vậy, vào tuần tới, chúng ta sẽ đi ngay vào câu 4 rồi nghiên cứu mọi sự mà Kinh Thánh đã nói về việc nói tiếng lạ và hy vọng giúp cho các bạn nắm bắt được theo Kinh Thánh về vấn đề đó. Vì vậy hãy có mặt ở đây vào tuần tới!
C. Những điều xảy ra khi chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Hãy cùng mở với tôi phân đoạn Kinh Thánh nói về sự đầy dẫy Đức Thánh Linh, Êphêsô 5.18-21. Ở đây chúng ta đọc: "Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau".
Chúng ta không được "say rượu", nghĩa là bị rượu điều khiển. Thay vì thế, chúng ta cần phải đặt mình dưới sự điểu khiển của Đức Thánh Linh. Đấy là ý nghĩa cơ bản của sự "đầy dẫy" và chúng ta thấy trường hợp đó vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta cần phải tự mình đầu phục Đức Chúa Trời và tìm cách được Đức Thánh Linh cai quản. Ken Hughes nói mấy câu nầy chỉ ra bốn đặc điểm cần phải được lưu ý trong đời sống của chúng ta như kết quả của sự được đầy dẫy.
Thứ nhứt, chúng ta phải có MỐI GIAO THÔNG. Chúng ta phải "lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau". Từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, các môn đồ đã kinh nghiệm một sự mật thiết về mối tương giao mà họ chưa hề biết trước đó. Mối giao thông nầy giống như đi tới một trại hay nơi ở của Cơ đốc nhân. Khi chúng ta lánh xa thế gian và kết nối với nhau, chúng ta phát triển mối tương giao mật thiết hơn. Tôi cũng thấy sự dạy dỗ và sự thờ phượng ở trong câu nầy. Khi chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh, có một uy quyền trong sự dạy và tình cảm trong sự thờ phượng của chúng ta.
Thứ hai, chúng ta sẽ có SỰ VUI MỪNG. Chúng ta sẽ "hát mừng ngợi khen Chúa". Khi bạn biết phục theo quyền quản trị của Đức Thánh Linh, có một bài hát ở trong lòng bạn mọi lúc mọi khi. Thi thiên 16.11 chép: "Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng".
Thứ ba, chúng ta sẽ có THÁI ĐỘ BIẾT ƠN. Chúng ta sẽ "thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta”. Bước đi theo Thánh Linh là phải biết chắc về tình yêu và sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời. Chúng ta dâng lời cảm tạ vì chúng ta tin cậy sự quan phòng của Ngài.
Thứ tư, chúng ta sẽ có SỰ ĐẦU PHỤC. Chúng ta sẽ "kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau". Hãy nhớ các môn đồ đã hành động thể nào trong lúc Chúa Jêsus còn ở với họ? Họ luôn muốn biết ai sẽ là người lớn nhất hay ai sẽ ngồi bên tay hữu của Ngài. Luôn luôn có tranh cãi và chiến đấu. Tuy nhiên, khi quyền phép của Đức Thánh Linh xâm nhập vào tấm lòng họ, họ đã gạt xa ra những ao ước ích kỷ rồi tìm điều tốt của nhau. Nếu bạn đã được cứu, bạn đã kinh nghiệm rồi Lễ Ngũ Tuần của riêng mình. Bạn đã chịu phép báptêm bằng Đức Thánh Linh rồi. Ngài đã ngự vào trong bạn rồi đấy. Giờ đây, bạn nên tìm cách để được "đầy dẫy" với Ngài, được Ngài cai quản mỗi ngày. Muốn được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bạn phải làm trống không bản ngã mình. Nói như thế có nghĩa là phải xưng tội. Nói như thế có nghĩa là cứ duy trì một thái độ cầu nguyện thường xuyên. Nói như thế có nghĩa là làm đầy dẫy tâm trí bạn với Kinh Thánh, để cho "Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em" (Côlôse 3.16).
III. Sự LÀM CHỨNG của Đức Thánh Linh (các câu 5-13).
Trong suốt kỳ Lễ Ngũ Tuần long trọng nầy, thành Jerusalem đầy ắp với những lữ khách người Do thái. Những người trung tín đi từ khắp mọi nơi về kỷ niệm kỳ lễ tại thành Jerusalem. Họ đã "ở tại thành Jerusalem" và đến từ "các dân thiên hạ". Lúc "tiếng ấy vang ra" một đoàn dân đông nhóm lại gần căn phòng cao. Họ đều "sững sờ" về những điều đang xảy ra.
Dường như khi Đức Thánh Linh ngự đến trên họ và họ khởi sự nói, họ đã đi ra từ căn phòng cao nầy và nói với đoàn dân đông, có lẽ tan rãi ra giữa đám đông đó. Câu 6 nói những người Do thái nầy đã "sững sờ" vì "mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình". "Tiếng xứ mình" ở đây là dialektos như "thổ ngữ" một từ rất hiếm giống như glossa trong câu 4. Là người Do thái, những lữ khách nầy nói tiếng Hy bá lai hay tiếng Aram đang khi ở tại thành Jerusalem. Họ bị sốc khi nghe các môn đồ nói tiếng địa phương của khu vực mình.
Câu 7 chép: "Chúng đều sợ hãi và lấy làm lạ mà rằng: Hết thảy người nói đó, há chẳng phải là người Ga-li-lê sao?" Phần nhiều các môn đồ như Phierơ, Giacơ và Giăng đều là người Galilê và người Galilê đều nghĩ mình là hạng quê mùa thô kệch, kém văn minh thất học. Những cư dân trong thành phố quốc tế nầy đều đã sững sờ bởi giọng nói trọn vẹn của họ bằng các thứ tiếng khác nhau. Đối với tôi dường như là Đức Thánh Linh tuyệt đối quyết chắc chúng ta hiểu rõ Ngài không cảm thúc một vài hình thức nói năng trong trạng thái mê mẫn đâu. Ngài đã cảm thúc Luca sử dụng những từ liệu hiếm như glossa và dialektos. Ở câu 6 ông nói mỗi người Do thái đều nghe họ "nói tiếng xứ mình”. Ở câu 8, họ thắc mắc: "Vậy thì, sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh đẻ?" Kế đó ở các câu 9-11, chúng ta có một danh sách về các dân từ khoảng 16 thứ tiếng và nhóm thổ ngữ khác nhau. Chúng được liệt kê ra bằng tên tuổi hẳn hòi. Đây là các thứ tiếng nói và thổ ngữ đặc biệt được biết đến. Sau cùng, ở câu 11, họ nói: "chúng ta đều nghe họ lấy tiếng chúng ta mà nói những sự cao trọng của Đức Chúa Trời". Không những họ nhận ra tiếng nói của họ, mà họ còn nghe thấy sứ điệp của Đấng Christ được công bố ra nữa! Không có phương cách nào bạn phiên dịch chính xác phân đoạn nầy đề cập đến cách nói trong trạng thái mê mẫn được.
Đâu là đáp ứng của đoàn dân đông vô số nầy? Câu 12 chép: "Ai ai đều sợ hãi, không biết nghĩ làm sao, bèn nói với nhau rằng: Việc nầy là nghĩa làm sao?" Nhiều người khác, theo câu 13 đang "nhạo báng" họ nói: "Họ say rượu mới đó".
Bất cứ lúc nào bạn công bố ra lẽ thật, có người sẽ tiếp nhận sứ điệp đó và có người sẽ chối bỏ. Một số hột giống rơi vào tấm lòng phì nhiêu và có hột rơi trên tấm lòng bằng đá, cứng ngắt. Sự làm chứng của Đức Thánh Linh phát ra với quyền phép lớn lao trong phép lạ đáng kinh ngạc nầy. Ở các câu 14-40, bạn có thể đọc câu trả lời của Phierơ cho thắc mắc của họ: "Việc nầy nghĩa là làm sao?" Ở câu 37, chúng ta học biết rằng có nhiều người "trong lòng cảm động" và muốn biết được cứu và nhận lãnh Đức Thánh Linh là thể nào!?! Phierơ đã nói cho họ biết phải ăn năn và chịu phép báptêm vì như ông nói trong câu 39: "Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi". Nguyện hết thảy chúng ta đều tìm cách sống trong ánh sáng đầy đủ của lời hứa đó và được đầy dẫy Thánh Linh Ngài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét