Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Ngày có tin lành



NGÃ TƯ ĐƯỜNG CỦA CUỘC SỐNG
Ngày có tin lành
II Các Vua 6.24 - 7.20
1. Từ ngữ "gospel" [Tin Lành] ra từ chữ Hy lạp euaggelizo từ đó chúng ta mới có chữ "evangelism" (Truyền bá Phúc âm). Từ nầy có ý nói: "công bố những tin tức tốt lành". Tin lành là "những tin tức tốt lành". Sứ đồ Phaolô nói trong I Côrinhtô 1.18: "Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời". Sự chết, sự chôn, sự sống lại của Đấng Christ là những tin tức quan trọng nhất từng có (I Côrinhtô 15.4-5).
2. Khi chúng ta tiếp tục loạt bài học vào mùa hè về thập tự giá của Đấng Christ, là sứ điệp nói tới tin lành, chúng ta thấy mình đang gặp phải một phân đoạn Kinh thánh Cựu Ước rất khó hiểu. Chúng ta thấy "bốn người phung" họ công bố ở 7.9 những điều có thể rất thực hôm nay của nhiều tín hữu: "Chúng ta làm chẳng phải; ngày nay là ngày có tin lành, và chúng ta nín lặng sao!"
3. Đây là câu chuyện nói tới một cuộc bao vây về mặt quân sự, hay sự tàn phá của hạng người khổ sở vì đói và ân sũng của Chúa. Đây là một câu chuyện nói tới bốn người phung đang lâm cảnh tuyệt vọng, tiếng bước thiêng liêng của họ được phóng đại lên và cuộc rút quân của kẻ thù. Câu chuyện nói tới những chiến lợi phẩm, tánh tham của con người và ý thức tốt lành muốn chia sẻ mọi ơn phước của Chúa.
4. Hãy đến, hãy mở Kinh thánh của quí vị ra. Chúng ta cùng khám phá phân đoạn Kinh thánh xa xưa nầy rồi tiếp thu các nguyên tắc của thế kỷ thứ 21 trong sứ điệp Tin lành.
I. Một câu chuyện đáng kinh ngạc nói tới một biến cố xưa.
A. Cuộc vây thành Samari (6.24).
1. Nội dung của phân đoạn Kinh thánh nầy là một thời kỳ trong lịch sử của dân Israel được gọi là "Vương quốc bị phân chia". Vương quốc Israel nằm ở phía bắc với thành Samari là thủ đô, còn Vương quốc Giu-đa nằm ở phía Nam với thành Jerusalem là thủ đô.
Tình trạng nầy khiến cho hai Nước yếu đi dễ bị tấn công từ các kẻ thù của họ.
2. Phân đoạn Kinh thánh gốc của chúng ta nói tới Bên Ha-đát, là Vua xứ Sy-ri "nhóm cả đạo binh mình, đi lên vây thành Sa-ma-ri".
3. "Vây" là gì? Đây là "một cuộc bao vây về mặt quân sự đối với một thành phố hay một tiền đồn để buộc nó phải đầu hàng" (Tự điển Webster). Chúng ta những người Texas sẽ luôn luôn nhớ cuộc bao vây khu vực Alamo trong đó quân Mễ tây cơ đã đầu hàng quân tình nguyện của Texas trong 13 ngày dài trước khi đưa gươm lên hàng.
4. Mục đích chính của cuộc bao vây là làm cho kẻ thù phải đói khát đến mức phải đầu hàng. Theo phương diện nầy, Sy-ri hay A-ram đã có thành công rất lớn trên Israel.
B. Sự tàn phá của cuộc đói kém (6.25-30).
1. Câu 25 nói có "sự đói kém lớn lắm" ở trong xứ. Người ta đã ăn gần hết mọi thứ có thể ăn được vào lúc bấy giờ. Chương 7 nói rằng những con vật duy nhứt còn lại là mấy con ngựa của nhà vua.
2. Cuộc bao vây đã làm tăng giá cả của thực phẩm. Câu 25 cũng nói rằng quân Sy-ri "vây hãm lâu ngày, đến đỗi một cái đầu lừa bán tám mươi siếc lơ bạc [Chúa Jêsus bị bán chỉ có 30], và một góc tư ô phân bò câu bán năm siếc lơ bạc". Chỉ có gia đình giàu có nhất mới có thể dùng bữa tối bằng "cháo đầu lừa" và "bánh hấp bằng phân bồ câu".
Cách đây mấy năm, Deb và tôi đi du lịch tham quan một bối cảnh bao vây nổi tiếng khác – đó là Vicksburg, bang Mississippi. Khi các toán quân Liên Hiệp đến vây dòng sông rồi pháo vào thành phố bằng pháo binh, dân chúng buộc phải trốn vào các hang động, ở đó họ đã xoay sở với thịt chuột cùng các thứ gậm nhấm khác. Đói kém đã khiến cho họ sau cùng phải đầu hàng.
3. Nghe như thế thì thấy đã tệ rồi, ở đây còn tệ hơn nữa. Một ngày kia, vua Israel, Giô-ram đang đi ngang qua trên tường thành, nhìn thấy nỗi thống khổ của dân mình. Một người đàn bà đã kêu la cầu cứu. Quí vị có thể nghe thấy nỗi tuyệt vọng của một vị lãnh tụ đã cùng kiệt khi ông nói: "Nếu Đức Giê-hô-va không cứu ngươi, thì ta lấy đâu đặng cứu ngươi?" (câu 27). Là một Mục sư, tôi cũng cảm nhận theo cách đó! Ông nhắc tới cả hai thứ: "sân đạp lúa" và "nơi ép rượu". Ông không thể giúp cho bà ta đồ ăn hay thức uống.
4. Với sự thương xót, ông hỏi: "Ngươi có chi?" Khi ấy người đàn bà mới trình câu chuyện đáng buồn nhất về nỗi tuyệt vọng của những kẻ khổ sở vì đói. Bà ta mô tả thể nào bà ta và người đàn bà kia đã bị đói đến nỗi họ phải ăn thịt con cái của họ. Họ "nấu thịt rồi ăn" đứa con trai của người đàn bà nầy, nhưng rồi khi qua ngày sau, người đàn bà kia đã giấu đứa con của bà ta để nó không bị ăn thịt.
5. Tục ăn thịt người xảy ra khi đói khổ! Nhà vua đã nổi giận trong cơn thống khổ của mình. Ông đã "xé quần áo mình" rồi bên dưới chúng người ta nhìn thấy ông đã mặc bên trong "cái bao sát vào thịt mình" là thứ y phục cho sự than khóc và hạ mình.
6. Vì ông đã đổ thừa tiên tri Ê-li-sê vì cuộc vây thành nầy, ông nói: "Nếu ngày nay đầu của Ê-li-sê, con trai của Sa-phát, hãy còn ở trên vai nó, nguyện Đức Chúa Trời xử ta cách nặng nề!"
C. Lời hứa về ân điển (6.31-7.2).
1. Khi đoàn tùy tùng của nhà vua đến gặp Ê-li-sê, vị tiên tri quyền năng của Đức Chúa Trời đã có một lời rất mới mẻ đến từ Đức Giêhôva.
2. Ông nói: "Ngày mai, tại giờ này, nơi cửa thành Sa-ma-ri, một đấu [khoảng 8 gallons] bột lọc sẽ bán một siếc lơ, và hai đấu lúa mạch sẽ bán một siếc lơ”. Nói cách khác, trong vòng 24 giờ đồng hồ Đức Chúa Trời sẽ chấm hết nạn đói và cuộc vây thành.
3. Một trong những quan cai của Vua Giô-ram đã nói cách châm biếm: "Dầu cho Đức Giê-hô-va mở các cửa sổ trên trời, điều đó há có được sao?" Êlisê hứa: "Chính mắt ngươi sẽ thấy, nhưng ngươi không đặng ăn đến".
D. Quyết định của mấy người phung (7.3-4).
1. Từ nhà của vị tiên tri, bối cảnh tại cổng thành, ở đó có "bốn người phung" đang nằm nghỉ. Giống như phần còn lại của dân Samari, họ đang khổ vì đói. Vì cớ bịnh tật đáng ghê tởm của họ, họ không được ở trong thành phố.
2. Họ biết họ chẳng có bao nhiêu sức lực. Họ biết rõ không bao lâu nữa họ sẽ bị yếu sức không còn đi nổi nữa, vì vậy họ hỏi: "Chúng ta ngồi đây đến chừng chết mà làm chi?" Vì vậy, họ bàn bạc với nhau.
a. Nếu họ ngồi lại, chắc chắn họ sẽ chết.
b. Nếu họ vào trong thành phố, họ vẫn sẽ chết vì chẳng có đồ ăn dành cho họ ở đó nữa.
c. Một ý khác duy nhứt, ấy là phải "qua trại quân Sy-ri". Họ lý luận: "Nếu họ dung thứ ta [cho chúng ta ăn!] thì ta sẽ sống; bằng họ giết đi, dẫu thế nào, chúng ta cũng sẽ chết đó thôi". Họ nghĩ thà ăn trong tù còn hơn chết đói trong tự do.
E. Sự giải cứu của Đức Giêhôva (7.5-7).
1. Sau khi quyết định đầu hàng rồi, mấy người phung "chổi dậy lúc chạng vạng" hay lúc tối nhá nhem. Họ kéo lê thân thể bịnh hoạn ghê tởm của họ qua chỗ trống dưới sự che phủ của tối tăm "đến đầu trại quân của dân Sy-ri". Tôi thích cách câu 5 kết thúc: "[trước sự ngạc nhiên của họ] họ chẳng thấy ai ở đó hết".
2. Họ thấy trại quân hoàn toàn bị bỏ trống. Câu 7 chép quân Sy-ri đã "chạy trốn" và "bỏ các trại". Mấy người phung đói khổ kia nhìn quanh quẩn rồi thấy các trại, ngựa, lừa, vũ khí, vàng, bạc và hầu hết lương thực quan trọng nhất trong sự dư dật.
3. Điều gì đã xảy ra? Khi bốn người phung kéo lê thân thể họ ngang qua chổ trống kia, câu 6 chép: "Vì Chúa đã khiến trại quân Sy-ri nghe tiếng xe, ngựa và tiếng đạo binh lớn". Họ tin tiếng nầy chỉ có thể đến từ đạo quân Hê-tít và quân Ai cập mà dân Isarel đã thuê để đánh trận với họ. Vì vậy, họ "trốn đặng cứu mạng sống mình".
4. Là một điểm để suy nghĩ, có thể nào Đức Chúa Trời một cách siêu nhiên đã thổi phồng tiếng của bốn người phung đang lê bước hầu cho nó vang dội giống như hai đạo quân lớn?
F. Ngày có Tin Lành (7.8-20).
1. Mấy người bạn phung của chúng ta giờ đây chỉ thấy họ đang ở trong sự xa hoa và giàu có phủ lút trong trại quân bị bỏ trống kia. Họ ngốn nghiến sự tiếp trợ của Đức Giêhôva.
2. Họ đi trong "một trại" ở đó họ "ăn và uống" và rồi "lấy bạc, vàng và quần áo đem đi giấu". Sau khi làm như vậy, họ "trở lại, vào trong một trại khác" rồi lặp lại y như trước. Dường như họ dự trù tiếp tục việc nầy từ trại nầy qua trại khác. Thực tế đã khiến cho họ phải ngồi lại.
3. Họ nói cùng nhau: "Chúng ta làm chẳng phải; ngày nay là ngày có tin lành, và chúng ta nín lặng sao!" Họ biết rõ họ chẳng nên tích trữ tất cả những điều nầy cho bản thân họ. Họ nói: "Nếu chúng ta đợi đến rạng đông, thì sự hình phạt [tai họa, điều ác] chắc sẽ lâm vào chúng ta". Họ quyết định "đi báo tin này cho nhà vua".
4. Vua Giô-ram vốn chẳng tin theo lời tiên tri của Ê-li-sê và hoài nghi báo cáo của mấy người phung, nhưng đã sai hai xe ngựa đi thẩm tra. Quả thực, chiến lợi phẩm rất lớn và dân sự ra cướp lấy trại quân đó. Thực vậy, bột lọc và lúa mạch đã được bán rất rẽ y như vị tiên tri đã nói trước.
5. Viên quan cai từng cười nhạo khinh bĩ lời của Êlisê có được từ nơi Đức Giêhôva đã bị đạp dẹp chết tại cửa thành, ông ta đã chứng kiến tình thế dư dật đó nhưng đã bị dân chúng chèn ép cho tới chết mà không hề ăn được chiến lợi phẩm dư dật kia.
II. Những nguyên tắc đầy năng quyền cho Hội thánh trong thế kỷ thứ 21.
A. Chúng ta không nên ngồi lại.
1. Đạo quân của Đức Chúa Trời trong chiến trận nầy là bốn người phung đang trườn ngang qua đồng bằng. Ngài đã sử dụng họ vì họ sẵn lòng ra đi.
2. Không bao lâu nữa thì có người sẽ bằng lòng ra đi rồi gặp gỡ kẻ thù, Đức Chúa Trời đã ban cho một sự đắc thắng cùng kết thúc nạn đói kém. Đức Chúa Trời đang chờ đợi ai đó, bất cứ ai muốn ra đi.
3. Cái điều không hề có trong trí của mấy người phung khi cho rằng họ sẽ trở thành đạo binh của Đức Chúa Trời bao giờ. Họ không đi ra vì họ có đức tin lớn, hay tình cảm dành cho Đức Chúa Trời hoặc quyết định để cho Đức Chúa Trời sử dụng họ đâu. Họ đi ra vì họ đói đấy thôi.
4. Những chiến binh mạnh sức của Israel ở đâu rồi? Họ bị kẹt trong bốn bức tường thành, họ đang ăn mấy cái đầu lừa và phân bồ câu! Họ đang ăn trong khổ sở vì kẻ thù đến vây họ thay vì phải ra đánh nhau với kẻ thù!
5. Đây là hình ảnh rất chính xác về nhiều Hội thánh ngày hôm nay. Cho nên có nhiều người ngồi ở đàng sau mấy bức tường của nhà thờ chịu đói cho đến chết.
Họ xây các bức tường cho thật cao để đẩy lùi những lần công kích của kẻ thù: giáo lý giả, thoả hiệp, và theo đời nầy. Tuy nhiên, nếu chúng ta ngồi lại thay vì đi ra, nếu chúng ta chỉ phòng thủ thay vì tấn công chính các bức tường chuyên bảo hộ kia lại trở thành loại bức tường đang nhốt tù chúng ta! Khi điều đó xảy ra, một Hội thánh đang bị héo khô dần.
6. Dân sự của Đức Chúa Trời ngày hôm nay không phải đói khát sự dạy dỗ của Kinh thánh, những bài hát ca ngợi, tương giao, sách báo và vật chất đâu. Hết thảy chúng ta đều có những điều nầy trong sự dư dật. Chúng ta đang đói khát một SỰ ĐỔ RA QUYỀN PHÉP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI! Chúng ta đang đói khát CƠN PHẤN HƯNG THẬT! Không có ơn phước nầy của Đức Chúa Trời mọi sự khác chỉ là những cái đầu lừa và phân bồ câu mà thôi!
7. Vì cớ đạo binh thật không chịu đi, Đức Chúa Trời dấy lên mấy người phung, họ chịu đi ra. Đạo binh thật có sự huấn luyện, trang bị và trợ giúp để đi ra nhưng lại không đi. Mấy người phung từ bên ngoài cổng thành, họ đã làm sai trái nhiều điều nhưng làm đúng một điều và họ đã đoạt được chiến thắng!
8. Hội thánh địa phương thường nhìn với thái độ khinh khỉnh vào các tổ chức ngoài Hội thánh. Có người nói: "Chúng tôi không cần những nhóm nầy, đây là công việc của Hội thánh địa phương". Có thể là như vậy lắm, nhưng khi đạo binh thật trụ lại ở nhà không chịu đi ra, họ không nên chỉ trích mấy người phung, là những kẻ chịu đi ra!
9. Tôi e chúng ta trở thành một thế hệ an định trên những chiếc ghế dài thuộc linh. Giống như gã ngồi trên chiếc salon suốt cả ngày ăn nuốt mấy cái vỏ khoai tây, xem TV rồi than phiền về thế gian mà chẳng làm một việc gì khác, chúng ta ngồi ở đàng sau bốn bức tường phân biệt của mình, than vãn tình trạng đáng buồn của thế giới, coi thường việc làm của nhiều người khác, còn bản thân mình thì làm quá ít ỏi.
10. Kinh thánh dạy rõ ràng rằng người làm chồng phải là lãnh đạo thuộc linh trong gia đình. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chúc phước cho những kẻ làm vợ nào đang lãnh đạo gia đình của họ về mặt thuộc linh khi người chồng không lo liệu được. Đàn ông phải lãnh đạo Hội thánh, nhưng khi đàn ông không lo liệu được, Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho người phụ nữ nào biết chổi dậy. Hội thánh địa phương sẽ nắm quyền tấn công vào lãnh vục của Satan, nhưng khi Hội thánh ấy không chịu đi ra, Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho người nào làm việc đó!
B. Chúng ta cần phải chia sẻ chớ không nên tích trữ.
1. Mấy người phung vốn ý thức được rằng nếu họ giữ "nín lặng" về ơn phước kỳ diệu của họ, điều ác sẽ giáng trên họ. Họ quyết định công bố ra "ngày có Tin Lành".
2. Chúng ta đang sống trong "ngày có Tin Lành". Ở mặt nầy của thập tự giá, chúng ta có những tin tức tốt lành nói tới sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Jêsus cần phải chia sẻ! Chúng ta có lời hứa rằng Tin lành là "quyền phép của Đức Chúa Trời" làm thay đổi nhiều đời sống!
3. Chúng ta có sự dạy dỗ, âm nhạc, điều kiện thuận lợi, kỷ thuật, và sự yễm trợ rất lớn. Tuy nhiên, giống như mấy người phung kia, chúng ta có khuynh hướng muốn tích trữ, chớ không muốn chia sẻ những ơn phước lớn lao nầy. Chúng ta có khuynh hướng giữ chúng cho bản thân mình, ngốn nghiến cho mình, giấu chúng vào chỗ được gìn giữ an toàn. Chúng ta dễ trở thành HẠNG NGƯỜI TIÊU THỤ các ơn phước của Đức Chúa Trời thay vì trở thành HẠNG NGƯỜI SẢN XUẤT ra các ơn phước của Ngài!
4. Khi chúng ta tính trữ ơn phước của Đức Chúa Trời, chúng ta trở nên ích kỷ. Chúng ta bắt đầu suy nghĩ: "tôi được gì" thay vì "tôi bố thí điều chi". Chúng ta thắc mắc: "điều chi sẽ được làm cho tôi" thay vì "tôi sẽ làm chi cho tha nhân". Chúng ta bận bịu với việc "có những nhu cần của mình" thay vì "làm thoả mãn các nhu cần của người khác". Chúng ta trở nên LẤY CÁI TÔI LÀM TRUNG TÂM thay vì LẤY ĐẤNG CHRIST LÀM TRUNG TÂM. Hội thánh lấy Đấng Christ làm trung tâm, Hội thánh nào gìn giữ Tin Lành sẽ luôn luôn đi ra bằng tình yêu thương và lòng thương xót đối cùng tha nhân!
5. Khi chúng ta tính trữ ơn phước của Đức Chúa Trời, chia rẽ sẽ luôn luôn đến. Hãy chỉ cho tôi thấy một Hội thánh bị rạn nứt bởi sự phân ly và phe phái thì tôi sẽ chỉ cho quí vị thấy một Hội thánh không tựu trung vào Tin Lành. Hãy chỉ cho tôi một Hội thánh nào đang tranh chấp và cắn đắng thì tôi sẽ chỉ cho quí vị thấy Hội thánh ấy đang lạc mất tiêu điểm của mình. Mấy người phung kia đều sẽ cắn nuốt nhau một khi họ ngồi lại. Quí vị ơi, điều đó có thể xảy ra ở đây lắm. Tuy nhiên, người nào biết tập trung vào Tin Lành không có thì giờ hay xu hướng tranh chấp và đấu đá nhau.
6. Khi chúng ta tích trữ ơn phước của Đức Chúa Trời, đức tin sẽ bị nhạt phai. Hãy tưởng tượng xem, nếu tôi đi mua cả tá kẹo sô cô la rồi nói với gia đình tôi tất cả là của tôi. Ba cái kẹo đầu tiên sẽ ngon lắm, nhưng chúng sẽ nhạt nhẻo đi trước khi tôi có thể ăn hết số kẹo đó. Mana của Đức Chúa Trời biến thành sâu khi phải giữ nó qua đêm. Hầu hết mọi thứ đều trở nên xấu khi đem tích trữ. Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta để chúng ta phải chia sẻ. Tại sao người ta giữ "nín lặng" vào "ngày có Tin Lành?" Có thể bản thân họ đang ĐÓI lắm. Có thể họ SỢ hay NGÃ LÒNG. Có thể họ THIẾU TIN CẬY khi chia sẻ đức tin của họ. Thắc mắc thực là có phải chúng ta thực sự tin Tin Lành sẽ làm thay đổi con người hay không!?! Nếu chúng ta tin, chúng ta hãy cầu nguyện và làm chứng. Nếu chúng ta không tin, thì đừng làm gì hết.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét