Bạn có nghe thiên sứ hát chưa?
Giáng Sinh và "thế giới khác"
- Luca 2:8-14
"Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa đến gần họ, và sự vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, họ rất sợ hãi. Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ. Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!” (Luca 2:8-14).
Thắc mắc đặt ở trước nhà thờ rất đơn sơ: Bạn có nghe thiên sứ hát chưa? Câu trả lời cũng đơn sơ như vậy: Một là bạn có thể hay là bạn không thể nghe được. Bạn nghe hay không nghe, thế thôi.
Mấy gã chăn chiên đã nghe thấy các thiên sứ — và điều đó làm cho họ sợ bắt chết. Đó là một việc mà các thiên sứ đang làm — họ làm cho người ta phải kinh hãi. Thiên sứ nói với Giôsép: “Đừng sợ chi”. Gápriên nói với Mary: “Đừng sợ chi”. Và thiên sứ nói với mấy gã chăn chiên: “Đừng sợ chi”. Qua sự xác định, các thiên sứ thực sự đang “ở ngoài thế gian nầy”. Họ đến từ một nơi khác, một lãnh vực thực tại khác, từ một chiều kích khác. Một phút mấy gã chăn chiên đang lo công việc của họ ở ngoài đồng bên ngoài thành Bếtlêhem, phút kế đó một thiên sứ đến trao đổi với họ. Khi ấy ở một chỗ nào đó bên ngoài khung trời kia với hằng hà thiên sứ. Từ ngữ “muôn vàn” có ý nói đúng những gì nó ám chỉ — một con số không đếm được, một lực lượng sáng láng, những hữu thể chiếu sáng, đầy dẫy khung trời lúc ban đêm, đang ngợi khen Đức Chúa Trời (cách lớn tiếng, tôi dám chắc như thế), và tung hô: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao!”
Thình lình!
Có lẽ từ ngữ đáng nói nhất trong phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta nằm ở câu 13: Bỗng chúc! Từ ngữ nầy có ý nói rằng không một lời cảnh báo, không loan báo trước, nó nói rằng các thiên sứ không có mặt ở đó, và rồi họ có mặt ở khắp mọi nơi. Cho phép tôi bổ sung câu nói đó một chút. Từ ngữ “bỗng chúc” có ý nói rằng các thiên sứ không thấy có ở đâu hết, và ngay lập tức hết thảy họ đều đầy dẫy trên bầu trời. Một số thắc mắc thoạt đến ngay trong lý trí tại điểm nầy. Nếu chúng ta có mặt ở đó, thì chúng ta sẽ nhìn thấy các thiên sứ, có phải không? Dân chúng trong thành Bếtlêhem có nhìn thấy các thiên sứ không? Người ta có thể trông thấy họ từ thành Jerusalem — cách tám dặm? Âm thanh giọng nói của họ có thể được nghe thấy ở những nơi khác, hay các thiên sứ tự tỏ mình ra chỉ cho mấy gã chăn chiên thôi? Chúng ta không thể trả lời hết những thắc mắc nầy được đâu, nhưng chắc chắn là có những thắc mắc như thế: các thiên sứ thực sự đã có mặt ở đó, và mấy gã chăn chiên thực sự đã nghe thấy họ.
Bạn có nghe thiên sứ hát chưa? Một là có, hay là bạn không có nghe. Mấy gã chăn chiên đã nghe thấy họ. Mary đã nghe thấy họ. Giôsép đã nghe thấy họ. Tôi không nghĩ Hêrốt đã nghe thấy một việc gì hết. Đấy là điểm quan trọng to lớn vì sự phân chia lớn lao trong thế gian có ngay ở đây — một số người nhìn thấy các thiên sứ, những người khác thì không! Một số người đã nghe thấy họ, nhiều người khác thì không! Một số người tin lãnh vực siêu nhiên, nhiều người khác thì không! Tôi đưa ra hai bằng chứng. Vào thế kỷ thứ tư, đã có một giám mục tên là Hillary (đôi khi được gọi là “Thánh Hillary"), ông nói: “Mọi sự dường như thấy trống không đó, song lại đầy dẫy với các thiên sứ của Đức Chúa Trời”. II Các Vua 6 thuật lại câu chuyện nói tới Êlisê và tôi tớ của ông khi quân đội Syria bao vây họ tại thành Đôthan. Sau khi nom thấy kẻ thù ở tứ phía, tôi tớ bèn kêu lên: “Chúng ta sẽ làm gì đây?” Êlisê đáp lại bằng cách công bố: “Đừng sợ chi vì người của chúng ta đông hơn của chúng nó”. Khi ấy Êlisê cầu nguyện rồi nói: ‘Ôi Chúa, xin mở mắt hắn để hắn có thể thấy được”. Vì vậy Đức Giêhôva đã mở mắt tên tôi tớ hãy còn trẻ nầy, rồi hắn nhìn thấy, “và kìa, núi đầy dẫy với ngựa và xe lửa bao chung quanh Êlisê” (II Các Vua 6:16-17). Các thiên sứ luôn luôn có mặt ở đó; tôi tớ kia chỉ không nhìn thấy họ mà thôi. Khi mắt hắn được mở ra, hắn nhìn thấy hết thảy họ đã có mặt ở đó rồi.
Richard Dawkins
Nhưng có một số người không nhìn thấy vì họ không thể nhìn thấy được. Richard Dawkins có lẽ là nhà tiến hóa nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông là một nhà khoa học lỗi lạc, một nhà văn có tài, tự nhận mình là vô thần, và là đối thủ gắt gao của tôn giáo. Ông nói rằng người nào không tin vào thuyết tiến hóa là hạng người “dốt nát hay đã bị tẩy não”. Ông tin thế giới sẽ khá hơn nếu không có tôn giáo vì nó cứ dựa theo sự mê tín. Trong cuộc phỏng vấn trên mạng mới đây, ông công bố: “Bạn sẽ không tìm được một người thông minh nào cảm thấy có nhu cần về sự siêu nhiên”. Ông tiếp tục nói rằng một thế giới không có tôn giáo sẽ trở thành thiên đàng nơi hạ giới.
Chúng ta đáp ứng thế nào với một người nói như thế? Mới đây, Peter Marshall, Giám Mục Thượng Viện Hoa Kỳ, ông hay nói rằng “thực tại thuộc linh là một vấn đề của tri giác, chớ không phải để chứng minh”. Có một số việc không bao giờ chứng minh được. Ông đã đưa ra lời bình luận như sau:
Làm sao bạn chứng minh được cái gì là đẹp chứ? Bạn có thể chứng tỏ cho tôi thấy bằng cách lý luận hoặc bằng trí tuệ rằng bản giao hưởng số 5 hay bản Sonata Moonlight tuyệt đối là xinh đẹp không? Bạn có thể chứng minh bằng bất cứ phương pháp hay trí tuệ nào cho thấy mặt trời lặn là xinh đẹp không? Hãy giải thích cho tôi nghe về mặt khoa học hương thơm mang tính mời mọc của loài hoa tím violets. …
Có nhiều điều mầu nhiệm ở xung quanh chúng ta, thật xinh đẹp, lôi cuốn, không thể giải thích được. Thí dụ, hãy lấy hiện tượng đem lòng yêu đương xem. Bạn có từng đưa ra thắc mắc: “Làm sao tôi rõ lúc nào tôi biết yêu?” Tôi biết đấy! Tôi đã đưa ra câu hỏi ấy về phụ nữ có nước da ngăm đen và mái tóc vàng hoe, về mái tóc hoe đỏ và về những cái đầu hói, về mọi người ở khắp mọi nơi. Cái điều kỳ lạ là, tôi luôn luôn nhận được cùng một câu trả lời; nghĩa là: “Nầy anh ơi, đừng lo. Anh sẽ biết thôi”.
Tình yêu, giống như vẻ đẹp, giống như hương thơm mời mọc của loài hoa violets, là một vấn đề của tri giác và kinh nghiệm, chớ không phải của chứng minh. Những việc lớn lao bởi đó chúng ta thực sự sống theo không được minh chứng bằng lý luận, mà bằng sự sống. Giống như rất thực về tình yêu và vẻ đẹp, cũng rất thực vậy trong việc tìm kiếm Đức Chúa Trời và học biết Ngài đang ở gần chúng ta là thể nào. (Từ cuốn phim Một Người Có Tên Là Peter, được thuật lại trên trang web “Wild Evangelists”).
Có người đến viếng thăm thác Grand và mọi sự họ trông thấy là đường rãnh thật to lớn. Rồi vì thế họ vội vã đi đường mình, và đã bỏ sót những điều lạ lùng trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
Cũng một việc như thế xảy ra trong lãnh vực thuộc linh. Người ta nhìn thấy những gì họ muốn thấy và họ không nhìn thấy những gì họ chọn bỏ qua. Trong những ngày đầu của cuộc du hành không gian, một phi hành gia người Nga trở về trái đất rồi tuyên bố rằng ông ta đã tìm kiếm Đức Chúa Trời trong không gian mà chẳng thấy Ngài ở đâu hết. Mục sư W. A. Criswell đưa ra lời đáp có tính chỉnh sửa khi ông nói: “Hãy để cho ông ta bước ra khỏi bộ đồ bay vào không gian đi, ắt ông ta sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời ngay thôi”.
Thiên sứ ở khắp nơi!
Thật là khó khi phải bỏ qua yếu tố siêu nhiên trong sự ra đời của Chúa Jêsus. Các thiên sứ góp phần khắp nơi trong truyện tích Giáng Sinh. Một thiên sứ báo cho Mary biết nàng sẽ cho ra đời Chúa Jêsus. Một thiên sứ đến nói cho Giôsép biết phải đặt tên cho Ngài là Jêsus. Một thiên sứ cảnh cáo Mary và Giôsép phải trốn sang Aicập. Một thiên sứ đến báo cho họ biết về lại Israel là an toàn. Và trong phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta, một thiên sứ đến loan báo sự ra đời của Đấng Christ cho mấy gã chăn chiên biết, và kế đó ca đoàn thiên sứ trổi bản dạ khúc lên cho họ nghe.
Nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ. Bạn có ngôi sao kín nhiệm dẫn đường cho mấy thấy bác sĩ đến từ vùng đất xa xôi đến thành Bếtlêhem, đến tận ngôi nhà mà họ đã tìm được con trẻ Jêsus ở đó. Và mấy thầy bác sĩ được cảnh báo trong chiêm bao đừng trở lại với Hêrốt, mà hãy về quê hương theo lối khác. Ở đó bạn có đủ sự việc — các thiên sứ, ngôi sao và chiêm bao. Lãnh vực siêu nhiên có ở khắp mọi nơi — cái thứ mà Richard Dawkins nói, hạng người có lý trí không tin theo đâu. Quan điểm của tôi không phải là bài bác ông ấy, nhưng sử dụng ông ấy để minh họa một phương diện của thế giới quan thực sự Cơ đốc. Chúng ta tin vào một việc tuyệt đối là đáng kinh ngạc. Tôi nghĩ chúng ta đã nghe những điều nầy rất thường đến nỗi chúng ta đã quên mất chúng đáng kinh ngạc là dường nào. Chúng ta tin rằng thế giới nầy chúng ta đang cư ngụ không phải là thế giới “thật” đâu!?! Đây chỉ là thế giới “tạm” mà thôi. Quả địa cầu chúng ta gọi là quê hương sẽ không kéo dài mãi cho đến đời đời đâu. Chúng ta tin thế giới nầy là tạm thời; chỉ có Đức Chúa Trời mới là đời đời thôi. Chúng ta tin có “thế giới khác” là thế giới “thực”. Đây là thế giới của Đức Chúa Trời và của các thiên sứ, của Đấng Christ và Đức Thánh Linh, của thiên đàng và các thánh đồ đang ăn ở trong sự vinh hiển. Hai thế giới nầy đang tồn tại bên cạnh nhau. Chúng ta đang sống trong một thế giới, nhưng chúng ta tin vào một thế giới khác. Hoặc sử dụng một bức tranh Tân Ước bằng lời, chúng ta đang sống trong thế giới nầy, nhưng quyền công dân của chúng ta ở trong thế giới khác. Đấy là lý do tại sao Kinh Thánh gọi chúng ta là “kiều dân” hay “khách lạ” ở trên đất. Chúng ta là những lữ khách đang trên chuyến hành trình từ thế giới nầy sang một thế giới sẽ kéo dài cho đến đời đời. Chúng ta đang tìm một thành với nền tảng đời đời, Đấng xây dựng và lập nền thành ấy chính là Đức Chúa Trời.
Chào Goodbye
Thế giới ở quanh bạn sẽ không kéo dài cho đến đời đời. Thế giới của những loại xe hơi, phi cơ, tàu hỏa, thế giới của mua sắm-đầu tư, thế giới của những xí nghiệp và văn phòng, thế giới của những trường trung đại học, thế giới của truyền hình, phát thanh và mạng Internet, thế giới của túc cầu, bóng rỗ và bóng chày, thế giới của các quốc gia, các vị Tổng thống và bạo chúa, họ co mình lại trong mấy cái lỗ của màng nhện — thế giới ấy một ngày kia sẽ biến mất đi. “Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2:17). Không một điều gì vàng son mãi được. Chúng ta có mặt ở đây hôm nay, qua đi vào ngày mai. Trời và đất sẽ qua đi nhưng Lời của Chúa sẽ còn mãi cho đến đời đời. Kinh Thánh chắc chắn đặc biệt nói tới phương thức thế gian nầy sẽ kết thúc. Khải huyền 16:17-20 nói tới một trận động đất lớn trong những ngày sau rốt hủy diệt mọi thành phố của địa cầu. Hãy tưởng tượng xem điều ấy muốn nói tới điều gì? Paris bị san bằng, Tokyo đổ nát, Luân đôn biến thành một khu vực thảm họa, New York đang bốc cháy, Miami đang trong cơn hỏa hoạn, Phoenix thành tro bụi, San Francisco sụp xuống đến tận nền. Rồi ở Chicago, tháp Sears không còn nữa, Công viên Comisky thành gạch vụn, Sở thú Brookfield không còn là sở thú nữa, Thượng Wacker đã biến thành Hạ Wacker, Hạ Wacker trở thành cái nền Wacker, từng toà nhà sẽ sụp đổ xuống, hết thảy xa lộ sẽ bị hủy diệt, Nhà thờ Moody bị sụp đổ, rồi ở Oak Park, từng ngôi nhà sẽ bị tiêu tán, Đền Thờ Unity mất dấu, Nhà thờ Pancake không còn nữa, tiệm xúc xích Parky không thấy đâu hết, và tại đường Hồ 931, ở đó có một ngôi nhà thờ lớn người ta thường hay nhóm lại, đất bị phủ lấp với những mãnh kính nhỏ đủ màu sắc, mọi di tích của những cánh cửa sổ thật đáng yêu. Phòng tập thể dục mới phục hồi và cánh cổng mới đã sụp xuống tận nền.
Mọi sự con người xây dựng đều sụp đổ hết trước mắt mình. Cũng một thể ấy với mọi sự đang thuộc về thế gian nầy. Sau đây là đôi dòng từ một bài thơ có tên là “Ca thương của Gray” được viết ra trong một ngôi nhà thờ vùng nông thôn ở Anh quốc:
Lộng lẫy khoe khoang, quyền lực hào nhoáng
Mọi vẻ đẹp, mọi giàu có từng được ban cho
Đang chực chờ cái giờ không tránh được
Mọi con đường vinh quang đang dẫn tới mồ mả.
Đúng là ở thời điểm nầy lễ Giáng Sinh trở nên rất quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta là một dòng dõi đang dãy chết trên một hành tinh đang hấp hối. Mọi sự chúng ta đang nhìn thấy xung quanh chúng ta một ngày kia sẽ tan thành hư không chẳng còn có một dấu vết nào cả. Bất chấp mọi nổ lực tốt nhứt của chúng ta, chẳng một điều gì chúng ta có thể làm để tự cứu lấy mình. Nếu chúng ta muốn được cứu, ơn cứu rỗi phải đến từ một chỗ khác kìa. Ơn ấy phải đến từ bên ngoài chúng ta. Đấy là ý nghĩa thật của Lễ Giáng Sinh. Có lẽ bạn đã nghe quyển sách do tác giả J. B. Phillips viết với đề tựa là “Hành Tinh Được Thăm Viếng”. Quyển sách ấy nói về một thiên sứ nhỏ được một thiên sự cao niên giao nhiệm vụ đi một vòng vũ trụ. Sau khi đi một vòng các dãy thiên hà trong vũ trụ rồi, sau cùng họ đến với hệ thống thái dương hệ của chúng ta. Thiên sứ nhỏ khi ấy mệt mõi lắm, chẳng thấy ấn tượng gì bởi những điều mình trông thấy. Vị thiên sứ cao niên chỉ vào quả địa cầu rồi nói: “Hãy giữ một mắt trên hành tinh đó”. Vị thiên sứ nhỏ kia nghĩ quả địa cầu trông nhỏ nhắn, bẩn thỉu và vô nghĩa. Vị thiên sứ cao niên nói: “Đấy là Hành Tinh Đã Được Thăm Viếng”. “Ông có ý nói …” “Phải, hành tinh đó đã được Vua vinh hiển của chúng ta đến thăm”. “Ông muốn nói cho tôi biết rằng Ngài đã hạ mình xuống thấp đến nỗi đã trở thành một trong những tạo vật đang bò, đang lê bước đi của địa cầu nầy à?” “Ta muốn nói thế, và ta không nghĩ Ngài sẽ thích ngươi gọi họ là ‘những tạo vật đang bò, đang lê bước’ theo cách nói đó. Vì, thật là kỳ lạ dường như thế đối với chúng ta, Ngài yêu thương họ. Ngài ngự xuống để thăm viếng họ, để nhấc họ lên, để trở nên giống như Ngài”. Thiên sứ nhỏ kia chẳng đáp lại một câu nào. Chính tư tưởng ấy trổi hơn sự hiểu biết của thiên sứ nhỏ nầy. (Từ quyển Cơ đốc giáo theo Tân Ước. Sách nầy được thấy ở trang web www.ccel.org website).
Khi Đức Chúa Trời ngự xuống
Có nhiều phép lạ xoay quanh Lễ Giáng Sinh — các thiên sứ, ngôi sao, những giấc chiêm bao, những lời tiên tri, và trên hết là sự ra đời bởi nữ đồng trinh. Nhưng các phép lạ ấy chỉ là những dấu hiệu chỉ ra phép lạ lớn lao nhất trong mọi phép lạ: Ấy là chúng ta đang sống trên thế giới nầy đã được thăm viếng bởi Đấng đến từ “thế giới khác”. Đấng từ thế giới sáng láng đã đến với thế giới tối tăm. Đấng từ cõi đời đời đến với cõi tạm. Đấng từ trời đã đến sống với chúng ta ở trên đất!
Kinh Thánh giải thích điều nầy bằng nhiều cách …
+ "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài” (Giăng 3:16).
+ "Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi” (Tít 2:11).
+ "Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp” (Galati 4:4).
+ "Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người” (Philíp 2:6-7).
+ "Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt” (I Timôthê 3:16).
+ "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:14).
Các nhà thần học sử dụng một cụm từ đặc biệt để nói về điều nầy. Họ gọi sự ra đời của Đấng Christ là sự “hóa thân thành nhục thể”. Cụm từ ấy có ý nói rằng Đức Chúa Trời đã đến với trần gian và dự phần vào nhân tính của chúng ta.
Đấng vô hạn đã trở nên hữu hạn.
Đấng bất tử đã ra hay chết.
Đấng Tạo Hóa trở thành vật thọ tạo.
Đấng Toàn Năng đã sống trong tử cung của một thiếu nữ.
Đấng Toàn Năng trở thành một em bé vô dụng.
Thần Linh được quấn trong mấy cái giẻ rách.
Vua của Vũ trụ chào đời trong chuồng chiên máng cỏ.
Còn Martin Luther thì nói như vầy: “Ngài là Đấng mà nhiều thế giới không thể bao hết được lại nằm bên hông của Mary”. Đấy là sự hóa thân thành nhục thể — đó là phép lạ chính của đức tin Cơ đốc. Nếu bạn có thể tin Đức Chúa Trời đã đến thăm viếng hành tinh của chúng ta như một con trẻ cách đây 2.000 năm, bạn sẽ chẳng thấy khó khăn gì với phần còn lại của những gì chúng ta đang tin theo. Sự sống lại chẳng có gì khó khăn cho những ai chịu tin nơi sự hóa thân thành nhục thể.
Bỏ sót điểm chính
Thế giới quan của Cơ đốc nhân hoàn toàn là siêu nhiên. Tách sự siêu nhiên ra khỏi Cơ đốc giáo thì mọi sự còn lại cho bạn là một câu lạc bộ chỉ gồm loại sách tôn giáo. Chúng ta tin thế giới nầy không phải là thế giới “thực”, rằng Đấng Christ đã đến từ thế giới “khác” để sống trong thế giới của chúng ta trong 33 năm để Ngài có thể cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi của chúng ta. Richard Dawkins không tin như thế vì ông ta không tin có thế giới “khác”. Ông ta nghĩ thế giới nầy là thế giới duy nhứt hiện có. Ông ta sai lầm về điều đó, nhưng có lẽ con mắt lòng của ông ta sẽ mở ra đối với lẽ thật. Và từ nhận định của một Cơ đốc nhân, ông ta đã bỏ sót yếu tố chính của vũ trụ — ấy là Đức Chúa Trời! Nhức nhối dường bao về sự bỏ sót đó? Sự thể ấy giống như nghiên cứu địa lý mà bỏ qua các loại đá. Sự thể ấy giống như nghiên cứu thiên văn mà bỏ qua các ngôi sao. Sự thể ấy giống như nghiên cứu đại số mà bỏ qua những con số. Có khi hạng người thông minh sẽ tỏ ra rất, rất ít nói.
Tôi kết thúc với lời lẽ của Giám Mục Hillary: “Mọi sự dường như thấy trống không đó, song lại đầy dẫy với các thiên sứ của Đức Chúa Trời”. Có khi thế giới quanh chúng ta dường như trống không và chúng ta cảm thấy hoàn toàn chỉ có một mình, nhưng từ giờ trở đi — bỗng chúc! — lúc ít khi chúng ta mong như thế — khi chúng ta gần như mất cả hy vọng — khi chúng ta mệt mõi hay buồn bực hoặc sợ hãi hay bất bình — Đức Chúa Trời xuất hiện và các thiên sứ khởi sự ca hát. Họ đã ca hát đến nỗi mấy gã chăn chiên phải giật mình đêm nọ tại thành Bếtlêhem cách đây 2.000 năm. Họ vẫn còn ca hát hôm nay cho những ai quan tâm muốn nghe thấy họ.
Bạn có nghe thiên sứ ca hát chưa? Họ đem đến những tin tức tốt lành từ thế giới kia, những tin tức tốt lành rất đỗi vui mừng, những tin tức tốt nhứt mà thế gian đã từng nghe thấy: Phước Cho Nhân Loại, Chúa Ta Ra Đời, Trần Gian Nghinh Vua Vô Đối!
Nếu bạn hết lòng lắng nghe, bạn có thể vẫn còn nghe họ ca hát: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!”
Lời cầu nguyện của một người Celtic
Tuần nầy, bạn tôi là Andy McQuitty, Mục sư của Hội Thánh Irving Bible ở Texas, đã gửi lời cầu nguyện của người Celtic, lời cầu nguyện nầy nhắc cho chúng ta nhớ tới sự vinh hiển và kỳ diệu của Lễ Giáng Sinh. Tôi khích lệ bạn nên đọc lời cầu nguyện nầy lớn tiếng và để cho lời cầu nguyện ấy dầm thấm trong tấm lòng của bạn:
Lạy Chúa Jêsus, chúng con quì gối trước mặt Ngài trong sự kinh ngạc yên lặng. Cảm tạ Ngài, vì sự ra đời của Ngài, chúng con biết rằng Đức Chúa Cha đang ở với chúng con. Chúng con xin tiếp đón Ngài, không phải trong chiếc máng cỏ lòng lạnh lẽo, mà trong một tấm lòng ấm áp, trong sạch với tình yêu dành cho nhau. Lạy Chúa Jêsus, Ngài là —
Con Trẻ thánh dịu dàng;
Đấng Chăn của bầy Ngài;
Thân Vị chữa lành;
Đấng Christ của muôn dân;
Đức Chúa Trời ảnh hưởng cả thế gian;
Emmanuên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng con.
Lạy Chúa Jêsus, Ngài là —
Sự vinh hiển của cõi đời đời, là Đấng hiện chiếu sáng giữa vòng chúng con;
Con của Vua Chí Cao của vũ trụ;
Là sự chói lọi của Đức Chúa Cha;
Nguồn sự sống;
Chúa bình an;
Đấng Mưu Luận;
Con Trai của Mary;
Mẫu mực của sự nhơn từ;
Thiết hữu của mọi người;
Anh em của người nghèo;
Đấng vô đối về sự công bình;
Sự vui mừng của các thiên sứ.
Lạy Chúa Jêsus, nơi Ngài chúng con nhìn thấy mặt của Đức Chúa Trời —
Dịu dàng;
Vui vẻ;
Mạnh sức;
Yêu thương;
Vâng lời
Lạy Chúa Jêsus, Ngài tỏa ra những gì thế gian đang có cần hôm nay —
Sự dịu dàng, tử tế, sự sáng và hy vọng.
Nơi Ngài, chúng con sẽ tìm được —
Sự dịu dàng khi trả lời với bạo lực;
Tử tế là câu trả lời cho ý đồ xấu xa;
Sự sáng khi đối đáp với những lời dối trá;
Hy vọng khi trả lời cho thất vọng.
Sự thương xót của Ngài đem lại ơn tha thứ.
Xin thương xót chúng con, xin đem chúng con đến với sự buồn rầu vì tội lỗi của chúng con,
Xin ban cho chúng con sự sống đời đời.
Vì sự vinh hiển Ngài đầy dẫy cõi đời đời;
Sự vinh hiển Ngài đầy dẫy vũ trụ. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét