Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Chứng đạo cho tấm lòng chưa sẵn sàng



NGÃ TƯ ĐƯỜNG CỦA CUỘC SỐNG
Chứng đạo cho tấm lòng chưa sẵn sàng
Công vụ Các Sứ đồ 25.13-26.32
1. Không may, khi đến lúc chia sẻ Tin lành, không phải ai cũng có hai lỗ tai để nghe, không phải ai cũng có tấm lòng sẵn sàng. Một số người có tấm lòng chai cứng. Họ hay chỉ trích, phê phán các lẽ thật cơ bản trong Kinh Thánh. Họ không tin rằng Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời hay Ngài đã chịu chết vì tội lỗi của chúng ta và đã sống lại.
2. Luôn luôn là một sự vui mừng khi chia sẻ đức tin với một người có tấm lòng sẵn sàng, họ sẵn sàng chịu tin và đáp ứng lại với Tin lành, nhưng giờ đây chúng ta phản ứng như thế nào đối với người có tấm lòng chai cứng, không sẵn sàng? Có người nói: "Họ không được chọn, họ không phải là kẻ được chọn của Đức Chúa Trời". Nhiều người khác sẽ nói: "Tại sao lại phí thì giờ với người có lý trí đóng kín mà chi?" Dường như có nhiều Cơ đốc nhân bỏ qua những kẻ hay chỉ trích phê phán Tin lành, xem họ như chẳng có hy vọng gì rồi chẳng cần làm chứng cho họ nữa. Điều nầy không nên là thái độ của chúng ta. Chúa Jêsus truyền cho chúng ta: "Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người" (Mác 16.15).
3. Có lẽ Sứ đồ Phaolô đã đối diện với một số tấm lòng không sẵn sàng nhất trên thế gian khi ông đứng trước mặt các quan chức của người La mã. Ở dưới áp lực lớn lao đó, ông không chùn bước. Ông dạn dĩ công bố với bằng chứng rất thuyết phục về sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ và thể nào Chúa đã thay đổi đời sống ông.
4. Trong sứ điệp ngày hôm nay, chúng ta sẽ ngồi trong "thính phòng" vương giả của Tổng đốc Phê-tu rồi lắng nghe sứ điệp đầy năng quyền của Phaolô giảng cho tấm lòng chai cứng của Vua Ạt-ríp-ba. Sau đó, chúng ta sẽ nhận dạng ba bài học cần phải tiếp thu để làm chứng cho những kẻ hay phê phán ở chung quanh chúng ta.
I. Tình trạng chẳng đặng đừng của Phê-tu (25.13-27).
A. Bối cảnh bị tù của Phaolô.
1. Trong Công vụ Các Sứ đồ 21-25, chúng ta học biết rằng Phaolô đã bị bắt tại thành Jerusalem khi bị vu cáo xúi giục gây rối qua việc giảng đạo chống lại luật pháp Môise và làm ô uế đền thờ qua việc đưa một người Ngoại vào hành lang trong của đền thờ.
2. Ông đã được giải cứu khỏi sự chết nơi tay của đoàn dân đông rồi được viên quản cơ người La mã Cơ-lốt Lysia bảo hộ tránh khỏi âm mưu bị ám sát.
3. Tiếp đến ông được giải đến quan tổng đốc La mã xứ Giu-đê, Phê-lít tại xứ Sê-sa-rê. Phê-lít lắng nghe cáo trạng của Toà Công Luận và lời biện hộ của Phaolô. Ông ta đã trì hoãn phần xét xử lại trong "hai năm" cho tới khi Bốt-tiu Phê-tu đến thay ông ta.
4. “Bởi cớ Phê-lít muốn làm cho dân Giu-đa bằng lòng, bèn cứ giam Phao-lô nơi ngục". Phê-tu dề nghị chuyển Phaolô về lại thành Jerusalem để chịu xét xử vì cáo trạng nằm về mặt thần học hơn là về mặt tội phạm. Tuy nhiên, Phaolô vốn biết rõ cái chết đã chờ đợi ông tại thành Jerusalem và đã sử dụng quyền của mình là công dân La mã mà kêu nài đến Caesar. Phê-tu nói: "Ngươi đã kêu nài Sê-sa, chắc sẽ đến nơi Sê-sa!"
5. Điều nầy đã đặt Phê-tu vào một tình trạng chẳng đặng đừng vì trong việc gửi một tù nhân đến toà án của Caesar, ông ta phải viết cáo trạng. Ông ta vẫn thực sự không biết Phaolô đã phạm phải tội gì! Ông ta rất thích thú khi tiếp đón cuộc thăm viếng từ quan tổng đốc của Israel, Ạt-ríp-ba và tìm kiếm mưu luận của ông ta.
B. Vua Ạt-ríp-ba đến (các câu 13-21).
1. "Vua Ạt-ríp-ba" có tước hiệu chính thức là Herod Agrippa II. Ông ta là vua người Ê-đôm, cai trị phần phía Bắc xứ Palestine dưới quyền Rome. Cha của ông ta, Agrippa I đã giết chết Giacơ, đã bắt Phierơ rồi bị Chúa đánh, bị trùng đục vì thất bại không dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Người bác của ông ta là Herod Antipas đã chặt đầu Giăng Báptít rồi xét xử Chúa Jêsus. Ông nội của ông ta là Đại đế Herod, là kẻ đã tìm giết con trẻ Jêsus qua việc tàn sát con trẻ ở thành Bêtlêhem.
2. Ạt-ríp-ba luôn được nhắc đến với "Bê-rê-nít" vừa là em gái vừa là người tình của ông ta. Mối quan hệ loạn luân của họ là đề tài của vụ bê bối quan trọng. Người em gái khác của ông ta là "Drusilla" là vợ của cựu Tổng đốc Phê-lít.
3. Ạt-ríp-ba coi sóc kho tàng của đền thờ và có cả quyền chỉ định thầy tế lễ thượng phẩm. Người La mã xem ông ta là một chuyên gia trong các vụ việc của người Do thái.
4. Ạt-ríp-ba và Bê-rê-nít "đến thành Sê-sa-rê đặng chào Phê-tu" và nghinh đón ông ta đến tại khu vực. Họ đã ở lại "mấy ngày", không nghi ngờ chi nữa, lo bàn bạc các vấn đề chính trị của Rome. Trong suốt thời gian nầy, "Phê-tu đem vụ Phao-lô trình với vua" rồi tìm kiếm mưu luận của vị chuyên gia nầy (các câu 14b-21).
5. Ạt-ríp-ba rõ ràng rất thích thú với trường hợp nầy, ông ta nói: "Ta cũng muốn nghe người ấy". Vì thế, họ mới bày ra một vụ xử bất thường, không chính thức qua ngày hôm sau.
C. Cuộc thẩm vấn không chính thức (các câu 22-27).
1. Đây là bối cảnh khi "Ạt-ríp-ba và Bê-rê-nít" đến tại "thính đường" cách long trọng. Nét huy hoàng và quyền lực của Rome là hiển nhiên trong sự hiện diện của "các quan chức”. Cùng đứng với họ là hạng người giàu có và "các người tôn trưởng trong thành".
2. Khi ai nấy an định rồi "Phê tu bèn truyền lịnh điệu Phao-lô đến". Các học giả tin Phaolô là một người nhỏ con, đầu hói với ánh mắt yếu ớt. Những lần ông chịu khổ đã ghi khắc trên thân thể ông. Ông mặc bộ đồ tù phạm rồi đến đứng trước hội chúng ấy trong xiềng xích. Thật là trái ngược!
3. Khi ấy, Phê-tu đọc bản cáo trạng y như ông ta biết rõ rồi thêm phần của mình vào, ông cho rằng Phaolô chẳng làm một điều gì sai cùng với tư thế chẳng đặng đừng của ông ta trong những gì phải viết cho Caesar (các câu 24-27).
II. Phần làm chứng của Phaolô (26.1-23).
A. Lòng can đảm và thái độ nhã nhặn của Phaolô (các câu 1-3).
1. Ạt-ríp-ba đã chủ trì vụ kiện, ông nói với Phaolô: "Ngươi được phép nói để chữa mình".
2. Như một chứng nhân khác, Luca viết: "Phao-lô bèn giơ tay ra, chữa cho mình…". Bạn không nhìn thấy ông ấy sao? Trong ân điển, với hai bàn tay bị xiềng, với lý trí sáng láng được Đức Thánh Linh dẫn dắt, ông thốt ra lời bào chữa cho mình.
3. Ở câu 2, chúng ta thấy ông rất thích thú khi đứng trước mặt nhà vua. Ông có cơ hội để chia sẻ Đấng Christ!
4. Ông công nhận Ạt-ríp-ba là "vì vua đã rõ mọi thói tục người Giu-đa, và cũng biết sự cãi lẫy của họ". Và không sợ hãi đã yêu cầu ông ta “hãy nhịn nhục” mà nghe ông nói.
B. Do thái giáo của Phaolô và Chúa Jêsus (các câu 4-11).
1. Về đời sống và sự nghiệp của ông trước kia tại thành Jerusalem, Phaolô nói: "mọi người Giu-đa đều biết cả". Ông đã từng là người con mà họ rất ưa thích, người con được yêu quý nhất của Israel.
2. Ông nói: "Họ đã rõ tôi từ lúc đầu". Nếu có ai trong số họ chịu chứng thực, họ sẽ nói ông "theo phe đó, rất là nghiêm" và đã sinh sống như một người "Pharisi".
3. Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao họ từng tôn trọng ông mà giờ đây lại muốn ông chết đi? Ông nói ông bị "đoán xét, vì trông cậy lời Đức Chúa Trời đã hứa cùng tổ phụ chúng tôi". Ông nói: "Muôn tâu, thật là vì sự trông cậy đó mà tôi bị người Giu-đa kiện cáo". "Sự trông cậy" nào vậy? Sự trông cậy "Đức Chúa Trời khiến những kẻ chết sống lại".
4. Cựu Ước dạy rằng sẽ có một ngày phục sinh rất quan trọng. Đây không phải là một quan niệm "lạ thường".
5. Phaolô đã tin rằng Đấng Christ đã sống lại rồi và Ngài là "trái đầu mùa" của sự sống lại.
6. Ông đã dành những năm tháng "dùng đủ mọi cách thế mà chống lại danh Jêsus ở Na-xa-rét". Ông đã bắt bớ "nhiều người thánh" rồi "bỏ tù họ" nữa. Khi họ bị đưa ra xét xử, ông luôn luôn bỏ phiếu tán thành. Ông đã "hà hiếp" họ trong các nhà hội rồi bắt họ phải "nói phạm thượng" để họ phải bị kết án tử hình. Ông đã "nổi giận quá bội bắt bớ họ" thậm chí ông còn đến cả "những thành ngoại quốc" nữa. Phaolô đã xem những Cơ đốc nhân giống như nạn dịch và ông là phương thuốc chữa vậy.
C. Sự trở lại đạo và đầu phục của Phaolô (các câu 12-18).
1. Trong quá trình đi đến thành Đa-mách để bắt bớ thêm nhiều tín đồ nữa, Phaolô đã gặp gỡ Chúa Jêsus. Chúng ta hãy đọc phần làm chứng cá nhân của ông ở các câu 12-15. "Ghim nhọn" là những cây đinh đóng trên xe ngựa một con ngựa dại dột sẽ bị đâm đau luôn.
2. Giống như Chúa đã phán cùng Giêrêmi và Êxêchiên, Ngài truyền cho Phaolô phải "chờ dậy và đứng lên". Ngài nói cho ông biết ông sẽ là một "chức việc và làm chứng". Kẻ hay bắt bớ sẽ trở thành một nhà truyền đạo và con sói dữ sẽ trở thành một con chiên hiền lành.
3. Phần việc của Phaolô sẽ là "mở mắt họ" rồi "đưa họ từ tối tăm qua sáng láng… từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời", để giúp cho họ tìm được "sự tha tội" và "phần gia tài… bởi đức tin" nơi Đấng Christ.
D. Chức vụ và sứ điệp của Phaolô (các câu 19-23). Phaolô "chẳng hề dám chống cự" đối với Chúa Jêsus, nhưng đã làm chứng cho "các kẻ lớn nhỏ" và cung ứng lẽ thật "điều các đấng tiên tri và Môi-se đã nói sẽ đến". Chúa Jêsus Đấng Mêsi đã chịu thương khó, chịu chết và là Đấng "sống lại trước nhất từ trong kẻ chết".
III. Phản ứng của Ạt-ríp-ba (25.24-32).
A. Phê-tu đưa ra ý kiến của mình (các câu 24-26). Phê-tu nghĩ ông đã "lảng trí" rồi mới tin Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết. Tuy nhiên, Phaolô nói lời lẽ của ông đều là: “thật và phải lẽ".
B. Ạt-ríp-ba bị đặt trước sự thử thách (các câu 27-29). Khi ấy tù phạm mới đặt nhà vua trước sự thử thách. Ông kêu gọi Ạt-ríp-ba nên quyết định về sự thực. Ạt-ríp-ba đáp: "Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!" Dù ông ta có thành thực hay không thì chúng ta không biết. Phaolô nói ông ước ao họ đều trở nên như ông, trừ ra xiềng xích nơi tay chân ông.
C. Phaolô bị gửi đến Rôma (các câu 30-32).
IV. Những bài học sau cùng cho việc làm chứng cho tấm lòng chưa sẵn sàng.
A. Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để chia sẻ Đấng Christ.
1. Phaolô không bị ấn tượng với vẻ hào nhoáng bề ngoài của Ạt-ríp-ba, ông cũng không bị đe doạ bởi quyền lực của Rôma. Ông đã nhìn thấy Ạt-ríp-ba và toà án khi ấy là những người nam người nữ rất cần đến Đấng Christ. Mục tiêu của ông không phải là tự biện hộ cho mình, mà để công bố ra Tin Lành.
2. Ông quyết liệt đến nỗi khi người ta gặp gỡ Phaolô, họ đã gặp Đấng Christ. Ông đã nói trong Philíp 1.21: "Vì Đấng Christ là sự sống của tôi…". Ông đã viết trong Galati 2.20: "Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi".
3. Là những tín đồ, chúng ta là khâm sai của Đấng Christ cho thế gian nầy. II Côrinhtô 5.20 chép: "Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhơn danh Đấng Christ mà nài xin anh em: hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời". Mục sư J.I. Packer mô tả vị khâm sai là "một đại biểu có quyền lực rất lớn. Ông ta không nhơn danh mình mà nói, nhưng vì ích của vua mà ông thay mặt, và toàn bộ bổn phận và trách nhiệm của khâm sai là giải thích tâm tình của nhà vua cách trung tín với những người mà khâm sai được phái đến".
4. Trong trường hợp người ta có đáp ứng hay không, chúng ta vẫn cứ trung tín làm đại diện ở đây trên một đất ngoại bang cho Vua chúng ta ở trên trời. Chúng ta không biết tin lành sẽ có những tác dụng nào. Có thể chúng ta gieo ra hột giống đức tin hay tưới một hột giống đã được trồng xuống đất rồi.
5. Phaolô là đại biểu của Đấng Christ trước mặt người Do thái và người Ngoại, trước kẻ có quyền và kẻ vô quyền, trước bậc vua Chúa và thường dân. Chúng ta cũng thế! Bất luận địa vị của con người trong cuộc sống là như thế nào, bất luận người có tiếp nhận hay từ chối Tin lành, chúng ta cần phải làm những khâm sai trung tín cho thiên đàng.
B. Chúng ta phải nhớ rằng lẽ thật tạo ra sự tin quyết.
1. Khi Phê-tu quyết đoán Phaolô là "lảng trí", ngược lại vị sứ đồ nói lời lẽ của ông đều là "thật và phải lẽ", lẽ thật lạnh như đá. Đức tin của chúng ta không những dựa trên những kinh nghiệm chủ quan của chúng ta về Đức Chúa Trời, mà còn dựa trên những sự kiện lịch sử khách quan nữa. Lẽ thật không thể bị chối bỏ.
2. Vẫn còn nói với Phê-tu, Phaolô xây sang nói với vua Ạt-ríp-ba, vua "biết rõ các sự nầy; lại tôi bền lòng tâu vì tin rằng chẳng có điều nào vua không biết".
3. Ạt-ríp-ba vốn biết rõ những lời xưng nhận của các môn đồ Đấng Christ "vì mọi việc đó chẳng làm ra cách chùng vụng đâu". Điều nầy chẳng có gì bí mật cả. Ông ta cũng biết rõ Kinh Cựu Ước mà. Vì vậy Phaolô đã buộc ông ta phải đưa ra một quyết định: "Vua có tin … chăng?" Ông đang hỏi: "Hỡi Vua, ông có tin những gì Kinh Thánh phán dạy chăng?" Hãy chú ý Phaolô trả lời câu hỏi của chính ông: "Tôi biết thật vua tin đó!" Phaolô biết Ạt-ríp-ba vốn biết rõ sự làm chứng của ông là thật.
4. Ạt-ríp-ba đã cảm thấy mình tin theo lẽ thật. Nhà vua kháng cự, ông cho rằng Phaolô không nên mong ông đưa ra quyết định ngay giây phút ấy. Ông ta đã thấy bất an.
5. Có nhiều người xưng mình có lý trí, đầu óc cởi mở, tuy nhiên họ đang từ chối lẽ thật khách quan kia. Họ từ chối không chịu công nhận lẽ thật ấy dù bề trong họ đã bị lẽ thật ấy thuyết phục. Tại sao vậy chứ? Đây không phải là loại bài học cho trí khôn, mà là loại bài học đạo đức. Lẽ thật không bao che cho tội lỗi.
6. Ạt-ríp-ba đáng phải xưng nhận sự trị vì không chút thương xót của mình và ông ta phải công nhận mối quan hệ loạn luân với em gái của mình. Ông ta đáng phải nhìn nhận sự sa đà đạo đức hoàn toàn của mình cùng những ham muốn ích kỷ tội lỗi. Ông ta chưa được sửa soạn để làm điều nầy.
7. Rôma 1.16 chép Tin Lành là "quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin". Khi chứng đạo cho loại tấm lòng chai cứng, chúng ta không phải thuyết phục họ, chúng ta chỉ phải nói cho họ biết lẽ thật mà thôi. Chỉ có quyền phép của Đức Chúa Trời mới đem lại sự ăn năn và sự biến đổi.
C. Chúng ta phải sống trong sự tiếp nhận của Đấng Christ chớ không sống trong những ngoại lệ của cuộc sống.
1. Hãy chú ý câu nói của Phaolô ở câu 29. Lời cầu nguyện của ông, ấy là hết thảy họ "đều trở nên như tôi, chỉ trừ bỏ xiềng nầy thôi!"
2. Tại sao ông nói như thế, khi ông muốn họ đều giống như ông thay vì giống như Đấng Christ? Phaolô muốn họ phải nhìn biết sự sáng láng, tình yêu thương và sự tha thứ của Đấng Christ giống như ông đã biết vậy.
3. Ngoại lệ duy nhứt của Phaolô là "xiềng nầy". Chúng ta cũng có những ngoại lệ nữa. Có thể chúng ta nói: "Tôi muốn bạn sống giống như tôi trừ ra tội lỗi nầy… hay sự yếu đuối nầy… hoặc tật nghiện ngập nầy". Hết thảy chúng ta đều có những ngoại lệ.
4. Những ngoại lệ của chúng ta giống như một gánh nặng đang đè nghiến chúng ta xuống rồi giữ chúng ta không trở thành mọi sự mà Đấng Christ muốn chúng ta phải trở thành. Chúng ta thường thất bại không chia sẻ đức tin của chúng ta vì cớ sự bất an đang nhồi nhét từ những ngoại lệ trong cuộc sống của chúng ta.
5. Đấng Christ tiếp nhận bạn rồi, bạn thể nào thì Ngài tiếp nhận như thế ấy! Ngài biết rõ mọi tội lỗi của bạn, nhưng Ngài phán rằng bạn là "chức việc" của Ngài và Ngài sẽ làm trọn hết việc lành mà Ngài đã khởi sự ở nơi bạn!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét