Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

Xuất Êdíptô ký 19: "Gặp Gỡ Đấng Toàn Năng"



Môise – Hoàng Tử của Israel
Gặp Gỡ Đấng Toàn Năng
Xuất Êdíptô ký 19
1. Khi quí vị nhìn xem một dãy núi, quí vị luôn luôn nhìn thấy những đỉnh cao nhất định, các cao điểm phình ra và nhô cao hơn các phần khác của dãy núi. Đời sống của chúng ta cũng có những đỉnh cao nữa. Có những thời điểm, các sự cố và những lần gặp gỡ nằm ngoài trí hiểu chúng ta. Một số người trong chúng ta sực nhớ tới một Lễ Giáng Sinh đầu tiên, ngày đầu tiên đến trường hoặc một ngày tháng trọng đại rất đầu tiên nào đó. Chúng ta nhớ tới thời điểm lấy bằng lái xe, ngày ra trường hoặc ngày xuất ngũ chẳng hạn. Mỗi cô dâu đều nhớ tới ngày cưới của mình. Từng người cha đều nhớ tới ngày sinh của đứa con đầu lòng. Cũng có những đỉnh cao khác nữa. Có lẽ đối với quí vị ngày đáng nhớ nhất chính là ngày nhận được việc làm mà mình mong muốn nhất, ngày bắt đầu công việc làm ăn hay kiếm được một học vị tốt nghiệp. Một đỉnh cao đối với một số người chính là ngày về hưu chẳng hạn.
2. Tôi hy vọng đối với quí vị đã có một số đỉnh cao thuộc linh nào đó. Tôi hy vọng đã có một giây phút trong đời khi quí vị tiếp nhận Chúa Jêsus, lúc quí vị được tái sanh hay được cứu. Tôi hy vọng có một thời điểm khi quí vị vâng phục Ngài bằng cách đưa ra một lời tuyên xưng công khai về ơn cứu rỗi của quí vị thông qua phép báp têm bằng nước. Tôi hy vọng đã có những đỉnh cao khác nữa y như quí vị đã tấn tới trong mối tương giao với Chúa của mình nữa.
3. Ngày nay chúng ta bước theo Israel tới một trong những đỉnh cao nhất trong đời sống dân tộc của họ. Hôm nay chúng ta bước theo họ tới Núi Sinai, ở đây họ đã kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Họ đã nghe thấy tiếng phán của Đức Chúa Trời. Họ đã học đòi luật pháp của Ngài. Họ đã nhìn thấy trụ mây và trụ lửa và cảm thấy đất lay động ở dưới chân của họ. Họ đã gặp được Đấng Toàn Năng.
4. Chúng ta không phải đi tới Núi Sinai để gặp gỡ Đức Chúa Trời hôm nay. Chúng ta không phải nhìn thấy lửa trên núi để biết Ngài hiện diện ở đó. Thật là chắc chắn giống như Israel đã gặp được Đấng Toàn Năng tại Núi Sinai, chúng ta có thể kinh nghiệm sự hiện diện của Ngài bằng cách hướng lòng và trí về Ngài trong sự thờ phượng. Từ sự cố nầy, chúng ta sẽ học biết một số nguyên tắc quan trọng và kế đó áp dụng một số lẽ thật vô hạn vào sự thờ phượng của chúng ta ngày hôm nay.
I. Một địa điểm đặc biệt (các câu 1-3).
A. Một địa điểm đặc biệt dành cho dân Israel – Núi Sinai.
1. Câu 1 nói rằng đến "tháng thứ ba" sau khi dân Israel rời Ai cập, Đức Chúa Trời đã khiến cho họ phải bỏ "Rêphiđim" là nơi họ đã đánh bại dân Amaléc rồi đến tại "đồng vắng Sinai", ở đây họ "đóng trại tại đó, đối diện cùng núi".
2. Núi Sinai hay "Hôrếp" là một địa điểm đặc biệt cho Môise vì chính ở đây ông đã gặp được Đức Chúa Trời trong bụi gai cháy. Ở 3.12, Đức Giêhôva đã hứa với ông: "Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng-sự Đức Chúa Trời tại trên núi nầy".
3. Dân Hêbơrơ sẽ cứ đóng trại tại đây trong khoảng 11 tháng. Trong suốt thời gian ấy Môise đã nhận lãnh và đã dạy dỗ luật pháp của Đức Chúa Trời, đền tạm và các trang thiết bị của đền tạm đã được kiến thiết sẵn, chức vụ thầy tế lễ đã được thiết lập và dân sự được kê sổ, được tổ chức có đội ngũ hẳn hòi để tiến quân vào Đất Hứa.
4. Không chắc có ai trong chúng ta từng đi đến Núi Sinai tới đỉnh cao nhất nằm ở phía Nam Cao nguyên Sinai. Ở đây các đỉnh cao bằng đá granite nhọn hoắc nhô ra từ nền sa mạc mọc thẳng lên cao chừng 8.000 feet so với mặt nước biển trung bình.
5. Ngày nay có một tu viện Công giáo và một con đường mòn có tên là "Con đường của Môise" phải mất 3 giờ đồng hồ để trèo lên và kể cả đường nấc thang lên cao gần 4.000 feet.
B. Một địa điểm đặc biệt dành cho chúng ta – Chốn thờ phượng.
1. Giống như Đức Chúa Trời đã đưa dân Israel tới Núi Sinai để họ có thể nghe được tiếng của Ngài, Đức Chúa Trời vẫn cảm động dân sự Ngài hôm nay. Đức Chúa Trời đặt chúng ta vào các địa điểm đặc biệt, ở đó chúng ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện của Ngài.
2. Đức Chúa Trời có thể đưa quí vị tới địa điểm thuộc thể nào đó, một vị trí theo địa lý. Ngài có thể đưa quí vị tới một thành phố mới, một vùng phụ cận mới, một ngôi nhà mới, một sở làm mới, một trường học mới. Hội thánh nầy sẽ là một nơi mà Đức Chúa Trời đã đặt để quí vị. Đức Chúa Trời đưa dẫn chúng ta để khuấy đảo chúng ta, để đặt chúng ta vào một chỗ hầu cho chúng ta có thể kinh nghiệm được Ngài.
3. Chỗ tốt nhất chính là chỗ mà Đức Chúa Trời đã đặt để quí vị. Có còn nhớ Giôna không? Quí vị không muốn trốn khỏi mặt Đức Chúa Trời. Bất cứ đâu Đức Chúa Trời hiện diện, đó là nơi xinh đẹp nhất. Nơi ấy là thiên đàng.
Có thể quí vị đã nghe kể lại câu chuyện nói về một người kia, ông ta đến tham quan một trại chăn nuôi ở lòng chảo Permian phía Tây Texas. Ông ta đang lái xe xuống một con đường với người chủ trại, khi ấy ông ta nhìn thấy một con chim thiệt đẹp bay ngang qua con đường phía trước mặt chiếc xe tải. Ông liền hỏi: "Con chim ấy thuộc giống gì vậy?" Người chủ trại đáp: “Đó là con chim của thiên đàng". Người kia bèn đáp: "Ồ, chắc nó vừa mới từ tổ bay ra".
4. Đức Chúa Trời sẽ không đưa quí vị đến một địa điểm mới về mặt địa lý đâu, mà đến một địa điểm mới trong cuộc sống. Đó có thể là một địa điểm của sự trưởng thành, một nơi hiểu biết sâu sắc hơn, một khuôn viên của trách nhiệm, một chốn đau khổ hoặc thậm chí một nơi rất đau đớn. Nếu Đức Chúa Trời đã đưa quí vị đến chốn nầy, Đức Chúa Trời sẽ dạy dỗ quí vị tại chỗ nầy.
II. Một dân sự đặc biệt (các câu 4-8).
A. Thứ nhứt, dân sự của Đức Chúa Trời là một dân được tự do (câu 4).
1. Trong khi nói tới phương thức Ngài buông tha cho dân Israel được tự do khỏi làm nô lệ trong xứ Ai cập, Đức Chúa Trời sử dụng một hình ảnh rất đẹp đẽ. Ngài phán: "Ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và dẫn các ngươi đến cùng ta thể nào".
2. Chúng ta hãy xem thật kỹ Phục truyền luật lệ ký 32.10-12.
3. Nếu quí vị xem các chương trình thế giới tự nhiên trên vô tuyến truyền hình, quí vị sẽ nhìn thấy một chương trình đặc biệt về sự phát triễn của chim phượng hoàng con. Khi chúng đến độ tuổi trưởng thành chín chắn rồi, chim mẹ sẽ lập tức phá tổ để buộc mấy con chim con phải tập bay. Nó đẩy chúng ra khỏi sự an ninh của cái tổ và khiến cho chúng phải bay đi. Nếu chúng bị rơi xuống, nó sẽ xè cánh ra sớt chúng cho tới khi nào chúng học biết cách sử dụng đôi cánh để bay lượn trong bầu không khí rộng mở kia. Chim phượng hoàng không bao giờ muốn ngồi mãi ở trong tổ đâu! Chúng muốn chấp cánh bay cao luôn. Chúng là một biểu tượng của sự tự do mà mắt thường nhìn thấy được.
4. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy Ai cập là một chỗ gây đau khổ cho dân Israel. Dù vậy, nhiều người trong số họ đã xem Ai cập là một cái "tổ" rất yên ủi. Một số người trong chúng ta vẫn còn nắm giữ luôn các di tích của cái tổ đó.
5. Warren Wiersbe cho rằng chim phượng hoàng con minh hoạ cho ba phương diện của sự tự do. Thứ nhứt, Đức Chúa Trời cung ứng cho chúng ta sự tự do tránh khỏi loại đời sống an nhàn xưa cũ của tội lỗi. Thứ hai, Đức Chúa Trời cung ứng cho chúng ta sự tự do trong sinh hoạt. Giống như chim phượng hoàng cất cánh bay cao thật oai vệ, cũng vậy, chúng ta có thể cất cánh bay cao về mặt thuộc linh khi chúng ta trưởng thành trong Đấng Christ. Thứ ba, Đức Chúa Trời cung ứng cho chúng ta sự tự do để chu toàn mục đích của chúng ta trong cuộc sống.
B. Thứ hai, dân sự của Đức Chúa Trời là của cải rất đặc biệt (câu 5).
1. Đức Chúa Trời phán: "Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta".
2. Trong xứ Ai cập, dân Hêbơrơ chỉ là loài súc vật gánh vác nặng nề giống như trâu bò vậy. Họ là thứ nô lệ thấp hèn.
3. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã chọn họ trên hết muôn vật để trở thành "của cải đặc biệt" của Ngài. Ngài không chọn họ vì họ xứng đáng đâu! Ngài đã chọn họ vì cớ tình yêu thương và vì ân điển của Ngài.
4. Chúng ta cũng là hạng nô lệ, hạng nô lệ cho tội lỗi. Cho dù chúng ta không xứng đáng chi hết, Đức Chúa Trời đã chọn lấy chúng ta. Êphêsô 1.4 chép: "trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời".
C. Thứ ba, dân sự của Đức Chúa Trời là một Nước Thầy Tế Lễ (câu 6a).
1. Đức Chúa Trời phán: "Các ngươi sẽ trở thành một nước thầy tế lễ". “Thầy tế lễ” lo làm công việc gì? Họ đứng giữa dân sự và Đức Chúa Trời. Họ đại diện cho Đức Chúa Trời trước mặt dân sự.
2. Đức Chúa Trời phán: "Ta không muốn chỉ có mấy thầy tế lễ đâu! Ta muốn các ngươi hết thảy đều là thầy tế lễ. Ta muốn các ngươi làm thầy tế lễ cho các dân khác trong thế gian. Ta muốn các ngươi đại diện cho ta trước toàn thể nhân loại". Đức Chúa Trời đã dự trù cho Israel phải trở thành một dân đặc biệt, họ sẽ trở thành khâm sai của Ngài trước các dân Ngoại.
3. Mỉa mai thay, thay vì ảnh hưởng trên dân Ngoại đặng thờ phượng Đức Chúa Trời có một và chơn thật, họ đã bị dân Ngoại ảnh hưởng mà thờ lạy các thứ hình tượng cùng các thần giả dối.
4. I Phierơ 2.5 mô tả các tín đồ trong kỹ nguyên của chúng ta là "chức tế lễ thánh". Câu 9 chép: "Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài".
5. Chúng ta là "chức tế lễ thánh" chỉ vì Đấng Christ đã khiến cho chúng ta được nên thánh. Tôi không phải là thầy tế lễ của quí vị. Quí vị không cần thầy tế lễ. Một trong những giáo lý quí báu nhất của chúng ta, ấy là chức tế lễ thánh của người tin Chúa. Kinh Thánh chép Chúa Jêsus là "Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm" của chúng ta và chúng ta không cần một người nào đứng giữa Đức Chúa Trời và chúng ta.
6. Chúng ta có giống như dân Israel và bị thế gian ảnh hưởng hay chúng ta sẽ ảnh hưởng thế gian? Hãy chú ý trong câu nầy thể nào chúng ta đang ảnh hưởng thế gian… qua sự thờ phượng! Chúng ta "rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài".
D. Thứ tư, dân sự của Đức Chúa Trời là một dân thánh (câu 6b).
1. Đức Chúa Trời cũng phán: "Các ngươi sẽ thành một dân tộc thánh cho ta". Điều nầy có nghĩa là họ sẽ phải sống "biệt riêng" thật khác biệt với các dân khác đang sinh sống chung quanh họ.
2. Sáu lần khác nhau trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời phán với dân sự Ngài: "Phải nên thánh vì ta là thánh". I Phierơ 1.15 nói thêm: "…Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình". Thờ phượng không những là đến tại nhà thờ, ca hát, cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh. Thờ phượng là một con đường sự sống!
Nếu quí vị theo đuổi các bộ môn thể thao, quí vị biết rõ phải tốn rất nhiều đôla. Các vận động viên nổi tiếng làm quảng cáo thương mại và xuất hiện trong đủ thứ quảng cáo đó. Trong một số bộ môn thể thao giống như golf và các vận động viên đua xe hơi, họ khoác lấy các nhãn quảng cáo trên thiết bị và trên y phục của họ. Họ đại diện cho các nhà tài trợ kia. Chúng ta đang khoác lấy sự thực về Đức Chúa Trời và chúng ta phải sống để làm khâm sai cho Ngài. Chúng ta cần phải sống làm các tấm quảng cáo cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
E. Thứ năm, dân sự của Đức Chúa Trời là một dân biết vâng phục (các câu 7-8).
1. Trở lại với câu 5. Đức Chúa Trời bảo Môise phải nói với dân sự: "Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta…". Trong câu 6 Ngài phán: "Bấy nhiêu lời đó ngươi sẽ nói lại cùng dân Y-sơ-ra-ên". Trong câu 7, Môise "thuật cùng họ mọi lời Đức Giê-hô-va…".
2. Khi ấy TOÀN BỘ 2 triệu người đã đáp lại: "Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn".
3. Chúng ta biết rằng họ đã không chịu vâng lời. Quí vị nhìn thấy một giọng nói lớn tiếng không nhất thiết là có một tấm lòng ngay thẳng đâu.
III. Một sự chuẩn bị rất đặc biệt (các câu 9-15).
A. Thứ nhứt, chúng ta phải sốt sắng lắng nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời (câu 9).
1. Câu 8 kết luận với "Môi-se bèn thuật lại lời của dân sự cùng Đức Giê-hô-va". Môise không những đi lên trên núi trò chuyện với Đức Chúa Trời một lần đâu! Ông còn đi lên đi xuống tới bảy lần! Hãy nói về một cuộc trao đổi qua lại nhiều lần xem. Ông đã hơn 80 tuổi rồi!
2. Đức Chúa Trời bảo Môise trong câu 9: "Nầy, ta sẽ ở trong đám mây mịt mịt đi đến ngươi; đặng khi nào ta phán cùng ngươi, thì dân sự nghe và tin cậy ngươi luôn luôn". Xin diễn giải: "Ta muốn dân sự nghe theo tiếng ta. Ta muốn họ phải biết nhận thức khi ta phán. Làm vậy sẽ khiến cho họ tin tưởng nơi ngươi, hỡi Môise và ngươi có thể lãnh đạo họ".
3. Khi dân sự Đức Chúa Trời nghe theo tiếng Ngài, họ sẽ biết phục theo Ngài. Khi dân sự Đức Chúa Trời nghe theo tiếng Ngài, họ sẽ chịu theo chức vụ lãnh đạo tin kính. Khi dân sự Đức Chúa Trời từ chối không chịu nghe theo tiếng Ngài, thì đủ thứ rối rắm sẽ nổ ra.
4. Khi quí vị đến đặng thờ phượng, có phải quí vị sốt sắng nghe theo tiếng của Ngài không? Tôi không hỏi quí vị có sốt sắng nghe nhạc, nghe theo sự dạy dỗ, hay nghe theo những câu nói về mối tương giao đâu! Tôi hỏi, có phải quí vị sốt sắng nghe lời của Đức Chúa Trời hay không?
5. Chúa Jêsus phán trong Giăng 10.27: "Chiên ta nghe tiếng ta, ta biết nó, và nó theo ta".
6. Có một số người không chịu nghe theo tiếng của Đức Chúa Trời vì tiếng ấy quá lớn. Đức Chúa Trời phán cùng chúng ta trong tấm lòng của chúng ta.
7. Có một số người không chịu nghe theo tiếng của Đức Chúa Trời vì họ quá bận nói chuyện! Họ quá bận rộn khi nói với Đức Chúa Trời mọi điều họ cần thay vì lắng nghe Đức Chúa Trời mong muốn điều gì!?!
B. Thứ hai, Chúng ta phải sửa soạn tấm lòng của chúng ta (các câu 10-15).
1. Trong câu 10, Đức Chúa Trời phán: "Hãy đi đến cùng dân sự, khiến dân giữ mình thánh sạch ngày nay và ngày mai, cùng phải giặt áo xống mình". “Khiến dân giữ mình thánh sạch” có nghĩa gì? Cách nói nầy ra từ một chữ Hy bá lai có nghĩa là "cung hiến, thánh hoá, sửa soạn, làm cho sạch". Tôi nghĩ Đức Chúa Trời đang phán: "Hãy khiến cho dân ta biết sẵn sàng".
2. Đức Chúa Trời cũng bảo họ phải "giặt áo xống mình". Dân Hêbơrơ xem xà bông cùng đồ lót là quá xa xỉ. Tắm gội và thay áo quần thường đánh dấu một sự khởi đầu mới trong Kinh Thánh. Áo quần sạch sẽ tiêu biểu cho một tấm lòng thanh sạch.
3. Để phù hợp với nguyên tắc chối bỏ xác thịt và tập trung vào sự cầu nguyện, Môise đã khuyên họ phải kiêng cử các sinh hoạt xác thịt (câu 15, đối chiếu I Côrinhtô 7.5).
4. Quí vị làm gì khi sửa soạn gặp gỡ Đức Chúa Trời Toàn Năng trong khi thờ phượng? Có phải quí vị đã cầu nguyện về buổi thờ phượng nầy? Có phải quí vị đã xưng tội rồi? Có phải quí vị đã làm trống lòng mình không còn cay đắng, giận dữ, ghen ghét, tư dục và kiêu ngạo không?
C. Thứ ba, chúng ta phải kính trọng sự hiện diện của Đức Chúa Trời (các câu 12-13).
1. Đức Chúa Trời bảo Môise trong câu 12 phải "phân định giới hạn cho dân sự" và cảnh cáo họ đừng "leo lên núi, hoặc đụng đến chân". Đức Chúa Trời phán: "hễ kẻ nào đụng đến thì phải xử tử".
2. Trong câu 21 Đức Chúa Trời bảo Môise phải trở lên núi để đưa ra lời cảnh báo khác cho dân sự. Họ không được cố ý nhìn thẳng qua lớp sương mù mà "nhìn xem Chúa" hay "nhiều người trong bọn" "phải chết".
3. Trên hết mọi sự, cần phải có một sự tôn kính rất lớn dành cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Quí vị có biết sự hiện diện của Đức Chúa Trời đang ở với chúng ta ngày nay không? Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 18.20: "Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ".
4. Chúng ta thường bước vào sự thờ phượng Đức Chúa Trời với một sự dửng dưng tự nhiên! Chúng ta thường có sự khiếm nhã như thế trước những gì Đức Chúa Trời xem trọng!
IV. Một sự hiện diện đặc biệt (các câu 16-25).
A. Israel đã kinh nghiệm quyền phép của Đức Chúa Trời trong sự hiện diện của Ngài.
1. Qua sáng ngày "thứ ba" thì có "có sấm vang chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt ở trên núi, và tiếng kèn thổi rất vang động”. Cũng có một tiếng "kèn" thổi rất vang động. Ai nấy đều "run hãi".
2. Dân sự dừng lại tại "chân núi". Sinai khắp nơi "đều ra khói". Đức Chúa Trời giáng lâm "ở trong lửa". Khói nầy "khác nào khói của lò lửa lớn" và "cả hòn núi đều rung động cách kịch liệt".
3. Câu 19 chép: "Môise nói, Đức Chúa Trời đáp tiếng lại". Khi ấy Đức Chúa Trời ban cho họ luật pháp ở trong chương 20. Hãy cùng đọc với tôi 20.18-20.
4. Họ đã nhìn thấy Đức Chúa Trời làm nhiều việc, nhưng họ chưa hề kinh nghiệm sự hiện diện oai nghi của Ngài giống như vầy!
B. Chúng ta kinh nghiệm quyền phép và sự hiện diện của Ngài trong sự thờ phượng.
1. Hôm nay, sự hiện diện của Đức Chúa Trời không phải ở trên một hòn núi, mà là ở bên trong chúng ta. I Côrinhtô 6.19 chép: "Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em". Đặc biệt Ngài đang ở cùng chúng ta trong sự thờ phượng!
2. Ở đó, trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời ngọn núi đã rúng động và dân sự cũng thế. Thờ phượng không những chỉ có ca hát hay cầu nguyện, thờ phượng là bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Họ không nói: "Tại sao chúng ta hát các bài ca kia tại trên núi? Đâu là bài ca mà Miriam và chiếc trống cơm đã hát tại buổi thờ phượng bên Biển Đỏ?" Họ không nói: "Sao Môise lại lãnh đạo buổi thờ phượng? Chúng ta giống với Arôn nhiều hơn". Họ không nói: "Khói và sự kín nhiệm là quá hình thức. Chúng ta thích buổi thờ phượng thật tự nhiên". Không. Họ nói, chẳng một việc nào trong các việc ấy vì khi chúng ta thực sự gặp gỡ Đức Chúa Trời thì mọi việc ấy chẳng còn là vấn đề chi nữa hết!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét