Hêbơrơ 2.1-4
BỎ NEO CHƯA?
Hãy tưởng tượng việc câu cá của quí vị xem. Quí vị đã lái chiếc thuyền máy đi câu vào một con lạch gần bờ biển California. Quí vị tìm một địa điểm tốt, rồi bỏ neo xuống. Nhưng khi quí vị câu cá, các ngọn gió và sóng lớn xô đẩy đã nhấc chiếc neo lên khỏi đáy biển. Khi quí vị tập trung vào việc câu cá, chiếc thuyền của quí vị khởi sự trôi về hướng các vầng đá trên bờ biển. Trong lúc câu, thình lình quí vị ngước mắt nhìn lên và khám phá ra mình đã trôi đi hàng mấy trăm thước cách chỗ thả neo và quí vị đang ở gần với tai hoạ thuyền đang lao vào mấy vầng đá kia. Sự việc nầy đã xảy ra cho Mục sư R. Kent Hughes. [R. Kent Hughes, Preaching the Word, Hebrews Volume 1, (Crossway Books, Good News Publishers, Wheaton, Illinois, 1993) p. 48].
Vậy thì đâu là vấn đề? Mục sư Hughes đã tưởng rằng ông đã bỏ neo rồi, nhưng đã chễnh mãng không chú ý. Ông không tìm cách cho trôi thuyền. Ông không ra sức hướng thuyền về mấy rặng đá kia. Ông không tìm cách rời khỏi chỗ mà ông tưởng mình đã bỏ neo. Sóng lớn và gió hầu như đã làm hết cho ông mọi việc đó.
Chúng ta là những Cơ đốc nhân, hay chúng ta nghĩ chúng ta là Cơ đốc nhân đều có một vấn đề tương tự. Chúng ta nghĩ chúng ta biết Đấng Christ là Cứu Chúa của chúng ta. Chúng ta có lẽ thật của Cơ đốc giáo cùng mọi sự mà Cơ đốc giáo cung cấp. Chúng ta thấy mình đã bỏ neo rồi. Nhưng chúng ta không thực hành Cơ đốc giáo của chúng ta theo cách mà chúng ta đáng phải thực hành. Chúng ta không hoạt động trong mối quan hệ của chúng ta với Đấng Christ. Chúng ta khởi sự trôi giạt đi, và chúng ta thường không nhận biết như thế, cho tới khi những cơn gió giật cùng các lượn sóng lớn đưa chúng ta hướng về tai hoạ riêng. Chúng ta mới hoảng hốt và thấy rằng chúng ta đã trôi giạt xa khỏi Chúa. Chúng ta không có sự gần gũi với Ngài như chúng ta từng có trước đây.
Khi chúng ta tiếp tục phần nghiên cứu sách Hêbơrơ sáng nay, chúng ta thấy lời cảnh cáo đầu tiên trong năm lời cảnh cáo mà tác giả thơ Hêbơrơ đã cung ứng cho chúng ta. Ông dạy chúng ta về tính siêu việt của Đấng Christ trong chương 1. Đấng Christ là sứ giả tốt hơn với sứ điệp tốt hơn, Ngài có chức vụ tốt hơn ở bên tay hữu của Đức Chúa Trời, và Ngài tốt hơn các thiên sứ.
Tác giả thơ Hêbơrơ thình lình thôi không giảng trong một phút để ứng dụng vào đời sống chúng ta những gì ông mới vừa nói. Giống như ông đang nói trong Hêbơrơ 2.1-4: “Quí vị nói rằng quí vị đã bỏ neo rồi trong sự cứu rỗi. Tốt hơn là quí vị phải biết chắc hơn là đã bỏ neo nữa”. Trong mấy câu nầy, tôi thấy:
MỘT SỰ THÁCH THỨC
MỘT LỜI CẢNH CÁO
MỘT SỰ TRUYỀN ĐẠT
MỘT SỰ KHẲNG ĐỊNH
MỘT SỰ THÁCH THỨC
Hêbơrơ 2.1 – “Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng”.
Có lẽ quí vị biết ngay lúc nầy khi quí vị nhìn thấy từ ngữ “vậy nên” quí vị cần phải biết “phải làm gì!” trong chỗ ‘vậy nên’ đó.
Trong chương 1 Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã phán với chúng ta qua Con của Ngài.
Con Ngài là kẻ kế tự muôn vật.
Con Ngài dựng nên thế gian.
Con Ngài là sự chói sáng của sự vinh hiển, và là hình bóng của bổn thể Ngài,
Con Ngài …lấy lời có quyền phép nâng đỡ muôn vật, Con Ngài …làm xong sự sạch tội,
Con Ngài …ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao;
Con Ngài tốt hơn hàng thiên sứ.
Con Ngài một ngày kia cai trị trong sự công bình.
Con Ngài đã dựng nền đất; và các từng trời cũng là công việc của tay Chúa (câu 10)
Con Ngài sống đời đời và vì lẽ đó có thể ban cho chúng ta sự sống đời đời.
Con Ngài, là Con mà Đức Chúa Cha đã phán:…Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng nào ta để kẻ thù nghịch làm bệ dưới chơn ngươi?
Vì hết thảy mọi điều nầy là sự thực nơi Đức Chúa Con, chúng ta bị thách thức …“Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe”.
Càng phải giữ vững lấy điều mình đã nghe có nghĩa là phải “Chú Ý” cho thật kỹ càng.
Khi quí vị nói chuyện với ai đó và tâm trí của họ chú vào một việc khác như bóng đá hay vở nhạc kịch lãng mạn, quí vị có thấy thú vị không?
Khi quí vị cố gắng dạy dỗ con cái mình điều chi đúng sai, thì sự dạy ấy đi từ lỗ tai nầy sang lỗ tai khác, quí vị có thấy thú vị không?
Khi quí vị giải thích cho ai đó cách làm một sự việc và họ lại làm theo cách ngược lại và vì quí vị không chịu lưu ý, điều đó có thú vị không?
Đức Chúa Trời có đẹp lòng với con cái Ngài hay không khi chúng chẳng chịu chú ý đến Ngài là Đấng Toàn Năng chứ?
Ngài bảo chúng ta đừng sợ, nhưng chúng ta có chịu chú ý không?
Ngài bảo chúng ta làm chứng, nhưng chúng ta có chú ý không?
Ngài bảo chúng ta phải chịu báptêm, nhưng chúng ta có chú ý không?
Ngài bảo chúng ta phải đi nhóm đều đặn, nhưng chúng ta có chú ý không?
Ngài bảo chúng ta phải đọc và học thuộc lòng Kinh Thánh, nhưng chúng ta có chú ý không?
Ngài bảo chúng ta phải trông đợi sự tái lâm của Con Ngài, nhưng chúng ta có chú ý không?
Ngài bảo chúng ta phải sống những đời sống tin kính, nhưng chúng ta có chú ý không?
Ngài bảo chúng ta phải đầu phục hết lòng đối với Đấng Christ nếu chúng ta muốn được cứu, nhưng chúng ta có chú ý không?
Điều chi xảy ra nếu chúng ta không chịu chú ý?
“Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng”.
Theo Louis H. Evans Jr., cụm từ “e kẻo trôi lạc chăng” có thể dùng theo nghĩa bóng trong tiếng Hy lạp bằng nhiều cách khác nhau.
“Trôi lạc” có thể giống như hiện tượng bốc hơi. Những vụ việc thuộc về Đức Chúa Trời mà chúng ta không chịu chú ý đến, chúng từ từ bốc hơi ra khỏi đời sống chúng ta.
“Trôi lạc” có thể giống như một chỗ rò rỉ chậm chạp, nhỏ từng giọt, nhỏ từng giọt, nhỏ từng giọt, cho tới chừng không còn chi nữa.
Evans nói: “Lẽ thật nhỏ từng giọt ra khỏi tâm trí có thể là từ từ thiếu kỷ luật, hoặc không phân minh vì hoạt động của lý trí không đủ đối với sự hiểu biết”.
“Trôi lạc” cũng có thể nói tới việc bị lôi cuốn đi, như chúng ta đã nói trong phần mở đầu của bài giảng nầy. Nếu chúng ta không chịu chú ý phải bỏ neo trong Đấng Christ, chúng ta sẽ trôi giạt như một chiếc thuyền không có bỏ neo hay cột neo lại.
[Louis H. Evans Jr., The Communicator’s Commentary Vol. 10, Hebrews, Lloyd G. Ogilvie, General Editor, (Word Books, Waco Texas, 1985), pp. 66-67].
Vậy, đâu là vấn đề?
Không những chúng ta phải tin Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta còn phải chú ý để vâng theo nữa.
Không những chúng ta phải tin rằng nhà truyền đạo đang rao giảng Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta còn phải chú ý để vâng theo nữa.
Không những chúng ta phải tin Chúa Giêxu trong lý trí mình, chúng ta còn phải tương giao từ lòng đến lòng với Ngài bằng cách ở trong Ngài!
Sự thách thức, ấy là phải “chú ý”, e chúng ta để cho những việc mà chúng ta đã nghe “trôi đi” chăng!?!
MỘT SỰ THÁCH THỨC
MỘT LỜI CẢNH CÁO
Hêbơrơ 2.2 – “Vì nên lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi”.
Ở một phương thức nào đó, hàng thiên sứ dính dáng vào việc ban bố luật pháp trên Núi Sinai. Họ dính dáng vào việc ban bố Mười Điều Răn cùng các điều răn khác nữa.
Galati 3.19 – “Vậy thì làm sao có luật pháp? luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm phép, cho tới chừng nào người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho; luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo”.
Công Vụ các Sứ Đồ 7.53 – “các ngươi đã nhận luật pháp truyền bởi các thiên sứ, nhưng không giữ lấy!...”
Bây giờ, theo Hêbơrơ 2.2 lời nầy được truyền đạt qua hàng thiên sứ là chắc chắn.
Ngôi Lời là sau cùng hết! Ngôi Lời được xem như luật pháp!
Và khi Luật pháp sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi.
Nếu một người ăn cắp, người ấy sẽ bị hình phạt.
Nếu ai đó giết người, người ấy sẽ bị trừng phạt.
Nếu một người phạm thượng chống nghịch Đức Chúa Trời, người ấy sẽ bị trừng phạt.
Và thường thì trong trường hợp phạm thượng và giết người, tội ấy sẽ bị trừng phạt bằng sự chết!
Giờ đây nếu lời được truyền đạt bởi các thiên sứ đến từ Đức Chúa Trời là quan trọng đến nỗi sự phán xét không nhân nhượng sẽ được bày ra cho kẻ vi phạm, tác giả thơ Hêbơrơ tiếp tục nói trong câu 3: “mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được?”
Tôi nhìn thấy chữ quan trọng ở đây là “trễ nải”.
Chúng ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ai đó trễ nải không lo chăm sóc gia đình của họ.
Chúng ta lấy làm buồn rầu khi một sinh viên trễ nải không chịu lo học hành.
Chúng ta bối rối khi người chồng trễ nải với vợ mình, hay người vợ trễ nải với chồng mình.
Chúng ta kinh hoảng khi bố mẹ trễ nải với con cái của họ, hoặc khi con cái trễ nải với bố mẹ chúng.
Thậm chí còn tệ hại hơn nữa khi một người đã nghe giảng Tin lành hết lúc nầy sang lúc khác, rồi chịu tin đó là sự thật, nhưng lại không tự mình đầu phục Đấng Christ làm Cứu Chúa. Từ trễ nải ấy với phụ âm “T” đứng đầu.
Và những ai trong chúng ta đã được sanh lại, chúng ta tỏ ra trễ nải đối với Lời Đức Chúa Trời nhiều như thế nào?
Và chúng ta tỏ ra trễ nải không hết lòng, hết linh hồn và hết ý mà kính mến Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta nhiều như thế nào?
Và chúng ta tỏ ra trễ nải không cầu nguyện nhiều như thế nào?
Và chúng ta tỏ ra trễ nải trong việc làm theo những điều chúng ta biết Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải làm nhiều như thế nào?
Và chúng ta tỏ ra trễ nải không ở trong Đấng Christ nhiều như thế nào?
Và chúng ta tỏ ra trễ nải không tỏ ra mình được đầy dẫy Đức Thánh Linh nhiều như thế nào?
Và chúng ta tỏ ra trễ nải không tỏ ra mối tương giao với dân sự Đức Chúa Trời nhiều như thế nào?
Và chúng ta tỏ ra trễ nải không muốn học thuộc lòng và suy gẫm Kinh Thánh nhiều như thế nào?
Và chúng ta tỏ ra trễ nải đối với việc làm theo những câu Kinh Thánh mà chúng ta đã học thuộc lòng nhiều như thế nào?
Tác giả thơ Hêbơrơ hỏi: “mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được?”
Tại sao lại là sự cứu rỗi lớn chứ?
Sự cứu rỗi là lớn là vì tình yêu cao sâu của Đức Chúa Trời.
Giăng 3.16 – “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.
Sự cứu rỗi là lớn vì cái giá mà Chúa Giêxu đã trả để bảo đảm ơn tha thứ.
II Côrinhtô 5.21 – “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời”.
Sự cứu rỗi là lớn vì sự sống lại của Chúa Giêxu ra khỏi kẻ chết bảo đảm sự sống lại của chúng ta từ kẻ chết.
I Côrinhtô 15.20 – “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ”.
Sự cứu rỗi là lớn vì sự thay đổi mà ơn ấy đem lại trong đời sống của các tín đồ thật.
II Côrinhtô 5.17 – “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới”.
Có nhiều phương thức khác cho thấy sự cứu rỗi là lớn, nhưng đây là một số phương thức trong số đó. Và chúng ta sẽ không thoát khỏi nếu chúng ta trễ nải chúng.
Nếu chúng ta đã nghe giảng Tin lành, nhưng chưa hề tỏ ra sự đầu phục trong lòng đối với Đấng Christ bởi đức tin, quí vị sẽ không thoát khỏi đâu.
Giăng 3.18 – “Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời”.
Khải huyền 20.15 – “Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa”.
Nếu quí vị đã được “sanh lại’ và đã bị trôi lạc xa khỏi Đấng Christ, đừng làm theo những gì quí vị đã làm nữa, quí vị sẽ không thoát khỏi đâu.
II Côrinhtô 5.10-11a – “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt. Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin”.
Từng Cơ đốc nhân phải đứng trước mặt Chúa mà trình sổ. Khi Chúa ôn lại đời sống chúng ta rồi chỉ ra sự trễ nải mà chúng ta chưa hề ăn năn, tôi không tin là chúng ta sẽ bật khóc. Tôi tin chúng ta sẽ nhảy múa hay kêu khóc. Chúng ta sẽ không bị xét đoán đi Địa Ngục, song chúng ta sẽ lấy làm bối rối và mất đi phần thưởng.
Cảm tạ Chúa, Ngài sẽ có điều chi đó tốt đẹp để nói về từng Cơ đốc nhân.
I Côrinhtô 4.5 – “Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người; bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh”.
Nhưng có một giá cao cần phải trả, hỡi Cơ đốc nhân, vì cớ sự trễ nải.
Chúng ta cần phải cẩn thận vì sự cảnh cáo có ở đây.
Hêbơrơ 2.2-3 – “Vì nên lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy”.
MỘT SỰ THÁCH THỨC
MỘT LỜI CẢNH CÁO
MỘT SỰ TRUYỀN ĐẠT
Hêbơrơ 2.3 - “mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được?”
Ai truyền Tin lành cho con người?
Chính Con Đức Chúa Trời đã lìa mọi vinh hiển trên Thiên đàng đến truyền đạt cho chúng ta.
Chính Con Đức Chúa Trời đã bước đi trên đất nầy dạy dỗ con đường cứu rỗi.
Chính Con Đức Chúa Trời đã bước đi trên đất nầy và dạy chúng ta biết phương cách sống.
Ngài là Đấng được gọi là “Chúa”.
Ngài là Đấng được gọi là “Thầy”.
Ngài là Đấng đáng được gọi bằng những danh xưng nầy.
Giăng 13.13 – “Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; Các ngươi nói phải, vì ta thật vậy”.
Và các phép lạ của Chúa Giêxu hiển nhiên chứng minh rằng mọi điều Ngài đã phán dạy đều là sự thật. Các phép lạ đã chứng minh Ngài chính là Con của Đức Chúa Trời!
Ngài cũng là Đấng từng phán:
Mác 13.31 – “Trời đất sẽ qua đi, song lời ta không bao giờ qua đâu”.
Luca 6.46 – “Sao các ngươi gọi ta: Chúa, Chúa, mà không làm theo lời ta phán?”
Ồ quí bạn tôi ơi, nếu chính Con Đức Chúa Trời đã truyền cho chúng ta, há chúng ta không lắng nghe, và phấn đấu hết lòng vâng theo sao?
MỘT SỰ THÁCH THỨC
MỘT LỜI CẢNH CÁO
MỘT MỐI TƯƠNG GIAO
MỘT SỰ KHẲNG ĐỊNH
Hêbơrơ 2.3 – “mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? -là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta”.
Không những Chúa Giêxu đã đến và phán dạy, mà còn có những người đã nghe Ngài nữa, họ khẳng định rằng Ngài đã phán dạy họ.
Chúng ta biết những người nầy, họ là các vị Sứ Đồ.
Nhằm ngày Lễ Ngũ Tuần, Phierơ và các vị sứ đồ khác đã dạn dĩ khẳng định sứ điệp nói tới ơn cứu rỗi. Kế đó họ đã đem Tin lành cho thế gian.
Họ cũng viết ra những gì họ đã khẳng định hầu cho chúng ta có các sách Tin lành, các thơ tín, và sách Khải huyền.
Và Đức Chúa Trời có mặt trong quá trình khẳng định đó.
Hêbơrơ 2.4 – “Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó”.
Thật là quan trọng khi thế gian biết rõ mọi điều các vị Sứ đồ làm chứng đều là sự thật. Vì lẽ đó Ngài khẳng định rằng sứ điệp của họ quyết chắc sứ điệp của Chúa Giêxu là sự thật. Ngài khẳng định sứ điệp của họ bằng cách cho phép họ làm ra các dấu kỳ, sự lạ, đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh đã theo ý muốn Ngài mà phát ra nữa.
Các phép lạ nầy không còn cần thiết nữa vì giờ đây chúng ta có quyển Kinh Thánh trọn bộ rồi. Nhưng cho tới khi quyển Kinh Thánh được nên trọn vẹn rồi, Đức Chúa Trời thường khẳng định thẩm quyền lời dạy của các vị Sứ đồ bằng các phép lạ.
Vì vậy, quí vị đã bỏ neo như thế nào rồi?
Quí vị có chịu chú ý đến những việc mà quí vị đã nghe, hay chúng đã bị bỏ qua và quí vị đang lạc trôi?
Có phải quí vị đang giả vờ làm người mà quí vị không thực như thế?
Có phải quí vị đã trễ nải chăng?
Mathiơ 23.28 – “Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi”.
Đây là lúc phải quay trở lại và sửa lại mọi việc với Chúa và hãy khởi sự chú ý?
MỘT SỰ THÁCH THỨC – “Vậy nên, chúng ta phải cùng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng”.
MỘT LỜI CẢNH CÁO – "Vì nên lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được?”
MỘT SỰ TRUYỀN ĐẠT - “là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết”.
MỘT SỰ KHẲNG ĐỊNH – “rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó”.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét