MARY – TÔI TỚ SẴN LÒNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
SỨ ĐIỆP CHO NGÀY MẪU THÂN
Luca 1.26-38
PHẦN GIỚI THIỆU: Không có một biến cố nào trong lịch sử trọng đại cho bằng sự giáng sinh của Đức Chúa Giêxu Christ. Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời theo như Giăng 1.1-4 cho chúng ta biết:
"Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời . Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài. Trong Ngài có sự sống , sự sống là sự sáng của loài người”.
Chúa thành người và bước vào trong thế gian, đây quả là một phương thức thật diệu kỳ. Đức Chúa Trời, Đức Chúa Con, đã đến với trần gian nầy: “do người nữ sanh ra”.
Trong câu 35, thiên sứ Gáp-ri-ên nói với Mary rằng Đức Thánh Linh sẽ ngự trên nàng và quyền phép của Đức Chúa Trời sẽ che phủ nàng, rồi nàng sẽ mang thai một con trai. Sự giáng sanh của Đấng Christ là một phép lạ trên từng phương diện. Một nữ tôi tớ người Do thái, là một nữ đồng trinh sẽ chịu thai bởi quyền phép của Đức Chúa Trời và sẽ sanh một trai.
Có nhiều phương diện trong sự ra đời lạ lùng của Đấng Christ, chúng ta có thể xét xem, nhưng tôi muốn nhận xem Mary là ai, là tớ gái được Đức Chúa Trời chọn để làm mẹ theo đời nầy của Đức Chúa Giêxu Christ.
I. MARY LÀ AI?
A. Tên Mary là một cái tên rất phổ thông trong các thời kỳ Tân ước. Có 7 Mary khác nhau đã được nhắc tới trong Tân ước.
B. Kinh thánh nhắc tới nàng như một thiếu nữ mộc mạc tin kính, là người đã hứa gã cho một tay thợ mộc rất ngoan đạo có tên là Joseph.
1. Tôi nghĩ nàng là một thiếu nữ rất bình thường trong nhiều phương diện. Theo Kinh thánh, chúng ta có thể nói nàng chẳng có gì trỗi hơn bất kỳ một thiếu nữ hay phụ nữ nào khác đang sống trong thời đó hay hôm nay.
2. Cái điều tạo ra sự khác biệt trong đời sống của nàng chính là thái độ của nàng đối với Đức Chúa Trời. Đức tính tạo ra sự sẵn sàng của nàng cho Đức Chúa Trời đại dụng chính là sự nàng biết đầu phục Ngài.
3. Minh chứng cho điều nầy: ấy là khi nàng đã nghe biết lẽ thật và chương trình của Đức Chúa Trời, ngay lập tức nàng đã chấp nhận lẽ thật đó. Sự đầu phục ấy tỏ ra tấm lòng của nàng.
C. Mary đã chịu nhiều rối rắm khi mang thai con trẻ mà không có chồng.
1. Đây là một sự khủng hoảng. Nàng đã được hứa gã cho Joseph.
2. Ngoài mặt, nàng rất khó giải thích tình cảnh của mình cho Joseph, bố mẹ, gia đình và bạn hữu của nàng. Đức Chúa Trời đã xen vào trong một giấc chiêm bao rồi bảo ông rằng con trẻ mà Mary đang cưu mang kia là do Đức Thánh Linh.
a. Joseph cũng là một thanh niên rất tin kính và rõ ràng chàng rất mực yêu nàng. Ngay cả trước khi Đức Chúa Trời phán cùng ông trong một giấc chiêm bao qua một thiên sứ.
b. Mathiơ 1.19 chép chàng không muốn cho người mang xấu, mà toan đem để nhẹm. Mathiơ 1.24 chép Joseph đã vâng theo Đức Chúa Trời mà lấy nàng làm vợ.
3. Dưới luật pháp Cựu ước, có con mà chưa cưới, đây là một sự xúc phạm rất lớn.
4. Tuy nhiên, dù cho có mọi sự khó khăn nầy, nàng đã chấp nhận đấy là ý muốn của Đức Chúa Trời, nên cứ tiếp tục nương cậy Ngài.
D. Ngoại trừ việc mang thai Đấng Christ, Mary không phải là nhân vật nổi bật trong Tân ước.
1. Nàng là một người nữ Do thái trung tín, điều nầy có thể nhận ra qua sự nàng và Joseph bền giữ các nghi thức dâng mình tại Đền thờ ở các thời điểm thích ứng, tỉ như sau khi con trẻ ra đời rồi và ở Lễ Vượt Qua.
2. Sau khi Chúa Giêxu giáng sinh rồi, Kinh thánh thuật lại cho chúng ta biết rằng Joseph và Mary đã có nhiều con cái khác nữa, ít nhất là bốn trai và hai gái. Điều nầy cũng chỉ ra nàng cũng là một phụ nữ và là một người mẹ bình thường.
3. Hiển nhiên là Joseph đã qua đời, để lại một goá phụ với một gia đình đông con. Chúng ta không biết ông đã qua đời vào lúc nào, nhưng tôi tin sự thể đã xảy ra sau khi Chúa Giêxu đủ lớn để lao động và chu cấp cho bà. Có thể Chúa Giêxu đã rời khỏi gia đình khi Ngài được 30 tuổi rồi bắt đầu chức vụ công khai, vì mãi cho đến khi ấy các em Ngài đã lớn đủ để lao động và tiếp trợ cho cả gia đình.
E. Một số câu chuyện trong Tân ước không tôn cao Mary và bà đã được giới thiệu như một người mẹ tin kính với các đặc điểm rất con người, như biết chịu khổ, đau đầu và đắc thắng.
1. Tại xứ Cana trong một tiệc cưới, ở đây Chúa Giêxu đã làm ra phép lạ đầu tiên của Ngài, bà đã tỏ ra lo sợ và hãnh diện.
2. Ở phần đầu chức vụ của Chúa Giêxu, bà và những người khác trong gia đình đã tìm cách để đưa Chúa Giêxu trở về nhà, vì họ tưởng rằng Ngài không “tự kềm chế được bản thân”. Dường như bà thực sự không hiểu Ngài là ai và Ngài đến thế gian để làm gì nữa.
F. Mary là một người đáng yêu.
1. Mặc dù, bà dường không hiểu rõ Con Trai của mình, bà đã lên thành Jerusalem khi họ đóng đinh Ngài trên thập tự giá rồi đứng dưới chân thập tự. Chúa Giêxu đã nói với bà và Giăng rồi phó thác họ người nầy cho người kia.
2. Sau sự sống lại, chúng ta thấy lần nhắc tới bà sau cùng trong Kinh thánh khi bà tiếp tục trong sự cầu nguyện (Công vụ các Sứ đồ 1.14) với những người trung tín khác, họ đã trông đợi sự đến của phép báp-têm bởi Đức Thánh Linh và Đức Chúa Trời đang khởi thiết lập Hội thánh địa phương.
3. Kế đó Kinh thánh im lặng và không còn nhắc tới bà nữa.
4. Giáo hội Công giáo La mã đã làm lệch ký ức về bà với những sự dạy giả dối của họ về sự mang thai trong lúc còn trinh trắng của bà bởi bố mẹ của bà, họ coi là bà đã thăng thiên về trời, họ bổ nhiệm bà là nhân vật đồng chuộc tội với Đấng Christ, rằng bà là mẹ của Đức Chúa Trời, rằng bà là một nhân vật hoà giải trên thiên đàng. Mọi sự nầy rõ ràng khiến cho người Công giáo La mã dính dáng vào hệ thống thờ lạy nữ thần trong bốn thế kỷ nối theo sau.
II. SỰ LÀM CHỨNG, SỰ TRUNG TÍN VÀ SỨ ĐIỆP CỦA MARY.
A. Mary có những thiếu sót như nhiều người nam người nữ khác, tuy nhiên nàng là một người nữ tin kính, kính sợ Chúa và sống trung thành với Đức Chúa Trời. Giống như mọi người nam người nữ khác mà Đức Chúa Trời đã đại dụng trong Kinh thánh, Chúa không che giấu tình trạng yếu đuối của họ. Cho nên, những người nam và người nữ nầy đều được Chúa đại dụng. Lý do: ấy là Đức Chúa Trời đang làm việc trong họ, Ngài khiến họ làm ra nhiều việc lớn cho Đức Chúa Trời. Ấy không phải là khả năng của họ, mà là sự họ sẵn lòng cho Đức Chúa Trời sử dụng, để cho Đức Chúa Trời sử dụng.
B. Luca 1.38 chỉ ra tấm lòng của nàng.
"Mary thưa rằng: Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! Đoạn thiên sứ lìa khỏi Mary".
1. Con đường mà Chúa đã đặt cho đời sống nàng quả là một con đường rất khó đi. Nàng phải có một đứa con mà chẳng nhận biết một người đờn ông nào.
2. Rõ ràng là nàng đã hiểu hết mọi điều mà nàng được yêu cầu phải lo làm. Trong câu 34, nàng đáp...."tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?”
3. Tuy vậy, với sự hiểu biết trọn vẹn mọi nổi khó khăn mà nàng phải đối mặt, nàng đã đáp trả: "nguyện ý Chúa được nên".
C. Mary ngay lập tức rời Nazarét đi về phía Nam đến nhà của người bà con Êlisabét gần thành Jerusalem. Êlisabét cũng đã có mang một cách lạ lùng. Bà son sẻ, dù vậy Đức Chúa Trời đã làm ra một phép lạ, rồi giống như Sara, vợ của Ápraham, bà cũng được ban cho một đứa con.
Khi Mary bước vào thấy Êlisabét, con của bà là Giăng Báp-tít, đã nhảy mừng trong lòng bà. Bà được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bèn nói:
"Ngươi có phước trong đám đờn bà, thai trong lòng ngươi cũng được phước. Nhơn đâu ta được sự vẻ vang nầy, là mẹ Chúa đến thăm ta? Bởi vì tai ta mới nghe tiếng ngươi chào, thì con nhỏ ở trong lòng ta liền nhảy mừng. Phước cho người đã tin, vì lời Chúa truyền cho sẽ được ứng nghiệm” (Luca 1.42-45).
D. Lời đáp của Mary được thấy ở Luca 1.46-55
"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi, vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước; Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh, và Ngài thương xót kẻ kính sợ Ngài từ đời nầy sang đời kia. Ngài đã dùng cánh tay mình để tỏ ra quyền phép; và phá tan mưu của kẻ kiêu ngạo toan trong lòng. Ngài đã cách người có quyền khỏi ngôi họ. Và nhắc kẻ khiêm nhượng lên. Ngài đã làm cho kẻ đói được đầy thức ngon. Và đuổi kẻ giàu về tay không. Ngài đã vùa giúp Israel, tôi tớ Ngài, và nhớ lại sự thương xót mình. Đối với Ápraham cùng con cháu người luôn luôn, như Ngài đã phán cùng tổ phụ chúng ta vậy".
III. MARY LÀ TÔI TỚ TRUNG TÍN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
A. Tại sao Đức Chúa Trời dám sử dụng nàng? Vì nàng đã đem lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Êlisabét đã nhìn thấy và đã công nhận đức tin của Mary đặt nơi Đức Chúa Trời.
B. Không một người nam người nữ nào có thể được Đức Chúa Trời cứu hay đại dụng mà chẳng có lòng tin cậy Ngài.
1. Đức tin chơn thật sẽ tự nó bày tỏ ra bằng hành động.
2. Một tín đồ thật sẽ vâng theo Đức Chúa Trời và vâng theo ý chỉ Ngài dành cho đời sống của họ.
3. Thường thì Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta lo làm những việc thật là khó. Ngài kêu gọi những người biết tin cậy, biết kính sợ Chúa và có lòng mong muốn được hầu việc Ngài.
4. Ngài chỉ chọn người trung tín, hạng người có lòng tin cậy. Trong thí dụ ở Mathiơ 22.1, Chúa Giêxu đã dùng một thí dụ để minh họa vấn đề nầy. Ngài phán vị vua kia sai tôi tớ mời khách đến dự tiệc cưới của ông. Một số thực khách xem nhẹ lời mời của nhà vua, một số bất chấp lời mời đó mà đi đường họ, một số thì đối xử tệ bạc với các tôi tớ của nhà vua và giết một số người trong hàng tôi tớ ấy. Nhà vua lại sai tôi tớ mình một lần nữa, và họ đã đưa nhiều người đến, cả tốt lẫn xấu. Có một thực khách đến mà không mặc áo lễ cho đám cưới, điều nầy làm sỉ nhục nhà vua, và vua đã đuổi hắn ra ngoài.
Khi ấy Chúa Giêxu mới đưa ra mục đích của thí dụ: Mathiơ 22.14: "Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn”.
Nhiều người có ít thì giờ dành cho Chúa. Một số khác thì dửng dưng và một số khác thẳng thừng chống đối Ngài. Có người làm sai lệch lẽ thật của Đức Chúa Trời rồi đặt lòng tin của họ vào những sự dạy giả dối. Mary đã sống trong thời buổi khi thầy tế lễ thượng phẩm, các trưởng lão, các thầy thông giáo, người Pharisi và tôn giáo của họ cai quản đời sống của người Do thái. Thuộc về họ là một tôn giáo giả dối, không dựa theo lời của Đức Chúa Trời hay dựa theo chân lý. Chúa Giêxu đã dạy cho họ biết lẽ thật, nhưng họ lại chối bỏ Ngài, chối bỏ lẽ thật của Đức Chúa Trời rồi tìm cách giết Ngài. Chắc chắn họ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Hết thảy họ đều là hạng người vô tín. Còn Mary đã sống giữa vòng một số ít người chịu tin theo lẽ thật và chối bỏ tôn giáo giả của các cấp lãnh đạo người Do thái. Đức Chúa Trời không thể sử dụng, Ngài cũng không kêu gọi những ai không chịu nhận lãnh Lời của Ngài. Vì nàng đã tin Đức Chúa Trời đã ban cho nàng một lời kêu gọi đặc biệt.
C. Mỗi người phụ nữ và người mẹ ở đây đều có một sự kêu gọi đặc biệt đến từ Đức Chúa Trời để sống theo một đời sống trung tín tin kính. Đức Chúa Trời có một ý chỉ và chức vụ dành cho mỗi một người mẹ ở đây.
1. Ý chỉ của Đức Chúa Trời dành cho người làm Mẹ và làm vợ đều là một ý chỉ rất khó.
2. Những người làm mẹ hầu việc Chúa cách trung tín và hiếm khi được nhắc tới.
Có khi một người vợ được nhắc tới và được công nhận, nhưng mẹ của một người hiếm khi được như thế.
MINH HOẠ: Hết thảy chúng ta đều biết Abraham Lincoln. Quí vị có biết ai là mẹ của ông không? Tổng thống Lincoln đã nói: "Mọi sự mà tôi từng mong mỏi, ấy là tôi muốn có một người mẹ giống như thiên sứ vậy” (1809-1865). Ít có ai biết được tên của bà. Lincoln là một nếu không muốn nói là vị Tổng Thống lỗi lạc nhất mà chúng ta từng có, ông nói: "Tôi nhớ tới những lời cầu nguyện của mẹ tôi và chúng luôn luôn đi theo tôi. Chúng cứ bám theo tôi trọn đời sống tôi”.
"Tôi mắc nợ mẹ tôi nhiều thứ lắm. Tôi gắn sự thành công của tôi trong cuộc đời cho sự dạy dỗ của bà về đạo đức, về lý trí, về đời nầy mà tôi đã nhận lãnh từ nơi bà" (Tổng Thống George Washington, 1732-1799). Những người mẹ nầy sống rất trung tín với Đức Chúa Trời của họ, họ được ban cho đặc ân và và trách nhiệm. Những người con của họ đều là hạng người cao trọng vì họ có một người mẹ kỳ diệu và xuất sắc.
3. Giống như Mary, họ hiểu rõ phần việc mà Đức Chúa Trời chỉ định và họ đã đáp: “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” Từ ngữ "tôi tớ" là từ được sử dụng để nói tới một nữ nô lệ. Mary nói dù ở hoàn cảnh, nỗi khó, giá phải trả có như thế nào đối với nàng....nàng mong muốn ý chỉ của Đức Chúa Trời vẫn được nên trên đời sống của nàng.
4. Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã làm cho Mary ra đặc biệt. Chính ý chỉ của Đức Chúa Trời dành nàng và sự nàng biết thuận phục đối với ý chỉ ấy đã làm cho vai trò của nàng nổi bật lên trong chương trình của Đức Chúa Trời, khiến cho nàng trở thành một người nữ kỳ diệu và là một con cái của Đức Chúa Trời. Nàng chẳng có gì khác biệt so với bất kỳ một người nữ nào khác. Nàng có những nỗi yếu đuối của mình, dù vậy nàng đã vâng theo Đức Chúa Trời.
MINH HOẠ: Ký ức xa xưa nhứt về mẹ tôi có quan hệ tới việc bà đưa chúng tôi đến nhà thờ vào mỗi ngày Chúa nhật. Bố tôi đã không đi nhóm từ khi tôi còn nhỏ, nhưng mẹ tôi đã đi nhóm vào mỗi ngày Chúa nhật. Chúng tôi hiếm khi bỏ qua một ngày Chúa nhật nào mà không đi nhóm. Mẹ tôi không lái xe, nhưng bà biết chắc là Bố sẽ thức dậy, hết thảy 5 đứa con chúng tôi đều ăn mặc sẵn sàng đi nhà thờ. Áo quần chúng tôi luôn luôn sạch sẽ, chúng tôi luôn luôn có một bữa ăn sáng ngon lành trước khi đi nhà thờ. Quí vị thấy đấy, bà gánh lấy trách nhiệm làm một người mẹ tận trong đáy lòng của bà.
Sẽ chỉ có một Mary mà thôi, bà là mẹ của Chúa Giêxu theo đời nầy, nhưng Chúa có nhiều bà mẹ khác nữa.
Có một nan đề ngày hôm nay với nhiều bà mẹ. Họ quá bận rộn và thường quá ích kỷ đặt mọi ham muốn và nhu cần riêng của mình lên trên mong muốn và nhu cần của Đức Chúa Trời và của gia đình họ. Họ có nhiều phương án và sự ham thích, và đấy là những thứ đang tác động họ. Có nhiều người không đặt Đức Chúa Trời ở trên hết. Một người mẹ không thể đặt Đức Chúa Trời ở đầu hết trong đời sống của mình...nếu bà không đặt gia đình mình lên trên hết.
Chúng ta suy nghĩ đến các bà mẹ trong vai trò của họ đối cùng con cái họ, nhưng còn có một người cha, một người chồng nếu một người nữ sắp trở thành một bà mẹ. Một người vợ nào không phải là một “người giúp đỡ” cho chồng của mình có lẽ sẽ không phải là một bà mẹ tốt đối cùng con cái của bà. Nếu người cha và người mẹ luôn sống trong sự xung khắc với nhau, con cái và gia đình sẽ gánh chịu nhiều đau khổ.....và đáng buồn thay ý chỉ của Đức Chúa Trời sẽ không thể hoàn thành được.
Làm một bà mẹ và là người vợ tin kính không phải là việc đến một cách máy móc đâu. Có hai mặt cho vấn đề nầy:
Thứ nhứt, người nữ phải biết đầu phục đối với Chúa và với ý muốn của Ngài trong đời sống của mình. Bà phải biết tin cậy và kính sợ Chúa.
Thứ hai, bà phải học biết để trở thành một con cái tin kính của Đức Chúa Trời với quyển Kinh thánh mở ra và trong sự cầu nguyện tìm kiếm sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời trong đời sống mình và cho gia đình mình.
Quí vị không thể tách những điều nầy ra nhiều phần khác nhau, đối với một người mà Đức Chúa Trời đã dự trù cho họ phải trở thành một người làm mẹ. Người nầy phải được trợ giúp bởi người kia.
PHẦN KẾT LUẬN:
1. Thắc mắc cho mỗi một người chúng ta là như nhau. Chúng ta có thực sự tin Đức Chúa Trời và chấp nhận Lời của Ngài không?
2. Chỉ có người tin Chúa mới được cứu và chỉ có người tin Chúa mới được Chúa sử dụng.
3. Đức tin chơn thật phải được thử nghiệm. Nếu điều nầy là thật, nó sẽ tạo ra nhiều kết quả trong đời sống chúng ta. Đức tin chơn thật sẽ trở thành một đức tin biết đầu phục sẵn lòng tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đời sống của một người.
4. Quí vị có muốn ơn phước của Đức Chúa Trời đổ vào đời sống của quí vị không? Thắc mắc dành cho người nam, người nữ, trai hay gái đều như nhau. Quí vị có thực sự tin theo Chúa và để cho Ngài sử dụng quí vị không?
5. Đấy có phải là ước ao thật của quí vị không?
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét