Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Khải huyền 2:12-17: "HỘI THÁNH KẾT THÂN VỚI THẾ GIAN"



Khải huyền 2:12-17
HỘI THÁNH KẾT THÂN VỚI THẾ GIAN
Phần giới thiệu: Thành phố Bẹt-găm là thủ phủ của Tiểu Á. Nó nổi tiếng vì thế lực chính trị, thành tựu của trí tuệ và sự nó thờ lạy theo tà giáo. Đây là một thành phố giàu có được ban cho nhiều xa hoa và sự sang trọng. Có hai đặc điểm khiến cho Bẹt-găm đứng vững chãi trong thời của nó.
Thứ nhứt, có một thư viện gồm 200.000 quyển sách ở đó. Nói như thế thì chẳng có nhiều sách vở bằng chúng ta, song khi chúng ta xem xét từng trang của từng quyển sách đã được viết bằng tay trên những cuộn giấy da, đây hoàn toàn là một sự thành tựu. Đồng thời, Bẹt-găm là địa điểm mà loại giấy viết trên da được phát minh. Loại giấy da nầy là loại vật liệu dùng để viết đã phát triển từ các loại da của thú vật và cứng cáp hơn loại giấy cói, là thứ được chế tạo từ cây sậy.
Đặc điểm thứ hai đánh dấu Bẹt-găm cổ xưa đó là những chùa miễu tà giáo của nó. Có một đền thờ trong thành Bẹt-găm dành cho Aesculapeus, thần chữa lành và y khoa. Đền thờ nầy đầy dẫy với các loại rắn và khi một người cần sự chữa lành, họ sẽ vào trong đền thờ ấy, nằm xuống trên sàn nhà rồi qua đêm ở đó. Nếu một con rắn bò quang qua họ trong suốt thời gian họ ở lại đó, họ tự xem mình đã được lành rồi. Có ba đền thờ ở Bẹt-găm được hiến cho sự thờ lạy hoàng đế. Như tôi đã nói rồi, mỗi năm một lần, từng công dân Lamã bị buộc phải vào một trong mấy đền thờ nầy, dâng một cây hương trên bàn thờ rồi nói “Ceasar là thần”. Tất nhiên, những Cơ đốc nhân đã từ chối không chịu làm như vậy nên một cơn bắt bớ rất khốc liệt đã phát sinh. Trên ngọn đồi ở ngoài thành phố là một bàn thờ rất lớn được hiến cho thần Zeus, là thần tối cao của các thần. Bàn thờ nầy có một trăm feet vuông và cao bốn mươi feet.
Chính với hội chúng Cơ đốc trong thành phố nầy mà Chúa Jêsus đã viết thư tín nầy. Họ là một Hội Thánh đang rất cần có một lời từ nơi Chúa. Vì thế, khi Chúa Jêsus đến với họ, Ngài đến như Đấng có “thanh gươn nhọn hai lưỡi”. Gươm hai lưỡi là một hình ảnh rất rõ nét nói tới Lời của Đức Chúa Trời, Êphêsô 6:12; Hêbơrơ 4:12. Chúa Jêsus đến với họ công bố rằng Ngài là một lời từ Đức Chúa Trời dành cho họ.
Khi chúng ta nghiên cứu mấy câu nầy, chúng ta sẽ khám phá ra rằng Hội Thánh nầy rất thanh sạch về lẽ đạo; nhưng họ đã lao vào sự thỏa hiệp. Chúa Jêsus đến để kêu gọi họ trở lại với đường ngay lối thẳng. Trong mấy câu nầy, có một lời cho tấm lòng của chúng ta ngày nay. Luôn luôn có mối nguy hiểm mà chúng ta cũng bị cuốn vào trọng tâm. Có sự nguy hiểm khi chúng ta cứ nắm lấy đạo thật, nhưng vẫn rơi vào sự thỏa hiệp với thế gian ở xung quanh chúng ta.
Cho phép tôi nhắc cho bạn nhớ rằng các thư tín nầy có thể được xem xét theo ba phương thức khác nhau. Về mặt thực tế – Đây là những bức thư rất thực cho các Hội Thánh thực trong một thế giới thực. Về mặt tiên tri – Các thư tín nầy phác họa Hội Thánh trong các kỷ nguyên khác nhau của lịch sử. Hội Thánh đặc biệt nầy tiêu biểu cho Hội Thánh như nó đã tồn tại trong suốt những năm 313 – 590SC, khi Hội Thánh kết thân với thế gian. Về mặt cá nhân – Có một lời ở đây dành cho Hội Thánh chúng ta và cho những cá nhân trong Hội Thánh chúng ta ngày nay.
Với những tư tưởng nầy trong trí, chúng ta hãy hướng sự chú ý của mình vào lời của Chúa cho Hội Thánh ở thành Bẹt-găm. Chúa Jêsus đến với họ bằng một lời đến từ Đức Chúa Trời. Hãy chú ý các loại lời lẽ Ngài phán dạy khi tôi rao giảng với đề tài: Hội Thánh Kết Thân Với Thế Gian.
I. LỜI PHÁN XÉT (câu 13)
(Minh họa: “Ta biết nơi ngươi ở” – Chúa Jêsus vốn biết rõ mọi sự về Hội Thánh nầy, nơi nó ở, làm gì và đang đối diện với điều gì. Ngài biết họ rất mật thiết. Chúng ta cần phải nhớ rằng Ngài cũng biết Hội Thánh nầy rất mật thiết. Ngài biết mọi sự ở đó, biết rõ về họ và Ngài bắt đầu bằng cách ban cho họ những lời lẽ nói tới sự phán xét).
A. Ngài biết rõ hoàn cảnh của họ – “nơi ngươi ở; đó là ngôi của quỉ Sa-tan” – Hội Thánh nầy đã sinh hoạt ngay giữa thành phố mà Satan đã chọn là trung tâm đầu não của hắn ở trên đất. Bất chấp một số người nghĩ gì, một số nhà truyền đạo đang rao giảng và một số bài hát nói, Satan giờ đây hiện không ở, hắn cũng không từng sống trong địa ngục. Hắn gây kinh khiếp cho địa điểm ấy hơn bất kỳ một kẻ nào bị hư mất từng sợ hãi. Khi hắn bị đưa đến địa ngục, nơi ấy sẽ là số phận đời đời của hắn, và hắn biết rõ như thế, Khải huyền 20:10.
Trong thời của chúng ta, Satan được tự do và hắn đang sinh hoạt như “chúa đời nầy”, II Côrinhtô 4:4; và như “vua cầm quyền chốn không trung”, Êphêsô 2:2. Nói cách khác, Satan đang năng động trong thế giới của chúng ta và hắn có một ngai quyền lực ở đâu đó. Có thể là Nữu Ước, Las Vegas, Washington DC, Moscow, hay bất kỳ một ngàn địa điểm nào khác nữa.
Lời lẽ nầy được sử dụng để giúp cho dân sự nầy nhìn biết rằng Chúa Jêsus biết rõ họ đang sống trong một chỗ rất khó khăn. Ngài biết rõ nơi họ ở, và Ngài có một lời chỉ dành cho riêng họ mà thôi.
(Lưu ý: Ngài cũng biết rõ hoàn cảnh của bạn nữa đấy! Ngài biết rõ khi bạn đang sống trong một cuộc hôn nhân khó khăn. Ngài biết rõ khi bạn đối mặt với sự bắt bớ về công ăn việc làm, ở trường học, ở gia đình, hay thậm chí trong nhà thờ nữa. Ngài biết rõ mọi áp lực mà xã hội đặt lên con cái kỉnh kiền của Đức Chúa Trời. Ngài biết, Ngài quan phòng, Ngài hiện diện ở đó và Ngài sẽ giúp đỡ cho bạn, Hêbơrơ 13:5; 4:15-16! Đấy là những gì chúng ta cần phải ghi nhớ!)
B. Ngài biết sự bền đỗ của họ – Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng họ “ở” trong thành Bẹt-găm. Có hai từ được dịch là “ở” trong Tân Ước. Một từ có nghĩa là “có một nơi cư ngụ tạm thời”. Còn từ kia, từ được sử dụng ở đây, có ý nói “nơi thường trú”. Hạng người nầy đã định cư trong thành Bẹt-găm và họ không bỏ chạy khi rối rắm xảy đến chung quanh họ. Họ nêu một gương tốt cho các Hội Thánh đang tồn tại trong thời buổi nầy. Sâu xa hơn, chúng ta để cho thế gian khiến cho chúng ta phải bỏ chạy rồi lẫn trốn trong sợ hãi. Họ đang cố gắng hết mình để lèo lái Hội Thánh không rơi vào sự lãng quên. Chúng ta phải lập chỗ đứng của mình trong thế gian nầy và bằng lòng chổi dậy nói nghịch với những kẻ ác và tình trạng gian ác đánh dấu xã hội của chúng ta, dù là với giá nào!
Hội Thánh ở thành Bẹt-găm đang làm một đôi việc đúng đắn và Chúa Jêsus khen ngợi họ về điều đó. Chúng ta hãy xem Chúa Jêsus tìm thấy điều gì để khoe khi Ngài nhìn vào Hội Thánh nầy.
+ Thứ nhứt, họ đã “vững lòng tôn danh ta”. Hội Thánh nầy không thấy xấu hổ về danh của Chúa Jêsus. Danh của Ngài là danh có tác động gây chia rẻ trong lịch sử, tuy nhiên danh của Ngài là danh duy nhứt “để chúng ta nhờ đó mà được cứu”, Công Vụ các Sứ đồ 4:12. Có một số Hội Thánh bạn có thể đi đến rồi bạn ngồi suốt một buổi thờ phượng mà chẳng hề nghe nhắc tới danh Chúa Jêsus. Điều đó thật đáng buồn và ấy là một sự gớm ghiếc. Chúng ta cần phải nói nhiều về danh ấy! Chúng ta cần phải ca hát, hô lớn tiếng lên, rao giảng và làm chứng về danh ấy! Hội Thánh nầy cần phải được đánh dấu là Hội Thánh của “Chúa Jêsus”. Khi người ta đến đây, họ cần phải nghe nhắc đến danh Jêsus! Chúng ta không có mặt ở đây để khuyến khích các tín hữu, nhà thờ nầy, nhà truyền đạo nầy, hay bất cứ điều chi khác mà bạn muốn đặt tên cho; chúng ta có mặt ở đây để tôn cao Chúa Jêsus! Chúng ta cần phải hiện diện trong công việc tôn cao danh Jêsus, Giăng 12:32!
+ Thứ hai, họ được khen ngợi vì họ không “chối đạo ta”. Hội Thánh nầy rất thanh sạch về giáo lý. Họ nắm giữ khư khư những lẽ đạo cơ bản của đức tin, và Chúa Jêsus đã khen ngợi họ vì sự ấy. Có một số lẽ thật không gì có thể thay đổi được trong Cơ đốc giáo. Có nhiều chỗ cho sự tự do trong khi chúng ta hầu việc Chúa. Hết thảy chúng ta không phải sống bởi các dư luận đó. Nếu bạn có một nan đề với điều đó, hãy đọc Rôma 14-15 và sự đọc nầy sẽ định liệu vấn đề thay cho bạn. Tuy nhiên, có một số việc không thể thay đổi được. Nếu bạn chưa nắm chặt lấy những việc nhất định nầy là sự thật, thế thì bạn chưa phải là một Cơ đốc nhân, bất luận bạn nói gì! Hội Thánh xưa nầy đã nắm chắc lấy “đức tin”. Chúng ta cũng phải y như thế! Đâu là những lẽ đạo cơ bản?
+ Sự cảm thúc của Kinh Thánh
+ Sự ra đời bởi nữ đồng trinh
+ Sự chết có tính cách thay thế của Cứu Chúa
+ Sự sống lại đắc thắng của Cứu Chúa
Chúng ta cần phải nắm chắc các lẽ thật quí báu nầy. Có nhiều nhóm đang xây khỏi những lẽ đạo cơ bản của đức tin và mau sa vào sự bội đạo. Bất kể ai đó đang làm gì, hay thậm chí hệ phái của chúng ta đang làm gì, chúng ta phải nắm chắc lấy những lẽ đạo cơ bản của Lời Đức Chúa Trời.
C. Ngài biết những sự hy sinh của họ – Chỗ đứng của họ cho Chúa Jêsus rất đắt giá. Ngay khi Hội Thánh nầy đang hứng chịu sự bắt bớ rất kịch liệt, họ đã đứng cho Chúa và cho Lời của Ngài. Chúa Jêsus nhắc tới một người bằng cái tên An-ti-ba. Ông được gọi là “kẻ làm chứng trung thành của ta đã bị giết”. Lịch sử cho chúng ta biết rằng An-ti-ba đã từ chối không dâng hương và gọi “Caesar là thần”. Vì cớ ông đã từ chối không chịu thờ lạy Caesar, An-ti-ba đã bị nhét vào trong bụng con bò làm bằng đồng. Một ngọn lửa được đặt dưới con bò nầy và An-ti- ba đã bị nướng cho tới chết. Mặc dù vậy, các Cơ đốc nhân ở thành Bẹt-găm cứ vững lòng làm chứng. Chúa Jêsus tán thưởng họ vì tư thế kiên cường của họ.
Hãy chú ý điều nầy, An-ti-ba được gọi là “kẻ làm chứng trung thành của ta đã bị giết”. Đây chính là danh xưng đã được gắn cho Chúa Jêsus trong Khải huyền 1:5. Vì An-ti-ba đứng với Chúa, dầu phải trả giá bằng mạng sống mình, Chúa Jêsus đã gọi An-ti-ba bằng chính Danh Xưng của Ngài! Cũng hãy chú ý điều nầy nữa, An-ti-ba là mọi sự nhưng bị quên lãng bởi lịch sử. Chúa Jêsus vẫn biết rõ danh xưng của Ngài! Chúng ta không nên sợ những sự hy sinh của chúng ta cho Ngài rơi vào hư không. Ngài nhìn thấy mọi sự và sẽ ban thưởng cho họ một cách công khai một ngày kia!
Đây vẫn còn là một cái giá rất đắt cho từng tín đồ. Nếu bạn cứ nắm chặt lấy đạo thật và sống cuộc sống thật, bạn sẽ làm mất lòng một số người và bạn sẽ bị bắt bớ, II Timôthê 3:12. Phải biết chắc, khi điều đó xảy ra, Chúa đang nhìn thấy, biết rõ và Ngài sẽ ban thưởng cho sự hầu việc trung tín của bạn đúng kỳ của Ngài.
I. Ngài đến với lời phán xét
II. LỜI QUỞ TRÁCH (các câu 14-16)
(Minh họa: Khi Cứu Chúa nhìn vào Hội Thánh nầy, Ngài tìm ra một số việc đẹp lòng Ngài; nhưng không phải mọi sự theo sở thích của Ngài. Sau khi đã đưa ra Lời Phán Xét dành cho họ, giờ đây Ngài đưa ra cho họ một số Lời Quở Trách).
A. Ngài quở trách sự thỏa hiệp trong Hội Thánh (các câu 14-15) – Danh xưng Bẹt-găm có nghĩa là “kết thân”. Khi chúng ta nhìn vào những điều Chúa Jêsus chỉ ra về Hội Thánh nầy, chúng ta được ban cho một cái nhìn thoáng qua về một Hội Thánh đã sa vào tình trạng thỏa hiệp với thế gian. Hội Thánh nầy đã cầm lấy đạo thật ở một tay rồi với tay kia, họ vòng ôm lấy thế gian. Nói sát nghĩa, thì họ đang ở trong cái ách bất tương xứng với những người không tin Chúa và Chúa Jêsus quở trách họ về sự ấy qua mấy câu nầy. Đây là những gì Ngài phán là sai lầm với Hội Thánh nầy.
1. Có một sự đồi bại trong hàng thuộc viên (câu 14) – Ngài nói cho họ biết có người trong số họ “theo đạo Balaam”. Balaam là một trong các nhân vật lạ lùng nhứt trong các trang Kinh Thánh. Ông ta là một người rất khó hiểu, một nhà thần bí thực sự. Mặt khác, ông ta là một người rất quen thuộc với Đức Chúa Trời. Ông ta biết rõ về Đức Chúa Trời, về bản chất của Đức Chúa Trời và thậm chí ông ta còn trò chuyện với Đức Chúa Trời nữa. Ở mặt kia, ông ta bị tác động bởi tánh tham lam và ông ta phạm tội dẫn dắt dân sự của Đức Chúa Trời vào sự vô luân và thờ lạy hình tượng. Câu chuyện của ông ta có thể được thấy ở Dân số ký 22-25.
Trong mấy câu Kinh Thánh đó, Balác, nhà vua xứ Mô-áp muốn rủa sả dân Israel, vì vậy ông ta đã cho vời Balaam đến để lo công việc bẩn thỉu nầy. Ông ta hứa với Balaam sự giàu có và thăng tiến vì sự phục vụ của ông ta. Bốn lần Balaam tìm cách rủa sả dân Israel, mỗi lần Đức Giêhôva đã xây những lời rủa sả đó thành ra phước hạnh. Khi ông ta nhìn thấy mọi nổ lực của mình muốn rủa sả Israel đều đã thất bại, Balaam hiên ngang đề nghị rằng khi họ không thể rủa sả dân Israel, họ nên làm cho dân Isarel phải rơi vào chỗ đồi bại. Điều nầy đã đạt được bằng cách dẫn họ vào tình trạng vô luân và thờ lạy hình tượng rồi nhơn đó đem sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng xuống dân Isarel, Dân số ký 25:1; 31:16.
Về mặt cơ bản, “đạo của Balaam” là sự gian ác và theo đòi thế gian. Hội Thánh tại Bẹt-găm đã dung dưỡng dân sự ở giữa họ, những kẻ xưng mình là Cơ đốc nhân, nhưng họ đã sống giống như thế gian ở chung quanh họ. Một số thuộc viên đã sống loại đời sống phi đạo đức và dự phần vào sự thờ lạy của tà giáo. Chúa Jêsus chẳng đẹp lòng với những sự nầy.
(Lưu ý: Chính nan đề nầy đang cực kỳ phát triển trong Hội Thánh hiện đại. Có nhiều người tin rằng một khi bạn được cứu bởi ân điển và được gìn giữ bởi ân điển, bạn có thể sống theo bất kỳ phương thức nào bạn đẹp lòng. Chẳng có gì phải lấy làm lạ khi xã hội không có một sự kính trọng nào dành cho Hội Thánh! Chẳng có gì phải lạ lùng khi không có quyền phép nào trong Hội Thánh. Chúng ta sống như chúng ta đẹp lòng mà chẳng màng gì đến các mạng lịnh hiển nhiên của Đức Chúa Trời.
Đây là sự thực của vấn đề: nếu bạn đã được cứu, bạn sẽ không thích thế gian ở chung quanh bạn. Nếu bạn đã được cứu, bạn sẽ ăn ở cách khác biệt, nói năng khác biệt, và bạn sẽ có một bộ tiêu chuẩn khác hơn thế gian. Nếu bạn có thể dùng thái độ của thế gian nầy về vấn đề lạm dụng, tình dục, âm nhạc, v.v…, bạn gần như là chưa được cứu. Khi Chúa Jêsus cứu một linh hồn, Ngài tạo ra một con người mới, II Côrinhtô 5:17. Ngài thay đổi mọi sự về đời sống của người được cứu đó. Họ sống khác biệt và họ ưa sống với thay đổi ấy!
Dù bạn thích hay không, có một số tiêu chuẩn rõ ràng cho việc sống theo quyển sách nầy! Chúng ta có thể một là làm theo chúng và minh chứng chúng ta đang sống theo lẽ thật; hoặc chúng ta bất chấp chúng và minh chứng chúng ta đang sống theo sự tối tăm. Thế nhưng, bạn không thể có được cả hai. Nếu bạn đã được cứu, hãy sống theo như thế. Nếu bạn chưa được cứu, vậy thì hãy làm theo như bạn ưa muốn!)
2. Có một sự lầm lẫn trong chức năng lãnh đạo (câu 15) – Nhiều người khác ở đó đã giữ theo “đạo Ni-cô-la”. Như chúng ta đã khám phá ra ở Khải huyền 2:6, từ ngữ “đảng Ni-cô-la” có nghĩa là “chinh phục người ta” và có lẽ đề cập tới một giai cấp thầy tế lễ đã phát triển trong Hội Thánh. Những gì là “việc làm” ở câu 6 đã trở thành “đạo” ở câu 15. Nó khởi sự với cấp lãnh đạo trong Hội Thánh nâng cao họ lên trên những người khác rồi nó đổi thành một thứ đạo trong mối quan hệ đó.
Bây giờ Đức Chúa Trời đã thiết lập các chức vụ nhất định trong Hội Thánh. Những ai ở trong các chức vụ nầy đều được tôn kính và được nghe theo, nếu họ thực thi chức vụ của họ theo Lời của Đức Chúa Trời. Thí dụ, chúng ta có các Chấp Sự. Họ có một chức vụ theo Kinh Thánh và họ cần được tôn trọng và kính mến khi họ chu toàn mọi đòi hỏi của chức vụ ấy. Nếu họ không chu toàn các bổn phận của họ, họ nên từ chức hay người ta sẽ yêu cầu họ bước xuống.
Tôi là Mục sư của Hội Thánh nầy. Khi tôi giảng Lời của Đức Chúa Trời, và rao giảng Lời ấy thật chính xác, bạn sẽ nghe theo sứ điệp rồi điều chỉnh lại đời sống mình theo Lời ấy. Không phải vì tôi rao giảng, mà vì chức vụ nầy được ủy thác bởi Chúa. Trong Hội Thánh nầy, tôi là lãnh đạo, nhưng tôi không phải là Chúa.
Không một ai trong Hội Thánh đã được thờ lạy hay được đặt trên một cái bệ vinh dự thật cao. Hết thảy chúng ta đều ở dưới uy quyền của Đức Chúa Jêsus Christ và hết thảy chúng ta đều phải trình sổ cho Ngài! Tôi không nghĩ chúng ta có nan đề với cấp lãnh đạo đang ra sức quản lý con người, nhưng chúng ta luôn luôn coi chừng những “nhà độc tài nho nhỏ” tìm cách nắm lấy quyền lực hết lúc nầy đến lúc khác.
B. Ngài quở trách các hậu quả dành cho Hội Thánh (câu 16) – Ngài nói cho họ biết phải “ăn năn”. Từ ngữ nầy có ý nói phải “đổi ý”. Ăn năn thực sự là “một sự đổi ý kết quả trong một sự đổi hướng”. Nếu họ từ chối không chịu ăn năn, xử lý với sự đồi bại và nhầm lẫn ở giữa họ, Ngài sẽ đến với Hội Thánh Ngài và chiến đấu chống lại những ai làm cho Hội Thánh phải lâm vào cảnh rắc rối. Hãy chú ý sự thay đổi các đại danh từ ở câu 16: “ngươi” thành “chúng nó”. Chúa biết ai thuộc về Ngài và ai không thuộc về Ngài. Ngài sẽ đến với Hội Thánh Ngài và gây đau khổ cho kẻ nào thực sự không phải là dân sự Ngài, họ đã đem rối rắm vào trong Hội Thánh. Người nào không chịu ăn năn sẽ phải đối mặt với Chúa trong sự phán xét.
(Lưu ý: Quả là một việc rất đáng sợ khi bị tìm thấy là sai lầm đối với Chúa. Đúng là một việc rất nguy hiểm khi bị tìm thấy là nghịch cùng và gây rối rắm trong Hội Thánh. Chúa yêu thương Hội Thánh của Ngài! Ngài yêu thương Hội Thánh nhiều đến nỗi Ngài đã chịu chết để chuộc lấy Hội Thánh! Ngài sẽ không đứng im khi Hội Thánh bị tấn công và bị xem thường! Minh họa: Người chồng nào sẽ chịu đứng yên khi vợ mình bị tấn công, về lời lẽ hay về thể xác? Bất kỳ người chồng nào xứng đáng với danh nghĩa ấy sẽ đứng bên vợ mình rồi lo bảo hộ cho cô ấy! Đức Chúa Jêsus Christ sẽ không dung chịu kẻ nào tấn công Cô Dâu của Ngài!)
I. Ngài đến với lời phán xét
II. Ngài đến với lời quở trách
III. LỜI YÊN ỦI (câu 17)
(Minh họa: Chúa đưa ra những lời hứa quí báu cho những kẻ nào thắng trong Hội Thánh. Người nào bước đi với Ngài bất chấp những mối nguy hiểm và sự bội đạo có thể trông mong những phần thưởng quí báu từ tay của Ngài).
A. Ngài hứa tiếp trợ đặc biệt – Ngài hứa với họ “manna giấu kín”. Trong Cựu Ước, khi con cái Israel phiêu bạt ngang qua đồng vắng, Đức Chúa Trời đã nuôi họ bằng cách gửi Mana xuống từ trời. Một số Mana nầy đã được thu thập và được giữ trong cái bình bằng vàng đặt trong Hòm Giáo Ước. Truyền khẩu Do thái xưa nói rằng khi Israel bị bắt đi làm phu tù bởi quân Babylôn, Giêrêmi đã đem giấu cái bình đựng Mana nầy, và khi Đấng Mêsi trở lại, Ngài sẽ nuôi dân sự Israel một lần nữa. Mana nầy là một hình ảnh nói tới lời hứa quí báu của Đức Chúa Trời muốn trưởng dưỡng con cái của Ngài.
Bạn thấy đấy, dân sự tại thành Bẹt-găm đều là hạng người thờ lạy hình tượng. Họ đã thờ lạy trong các thứ tôn giáo đã phát triển nhờ vào “những điều thần bí”. Những Cơ đốc nhân đầu tiên đều xuất thân từ các thứ tôn giáo bí nhiệm đó. Chúa Jêsus phán: “Ngươi không cần những bí nhiệm của họ. Hãy đồng đi với ta và ta sẽ đưa vào một nơi rất đặc biệt và trưởng dưỡng ngươi bằng một thứ mà thế gian nầy chẳng biết đến”. Các thánh đồ của Đức Chúa Trời đều xuất thân từ rất nhiều việc trên thế gian nầy, nhưng chúng ta có một nơi mà chúng ta có thể đi đến. Chúng ta có thể bước vào nơi thánh của Ngài và chúng ta có thể ẩn mình trong đại sảnh của Ngài. Khi chúng ta hiện diện ở đó, Ngài sẽ trưởng dưỡng chúng ta với những thứ cao lương mỹ vị mà thế gian không thể tưởng tượng hay sao y được! Ngài có một số việc kín giấu đối với con cái của Ngài!
Thế gian và những kẻ ở trong đó phải tìm kiếm những kinh nghiệm sâu sắc hơn. Họ đến với cái bàn tội lỗi và ăn no nê. Thánh đồ thật của Đức Chúa Trời được dự trù phải ở riêng với Chúa của mình trong đền tạm Ngài, trưởng dưỡng bằng Lời của Ngài và sự hiện diện của Ngài, Thi thiên 27:1-5. Ngài hứa với dân sự Ngài một nơi ẩn náu và sự tươi mới, thậm chí trong những lúc hoạn nạn nhất nữa đấy.
B. Ngài hứa những đặc ân thật đặc biệt – Không những Ngài sẽ tiếp trợ cho những người nào thắng, Ngài còn ưng ban cho họ một số đặc ân thật đặc biệt mà nhiều người khác không thưởng thức được.
1. Một cấp độ mới – “một hòn sỏi trắng” – Chúa hứa ban cho những người trung tín với Ngài một hòn sỏi trắng. Điều nầy không có ý nói nhiều với chúng ta, nhưng nó có một ý nghĩa rất đặc biệt cho dân sự trong thời ấy. Có vài ý nghĩa khả thi gắn với hòn sỏi trắng. Tôi muốn chỉ ra một vài ý:
+ Loại sỏi trắng và đen đã được dùng để chỉ ra sự phán xét trong các tòa án thời xưa. Khi một quan tòa đưa ra bản án của mình, ông ta sẽ đặt một hòn sỏi trong cái hộp và đúng thì, ông ta sẽ úp cái hộp xuống, hòn sỏi lăn ra ngoài, chỉ ra sự phán xét của ông ta. Một hòn sỏi màu đen cho thấy bản án có tội, hòn sỏi màu trắng chỉ ra bản án vô tội.
Chúa Jêsus đang nói cho dân sự nầy biết rằng họ đã bị nhuộm đen bởi thế gian, nhưng họ là vô tội trong ánh mắt của Ngài. Ngài đã cất hết mọi hòn sỏi màu đen nghịch lại họ và Ngài đã thanh tẩy họ ra trắng trong huyết của Ngài.
+ Loại sỏi trắng đã được sử dụng để chỉ ra quyền công dân. Một hòn sỏi trắng thường được ban cho người nào đã minh chứng lòng trung thành của họ đối với thành phố. Chúa Jêsus tôn cao người nào sống cho Ngài.
+ Loại sỏi trắng đã được dùng làm một biểu tượng cho sự đắc thắng. Chúng được ban cho người nào đã đoạt được chiến thắng ở một trong nhiều trận đấu xưa kia. Những hòn sỏi trắng nầy được gọi là “tessera” [đá để cẩn] và chúng được đeo ở trước mặt công chúng. Chúa Jêsus cho phép những kẻ nào thắng đến gần với sự vinh hiển của Ngài ở trên trời!
+ Một tay giác đấu can đảm sẽ được ban cho một hòn sỏi trắng với hai chữ tắt “S.P” ghi trên đó. Chữ tắt nầy tiêu biểu cho “spectatus”, có ý nói tới “lòng dũng cảm đã được minh chứng không có nghi ngờ chi hết”. Vì thế, Chúa Jêsus hứa ban vinh dự cho những ai chiếm một chỗ đứng vì Ngài!
+ Hòn sỏi trắng là một biểu tượng cho tình thân hữu. Thường thì hai người bạn sẽ lấy một hòn sỏi trắng, đập nó ra làm hai rồi viết tên của bạn mình trên phân nửa của họ. Khi họ gặp nhau, sau nhiều năm tháng, họ có thể ghép hai nửa của hòn sỏi lại với nhau, ý nói mối quan hệ đời đời của họ.
+ Hòn sỏi trắng đã được dùng để có được sự tiếp cận. Khi một người giàu có muốn tổ chức một bữa tiệc, đôi khi họ cung ứng cho các thực khách một hòn sỏi trắng. Khi đến giờ tiệc tùng, người nào trình ra hòn sỏi trắng thì được mời vào bàn tiệc. Chúa Jêsus cho phép dân sự Ngài đến gần bàn tiệc lớn lao nhứt trong mọi thời đại: tiệc cưới của Chiên con, Khải huyền 19!
2. Một chức vụ mới – Chúa Jêsus đã hứa với những kẻ nào thắng, hòn sỏi trắng của họ sẽ ghi “ngoài kẻ nhận lấy không ai biết đến”. Đây là một lời hứa về sự riêng tư. Theo thông lệ của thời ấy cho các thực khách đến dự bữa ăn tối, có một con dao trắng đặt tại chỗ ngồi của họ. Khi họ ngồi xuống rồi, họ có thể nhìn vào hòn sỏi và bên dưới sẽ là một sứ điệp tiêng tư đến từ người chủ tiệc. Đấy là cách thức để người chủ tiệc chia sẻ một tư tưởng riêng tư với từng thực khách.
Chúa Jêsus hứa với người nào trung thành với Ngài rằng Ngài sẽ bày tỏ chính mình Ngài với họ theo một cách riêng tư, mật thiết. Bạn thấy đấy, Ngài là Cứu Chúa của tôi và tôi hy vọng Ngài cũng là Cứu Chúa của bạn nữa. Nhưng, tôi có mối quan hệ với Chúa Jêsus mà bạn chưa có. Bạn có mối quan hệ với Ngài mà tôi chưa có. Hết thảy chúng ta đều được cứu theo cùng một phương thức, nhưng Ngài đã làm nhiều việc trong, vì và cho tôi mà Ngài chưa làm trong, vì và cho bạn. Chúng tôi có một mối quan hệ đặc biệt. Và, người nào đồng đi với Ngài và biệt riêng ra đối với thế gian sẽ nhìn thấy sự mật thiết nầy càng lên cao và lên tới những cấp độ mới khi nhiều năm tháng trôi qua.
Phần kết luận: Chúng ta đã lần qua hết mấy câu nầy. Tôi lấy làm lạ; có phải mối quan hệ của bạn với Chúa Jêsus như đáng phải có không? Có phải bạn biệt mình riêng ra khỏi thế gian để yêu mến Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi không? Hay, có phải đời sống của bạn bị “đạo Balaam” vây lấy?
+ Có phải bạn xưng mình biết Chúa Jêsus ngay cả khi bạn đang sống cho thế gian? Nếu thực vậy, bạn cần phải ăn năn, hay Ngài sẽ đến và chiến đấu nghịch lại bạn đấy. Ngài đã làm điều ấy rồi. Điều nầy giải thích lý do tại sao có một số người dường như cứ gặp phải nhiều rối rắm luôn.
+ Có thể bạn muốn đến với Chúa Jêsus để được cứu rỗi. Ngài vẫn đang cứu lấy hết thảy những ai chịu đến với Ngài bởi đức tin.
+ Có thể bạn muốn đến cầu thay cho Hội Thánh của bạn. Vào một ngày khi có nhiều Hội Thánh đang đi trật đường, chúng ta phải có ý chí để ở lại trên đường chạy vì cớ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Nếu Ngài đã phán với tấm lòng của bạn, bạn cần phải đến trước mặt Ngài và bắt tay làm việc với Ngài ngay hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét