Giăng 1:35-42
LỜI MỜI HÃY ĐẾN XEM
Phần giới thiệu: Một trong các những lẽ thật đáng kinh ngạc nhất tôi đã từng gặp gỡ trong Kinh thánh là lẽ thật nói rằng Đức Chúa Trời mời người ta đến với Ngài. Tất nhiên, Ngài phải đưa động tác ra trước. Con người là một tội nhân và tình trạng tội lỗi của họ đã khiến họ phải chết về mặt thuộc linh, Êphêsô 2:1. Con người không thể thực hiện một sự dịch chuyển độc lập hướng về Đức Chúa Trời được. Đức Chúa Trời nắm lấy quyền chủ động và Ngài chìa tay ra trong tình yêu thương, ân điển và thương xót kêu gọi hạng tội nhân hư mất đến với chính mình Ngài.
Trong phân đoạn Kinh thánh nầy, Chúa Jêsus đang mời hai nhân vật tôn giáo đến xem những gì đã được nói về Ngài. Phân đoạn nầy làm nổi bật tình trạng của con người và lòng thương xót của Cứu Chúa. Chúa Jêsus phán sáu câu trong các câu nầy. Ngài phán: “Các ngươi tìm chi” ở câu 38. Và, Ngài phán: “Hãy đến xem” ở câu 39. Hai câu nói nầy khiến cho tôi phải chú ý đến hôm nay. Chúa Jêsus đang mời tất cả những ai chưa biết Ngài hãy đến với Ngài và để xem xét Ngài. Ngài muốn hạng người hư mất nhìn biết Ngài là ai và những gì Ngài có thể làm cho họ.
Chúng ta hãy dành thì giờ hôm nay nhìn vào mấy câu nầy. Trong đó, chúng ta thấy lời mời khác nữa trong những lời mời gọi quan trọng trong Kinh thánh. Tôi muốn chia sẻ với bạn một số ơn phước chứa trong mấy câu nầy khi chúng ta cùng nhau nghiên cứu Lời Mời Hãy Đến Xem.
I. XEM NHỮNG LỜI XƯNG NHẬN (các câu 35-37)
(Minh họa: Câu nói đơn sơ nầy bởi Giăng Báptít chứa nhiều ý nghĩa. Trong mấy câu nầy, Giăng đề ra hai lẽ thật quan trọng về Đức Chúa Jêsus Christ).
A. Ngài là Cứu Chúa của hạng tội nhân – Mạo từ xác định “the” [trong Anh ngữ] xác định Đức Chúa Jêsus Christ là Chiên Con “duy nhứt và có một” của Đức Chúa Trời. Con người có một nan đề; Chúa Jêsus là giải pháp duy nhứt cho nan đề đó.
Nan đề của con người cho thấy họ là tội nhân, Rôma 3:10-13; Galati 3:22. Nan đề của con người vốn rắc rối ở chỗ tội lỗi của họ đang dẫn họ xuống Địa Ngục, Rôma 6:23, Thi thiên 9:17; Khải huyền 21:8.
Đức Chúa Jêsus Christ là giải pháp duy nhứt cho nan đề tội lỗi của con người, Công Vụ các Sứ đồ 4:12; Giăng 14:6; Giăng 10:9; 1 Giăng 5:12. Nói như thế, nghe hẹp hòi lắm trong thời đại và kỷ nguyên nầy, song đấy lại là sự thật!
B. Ngài là của lễ chuộc tội – Khi Giăng gọi Chúa Jêsus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” ông đã nói thật đầy đủ. Danh xưng nầy phác họa Chúa Jêsus là một con sinh dùng làm của lễ. Có thể đó là con chiên đã chịu chết để che đậy thân thể trần truồng của Ađam và Êva trong vườn Êđen, Sáng thế ký 3:21. Đây là chiên con đã được dâng lần đầu tiên trong Kinh thánh, Sáng thế ký 4:4. Đây là chiên con đã chuộc con cái Israel ra khỏi vòng nô lệ của họ ở Aicập, Xuất Êdíptô ký 12. Đây là chiên con đã được hứa cho Ysác khi Ápraham dẫn người lên núi Môria, Sáng thế ký 22:8. Vô số chiên con đã bị giết trong xứ Israel làm của lễ chuộc tội trải qua bao thế kỷ, Lêvi ký 4.
Tiên tri Êsai đã phác họa Đấng Mêsi hầu đến là chiên con chịu giết, Êsai 53:4-6. Khi Chúa Jêsus vào trong thế gian nầy, Ngài đã đến vì mục đích duy nhứt là bước lên thập tự giá để chịu chết vì tội lỗi, Mác 10:45; Giăng 18:37. Chỉ có sự chết của Ngài mới có thể làm thỏa mãn Đức Chúa Trời, 1 Giăng 2:2; 4:10. Chỉ có huyết của Ngài mới có thể thanh tẩy cho linh hồn tội lỗi, I Phierơ 1:18-19; Khải huyền 1:5. Chúa Jêsus là câu trả lời sau cùng của Đức Chúa Trời cho thắc mắc mà Ysác đưa ra với Ápraham khi họ trèo lên hòn núi ấy cách đây thật nhiều năm: “Chiên con đâu?” Chúa Jêsus là Chiên Con, Ngài là Chiên Con duy nhứt mà Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận.
(Lưu ý: Hãy xem những lời xưng nhận mà Kinh thánh đưa ra về Chúa Jêsus. Bạn có tin cậy Ngài làm Cứu Chúa của bạn chưa? Trong lời của bài thánh ca xưa: “Nầy anh đến với Jêsus nhận quyền huyết chí thánh, Chiên Con có lấy huyết phiếu anh sạch chưa? Đã quyết tin nơi ơn Chúa, hay chưa được trọn thành, Chiên Con đà gội lòng anh thuần bạch chưa? Huyết Chiên Con, bôi sạch lòng, anh đà sạch do sông huyết tẩy thanh chưa? Áo anh nay tinh như tuyết hay đương đầy bụi hồng, Chiên Con đà gội lòng anh thaq62n bạch chưa?”)
II. XEM LỜI KÊU GỌI (các câu 37-39a)
A. Sở thích của các môn đồ (câu 37) – (Minh họa: Văn mạch của Giăng 1:19-34. Hai môn đồ nghe Giăng đưa ra lời tuyên bố công khai về lai lịch của Chúa Jêsus ở các câu 19-34. Bấy giờ, họ được cung ứng cho một nhận định riêng về Chúa Jêsus, câu 35. Giăng đang nói với họ: “Hãy đi theo Ngài, Ngài là Đấng ấy”. Họ chú ý đến lời kêu gọi và họ bắt đầu đi theo Chúa Jêsus.
Ở điểm nầy, hai người nầy chỉ là hai người nhất mực tôn giáo mà thôi. Họ chưa được cứu bởi ân điển. Cũng chưa phải là con cái của Đức Chúa Trời nữa. Những gì họ đã nghe nói về Jêsus nầy đã làm cho họ phải tò mò về Ngài. Lời của Đức Chúa Trời đã được sử dụng để kích thích tấm lòng họ và họ xu hướng về Ngài.
Đấy là cách mà người ta đạt tới chỗ nhìn biết Chúa! Thánh Linh của Đức Chúa Trời sử dụng Lời của Ngài để tỏ ra cho người bị mất nhìn thấy nhu cần của họ về một Cứu Chúa. Ngài sử dụng Lời ấy để chỉ cho họ thấy Chúa Jêsus, Giăng 16:7-11. Ngài sử dụng Ngôi Lời để tạo ra một sự khao khát ở trong họ về điều mà họ không có. Ngài ban cho họ sự ước ao muốn biết nhiều hơn!
Đây là thành phần quan trọng trong sự cứu rỗi, Giăng 6:44, 65. Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời bắt đầu tạo ra sự khao khát bên trong một tấm lòng, việc ấy được gọi là sự thuyết phục. Tội nhân bị thuyết phục về tình trạng tội lỗi của mình; sự phán xét của họ là ở trong Địa Ngục; nhu cần của họ về một Cứu Chúa; và về nhu cần của họ phải đến với Đức Chúa Jêsus Christ! (Minh họa: Chịu “thuyết phục” là một cảm xúc kinh khủng lắm, nhưng ngày Đức Chúa Trời tỏ ra tội lỗi của bạn là một trong những ngày trọng đại nhất của cuộc đời bạn đấy!)
B. Sự điều tra của các môn đồ (câu 38a) – Chúa Jêsus biết rõ hai người nầy đang theo sau Ngài và Ngài xây lại để phán cùng họ. Ngài hỏi họ một câu thật là lạ: “Các ngươi tìm chi?” Câu hỏi nầy cũng giống như nói: “Các ngươi đang tìm cái gì vậy?” Chúa Jêsus không đưa ra câu hỏi nầy vì ích riêng của Ngài đâu. Ngài là toàn tri và Ngài biết lý do tại sao họ có mặt ở đó. Ngài đưa ra câu hỏi ấy vì ích cho họ.
Hạng người nầy đang khao khát một mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Điều nầy rất rõ ràng từ sự thực họ đã đi theo Giăng Báptít. Ông đã dạy dỗ họ Đấng Mêsi sẽ đến và họ ước ao muốn có một mối quan hệ với Đấng Mêsi ấy. Khi Chúa Jêsus hỏi họ: “Các ngươi tìm chi?” Ngài đang yêu cầu họ xem xét lại động lực muốn đi theo Ngài của họ.
Nếu họ tìm kiếm một lãnh tụ cách mạng, là người sẽ lật đổ ách thống trị của Lamã và giải phóng người Do thái, thế thì họ đã chạy theo không đúng người rồi. Nếu họ tìm kiếm người nào cưu mang mọi truyền thống của Do thái giáo và tôn giáo chết, thế thì họ đã chạy theo không đúng người rồi. Tuy nhiên, nếu họ tìm kiếm một đời mới; tìm kiếm sự sống đời đời; tìm kiếm ơn cứu rỗi và hy vọng trong tương lai, thế thì họ đã chạy theo đúng Con Người rồi. Hai người nầy chưa có ý niệm gì về đời sống họ phải thay đổi như thế nào nữa!
(Lưu ý: Bạn đang tìm kiếm điều gì hôm nay? Bạn đang tìm kiếm điều gì trong cuộc sống của bạn?
Nếu bạn tìm kiếm một người sẽ làm cho cuộc sống của bạn ra dễ dàng hơn, Chúa Jêsus không phải là người cho bạn tìm kiếm đâu! Nếu bạn tìm kiếm người nào giải quyết mọi nan đề của bạn, Chúa Jêsus không phải là người cho bạn tìm kiếm đâu! Nếu bạn tìm kiếm người nào khiến cho bạn thấy mình khấm khá hơn, Chúa Jêsus cũng không phải là người cho bạn tìm kiếm đâu! Nếu bạn tìm kiếm một ít tôn giáo vào ngày Chúa nhựt để bạn cảm thấy khá hơn về cách bạn sống từ ngày thứ Hai cho đến thứ Bảy, Chúa Jêsus không phải là người cho bạn tìm kiếm đâu!
Nhưng, nếu bạn tìm kiếm Đấng sẽ yêu thương bạn bạn vô điều kiện, Chúa Jêsus đúng là người cho bạn tìm kiếm đấy! Nếu bạn tìm kiếm Đấng có thể cứu rỗi linh hồn bạn, ban cho bạn sự sống đời đời và cung ứng cho bạn một quê hương ở trên trời, thế thì Chúa Jêsus là Đấng để bạn phải tìm kiếm đấy! Nếu bạn tìm kiếm Đấng có thể tha thứ mọi tội lỗi và làm thay đổi đời sống của bạn, Chúa Jêsus đúng là Đấng cho bạn tìm kiếm đấy!
Bạn nhận được điều chi từ cuộc sống đều nương vào những gì bạn tìm kiếm trong cuộc sống nầy. Vì vậy, bạn đang tìm kiếm điều chi vậy? Cơ hội đang có đây, bạn sẽ tìm gặp được điều đó!)
C. Lời mời cho các môn đồ (các câu 38b-39) – Hai người nầy đáp lại câu hỏi của Chúa Jêsus bằng thắc mắc của chính họ: “Rabi, Thầy ở đâu?” Đây là một câu hỏi đáng phải nhắc tới. Trước tiên, họ gọi Ngài là “Rabi”. Từ ngữ nầy, như chúng ta đã biết, có nghĩa là “Thầy”. Đây là thuật ngữ nói tới sự kính trọng. Rõ ràng là hai người nầy đã xem Chúa Jêsus rất trọng. Khi họ hỏi Ngài: “Thầy ở đâu?”, họ đang thắc mắc nhiều hơn là “Thầy sống nơi nào?” Hai người nầy đã nghe nói về Chúa Jêsus và họ muốn biết nhiều hơn. Họ cần phải hỏi Ngài vài câu rồi nghe Ngài phán cùng họ Ngài là ai và lý do tại Ngài đã đến. Họ đang yêu cầu một cuộc phỏng vấn rộng mở với Chúa Jêsus.
Đáp ứng của Ngài thật đơn sơ, tuy nhiên rất là quan trọng. Chúa Jêsus chỉ phán: “Hãy đến xem”. Cụm từ đơn sơ nầy cụ thể có ý nói: “Hãy đến cùng Ta thì các ngươi sẽ thấy!” Đây là lời mời gọi dành cho họ để tự mình nhìn xem Chúa Jêsus. Họ đã nghe nói về Ngài từ nhiều người khác; giờ đây họ được mời đến để tận mắt mình xem thấy.
(Lưu ý: Lời mời ấy vẫn còn đấy! Bạn đã tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của bạn chưa? Bạn đã đáp ứng với lời mời gọi của Ngài dành cho bạn “hãy đến xem” chưa? Ngài vẫn đang kêu gọi người nào chưa nhìn biết Ngài hãy đến với Ngài để được cứu, Khải huyền 22:17. Nếu bạn chịu đến khi Ngài đang kêu gọi, bạn có thể và sẽ được cứu đấy, Giăng 6:37.
Nghe nói về Đức Chúa Jêsus Christ và những điều Ngài đã làm là một việc. Còn kinh nghiệm cho chính bản thân mình và nhìn biết những gì Ngài có thể làm trong đời sống của bạn là một việc khác. Tôi ngợi khen Đức Chúa Trời vì từng bằng chứng về sự cứu rỗi đã được ghi lại trong Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng, tôi càng phải cảm tạ nhiều hơn vào cái ngày mà Chúa Jêsus mời tôi “hãy đến xem”. Tôi rất vui sướng khi Chúa Jêsus giải cứu Phaolô, Giăng, Phierơ và nhiều người khác nữa, nhưng tôi rất vui mừng vì Ngài đã cứu tôi! Tôi vui sướng vì Đức Chúa Trời đã ban cho bạn một bằng chứng, nhưng tôi lấy làm vui sướng vì Ngài cũng đã ban cho tôi một bằng chứng nữa! Bây giờ, khi bạn chia sẻ bằng chứng của bạn, sự làm chứng ấy mang lấy dấu chứng của tôi và tôi rất vui mừng nơi những điều Đức Chúa Trời đã làm cho bạn, vì Ngài cũng đã làm điều đó nơi tôi nữa! Halêlugia!)
III. XEM NHỮNG SỰ THAY ĐỔI (các câu 39b-42)
(Minh họa: Ngày nầy trở thành ngày cứu rỗi cho hai người nầy. Khi họ tận mặt gặp gỡ Chúa Jêsus, đời sống của họ đã thay đổi cho đến đời đời. Hai trong những sự thay đổi đó nổi bật lên trong những câu nầy).
A. Họ muốn ở lại với Chúa Jêsus (câu 39b) – Giăng cho chúng ta biết lúc ấy độ chừng “giờ thứ mười” khi hai người nầy đi theo Chúa Jêsus đến nơi mà Ngài cư ngụ. Có thể đây là lúc 10 giờ sáng, nếu Giăng đang sử dụng giờ của người Lamã. Hay, có thể là 4 giờ chiều, nếu ông sử dụng giờ của người Do thái. Từ cách nói trong câu, dường như đối với tôi là 4 giờ chiều. Trời bắt đầu tối lại và hai người nầy rất nóng lòng muốn trao đổi với Chúa Jêsus. Họ sử dụng phần còn lại trong ngày ấy, và có lẽ đêm hôm đó, ở trong sự hiện diện của Ngài. Họ đã sử dụng phần đời còn lại của họ trong sự hầu việc Ngài!
Anhrê đã đem Tin Lành đến Hylạp và bị đóng đinh trên thập tự giá ngược đầu xuống, trên một cây thật tự có hình chữ x. Giăng đã sống gần gũi với Chúa Jêsus trọn những ngày Chúa Jêsus còn sống. Ai cũng biết ông là môn đồ “được Chúa yêu”. Giăng đã nghiêng đầu mình trên ngực của Chúa chúng ta tại bữa tiệc ly, Giăng 13:25. Giăng có mặt ở đó khi Chúa Jêsus bị xét xử trước mặt Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Do thái, Giăng 18:15. Giăng là môn đồ duy nhứt đến với đồi Gôgôtha, ông đã có mặt nơi chơn của thập tự giá khi Chúa Jêsus gục chết, Giăng 19:26. Ông là môn đồ đầu tiên đến ngôi mộ trong ngày Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết, Giăng 20:45. Giăng đã sống đến 90 tuổi và đã viết ra sách Khải huyền trong khi ông là tù phạm trên đảo Bátmô vì ông đã làm chứng cho Đức Chúa Jêsus Christ.
(Lưu ý: Giăng không hề quên được cái ngày chính ông gặp gỡ Chúa Jêsus. Ông không bao giờ quên cái ngày mà ông đã được cứu! Ông là một cụ già khi ông viết ra lời lẽ mà chúng ta đang đọc hôm nay và ông vẫn nhớ như in rằng “độ chừng giờ thứ mười”. Chúa Jêsus đã cứu linh hồn ông và làm thay đổi đời sống ông và ông muốn ở lại với Chúa Jêsus!
Đấy là cách Chúa Jêsus tác động vào những người Ngài cứu họ. Minh họa: Mác 5:1-20 – Người bị quỉ ám ở Gađara là một người chịu đựng sự nô lệ thuộc linh rất khủng khiếp. Ma quỉ đã ám vào thân thể ông ta, chúng điều khiển và hành hại đời sống của ông ta. Ông ta là một người sống hoang dã và rất nguy hiểm, ông ta đã sống giữa vòng kẻ chết trong khu mồ mả. Ông ta bị tách biệt đối với gia đình và đối với xã hội. Nhiều người đã tìm cách bắt lấy ông ta, nhưng ông ta đã thoát ra khỏi xiềng xích của họ và tiếp tục sống đời sống đau đớn của mình. Ông ta đã trải qua nhiều ngày đêm kêu la và cắt đứt da thịt của mình.
Thế rồi một ngày kia, Chúa Jêsus xuất hiện. Ngài phán với người nầy, giải cứu ông ta ra khỏi ma quỉ rồi cứu vớt linh hồn của ông ta. Chúa Jêsus đã làm thay đổi đời sống của ông ta một cách tuyệt đối! Câu 15 cho chúng ta biết về những thay đổi cụ thể mà Chúa Jêsus đã làm ra trong đời sống của người nầy. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng người ta thấy ông ta “đang ngồi, mặc quần áo, trí khôn bình tĩnh”. Khi Chúa Jêsus bị buộc phải rời khỏi chốn ấy, người được cứu nầy cũng muốn đi theo Chúa Jêsus, Mác 5:18.
Sự việc xảy ra như thế đấy! Khi bạn gặp gỡ Chúa Jêsus và Ngài thay đổi đời sống của bạn, bạn sẽ muốn ở lại với Ngài. Có một số người đã đến với bàn thờ, thực hiện một sự tuyên xưng, tham gia vào Hội thánh và chịu phép báptêm, nhưng người ta chẳng tìm thấy họ đâu hết. Tôi e rằng ngay cả FBI cũng khó mà tìm thấy họ! Người nào không muốn ở lại gần Ngài có lẽ chưa nhìn biết Ngài, 1 Giăng 2:19.
Thế rồi có phần còn lại! Có một số người đã “chìm đắm trong tội lỗi, xa rời bến bình an, bị ô uế với tội lỗi, không còn chổi dậy được nữa”. Nhưng, họ nhớ đến giây phút mà họ gặp gỡ Chúa Jêsus và họ cất tiếng lên hát về giây phút ấy khi “Chúa của biển sâu, Ngài nghe tiếng kêu cầu của tôi, từ vực sâu Ngài nhấc tôi lên, giờ đây tôi được an ninh”. Họ đã gặp gỡ Đức Chúa Jêsus Christ và đời sống của họ được thay đổi cho đến đời đời. Giờ đây, bạn không thể xua họ đi được! Họ yêu mến Chúa. Họ yêu mến dân sự của Ngài, nhà của Ngài, Lời của Ngài, âm nhạc của Ngài; họ yêu mến mọi sự cần phải làm với Ngài!
Bạn không phải săn tìm họ! Họ đã gặp Chúa Jêsus và đời sống họ đà thay đổi! Họ muốn ở gần Ngài suốt cả đời! Ao ước của bạn về Chúa Jêsus và về những việc Ngài yêu mến nói nhiều về mối quan hệ của bạn với Ngài!)
B. Họ muốn chia sẻ về Chúa Jêsus (các câu 40-42) – Không bao lâu sau khi hai người nầy đã gặp Chúa Jêsus, và sự cứu rỗi của họ đã được định liệu rồi, họ muốn chia sẻ Ngài với nhiều người khác. Thực vậy, mỗi lần Anhrê xuất hiện trong bản tường trình Tin Lành, ông đang đưa ai đó đến với Chúa Jêsus. Trước tiên, ông đến gặp anh mình là Simôn Phierơ rồi đưa ông ấy đến với Chúa Jêsus, các câu 41-42. Khi Anhrê đưa Phierơ đến với Chúa Jêsus, ông đang làm một việc lớn lao cho Hội thánh! Phierơ trở thành một nhà truyền đạo Tin Lành rất quan trọng và Đức Chúa Trời đã đại dụng ông đem hàng ngàn người vào trong Hội thánh. Ở Giăng 6, Anhrê là người đã đưa đứa trẻ có mấy cái bánh và vài con cá đến với Chúa Jêsus. Ở Giăng 12 chính Anhrê là người đã giúp cho một nhóm người Hylạp tò mò có được mối tương giao với Chúa Jêsus. Khi Anhrê gặp Đức Chúa Jêsus Christ, một gánh nặng có trong lòng ông phải chia sẻ Cứu Chúa của ông với từng người mà ông gặp gỡ.
Đấy là những gì Chúa Jêsus sẽ làm cho bạn! Ngài cũng rất nhơn từ khi gìn giữ bản thân bạn. Khi bạn gặp gỡ Ngài, bạn cũng sẽ muốn nhiều người khác nhìn biết Ngài nữa. Sẽ có một sự khao khát bùng cháy trong lòng bạn muốn chia sẻ Chúa cao cả nầy với mọi người mà bạn gặp gỡ. Ước ao nầy muốn chia sẻ Cứu Chúa với nhiều người khác là một biểu thị tốt đẹp về mối quan hệ của bạn với Ngài!
Phần kết luận: “Hãy đến xem” – Chúa Jêsus vẫn đang mời gọi người ta hãy đến nhìn xem Ngài. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người đang tìm kiếm nhiều giải đáp ở đó. Họ đang tìm kiếm phương hướng, sự phu phỉ và hy vọng. Nếu bạn có mặt giữa vòng số người đó và bạn đang tìm kiếm nhiều thứ từ cuộc sống, bạn cần phải biết rõ lời mời gọi của Ngài “Hãy đến xem” vẫn còn y nguyên đó.
+ Bạn đã thử mọi sự khác và chẳng có thứ gì đọng lại trong linh hồn bạn. Hãy đến với Chúa Jêsus!
+ Bạn đã thử đi nhà thờ và chẳng có tác động gì cả. Hãy đến với Chúa Jêsus!
+ Bạn đã thử tội lỗi, ma túy, rượu chè, tình dục và từng thứ đời nầy mà bạn có thể tưởng tượng được, song chẳng có hiệu quả gì hết. Hãy đến với Chúa Jêsus!
+ Bạn cần sự giúp đỡ và bạn không thể tìm được ở đâu hết. Hãy đến với Chúa Jêsus!
+ Có thể bạn đã thử Chúa Jêsus trong quá khứ và Ngài không làm chi hết. Vấn đề là không phải với Ngài, mà là chính bạn đấy. Lần nầy, đừng “thử” Ngài nữa, hãy phục theo Ngài hoàn toàn rồi để cho Ngài cứu bạn và nắm lấy quyền tể trị đời sống của bạn. Hãy đến với Chúa Jêsus!
Nếu có những nhu cần dù là loại nào, dù bạn đã được cứu hay bị hư mất, nếu bạn cần sự cứu giúp, Hãy đến với Chúa Jêsus!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét