Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Khải huyền 7:1-8: "LẼ MẦU NHIỆM VỀ 144.000"



Khải huyền 7:1-8
LẼ MẦU NHIỆM VỀ 144.000
Phần giới thiệu: Ở Khải huyền chương 6, chúng ta là những chứng nhân trước một thế giới đang hứng chịu một cơn bão phán xét thiêng liêng. Chúa Jêsus kiểm soát mọi việc trên hành tinh nầy ở chương 5. Ngài bắt đầu mở ra bảy cái ấn cho hành động nầy. Ngài bắt đầu quá trình cứu chuộc hành tinh nầy ra khỏi tay của tội lỗi, tội nhân và Satan.
Chúng ta đã thấy Chúa Jêsus mở sáu trong bảy cái ấn trên cuộn sách. Trước khi Ngài mở ra, đã có một chuỗi sấm sét thật lớn ở trên trời, Khải huyền 6:1. Vì thế, sấm sét làm dấu cho cơn bão thạnh nộ của Đức Chúa Trời đang đến gần. Khi mỗi cái ấn được mở ra, sự phán xét và cơn thạnh nộ bắt đầu đổ ra trên đất. Tôi chỉ muốn nhắc cho bạn nhớ rằng chúng ta đã nhìn thấy điều tệ hại nhất của đau khổ và buồn rầu sẽ giáng trên đất nầy. Sau mấy cái ấn, các tiếng kèn sẽ trổi lên và bảy cái bát sẽ được đổ ra trên đất. Khi chúng ta chuyển sâu hơn vào trọng tâm của sách nầy, chúng ta sẽ đến với sự chết, sự phán xét và buồn rầu cực kỳ.
Trước khi điều đó xảy ra, chúng ta đương diện với một việc thiêng liêng xen vào giữa. Chương bảy là một phân đoạn được đóng trong dấu ngoặc đơn tiêu biểu cho một dấu ngắt trong chương trình của Đức Chúa Trời phán xét thế gian. Phần thứ nhứt của cơn bão đã qua; phần tệ hại nhất chưa thấy được còn nằm trong tương lai. Chúng ta sẽ xem xét các biến cố xảy đến sau đó. Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét phần thứ nhứt của Khải huyền 7.
Chúng ta hãy quan sát khi Chúa mở rộng ân điển cho một nhóm người được chọn ở giữa Kỳ Đại Nạn. Hai nhóm người được xem xét ở đây, trong Khải huyền 7. Nhóm thứ nhứt được xác định là 144.000 người ở các câu 1-8. Nhóm thứ hai được xác định là đám đông được chuộc ở các câu 9-17. Chúng ta sẽ xem xét 144.000 người hôm nay và, nguyện Chúa bằng lòng, lần tới sẽ xem xét số đông người được chuộc. Chúng ta hãy lấy các câu nầy rồi xem Đức Chúa Trời đã phán gì về 144.000 người. Tôi muốn rao giảng Lẽ Mầu Nhiệm Về 144.000 người.
I. NGỪNG NGHỈ CÓ TÍNH TOÁN (các câu 1-3a)
A. Lý do cho sự ngừng nghỉ nầy – Đức Chúa Trời cần một sự bình an trong giây lát giáng trên đất vì Ngài có một công việc thiêng liêng nào đó cần phải giải quyết. Giống như cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời được phủ xuống trên đất, Ngài dừng lại để trả lời một lời cầu nguyện nhiều thế kỷ qua bởi tiên tri Habacúc, Habacúc 3:2. Đồng thời, chương nầy là một sự khích lệ rất lớn! Ngay cả vào thời điểm mà sự chết, đau khổ và thạnh nộ sẽ trị vì, Đức Chúa Trời vẫn mở rộng ân điển và cứu rỗi những linh hồn cho sự vinh hiển của Ngài! Đây luôn luôn là phương pháp hành động của Chúa. Ngài nhớ lại sự thương xót trong lúc thạnh nộ khi huyết của chiên con được bôi trên mày cửa của các ngôi nhà tại Aicập, Xuất Êdíptô ký 12. Ngài nhớ lại sự thương xót trong lúc thạnh nộ khi Ngài giải cứu Lót ra khỏi thành Sôđôm, Sáng thế ký 19. Ngài nhớ lại sự thương xót trong lúc thạnh nộ khi Ngài giải cứu Nôê và gia đình ông ra khỏi nạn lụt, Sáng thế ký 6. Chúng ta hãy nhìn qua chỗ ngắt nầy xem.
B. Các kết quả của sự ngừng nghỉ nầy – Kinh thánh cho chúng ta biết rằng bốn thiên sứ đứng ở bốn góc đất cầm bốn hướng gió lại. Một số thắc mắc ngay tức khắc bắt đầu hình thành trong trí tôi khi tôi đọc các câu nầy.
1. Các thiên sứ nầy là ai? – Từ câu 2, rõ ràng là các thiên sứ nầy đã được ban cho quyền thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên đất. Chữ “làm hại” mang ý tưởng “hành hại không thương xót”. Đây là một bức tranh nói tới sự hủy diệt tuyệt đối. Đây là các thiên sứ báo thù, thi hành sự phán xét.
2. Họ đang làm gì vậy? – Họ đang cầm bốn hướng gió lại. Khi các thiên sứ nầy xuất hiện, chẳng còn có một ngọn gió nào thổi bất cứ đâu trên đất. Sẽ chẳng có một cơn gió lạnh thổi qua lớp băng tuyết đóng trên đỉnh Everest. Sẽ chẳng có làn gió nóng hà hơi của chúng qua các sa mạc nóng cháy trên thế gian. Sẽ chẳng có những cơn gió lành lạnh mơn trớn ở đâu trên thế gian nầy. Các hướng gió sẽ bị đình chỉ trong một lúc.
Đây là sự tỏ ra quyền phép thiêng liêng rất đáng sợ. Các hướng gió thổi qua bầu khí quyển của thế gian nầy được lèo lái bởi các thế lực mạnh kinh khủng như mặt trời và sự quay vòng của trái đất. Tuy nhiên, bốn thiên sứ có khả năng cầm các hướng gió lại. Từ ngữ “cầm” dịch một từ rất mạnh. Nó được dùng để nói tới những con ngựa đang căng thẳng chống lại hàm khớp của nó. Các hướng gió nầy đang vật vã muốn thoát ra khỏi sự cầm giữ của các thiên sứ.
3. Các hướng gió có ý nói tới điều gì? – Chữ “các hướng gió” sẽ được xem xét sát nghĩa. Như tôi đã nhắc qua, sẽ chẳng có một cơn gió nào thổi ở trên đất. Tuy nhiên, có một ý nghĩa trong đó Kinh thánh sử dụng gió theo một ý nghĩa thuộc linh. Ôsê 8:7 chép: “Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc”. Vậy, các thiên sứ nầy đang cầm giữ lại ngọn gió phán xét thiêng liêng không thổi ra trên đất nữa. Có một thời gian tạm lắng trong cơn bão khi Đức Chúa Trời lo liệu cho các tôi tớ Ngài. Đức Chúa Trời cầm các ngọn gió phán xét thiêng liêng của Ngài lại để chúng sẽ không thổi trong một thời gian.
4. “Bốn góc đất” có ý nói tới điều gì? – Có phải điều nầy muốn nói rằng Đức Chúa Trời nghĩ đất là bằng phẳng chăng? Tất nhiên là không rồi! Ngài trả lời cho điều đó ở Êsai 40:22. Đây là cách nói đề cập đến bốn điểm trên tấm hải đồ. Hiển nhiên, đây là cách nói bóng. (Minh họa: Người Do thái xưa tin rằng những ngọn gió thổi ra từ hướng bắc, hướng nam, hướng đông hay hướng tây đều đáng được ưa thích hay chúng là những cơn gió lành. Họ cũng tin rằng các ngọn gió đã đến từ giữa các hướng nầy, vì vậy từ bốn góc đất là những cơn gió không được tốt. Những cơn gió nầy chắc chắn được mô tả là những cơn gió xấu!)
5. Đâu là ý nghĩa của con số 4? – Sách Khải huyền sử dụng nhiều con số lắm. Thường thì các con số nầy đều có ý nghĩa thuộc linh kèo theo chúng. Thí dụ, con số 7 là con số trọn vẹn thiêng liêng. Có 7 ngày trong một tuần và 7 màu sắc cầu vồng. Khải huyền xác định 7 Hội thánh, 7 cái ấn, 7 tiếng kèn, 7 cái bát, 7 cái sừng, v.v…
Mặt khác, 4 là số của đất. Có 4 mùa, 4 nguyên tố – đất, gió, lửa và nước, 4 hướng, v.v…
Ở đây, 4 thiên sứ cầm bốn hướng gió lại ở 4 góc đất. Con số nầy chỉ cho chúng ta biết rằng chúng ta đang xử lý với các biến cố đang diễn ra trên đất. Đây là thời điểm phán xét thế gian!
I. Một sự ngừng nghỉ có tính toán
II. MỘT NHÂN VẬT THIÊNG LIÊNG (các câu 2-3)
A. Lai lịch của thiên sứ nầy – Theo Giăng nhìn thấy, vị thiên sứ thứ năm xuất hiện trên đất. Thiên sứ nầy dấy lên từ hướng đông giống như mặt trời ban sáng vậy. Có người lấy điều nầy để cho rằng vị thiên sứ nầy chẳng ai khác hơn Đức Chúa Jêsus Christ. Tuy nhiên, chữ “khác” dịch từ Hylạp “allos”, và cho chúng ta biết rằng vị thiên sứ nầy đúng là một thiên sứ.
Chúng ta không thể biết Ngài là ai, nhưng chúng ta biết Ngài có quyền phép rất đáng sợ. Ngài đến truyền cho bốn vị thiên sứ kia cầm lại sứ mệnh hủy diệt của họ trên đất.
B. Các ý định của vị thiên sứ nầy – Thiên sứ nầy đã đến để “đóng ấn trên trán những tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta”. Đồng thời, nếu bạn không biết điều đó lúc bây giờ, Satan là một kẻ bắt chước. Xuyên suốt quyển sách nầy, hắn được xem là đang ra sức sao y nhiều việc mà Đức Chúa Trời đã làm và đang làm. Chúng ta sẽ nhìn thấy cách hắn đánh dấu trên các tôi tớ của hắn ở Khải huyền 13:16-17. Hắn sẽ ban cho họ “dấu của con thú”. Con dấu nầy sẽ xác nhận họ là tôi tớ của hắn. Trong phân đoạn nầy, chúng ta sẽ nhìn thấy Giêhôva Đức Chúa Trời khi Ngài đóng ấn các tôi tớ của Ngài.
Từ ngữ “ấn” đề cập tới một hiệu lực chính thức. Nó đem vào lý trí loại nhẫn dùng làm dấu mà các vì vua hay sử dụng để đánh dấu các văn bản chính thức. Một mẫu sáp sẽ được đóng vào văn bản và chiếc nhẫn làm dấu của nhà vua sẽ được ấn lên đó. Cái ấn nầy xác nhận tài sản, sự bảo hộ và sự gìn giữ. Điều nầy được thấy vài lần trong Lời của Đức Chúa Trời, Sáng thế ký 41:42; Êxơtê 3:10; Đaniên 6:17; Mathiơ 27:66.
Trong Kinh thánh, có vài trường hợp Đức Chúa Trời đóng ấn trên dân sự của Ngài. Nôê và gia đình của ông đã được đóng ấn trong chiếc tàu, Sáng thế ký 7:16. Raháp đã được đóng ấn bởi sợi chỉ đỏ điều treo trên cửa sổ nhà nàng, Giôsuê 2:18. Con cái của Israel đã được đóng ấn bởi huyết chiên con trên mày cửa của nhà họ, Xuất Êdíptô ký 12:13. Trường hợp rõ ràng nhất về sự nầy nằm ở Êxêchiên 9:3-6. Giống như Đức Chúa Trời đã đóng ấn cho các tôi tớ Ngài trong thời của Êxêchiên và đã bảo hộ cho họ, Ngài sẽ làm y như thế cho các tôi tớ Ngài trong suốt Kỳ Đại Nạn đó.
(Lưu ý: Trong khi chúng ta neo vào đề tài nầy, cho phép tôi nhắc cho bạn nhớ rằng nếu bạn đã được cứu hôm nay, bạn cũng đã được Đức Chúa Trời ấn chứng rồi. Bạn đã được Ngài ấn chứng cho. Ở Êphêsô 1:13-14, Kinh thánh chép: “Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài”).
Khi bạn đã được cứu, một con dấu không thấy được bằng mắt thường đã được đóng trên bạn. Không một ai nhìn thấy con dấu ấy, nhưng nó vẫn có ở đó. Đức Chúa Trời đã đóng ấn bạn ngay thời điểm đó và Ngài đánh dấu cho bạn thuộc riêng về Ngài. Con dấu không thấy được nầy có ý nói tới điều gì?
1. Đây là con dấu nói tới tài sản – Đức Chúa Trời đóng con dấu của Ngài trên đời sống của bạn và ghi dấu bạn là tài sản của Ngài! Ngài xưng bạn thuộc về Ngài. Ngài đã trả cái giá rất cao để chuộc bạn ra khỏi tội lỗi của bạn và Ngài sở hữu bạn ngay lúc bây giờ, I Côrinhtô 6:19-20. Vì Ngài sở hữu bạn, Ngài sẽ tái lâm để đón rước bạn một ngày kia. Ngài sẽ không để cho bạn phải rơi vào tay kẻ thù đâu.
2. Đây là con dấu nói tới sự bảo hộ – Khi chúng ta thuộc về Ngài, chúng ta có thể mong Ngài bảo hộ cho chúng ta tránh mọi cuộc công kích của kẻ thù. Satan sẽ chẳng thích gì hơn là đánh bại chúng ta và kéo linh hồn chúng ta xuống địa ngục, I Phierơ 5:8. Nhưng, vì chúng ta đã được đóng ấn, hắn không thể làm chi chúng ta được. Chúng ta được “quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho”, I Phierơ 1:5. Từ ngữ “giữ cho” có nghĩa là “được bảo vệ”. Chúa có một sự canh giữ đời đời bao quanh linh hồn chúng ta và chúng ta đã được đóng ấn và được an ninh ở trong Ngài!
3. Đây là dấu ấn gìn giữ – Êphêsô 4:30 – Câu nầy cho chúng ta biết cái ấn nầy kéo dài bao lâu. Chúng ta đã được đáng ấn cho tới ngày chúng ta về đến quê hương trong sự vinh hiển. Giống như cái bình đậu được đóng ấn cho tới khi có ai đó bật cái ấn ấy ra, chúng ta đã được Đức Chúa Trời đóng ấn và chúng ta được an ninh trong Ngài cho tới ngày chúng ta về đến quê hương trên thiên đàng.
I. Một sự ngừng nghỉ có tính toán
II. Một nhân vật thiêng liêng
III. MỘT DÂN PHÂN BIỆT (các câu 4-8)
(Minh họa: Bây giờ, chúng ta được giới thiệu cho biết hạng người mà thiên sứ hiện đến để đóng ấn. Ngài gọi họ là “những tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta”. Từ ngữ “tôi tớ” là từ nói tới “nô lệ”. Số người nầy đã được cứu, được đóng ấn, đã được bán làm tôi tớ của Chúa Jêsus. Nhưng, họ là ai và họ làm gì?)
A. Gốc gác của họ (các câu 4-8) – Kinh thánh nói rõ nơi xuất thân của số người nầy. Họ ra từ “các chi phái dân Y-sơ-ra-ên”. Trải qua nhiều năm, có nhiều nhóm người đã tìm cách xưng họ là một phần của 144.000 người. Các chứng nhân Giêhôva, Hội thánh Toàn Cầu của Đức Chúa Trời, Những tín đồ Cơ đốc phục lâm, giữa vòng nhiều nhóm khác nữa, hết thảy đều tìm cách đưa ra lời xưng nhận đó. Phải, nếu có ai đến gặp bạn rồi xưng nhận mình là một phần của 144.000 người ấy, chỉ hãy hỏi họ xem họ thuộc chi phái nào!?! Chỉ bấy nhiêu thôi, chắc có lẽ họ sẽ bỏ chạy mà thôi. Nhiều người khác cho rằng 144.000 nầy tiêu biểu cho Hội thánh. Tuy nhiên, câu Kinh thánh nói rõ rằng 144.000 người nầy là người Do thái, được kêu gọi, được cứu từ các chi phái của Israel.
Điều nầy đem vào lý trí một vài thắc mắc cần phải được giải đáp về số người Do thái nầy.
1. Tại sao phải có chính xác 12.000 người từ mỗi chi phái trong 12 chi phái? – 12 trong Kinh thánh là con số được gắn với dân Israel. Có 12 chi phái trong Israel. Có 12 ổ bánh trên bàn trần thiết trong đền tạm. Có 12 cổng trong thành Jerusalem. Có 12 hòn đá trên bảng đeo ngực của thầy tế lễ thượng phẩm. Chúa đang tỏ ra cho chúng ta thấy số người nầy ra từ dân Israel. Điều nầy dạy cho chúng ta một bài học có giá trị: Đức Chúa Trời chưa làm xong việc với dân Israel! Ngài có một chương trình cho sự phục hồi và cứu chuộc họ trong tương lai, Rôma 9-11.
2. Tại sao có một số chi phái không được nhắc tới? – Các chi phái Đan và Épraim không được nhắc tới, trong khi chi phái Lêvi, là chi phái không nhận lấy cơ nghiệp giữa vòng các chi phái khác. Bạn cũng phải lưu ý rằng chi phái Giôsép đã được nhắc tới. Trở lại ở Sáng thế ký 48, hai con trai của Giôsép là Manase và Épraim đều được làm con nuôi của Giacốp và được ban cho một cơ nghiệp trong Israel. Điều nầy cho thấy rằng Đan và Épraim không được nhắc tới ở đây vì họ đã bỏ đi sa vào sự thờ lạy hình tượng trong những năm tháng của vương quốc. Vì lẽ đó, họ bị loại ra khỏi danh sách.
3. Làm thế nào và khi nào 144.000 người nầy được cứu? – Tôi tin họ sẽ được cứu do sự rao giảng của Hai Chứng Nhân được nhắc tới trong Khải huyền 11:1-12. Đức Chúa Trời sẽ sai hai nhà truyền đạo đến giảng Tin Lành tại thành Jerusalem. 144.000 người nầy sẽ trở lại đạo và sẽ được đóng ấn cho một chức vụ đặc biệt bởi Chúa.
4. Điều gì khiến cho họ được đặc biệt đến thế? – Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta phải tiến nhanh đến Khải huyền 14:1-5. Ở đó, chúng ta biết được rằng số người nầy rất thanh sạch về mặt tình dục. Họ là những người còn trinh khiết. Chúng ta cũng được cho biết rằng họ hoàn toàn dâng mình cho Chiên Con của Đức Chúa Trời. Họ đi theo Ngài bất cứ đâu Ngài đi đến. Họ làm theo mạng lịnh của Ngài mà chẳng thắc mắc. Họ cũng được gọi là “trái đầu mùa” cho Đức Chúa Trời và Chiên Con. Họ là những người đầu tiên trong số đông được cứu trong những ngày tăm tối, nguy hiểm, chết chóc của Kỳ Đại Nạn.
Có một việc khác đánh dấu họ thật đặc biệt, ấy là Đức Chúa Trời biết rõ họ là ai! Chỉ có một người Do thái duy nhứt trong toàn bộ vũ trụ biết mình xuất thân từ chi phái nào. Có một người Do thái còn sở hữu bản gia phổ chính xác về tổ phụ của mình và danh Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài xuất thân từ chi phái Giuđa, Mathiơ 1. Không một người Do thái nào khác biết mình xuất thân từ chi phái nào vì hết thảy các bản gia phổ đều bị hủy diệt vào năm 70SC khi Titus, vị Tướng lãnh Lamã, đã hủy diệt đền thờ tại thành Jerusalem. Bản ghi chép sự ra đời đã được cất ở đó và chúng đã bị hủy diệt cho đến đời đời.
Giờ đây, không một người Do thái nào biết mình xuất thân từ chi phái nào, nhưng Đức Chúa Trời biết. Ngài biết cách thức tìm ra họ. Ngài biết làm sao để cứu họ. Ngài biết cách sử dụng họ.
B. Công việc của họ – Giờ đây, chúng ta có một ít thông tin về số người nầy, chúng ta hãy nhìn vào sứ mệnh của họ trong Kỳ Đại Nạn xem. Trở lại ở Mathiơ 24:14, Kinh thánh chép: “Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến”. Bất chấp 2.000 hội truyền giáo và công tác truyền giáo, câu nầy chưa hề ứng nghiệm. Có hàng trăm ngàn người trong thế giới của chúng ta, họ chưa hề nghe đến danh của Chúa Jêsus, chưa nghe đến Tin Lành ân điển.
Có nhiều nơi trong thế giới của chúng ta, ở đó các giáo sĩ không thể đến được. Trong Kỳ Đại Nạn, điều đó sẽ thay đổi. Chúa sẽ dấy lên đội quân 144.000 nhà truyền đạo Do thái đã được biến đổi, họ sẽ đem Tin Lành đến các đầu cùng đất. Họ sẽ làm ứng nghiệm lời tiên tri ở Mathiơ 24:14. Antichrist sẽ tìm cách ngăn chặn họ, nhưng hắn sẽ vô quyền không ngăn được chức vụ của họ. Hắn sẽ không có khả năng buộc họ phải câm nín, giết chết hay ngăn trở họ. Họ đã được đóng ấn bởi Đức Chúa Trời và họ sẽ được bảo hộ cho tới chừng chức vụ của họ đã được trọn. Bạn có bao giờ gặp một người Do thái trở lại đạo chưa? Khi một người Do thái đạt tới chỗ tin theo Đấng Christ, bạn chưa hề gặp bất kỳ ai sốt sắng nhiều vì linh hồn như một người Do thái đã được lại sanh!
(Lưu ý: Trong mọi dự tính và nhiều mục đích, Hội thánh đã thất bại trong các nổ lực đến với thế gian. Chúng ta đã chi ra hàng triệu đôla và thế gian vẫn đầy dẫy với những kẻ vô tín và chưa đến được với họ. Chúng ta đang sống trong hệ thông tin toàn cầu mà chúng ta vẫn chưa thể đem Tin Lành đến cho các dân tộc ở trên đất. Nguyện Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta, chúng ta vẫn chưa đem Tin Lành đến cho chính thành phố của chúng ta!
Hết thảy mọi điều đó sẽ thay đổi trong Kỳ Đại Nạn! Bạn sẽ không hình dung nổi sự ấy đâu, nhưng Kỳ Đại Nạn sẽ nhìn thấy nổ lực truyền giáo vĩ đại nhất mà thế gian từng chứng kiến. 144.000 nhà truyền đạo Do thái đã được chuộc nầy sẽ đem Tin Lành đi khắp thế giới và kết quả là một đoàn dân đông sẽ được cứu.
Điều nầy làm cho tôi phấn khích! Tôi rất vui sướng khi Chúa sẽ chuộc lấy hàng triệu người trong Kỳ Đại Nạn. Tôi vẫn muốn nhìn thấy chúng ta làm nhiều hơn để phân phát Tin Lành ra trong thời của chúng ta! Chúng ta có thể làm tốt hơn, chúng ta nên làm tốt hơn và chúng ta phải làm tốt hơn!)
Phần kết luận: 144.000 người nầy vẫn là một lẽ mầu nhiệm đối với tôi. Chúng ta sẽ nghiên cứu họ sâu sắc hơn khi chúng ta đến với chương 14. Còn bây giờ, chúng ta nên dành ra một phút cảm tạ Đức Chúa Trời vì ân điển của Ngài. Chúng ta nên ngợi khen Ngài vì Ngài có một chương trình rất lớn để cứu nhiều người trong trong thời điểm kinh khủng nhất mà thế gian từng nhìn biết. Chúng ta cũng nên cảm tạ Ngài vì chức vụ đóng ấn của Ngài trong đời sống của chúng ta. Đúng là một ơn phước khi nhìn biết chúng ta đã được đóng ấn và chúng ta được an ninh, an toàn trong Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta cũng phải nhìn vào mọi nổ lực của chúng ta khi chia sẻ Tin Lành trong thời buổi nầy. Tôi không biết về bạn, nhưng tôi tự lấy làm xấu hổ! Tôi có thể làm công việc đem Tin Lành gieo ra tốt hơn và tôi muốn bạn cầu thay cho tôi.
Vì thế, đây là lời mời gọi. Nếu bạn muốn ngợi khen Chúa vì ân điển của Ngài trong đời sống bạn và vì ấn mà Ngài đã đóng trên bạn, hãy đến mà ngợi khen ngay bây giờ đi. Nếu bạn muốn cầu xin Ngài giúp đỡ bạn trở thành một chứng nhân tốt hơn cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bạn hãy đến ngay bây giờ đi. Nếu bạn muốn được cứu hầu cho bạn tránh được Kỳ Đại Nạn, bạn có thể làm điều đó ngay bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét