Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

II Côrinhtô 4:16-18: "Tại sao chúng ta chẳng ngã lòng"



Tại sao chúng ta chẳng ngã lòng
II Côrinhtô 4:16-18
“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn" (II Côrinhtô 4:16).
“Đức Chúa Trời của tôi cao cả hơn nhiều lúc bây giờ”.
Đấy là câu nói mà bạn tôi, Mục sư Peter đã nói với tôi khi chúng tôi trao đổi cách đây mấy ngày. Peter đang lãnh đạo một Hội thánh tư gia và trong mấy năm gần đây là nhân sự “Keep Believing” của chúng tôi ở Trung Hoa. Cách đây chưa đầy một tuần, cảnh sát đã ụp đến ba lần tìm cách và đóng cửa Hội thánh của ông. Thế rồi Chúa nhựt vừa qua, họ lại đến nữa và ngắt ngang buổi thờ phượng. Khi ông sửa soạn đứng lên giảng, cảnh sát xuất hiện đột ngột ụp vào buổi thờ phượng, yêu cầu ông thôi không giảng nữa và ra lịnh cho dân chúng phải giải tán. Peter đã trả lời họ trước hội chúng rằng Hội thánh sẽ không giải tán. Cảnh sát nói họ sẽ giải tán dân chúng, còn Peter thì nói: “Họ sẽ chẳng nghe các ông đâu. Họ sẽ nghe theo tôi là Mục sư của họ”. Khi cảnh sát dẫn ông ra, dân chúng đã đứng dậy, vỗ tay và cổ vũ Mục sư Peter và dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
Sau hai giờ thẩm vấn, Peter được phép về nhà. Ông nói ông biết thử thách nầy là do Đức Chúa Trời gửi đến để khiến cho Hội thánh được mạnh mẽ hơn. Ông rất dứt khoát về sự ấy. Ông nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong mọi điều đã xảy ra.
Họ sẽ phải tìm một chỗ mới để nhóm lại. Điều đó là chắc chắn. “Nhà cầm quyền nghĩ nếu họ đóng cửa nơi nhóm lại của chúng tôi, họ đã đóng cửa Hội thánh. Nhưng họ đã lầm. Họ không thể đóng cửa Hội thánh vì Hội thánh thuộc về Đức Chúa Trời”.
Dường như Peter rất thoải mái khi tôi trò chuyện với ông. Ông biết rõ nhiều việc rồi đây sẽ tệ hại hơn. Nhưng ông cũng nói: “Đức Chúa Trời của tôi cao cả hơn nhiều lúc bây giờ”. Và ông muốn như thế cho cả Hội thánh. Ông nói cho tôi biết trong Hội thánh của ông có nhiều thanh niên với bằng cấp đại học và nhiều người khác với bằng cấp cao hơn nữa. “Chúng tôi có một sự hiểu biết rất tốt về Kinh thánh, nhưng giờ đây chúng tôi sẽ có đức tin ấy ở trong lòng chúng tôi. Bây giờ chúng tôi sẽ kinh nghiệm Đức Chúa Trời theo một phương thức mới”.
Ông tóm tắt tuần lễ sau cùng trong một câu nói rất có năng quyền. “Giờ đây chúng tôi biết Emmanuên thực sự có ý nghĩa như thế nào vì Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng tôi ".
Sau nầy, khi tôi suy nghĩ về việc ấy, tôi nhận ra rằng loại trí hiểu nầy chỉ đến qua những lần hoạn nạn. Hết thảy chúng ta đang vật vã với sự khác biệt giữa “hiểu biết bằng cái đầu” và “hiểu biết bằng tấm lòng”. Bạn không bao giờ biết bạn thực tin cái gì cho tới chừng cơn khủng hoảng đến.
Khi Peter viết cho hội chúng của ông cách đây mấy ngày, ông trình bày vấn đề theo cách nầy:
Tôi tin sự bắt bớ nầy đã đến từ Đức Chúa Trời, đây là phần khởi sự cho cơn phấn hưng mới về mặt thuộc linh, vì sự bắt bớ nầy sẽ đưa đức tin của chúng ta từ cái đầu đến với tấm lòng, từ môi miệng đến với hai đầu gối của chúng ta. Tôi tin từ thời điểm nầy trở đi, càng có nhiều anh chị em sẽ thay đổi từ cách nói năng trống không về đức tin đến chỗ quì gối xuống mà cầu nguyện. Đây là điều đẹp lòng Đức Chúa Trời và đây là những gì chúng ta có cần!
Tôi yêu các bạn, và tôi sẽ ở với các bạn trong việc kinh nghiệm cơn phấn hưng và sự tấn tới thuộc linh nầy. Bất luận thời thế khó khăn như thế nào, chúng ta đừng ngã lòng, nhưng thay vì thế hãy cứ mạnh mẽ càng hơn.
“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng”. Đấy chính xác là điều Phaolô nói hai lần ở II Côrinhtô 4.
“Vậy nên, chúng tôi nhờ sự thương xót đã ban cho, mà được chức vụ nầy, thì chúng tôi chẳng ngã lòng” (câu 1).
“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng” (câu 16).
Hay như bản dịch NLT chép: “Đấy là lý do tại sao chúng ta chẳng ngã lòng”. Đó là tiếng kêu la rất long trọng. “Chúng ta chẳng ngã lòng”. Trong phân đoạn nầy Phaolô tỏ ra bí quyết của sự nhịn nhục Cơ đốc. Đây là ba lý do tại sao chúng ta chẳng ngã lòng.
I. Chúng ta kinh nghiệm sự sống ở giữa sự chết.
“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (câu 16).
Khi Phaolô nói dầu chúng ta bề ngoài hư nát, những người trẻ tuổi hiểu ngay ông muốn nói gì rồi. Ý của ông bị mất đi đối với lớp người trẻ vì ít nhiều gì thì họ không cảm thấy như họ đang bị hư nát đâu. Khi bạn 18 tuổi và mới tốt nghiệp trung học, bạn cảm thấy như toàn bộ cuộc sống của mình được trải dài ra trước mặt bạn. Bạn nghĩ bạn sẽ sống đời đời cho dù bạn biết bạn không thể. Còn trẻ và đầy năng lực là một việc rất tuyệt vời. Bạn sẽ tận hưởng nó vì cuộc sống sẽ làm thay đổi nhận định của bạn ngay thôi.
Mới đây nghệ sĩ/đạo diễn/nhà văn huyền thoại Woody Allen đã dành một cuộc phỏng vấn cho tờ New York Times trong đó ông đã nói về chính đức tin mình ở tuổi 74. Ông nói rõ là ông không tin nơi Đức Chúa Trời:
Hỏi: Điều nào hợp lý hơn cho ông, chúng ta đã sống những đời sống trong quá khứ, hay là có một Đức Chúa Trời?
Đáp: Chẳng có cái nào hợp lý đối với tôi cả. Tôi có đánh giá rất khoa học, rất dứt khoát về việc ấy. Tôi chỉ cảm thấy, cái gì bạn nhìn thấy là những gì bạn đang có.
Rồi có câu hỏi nầy:
Hỏi: Ông cảm thấy thế nào về quá trình già đi?
Đáp: À, tôi đang chống lại nó. Tôi nghĩ chẳng có gì phải nói tới nó cả. Bạn không kiếm được bất kỳ sự khôn ngoan nào khi năm tháng trôi qua. Bạn sẽ héo mòn, là điều đang xảy ra. Con người đang ra sức và đánh một lớp véc-ni thật đẹp lên nó, rồi nói, đúng rồi bạn già dặn quá. Bạn đạt tới chỗ hiểu biết cuộc sống và chấp nhận mọi việc. Nhưng bạn đã bán hết mọi thứ trong cuộc sống ấy khi ở tuổi 35. Tôi đã kinh nghiệm việc đó ở chỗ bạn thức giấc lúc nửa đêm và bạn khởi sự suy nghĩ về tình trạng hay chết của chính mình và mường tượng nó, và nó cung ứng cho bạn một ít rùng mình.
Đối với mọi thành tựu theo đời nầy của ông, Woody Allen dường như chẳng tiếp thu được gì có giá trị về thực tại cả. Khi ông già hơn nữa, ông bắt đầu biến đi cũng như hết thảy chúng ta biến đi chẳng sớm thì muộn. Nhưng ông chẳng có câu trả lời nào cho sự biến đi đó, chẳng có hy vọng gì đối với sự chết hầu đến của chính ông.
Khi Phaolô nói hết thảy chúng ta rồi sẽ hư nát đi, ông muốn nói hoàn toàn theo nghĩa đen. Có phải bạn biết rõ thân thể con người đã được lập trình hướng tới sự chết không? Các nhà khoa học sử dụng thuật ngữ apoptosis để mô tả “sự chết tế bào đã được lập trình” nầy. Trong thân thể người lớn, trung bình giữa 50 và 70 tỉ tế bào dãy chết mỗi ngày. Hãy suy nghĩ về sự ấy. Bạn mất đi ít nhất 50 tỉ tế bào ngày hôm qua, bạn sẽ mất đi ít nhất con số ấy hôm nay. Vào thời điểm nầy tuần tới, bạn sẽ mất đi 350 tỉ tế bào phải chết vì nó đã được lập trình như thế. Không có gì phải lạ lùng, hết thảy chúng ta đều cảm thấy mình đang bị hư nát. Điều đó rất thực đấy. Khi Phaolô nói rằng “sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người” ở Rôma 5:12, không những điều đó rất thực trong lãnh vực thuộc linh, mà nó còn rất thực trong lãnh vực thuộc thể nữa.
Chúng ta đang dãy chết mọi lúc mọi khi. Từng chút một thân thể của chúng ta đang bị hư mát. Không một ai có thể tránh thoát được nó. Điều đó đang xảy ra cho tôi. Tuần nầy tôi kỷ niệm (nếu đấy là cách nói đúng đắn) sinh nhựt lần thứ 58 của tôi. Đây là những gì tôi thấy. Chữ in trên báo thấy càng nhỏ đi! Và dường như không nghe rõ như tôi nghe cách đây 10 năm. Thân thể tôi không phản xạ nhanh như nó phản xạ cách đây 20 năm. Người trẻ tuổi có vẻ trẻ nhiều hơn họ muốn. Và “người già” dường như có vẻ già đi giống như họ khi còn trẻ. Tuần nầy Marlene và tôi đến dự một hội nghị tại Washington, DC. Khi chúng tôi băng qua khu vực cấm, chúng tôi nhìn thấy một chỗ dành cho toán lo tiệc ích cho những người lớn trên tuổi 55. Có người nắm lấy tay tôi rồi thử giọng. Sau đó Marlene muốn rõ làm thể nào ông ta biết chúng tôi trên 55 tuổi. Chẳng có gì khó khi hình dung ra việc đó. Bạn không thể thoát được quá trình lão hóa.
Nhưng có một thực tại khác đang tác động bên trong chúng ta. Trong khi chúng ta đang chết ở bên ngoài, nghĩa là, trong thân thể xác thịt của chúng ta, ở bên trong, trong lãnh vực thuộc linh, chúng ta đang được đổi mới bởi Đức Chúa Trời theo từng ngày một. Và những việc nầy đang xảy ra cùng một lúc.
Chúng ta đang chết.
Chúng ta đang sống.
Chúng ta đang héo mòn dần.
Chúng ta đang được đổi mới.
Chúng ta đang hướng tới sự chết.
Chúng ta đang kinh nghiệm sự sống mới.
Đấy là lý do tại sao Phaolô không lo lắng thái quá về kẻ thù có giết chết ông hay không.
Nếu họ giết ông, ông đang chiến thắng!
Nếu họ không giết ông, ông vẫn đang chiến thắng!
Điều nầy có vẻ kỳ lạ đấy, Phaolô nhìn thấy mọi hoạn nạn của ông là một phần trong chương trình của Đức Chúa Trời để đổi mới ông về mặt thuộc linh. Cách đây nhiều năm (tôi vẫn sử dụng phần minh họa nầy) chúng ta thường hát: “Mỗi ngày với Chúa Jêsus thì ngọt ngào hơn ngày hôm qua”. Ấy chẳng phải mỗi ngày có vẻ như ngọt ngào hơn hay cảm thấy ngọt ngào hơn hoặc mỗi ngày ấy đều là cái giường rải đầy hoa hồng. Không phải vậy đâu. Có ngày rất tối tăm và thất vọng. Nhưng sự “ngọt ngào” của Chúa Jêsus có thể thấy được trong sự nhơn từ của Ngài đối cùng chúng ta ở giữa mọi hoạn nạn của mình. Từ lúc nầy đến lúc khác, chúng ta gặp gỡ một thánh đồ của Đức Chúa Trời, là người đã nếm trải chỗ nước sâu đã nổi lên xinh đẹp hơn lúc trước nhiều. Tôi đã nhìn thấy điều nầy xảy ra nơi những người hấp hối vì chứng ung thư. Bạn có thể nhìn thấy đức tin của họ cụ thể lớn lên mạnh mẽ hơn khi thân thể của họ càng yếu đi. Họ đang kinh nghiệm sự sống ở giữa sự chết. Phaolô nói điều nầy là chương trình của Đức Chúa Trời dành cho mọi con cái của Ngài – đổi mới thuộc linh hàng ngày.
Đấy là lý do thứ nhứt mà chúng ta chẳng ngã lòng.
II. Chúng ta nhìn thấy sự vinh hiển ở cuối sự đau khổ.
“Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên” (câu 17).
Khi chúng ta nếm trải hoạn nạn lớn, hiếm khi có vẻ là “sự sáng” hay “không lâu” đối với chúng ta đâu. Thay vì thế, nó có vẻ như mọi rắc rối của chúng ta sẽ không bao giờ kết thúc và chúng ta sẽ bị chà nát một cách hoàn toàn. Nếu vậy, thì sao Phaolô có thể nói ra những sự nầy với lòng tin tưởng như thế chứ? Nếu cuộc sống nầy chỉ là như thế, thì Woody Allen đã đúng trong đánh giá dứt khoát của ông ta: “cái gì bạn nhìn thấy là những gì bạn đang có". Nhưng ở mặt kia, có lẽ ông ta đã nói ra sự thật còn sâu sắc hơn ông ta đã biết. Một khi cuộc sống nầy là những gì Woody Allen có thể nhìn thấy, nhận định của ông ta chỉ dẫn tới sự tăm tối và thất vọng theo ý thức hệ hiện sinh.
Cơ đốc nhân “nhìn thấy” một việc mà nhiều người khác không nhìn thấy. Chúng ta “nhìn thấy” bên kia cuộc sống nầy một đời sống hầu đến. Chúng ta hiểu bất luận những gì chúng ta chịu đựng lúc bây giờ, ở đó đang chờ đợi chúng ta là một “sự vinh hiển đời đời” còn trổi hơn những gì xảy ra cho chúng ta trong đời nầy. Khi Mục sư S. Lewis Johnson rao giảng về phân đoạn Kinh thánh nầy, ông trưng dẫn câu nói của Dan Crawford, một vị giáo sĩ ở châu Phi, về sự chết của một vị giáo sĩ đồng sự. Mục sư Crawford mô tả người thánh đồ quá cố nầy là:
“một lữ khách trông rất yếu ớt với niềm hy vọng của Phaolô trong ánh mắt của ông. Vì vậy người thánh đồ đã ngã chết tại vị trí của mình. Ông đã chết trong sự vinh hiển giống như các ngôi sao tắt lịm lúc mặt trời mọc vậy”.
Tôi thích một phần trong câu nói đó. Một mặt, chúng ta hết thảy đều là những “lữ khách trông rất yếu ớt” khi chúng ta trải qua thời gian ở trên đất nầy. Vì vậy, có nhiều việc có thể xảy ra cho chúng ta. Chúng ta có thể mắc chứng ung thư hay chúng ta có thể sống ngắn ngủi trong một trận đánh hoặc chúng ta có thể gục ngã với chứng đột biến tim. Khi tôi soạn sứ điệp nầy, chúng tôi đã nhận được tin từ một người ở độ tuổi 40, ông ta bị nghiến nát cho đến chết giữa hai chiếc xe tải chở xi-măng. Lằn tuyến giữa sự sống và sự chết rất mong manh đối với hết thảy chúng ta.
Vì thế, đức tin Cơ đốc của chúng ta nói gì về sự chết? Nó cho chúng ta biết rằng người tin Chúa trong Đấng Christ “chết trong sự vinh hiển” (đúng là một bức tranh rất đẹp). Các ngôi sao tắt lịm đi khi mặt trời mọc vì mặt trời mạnh sức kia mọc lên trên đường chân trời phía Đông. Dù vậy, chúng ta ngã chết trong cuộc sống nầy và sống lại với Đấng Christ là Vua của chúng ta. Vào tháng 11 năm 1941, Mục sư C. S. Lewis đã giảng một bài về phân đoạn Kinh thánh nầy có đề tựa Gánh Nặng Của Sự Vinh Hiển. Có người nghĩ đấy là bài giảng hay nhứt mà ông đã từng soạn ra. Ở một điểm, ông cố sức tưởng tượng “gánh nặng vinh hiển đời đời” nầy có nhiều giá trị hơn mọi thử thách của chúng ta trong hiện tại. Ông trình bày vấn đề như sau:
Chúng ta cần phải chiếu sáng như mặt trời, chúng ta cần phải chiếu ra như Sao Mai. Tôi nghĩ tôi bắt đầu nhìn thấy điều đó có ý nghĩa gì rồi. Tất nhiên là ở một mặt, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ngôi Sao Mai rồi: bạn có thể đi và tận hưởng món quà vào nhiều buổi sáng đẹp trời nếu bạn chịu thức dậy sớm. Bạn có thể thắc mắc, chúng ta còn muốn cái gì nữa? A, nhưng chúng ta muốn nhiều thứ hơn – cái gì đó mà sách vỡ nói ít nhiều về mặt thẩm mỹ. Nhưng các thi sĩ và các nhà thần thoại học hết thảy đều biết về sự ấy. Chúng ta không chỉ muốn nhìn thấy vẻ đẹp, mặc dù Đức Chúa Trời biết đủ về sự hào phóng đó. Chúng ta muốn điều chi khác khó mà nói thành lời được – phải được kết hợp với vẻ đẹp mà chúng ta đang nhìn thấy, nếm trải nó, nhận lãnh nó cho chính mình, nhuần gội nó, trở thành một phần trong nó.
Rồi kế đó ông nói:
Cánh cửa mà mọi đời sống chúng ta gõ trên đó sau cùng sẽ mở ra.
Đây đúng là những gì Phaolô muốn nói, cho dù chúng ta có nhìn nhận hay chúng ta không thực sự hiểu nó. Và làm sao chúng ta có thể đứng ở phía bên nầy của cánh cửa dẫn tới sự vinh hiển đời đời được!?!
Chúng ta đã rõ về một điểm. Chúng ta nhìn thấy những việc nầy và biết rõ chúng bởi đức tin. Trong những thử thách tệ hại nhứt của cuộc sống, dường như chẳng có mục đích nào trong đó cả. Thật vậy, vì những việc tệ hại nhứt xảy ra, những sự bội bạc kinh khủng, hôn nhân tan vỡ, nhiều năm tháng dài đau đớn khó chịu, sự buồn rầu của việc nhìn thấy con cái vật vã trong hôn nhân của chính chúng, không một điều gì có vẻ như có mục đích trong đó cả. Và tôi dám nói rằng bao lâu chúng ta nhìn vào những thử thách của chúng ta, chúng sẽ góp phần làm cho chúng ta thấy phức tạp càng thêm mà thôi.
Trong giây phút tăm tối của chính đời sống tôi, khi tôi cảm thấy mình đang chịu đựng và không thể nhìn thấy một tia sáng nào cả, vô hy vọng rồi, và khó mà nghĩ ra được một lý do để tiếp tục, tư tưởng như thế nầy đã nâng đỡ tôi:
“Điều chi thật là thật".
Những thử thách của tôi, đối với tôi chúng rất là đau lòng, không thể gạt bỏ điều chi là thật về Đức Chúa Trời và vũ trụ. Sự thật là sự thật, bất chấp cảm xúc riêng tư của tôi về nó. Chúa Jêsus là Chúa dù tôi có tin hay không tin. Ngài là Chúa cho dù tôi có chối không nhận Ngài là Chúa. Sự thật không nương vào niềm tin riêng của tôi về sự tồn tại của nó.
2 + 2 = 4 là thật bất chấp tôi cảm thấy thế nào về bài toán ấy. Cũng thật như thế cho mọi thực tại thuộc linh. Dù tôi có bị chìm đắm, đắm, đắm mãi, khi tôi cảm thấy mọi sự chẳng còn nữa, cái gì thật vẫn là thật và sẽ luôn luôn là thật. Minh họa đó rất thích hợp vì Phaolô khích lệ chúng ta phải làm bài tính về đạo đức và về thuộc linh của chúng ta.
Hãy lấy hết nổi đau khổ trong đời nầy:
Mọi đau đớn,
Mơi sự đau đầu,
Mọi sự chối bỏ,
Mọi sự hiểu lầm,
Mọi điều ác mà chúng ta gặp gỡ,
Mọi thù hận nhắm vào chúng ta,
Mọi ác ý mà chúng ta phải chịu đựng,
Mọi sự đau buồn,
Mọi nước mắt,
Mọi đêm không ngủ,
Mọi sự hãi,
Mọi nghi ngờ,
Mọi lo lắng,
Mọi nhầm lẫn,
Mọi phức tạp,
Mọi tật bịnh,
Mọi ước mơ tan vỡ,
Rồi cộng hết lại, tổng cộng các thứ có thể xảy đến, khi ấy thêm vào đó nổi buồn của từng đám tang mà bạn đã tham dự vì cái chết của một người mà bạn yêu dấu, hãy suy nghĩ về mọi sự mà sự chết đã bắt lấy từ bạn, hãy suy gẫm nó, cộng hết lại khi bạn có thể, rồi đặt nó vào một bên của quyển sổ cái.
Giờ đây đặt ở phía bên kia những việc nầy . . .
Lời của Đức Chúa Trời,
Các lời hứa của Đức Chúa Trời,
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời,
Quyền phép của Đức Chúa Trời,
Chương trình của Đức Chúa Trời,
Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời,
Sự nhơn từ của Đức Chúa Trời,
Sự tể trị của Đức Chúa Trời,
Ân điển của Đức Chúa Trời,
Rồi thêm vào đấy sự chết của Con Đức Chúa Trời với quyền phép biến đổi vô hạn đối cùng chúng ta là những người tin, kế đó thêm vào sự sống lại của Con Đức Chúa Trời, Ngài đã ra khỏi phần mộ, sống lại từ kẻ chết, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ trong tay Ngài, giờ đây Ngài được tôn là Vua các vua và Chúa các chúa. Gộp hết mọi điều đó lại, rồi thêm vào Đức Thánh Linh đang ngự ở trong lòng, Ngài là ấn chứng cho mọi lời hứa của Đức Chúa Trời và là sự bảo đảm cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Giờ đây, hãy cộng hết lại phần bên nầy của quyển sổ cái.
Bạn có hình dung được chưa? Bên nào trọng hơn? Các nổi buồn của bạn hay những lời hứa bao la không tính được của Đức Chúa Trời, được lập trong Lời của Ngài, được bảo đảm bởi Đức Thánh Linh, và được mua cho chúng ta bằng sự chết và sự sống lại của Chúa chúng ta?
Hay chúng ta có thể để cho Phaolô hình dung ra cho chúng ta. Ông biết rồi câu trả lời. Không bao lâu nữa, chúng ta sẽ nhận được “sự vinh hiển đời đời” đến nỗi “vô lượng vô biên”. Các bản dịch khác trình bày điều nầy theo cách khác, nhưng tôi thích bản King James hơn khi bản ấy sử dụng cụm từ “quá chừng".
Không những là quá chừng,
Không những là quá đỗi.
Mà là vô lượng vô biên.
Tôi thích như thế. Sự sống trên đất nầy có thể là đau khổ và nhiều trở ngại đến nỗi tôi mệt đứt hơi bởi tư tưởng cho rằng sự vinh hiển hầu đến sẽ “vô chừng vô đỗi” và “quá tải” đối với bất cứ điều chi chúng ta nếm trải.
Và đấy là lý do thứ hai chung ta sẽ không ngã lòng.
III. Chúng ta hướng mắt nhìn về thực tại đời đời.
“bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (câu 18).
Chúng ta có khuynh hướng chăm vào những gì chúng ta muốn thấy.
Và chúng ta có khuynh hướng không chăm vào những gì chúng ta không tìm kiếm.
Cách đây nhiều năm tôi phục vụ trong ban trị sự với một người thích uống café. Giống như bao người khác, bà ấy thích một tách café vào buổi sáng và ban trưa. Một ngày nọ sau khi ban trị sự nhóm xong rồi, bà ta nói với tôi bà sẽ xuống quán Starbucks để uống một tách café. Khi tôi nói quán Starbucks đâu có gần, bà ta nói: “Tính từ đây thì chỉ cách có hai dãy nhà thôi. Xuống con đường kế rạp hát đó”. Tôi đã lái xe xuống đường ấy nhiều lần, và tôi biết chắc chẳng có quán Starbucks nào gần rạp hát cả. Song bà ta cứ khăng khăng là có. Tôi nói không có. Và vì vậy một cuộc tranh luận đã diễn ra. Hai ba ngày sau, tôi lái xe xuống đường Lake, tôi nhìn thấy cái quán ấy. Có quán Starbucks ngay chỗ mà bà ta nói. Và nó ở đó từ lâu lắm rồi. Tại sao tôi không nhìn thấy nó trước đây? Tôi không phải là người thích uống café vì vậy tôi không nhìn thấy quán café. Mặc dù tôi đã lái xe qua quán Starbucks cả trăm lần, nó không hề có trong bộ não của tôi. Tôi chưa hề thấy nó vì tôi không tìm kiếm nó.
Chúng ta có khuynh hướng chăm vào những gì chúng ta muốn thấy.
Chúng ta có khuynh hướng không chăm vào những gì chúng ta không tìm kiếm.
Cũng thực như thế trong lãnh vực thuộc linh. Phaolô sử dụng một cụm từ ý nói: “chăm sự thấy được”. Nó có nghĩa là chúng ta đưa ra sự lựa chọn có ý thức tin rằng một số việc nào đó là thật mà chúng ta không thể nhìn thấy vào thời điểm nầy. Tôi thường nghĩ đến nguyên tắc nầy khi tôi giảng ở một đám tang cho ai đó mà tôi quen biết và yêu dấu. Thật là khó khi chôn cất một thi thể trong lòng đất, với lòng nhận biết rằng bạn sẽ không nhìn thấy người ấy nữa mai đây hay ngày mốt hoặc ngày kia. Trong lời lẽ của nhà soạn kịch Noel Coward, chúng ta đang sống trong một thế hệ bị kết án tử hình.
Thật là dễ cho chúng ta bị phủ lút với quyền lực của sự chết. Khi điều nầy xảy ra cho chúng ta, chúng ta thôi không suy nghĩ nữa rồi thổ lộ như Woody Allen thay vì như các tín hữu Cơ đốc. Vì vậy chúng ta phải hướng tấm trí mình tập trung vào những việc không dễ chăm thấy được.
Cái gì thấy được chỉ là tạm bợ mà thôi. Tôi lấy làm vui sướng về sự ấy vì nó có ý nói rằng sự chết là tạm thời. Tôi chưa cảm nhận như thế trong lúc bây giờ. Sự chết ngự trị trên đất vì tội lỗi đang thống trị. Nhưng sự sống sẽ được ban ra qua sự sống lại đắc thắng của Con Đức Chúa Trời.
Bởi đức tin, chúng ta “chăm” sự không thấy được.
Con người của thế gian nghĩ là chúng ta dở hơi vì họ không thể “chăm” những gì chúng ta thấy. Và lý do duy nhứt chúng ta có thể “chăm” bất cứ điều chi là vì Đức Chúa Trời đã mở con mắt của chúng ta để “chăm” vào thực tại đời đời.
Tôi từng bị mất mà nay đã tìm được,
Đã bị mù mà nay lại sáng.
Vì vậy chúng ta hát mãi, dầu qua hai hàng nước mắt.
Chúng ta không giả vờ khóc hay làm bộ đau đớn là không thật.
Nhưng chúng ta hát mãi cho dù thế nào đi nữa.
Chúng ta nhìn thấy từ đàng xa Thành Lớn của Đức Chúa Trời.
Chúng ta nhìn thấy từ đàng xa các thánh đồ của Đức Chúa Trời.
Chúng ta nhìn thấy ánh sáng chiếu qua bóng tối tăm vây quanh chúng ta.
Vì vậy chúng ta cất tiếng lên hát, chúng ta rao giảng, chúng ta cầu nguyện, và chúng ta cứ tin mãi mãi. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta đôi mắt để “chăm” sự không thấy được và vì thế chúng ta sẽ không thể ngã lòng được.
Nước của Ngài còn đến đời đời
Khi tôi soạn bài giảng nầy, lý trí của tôi cứ quanh quẫn với câu sau cùng của bài thánh ca của Martin Luther có đề tựa là Chúa, Bức Thánh Kiên Cố Ta thiết lập phần kết đắc thắng chiếu sáng lời lẽ trong phân đoạn Kinh thánh gốc của chúng ta:
Tiếng phán ấy nghìn thuở vẫn đương còn;
Thế gian khinh chê chẳng suy mòn.
Bởi có Chúa gần gũi ta hoài
Xuống Thánh Linh, ân tứ từ Ngài
Vợ, con của danh mạng ta,
Bằng ai kia toan cướp phá
Thôi, cướp đi ta không chồn
Bởi chẳng thể cướp linh hồn
Phước Chúa trên thiên quốc trường tồn.
Lời lẽ ấy có thể biến ra thực cho chúng ta như chúng từng là thực cho các tín hữu trải bao thế kỷ. Chúng ta có thể được kêu gọi một ngày kia phải trả giá, bất luận là gì, hết thảy chúng ta phải chào từ giã cuộc sống hay chết nầy chẳng sớm thì muộn. Nếu họ giết chết thân thể, điều đó không thành vấn đề.
Lẽ thật của Đức Chúa Trời cứ hằng còn.
Nước của Ngài còn mãi cho đến đời đời.
Có phải bạn tin như thế chăng?
Khi Martyn Lloyd-Jones giảng về phân đoạn nầy, ông nói nhu cần lớn lao nhứt của Hội thánh ngày nay dành cho Cơ đốc nhân là phải sống cho dù mọi điều nầy là thật. Thế gian chờ đợi và quan sát các tín đồ sống bởi các tiêu chuẩn “phi thế gian” của phân đoạn Kinh thánh lạ lùng nầy. Khi chúng ta sống giống như vầy, khi chúng ta “chăm” sự không thấy được và biến nó thành luật lệ và nền tảng cho đời sống của chúng ta, thế gian sẽ nhận biết rằng những gì chúng ta đang có còn hơn cả lý thuyết nữa, nó không thể được lý giải là sự sốt sắng tôn giáo được. Thế gian sẽ nhìn biết rằng những gì chúng ta tin đến từ một chỗ nào đó mà họ không thể hiểu được, không thể thấy được, và không bao giờ sao y được.
Lẽ thật của Đức Chúa Trời cứ hằng còn.
Nước của Ngài còn mãi cho đến đời đời.
Đấy là lý do tại chúng ta chẳng ngã lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét