Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Từ Sự Sáng Tạo Đến Thập Tự Giá: "SỰ BAN RA LUẬT PHÁP, Phần II"



Từ Sự Sáng Tạo Đến Thập Tự Giá
SỰ BAN RA LUẬT PHÁP, Phần II
Mục sư Bob Deffinbaugh
Các nguyên tắc từ luật pháp
Phần giới thiệu
Trong bài học trước của loạt bài nầy, Mục đích truyền giáo của luật pháp, chúng ta đã thấy luật pháp không thể xưng một người là công bình trước mắt Đức Chúa Trời – một trong những chức năng cụ thể nhất của luật pháp trong chương trình của Đức Chúa Trời là ném sự sáng thánh khiết của Đức Chúa Trời lên trên sự bất kỉnh và không công bình của con người để cho mọi người không chữa mình được trước mặt Ngài. Cho tới chừng nào Đức Chúa Trời làm cho bạn ngậm miệng lại rồi tỏ cho bạn thấy tình trạng vô dụng của bạn – nhu cần của bạn về một phương tiện tha thứ và công bình chỉ có thể đến từ Ngài mà thôi – bạn chưa sẵn sàng để nhận lãnh ơn tha thứ, sự công bình, và sự sống đời đời mà huyết đổ ra của Đức Chúa Jêsus Christ đã mua lấy cho bạn.
Phaolô đang nói tới mục đích truyền giáo của luật pháp ở Galati 3:24, khi ông viết: “…Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ”.
Nhưng đâu là vai trò của luật pháp trong đời sống của những người nào trong chúng ta đã tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình rồi? Phaolô viết ở Galati 5:18: “Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp”. Đấng Christ tự công bố mình là sự ứng nghiệm của luật pháp (Mathiơ 5:17). Vì vậy, có giá trị gì cho Cơ đốc nhân trong việc nghiên cứu luật pháp?
Chúng ta hãy nhìn vào một cặp Thi thiên nói tới luật pháp và xem xét những việc nầy có thể áp dụng được hay không!?!
Luật pháp là sự vui thích của chúng ta!
Thi thiên 19:7-14Thi thiên 119:97-104
Thi thiên 19, David công bố rằng luật pháp trong mọi chi tiết của nó là trọn vẹn, chắc chắn, đúng đắn, thanh sạch và công bình. Luật pháp ấy còn đáng ao ước hơn cả vàng tốt nhứt và ngọt hơn cả tàng ong nữa.
“Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan. Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả. Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong. Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu; Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay. Ai biết được các sự sai lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết. Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; Nguyện tội ấy không cai trị tôi; Thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng. Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, và là Đấng cứu chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Thi thiên 19:7-14).
Hãy nhìn vào những việc mà David nói luật pháp đang làm cho người nào lấy luật pháp làm vui thích: luật pháp bổ linh hồn lại; làm cho kẻ ngu dại ra khôn ngoan; luật pháp làm cho tấm lòng được vui mừng; làm cho mắt sáng sủa. Bởi luật pháp của Đức Chúa Trời, tôi tớ của Ngài được cảnh tỉnh và trong việc tuân giữ luật pháp người tìm được phần thưởng lớn lao của mình.
Có phải những điều nầy vẫn còn đáng ao ước đối với chúng ta, là những kẻ không còn ở dưới luật pháp nữa không? Chúng ta hãy nhìn vào Thi thiên 119:97-104:
“Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy. Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn kẻ thù nghịch tôi, vì các điều răn ấy ở cùng tôi luôn luôn. Tôi có trí hiểu hơn hết thảy kẻ dạy tôi, vì tôi suy gẫm các chứng cớ Chúa. Tôi thông hiểu hơn kẻ già cả, vì có gìn giữ các giềng mối Chúa. Tôi giữ chân tôi khỏi mọi đường tà, để gìn giữ lời của Chúa. Tôi không xây bỏ mạng lịnh Chúa; vì Chúa đã dạy dỗ tôi. Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi! Nhờ giềng mối Chúa tôi được sự thông sáng; Vì vậy, tôi ghét mọi đường giả dối”.
Tác giả Thi thiên công bố: “Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy” (câu 97).
Và một lần nữa trong mấy câu nầy, hãy nhìn vào phần ích lợi mà ông tuyên bố ông đã rút ra được từ chỗ suy gẫm luật pháp và tuân giữ sự giáo huấn của nó:
“Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn kẻ thù nghịch tôi …, Tôi có trí hiểu hơn hết thảy kẻ dạy tôi… Tôi thông hiểu hơn kẻ già cả… Nhờ giềng mối Chúa tôi được sự thông sáng; Vì vậy, tôi ghét mọi đường giả dối”.
Giống như David, ông nói ở câu 103: “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!”
Sự khôn ngoan, sự thông sáng, sự hiểu biết, sự thù ghét mọi đường giả dối … vui mừng, bổ sức lại. Có phải mọi sự nầy chỉ thuộc về hệ thống Cựu Ước thôi chăng? Không, đây là những ơn phước và lợi ích của Kinh thánh rất quí báu đối với từng tín đồ. Và tất cả các ơn phước và lợi ích nầy đều ra từ luật pháp của Môise.
Tại sao rất khó cho chúng ta rút tỉa được loại ích lợi từ việc suy gẫm Kinh thánh? Tôi nghĩ rằng phần lớn là vì chúng ta không suy gẫm luật pháp ở chỗ thứ nhứt!
Thực tế cho thấy, không một người nào muốn nhận được của báu giấu kín bằng cách đứng chờ quanh đấy để nó rơi vào đầu của mình bao giờ! Muốn nhận lãnh thứ tốt, bạn phải lo đào bới, sàng sảy và tìm kiếm.
Châm ngôn 2 cho chúng ta biết cách có được sự khôn ngoan tin kính, chúng ta đọc ở đây:
“Nếu con tìm nó như tiền bạc, và kiếm nó như bửu vật ẩn bí, bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, Và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời. Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng” (Châm ngôn 2:4-6).
Chúng ta là những người ở trong Đấng Christ, đã được phân công đi tìm báu vật lạ lùng – một thứ báu vật săn tìm trọn đời – và cuộc săn tìm ấy bao gồm toàn bộ sự mặc khải của Đức Chúa Trời, chớ không phải chỉ có những phần mà chúng ta tìm cách hiểu dễ nhất đâu.
Đối với chúng ta, những người đã được tha thứ và được đóng ấn cho đến ngày cứu chuộc, luật pháp vẫn có một mục đích – vì luật pháp luôn luôn là một phản ảnh bổn tánh của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta nắm lấy Đức Chúa Trời qua luật pháp giống như qua trọn Kinh thánh, chúng ta sẽ được biến đổi qua cái nắm bắt đó.
Vì vậy, những gì luật pháp nói với chúng ta về bổn tánh của Đức Chúa Trời sẽ tác động sự thờ phượng, mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, và mối quan hệ của chúng ta với đồng loại của mình như thế nào? Câu trả lời là: “Nhiều lắm!” Có nhiều điều chúng ta phải nhắc tới trong một bài học. Về mặt cá nhân, bạn phải xem xét các phương diện của luật pháp mà chúng ta không thể bao trọn hết trong bài học nầy – và có nhiều điều cần phải xem xét lắm.
Về phần còn lại của bài học nầy, chúng ta sẽ nhìn vào các phạm trù chính của luật pháp cho thấy có nhiều nguyên tắc quan trọng và vô hạn trong luật pháp. Tôi hy vọng rằng điều nầy sẽ cứ lay động sở thích của chúng ta trong việc theo đuổi xa hơn nữa trong phần nghiên cứu riêng của mình.
Các điều răn và mạng lịnh
Xuất Êdíptô ký 20-23
Chúng ta trước tiên lưu ý sự khác biệt giữa các điều răn tổng quát và phép tắc chi tiết, quy chế, và tư tưởng của luật pháp. Mười Điều Răn thực sự là những lời công bố tóm tắt của luật pháp Đức Chúa Trời vây quanh các mạng lịnh và phép tắc chi tiết theo sau. Có nhiều lời công bố khác trong luật pháp có hình thức mạng lịnh trực tiếp, nhưng 10 Điều Răn là các nguyên tắc quan trọng của luật pháp, các phép tắc và quy chế đều chiếu theo đó.
“Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán mọi lời nầy, rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta. Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho. Ngươi chớ giết người. Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Ngươi chớ trộm cướp. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi” (Xuất Êdíptô ký 20:1-17).
Mười Điều Răn, như nhiều người trong các bạn biết đấy, nói tới hai phương diện quan trọng trong kinh nghiệm của con người. Bốn điều răn đầu nhắm trực tiếp vào mối quan hệ của con người với Đức Chúa Trời, và sáu điều răn còn lại nhắm vào các mối quan hệ của con người với con người. Điều nầy tương ứng với câu nói của Chúa Jêsus về cốt lõi của luật pháp ở Mác 12:28-31, trong đó một thầy thông giáo người Do thái đã hỏi Chúa Jêsus:
“Trong các điều răn, điều nào là đầu hết?”
“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nầy là điều đầu nhất: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó”.
Tất cả các điều răn, phép tắc đều là những thể hiện của hai điều răn quan trọng nầy. Yêu mến Chúa và đồng loại cách chân chính là sự ứng nghiệm của luật pháp, và tình yêu tin kính nầy là mục tiêu cho công tác làm nên thánh của Đức Chúa Trời trong đời sống của người tin Chúa.
Các phép tắc
Xuất Êdíptô ký 21-23
Trong Xuất Êdíptô ký 21-23, nhiều điều luật được ghi lại trong hình thức “Ví, … thì”. Thí dụ, in 22:1:
“Ví ai bắt trộm bò hay chiên, rồi giết hoặc bán đi, thì phải thường năm con bò cho một con, và bốn con chiên cho một con”.
Những điều nầy và nhiều điều luật khác nói tới các bối cảnh đặc biệt sẽ phát sinh trong đời sống của dân Israel. Những điều luật nầy, hay phép tắc, đều không dễ lĩnh hội, nhưng thay vì thế chúng được xem là trường hợp để dẫn dắt dân Israel trong sự ứng dụng luật pháp vào đời sống hàng ngày của họ. Một trong những sai lầm quan trọng của dân Israel là xem luật pháp là một bộ luật nói tới từng lãnh vực trong đời sống của họ, giống như một cái hộp lớn họ phải sống trong đó để bảo đảm họ đang làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Song trong thiết kế của Đức Chúa Trời, luật pháp luôn luôn là vấn đề của tấm lòng. Chẳng có gì khác biệt ở đây giữa Cựu và Tân ước hết.
Khôn ngoan thì quan trọng hơn hiểu biết
Trong Cựu Ước, từ ngữ Hêbơrơ chính nói tới sự khôn ngoan là chokmah. Đây là một từ phổ thông xuyên suốt cả Cựu Ước. Nói có ý nói tới sự khéo léo trong đạo đức, hay nói khác đi, sự khôn ngoan đưa ra những quyết định tin kính. Sự khôn ngoan nầy không giống như sự hiểu biết đâu. Con người thích có sự hiểu biết – chúng ta muốn biết chính xác điều chi người khác trông mong nơi chúng ta và muốn biết khi nào chúng ta đạt được điều đó. Chúng ta muốn những việc phải được nói ra trước và dễ dàng. Mặt khác, Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta về sự khôn ngoan. Sự hiểu biết chỉ là một hòn đá để bước tới sự khôn ngoan. Đức Chúa Trời đã nói cho chúng ta biết rồi mọi sự chúng ta cần phải biết (trong Lời của Ngài), nhưng chúng ta chưa quen đủ với những gì Ngài đã tỏ ra rồi hầu cho có sự nhạy cảm đúng về cách xử lý với những việc mà đặc biệt Ngài chưa nói tới. Một sự hiểu biết về Lời của Đức Chúa Trời, kết hợp với đức tin, tạo ra sự khôn ngoan để sống cho thật tốt – sống với một sự trong sáng đến từ chỗ thực sự nhìn biết Đức Chúa Trời y như Ngài dự trù cho chúng ta nhìn biết Ngài. Tôi thích cụm từ rất phổ thông với lớp thanh niên của chúng ta – WWJD – “What would Jesus do?” (Chúa Jêsus sẽ làm gì?) Khi bạn biết câu trả lời cho câu hỏi đó trong một tình huống cho phép, với chẳng có mặc khải nào khác hơn những gì Đức Chúa Trời đã cung ứng cho rồi, và bạn làm theo những gì Đức Chúa Trời muốn bạn phải làm, khi ấy bạn khám phá ra chokmah – sự khôn ngoan tin kính.
Trong hội chúng của chúng ta, con cái còn nhỏ cũng lắng nghe các sứ điệp khi chúng được phân phát ra, vì vậy tôi sẽ nói tới họ ở đây. Hỡi các con, khi các con còn nhỏ, đôi khi các con thấy khó mà hiểu được lý do tại sao bố mẹ khiến các con phải làm một số việc nhất định nào đó. Đôi lúc họ không thể giải thích việc gì đó cho các con, họ chỉ nói: “Hãy làm đi vì bố bảo phải làm!” Nhưng khi các con lớn lên, các con bắt đầu hiểu có một lý do cho luật lệ. Có một nguyên tắc nằm ở đàng sau luật lệ, nó rất có ý nghĩa, và không lâu sau đó, các con vâng theo luật lệ vì các con tin theo lý do để có nó.
Có bao nhiêu người trong các con đến với thư viện? Có phải bố hay mẹ từng dặn khi các con vào trong thư viện: “Hãy yên lặng – người ta đang đọc sách!” Phải, khi các con còn nhỏ, và các con không thể đọc, bố mẹ các con nhận lấy mấy quyển sách, rồi trở về nhà và đọc chúng cho các con nghe. Song khi các con học đọc rồi cho chính mình. Chúng ta hãy nói, một ngày kia, các con đến ngồi trong thư viện với một quyển sách hay, và các con sẽ tìm cách đọc trong khi mẹ các con đang tìm một quyển sách khác. Một đứa trẻ bước vào với sự ồn ào, và mẹ nó nói: “Đừng làm ồn trong thư viện – người ta đang đọc sách!” Thế là các con hiểu rồi đấy!
Các con thấy đấy, những luật lệ mà bố mẹ khiến các con phải noi theo có một lý do đúng đắn, một nguyên tắc nằm ở đàng sau chúng. Khi các con còn nhỏ, các con có thể không hiểu được nguyên tắc. Mọi sự các con có là luật lệ, và các con phải noi theo nó vì bố mẹ bảo phải noi theo. Cũng một thể ấy với bố mẹ các con khi họ còn nhỏ. Khi thời gian trôi qua và các con học biết nhiều hơn, lý do trở nên rõ ràng hơn. Bố mẹ các con đang thực thi từng nổ lực để giải thích các lý do cho những luật lệ, thậm chí khi các con vẫn còn quá nhỏ chưa hiểu được chúng theo cách trọn vẹn. Cũng một thể ấy với luật lệ của Đức Chúa Trời nữa. Từng điều luật mà Đức Chúa Trời đặt ở trước mặt Israel đều có một lý do, một nguyên tắc nằm ở đàng sau nó. Chúng ta càng học biết về Đức Chúa Trời, chúng ta càng học biết về phương thức đời đời của Ngài khi nhìn vào mọi việc, và luật pháp của Ngài được viết ra nhiều trên bảng lòng của chúng ta, vì vậy chúng ta không phải suy nghĩ về luật lệ chi nữa hầu hành động trong việc tuân giữ với bổn tánh của Đức Chúa Trời. Đấy là tinh thần của luật pháp. Đấy là sự khôn ngoan.
Giờ đây, chúng ta đã nhìn thấy hai phạm trù lớn của luật pháp trong Cựu Ước – Luật pháp cơ bản trong 10 Điều Răn, và kế đó là nhiều trường hợp căn dặn dân sự của Đức Chúa Trời về cách thức tinh thần của luật pháp thể hiện ra trong kinh nghiệm mỗi ngày của chúng ta.
Trong phần còn lại của sứ điệp nầy, chúng ta hãy nhìn vào hai lãnh vực chính được nhắc tới trong luật pháp Môise và nói tới các nguyên tắc vô hạn mà chúng ta có thể thu lượm được từ chúng.
Sự phân biện giữa sạch và không sạch
Một lãnh vực trong Luật pháp Môise chỉ ra Cơ đốc nhân thấy khó hiểu là sự phân biệt giữa cái gì theo nghi thức là sạch và cái gì theo nghi thức là không sạch. Tôi sẽ đụng tới một phần của tảng băng đặc biệt đó, với hy vọng truyền đạt nguyên tắc lớn lao nằm ở đàng sau các vấn đề ấy.
Các cấm đoán về sự ăn uống
Lêvi ký 11
Thứ nhứt, các cấm đoán về sự ăn uống ở Lêvi ký 11. Có những thứ đồ ăn nhất định bị cấm không cho một người Do thái ăn. Nếu một người Do thái đụng đến bất kỳ con thú nào trong các con thú bị cấm nầy khi nó đã chết, người ấy sẽ trở nên ô uế cho tới chiều tối của ngày ấy, và theo chương 5, người ấy buộc phải dâng một của lễ chuộc tội.
Đã có vô số sự giải thích các lý do hay những nguyên tắc nằm ở đàng sau các cấm đoán về sự ăn uống nầy. Có người nói họ phải làm theo với sự tôn trọng, phân biệt về các loại và loài thú nào không thích ứng để lẫn tránh, giống như các sanh vật biển không có vảy vậy. Nhưng có nhiều trường hợp không phù hợp với cách tiếp cận nầy.
Nhiều người khác đã thực thi các điều cấm đoán nầy liên quan tới sức khỏe của họ, họ nói các loài thú nào là sạch thì khi ăn rất tốt hơn là loài nào không sạch. Trong khi có đôi điều chiếu theo cấp độ thực tế nầy, có nhiều sự bất đồng về loài thú nào khi ăn thì lành mạnh hơn. Rốt lại, ăn một miếng thịt bò không bị xem là một việc khôn ngoan phải ăn dựa theo sự hiểu biết về y học mà giờ đây chúng ta đang có. Trong bản thân phân đoạn Kinh thánh chẳng có một điều gì ủng hộ cho quan điểm nầy cả.
Một cách giải thích về luật ăn uống tôi tin là có ý nghĩa nhất, và tôi tin sẽ được ủng hộ bởi toàn bộ văn mạch của Kinh thánh, ấy là các sự cấm đoán nầy đã được ban ra để phân biệt dân Israel đối với các dân khác và làm cho ai đó muốn ở trong trại quân của Đức Chúa Trời phân biệt đối với những ai trong không ở trong trại quân. Trong các thời kỳ xa xưa, cũng như trong một số xã hội ngày nay, ăn tối là dịp để tương giao. Bạn không thể có mối tương giao với ai đó nếu bạn không thể ăn với họ. Đức Chúa Trời đã sử dụng các sự phân biệt nầy là một trong nhiều công cụ để bảo tồn lai lịch dân tộc của Israel. Nhưng còn hơn thế nữa, Ngài đã sử dụng chúng để biệt riêng dân sự Ngài đối với các dân khác với ý đồ bảo tồn sự thánh sạch trong sự thờ phượng của họ.
“Vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; ta là thánh, nên các ngươi phải nên thánh, thì sẽ được thánh. Các ngươi chớ vì một con nào của loài côn trùng trên mặt đất mà làm lây ô uế cho thân mình. Vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô đặng làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi phải nên thánh, vì ta là thánh” (Lêvi ký 11:44-45).
Trong khi chúng ta không còn ở dưới luật pháp nữa, và Đức Chúa Trời đã tuyên bố mọi sự phải được sạch, có một ý nghĩa trong đó nguyên tắc của các sự cấm đoán nầy vẫn còn được áp dụng.
Phaolô khuyên các Cơ đốc nhân ở II Côrinhtô 6:14-18 phải phân rẻ ra khỏi những kẻ không tin theo các phương thức nhất định. Phân đoạn Kinh thánh nầy đi thẳng vào sự bàn luận của chúng ta vì nó chạm đến ý tưởng tránh điều chi không sạch và ý tưởng phân rẽ:
“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta. Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Cha các ngươi, các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn năng phán như vậy” (II Côrinhtô 6:14-18 – phần nhấn mạnh là của tôi).
Các điều kiện không sạch của con người và đồ vật
Lêvi ký 12-15
Phần còn lại của những phân biệt sạch/không sạch được thấy ở Lêvi ký 12-15. Các phạm trù cơ bản của những phân biệt sạch/không sạch là đây:
Không sạch có liên quan tới việc sanh con
Không sạch phù hợp với sự bất ổn ở da
Không sạch thích ứng với vít mốc
Không sạch thích ứng với bịnh bạch trược trên thân thể.
Có những việc nhất định sẽ xảy ra cho một người Do thái sẽ kể người (nam hay nữ) về nghi thức sẽ là không sạch. Về mặt nghi thức khi kể một người là không sạch có nghĩa là người ấy tạm thời không được đến gần sự hiện diện của Đức Giêhôva tại đền tạm (hay sau đó tại đền thờ) để thờ phượng với hội chúng. Điển hình, tình trạng không sạch đòi hỏi rằng người ấy phải đợi một thời gian làm sạch qua đi; khi ấy người sẽ mang một của lễ chuộc tội đến đền tạm để làm sự chuộc tội hầu cho người có thể được phục hồi vào tình trạng tương giao. Sau đó, người mới có thể đều đặn đến gần Đức Giêhôva để thờ phượng tại đền tạm. Trong trường hợp của bịnh phung hay các chứng bịnh về da, người ấy đã ở trong tình trạng không sạch cho tới chừng nào căn bịnh đã được chữa khỏi. Trong trường hợp vít mốc, ngôi nhà hay kết cấu đã bị ảnh hưởng, nếu không được “chữa” sau một thời gian, sẽ phải bị hủy diệt.
Ở cái nhìn đầu tiên, thật khó nhận ra mục đích của những điều cấm đoán nầy. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ hơn, cái nhìn ấy sẽ đem lại một ý rất là hay. Yếu tố thông thường nào dính dáng vào các điều kiện gắn với việc sanh con, các triệu chứng về da, vít mốc, và bất ổn trên trên thân thể? Tất cả những sự nầy có quan hệ tới điều gì? Câu trả lời đơn giản nhất là: Hết thảy chúng đều có quan hệ với sự sa ngã của Ađam và Êva. Sự rủa sả của Sự Sa Ngã là sự chết – chết về thuộc linh và chết về phần xác thể (Sáng thế ký 2:16-17). Bịnh tật, đau ốm, thối rửa, mục nát, đau đớn và sự chết hết thảy là một phần của sự rủa sả (Sáng thế ký 3). Không những chỉ có con người bị tác động trong sự rủa sả đâu. Mọi loài thọ tạo đều đã bị tác động.
Rôma 8:19-22 chép:
“Thật thế, muôn vật ước ao nóng nảy mà trông đợi con cái Đức Chúa Trời được tỏ ra. Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Đấng bắt phục. Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay”.
Toàn bộ sự sáng tạo của Đức Chúa Trời đã bị bắt phục đối với một xu hướng không tránh được nhắm vào sự hư nát và thối rửa một khi tội lỗi đã bước vào thế gian.
Vít mốc, thối rửa, mục nát là một phần của sự rủa sả y như những sự yếu đuối của con người.
Nhưng về sự sanh con thì sao? Sanh con không phải là một việc xấu, có phải không? Chắc chắn là không rồi! Thi thiên 127:3-5 công bố rằng con cái là cơ nghiệp phước hạnh ra từ Đức Chúa Trời. Nhưng sanh con là một phần kinh nghiệm đời nầy của nhân loại cụ thể bị tác động bởi sự rủa sả. Ở Sáng thế ký 3:16, Đức Chúa Trời phán cùng người nữ: “Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con”. Sanh con có dính dáng với đau đớn và đổ máu ra. Đây là một ơn phước lạ lùng, song nó cũng là một sự nhắc nhớ cụ thể về sự rủa sả và tình trạng hay chết của con người – chỉ hãy hỏi bất cứ người phụ nữ nào đã trải qua sự ấy xem. Tôi nghĩ chính Carol Burnett là người thường nói rằng việc sanh con rất là vui, giống như nắm lấy môi dưới của bạn rồi kéo nó lên tới đỉnh đầu vậy.
Vì vậy, những điều kiện lập ra tình trạng không sạch hết thảy đều gắn với sự rủa sả của Sự Sa Ngã. Điều đó đưa chúng ta đến với câu hỏi kế:
Những việc nầy KHÔNG gắn với điều gì?
Chúng ta hãy nhìn vào Khải huyền 21:3-4:
“Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết ,cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.
Những điều kiện lập ra tình trạng không sạch là những điều kiện không phải là một phần kinh nghiệm của chúng ta trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở trên trời. Mọi tác dụng của Sự Sa Ngã sẽ bị bỏ lại sau lưng khi chúng ta nhận lãnh loại thân thể phục sinh và chúng ta bước vào sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn!
Sự thờ phượng ở Đền tạm trình bày một hình ảnh của đời nầy về thực tại đến gần sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở trên trời. Và những sự phân biệt giữa sạch và không sạch góp phần như một ký ức, một sự nhắc nhớ cụ thể cho Israel về sự thực Đức Chúa Trời là thánh và hoàn toàn không bị tác động bởi sự sa ngã của con người. Đến gần với sự hiện diện của Ngài không phải là việc bình thường đâu. Nó không giống như các việc khác đang xoay quanh chúng ta hết ngày nầy sang ngày khác, là kinh nghiệm hay chết. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời là thánh, biệt riêng ra đối với mọi việc lập nên tình trạng bị rủa sả của con người – tội lỗi, bịnh tật, mục nát, bất khiết, thối rửa, sự chết. Sự hiện diện của Ngài được gắn với lành mạnh, trọn vẹn, thanh sạch, ngay thẳng, mạnh giỏi – trong một cụm từ, với sự sống.
Sự phân biệt sạch/không sạch trong luật pháp Môise không những là các chi tiết vụn vặt. Những đòi hỏi chi tiết nầy là ký ức khiến cho dân sự của Đức Chúa Trời trong từng thời đại biết đánh giá đúng kinh nghiệm siêu việt của sự đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết. Các luật lệ nầy nhắc cho chúng ta nhớ, như chúng đã nhắc cho dân Do thái nhớ, rằng sự thờ phượng Đức Chúa Trời là một đặc ân thiêng liêng nhất; thật vậy, đây là đặc ân thiêng liêng nhất trong mọi đặc ân.
Tôi tin có một phương diện rất mạnh mẽ khi nhìn vào các luật lệ nầy. Chúng chỉ ra hy vọng vinh hiển thuộc về những ai có quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời bởi đức tin – lời hứa phục hồi mọi sự đến tình trạng phước hạnh đã tồn tại trước khi con người phạm tội và bị rủa sả.
Thật là quan trọng cho chúng ta khi nghiên cứu những việc nầy và suy gẫm về nguyên tắc vốn có trong chúng. Lần tới bạn khi dời đi vít mốc X-14 hay bạn cảm thấy nổi đau của chứng viêm khớp nơi cổ tay, hãy nhớ rằng tình trạng hay chết của chúng ta không phải là phần cuối của câu chuyện đâu – Đức Chúa Jêsus Christ đã thắng hơn sự rủa sả. “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta” (Êsai 53:4). Ngài đã thắng hơn bịnh tật, sự thối rửa, mục nát, và bản thân sự chết. Một ngày kia, nếu chúng ta đã tin theo Con của Ngài, Ngài sẽ lấy thân thể hay chết nầy rồi biến đổi chúng ra bất tử (I Côrinhtô 15) – Ngài sẽ lau sạch từng giọt lệ nơi mắt bạn, và Ngài sẽ khiến cho chúng ta ở đời đời trong sự hiện diện vinh hiển của Ngài.
Nguyên tắc Sa-bát
Lãnh vực chính thứ nhì của luật pháp mà tôi muốn xem xét là ngày sa-bát, và nguyên tắc nằm ở đàng sau ngày sa-bát. Chữ “sa-bát” có nghĩa là “ngừng lại” hay “nghỉ”. Ý tưởng đầu tiên bật ra trong lý trí chúng ta khi chúng ta nghe chữ “sa-bát” là “thờ phượng”. Nhưng chữ nầy có ý nói “ngừng lại”.
Điều răn có liên quan tới ngày sa-bát (ngày sau cùng của tuần lễ) là điều răn thứ tư trong 10 Điều Răn:
“Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh” (Xuất Êdíptô ký 20:8-11).
Vì thế, khuôn mẫu nghỉ vào ngày thứ bảy dựa theo sự thật Đức Chúa Trời nghỉ công việc sáng tạo của Ngài vào ngày thứ bảy. Giữ ngày sa-bát ra thánh có nghĩa là biệt riêng ngày ấy ra so với các ngày khác trong tuần. Ngày ấy được biệt riêng ra làm một ngày thờ phượng, nhưng nó cũng được biệt riêng ra làm một ngày nghỉ ngơi không lao động, và đó là sự ngưng lao động lại, chớ không phải ngưng thờ phượng, đấy là mục tiêu cụ thể của từng phân đoạn nào nói tới ngày sa-bát.
Thật là quan trọng khi để ý thấy rằng thuật ngữ “sa-bát” không bị hạn chế đối với sự tuân giữ ngày sau cùng của tuần lễ. Đã có những ngày sa-bát khác nữa, gồm những ngày sa-bát kết hợp với mọi ngày lễ. Cũng có những năm sa-bát và năm hân hỉ. Từng sự tuân giữ nầy dính dáng với quan niệm nói tới ngày sa-bát, hay nghỉ không có lao động.
Bánh Mana trong đồng vắng
Xuất Êdíptô ký 16
Thêm vào khuôn mẫu sáng tạo của Đức Chúa Trời, có một biến cố lịch sử khác góp phần như cơ sở cho ngày sa-bát. Biến cố ấy là sự ban cho bánh mana ở Xuất Êdíptô ký 16. Ngay trước khi 10 Điều Răn được ban ra, Israel đã được Đức Chúa Trời dạy dỗ rồi phải xử sự với ngày sau cùng trong tuần lễ bằng cách biệt riêng ra đối với 6 ngày kia.
Đức Chúa Trời hứa cung ứng cho mana, là bánh xuất hiện thật lạ lùng mỗi buổi sáng giống như sương sa trên đất vậy. Mỗi gia đình Do thái cần phải dậy sớm mỗi buổi sáng trừ ngày sa-bát trong tuần, và họ cần lượm đủ mana cho các nhu cần trong ngày ấy – không thêm, không bớt. Nếu họ lượm nhiều hơn số cần thiết trong ngày ấy và nổ lực giữ cho ngày hôm sau, nó sẽ hư hỏng và chẳng còn dùng được nữa. Nếu họ bước ra lượm thứ gì trong ngày sa-bát, sẽ chẳng có gì để mà lượm hết.
Để hiểu rõ tinh thần, hay nguyên tắc của ngày sa-bát, chúng ta phải xem xét hành động nào, thái độ nào tạo ra sự vi phạm ngày sa-bát. Khuynh hướng nào nơi con người thúc giục họ phải vi phạm điều luật nầy? Tôi muốn trình bày rằng ấy CHẲNG PHẢI là chúng ta thích lao động và ghét nghỉ ngơi đâu. Có bao nhiêu người trong các bạn e sợ tư tưởng dành một ít thời gian không lao động? Thay vì thế, tôi muốn nói rằng chính chỗ chúng ta muốn nắm lấy quyền chủ động trên sự tiếp trợ cho sự sống của mình. Chúng ta tìm cách chủ động trên các phương tiện tiếp trợ cho mọi nhu cần của mình rồi lo chất chứa sự tiếp trợ cho tương lai. Nói một lời, chúng ta xem mình là hạng người lo chu cấp cho bản thân mình. Những ngày sa-bát đòi hỏi dân sự của Đức Chúa Trời phải thận trọng và đều đặn gạt bỏ mọi nổ lực lo chu cấp cho mọi nhu cần của họ hầu cho họ sẽ thận trọng và đều đặn công nhận sự họ nương cậy hoàn toàn vào một mình Đức Chúa Trời để có được từng việc tốt lành.
Chúng ta hãy chuyển vấn đề nầy sang một cấp độ kế tiếp. Trong việc thêm vào ngày sa-bát, đã có những ngày lễ, những ngày thánh. Một năm ba lần, dân Israel cần phải nhóm lại tại nơi thánh và họ phải mang theo của lễ đến trước mặt Đức Chúa Trời.
Những ngày lễ và những ngày thánh
Lêvi ký 23
Thời gian không cho phép chúng ta xem xét từng ngày lễ một được, nhưng một nghiên cứu về tờ lịch dành cho năm của người Do thái cho thấy rằng nếu dân sự tuân giữ hết các ngày lễ, những người ấy phải đi đến đền thờ, họ phải để đất đai, bầy gia súc, bầy chiên của họ lại sau lưng rồi đến trước mặt Đức Giêhôva gần như là cứ BA THÁNG trong mỗi năm!
Và điều chi sẽ xảy ra cho đất đai, và các bầy của họ trong khi họ đi lên đền thờ? Phải, bạn đã nghe nói về người Mađian rồi. Họ là hạng tín đồ cao cả trong công việc rút rỉa sự giàu có. Người Mađian là một trong số dân du mục, họ thích được lợi từ công lao động của người khác. Họ rất xuất sắc trong việc đi quanh quẩn lấy đi của cải của các vụ mùa và bầy gia súc của các dân khác, và rồi cứ đi như thế để tìm kiếm các món bở khác. Còn đối với dân Do thái, phải rời đất đai của họ không phải chăm sóc để tuân giữ các kỳ lễ tại nơi thánh sẽ giống như chúng ta đặt một tấm biển lớn tại ngõ ra vào ghi rõ là: “Hết thảy chúng tôi đều xuống phố để dự lễ Giáng Sinh” vậy. Chẳng có một thắc mắc nào hết, điều nầy đòi hỏi dân Israel phải để mọi của cải có giá trị của họ vào chỗ yếu cho bất kỳ ai muốn cướp lấy chúng. Để tuân giữ các kỳ lễ nầy, dân Do thái phải tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Ngài bảo hộ tài sản của họ.
Đức Chúa Trời đã hứa làm công việc ấy. Trong Xuất Êdíptô ký 34, khi Môise đi lên núi đề nhận lãnh hai bảng đá lần thứ nhì, Đức Chúa Trời đã dặn ông:
“Thường năm ba lần, trong vòng các ngươi, mỗi người nam sẽ ra mắt Chúa Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Vì ta sẽ đuổi các dân khỏi trước mặt ngươi, ta sẽ mở rộng bờ cõi ngươi; và trong khi ngươi lên ra mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, mỗi năm ba lần, thì sẽ chẳng ai tham muốn xứ ngươi hết” (Xuất Êdíptô ký 34:23-24 phần nhấn mạnh là của tôi).
Những ngày lễ đòi hỏi dân sự của Đức Chúa Trời phải cụ thể BỎ ĐI sự nương cậy vào mọi nổ lực của chính họ lo chu cấp cho họ và bảo hộ những gì họ đã có, và phải tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng Tiếp Trợ và là Đấng Bảo Hộ thành tín của họ.
Chính nguyên tắc nầy – về việc nhường cho Đức Chúa Trời toàn bộ vấn đề tiếp trợ – được áp dụng trong tất cả sự tuân giữ ngày sa-bát ở dưới luật pháp.
Năn sa-bát và năm hân hỉ
Lêvi ký 25
Năm sa-bát đã nâng nguyên tắc nầy lên ở cấp độ khác. Trong một năm tính theo từng 7 năm, dân sự không phải gieo giống của họ. Họ chẳng phải làm bất kỳ một việc nào để tạo ra mùa màng trong năm ấy. Bất kỳ thứ gì mọc lên trong năm thứ bảy đã sẵn có cho người ta lượm mót (kẻ nghèo, hạng tôi tớ, khách lạ, chủ đất – mọi người), nhưng chẳng có một mùa gặt nào hoặc bán sản phẩm nào ra từ năm ấy. Đức Chúa Trời đã hứa rằng nếu họ tuân giữ điều luật nầy, Ngài sẽ tiếp trợ đủ trong mùa gặt năm thứ sáu để đưa họ qua năm thứ tám.
Năm hân hỉ nâng nguyên tắc nầy lên ở mức độ khác. Sau từng năm thứ bảy sa-bát thì đến năm hân hỉ, và một lần nữa trong năm đó, dân Do thái phải đình chỉ mọi sinh hoạt đồng áng của họ lại. Nghĩa là, khi năm hân hỉ đến, sẽ có hai năm liên tục nối theo nhau – năm thứ 49 là năm sa-bát và năm thứ 50 là năm hân hỉ – trong đó họ phải thôi không có một nổ lực gieo cấy có hệ thống trong đất đai nữa.
Mùa màng của họ không phải là việc duy nhứt mà họ phải bỏ đi những năm đặc biệt nầy. Từng năm sa-bát, họ phải buông tha tất cả nô lệ người Hêbơrơ để họ về lại với gia đình họ, và họ phải tha cho bất kỳ món nợ nào mà đồng bào Hêbơrơ họ đã mắc. Hơn nữa, trong năm hân hỉ, bất kỳ đất nào đã bị đoạn mãi bởi một người Do thái cho người khác cần phải trả ngược về cho chính nguyên chủ của nó.
Lý do Đức Chúa Trời đã ban ra các điều khoản nầy trong Lêvi ký 25:23 và 25:55 ấy là đất và con người đều thuộc về chính mình Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời là chủ và là Nguồn của từng việc tốt lành, và Ngài xác định các giới hạn trên đó Ngài ban cho chúng ta quyền quản lý đối với các việc ấy.
Chẳng có một bằng chứng nào cho thấy rằng dân Israel đã tuân giữ năm sa-bát hay năm hân hỉ sau khi họ vào trong xứ. Thật vậy, khoảng thời gian lưu đày của xứ Giuđa trong xứ Babylôn đều dựa trên con số sa-bát mà dân Israel đã chối bỏ.
Bây giờ, chúng ta hãy cập nhật những gì chúng ta đã nhìn thấy trong sự tuân giữ sa-bát: Những ngày sa-bát cần phải trở thành ký ức liên tục cho các nguyên tắc cơ bản nầy:
Dân sự của Đức Chúa Trời không phải nương cậy vào mọi nổ lực của họ để chu cấp cho bản thân họ hay để bảo hộ bản thân họ vì:
Đức Chúa Trời là Đấng làm chủ muôn vật.
Đức Chúa Trời là Đấng Tiếp Trợ cho từng việc tốt lành.
Sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời phải được nhận lãnh theo các giới hạn của Ngài, chớ không phải của chúng ta.
Bằng cách cụ thể gạt bỏ mọi nổ lực của họ vào các thời điểm mà Đức Giêhôva đã ấn định, dân Do thái phải công nhận và chứng tỏ sự nương cậy hoàn toàn của họ nơi Ngài để có được từng việc tốt lành.
Có phải các nguyên tắc bị ràng buộc bởi thời gian như thế nầy được áp dụng chỉ cho dân Israel xưa kia, hay có phải chúng là những nguyên tắc vô hạn? Câu trả lời rất là rõ ràng. Như với MỌI ĐIỀU trong luật pháp, các nguyên tắc chúng ta thấy đó, là những nguyên tắc rút ra từ từng bổn tánh của Đức Chúa Trời, và bổn tánh của Ngài không hề thay đổi.
Chúng ta cần chịu khó suy nghĩ về những phương thức mà các nguyên tắc nầy có thể và sẽ tác động trên đời sống của chúng ta. Với sự quan tâm đến các nguyên tắc có trong sự tuân giữ sa-bát, cái điều có giá trị cho chúng ta là phải biệt riêng thì giờ để đình chỉ mọi nổ lực lo chu cấp cho mọi nhu cần chính của mình, đặc biệt trong xã hội mà chúng ta thấy mình đang ở trong đó ngày nay. Chúng ta cần sự luyện tập thuộc linh ấy để giữ cho mọi ưu tiên của chúng ta được ngay thẳng và chú trọng vào sự kêu gọi phải tin cậy Đức Chúa Trời trong mọi sự!
Sự thích đáng của các nguyên tắc nầy đang tỏa khắp. Chúng ta tin cậy ai để có sự tiếp trợ và an ninh trực tiếp tác động vào những gì chúng ta làm với tiền bạc của mình; nó tác động vào sự ưu tiên về thời gian chúng ta cung ứng cho lao động và cho sự phục vụ nhau; nó tác động trực tiếp vào cấp độ lo sợ chúng ta hiệp với sự thiếu chủ động về tài chính của mình hay trên sự an toàn của công việc làm ăn của mình – và nó tác động vào vô số những phương diện khác trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Chúng ta đã nói tới mục đích của các điều răn và những phép tắc cho những ai đã được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời bởi ân điển nhơn đức tin – mục đích ấy dẫn tới sự khôn ngoan tin kính. Chúng ta đã nói tới một số bài học cần phải tiếp thu từ những ngày sa-bát, những kỳ lễ, các năm sa-bát, và năm hân hỉ. Chúng ta đã nói tới nguyên tắc được thấy trong sự phân biệt giữa sạch và không sạch. Có nhiều điều cần được nói ra về các nguyên tắc mà chúng ta sẽ tìm gặp trong luật pháp Môise.
Chúng ta càng đào sâu trong Kinh thánh, chúng ta càng nhìn biết toàn bộ chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, và chúng ta càng nhìn biết chính mình Đức Chúa Trời. Sự công nhận của cá nhân về Đức Chúa Trời, nó tạo ra sự khôn ngoan và khiến cho linh trình của chúng ta trên đất nầy trở thành một cơ hội phước hạnh để sống giống như những cái bình vinh hiển ở trong tay của Đức Chúa Trời kỳ diệu.
Rôma 7:12, Phaolô viết như sau: “Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành”. Lời khuyên của tôi dành cho bạn và cho tôi, ấy là chúng ta không nên trễ nãi trong việc nghiên cứu và suy gẫm luật pháp trọn vẹn của Đức Chúa Trời, và chúng ta phải trung tín đưa vào thực hành các nguyên tắc kỳ diệu được tìm thấy ở trong đó. Khi ấy, chúng ta sẽ hòa thanh với tác giả Thi thiên:
“Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy. Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn kẻ thù nghịch tôi, vì các điều răn ấy ở cùng tôi luôn luôn” (Thi thiên 119:97-98 phần nhấn mạnh là của tôi).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét