Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Đời sống cầu nguyện của cấp lãnh đạo



Đời sống cầu nguyện của cấp lãnh đạo
Mục sư Rick Warren

Bạn có thể tiếp thu nhiều điều về một người qua loại cầu nguyện mà người ấy có. Thí dụ, một lời cầu nguyện ích kỷ chỉ ra một tinh thần ích kỷ. Bạn có bao giờ nghe một lời cầu nguyện có âm điệu giống như một danh sách của Lễ Giáng Sinh – tôi muốn cái nầy, và tôi muốn cái kia chưa? Có người tìm cách gây ấn tượng cho bạn với những lời cầu nguyện của họ, thế mà họ đã toát ra toàn là thứ kiêu ngạo và tự cao.
Đối với cấp lãnh đạo, có một lời cầu nguyện mẫu trong chương thứ nhứt của sách Nêhêmi. Còn nhớ Nêhêmi không? Khi ông ấy lần đầu tiên nghe nói về sự sụp đổ của thành Jerusalem, ông đã cầu thay trong bốn tháng.
Đây không những là một sự cầu nguyện ngẫu nhiên đâu. Mà nó còn cung ứng cho chúng ta một khuôn mẫu cho sự cầu nguyện thành công nữa. Nếu bạn muốn biết phải cầu nguyện như thế nào, bạn nên nghiên cứu sách Nêhêmi – đặc biệt là lời cầu nguyện nầy.
Đây là bốn bí quyết cho sự cầu nguyện được nhậm từ đời sống của Nêhêmi:
1. Lời cầu xin của bạn dựa theo bổn tánh của Đức Chúa Trời
Hãy cầu nguyện y như bạn biết Đức Chúa Trời sẽ trả lời cho bạn vậy: "Con mong Ngài trả lời cho sự cầu nguyện nầy vì cớ Ngài là ai. Ngài là một Đức Chúa Trời thành tín. Ngài là một Đức Chúa Trời cao cả. Ngài là một Đức Chúa Trời yêu thương. Ngài là một Đức Chúa Trời lạ lùng. Đức Chúa Trời ôi, Ngài có thể xử lý vấn đề nầy!"
Nêhêmi tiếp cận Đức Chúa Trời và nói: "Đức Chúa Trời ôi, con muốn Ngài làm một việc gì đó cho thành Jerusalem”. Câu 5 chép: "Ôi! Giê-hô-va Đức Chúa của các từng trời, tức Đức Chúa Trời cực đại và đáng kinh, hay giữ lời giao ước và lòng nhân từ cùng kẻ nào kính mến Ngài và vâng giữ các điều răn của Ngài!" Nêhêmi đã nói ba điều về Đức Chúa Trời:
a. Ngài là cực đại – đấy là địa vị của Đức Chúa Trời.
b. Ngài là đáng kinh – điều nầy tỏ ra quyền phép của Ngài.
c. Ngài hay giữ mọi lời hứa của Ngài – giao ước của Đức Chúa Trời.
Việc đầu tiên Nêhêmi đã nói là công nhận Đức Chúa Trời là ai. Đúng đấy là một lời ngợi khen. Hãy công nhận Đức Chúa Trời là ai và sự cực đại của Ngài. Ông khởi sự bằng cách tiếp ngay một nhận định đúng đắn. Trong việc khởi sự một lời cầu nguyện được nhậm, hãy nói: "Đức Chúa Trời ôi, con muốn Ngài trả lời vì cớ Ngài là ai. Ngài đã ban cho chúng con mọi điều nầy, những lời hứa nầy. Ngài là một Đức Chúa Trời thành tín, một Đức Chúa Trời yêu thương, một Đức Chúa Trời hay thương xót" – hết thảy những điều nầy Kinh thánh cho chúng ta biết Ngài thực như vậy. Bạn cầu xin dựa theo bổn tánh của Đức Chúa Trời.
2. Xưng ra tội lỗi trong đời sống của bạn.
Sau khi Nêhêmi thốt ra lời cầu nguyện dựa theo Đức Chúa Trời là ai, ông đã xưng ra tội lỗi của mình. Ông nói: "Chúng tôi đã phạm tội". Hãy xem bao nhiêu lần ông sử dụng từ ngữ "tôi" và "chúng tôi". Ông nói: "Tôi xưng ... tôi ... nhà của tổ phụ tôi ... chúng tôi có làm rất ác tệ ... chúng tôi đã không vâng giữ". Họ bị bắt đi làm phu tù, ấy chẳng phải là lỗi của Nêhêmi. Thậm chí ông chưa chào đời khi điều nầy xảy ra 70 năm trước. Ông đã chào đời trong cuộc phu tù. Tuy nhiên, ông kể cả bản thân mình trong tội lỗi của cả dân tộc. Ông nói: "Tôi là một phần của vấn đề".
Có sự xưng tội riêng và có sự xưng tội cho dân tộc. Đây là điều mà chúng ta không biết chi hết. Chúng ta không có một ý thức tập thể ở nước Mỹ ngày nay. Chúng ta sống rất cá thể. Chúng ta được truyền dạy phải xưng ra tội lỗi của mình. Khi nào là lần cuối cùng bạn xưng ra tội lỗi của cả dân tộc vậy? Hay tội lỗi của gia đình bạn? Hoặc tội lỗi Hội thánh của bạn? Hay bạn hữu của bạn? Xã hội của chúng ta đã dạy cho chúng ta rằng chúng ta chỉ chịu trách nhiệm về bản thân mình mà thôi. Há đấy chẳng phải là sự thật sao! Bạn là người giữ em của mình. Hết thảy chúng ta đang cùng nhau sống như thế đó.
Cấp lãnh đạo phải chấp nhận trách nhiệm sai trật nhưng không nên chấp nhận mình là người thua cuộc chỉ biết đổ trách nhiệm cho người khác. Nếu bạn muốn trở thành một cấp lãnh đạo, bạn chấp nhận trách nhiệm sai trật, rồi hãy lo liệu về uy tín. Những người thua cuộc luôn luôn là hạng người chuyên tố cáo và bào chữa. Họ luôn luôn đưa ra những lời bào chữa lý do tại sao có những việc không hay không thể xảy ra. Sự việc luôn luôn là lỗi lầm của người khác. Cấp lãnh đạo phải chấp nhận trách nhiệm.
3. Đòi hỏi các lời hứa của Đức Chúa Trời.
Nêhêmi đang cầu nguyện với Đức Giêhôva, ông nói: "Tôi muốn Ngài nhớ lại mọi điều Ngài đã phán với Môise". Bạn có thể tưởng được cách nói "nhớ lại" với Đức Chúa Trời không? Ông đang nhắc cho Đức Chúa Trời nhớ lại những điều Ngài đã phán trong quá khứ. Đức Chúa Trời ôi, Ngài đã cảnh cáo chúng tôi qua Môise rằng nếu chúng tôi bất trung chúng tôi sẽ phải lìa khỏi xứ Israel. Nhưng Ngài cũng hứa rằng nếu chúng tôi ăn năn, Ngài sẽ ban xứ lại cho chúng tôi. Qua cả Kinh thánh, bạn thấy dân sự của Đức Chúa Trời nhắc cho Đức Chúa Trời nhớ lại về những gì Ngài đã phán Ngài muốn làm. David đã nhắc điều đó. Ápraham đã nhắc sự ấy. Môise cũng vậy. Tất cả các tiên tri đều nhắc như thế: "Đức Chúa Trời ôi, tôi muốn nhắc cho Ngài nhớ đến một trong các lời hứa của Ngài ...". Như vậy, họ đã dự vào việc nhắc nhở đó.
Có phải Đức Chúa Trời cần được nhắc nhớ không?
Không.
Có phải Ngài quên những gì Ngài đã hứa không?
Không.
Thế thì tại sao chúng ta phải nhắc chứ?
Vì làm thế sẽ giúp chúng ta nhớ lại những gì Đức Chúa Trời đã hứa. Không một điều gì làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn là lúc bạn nhắc cho Đức Chúa Trời nhớ đến một trong các lời hứa của Ngài.
Có phải con cái hay quên một lời hứa chăng?
Không bao giờ.
Vì vậy, bạn phải rất cẩn thận về việc đưa ra các sự nhắc nhở ấy. Kinh thánh nói chúng ta là những người làm cha rất bất toàn, và nếu chúng ta những người cha bất toàn còn biết mình cần phải chu toàn mọi lời hứa với con cái của mình, thì Cha trọn vẹn, là Cha thiên thượng phải còn hơn thế nữa, Ngài luôn giữ các lời hứa mà Ngài đã lập ra trong Lời của Ngài.
4. Những gì tôi cầu xin phải rất là đặc biệt.
Nếu bạn muốn có những câu trả lời đặc biệt cho sự cầu nguyện, bạn cần phải đưa ra những lời cầu xin thật đặc biệt. Nếu bạn đưa ra những lời cầu nguyện chung chung, làm sao bạn biết một khi chúng được trả lời cho?
Nêhêmi không chần chừ cầu xin sự thành công. Ông rất dạn dĩ trong sự cầu nguyện của ông. Bạn có từng cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin giúp cho con được thành công!" Nếu chưa, thì tại sao chưa? Có đề xuất nào khác không? Một thất bại ư? Chẳng có gì sai với sự cầu nguyện xin thành công nếu mọi sự bạn đang làm hoàn toàn là vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Hãy cầu nguyện theo cách dạn dĩ. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời khiến cho bạn được thành công trong cuộc sống vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đấy là những gì Nêhêmi đã cầu xin. Đây là lời cầu nguyện có cơ sở vững chắc. Xin ban cho tôi sự thành công!
Nếu bạn không thể cầu xin Đức Chúa Trời khiến cho bạn được thành công trong những điều bạn đang làm, bạn nên xin một việc khác. Đức Chúa Trời không muốn bạn làm phí mất đời sống của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét