Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Mác 14:12-26: "TIỆC THÁNH"



Mác 14:12-26
TIỆC THÁNH

Phần giới thiệu: Trong hệ thống nhà tù của chúng ta, một tù phạm bị kết án thường được phép chọn những gì họ muốn có cho bữa ăn sau cùng của họ. Một số lựa chọn của họ rất là thú vị.
+ Gary Gilmore – Người đầu tiên bị hành quyết theo án tử hình vào năm 1977, đã chọn hamburgers, trứng, khoai tây và rượu whisky, toàn là các thứ được đưa lén vào trong phòng giam của ông ta.
+ Ted Bundy – Một kẻ giết người hàng loạt bị hành quyết ở Florida vào năm 1989, đã chọn món ăn của người Mễ.
+ Timothy McVeigh – Bị hành quyết vào năm 2001 vì vai trò của ông ta đánh bom tòa nhà Alfred P. Murrah Federal ở thành phố Oklahoma, OK đã chọn hai cân kem Mint Chocolate Chip.
+ John Wayne Gacy – Một kẻ giết người hàng loạt đã giết ít nhất 33 thanh niên và đã chôn họ dưới nhà mình, đã chọn Gà rán Kentucky, tôm chiên, thịt rán kiểu Pháp, dâu tây và Coke.
+ Walter LaGrand – Bị hành quyết ở Arizona vào năm 1999, yêu cầu 6 quả trứng chiên, 16 miếng thịt lợn, một dĩa thịt băm, một lít nước quả giải khát, một miếng thịt điểm tâm, một ly đá, 7-Up, nước giải khát Dr Pepper, Coke, cháo nóng, cà phê, hai túi đường, và bốn Rolaids.
Trong phân đoạn Kinh thánh của chúng ta hôm nay, Đức Chúa Jêsus Christ đã nhóm các môn đồ Ngài lại để dự bữa ăn sau cùng của Ngài. Ngài không có đặc ân để yêu cầu những gì Ngài sẽ dùng cho bữa ăn sau cùng của Ngài, song bữa ăn mà Ngài dùng có thể là bữa ăn quan trọng nhất từng được dọn ra.
Bữa ăn Đức Chúa Jêsus Christ đã dùng vào tối trước khi Ngài gục chết là một bữa ăn được Đức Chúa Cha ấn định để tôn vinh Đức Chúa Con. Đây là một bữa ăn để rao giảng Tin Lành. Đây là một bữa ăn tỏ ra ân điển của Đức Chúa Trời. Đây là một bữa ăn xác nhận sự dựng nên giao ước thuộc linh mới giữa Đức Chúa Trời và hạng tội nhân biết ăn năn.
Tôi muốn hiệp với Chúa Jêsus và người của Ngài tại bữa Tiệc Thánh. Tôi muốn bạn nhìn thấy Những chuẩn bị cho bữa tiệc; Vấn đề tại bữa tiệc và Hình ảnh trong bữa tiệc. Các chi tiết nầy giúp chúng ta hiểu rõ lý do tại sao Tiệc Thánh là quan trọng và tiệc ấy có ý nghĩa gì cho đời sống chúng ta ngày nay. Chúa có một lời ở đây dành cho bạn, nếu bạn chịu nghe theo lời ấy.
I. NHỮNG CHUẨN BỊ CHO BỮA TIỆC (các câu 12-16)
A. Mục đích cho những sự chuẩn bị (câu 12) – Phân đoạn Kinh thánh chép các môn đồ đến với Chúa Jêsus để biết Ngài muốn dọn bữa ăn Lễ Vượt Qua ở đâu!?! Lễ Vượt Qua là chính lễ trong năm tôn giáo của người Do thái. Lễ nầy được tổ chức vào ngày 14 tháng tháng Giêng trong tờ lịch của người Do thái, Xuất Êdíptô ký 12:6; Lêvi ký 23:5. Tháng thứ nhứt trong tờ lịch của họ tương ứng với tháng Tư trên tờ lịch hiện hành của chúng ta.
Lễ Vượt Qua là kỳ lễ được ấn định để tưởng niệm đêm Đức Chúa Trời đã “Vượt Qua” Israel khi thiên sứ sự chết hủy diệt con đầu lòng của Aicập trong trận dịch sau cùng của mười trận dịch mà Đức Chúa Trời sai đến phán xét Aicập. Lễ Vượt Qua cũng được gọi là “Lễ Bánh Không Men”, vì chẳng có chút men nào hay bánh có men được sử dụng hay được giữ lại trong nhà suốt những ngày lễ ấy.
Các điều luật dành cho Lễ Vượt Qua được thấy có ở Xuất Êdíptô ký 12. Theo các câu 1-11 của phân đoạn ấy, mỗi gia đình trong Israel cần phải thực hiện các bước sau đây.
+ Họ cần phải chọn một chiên con, con chiên nầy sẽ bị giết vào bữa tối Lễ Vượt Qua, Xuất Êdíptô ký 12:3-6.
+ Họ cần phải lấy huyết của chiên con rồi bôi lên mày cửa nhà của họ, Xuất Êdíptô ký 12:7.
+ Họ phải nướng con chiên ấy trên lửa rồi ăn nó với rau đắng và bánh không men, Xuất Êdíptô ký 12:8.
+ Họ cần phải ăn bữa ăn nầy với áo xống mặc cho chuyến hành trình, với giày mang sẵn, gậy đi đường của họ trong tay và họ cần phải ăn thịt chiên con đó trong sự hối hả, Xuất Êdíptô ký 12:11.
Mạng lịnh cho bữa ăn có như sau:
+ Họ uống chén rượu đỏ pha với nước, Luca 22:17.
+ Có việc rửa tay theo nghi thức làm biểu tượng cho nhu cần về thuộc linh và sự thanh sạch về mặt đạo đức.
+ Họ đã ăn rau đắng, làm biểu tượng cho sự nô lệ của họ ở Aicập.
+ Họ đã uống chén rượu thứ nhì, lúc bấy giờ chủ nhà giải thích ý nghĩa của Lễ Vượt Qua.
+ Khi ấy họ sẽ hát hai Thi thiên Halêlugia, Thi thiên 113-114.
+ Kế đó, chiên con sẽ được dọn lên, và chủ nhà phân phát các miếng thịt của chiên con đó với bánh không men. Bánh không men làm biểu tượng cho sự vội vàng. Chẳng có thì giờ để chờ bột dậy lên trước khi chuyến hành trình bắt đầu.
+ Họ uống chén rượu thứ ba.
+ Khi đó, họ sẽ kết thúc bữa ăn bằng cách hát phần còn lại của các Thi thiên ấy, Thi thiên 115-118.
Đây là bữa ăn mà các môn đồ đã hỏi thăm. Những người Do thái chính thống vẫn còn giữ Lễ Vượt Qua y như lễ ấy đã được giữ trong hàng ngàn năm. Buồn thay, họ chẳng nhớ tới ý nghĩa biểu tượng của lễ đó.
Chúng ta sẽ ngừng ở đây để nói tới bữa ăn Lễ Vượt Qua, vì đây là một hình ảnh tuyệt vời nói tới Thân Vị và Công tác của Đức Chúa Jêsus Christ.
+ Bữa ăn gồm có chiên con, Xuất Êdíptô ký 12:3-8. Hãy chú ý Xuất Êdíptô ký 12:3 yêu cầu Israel phải chọn “một chiên con”. Đây có thể là chiên con nào bất kỳ. Khi ấy, nó được gọi là “chiên con” ở câu 4. Điều nầy đề cập tới chiên con đặc biệt được chọn cho bữa ăn. Thế rồi nó được gọi là “chiên con của các ngươi” ở câu 5. Điều nầy khiến cho bữa ăn ra riêng tư. Họ cần phải chọn chiên con vào “ngày mồng mười trong tháng”, Xuất Êdíptô ký 12:3, và họ cần phải giữ con chiên cho tới “ngày mười bốn” của tháng ấy, Xuất Êdíptô ký 12:6. Sẽ có một sự quyến luyến phát triển giữa gia đình và con chiên nhỏ kia. Điều nầy có chủ ý, Đức Chúa Trời muốn họ nhìn thấy cái giá cao của tội lỗi họ. Ngài muốn họ phải hiểu cho rằng ơn cứu rỗi là một công việc của cá nhân.
Đức Chúa Jêsus Christ không những là một “Cứu Chúa”, một người giữa vòng nhiều người, Ngài là “Đấng Cứu Thế”. Công tác cứu rỗi của Ngài không thành tựu trong đời sống của bạn cho tới chừng bạn có thể nói Chúa Jêsus là “Cứu Chúa của bạn”. Có phải Chúa Jêsus là Cứu Chúa của bạn không? Có phải bạn từ bỏ mọi trông mong khác về sự cứu rỗi để vòng tay ôm lấy Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của bạn không?
+ Chiên con cần phải không “tì vít”, Xuất Êdíptô ký 12:5. Đây là một hình ảnh nói tới sự trọn vẹn và thanh sạch.
Chiên con nầy nói tới Chúa Jêsus vì Ngài cũng không có tì vít chi hết. Ngài là Cứu Chúa vô tội, I Phierô 2:22; II Côrinhtô 5:21.
+ Chiên con cần phải bị giết và huyết của nó được bôi trên mày cửa của nhà, Xuất Êdíptô ký 12:7; 22-23. Gia đình cần phải nhóm lại trong ngôi nhà và ăn bữa ăn ấy. Khi thiên sứ sự chết đi ngang qua xứ để giết những đứa trẻ đầu lòng, những ai ở trong nhà với huyết bôi trên mày cửa sẽ được an ninh.
Một lần nữa, đây là một hình ảnh nói tới Đức Chúa Jêsus Christ. Nơi trú ẩn duy nhứt bất kỳ ai cũng có được hầu chống lại cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời Toàn Năng chính là huyết của Đấng Christ! Nếu bạn từng hy vọng mình được cứu, bạn phải đến với Đức Chúa Jêsus Christ bởi đức tin và khi bạn đến, huyết của Ngài thanh tẩy hết từng tội lỗi, Khải huyền 1:5; I Phierơ 1:18-19. Huyết của Ngài là thuẩn che chống lại cơn thạnh nộ và sự phán xét của Đức Chúa Trời, Rôma 5:9.
+ Chiên con cần phải bị nướng với lửa, Xuất Êdíptô ký 12:8. Lửa là hình ảnh nói tới sự phán xét và nó nhắc cho dân Israel nhớ rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ đổ ra trên Aicập tội lỗi và việc duy nhứt đã ngăn không để Israel bị phán xét cùng với Aicập là huyết của chiên con đã chịu chết để cứu họ. Chiên con đã bị phán xét trong chỗ của họ.
Điều nầy cũng phác họa Chúa Jêsus, Ngài bị xét đoán trong chỗ của những kẻ được chuộc của Ngài, II Côrinhtô 5:21; Galati 3:13; I Phierơ 3:18.
+ Chiên con cần phải được người ta ăn lấy, Xuất Êdíptô ký 12:8. Chẳng tốt lành gì khi chỉ chọn lấy chiên con. Chẳng tốt lành gì khi chỉ giết chiên con. Chiên con cần phải được dành riêng cho từng cá nhân.
Cũng thực như thế với Chúa Jêsus. Sự chết của Ngài trên thập tự giá là vô nghĩa cho bạn cho tới chừng nào bạn tiếp nhận Ngài bởi đức tin. Sự chết của Ngài không thể cứu bạn cho tới chừng bạn hướng về Ngài và tiếp nhận Ngài vào lòng và vào đời sống của bạn. Hãy lắng nghe những gì Lời Đức Chúa Trời phán dạy: Giăng 3:16; Công Vụ các Sứ đồ 16:31; Rôma 10:13; Êphêsô 2:8-9. Bạn đã tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của bạn chưa?
+ Còn rất nhiều điều cần phải nói về Lễ Vượt Qua và chiên con. Một ít tư tưởng như thế nầy chỉ nhắc cho chúng ta nhớ rằng sự cứu rỗi không phải là một sự lựa chọn; đấy là một sự cần thiết! Nếu bạn không nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là Cứu Chúa của bạn, bạn sẽ đối diện với Đức Chúa Trời trong sự phán xét một ngày kia. Nếu bạn đã được cứu bởi ân điển của Ngài, bạn sẽ đối mặt với cơn thịnh nộ kinh khủng của Đức Chúa Trời. Huyết của Ngài đã xây khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đời đời cho những người nào tin, Minh họa: Hêbơrơ 10:11-18!
Một số người không thích nói về huyết. Họ lấy làm vui vẻ với thứ “tôn giáo sát sinh, đầy huyết”. Tôi chỉ muốn nhắc cho bạn nhớ rằng chẳng có sự cứu rỗi nào ngoài huyết đổ ra của chiên con, Hêbơrơ 9:22. Có thể bạn không thích huyết, nhưng chính huyết của Chúa Jêsus mới thanh tẩy hết tội lỗi được, I Giăng 1:7; Êphêsô 1:7. Huyết của Chúa Jêsus là thứ duy nhứt có thể làm cho một tội nhân hư mất phục hòa lại với một Đức Chúa Trời thánh khiết, Êphêsô 2:13. Tôi nghĩ tôi mới vừa chạm đến huyết! Tôi nghĩ tôi chỉ giữ lấy việc rao giảng huyết ấy! Tôi nghĩ tôi cứ giữ lấy sự vui mừng trong huyết ấy!

Tâm linh ai kia đương mong thoát gánh ác căn
Do quyền trong dòng huyết, quyền huyết Jêsus
Ai kia đương mong linh năng thắng quỉ dữ chăng?
Do quyền mầu nhiệm bấy huyết Jêsus!
Tâm linh ai kia mong cho trắng quá tuyết không?
Do quyền trong dòng huyết, quyền huyết Jêsus
Quyền trong huyết, huyết linh năng vẹn toàn,
Quyền năng do huyết báu chiên con lành!


B. Kế hoạch cho những sự chuẩn bị (các câu 13-16) – Trong phần đáp ứng với thắc mắc của họ, Chúa Jêsus đã sai “hai môn đồ đi” để lo sắp xếp cho Lễ Vượt Qua. Từ Luca 22:8, chúng ta biết hai môn đồ nầy là “Phierơ và Giăng”. Theo luật lệ của người Do thái, chỉ có hai người mới được phép phụ việc cung cấp chiên con để làm của lễ.
Chúa Jêsus bảo họ vào trong thành rồi tìm gặp một người mang “cái vò nước”. Họ cần phải đi theo người nầy và người sẽ dẫn họ đến một ngôi nhà, ở đó họ sẽ thấy mọi sự đã sẵn sàng cho bữa ăn.
Ở một mặt, các lời căn dặn nầy dường như có đôi chút mơ hồ. Nhưng, luôn luôn là vậy, Chúa Jêsus đã có lý lẽ của Ngài cho lý do tại sao Ngài đã làm những việc Ngài đã làm.
Về một việc, những lời căn dặn nầy chỉ ra sự toàn tri của Chúa chúng ta. Ngài đã biết có một người mang cái vò nước. Điều nầy là quan trọng vì người trong thánh ấy không mang vò nước; đấy là công việc của phụ nữ! Nam giới mang những bầu da đựng nước chớ không mang vò. Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã biết rõ một tôi tớ nào đó sẽ mang nước từ giếng về nhà. Ngài cũng biết rõ các môn đồ sẽ tìm được căn phòng trọn vẹn khi họ đến tại ngôi nhà ấy nữa.
Tôi ngợi khen Chúa vì chúng ta hầu việc một Đấng Cứu Thế biết rõ mọi sự! Kinh thánh chép: “Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, xem xét kẻ gian ác và người lương thiện” Châm ngôn 15:3. Và: “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” Hêbơrơ 4:13.
Trong khi có một số việc về tôi mà tôi ước ao Chúa không biết, tôi vui sướng vì Ngài biết mọi nhu cần của tôi, các gánh nặng của tôi và mọi tình huống mà tôi đối diện với trong cuộc sống. Vì Ngài biết rõ, Ngài sẵn sàng và có khả năng vùa giúp, Hêbơrơ 4:15-16; Mathiơ 6:31-32.
Một khi Chúa Jêsus biết rõ mọi sự, Ngài có thể nói cho họ biết màu sắc của ngôi nhà, và Ngài có thể cung ứng chính xác địa chỉ nữa. Ngài đã giấu các chi tiết vì Ngài biết rõ những điều Giuđa đang hoạch tính để làm, các câu 10-11. Ngài không muốn Lễ Vượt Qua bị ngăn trở bởi chương trình phản bội của Giuđa Íchcariốt.
Nếu Giuđa biết chính xác địa điểm của bữa ăn, ông ta sẽ cung ứng địa điểm ấy cho người Do thái. Có thể họ sẽ tìm cách bắt Chúa Jêsus ngay khi ấy. Chúa Jêsus muốn bữa ăn nầy phải là thì giờ đặc biệt cho người của Ngài. Ngài muốn sử dụng Lễ Vượt Qua để dạy cho họ biết một số lẽ thật có giá trị vẫn còn nói với chúng ta ngày nay. Vì thế, Chúa Jêsus đã giấu các huấn thị của Ngài về địa điểm, nơi bữa ăn sẽ được dọn.
Vì thế, Phierơ và Giăng đi vào trong thành và tìm được ngôi nhà. Khi ấy có thể họ đến tại Đền thờ, mua một chiên con có bán sẵn ở đó rồi dâng nó làm của lễ theo luật pháp.
I. Những sự chuẩn bị cho bữa tiệc
II. VẤN ĐỀ TẠI BỮA TIỆC (các câu 17-21)
(Minh họa: Chúa Jêsus và người của Ngài đến dự kỷ niệm Lễ Vượt Qua. Đôi khi giữa các câu 17 và 18, các biến cố ở Giăng 13:3-17 diễn ra. Trong các câu đó, Chúa Jêsus nắm lấy địa vị của một tôi tớ và rửa chơn cho các môn đồ Ngài. Ngài dạy cho họ một bài học về sự khiêm nhường. Ngài đang dạy cho họ biết rằng là cấp lãnh đạo thực sự phải ở trong công việc phục vụ cho người khác).
A. Một lời công bố (câu 18) – Sau khi Chúa Jêsus rửa chơn cho các môn đồ Ngài, Ngài làm cho cả nhóm phải xôn xao. Ngài tuyên bố rằng một trong số họ sẽ nộp Ngài vào tay của người Do thái. Chúng ta biết lai lịch của kẻ phản bội, tên của hắn là Giuđa Íchcariốt.
B. Nổi kinh ngạc (câu 19) – Khi các môn đồ nghe thấy một trong số họ là kẻ phản bội, họ đầy dẫy với sự kinh ngạc. Họ bắt đầu nhìn vào Chúa Jêsus rồi nói: “Có phải tôi không?” Ngay cả Giuđa, là người biết chính xác điều mình sắp làm, đã nhìn vào Chúa Jêsus rồi nói: “Thưa Thầy, có phải tôi không?” (Mathiơ 26:25).
C. Một lời yêu cầu (các câu 20-21) – Chúa Jêsus sử dụng cơ hội nầy để thử và chìa tay ra với Giuđa lần sau cùng. Ở Giăng 13, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã chỉ cho Giăng biết kẻ phản bội bằng cách ban cho Giuđa “miếng bánh”, Giăng 13:21-27. Như chúng ta đã nghiên cứu trong tuần qua, “miếng bánh” là một mẫu bánh được nhúng vào trong một hỗn hợp nước trái cây được gọi là mứt. Được trao cho “miếng bánh” bởi chủ tiệc tại bữa ăn là hình thái trọn vẹn của sự tôn trọng và yêu thương.
Hãy in hình ảnh ấy vào tâm trí của bạn. Phần lớn những gì chúng ta tin về bữa tiệc thánh đã được dạy dỗ cho chúng ta qua bức họa nổi tiếng do Leonardo da Vinci tô vẽ. Bức họa ấy cho thấy Chúa Jêsus và mười hai môn đồ đã ngồi ở đàng sau một cái bàn thật dài. Đây chẳng phải là cách họ giữ Lễ Vượt Qua đâu. Bức họa ấy đã vẽ không đúng và đã gây ra nhiều nhầm lẫn về bữa Tiệc Thánh.
Trong thời của Chúa Jêsus, người Do thái đã sử dụng phong cách ăn uống của người Lamã. Họ nghiêng mình trên mấy cái gối đặt quanh một cái bàn thấp. Họ sẽ nằm xuống với đầu của họ nghiêng qua phía cái bàn, chống trên khủy tay trái của họ. Bàn tay trái sẽ tựa vào đầu và bàn tay phải sẽ lấy thức ăn.
Điều nầy giải thích làm sao Giăng có thể tựa đầu mình vào ngực Chúa khi họ dùng bữa, Giăng 13:25. Với sự sắp đặt nầy, Chúa Jêsus nằm ở phía sau với Giăng ở trước mặt Ngài và Giuđa ở phía sau Ngài. Với tư thế nầy thật là dễ cho Chúa Jêsus trao cho Giuđa “miếng bánh”, một khi họ cùng dùng chung với nhau một cái bát.
Thật là thú vị khi để ý thấy rằng đang khi Giăng đã tựa lưng và nghiêng đầu dựa vào Chúa, Chúa Jêsus có thể tựa lưng vào nghiêng đầu Ngài về phía Giuđa! Giuđa đã ở gần với Chúa Jêsus giống như Giăng, thế nhưng Giuđa đã bị hư mất!
Chúa Jêsus đưa ra lời kêu gọi Giuđa hãy xây khỏi kế hoạch gian ác của hắn đi. Giuđa được ban cho cơ hội để ăn năn. Mọi sự ông ta phải làm là đoạn tuyệt với tội lỗi của mình rồi vòng tay ôm lấy Chúa Jêsus và mọi sự sẽ được tha thứ. Chúa Jêsus vẫn phải bước lên thập tự giá, nhưng Giuđa có thể đã được cứu! Giuđa đã từ chối và tìm cách thực thi kế hoạch của mình, Giăng 13:27-30. Khi ông ta làm thế, ông ta đã xét đoán linh hồn mình phải đi Địa Ngục.
Hãy chú ý lời lẽ của Chúa ở câu 21: “Vì Con người đi, y như lời đã chép về Ngài; song khốn cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn”. Tốt hơn là Giuđa chưa hề sống, hơn là đã sống mà lại chết đi trong sự hư mất! Cũng thực như thế cho người nào từng thở trong trong thế gian nầy.
Sống mà không có Chúa Jêsus là một việc rất kinh khiếp, nhưng chết mà không có Ngài là một thảm họa còn lớn lao hơn lý trí có thể nhìn biết nữa. Ở mặt kia của cánh cửa sự chết, Địa Ngục đang vẫy đợi linh hồn bị hư mất! Chết mà không có Chúa Jêsus có nghĩa là sự hư mất đời đời của linh hồn trong ngọn lửa của Địa Ngục! Bất nhiêu đủ là thảm họa rồi, Mác 8:36-37, nhưng Địa Ngục là một nơi hành hại ghê khiếp rất đau khổ. Ngay cả một cái nhìn thoáng qua sự ghê khiếp ở chỗ ấy minh chứng điều nầy là sự thực.
+ Địa Ngục là một chốn hình phạt – Mathiơ 25:41
+ Địa ngục là nơi có lửa – Luca 16:24; Mác 9:43-44
+ Địa ngục là chốn khô khát – Luca 16:24-25
+ Địa ngục là nơi đau khổ – Luca 16:24,25,28; Khải huyền14:10-11
+ Địa ngục là nơi của sự thạnh nộ – II Têsalônica 1:8-9
+ Địa ngục là chốn của thất bại và giận dữ – Mathiơ13:42; Mathiơ 24:51
+ Địa ngục là nơi phân cách đời đời ra khỏi Đức Chúa Trời và mọi điều chi là tốt lành – II Têsalônica 1:8-9; Khải huyền 21:27
+ Địa ngục là nơi mà bạn không muốn đến đó!
Chúa Jêsus đã chìa tay ra với Giuđa để chặn ông ta lại đừng đi đến Địa Ngục. Ngài đang chìa tay ra với bạn hôm nay. Ngài đã làm mọi sự Ngài cần phải làm để ngăn không cho bạn đi Địa ngục. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá để trả giá cho tội lỗi. Ngài đã sống lại từ kẻ chết để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ngài đã ban cho chúng ta Lời của Ngài để nói cho chúng ta biết về Tin Lành. Ngài sai Thánh Linh Ngài đến thuyết phục chúng ta về tội lỗi của chúng ta và để kéo chúng ta đến với Ngài, Giăng 6:44.
Việc duy nhứt giữ bạn không được cứu là chính bạn đấy! Bạn phải sấp mình xuống trước mặt Ngài! Bạn phải ăn năn tội lỗi của mình! Bạn phải kêu cầu nơi Chúa Jêsus, bởi đức tin, để được cứu. Bạn phải đến với Ngài!
Điều chi giữ bạn lại vậy? Tại sao bạn lại chọn Địa Ngục thay vì Thiên đàng? Tại sao bạn cứ tiếp tục sống trong tội lỗi của mình, với sự nhìn biết mọi hậu quả của một quyết định như thế chứ? Tại sao bạn chọn chết hơn là sống chứ? Có phải tội lỗi của bạn là quá nhiều đối với bạn chăng? Có phải sự kiêu ngạo của bạn có giá trị nhiều lắm đối với bạn chăng? Có phải bạn kiêu ngạo đến nỗi bạn không thể sấp mình xuống để xưng Chúa Jêsus là Chúa chăng? Ồ, nhưng bạn sẽ phải sấp mình xuống đấy thôi! Theo Lời của Đức Chúa Trời, bạn sẽ, Philíp 2:10-11. Nếu bạn chờ đợi cho tới chừng Ngài khiến bạn phải làm sự ấy, bạn sẽ chết trong sự hư mất, Khải huyền 20:11-15. Nếu bạn chịu sấp mình xuống trong khi Ngài còn níu kéo bạn, bạn sẽ được cứu đấy.
Vì vậy, sẽ là đâu nào, Thiên đàng hay Địa ngục? Bạn sẽ qua cõi đời đời ở đâu chứ? Mọi sự ấy nương vào những gì bạn làm với Chúa Jêsus!

BẠN SẼ LÀM GÌ VỚI CHÚA JÊsus?
Chúa Jêsus đang đứng nơi cửa lòng của bạn,
Ngài đứng đó và chờ đợi,
Ngài đã gõ cửa kìa.
Đây là thắc mắc mà bạn từng một lần đối diện,
Bạn sẽ làm gì với Chúa Jêsus?

Nơi tấm lòng buồn rầu của bạn,
Ngài vẫn còn đang gõ cửa,
Mong muốn bước vào, linh hồn bạn muốn lấp đầy.
Bạn phải tiếp nhận hoặc chối bỏ ý chỉ của Ngài,
Bạn sẽ làm gì với Chúa Jêsus?

Ồ, liệu bạn có để Ngài một mình ở ngoài,
Hay, bạn sẽ chọn Ngài,
Dù điều gì xảy ra,
Đây là thắc mắc mà bạn phải quyết định,
Bạn sẽ làm gì với Chúa Jêsus?

Giai điệu
Bạn sẽ làm gì với Chúa Jêsus?
Bạn sẽ làm gì với Chúa Jêsus?
Bạn không thể trung lập được đâu!
Một ngày kia tấm lòng của bạn sẽ rung lên,
Bạn sẽ làm gì với Chúa Jêsus?

I. Những sự chuẩn bị cho bữa tiệc
II. Vấn đề tại bữa tiệc
III. HÌNH ẢNH TRONG BỮA TIỆC (các câu 22-26)
(Minh họa: Chúa Jêsus sử dụng cơ hội Lễ Vượt Qua để thiết lập một giao ước mới. Giao ước cũ, có hiệu lực kể từ khi Luật pháp được ban cho Môise, trong đó người ta cứ quanh quẫn với việc tuân giữ các nghi thức và các thứ của lễ mang tính biểu tượng. Các nghi thức cùng những thứ của lễ nầy trông về sự đến của Đấng Mêsi, Ngài sẽ là của lễ trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Giao ước mới sẽ nhìn lại công việc đã được trọn của Đấng Mêsi. Thay vì cứ giữ theo các nghi thức tôn giáo và thực hiện những của lễ mang tính biểu tượng, chúng ta yên nghỉ bởi đức tin nơi những gì Chúa Jêsus đã làm khi Ngài chịu chết vì tội lỗi chúng ta trên thập tự giá, bị chôn và đã sống lại vào ngày thứ ba).
Trong phân đoạn nầy, Chúa Jêsus dạy người của Ngài, và phần còn lại chúng ta, mọi điều giao ước mới muốn nói tới. Ngài muốn chúng ta học biết lẽ thật: sự cứu rỗi không đến qua các nghi thức tôn giáo và việc tuân giữ luật pháp; ơn cứu rỗi đến bởi việc tiếp nhận những gì Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta bởi đức tin, Êphêsô 2:8-9.
Chúng ta hãy hiệp với Chúa Jêsus khi Ngài sử dụng Lễ Vượt Qua để dạy chúng ta về ơn cứu rỗi của Ngài. Chúng ta hãy tiếp thu từ Ngài khi Ngài thiết lập Tiệc Thánh.
A. Một Tấm Gương (các câu 22-24) – Có nhiều lúc khi lời lẽ là không đủ. Trong Cựu Ước, một số tiên tri đã sử dụng hành động để minh họa những gì họ cố gắng truyền đạt cho khán thính giả của họ. Cho phép tôi nhắc tới một vài chỗ.
+ Êxêchiên vẽ ra một bức tranh nói tới thành Jerusalem trên một tấm bảng bằng đất sét rồi dựng một trại quân của kẻ thù đến bao vây, để minh họa cho lẽ thật thành Jerusalem sẽ bị tấn công, Êxêchiên 4:1-3.
+ Êxêchiên đã cạo râu và tóc trên đầu mình. Bởi cách ấy, đây là một hành động kỳ quặc! Không một người Hêbơrơ nào cạo đầu hay cạo râu của mình cả. Làm như thế bị coi là mích lòng người ta trong xã hội ấy. Ông đã lấy tóc mình chia nó ra làm ba đống. Một đống ông đã đốt đi, đống kia ông đánh với một thanh gươm, và đống thứ ba ông rải ra trong gió. Đây là một hình ảnh nói tới sự phán xét sắp sửa giáng xuống dân Israel, Êxêchiên 5:1-3.
+ Giêrêmi đã làm một cái ách rồi mang nó để minh họa cho tình trạng phu tù ở Babylôn sắp xảy đến, Giêrêmi 27:1-7.
+ Tiên tri Abigia xé áo xống mình thành 12 mãnh rồi ban 10 mãnh cho Giêrôbôam để minh họa cho sự thực Đức Chúa Trời sắp sửa rút 10 chi phái ra khỏi Israel và hình thành vương quốc phía Bắc, I Các Vua 11:29-33.
+ Ở đây, tại Lễ Vượt Qua nầy, Chúa Jêsus kết hợp lời lẽ và các biểu tượng để truyền đạt lẽ thật của Ngài cho các môn đồ Ngài. Hình ảnh Chúa Jêsus phác họa trong ngày ấy rất năng động và chúng tiếp tục phán dạy chúng ta ngày nay. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn vào các biểu tượng nầy.
+ Khi bữa ăn tiến hành, chủ của gia đình, trong trường hợp nầy là Chúa Jêsus, sẽ giải thích từng việc tiêu biểu cho điều gì.
+ Rau đắng nhắc cho họ nhớ tới tình trạng nô lệ của họ trong xứ Aicập.
+ Rượu tiêu biểu cho mối tương giao của Đức Chúa Trời với người tin Chúa ở giữa hoạn nạn.
+ Trái cây chín, có màu của đất sét, nhắc cho họ nhớ đến loại gạch mà họ bị buộc phải làm ra.
+ Bánh không men tiêu biểu cho sự phân rẻ ra khỏi điều ác và sự vội vã.
+ Chiên con được nướng tiêu biểu cho sự cứu chuộc. Khi mỗi phần của bữa ăn được dọn lên, người chủ tiệc dành thì giờ để giải thích biểu tượng và tầm quan trọng thuộc linh.
1. Bánh, là thứ tiêu biểu cho thân thể của Ngài (câu 22) – Khi đến lúc dọn bánh ra, Chúa Jêsus đã bẻ bánh rồi chuyền nó đến những người ngồi ngồi quanh bàn. Khi Ngài thực hiện xong, Ngài phán: “Hỡi Đức Giêhôva, là Chúa tể của thế gian, là Đấng khiến cho bánh ra từ đất”. Đây là câu nói theo truyền thống của người Do thái khi người ta cầm lấy bánh.
Vào ngày nầy, Chúa Jêsus đã thêm một ý nghĩa mới khi Ngài phán: “Hãy lấy, nầy là thân thể Ta”. Chúa Jêsus đã sánh bánh không men với thân thể con người của Ngài.
Ba mươi ba năm trước, ở một thị trấn có tên là Bếtlêhem, hay Nhà Đầy Bánh, Bánh Sự Sống khoác trên một thân thể con người. Mọi sự Chúa Jêsus đã làm, Ngài đã làm trong thân thể ấy. Ngài đã sống ở đó. Ngài đã giảng đạo ở đó. Ngài đã làm nhiều phép lạ ở đó. Hiển nhiên, Ngài sẽ chết trong thân thể ấy. Ngài sẽ chôn trong thân thể ấy. Ngài sẽ sống lại trong thân thể ấy. Ngài sẽ thăng thiên về trời trong thân thể ấy. Ngài sẽ trở lại trong thân thể ấy. Và, khi chúng ta nhìn thấy Ngài ở trên trời, chúng ta sẽ thấy Ngài trong thân thể ấy!
Trong Luca 22:19, Chúa Jêsus phán: “Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta”. Phaolô trưng dẫn câu nói ấy theo cách nầy ở I Côrinhtô 11:23-24: “Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta”.
Chúa Jêsus đã sử dụng bánh trong đêm đó để dạy cho các môn đồ Ngài biết những điều Ngài sắp sửa thực hiện. Ngài đang trên đường đến với thập tự giá để phó mạng sống Ngài vì cớ tội lỗi. Ngài đang trên đường đến đồi Gôgôtha, ở đó thân thể Ngài sẽ bị “vỡ ra” vì bạn, Êsai 53:4-6.
Chúa Jêsus muốn người của Ngài, và phần còn lại chúng ta phải nhìn biết, rằng thân thể tan vỡ của Ngài thì quan trọng hơn một miếng bánh không men. Ngài muốn chúng ta phải hiểu rằng phương thức duy nhứt để được cứu rỗi là trở thành một chi thể trong Ngài bằng cách tiếp nhận những điều Ngài đã làm trên thập tự giá bởi đức tin.
Đấy là lý do tại sao Ngài phán: “Hãy lấy, ăn ...” Chúng ta phải tiếp nhận những gì Ngài đã làm cho chúng ta, và chúng ta phải tiếp thu mọi điều Ngài đã làm cho chúng ta trên thập tự giá. Người Do thái không hiểu được tính cách biểu tượng, Giăng 6:53-58, và họ đã chết trong sự hư mất. Nhưng, người nào dám tin nơi những điều Chúa Jêsus đã đạt được khi thân thể Ngài vỡ ra trên thập tự giá có thể và sẽ được cứu. Khi họ chịu tin, họ trở thành một chi thể trong thân của Ngài, I Côrinhtô 10:17, và là những kẻ dự phần trong sự sống của Ngài!
Lẽ thật quan trọng nầy là những gì chúng ta đang tưởng niệm mỗi lần chúng ta dự Tiệc Thánh. Một lẽ thật xứng đáng cho sự ghi nhớ!
2. Rượu, là thứ tiêu biểu cho huyết của Ngài (các câu 23-24) – Khi đến lúc phải uống chén rượu, Chúa Jêsus chuyền nó đến người của Ngài đang ngồi quanh cái bàn. Khi Ngài làm như vậy, Ngài đã phán “Nguyện Đấng giàu lòng thương xót khiến chúng ta ra xứng đáng với những ngày của Đấng Mêsi và với sự sống của thế gian hầu đến. Ngài đem lại ơn cứu rỗi của Vua Ngài. Ngài tỏ ra sự thành tín giao ước với Đấng chịu xức dầu của Ngà, với David và dòng dõi người cho đến đời đời. Ngài lập sự bình an ở các nơi trên trời. Nguyện Ngài bảo đảm sự bình an cho chúng ta và cho cả Israel. Và các ngươi hãy nói ‘Amen!’”
Vào ngày ấy, Chúa Jêsus đã thêm một ý nghĩa mới cho việc uống rượu. Ngài phán: “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người”. Chúa Jêsus sánh rượu trong chén với chính huyết của Ngài sẽ đổ ra trên thập tự giá.
Rượu trong chén đã bị đổ ra qua bạo lực. Trái nho bị hái và bị chà nát dưới chơn để chiết ra thành thứ nước uống của họ.
Chúa Jêsus sắp sửa bị chà nát bởi gánh nặng Israel tôn giáo và Rome quyền lực kia. Họ sẽ kết thành các lực lượng muốn nhìn thấy cái chết của Ngài. Quan trọng hơn nữa, Chúa Jêsus sắp sửa bị chà nát bởi Cha của Ngài.
Khi Chúa Jêsus ở trên thập tự giá, hiển nhiên Ngài đã trở nên tội lỗi, II Côrinhtô 5:21. Như vậy, Ngài đã bị Đức Chúa Trời Toàn Năng xét đoán. Toàn bộ sức mạnh cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã đổ trên Thân Vị của Đức Chúa Jêsus Christ.
Đây chẳng phải là lý thuyết suông đâu, đây rõ ràng là câu nói có trong Lời của Đức Chúa Trời, Êsai 53:4-6, 10. Lẽ thật nầy đã được trình bày rõ ràng ở nhiều chỗ trong Tân Ước.
+ Rôma 4:25: “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta”.
+ Rôma 5:8: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.
+ I Côrinhtô 15:3: “Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh”.
+ II Côrinhtô 5:21: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời”.
+ Êphêsô 5:2: “hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm”.
+ I Phierơ 3:18: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống”.
Khi Chúa Jêsus bị chà nát trên thập tự giá, huyết quí báu của Ngài bị đổ ra. Khi huyết đổ ra, Đức Chúa Trời cảm thấy hài lòng. Rôma 3:25-26: “là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Jêsus”.
Bây giờ, hết thảy những ai tin theo Đức Chúa Jêsus Christ để được cứu, tội lỗi của họ đã được thanh tẩy bởi huyết của Đấng Christ. Ngay lập tức họ được đưa vào mối giao thông mới với Đức Chúa Trời Toàn Năng. Ngài lấy sự công bình của Đấng Christ rồi ghi vào sổ của tội nhân biết ăn năn. Ngài cứu linh hồn vì cớ huyết đổ ra của Chúa Jêsus.
Đấy là những gì chúng ta đang tưởng niệm mỗi lần chúng ta cầm lấy chén trong khi dự Tiệc Thánh. Cái chén ấy nhắc cho chúng ta nhớ rằng Chúa Jêsus đã gánh lấy chỗ của chúng ta trên thập tự giá. Cái chén ấy nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời nhờ vào huyết của Ngài. Cái chén ấy nhắc cho chúng ta nhớ rằng tội lỗi chúng ta đã được thanh tẩy và chúng ta được sạch trước mặt Chúa. Cái chén ấy nhắc cho chúng ta nhớ đến sự hy sinh của Ngài cho chúng ta và sự hy sinh ấy lấp đầy tấm lòng người được chuộc với với “sự vui mừng khôn xiết kể và đầy dẫy vinh hiển”.
Chén rượu thứ ba trong Lễ Vượt Qua được gọi là “chén phước lành”. Phaolô đưa ra lẽ đạo nầy ở I Côrinhtô 10:16, khi ông nói: “Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao?”
Lần tới chúng ta dự tiệc thánh, thì bánh và chén đến trên đường lối của bạn, nếu bạn đã được cứu và đang ở trong mối tương giao với Chúa, hãy cầm lấy bánh và chén với sự vui mừng. Hãy nhớ đến những gì Chúa Jêsus đã làm cho bạn khi Ngài đến với thế gian nầy để chịu chết cho tội lỗi của bạn trên thập tự giá. Nguyện tiệc thánh sẽ là thời điểm thờ phượng long trọng khi bạn suy gẫm về tình yêu của Ngài dành cho hạng tội nhân giống như chúng ta!
B. Một sự trông mong (câu 25) – Chúa Jêsus nói cho người của Ngài biết rằng Ngài sẽ không uống “cái chén phước lành” cho tới khi Ngài uống trong Vương quốc tương lai của Ngài. Vào thời điểm nầy, Chúa Jêsus đang nhìn xuống các bức màn thời gian đến một ngày mà Ngài sẽ tái lâm với trần gian nầy rồi thiết lập Vương quốc của Ngài. Ngài đang nhìn vào một thời điểm lúc Ngài sẽ đánh hạ mọi kẻ thù của Ngài. Ngài đang nhìn vào một thời điểm khi Ngài tể trị thế gian bằng sự công bình. Có lẽ đây là những gì tác giả thơ Hêbơrơ đã có trong trí khi ông nói: “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” Hêbơrơ 12:2.
Chúa Jêsus đã bước lên thập tự giá với sự trông mong rằng Ngài sẽ sống lại, trở về với Thiên đàng rồi tái lâm trên đất trong sự vinh hiển và quyền phép để trị vì. Đấy là phần trông mong của Ngài, và chính xác đấy là những gì sẽ xảy đến một ngày kia, Khải huyền 19:11-16.
C. Một kiểu cách Xuất Aicập (câu 26) – Khi họ đã hoàn tất bữa ăn rồi, Chúa Jêsus và người của Ngài đã hát các Thi thiên halêlugia sau cùng rồi rời khỏi phòng cao ấy. Họ đã hoàn tất bữa ăn rồi bước ra ngoài.
Các môn đồ không biết điều chi sắp sửa xảy ra. Họ không biết rằng trước khi mặt trời mọc lên ngày hôm sau, Chúa của họ sẽ bị bắt, bị xét xử mấy lần, bị xét đoán cho đến chết, bị đánh đập, bị đóng đinh trên thập tự giá và bị chôn. Họ không hiểu lẽ thật của sự Ngài hướng tới sự chết. Họ không biết, song Chúa Jêsus thì biết rõ!
Mặc dù Ngài biết rõ Ngài bị đưa vào bẫy, Ngài cứ bước tới. Mặc dù Ngài biết Giuđa sẽ dẫn lính tới bắt Ngài, Ngài cứ đi tới. Mặc dù Ngài biết Israel sẽ chối bỏ Ngài, Ngài cứ đi tới. Mặc dù Ngài biết dân chúng sẽ từ chối Ngài, Ngài cứ đi tới. Mặc dù Ngài biết Rome sẽ xét đoán Ngài, Ngài cứ đi tới. Mặc dù Ngài biết mấy tên lính sẽ đánh đập Ngài, Ngài cứ đi tới. Mặc dù Ngài biết Ngài sẽ bị đóng đinh vào một cây thập tự đầy xấu hổ, Ngài cứ đi tới. Mặc dù Ngài biết về nổi đau khổ mà Ngài sẽ gánh chịu, Ngài cứ đi tới.
Tại sao một người phải chịu đựng như thế chứ? Ngài đã chịu đựng như thế vì đấy là chương trình của Đức Chúa Cha. Ngài đã chịu đựng như thế vì đấy là hy vọng duy nhứt mà chúng ta có. Ngài đã chịu đựng như thế vì Ngài yêu thương bạn! Ngài đã chịu đựng như thế vì Ngài yêu thương tôi! Ngài đã chịu đựng như thế vì Ngài có lòng quan tâm! Tôi dâng lời cảm tạ vì Ngài đã chịu đựng như thế!
Phần kết luận: Tôi hy vọng bạn đừng bao giờ suy nghĩ Tiệc Thánh theo cách riêng tư. Tôi hy vọng bạn sẽ biết cảm tạ, biết ơn và đầy dẫy tình yêu thương với Đấng Cứu Chuộc, Ngài đã trả một giá rất cao để cứu chuộc bạn đấy. Ngày nay, bạn nên ngợi khen Ngài. Bạn nên ở gần bàn thờ nầy rồi thờ lạy Ngài vì mọi sự mà Ngài đã làm cho bạn!
Có thể ai đó có mặt ở đây mà chưa được cứu. Hôm nay, Chúa đã phán với tấm lòng của bạn. Ngài đã tỏ cho bạn thấy rằng bạn là một tội nhân. Ngài đang kêu gọi bạn hãy đến với Ngài. Nếu đấy là tình trạng của bạn, làm ơn hãy đến với Đức Chúa Jêsus Christ hôm nay và tin cậy Ngài cứu lấy linh hồn bạn.
Tôi cảm tạ Chúa vì “sự ban cho của Ngài không xiết kể”. Chúng ta hãy tôn vinh Ngài và dâng cho Ngài sự thờ phượng, tình yêu thương và sự ngợi khen mà Ngài đáng được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét