Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Mác 15:1-15: "SỰ CHỐI BỎ NHÀ VUA"



Mác 15:1-15
SỰ CHỐI BỎ NHÀ VUA

Phần giới thiệu: Phân đoạn nầy đưa chúng ta một bước gần hơn với sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Ngài đã bị bắt bởi các kẻ thù của Ngài. Ngài bị xét xử bởi các cấp lãnh đạo tôn giáo và bị kết án. Sự xét đoán của Ngài dựa trên bằng cớ của các nhân chứng dối và những lời vu cáo xằng bậy. Người Do thái đã kết án tử hình Chúa Jêsus, và đấy là chỗ mà chúng ta đang hướng tới khi câu chuyện nầy được mở ra.
Trong phân đoạn nầy, chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa Jêsus bị chối bỏ bởi các cấp lãnh đạo tôn giáo trong xứ Israel. Chúng ta sẽ thấy Ngài bị chối bỏ bởi nhà cầm quyền Rôma. Chúng ta hoàn toàn nhìn thấy Ngài bị chối bỏ bởi thường dân nữa.
Phân đoạn nầy tỏ ra trọng tâm bản chất của con người. Phân đoạn Kinh thánh nầy minh chứng rằng con người, trong trạng thái tự nhiên của họ, hoàn toàn là một tội nhân hư hoại, có khả năng thù hận và rất là gian ác. Phân đoạn Kinh thánh nầy minh chứng rằng con người, trong trạng thái tự nhiên của họ, là kẻ thù của Đức Chúa Trời, y như Rôma 8:7 đã chép vậy. Phân đoạn Kinh thánh nầy là một tấm gương chỉ ra tấm lòng của con người, tỏ ra trọn vẹn bản chất và tình trạng của nó.
Có tù trưởng Phi châu kia đến viếng qua trạm truyền giáo. Treo ở bên ngoài túp lều của vị giáo sĩ trên cây là một tấm kính nhỏ. Vị tù trưởng nầy nhìn vào tấm kính đó và thấy hình ảnh mình phản chiếu lại, hoàn toàn với các điểm kinh khủng và các đường nét đầy hăm dọa. Ông ta nhìn vào gương mặt gây sợ hãi của mình rồi lui lại trong kinh hãi, hô lên: “Người nào trông ghê khiếp trên cái cây ấy thế?”
Vị giáo sĩ đáp: “Ồ, không phải trên cây đâu. Tấm kính đang phản chiếu chính gương mặt của ông đó.”
Người châu Phi kia không tin điều đó cho tới khi ông ta cầm tấm kính trong tay mình. Ông ta nói: “Ta phải có tấm kính. Ông có chịu bán nó không?”
Vị giáo sĩ nói: “Ồ, tôi không muốn bán nó đâu”.
Nhưng vị tù trưởng kia đã nài nĩ cho tới chừng vị giáo sĩ đầu hàng, với suy nghĩ rằng thà bán nó đi để tránh rắc rối.
Vì vậy, ông ta ra giá và cầm lấy tấm kính đó. Ông ta hô lên: “Ta sẽ không để cho nó soi vào mặt ta nữa”, ông ta ném nó xuống đất và nó bễ tan thành nhiều mãnh.
Đây quả là điều mà thể chế tôn giáo đã làm cho Chúa Jêsus. Họ sẽ đập vỡ tấm kính của linh hồn họ! Vì thế, họ đã đóng đinh Ngài trên một cây thập tự, chỉ để thấy rằng việc ấy chỉ phóng đại phản ảnh thêm lên mà thôi.
Phân đoạn Kinh thánh nầy là một tấm kính của chính linh hồn chúng ta. Khi chúng ta nhìn vào Chúa Jêsus và những điều người ta đã làm cho Ngài trong ngày ấy, chúng ta có thể nhìn thấy chính bản thân mình. Một là chúng ta nhìn thấy chúng ta đang ăn ở với đức tin mình trong Chúa Jêsus. Hay, chúng ta nhìn thấy rằng chúng ta đang phạm tội chối bỏ nhà Vua.
Tôi muốn rao giảng về Sự Chối Bỏ Nhà Vua. Tôi muốn bạn nhìn thấy Nhà Vua Bị Chối Bỏ Bởi Các Thầy Tế Lễ; Nhà Vua Bị Chối Bỏ Bởi Philát; và Nhà Vua Bị Chối Bỏ Bởi Dân Chúng. Việc chủ yếu tôi muốn bạn nhìn thấy là những gì bạn đã làm với Chúa Jêsus. Mọi người trong phân đoạn Kinh thắng nầy đã chối bỏ Chúa Jêsus. Phải biết chắc rằng điều đó không phải là sự thực đối với bạn. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét các lẽ thật đầy thách thức nầy hôm nay.
I. NHÀ VUA BỊ CHỐI BỎ BỞI CÁC THẦY TẾ LỄ (câu 1)
+ Ngôn ngữ trong câu 1 cho thấy rằng các biến cố nầy đã xảy ra vào lúc sáng sớm, giống như mặt trời vừa mới mọc vậy. Từ ngữ “lúc ban mai” dịch một từ chỉ thời gian giữa 3 và 6 giờ sáng, hay canh tư trong ban đêm.
Vì vậy, không bao lâu khi bình minh bắt đầu ló dạng, các thầy tế lễ cả triệu tập tất cả giới cầm quyền của Israel lại để hợp pháp hóa các quyết định mà họ đã đạt được suốt đêm hôm ấy. Các câu 55-65 cho chúng ta biết rằng, sau khi Chúa Jêsus bị bắt, Ngài bị đưa ra xét xử bất hợp pháp trước mặt thầy cả thượng phẩm. Trong cuộc xét xử nầy, Chúa Jêsus bị tố cáo về tội phạm thượng rồi bị kết án tử hình. Khi ấy, Ngài bị đánh đòn và ngược đãi bởi các cấp lãnh đạo tôn giáo và cảnh vệ của đền thờ. Buổi nhóm lúc sáng sớm nầy đã được tổ chức chỉ vì một mục đích; số người nầy muốn gài thêm ý thức hợp pháp cho quyết định bất hợp pháp mà họ đã đạt được trong cả đêm.
Trong chặng được thử thách nầy, người Do thái đã hỏi Chúa Jêsus chính câu hỏi mà họ đã hỏi Ngài suốt cả đêm. Luca 22:66-71 cho chúng ta biết rằng một lần nữa họ đã hỏi Chúa Jêsus không biết Ngài có phải là Con của Đức Chúa Trời hay không!?! Một lần nữa, Chúa Jêsus đã trả lời quả thật Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Đối với người Do thái, điều nầy khẳng định Ngài là một kẻ phạm thượng, và họ tái khẳng định bản án tử hình kia.
+ Israel còn ở dưới quyền thống trị của người Lamã. Họ được phép một lượng tự do để xử lý các trường hợp và tuyên bố các bản án, song họ không được phép đưa ra án tử hình. Quyền nầy thuộc về một mình Tổng đốc Lamã. Người Do thái đã kết án tử hình Chúa Jêsus, nhưng họ không được quyền thi hành án, vì vậy họ đã trói Chúa Jêsus như một tội phạm rồi dẫn Ngài sang Tổng đốc Bôntu Philát, là Tổng đốc Lamã.
+ Khi người Do thái đến trước mặt Philát, họ biết họ không thể tố cáo Chúa Jêsus về tội phạm thượng được. Họ biết Philát sẽ không bao giờ xen vào cuộc tranh luận về tôn giáo của người Do thái. Vì vậy, khi họ đưa Chúa Jêsus đến với Philát, họ đã đổi các án nghị nghịch Ngài. Luca 23:2 chép: “Họ bèn khởi cáo Ngài rằng: Chúng tôi đã thấy người nầy xui dân ta làm loạn, cấm nộp thuế cho Sê-sa, và xưng mình là Đấng Christ, là Vua”. Số người gian ác nầy vốn biết rõ rằng điều nầy sẽ làm cho Philát phải chú ý và giúp họ hoàn tất vấn đề độc ác của họ: ấy là họ muốn thấy Chúa Jêsus bị đóng đinh trên cây thập tự.
+ Những hành động của số người tôn giáo nầy dạy chúng ta một lẽ thật rất quan trọng. Lẽ thật ấy là đây: tôn giáo không có chỗ cho Đức Chúa Jêsus Christ. Các cấp lãnh đạo tôn giáo của người Do thái đã có một việc tốt đang diễn ra. Sâu xa trong đời sống hàng ngày của xứ Israel, họ đã nắm giữ hết mọi quyền bính trên dân sự. Họ tạo ra số tiền rất lớn qua việc mua và bán đang diễn ra tại Đền Thờ. Họ rất giàu có. Họ rất có quyền lực. Họ tin rằng họ sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Số người nầy nghĩ họ được xưng công bình trong mọi hành vi của họ. Họ tin tôn giáo của họ là đủ rồi! Người Do thái đã chối bỏ Chúa Jêsus vì tôn giáo chẳng có chỗ cho Đức Chúa Jêsus Christ.
+ Sự thực là, không một hệ thống tôn giáo nào có chỗ cho Chúa Jêsus. Tôn giáo bao hàm hết mọi dính dáng của con người và sinh hoạt của con người. Tôn giáo luôn luôn dựa vào những việc làm ngoại tại. Mặt khác, Cơ đốc giáo theo Kinh thánh, luôn luôn dựa vào đức tin. Tôn giáo tìm cách tiếp cận Đức Chúa Trời trên cơ sở những gì con người có thể làm. Cơ đốc giáo theo Kinh thánh tìm cách tiếp cận những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta qua Đức Chúa Jêsus Christ. Có một sự khác biệt rất lớn giữa hai phía!
Kinh thánh trong như pha lê về vấn đề nầy: không một ai được cứu bởi việc làm, Êphêsô 2:8-9; Rôma 3:20; Tít 3:3-5. Kinh thánh cũng trong như pha lê khi cho rằng sự cứu rỗi dựa theo đức tin nơi một mình Đấng Christ, Giăng 1:12; 3:15-16, 36; 6:40, 47; Công Vụ các Sứ Đồ 16:31; Rôma 10:9; Mác 16:16; Rôma 5:1-5; 1 Giăng 5:10-13. Sự cứu rỗi không hề nói tới những gì con người có thể làm; sự cứu rỗi ấy luôn luôn nói về những điều Chúa Jêsus đã làm rồi. Tin Lành là một sứ điệp ngay thẳng và rõ nét. Sứ điệp ấy có thể được tóm tắt trong mấy câu Kinh thánh nầy: Rôma 4:25 và I Côrinhtô 15:1-4. Cái điều thực sự là vấn đề chính là loại thắc mắc đơn sơ nầy đây: Có phải bạn tin sứ điệp Tin Lành nói tới sự chết và sự sống lại của Đấng Christ không? Có phải bạn tin Chúa Jêsus và chỉ một mình Chúa Jêsus để linh hồn bạn được cứu không?
+ Những việc làm như bố thí, cầu nguyện, việc lành, rửa tội, đi nhà thờ, v.v…, tất cả đều là những việc tốt đấy, song chẳng một thứ nào trong chúng có quyền cứu rỗi linh hồn cả. Tôn giáo có quyền khiến cho người ta ra đáng kính và tề chỉnh, nhưng nó không có quyền làm cho bất kỳ ai được hòa lại với Đức Chúa Trời.
Mặt khác, sự cứu chuộc theo Kinh thánh có quyền làm cho người ta ra thánh. Nó có quyền cứu rỗi linh hồn, bảo đảm cho linh hồn và làm thay đổi số phận đời đời của một người. Tìm kiếm Đức Chúa Trời theo cách của con người luôn luôn kết quả trong sự rủa sả đời đời ở Địa Ngục. Đến với Đức Chúa Trời qua đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ luôn luôn kết quả trong chỗ linh hồn được cứu và vinh hiển đời đời trên Thiên Đàng!
+ Vì vậy, bạn được cứu chưa? hay, có phải bạn đang bị hư mất?
I. Nhà Vua Bị Chối Bỏ Bởi Các Thầy Tế Lễ
II. NHÀ VUA BỊ CHỐI BỎ BỞI PHILÁT (các câu 2-5)
+ Khi Chúa Jêsus đến trước mặt Philát, quan tổng đốc hỏi Chúa Jêsus về lời tố cáo Ngài là Vua của người Do thái. Câu trả lời cung ứng cho Philát điều chi đó khác biệt với câu trả lời Ngài đưa ra cho người Do thái. Khi người Do thái hỏi Chúa Jêsus về lai lịch của Ngài là Con của Đức Chúa Trời và là Đấng Mêsi, Chúa Jêsus chỉ nói: “Ấy là Ta đấy”! Khi Philát hỏi Chúa Jêsus không biết Ngài có phải là Vua dân Giuđa hay không, Chúa Jêsus đáp lại bắng câu nói: “Thật như lời”.
Câu nói nầy có ba cách giải thích khả thi. Thứ nhứt, Chúa Jêsus đã nói: “Ngươi đã tiếp thu đúng đấy! Ta là Đấng đó”. Thứ hai, Chúa Jêsus đã nói: “Đấy là điều mà ngươi phải quyết định đó”. Thứ ba, Chúa Jêsus đã nói: “Ta là Vua của người Do thái, nhưng ta không phải là vua theo cách ngươi hiểu đâu. Nước của ta không thuộc về đời nầy. Quyền bính của ta đến từ trên cao và ngươi hay dân chúng không thể cáo giác ta được”. Cách giải thích sau cùng nầy, tôi nghĩ, là cách giải thích rất chính xác. Cách ấy được khẳng định bởi những gì Giăng đã ghi lại ở Giăng 18:33-36.
+ Tại sao có sự khác biệt chứ? Tại sao Chúa Jêsus nói rõ với dân Do thái và tại sao Ngài không nói rõ với Philát chứ? Người Do thái có từng lý do để tin rằng Chúa Jêsus là Đấng mà Ngài hiện xưng nhận. Họ có Kinh Thánh Cựu Ước với luật lệ và những lời tiên tri nói trước sự đến của Đấng Mêsi. Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm từng điều trong số chúng từng chữ một. Ngài đã minh chứng Ngài là Đấng Mêsi của họ. Thực vậy, thậm chí Ngài còn vượt quá những lời tiên tri xa xưa ấy nữa, (Minh họa: Êsai 35:4-6; Mathiơ 11:4-6).
Philát không có các thông tin nầy. Ông ta là dân Ngoại và ông ta không biết Chúa Jêsus là ai. Ông ta không nhìn thấy các phép lạ, ông ta cũng không nghe thấy lời của Ngài. Vào buổi sáng hôm ấy, Philát đã mặt đối mặt với Chúa Jêsus, và khi đó, ông ta có một quyết định phải đưa ra. Philát đã được ban cho cơ hội gặp gỡ Chúa Jêsus trong mối quan hệ tiêng tư, đức tin, và ông ta đã thất bại!
+ Trước khi chúng ta đi sâu vào cuộc gặp gỡ nầy giữa Chúa Jêsus và Philát, chúng ta cần phải biết đôi chút về nhân vật đầy quyền lực nầy, ông ta là người để khiến cho Chúa Vinh Hiển bị đóng đinh trên thập tự giá.
+ Đôi chút cần phải được biết về đời sống và sự nghiệp của Bôntu Philát trước khi ông ta được chỉ định làm Tổng đốc xứ Palestine. Sự thể cho thấy ông ta đã nắm giữ một loạt các chức vụ về chính trị và quân sự khi ông ta trèo lên nấc thang chính trị của người Lamã.
+ Kinh thánh và những câu chuyện lịch sử xa xưa nói tới đời sống và các hành động của Philát phác họa ra ông ta vốn là kẻ bất tài và độc đoán.
+ Philát là Tổng đốc xứ Palestine từ năm 26-36SC.
+ Theo Josephus, sử gia của người Do thái, Philát chịu trách nhiệm về nhiều sự lộn xộn đánh dấu sự nghiệp của ông ta là Tổng đốc xứ Palestine. Trong một cơ hội, ông ta đã cho phép binh lính của mình vào thành Jerusalem với những ngọn cờ mang hình ảnh của Caesar. Điều nầy sỉ nhục dân Do thái và gần như dẫn tới một cuộc nổi dậy đổ máu. Vào một dịp khác, ông ta cho sung công tài khoảng “Corban” của Đền Thờ để chi vào cống dẫn nước mà ông ta đang cho xây dựng. Tài khoản “Corban” chỉ được sử dụng duy nhứt cho sự phục vụ Đức Chúa Trời mà thôi. Người Do thái đã chống đối sự sỉ nhục nầy, họ bị binh lính có vũ trang đánh đập dữ lắm. Theo Luca 13:1, Philát đã giết một số người Galilê khi họ đến dâng của lễ.
+ Philát đã mất địa vị của ông ta khi ông ta ra lịnh tấn công một số người Samari, họ nhóm lại tại núi Gerizim là một phần trong sinh hoạt tôn giáo của họ.
+ Philát là một người bị tác động bởi sự tham lam về quyền bính. Ông ta bị lèo lái bởi một sự khát khao không hề thỏa lòng về quyền lực chính trị. Dường như ông ta sống vì địa vị và tiếng tăm. Ông ta đặt sự nghiệp của mình trước mọi người và mọi sự. Ông ta đã sống để tự tôn cao bản thân mình. Cả cuộc đời của ông ta đều nhắm về Philát.
+ Sau khi bị truất quyền làm Tổng đốc, Philát đã bị đày sang Bắc Âu, ở đó truyền khẩu cho biết rằng ông ta đã tự tử. Khi ông ta mất quyền bính, địa vị, và sự kiêu ngạo đi, ông ta chẳng còn gì để mà sống với nữa.
+ Đây là con người lấy cái tôi làm trọng mà Chúa Jêsus đã đối mặt với vào cuộc xét xử lúc sáng sớm hôm ấy.
+ Sau khi học biết đôi chút về Philát, chúng ta hãy nhìn vào cuộc gặp gỡ của ông ta với Chúa Jêsus.
+ Câu 3 cho chúng ta biết rằng người Do thái đã đưa ra đủ loại cáo giác nghịch cùng Chúa Jêsus, nhưng Chúa đứng ở đó tuyệt đối im lặng. Ngài đã từ chối không biện hộ cho bản thân mình chống lại những lời dối trá của họ. Ngài đã sống y như Êsai đã nói: “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng” Êsai 53:7.
+ Ở các câu 4 và 5 Philát đã nổ lực buộc Chúa Jêsus phải tự biện hộ cho mình. Một lần nữa, Chúa Jêsus chỉ đứng đó trong sự im lặng vương giả. Sự Ngài từ chối không trả lời đã khiến cho Philát phải ngạc nhiên. Philát đã kinh ngạc, nhưng ông ta tin rằng Chúa Jêsus là vô tội đối với bản án đưa ra nghịch lại Ngài.
+ Đấy là mọi chi tiết mà Mác cung ứng cho chúng ta về lần gặp gỡ của Philát với Chúa Jêsus, nhưng các trước giả Tin Lành khác điền vào các khoảng trống cho chúng ta.
+ Luca cho chúng ta biết rằng Philát chuyển Chúa Jêsus sang cho Vua Hêrốt, Luca 23:6-12. Hêrốt đã tra vấn Chúa Jêsus và binh lính của ông ta nhiếc móc Chúa Jêsus, còn Chúa Jêsus thì từ chối không trả lời cho Hêrốt. Hêrốt chuyển Chúa Jêsus trở lại cho Philát. Hêrốt cũng tin về sự vô tội của Đấng Christ, Luca 23:15.
+ Giăng cho chúng ta biết rằng Philát khi ấy đưa Chúa Jêsus vào cung điện của mình rồi tra gạn Ngài theo cách riêng, Giăng 18:33-37. Chúa Jêsus đã trả lời cho câu hỏi của Philát như sau: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy...”. Sau khi tra xét Chúa Jêsus, Philát thấy những lời tố cáo của người Do thái thực chất chẳng có gì khác hơn là thù hận và ganh ghét, Mác 15:10. Ông ta biết rõ Chúa Jêsus vô tội, Giăng 18:38, và ông ta thực hiện các bước hòng phóng thích Chúa Jêsus.
+ Toàn bộ cuộc gặp gỡ nầy giữa Chúa Jêsus và Philát dẫn tới những điều được nói ra ở Giăng 18:37-38. Ở câu 37, Chúa Jêsus chỉ tuyên bố lai lịch của Ngài để dạy cho Philát nhìn biết lẽ thật. Ở câu 38, Philát xấc xược nói: “Lẽ thật là cái gì?” rồi ra khỏi Chúa Jêsus, xây lưng mình lại với lẽ thật và ơn cứu rỗi. Philát hoàn toàn để cho người Do thái bắt lấy Chúa Jêsus rồi đóng đinh Ngài trên cây thập tự.
Philát bất chấp những gì ông ta biết rõ đấy là sự thật. Ông ta bất chấp lời cảnh báo rõ ràng đến từ vợ mình, Mathiơ 27:19. Ông ta bất chấp sự thực là người Do thái đang nói dối và chỉ muốn Chúa Jêsus phải chết đi vì các ý đồ riêng của họ. Philát bất chấp lẽ thật vì ông ta muốn duy trì địa vị của mình với Rôma và quyền lực của mình trên dân sự.
Philát là người vốn yếu đuối, nhát gan chỉ biết quan tâm đến việc duy trì địa vị và quyền lực của mình hơn là ông ta quan tâm đến việc nhìn biết lẽ thật. Ông ta chỉ lo làm sao giữ cho người Do thái được hạnh phúc hơn là ông ta quan tâm đến việc bảo vệ cho một người vô tội. Philát là một tên hèn nhát, ông ta chỉ biết đặt địa vị, sự thịnh vượng, sự kiêu ngạo và con người mình trước linh hồn mình. Philát có thể được cứu, song ông ta quá hèn nhát không sấp mình xuống trước mặt Chúa Jêsus, tin theo Ngài để được cứu. Philát đã chối bỏ Chúa Jêsus vì tính hèn nhát không có chỗ nào dành cho Đấng Christ.
+ Tôi e rằng có nhiều người giống như Philát trong thế giới của chúng ta ngày nay. Không có nhiều người sở hữu được địa vị hay quyền bính mà Philát đã có đâu, nhưng nhiều người phải đối mặt với lẽ thật Đức Chúa Jêsus Christ là ai kìa. Nhiều người đã đối mặt với sự hiểu biết chắc chắn rằng Ngài là con đường duy nhứt dẫn tới Thiên Đàng, Giăng 14:6; Công Vụ các Sứ Đồ 4:12. Họ đến mặt đối mặt với lẽ thật, nhưng họ quá đỗi sợ hãi đến nỗi không dám bước vào một đời sống theo Chúa Jêsus. Thay vì thế, họ bám vào tội lỗi của họ, loại đời sống trống vắng và cõi đời đời thê thảm của họ mà thôi.
Một số người chối bỏ Chúa Jêsus vì họ sợ họ không thể sống cho Ngài. Có người chối bỏ Chúa Jêsus vì họ sợ mọi điều người khác sẽ nói về họ. Một số người chối bỏ Chúa Jêsus vì họ yêu mến tội lỗi của họ hơn là họ yêu mến lẽ thật. Đến cuối cùng, tất cả những ai chối bỏ Chúa Jêsus, họ làm vậy vì chính những lý lẽ mà Philát đã chối bỏ Ngài. Họ chối bỏ Ngài vì họ là những kẻ hèn nhát. Họ chối bỏ Chúa Jêsus là vì họ sợ!
+ Cần phải thật can đảm khi đến với Chúa Jêsus! Cần phải can đảm khi công nhận rằng bạn là một tội nhân. Cần phải can đảm khi công nhận rằng bạn bất lực không tự cứu lấy mình được. Cần phải can đảm khi công nhận rằng bạn cần đến Đức Chúa Jêsus Christ. Cần phải can đảm khi sấp mình xuống trước mặt Ngài và kêu cầu Ngài để được cứu. Cần phải can đảm khi đứng nghịch với thế gian và sống cho Ngài. Cần phải can đảm khi sống khác biệt trong một thế giới đòi hỏi ai nấy phải sống theo cùng một cách thế. Cần phải can đảm khi sống cho Đức Chúa Trời trong một thế giới do ma quỉ kềm chế!
Người ta nhìn vào những Cơ đốc nhân rồi nói rằng chúng ta thật yếu ớt và Chúa Jêsus là cặp nạng. Được thôi, cho phép tôi chỉ ra tình trạng tôi là một kẻ què quặt thuộc linh và tôi không thể bước đi nếu không có Ngài. Tôi là kẻ què quặt thuộc linh và tôi cần cặp nạng để tựa người vào. Tôi cần sự trợ giúp! Tôi không thể lo cho mình được!
+ Tôi hoan nghênh từng tín hữu hôm nay, người nào đang sống cho Đức Chúa Jêsus Christ. Đối với người nào có lòng dạn dĩ để sống cho Chúa Jêsus, bạn đang có sự kính trọng của tôi. Tôi hoan nghênh anh chị em của tôi, những người đang sống giống như những ngọn đèn trong thế giới tối tăm nầy.
Có nhiều người xưng mình yêu mến Chúa Jêsus, song thực sự họ rất giống như Philát, họ sống để làm đẹp lòng họ. Họ sống theo các luật lệ của họ; họ làm theo ý họ muốn; họ phục vụ Đức Chúa Trời khi mọi việc phù hợp với kế hoạch của họ. Phần nhiều người trong số đó, họ chẳng khác gì với thế giới ở chung quanh họ. Hội thánh, Kinh thánh, cầu nguyện, chứng đạo, bố thí, là mọi thứ mà người khác đang làm. Họ là những kẻ nắm lấy sự thuộc linh và họ chẳng dâng gì lại cho Chúa mà họ xưng mình đang phục vụ. Họ là những kẻ hèn nhát. Họ là những kẻ giả vờ sáo rỗng. Họ là hạng người, giống như Philát, sẽ xây khỏi lẽ thật rồi rơi vào cõi đời đời không có Đấng Christ. (Minh họa: Mathiơ 7:21-23; Giăng 6:40 – Tin theo Chúa Jêsus thì phải có lòng can đảm thực sự mới được!)
I. Nhà Vua Bị Chối Bỏ Bởi Các Thầy Tế Lễ
II. Nhà Vua Bị Chối Bỏ Bởi Philát
III. NHÀ VUA BỊ CHỐI BỎ BỞI DÂN SỰ (các câu 6-15)
+ Philát đã tra gạn Chúa Jêsus và tin chắc rằng Ngài vô tội. Vì vậy, Philát giở trò tìm cách thử và phóng thích Chúa Jêsus nếu không có một phản ứng dữ dội nào về mặt chính trị. Theo câu 6, tha cho đoàn dân đông một tù phạm là thông lệ của Philát trong sự lựa chọn của chính họ. Trong sự giám sát của ông ta, ông ta đang có một tội phạm tên là Baraba, câu 7.
+ Baraba là tù phạm chính trị. Hắn bị bắt vì tội “nổi loạn” và “giết người”. Baraba là một nhà cách mạng. Hắn ta đang tìm cách lật đổ nhà cầm quyền Lamã. Hắn bị bắt và giờ đây chỉ còn chờ chết trên thập tự giá của người Lamã mà thôi.
Philát đưa ra cho đoàn dân đông một sự lựa chọn giữa Đức Chúa Jêsus Christ và Baraba, các câu 8-10. Ông ta nghĩ dân chúng sẽ chọn Chúa Jêsus hòa bình-yêu thương thay vì chọn tên Baraba bạo lực kia. Ông ta tin dân chúng sẽ chọn Đấng đã làm lành và ngay thẳng hơn là chọn kẻ chỉ làm điều gian ác.
Philát đã lầm! Philát đã thả mấy viên súc sắc xuống và ông ta đã thua cuộc. Các cấp lãnh đạo người Do thái đã khuấy đảo đoàn dân đông và khiến họ phải chọn Baraba hơn là chọn Chúa Jêsus, câu 11. Khi họ đưa ra sự lựa chọn rồi, Philát hỏi họ ông ta sẽ xử thế nào với Chúa Jêsus, câu 12. Họ kêu gào hắn đáng phải bị đóng đinh trên thập tự giá, câu 13. Một lần nữa Philát thổ lộ niềm tin của ông ta nơi sự vô tội của Đấng Christ và hỏi đám đông kia lý do tại sao, câu 14. Dân chúng đã rơi vào chỗ gần như là đóng băng và họ yêu cầu sự chết của Chúa Jêsus bằng cách đóng đinh Ngài trên thập tự giá, câu 14. Thậm chí họ đã thề một sự rủa sả giáng trên chính mình họ, Mathiơ 7:25. Philát nhượng bộ trước ý muốn của dân chúng rồi để cho họ mặc ý với Chúa Jêsus, câu 15.
+ Nhiều sự rao giảng đã được thực hiện về đám đông nầy và sự lựa chọn của họ đối với Baraba. Tôi đã nghe và đã từng rao giảng, rằng một số người trong đó là những kẻ đã từng hô to “Hôsana” chỉ một tuần trước đó. Có lẽ điều nầy không thực đâu.
Đám đông nầy có mặt ở đó vì họ biết rõ rằng Baraba sắp sửa phải chết mất. Là một nhà cách mạng, họ đang tìm cách đánh bại Rôma, có lẽ Baraba là một nhân vật được lòng người với hạng người phổ thông. Hắn giống như một vị anh hùng đối với số người nầy. Những người ủng hộ Chúa Jêsus không biết Ngài đã bị bắt nữa, vì vậy họ chẳng có thì giờ để tập trung lại mà biện hộ cho Ngài.
Đám đông trong ngày ấy chẳng quan tâm gì đến Chúa Jêsus; họ muốn Baraba. Họ không tin nơi Chúa Jêsus. Dường như Ngài không giống với loại Mêsi mà họ đang trông mong. Mặt khác, Baraba còn hơn những gì họ tưởng về một Đấng Mêsi nữa. Vì vậy, họ đã chối bỏ Chúa Jêsus và đã chọn Baraba từ chỗ vô tín của họ. Đám dân đông đã từ chối Chúa Jêsus vì vô tín chẳng có một chỗ nào cho Đấng Christ hết.
+ Lịch sử ghi lại rằng tên đầy đủ của Baraba là “Jesus Bar-Abbas”. Tên nầy có nghĩa là “Jesus Con của các tổ phụ”. Vào ngày nầy, đám dân đông đã có một sự lựa chọn giữa “Jesus Con của các tổ phụ” hay “Jesus Con của Đức Chúa Trời”. Nếu họ hành động chiếu theo đức tin, sự lựa chọn sẽ đi hướng khác, nhưng khi bị mù quáng bởi sự vô tín, họ đã chọn con đường của thế gian thay vì Con Đường Đến Với Đức Chúa Trời.
+ Nhiều người trong thế giới của chúng ta rất giống với đám đông đã xét đoán Chúa Jêsus kia. Vây ở chung quanh là hạng người đã chọn thế gian thay vì Chúa mỗi ngày. Chúng ta nhìn thấy điều đó trong những lần tuyển cử của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy sự ấy trong các hành động của nhà cầm quyền chúng ta. Chúng ta nhìn thấy điều đó trong các sự chúng ta lựa chọn bộ môn giải trí. Chúng ta nhìn thấy sự ấy trong phương thức người ta sống đời sống của họ mỗi ngày. Đại đa số không luôn luôn đúng đâu! Đại đa số đã chối bỏ Chúa Jêsus. Đại đa số đã xét đoán Ngài phải chết. Đại đa số đã đứng nghịch Ngài và đại đa số đã sai lầm.
Đại đa số vẫn còn nghịch với Chúa Jêsus ngày nay! Thế gian, như một tổng thể chối bỏ Ngài qua sự vô tín hoàn toàn. Thế gian bất chấp Lời của Đức Chúa Trời. Thế gian bất chấp những đời sống được thay đổi khi họ đã được chuộc. Bất chấp sự ban hiến rời rộng ơn cứu rỗi. Đám đông hư mất chọn tội lỗi của nó hơn là chọn sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đám đông hư mất chọn Địa Ngục thay vì chọn Thiên đàng. Đám đông hư mất từ chối không tin theo Chúa Jêsus. (Minh họa: Mathiơ 7:13-14)
+ Giống như ngày Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, đại đa số từ chối không tin theo Ngài. Sự chối bỏ nầy là điều sẽ phán xét tội nhân hư mất, Giăng 8:24. Sự chối bỏ không tin theo Chúa Jêsus như thế nầy là điều sẽ đẩy người ta vào Địa Ngục, Giăng 3:18, 36.
Chỉ vì đoàn dân đông từ chối không đến với Chúa Jêsus, không có nghĩa là bạn phải chạy theo họ. Bạn có thể đi ngược lại xu hướng. Bạn có thể tin theo Chúa Jêsus, bạn có thể được cứu và không vào trong Địa Ngục. Bạn không phải đi theo đám đông đến bờ vực mà chi! Bạn có thể được cứu, nếu bạn có lòng dạn dĩ sống thật khác biệt!
Phần kết luận: Nhà Vua đã đến với Israel y như các tiên tri đã nói Ngài sẽ đến. Ngài đã làm ứng nghiệm từng lời tiên tri. Ngài đã hoàn tất mọi sự Đức Chúa Trời đã phán Đấng Mêsi sẽ hoàn tất. Chúa Jêsus chính xác là Đấng mà Ngài đã từng xưng nhận.
Nhà Vua nầy đã đến với dân sự của Ngài và Ngài bị họ chối bỏ. Giăng 1:11. Vì họ đã chối bỏ Ngài, họ bị Đức Chúa Trời xét đoán. Xứ sở của họ đã bị hủy diệt. Linh hồn của họ bị kết án trong Địa Ngục.
Đừng chối bỏ Chúa Jêsus! Nếu Ngài đang chìa tay ra cho bạn, kêu gọi bạn đến với Ngài, làm ơn đừng từ chối lời kêu gọi của Ngài. Hãy đến đang khi Ngài còn kêu gọi; hãy đến và được cứu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét