Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Mác 14:54; 66-72: "SỰ SA NGÃ VÀ ƠN THA THỨ CỦA MỘT THÁNH ĐỒ PHẠM TỘI"



Mác 14:54; 66-72
SỰ SA NGÃ VÀ ƠN THA THỨ CỦA MỘT THÁNH ĐỒ PHẠM TỘI
Phần giới thiệu: Phần nghiên cứu Tin Lành Mác của chúng ta đã đưa chúng ta đến với một trong những phân đoạn thê thảm và đáng buồn nhất trong Kinh thánh. Mỗi lần tôi đọc câu chuyện nầy, tôi được nhắc nhớ đến một thánh đồ của Đức Chúa Trời sao mà sa ngã một cách trầm trọng và nhanh chóng như thế. Tuy nhiên, trong câu chuyện buồn rầu nầy nói tới sự sa ngã của Simôn Phierơ, tôi thấy một sứ điệp nói tới hy vọng và sự khích lệ. Nghe dường như là kỳ cục lắm, nhưng có một phước hạnh rất lớn trong phân đoạn Kinh thánh nầy nếu chúng ta để cho Đức Chúa Trời tỏ ơn phước ấy ra cho chúng ta.
Mỗi lần tôi giảng đến câu chuyện nầy, hoặc nghe câu chuyện ấy được rao giảng, phần nhấn mạnh luôn luôn là sự thất bại của con người cũ Simôn. Hôm nay, tôi muốn xem xét các biến cố nầy từ một nhận định khác kìa. Tôi muốn chúng ta hãy nhìn vào câu chuyện nầy qua thấu kính tha thứ của Đức Chúa Trời.
Phierơ đã làm buồn lòng Đức Chúa Trời, và ông đã làm Ngài buồn lòng trong một cách thức to lớn, hết thảy chúng ta đều biết rõ sự ấy. Tôi không tin rằng bất cứ thánh đồ nào khác của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh từng phạm tội trầm trọng hay sa ngã khó chịu giống như Simôn Phierơ đã phạm phải trong trường hợp nầy. Ngày cả David với tội tà dâm, tội giết người, và những lời nói dối của ông đã không làm buồn lòng Đức Chúa Trời tồi tệ giống như Simôn Phierơ đã làm. Tội lỗi của Phierơ, theo ý tôi, thậm chí che khuất cả những tội lỗi mà Giuđa Íchcariốt đã phạm. Lý do tôi nói như thế là vì Giuđa là một kẻ bị hư mất phạm tội chống nghịch Chúa. Phierơ là một người đã được cứu, và tội lỗi của người đã được cứu thì tệ hại hơn là tội lỗi của người bị hư mất!
Tôi đã nói có hy vọng trong phân đoạn nầy, và có đấy! Câu chuyện của Phierơ không kết thúc với việc ông làm buồn lòng Đức Chúa Trời đâu. Mặc dù Phierơ đã làm buồn lòng Đức Chúa Trời theo một cách thức rất to tát, ông đã được tha thứ, ông đã được phục hồi, và ông đã được Đức Chúa Trời đại dụng trong một cách thức rất cả thể. Vì vậy, trong khi câu chuyện của Phierơ phải xử lý với một tội lỗi rất tàn ác và đáng khinh, tội lỗi ấy cũng chỉ ra ân điển và ơn tha thứ của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét cả hai mặt tích cực và tiêu cực của câu chuyện Phierơ. Chúng ta sẽ nhìn vào sự sa ngã của ông và lý do tại sao điều đó xảy ra, kế đó chúng ta sẽ xem xét ơn tha thứ và sự phục hồi của Đức Chúa Trời.
Câu chuyện của Phierơ rất quan trọng đối với chúng ta, vì hết thảy chúng ta thấy mình trong chỗ thất bại hết lúc nầy đến khi khác. Khi chúng ta thất bại, thật là yên ủi khi biết rằng Cha chúng ta ở trên trời yêu thương vô hạn, thương xót không dứt, và tha thứ tuyệt đối. Thật là phước hạnh khi biết rằng, chỉ vì chúng ta té ngã, không có nghĩa là chúng ta bị loại bỏ đâu. Giống như sự thực chúng ta đã làm buồn lòng Chúa và phạm tội nghịch lại Ngài, không có nghĩa là chúng ta bị định phải kết thúc cuộc sống mình theo tình trạng ấy. Tôi muốn bạn nhìn biết rằng có hy vọng cho thánh đồ của Đức Chúa Trời khi phạm tội.
Tôi nguyện rằng Chúa sẽ phán với tấm lòng chúng ta để thách thức, để cảnh cáo và để khích lệ chúng ta vì sự vinh hiển của Ngài. Nếu bạn đang gặp rắc rối, tôi muốn bạn nhìn thấy rằng có một con đường để thoát ra khỏi. Nếu bạn bị dẫn vào chỗ rối rắm, tôi muốn bạn có khả năng công nhận các tấm biển cảnh báo. Nếu bạn từng được phục hồi, tôi muốn nhắc cho bạn nhớ rằng ân điển của Đức Chúa Trời luôn dư dật trong đời sống của bạn.
Tôi muốn giảng luận về đề tài Sự Sa Ngã và Ơn Tha Thứ Của Một Thánh Đồ Phạm Tội. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét các phương diện trong sự sa ngã của Phierơ và ơn tha thứ hôm nay.
I. PHIERƠ VÀ SỰ CHỐI BỎ CỦA ÔNG
+ Tại thời điểm nầy thật là hay khi chúng ta bước vào bối cảnh. Chúa Jêsus vừa mới bị bắt bởi các cấp lãnh đạo người Do thái. Họ được sự trợ giúp của binh lính Lamã trong việc bắt lấy Ngài. Chúa Jêsus bị đưa đến cung điện của thầy cả thượng phẩm, ở đó Ngài chịu xét xử thật xấu hổ, trong đó cấp lãnh đạo Do thái đã làm mọi sự họ có thể để bảo đảm rằng Ngài phải nhận lấy án tử hình.
Khi Chúa Jêsus bị bắt, ai nấy trong vòng môn đồ của Ngài đã bỏ chạy trong nổi sợ hãi vì mạng sống của họ, câu 50. Hai trong số họ, là Phierơ và người kia mà nhiều người tin là Giăng, đi theo đoàn dân đông khi họ bắt lấy Chúa Jêsus đưa về xét xử.
Khi hai môn đồ nầy đến trong cung điện của thầy cả thượng phẩm, Giăng, có sự quen biết với thầy cả thượng phẩm nên mới được phép vào trong cung điện với Chúa Jêsus, Giăng 18:15. Giăng đi trở ra, trao đổi với phụ nữ canh cửa rồi thuyết phục người nầy để cho Phierơ vào trong nữa, Giăng 18:15.
Ở điểm nầy, Giăng biến mất khỏi câu chuyện và Phierơ trở thành tâm điểm của câu chuyện. Đồng thời, chính chỗ ông được cho vào sân cung điện của thầy cả thượng phẩm mới trở thành phần khởi sự mọi nan đề của Phierơ trong đêm đó. Giăng là người góp phần bất đắc dĩ cho sự sa ngã của Phierơ.
+ Sự việc nầy dẫn tới chỗ phân đoạn Kinh thánh gốc của chúng ta khởi sự hôm nay. Khi Phierơ ngồi bên ngọn lửa trong sân để tự sưỡi ấm mình, câu 54, có một phụ nữ đến gần ông. Giăng 18:17 cho chúng ta biết rằng đây chính là người phụ nữ đứng giữ cửa. Cô ta đến gần Phierơ và nhận ra ông là một trong các môn đồ của Chúa, câu 67.
Bạn có thể tưởng tượng cô ta không đến gần ông và thì thầm lời tố cáo kia với Phierơ. Cô ta đã nói ra những gì cô ta đã nói với một giọng mà ai nấy đứng gần đó cũng nghe thấy.
+ Khi Phierơ nghe lời lẽ của cô ta, ngay lập tức ông chối không có bất kỳ một quan hệ nào với Chúa Jêsus. Ông thốt ra lời chối lớn tiếng như sau: “Ta không biết, ta không hiểu ngươi nói chi”. Thế rồi ông bỏ đi, câu 68.
Không bao lâu sau đó, khi Phierơ đưa ra lời chối thứ nhứt nầy, tiếng gà gáy có thể nghe thấy được ở trong sân, câu 68. Tiếng gà gáy là một lời cảnh báo đối với Phierơ.
Chúa Jêsus đã nói rất rõ ràng với ông rằng trước khi gà gáy hai lượt, Phierơ sẽ chối Chúa của ông ba lần, câu 30. Khi Phierơ nghe thấy tiếng gà gáy, ông đã bước ra khỏi sân đó. Ông đã tự dời mình ra khỏi nguy hiểm.
Ở điểm nầy, Phierơ không còn suy nghĩ đến tiếng gà gáy nữa, ông chỉ cố gắng làm cho ai nấy đừng chú ý đến ông. Tôi có thể tưởng tượng ông đang đứng quanh đâu đấy tìm cách nhìn lơ đãng; chỉ tìm cách đừng kéo sự chú ý nhắm vào mình.
+ Nổ lực của Phierơ muốn che giấu mình đã thất bại. Không lâu sau khi ông bước đi, có tớ gái khác nhìn thấy ông rồi kêu lên: “Người nầy cũng là bọn đó!”, câu 69. Một lần nữa, cô ta nói ra lớn tiếng để kéo sự chú ý của mọi người đứng trong tầm nghe thấy, Mathiơ 26:71.
Phierơ đã chối bất kỳ quan hệ nào với Chúa Jêsus lần thứ hai. Theo Mathiơ 26:72, lần nầy Phierơ đã chối Chúa với một lời “thề”. Điều nầy có ý nói rằng Phierơ đã thề trước mặt Đức Chúa Trời rằng ông không quen biết Chúa Jêsus. Có thể ông đã nói đại loại như vầy: “Ta thề trước mặt Đức Chúa Trời rằng ta không biết Jêsus người Naxarét! Ta không biết người nầy!” Thật là thê thảm! Lần nầy Phierơ không những nói dối, ông đã nói dối gấp bằng hai. Ông nói dối khi ông nói rằng ông không biết Chúa Jêsus và ông nói dối khi ông thề rằng ông không nói dối!
Theo Luca, khi Phierơ đối mặt với người tớ gái thứ nhì, một người cũng đến gần ông và nhận ra ông là một trong các môn đồ của Chúa, Luca 22:58. Vì vậy, sự nóng nảy cứ tiếp đến! Phierơ đã bị nhận ra. Dân sự trong sân đang nhìn chằm chằm vào ông trong lúc nầy. Bí mật của ông đã bị bật mí. Lai lịch của ông đã bị tỏ ra rồi.
Phierơ đã nổi giận, bối rối, thất bại và lúng túng. Còn hơn các sự ấy nữa, ông đang lo sợ. Ông biết rõ mạng sống của ông đang treo lơ lửng ở đó.
+ Phierơ đã ở lại một mình trong một thời gian ngắn. Luca 22:59 cho chúng ta biết rằng một giờ đồng hồ đã trôi qua. Lúc bấy giờ, chắc chắn Phierơ đã thấy thoải mái rồi. Có thể ông nghĩ số người tập trung ở đó đã quên phứt ông rồi. Ông không thể sai sót nữa.
+ Phierơ bị tiếp cận lần thứ ba. Ông bị tố cáo là một trong số các môn đồ một lần nữa, câu 70. Giọng nói của Phierơ đã xác nhận ông xuất thân từ xứ Galilê, nơi mà từng người trong số các môn đồ của Chúa đã gọi là quê hương, trừ ra Giuđa.
+ Rõ ràng, nhóm người nầy đã được người bà con của gã có tên là Manchu hướng dẫn. Hắn ta là kẻ mà Phierơ đã chém đứt tai khi Chúa Jêsus bị bắt. Người bà con nầy dẫn một số người đến gần Phierơ với lời tố cáo thứ ba nầy, Giăng 18:26. Có thể họ đã nói: “Nè, ta biết người rồi! Ngươi là kẻ đã tấn công Manchu!”
Nếu bạn xuất thân từ phía Nam, bạn biết nói như thế có nghĩa gì rồi. Bạn có thể đi về hướng Tây hay đi lên phía Bắc rồi trao đổi với ai đó và họ ngay lập tức muốn biết bạn xuất thân từ đâu. Giọng nói của bạn đang chỉ ra bạn đấy!
Khi Phierơ nghe lời tố cáo nầy, ông đã thất thần. Phierơ bắt đầu “rủa mà thề”, câu 71. Điều nầy không có nghĩa là Phierơ đang sử dụng lối nói du côn, tục tằn. Điều nầy không có ý nói rằng Phierơ đã ăn nói giống như nhiều người đang sống ở chung quanh chúng ta. Điều nầy không có nghĩa là Phierơ có “cái miệng ngu xuẫn”. Điều nầy không có ý nói Phierơ đã khởi sự sử dụng lời lẽ có tính cách chửi rủa.
Cái điều Phierơ đã nói còn tệ hại hơn việc sử dụng lối nói theo kiểu du côn. Những điều Phierơ đã nói còn tệ hại hơn việc chửi rủa tục tằn hay cả hai. Những gì Phierơ đã nói là làm cho danh Chúa ra phàm đến đất.
Khi Kinh thánh nói rằng Phierơ khởi sự “rủa mà thề”. Nói như thế có nghĩa là ông xem Đức Chúa Trời như một nhân chứng tối hậu cho mấy lần chối bỏ của ông về sự không biết Chúa Jêsus. Phierơ đã nói ra một việc đại loại như sau: “Nguyện Đức Chúa Trời Toàn Năng kết tội tôi đi địa ngục nếu tôi nói dối! Nếu những điều tôi nói với các ngươi là dối trá, nguyện Đức Chúa Trời cất mạng sống của tôi ngay bây giờ đi”.
+ Phierơ đang đứng trên vùng đất nguy hiểm. Ông đã mau chóng sa ngã và ông đã té ngã quá đà. Ông đã đến một nơi mà ở đó ông chẳng chút kính sợ Đức Chúa Trời. Trước hết, Phierơ nói dối. Tiếp đến ông thốt ra lời nói dối gấp bằng hai để che đậy lời nói dối thứ nhứt. Kế đó ông tìm cách minh chứng lời nói dối của mình bằng cách làm cho danh của Đức Chúa Trời ra hư không. Chỉ có nhờ vào ân điển của Đức Chúa Trời nên Phierơ mới không bị Chúa đánh ở chỗ ông đứng đêm hôm ấy.
I. Phierơ và sự chối bỏ của ông
II. PHIERƠ VÀ CÁC LÝ DO CỦA ÔNG
+ Phierơ không hề tin rằng mình đã làm những việc ông đã làm. Chúa Jêsus đã cố gắng nói cho ông biết, nhưng ông đã từ chối không chịu tin theo Chúa. Phierơ vấp ngã và vấp ngã nhanh chóng!
Tuy nhiên, ông đã đứng ở đó! Con người nầy là lãnh đạo của các môn đồ. Con người nầy đã thề rằng ông sẽ chịu chết vì Chúa Jêsus trước khi ông chối Ngài, câu 31. Con người nầy đã cố gắng bảo vệ Chúa Jêsus bằng lưỡi gươm của mình trong một thời gian ngắn trước đó, câu 47. Đứng ở đó chính là Phierơ đã đưa ra những lời rủa sả trên bản thân mình và thề trước mặt Đức Chúa Trời rằng ông chẳng biết gì về Đức Chúa Jêsus Christ. Phân đoạn Kinh thánh chỉ ra rằng ông cứ rủa mà thề.
+ Phierơ không hề tin rằng điều nầy có thể xảy ra cho ông. Ông sẽ không bao giờ tin rằng ông sẽ đến một chỗ như thế trong đời sống của ông. Điều gì đã xảy ra để đưa ông đến chỗ nầy thế? Đấy là những gì tôi muốn nghiên cứu trong một vài phút đây.
+ Có một số dấu hiệu rõ ràng cho chúng ta thấy ông đã hướng tới rắc rối trong đời sống thuộc linh của ông. Các dấu hiệu nầy cũng có thể tỏ ra sự hiện diện của các nan đề thuộc linh trong chính đời sống của chúng ta nữa.
+ Đây là một vài dấu hiệu góp phần như một lời cảnh báo cho Phierơ.
+ Tự tín – Sau khi Chúa Jêsus và các môn đồ Ngài dự xong Lễ Vượt Qua vào buổi chiều trước đó, Chúa Jêsus nói cho người của Ngài biết rằng hết thảy họ sẽ lìa bỏ Ngài trong chính đêm đó, câu 27. Phierơ đã phát biểu và nói cho Chúa Jêsus biết rằng phần còn lại trong số họ sẽ rời đi, nhưng ông thì không bao giờ, câu 28. Phierơ tin rằng ông đã đạt tới một chỗ trong đời sống thuộc linh của mình, ở đó thất bại là bất khả thi! Đấy là một chỗ rất là nguy hiểm.
Tôi chỉ muốn nhắc cho bạn nhớ rằng Kinh thánh cảnh cáo chúng ta thật nhiều lần về suy nghĩ chúng ta đã đạt tới một chỗ mà ở đó chúng ta được miễn trừ không thất bại. (Minh họa: Châm ngôn 16:18; Châm ngôn 29:23; I Côrinhtô 10:12)
Đừng bao giờ nghĩ rằng những gì đã xảy ra cho Phierơ không thể xảy ra cho bạn. Bạn sẽ không thể lường được các hoàn cảnh mà ở đó bạn sẽ chối Chúa, Phierơ cũng rơi vào đó đấy. Sự thực là, bạn có khuynh hướng phạm tội giống như bất cứ ai. Bạn có một tư tưởng, một hành động, một lời nói sống giống y như Phierơ đã sống. Chính vì ân điển của một mình Đức Chúa Trời mà chúng ta không thất bại giống như Phierơ và nhiều người khác.
Đồng thời, đấy là lý do tại sao chúng ta cần phải rất cẩn thận về cách thức chúng ta xét đoán những việc mà người khác làm. Chúng ta cần phải học biết mở rộng tình yêu thương, ân điển và sự tha thứ thay vì mãi xét đoán.
+ Xem thường – Mặc dù Phierơ đã được Chúa nói rõ những điều sẽ xảy ra, Phierơ đã chối bỏ Lời của Chúa, câu 31. Mặc dù Chúa Jêsus đã trưng dẫn lời tiên tri trong Cựu Ước, Xachari 13:7, để minh chứng mọi điều Ngài đã phán sẽ xảy ra, Phierơ đã chối bỏ nó. Ông đã xem thường trong chỗ ông đứng với sự chống đối công khai Lời rõ ràng của Đức Chúa Trời.
Câu 31 chép rằng Phierơ đã “thưa cách quả quyết hơn”. Điều nầy có ý nói rằng ông đứng đối diện với Chúa Jêsus, và trong lời lẽ ấy, ông nói với Ngài rằng những điều Chúa Jêsus đã phán sẽ không bao giờ xảy ra! Giống như cầm quyển Kinh thánh lên rồi nói: “Tôi không quan tâm quyển sách nầy nói cái gì, điều đó sẽ không hề xảy đến với tôi đâu!”
Một dấu hiệu khác nữa mà một người tin Chúa nhắm tới rắc rối là khi họ từ chối không chịu nghe theo Lời của Đức Chúa Trời. Bạn có thể làm theo ý của mình, nhưng Lời của Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn đúng, thích ứng với Quyển Sách. Nếu bạn muốn sa vào rối rắm, hãy đứng trong sự xem thường quyển Kinh thánh nầy. Bất kỳ người tín đồ nào cũng đều sa vào trong rối rắm khi họ từ chối không tuân theo Lời của Đức Chúa Trời!
+ Không cầu nguyện và dửng dưng – Ở các câu 33-38, Chúa Jêsus đi cầu nguyện và bảo các môn đồ Ngài cùng cầu nguyện với Ngài. Họ đã dửng dưng trước các nhu cần của giờ phút ấy và thay vì cầu nguyện họ đã nằm xuống mà ngủ. Họ đã ngủ say không phải một lần, mà những ba lần! Họ đã tỏ ra thái độ dửng dưng trước mọi lời cảnh báo của Chúa. Họ đã từ chối không cầu nguyện và tìm kiếm Đức Chúa Trời, là điều sẽ giúp cho họ được suông sẻ khi các cuộc tấn công của ma quỉ và xác thịt xảy đến.
Bạn ơi, bạn đã hướng tới rắc rối khi bạn để cho đời sống cầu nguyện của bạn phải chết đi. Khi bạn thôi không tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời và tỏ ra sự dửng dưng đối với ý muốn và Lời của Ngài, bạn đã hướng tới thất bại trong đời sống thuộc linh của mình. Khi người bề trong thôi không cầu nguyện nữa, người bề trong đang bắt đầu sụp đổ. Hãy tỉnh thức khi đời sống cầu nguyện của bạn khởi sự chịu khổ!
+ Tính đốc đồng – Chúa Jêsus nói cho người của Ngài biết rằng Ngài sẽ bị bắt và đấy là ý muốn của Đức Chúa Trời thì điều nầy mới xảy ra. Khi sự việc xảy ra, Phierơ phản ứng rất hấp tấp và đã giơ gươm lên, chém đứt tai của một người có tên là Manchu, câu 47.
Phierơ đã hành động ngoài ý muốn được tỏ ra của Đức Chúa Trời. Ông đã làm một việc mà ông tưởng là đúng mà chẳng nghĩ gì đến những gì đang thực hiện ở quanh ông. Phierơ đã ở chỗ không đồng bộ với Đức Chúa Trời và với chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Chúa Jêsus. Chúa Jêsus không cần Phierơ bảo vệ cho Ngài. Ngài có thể triệu tập vô số thiên sứ đến để bảo vệ Ngài. Ngài có thể tự bảo vệ cho bản thân Ngài. Ngài vừa nói thì cả ngàn người đã ngã dài trên đất, Giăng 18:4. Sự bắt bớ, sự thử thách và sự chết của Ngài là một phần của ý chỉ Đức Chúa Trời dành Con yêu dấu của Ngài. Phierơ đã từ chối không chấp nhận ý chỉ ấy, thái độ ấy góp phần vào sự sa ngã của ông.
Chúng ta đã hướng tới một sự sa ngã khi chúng ta bước đi cách hấp tấp. Khi chúng ta chẳng nghĩ gì đến ý chỉ của Đức Chúa Trời, chúng ta đã hướng tới rắc rối rồi! Khi chúng ta không nghĩ gì tới mọi điều Đức Chúa Trời đang làm quanh chúng ta, chúng ta đã hướng tới rắc rối. Khi chúng ta ăn ở theo như chúng ta muốn, chúng ta đã hướng tới rắc rối. Khi chúng ta làm theo những việc chúng ta muốn làm, chúng ta đã ở ngoài, không đồng bộ hóa với chương trình của Đức Chúa Trời, và chúng ta đã hướng tới rắc rối. Chúng ta không bước đi với Ngài và khi chúng ta không đồng đi với Đức Chúa Trời, chúng ta đã hướng tới rắc rối.
Chúng ta cần phải thận trọng và cầu nguyện khi chúng ta bước đi qua cuộc sống nầy. Tình trạng bốc đồng nói: “Tôi có thể làm việc nầy với sức riêng của mình. Tôi không cần sự trợ giúp của Ngài Chúa ơi”. Thái độ cầu nguyện nói: “Lạy Chúa, tôi cần sự vùa giúp của Ngài để tìm được đường lối của Ngài qua cuộc đời nầy”. Thái độ cầu nguyện dẫn tới phước hạnh, còn thái độ kia dẫn tới thất bại.
+ Đi theo, nhưng “xa xa” – Chúng ta phải dành cho Phierơ sự khen ngợi. Tình cảm của ông dành cho Chúa Jêsus đã từ chối không cho phép ông lui đi. Ông đã đi theo Chúa, nhưng Kinh thánh cho chúng ta biết rằng ông đã đi theo “xa xa”, câu 54. Khoảng cách thuộc thể giữa Phierơ và Chúa Jêsus là một hình ảnh nói tới khoảng cách đạo đức đang mở ra ở giữa họ. Khi Phierơ ở gần Chúa Jêsus, ông được đầy dẫy với sự tin tưởng và đức tin. Khi ông ở cách xa Chúa Jêsus, ông đầy dẫy với sợ hãi và nghi ngờ.
Cũng thực như thế đối với chúng ta. Ý muốn của Chúa, ấy là con cái của Ngài phải bước đi sao cho thật gần gũi với Ngài. Khi chúng ta sống gần gũi với Ngài, chúng ta sẽ sống loại đời sống thanh sạch, thánh khiết. Chúng ta được ban cho đức tin, quyền phép và tình yêu thương. Chúng ta có đức tin để đứng cho Chúa Jêsus, quyền phép để làm việc cho Chúa Jêsus, và tình yêu của Đấng Christ sẽ dẫn dắt chúng ta tới chỗ phục vụ Ngài và thế giới ở chung quanh chúng ta vì sự vinh hiển của Ngài.
Khi chúng ta đi theo xa xa, chúng ta không phục vụ Ngài, kính mến Ngài và vâng theo Ngài như chúng ta đáng phải có. Khi tình cảm của chúng ta dành cho Ngài và mong muốn được ở gần Ngài phai nhạt đi, chúng ta đã hướng tới sự sa ngã. Nhiều người trong chính phòng nhóm nầy đang bước theo Chúa Jêsus, song quí vị đang theo Ngài ở xa xa. Hãy quay lại với Ngài hôm nay, trước khi bạn sa vào trong tội trọng hơn!
+ Bạn bè xấu – Trong khi Chúa Jêsus bị xét xử, bị khạc nhổ vào mặt, và bị đánh đòn, vị thủ lãnh của các môn đồ Ngài đang sưỡi ấm bên ngọn lửa của kẻ thù. Sự sa ngã của Phierơ càng tăng mau hơn vì ông thấy mình đang ở chỗ của hạng người chẳng có chút tình cảm nào dành cho Chúa Jêsus cả.
Khi chúng ta tự vây quanh mình với hạng người không tôn kính Chúa, chúng ta đã hướng tới chỗ rắc rối. Khi bạn thấy mình tốn thì giờ với hạng người bị hư mất hơn là bạn để thì giờ ra với dân sự của Chúa, bạn đang ở chỗ mà tấm lòng bạn hiện đang ở đấy.
Bạn bè xấu sẽ kết quả trong việc sống sai trái, tình cảm sai trái và sa ngã trong chỗ đầy thú tính. I Côrinhtô 15:33: “Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt”. I Côrinhtô 5:6: “...Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?” Châm ngôn 13:20: “Ai giao tiếp với người khôn ngoan, trở nên khôn ngoan; Nhưng kẻ làm bạn với bọn điên dại sẽ bị tàn hại”.
+ Tôi thách từng tín đồ trong phòng nhóm nầy xem xét đời sống của mình theo ánh sáng kinh nghiệm của Phierơ. Ông đã thất bại vì ông đã để cho những việc nầy sống trong đời sống của ông. Những việc như thế chẳng nên có thực trong đời sống của bạn! Đã đến lúc thực hiện một sự thay đổi nếu bạn đã nhận ra được đâu là nan đề.
I. Phierơ và sự chối bỏ của ông
II. Phierơ và các lý do của ông
III. PHIERƠ VÀ SỰ HỐI TIẾC CỦA ÔNG
+ Phierơ chối Chúa ba lần. Không lâu sau khi ông chối Chúa, con gà gáy lên lần thứ nhì, y như Chúa Jêsus đã phán vậy, câu 72. Khi điều nầy xảy ra, Phierơ tức thì nhận ra điều mình đã làm.
Theo Luca 22:61, khi Phierơ chối Chúa Jêsus lần cuối cùng nầy, chính mình Chúa đã xây lại và nhìn thẳng vào Phierơ. Khi mắt ông mới ươn ướt, Phierơ nhớ lại lời lẽ của Chúa. Ông nhớ lại rằng Chúa Jêsus đã nói với ông mọi điều mà ông mới vừa làm ra.
Có phải bạn nghĩ đôi mắt của Chúa hằn lên với nét giận dữ và thù ghét chăng? Có phải bạn nghĩ Chúa đã nhìn vào Phierơ với cái nhìn của sự phán xét chăng? Tôi dám chắc đôi mắt của Chúa đã đầy dẫy với sự tổn thương. Nhưng, tôi cũng dám chắc rằng đôi mắt của Cứu Chúa đã đầy dẫy với tình yêu thương, ân điển, sự tha thứ và lòng thương xót. Tôi nghĩ rằng cái nhìn ấy đã nói: “Phierơ ơi, ta đã tìm cách cảnh báo ngươi, nhưng ngươi đâu có chịu nghe. Ngươi đã chối ta, nhưng ta vẫn yêu thương ngươi. Ngươi đã chối ta, nhưng ta sẽ chẳng chối ngươi đâu”.
+ Khi Phierơ nhìn thấy ánh mắt ấy, lời lẽ của Chúa đã thoắt hiện lại trong trí. Khi Phierơ nhớ lại, ông đã bỏ chạy ra khỏi sân và “khóc”. Chúng ta không được phép quan sát Phierơ khi ông bật khóc trên đường ông quay trở lại với Chúa. Đây là thời điểm ăn năn riêng và ấy chẳng phải việc của chúng ta. Cụm từ “người tưởng đến thì khóc” sát nghĩa có ý nói “ông tan vỡ”. Ông đã mất hết khả năng làm chủ tình cảm của mình. Ông là một người tan vỡ và ông sấp mình xuống trước mặt Chúa trong sự khóc lóc ăn năn thành thật!
+ Điều nầy nói gì với chúng ta? Nó chỉ nhắc cho chúng ta nhớ rằng Chúa cũng nhìn thấy chúng ta trong chỗ lạc lầm của chúng ta nữa. Ngài nhìn thấy tội lỗi mà chúng ta dung dưỡng trong đời sống của mình. Ngài nhìn thấy những quyến rũ gian ác mà chúng ta đang chạy theo sau. Ngài biết hết về các tình bạn bị cấm đoán mà chúng ta đang níu giữ. Ngài nhìn thấy mọi sự chúng ta đang làm. Ngài ghét tội lỗi đang câu nhữ chúng ta dang xa khỏi Ngài, song Ngài yêu chúng ta bất chấp mọi tội lỗi của chúng ta và Ngài kêu gọi chúng ta quay trở lại cùng Ngài với một tấm lòng ăn năn, tan vỡ.
Nếu chúng ta đến với Ngài xưng ra những tội lỗi của mình, Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta. Đấy là lời hứa của Ngài, 1 Giăng 1:9. Nếu chúng ta từ chối không quay trở lại, Ngài sẽ chẳng có một sự lựa chọn nào khác hơn là sai sự sửa phạt đến trong đời sống của chúng ta với nổ lực đưa chúng ta trở về, Hêbơrơ 12:6-12. Nếu chúng ta ăn năn, chúng ta sẽ được phước, nếu chúng ta từ chối, sẽ phải có một giá rất cao để trả, 1 Giăng 5:16.
I. Phierơ và sự chối bỏ của ông
II. Phierơ và các lý do của ông
III. Phierơ và sự hối tiếc của ông
IV. PHIERƠ VÀ SỰ PHỤC HỒI CỦA ÔNG
+ Đây là chỗ mà câu chuyện bắt đầu chuyển tới phước hạnh. Chắc chắn là Phierơ đã làm buồn lòng Chúa trong một tư thế rất lớn lao. Chắc chắn sự sa ngã là lỗi của ông rồi. Chắc chắn là Phierơ đã ở ngoài ý chỉ của Đức Chúa Trời. Nhưng, chắc chắn là khi ông thực sự ăn năn, Phierơ đã được tha thứ và được phục hồi. Các sự kiện minh chứng cho điều nầy là sự thực.
Sau khi Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết, thiên sứ đã đến ngôi mộ đã nói điều nầy: Mác 16:7: “Nhưng hãy đi nói cho các môn đồ Ngài và cho Phi-e-rơ rằng: Ngài đi đến xứ Ga-li-lê trước các ngươi; các ngươi sẽ thấy Ngài tại đó, như Ngài đã phán cùng các ngươi vậy”.
Mấy ngày sau, Chúa Jêsus đã gặp Phierơ bên Biển Galilê, Giăng 21:15-17. Trong khi họ ở đó, Chúa Jêsus đã hỏi Phierơ ba lần, không biết ông có yêu Ngài không!?! Ba lần Phierơ khẳng định tình cảm của ông dành cho Chúa và Chúa Jêsus hứa sử dụng Phierơ. Lời hứa nầy được ứng nghiệm vào ngày Ngũ Tuần khi Phierơ được đầy dẫy Đức Thánh Linh, và khi ông rao giảng Tin Lành, ba ngàn linh hồn đã được cứu. Thế rồi, suốt con đường dẫn đến chương 12 sách Công Vụ các Sứ đồ, Phierơ là nhân vật chính trong Hội thánh đầu tiên. Phải, Phierơ đã làm buồn lòng Đức Chúa Trời, nhưng ông đã ăn năn và ông đã được tha thứ và được phục hồi bởi chính Đức Chúa Trời mà ông đã chối bỏ.
+ Những gì Chúa đã làm cho Phierơ, Ngài đã làm cho nhiều người trong phòng nhóm nầy. Có những người đang ngồi đây đã tẻ tách ra khỏi Chúa, chối bỏ Ngài bằng lời lẽ họ đã thốt ra và thứ đời sống mà họ đã sống. Nhưng, một số người ấy đã quay lại với Ngài. Khi họ quay lại, họ được tha thứ và họ được phục hồi và Đức Chúa Trời đang sử dụng họ một lần nữa cho sự vinh hiển của Ngài.
Bây giờ, một số người đang ở quanh họ đã không tha thứ cho họ hay quên đi những gì họ đã làm. Nhưng, Chúa biết rõ điều chi thực sự là vấn đề. Người nào từ chối không tha thứ các thất bại của người khác, bản thân họ đang bước đi trong sự kiêu ngạo, và họ cũng hướng tới chỗ sa ngã nữa đấy, Galati 6:1-2.
+ Nếu bạn đã từng phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời, bạn có thể quay trở về. Nếu bạn quay về, Chúa sẽ tiếp nhận bạn và Ngài sẽ tha thứ cho bạn. Ngài sẽ còn làm hơn thế nữa, Ngài sẽ phục hồi bạn và Ngài sẽ sử dụng một lần nữa cho sự vinh hiển của Ngài. Nếu bạn chưa ở đúng chỗ mà bạn đáng phải ở, hay nếu mối quan hệ của bạn với Chúa Jêsus không gần gũi nhưng nó đáng phải có, hãy quay về ngay đi! Đừng chậm trễ, hãy đến gần Chúa Jêsus!
Phần kết luận: Lần nầy trong đời sống của Phierơ là thời điểm bối rối lắm và đau khổ về mặt thuộc linh. Có phải Phierơ kiếm được gì quan trọng trong lần thất bại nầy? Có phải Phierơ thực sự tiếp thu được bất kỳ bài học thuộc linh nào mới mẻ chăng? Tôi nghĩ ông ấy có đấy.
Nếu bạn đọc thư tín I và II Phierơ, bạn sẽ thấy rằng Phierơ nhắc tới một số nan đề dẫn tới sự thất bại của chính ông.
+ Ông viết về sự kiêu ngạo: I Phierơ 5:5-6
+ Ông viết về sự bất tuân: I Phierơ 1:2; 3:1; 4:17
+ Ông viết về thái độ không cầu nguyện: I Phierơ 4:7
+ Ông viết về sự thỏa hiệp: I Phierơ 3:15; II Phierơ 3:17
+ Ông viết về sự bền đỗ – I Phierơ 5:8; II Phierơ 1:10
Phierơ đã học được bài học của mình và ông đã ăn năn và ông đã được phục hồi. Thắc mắc là, có phải bạn đã học được bài học của mình? Có phải bạn sẵn sàng để quay trở lại không? Há có phải bạn đã mệt mõi khi phiêu bạt quanh quẩn trong tội lỗi? Hãy quay trở lại hỡi con cái của Đức Chúa Trời, hãy quay trở lại!
Có phải bạn nhìn thấy các tấm biển chỉ sự nguy hiểm trong đời sống của bạn hôm nay không? Sự thực là, một số người trong các bạn đã hướng tới rắc rối và các bạn dường như không nhận ra mối nguy hiểm mà bạn đang ở trong đó hôm nay.
Hãy lắng nghe Luca 22:61 một lần nữa: “Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ”. Nếu Chúa có thể nhìn thấy Phierơ, thế thì Phierơ có thể nom thấy Chúa! Hãy tiếp điều nầy vào trong lý trí của bạn. Phierơ có thể nhìn thấy họ khạc nhổ nơi mặt của Chúa Jêsus. Ông có thể nhìn thấy họ đang đánh đòn Ngài, nhiếc móc Ngài và ngược đãi Ngài. Phierơ có thể nhìn thấy Chúa! Ông đã ở rất gần mà ông vẫn sa ngã.
Bạn chưa ở gần với Chúa Jêsus hôm nay. Điều gì khiến bạn nghĩ mình miễn không thất bại chứ? Hãy quay lại và làm điều chi khả dĩ thay đổi mà bạn cần phải làm. Hãy tránh xa khỏi mối nguy hiểm trước khi bạn bị cuốn vào rắc rối trầm trọng.
Có phải bạn được Chúa phục hồi cho không? Bạn có dâng lời cảm tạ Chúa vì tình yêu của Ngài, ân điển của Ngài và ơn tha thứ của Ngài? Hôm nay sẽ là một ngày tốt lành để làm việc ấy.
Bạn đã được cứu chưa? Nếu chưa, bạn có thể được cứu đấy. Hãy đến với Chúa Jêsus ngay bây giờ, nếu Ngài đang kêu gọi bạn.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét