Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Chương bị bỏ quên trong câu chuyện Giáng Sinh & Những người đàn bà trong cây gia đình của Chúa Jêsus



Chương bị bỏ quên trong câu chuyện Giáng Sinh & Những người đàn bà trong cây gia đình của Chúa Jêsus
Mục sư Ray Pritchard
Mathiơ 1:1-16
Bạn có thể nhớ lại cụm từ nầy: "Chương bị bỏ quên trong câu chuyện Giáng Sinh". Đây là bảng gia phổ – một danh sách các tên tuổi, đa số các tên ấy rất khó phát âm. Vì cớ đó, đây là một phân đoạn Kinh thánh mà chúng ta có khuynh hướng chỉ xem qua loa mà thôi. Chúng ta không biết phải làm gì với phân đoạn ấy. Phân đoạn nầy thường không được đọc ở chỗ đông người. Vì thế, chúng ta thường không đọc theo cách riêng tư trừ phi chúng ta đi theo chương trình "đọc Kinh thánh cả năm". Khó có ai thuộc lòng phân đoạn nầy, và theo sự hiểu biết của tôi, phân đoạn nầy khó mà phổ nhạc lắm.
Đấy chỉ là một danh sách dài những tên tuổi khởi sự với Ápraham, tới David rồi kết thúc với Chúa Jêsus. Ở giữa những tên tuổi ấy, chúng ta nhận ra – Giacốp, Salômôn, Giôsaphát – và nhiều người mà chúng ta chưa hề nghe nói tới – Hếprôn, Abiút và Axô.
Cấu trúc thật đơn giản: "Đây là người cha của…, là cha của…, v.v… ". Hết tên nầy đến tên khác, một danh sách nhiều thế hệ dân sự Hybálai từ tổ phụ của họ là Ápraham cho đến Đấng Mêsi, là Đức Chúa Jêsus Christ. Là lịch sử, bảng danh sách rất là hay, nhưng đối với hầu hết chúng ta, lịch sử ấy quả là xa lắc xa lơ.
Lịch sử ấy giống như câu chuyện kể về người kia được yêu cầu viết lại quyển điện thoại niên giám vậy. Phần tóm tắt của ông ta: "Sự cao trọng nhắm vào một số nhân vật thôi. Còn yếu kém thì nhiều lắm". Đấy là cách chúng ta cảm nhận khi chúng ta xem xét Mathiơ 1: "Sự cao trọng nhắm vào một số nhân vật thôi. Còn yếu kém thì nhiều lắm". Trừ phi bạn đạt tới chỗ nhận biết Cựu Ước. Nhưng dù như thế đi nữa, nó chẳng giúp được gì cho bạn vì một số tên tuổi ở Mathiơ 1 thì hoàn toàn chúng ta chẳng hề biết tới – đặc biệt những cái tên nằm ở mấy câu cuối cùng. Một khi hầu hết những người nầy đã sống trong thời kỳ quá lâu rồi, chúng ta chẳng biết gì về họ, trừ ra mấy cái tên của họ mà thôi.
Nếu bạn quen thuộc với bảng Kinh thánh King James, bạn nhớ ngay rằng chữ "sanh" được sử dụng thay vì cụm từ "cha của…". "Ápraham sanh Y sác, Ysác sanh Giacốp, Gia cốp sanh Giuđa", và cứ thế. Cái chữ kỳ lạ ấy đã làm dấy lên nhiều cách giải thích lạ lùng. Ngày kia, một cậu bé về nhà từ Trường Chúa Nhật kể lại bài học của mình. Khi mẹ nó hỏi nó đã tiếp thu được những gì, cậy bé đáp: "Con học tất cả những chữ "quên" trong Kinh thánh". "Con nói sao chứ?" "Mẹ biết không, Ápraham quên Ysác, Ysác quên Giacốp, và Giacốp quên Giuđa".
Người Do thái vốn yêu mến các bảng gia phổ
Trong tinh thần đó, chúng ta có thể gọi đây là "chương bị bỏ quên trong câu chuyện Giáng Sinh". Chúng ta cứ nắm lấy như thế khi bước vào một "câu chuyện thật hay". Nhưng người Do thái của thế kỷ đầu tiên sẽ hoàn toàn lấy làm lạ bởi thái độ của chúng ta. Đối với họ bảng gia phổ sẽ là một bối cảnh tuyệt đối quan trọng cho câu chuyện nói tới sự ra đời của Chúa Jêsus.
Người Do thái thường chú ý nhiều vào những thắc mắc về bảng gia phổ. Thí dụ, bất cứ khi nào đất được bán đi hay đoạn mãi, bản tường trình theo gia phổ được tham vấn để biết chắc rằng đất thuộc về chi phái nầy không được bán cho thành viên của chi phái khác – và làm thế sẽ hủy diệt sự nghiêm túc của những đường biên giới thuộc chi phái đời xưa. Bạn không thể đặt tiền xuống rồi để cho công việc chạy đâu. Bạn cũng phải minh chứng rằng các tổ phụ của bạn đã ra từ cùng một chi phái nữa kìa.
Gia phổ cũng cốt yếu trong việc quyết định chức năng thầy tế lễ. Luật pháp cho rằng thầy tế lễ phải xuất thân từ chi phái Lêvi. Gia phổ cũng giúp quyết định dòng dõi người kế tự ngai vàng. Gia phổ giúp giải thích lý do tại sao Exơra 2 và Nêhêmi 7 chứa những danh sách dài những người khác nhau trở về từ cuộc lưu đày. Khi người Do thái tự tái lập lại trong xứ Israel, cốt yếu là họ phải biết rõ dòng họ nào đã nắm giữ phần nào trong xứ về mặt lịch sử.
Nhưng chính nguyên tắc ấy được áp dụng trực tiếp trong câu chuyện Giáng Sinh. "Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ … Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ" (Luca 2:1, 3). Nói như thế có nghĩa là mỗi người phải trở về quê quán của tổ phụ mình – làng mạc mà gia đình của người xuất thân. Nhưng cách duy nhứt bạn có thể biết chắc về làng mạc của tổ phụ là nhìn biết gia phổ của mình.
Đâu là lý do tại sao Mary và Giôsép phải đi từ thành Naxarét đến thành Bếtlêhem vào tháng thứ chín thai nghén của nàng. Họ phải thực hiện chuyến hành trình lâu dài và đầy nguy hiểm vì thành Bếtlêhem là thị trấn quê hương của tổ phụ Giôsép – một sự thực mà họ đã biết qua việc nghiên cứu gia phổ của họ.
I. Tại sao phân đoạn nầy là quan trọng hôm nay
Bạn có thể sẵn sàng chấp nhận mọi điều tôi đã nói mà vẫn lấy làm lạ không biết tại sao chúng ta phải nghiên cứu phân đoạn nầy. Mặc dù phân đoạn nầy là quan trọng trong 2.000 năm qua, nó có liên quan gì cho hôm nay không? Cho phép tôi đưa ra ba câu trả lời cho thắc mắc ấy.
A. Gia phổ lập Chúa Jêsus là một phần trong gia đình hoàng tộc của Vua David.
Chắc chắn đây là mục tiêu trọng tâm của Mathiơ 1:1-16. Đối với một độc giả Do thái có tánh hay phê phán, không một thắc mắc nào sẽ không nằm ở trọng tâm lý trí của ông ta. Đức Chúa Trời đã phán 1.000 năm trước đó, Đấng Mêsi phải xuất thân từ dòng dõi của Vua David (II Samuel 7). Trong thời của Đấng Christ, Chúa Jêsus không phải là người duy nhứt xưng mình là Đấng Mêsi. Nhiều người khác – những kẻ mạo danh – xưng mình là Đấng Mêsi của Israel. Làm sao người ta biết phải tin theo ai? Một câu trả lời: Hãy kiểm tra gia phổ của người ấy. Nếu người ấy không xuất thân từ dòng dõi của David, hãy quên lời xưng nhận đó đi. Người ấy không thể là Đấng Mêsi được.
Đấy là lý do tại sao Mathiơ 1 bắt đầu theo cách nầy: "Gia phổ Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham". David được liệt kê ra trước hết, mặc dù về niên đại Ápraham đã đến trước hết trong lịch sử. Tại sao? Vì vấn đề cụ thể không phải là: "Chúa Jêsus có phải là một người Do thái (con của Ápraham) không?" mà thay vì thế: "Có phải Ngài là dòng dõi trực tiếp của David không?" Để Chúa Jêsus xứng đáng là Đấng Mêsi, Ngài phải là dòng dõi theo phần xác của Vua David.
Chúng ta có thể nhìn thấy cùng một nguyên tắc đang tác động trong cuộc bàn bạc mới đây về Thái tử Charles và Công nương Diana. Tuần lễ nầy Điện Buckingham tuyên bố rằng họ đã phân rẻ – một khúc dạo đầu cho một cuộc ly dị khả thi. Ở bề mặt thảm họa riêng tư ấy, có một cơn khủng hoảng trầm trọng hơn về thể chế trong gia đình hoàng tộc. Vì quyền tể trị tối cao cũng là đầu của Hội thánh Anh quốc, không một người nào ly dị có thể ngự trên ngai vàng. Khi Nữ hoàng Elizabeth thoái vị, ai sẽ thế chỗ của bà ta? Thái tử Charles đang đứng ở kế đó, song nếu ông ly dị, ông không thể nắm lấy ngai vàng. Ai sẽ người kế tiếp? Bảng gia phổ đưa ra câu trả lời. Người con lớn nhất của Charles và Diana sẽ là người thứ nhì kế đó, người con thứ hai của họ sẽ là người thứ ba kế đó. Nhưng bản thân nền quân chủ đã bị thắc mắc trong cơn khủng hoảng nầy. Những người cai trị của Anh quốc phải xuất thân từ điện Windsor, và những người cai trị đó phải được quyết chắc bởi bảng gia phổ.
Cũng thực như thế cho Đức Chúa Jêsus Christ. "Quyền kế tự ngai vàng" của Ngài được quyết đoán bởi gia phổ của Ngài, là điều thiết lập quả thật Ngài là dòng dõi của Vua David, không một thắc mắc nào là khả thi nữa hết.
B. Gia phổ chứng tỏ rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã có gốc rễ về mặt lịch sử.
Galati 4:4 chép: "Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp". Cụm từ được in nghiêng có ý tưởng hoa quả được thu hoạch đúng thời điểm của mùa gặt. Nghĩa là, khi Đức Chúa Trời đã sửa soạn trọn vẹn từng chi tiết của lịch sử, Ngài sai Con Ngài vào trong thế gian. Những sử gia đều biết rõ kỳ được trọn vào thời điểm của Đấng Christ, có một sự trông mong rộng rãi "điều chi đó" sắp sửa xảy ra. Các tôn giáo giờ đây đã tuyệt chủng của Hylạp và Lamã đã trông mong rằng một đấng cứu tinh sẽ đến từ trời. Bản thân người Do thái đều biết rõ rằng Đấng Mêsi sẽ đến tùy theo những lời tiên tri. Người Batư đã nghiên cứu các từng trời và biết rõ thời điểm đã đến gần. Có một sự ao ước, một sự trông cậy, một sự khát khao, một cảm xúc sâu sắc đập liên hồi trong trái tim của nhân loại về một người phải xuất hiện, người nầy sẽ làm cho cục diện thế giới phải thay đổi.
Không, họ không trông mong Chúa Jêsus, nhưng sự khát khao vẫn có ở đó, không chối cãi được. Và trong thế giới đầy sự trông mong ấy, Đức Chúa Trời đã sai Con của Ngài đến. Và đúng kỳ. Đúng thời điểm.
Mathiơ 1 đang nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã có những gốc rễ. Ngài đã có một cây gia đình. Không những Ngài đã lìa bỏ thiên đàng, Ngài không xuất hiện như một phù thủy trên bối cảnh đâu, mà là đúng kỳ trọn vẹn của lịch sử, Chúa Jêsus đã ra đời tại thành Bếtlêhem.
Chúa Jêsus đã có một gia đình của con người. Ngài có một người mẹ, một người cha và một lịch sử. Ngài không phải là một nhân vật huyền thoại nào đó đâu – giống như các thần linh trên Núi Olympus. Không, Ngài là một con người thật chào đời trong một gia đình thật. Galati 4:4 dạy cho chúng ta mọi sự ở đàng sau đó cho thấy Đức Chúa Trời đang điều khiển toàn bộ tiến trình.
Kunta Kinte
Bạn có nhớ loạt phim nói tới gốc rễ trên truyền hình không? Đấy là câu chuyện nói tới Alex Haley, một người da đen, thể nào đã dành ra nhiều năm tháng để khám phá lịch sử gia đình mình. Mọi sự ông ta đã biết, ấy là gia đình của ông đều ra từ một nô lệ người châu Phi có tên là Kinte, người nầy đến trong nước Mỹ tại một địa điểm được gọi là "napolis". Ông cũng nhớ tới nhiều mẫu chuyện nói tới các bà dì và bà nội của ông thường kể cho ông nghe khi ông còn là một đứa trẻ. Với thông tin sơ sài ấy, ông đã bắt đầu kết câu chuyện lại với nhau. Trải qua nhiều thế hệ, một vài âm tiết trong ngôn ngữ gốc của người châu Phi đã được nhắc đi nhắc lại. Ông đi từ nhà ngôn ngữ nầy đến nhà ngôn ngữ khác, nhắc đi nhắc lại một vài âm tiết ấy, hỏi thăm cho biết các âm tiết ấy ra từ thổ ngữ nào. Dường như chẳng có ai biết hết, cho tới chừng một ngày kia, ông gặp một người nhận ra lời lẽ đó thuộc về một ngôn ngữ sắc tộc từ một xứ nhỏ miền Tây Phi ở Gambia. Sau khi nghiên cứu kỹ hơn, ông khám phá ra "napo-lis" chỉ ra Annapolis, Maryland, là điểm vào của hàng ngàn người nô lệ châu Phi. Khi ông đến khu vực ấy, ông tìm được danh Kinte trong bản tường trình của một gia tộc sở hữu nhiều nô lệ cách đó một thế kỷ rưỡi.
Thế rồi Alex Haley thực hiện chuyến đi đến Gambia. Ở đó, ông đến viếng hết bộ tộc nầy đến bộ tộc khác, lắng nghe những sử gia của bộ tộc thuật lại câu chuyện của họ. Đây là những cụ già, họ có ký ức hàng trăm năm về sự ra đời, sự chết, hôn nhân và chiến tranh. Một ngày nọ, ông đã ngồi nhiều giờ liền lắng nghe một người kể lại câu chuyện của bộ tộc ông ta. "Trước tiên là như vầy, như vầy. Ông đã kết hôn như thế nầy, như thế nầy. Họ có nhiều con cái và đã sống rất nhiều năm". Và cứ thế câu chuyện tiếp tục, câu chuyện nói tới một bộ tộc châu Phi trải qua nhiều thế kỷ. Thế rồi việc đã xảy ra: "Rồi kết hôn và cứ thế. Họ có một con trai. Trong một năm nó bị bắt đi và không còn gặp lại nữa". Còn tên của người con ấy? Kunta Kinte. Năm ấy là năm 1752. Alex Haley nói: "Tôi có những gì họ gọi là kinh nghiệm đỉnh cao". Đấy là một trong những giờ phút của khải tượng mà bạn có một hai lần trong đời. Ông nói: "Tôi đã nhận ra mình có gốc rễ. Tôi đã có lịch sử. Gia đình tôi đã xuất thân từ một nơi nào đó".
Đấy là những gì Mathiơ 1 đang dạy cho chúng ta biết. Chúa Jêsus đã có gốc rễ. Ngài đã có một lịch sử. Ngài có một gia đình. Ngài đã đến từ đâu đó.
C. Đây là biên niên sử nói tới ân điển của Đức Chúa Trời.
Nếu bạn nghiên cứu mấy tên tuổi nầy từng chi tiết, thì giống như thể Đức Chúa Trời đang kết nối mọi hình ảnh liên đới lại với nhau. Tôi đã nói rồi, chúng ta không biết về từng người trên bảng danh sách nầy. Nhưng về những người mà chúng ta biết rõ, gần như hết thảy họ đã có những thất bại về mặt đạo đức trên bảng tóm tắt thuộc linh của họ. Thí dụ, Ápraham đã nói dối về Sara vợ mình. Ysác cũng làm y như thế. Giacốp là một tay lừa đảo, còn Giuđa là một kẻ gian dâm. David là một kẻ tà dâm và Salômôn là một người đa thê. Manase là một vị vua gian ác nhất mà xứ Israel đã từng có. Và cứ thế khi chúng ta đọc tới.
Đây không phải là danh sách của các thánh đồ đáng khen. Không phải thế đâu. Có người chẳng phải là thánh chi cả. Người tốt nhứt trong số những người nầy có những thói xấu và có người xấu đến nỗi khó mà nhìn thấy những điểm tốt của họ.
Làm sao sự ấy tỏ ra ân điển của Đức Chúa Trời được chứ? Đơn giản thôi! Sự ấy tỏ ra ân điển của Đức Chúa Trời vì hạng người thể ấy đã dựng nên cây gia đình của Chúa Jêsus. Một kẻ giết người có ở trên danh sách, một kẻ tà dâm có trên danh sách, một kẻ gian dâm có trên danh sách, một kẻ nói dối có trên danh sách, một kẻ lừa đảo có trên danh sách. Hãy suy nghĩ về sự ấy xem. Phần lớn những người nầy đều là hạng tội nhân trầm trọng đấy.
II. Bốn người đàn bà bất thường
Điều nầy đưa tôi đến phần quan sát chính thứ hai của tôi về danh sách nầy: Ở đó có bốn người đàn bà. Bản thân gia phổ là bất thường vì khi người Do thái thực hiện bảng gia phổ, họ thường không kể phụ nữ vào trong danh sách. Họ chỉ lần theo cây gia đình từ người cha cho đến đứa con trai mà thôi. Nhưng Mathiơ 1 bao gồm bốn phụ nữ trong cây gia đình của Chúa Jêsus. Họ là Tama (3), Raháp (5), Rutơ (5), Bátsêba (6). Hết thảy họ đều là hạng người chẳng giống ai cả. Với ngoại lệ ở Rutơ, chẳng có một người nào có phẩm chất gương mẫu hết.
A. Tama
Câu chuyện của nàng – hầu như chúng ta chẳng biết gì hết – được thấy có ở Sáng thế ký 38. Tama là con dâu của Giuđa, ông là con trai của Giacốp, cháu nội của Ápraham. Mọi sự bạn cần phải biết, ấy là Giuđa có con trai tên là Êrơ, là người đã cưới một phụ nữ dân Ngoại tên là . . . Tama. Êrơ chết đi và Ônan em người chổi dậy làm bổn phận của anh mình bằng cách cưới Tama làm vợ. Nhưng ông cũng qua đời, để Tama lại không chồng không con – một loại rủa sả gấp bằng hai vào thời buổi ấy. Vì vậy, vì nàng không kiên nhẫn và không bằng lòng chờ đợi Đức Chúa Trời tiếp trợ cho nhu cần của nàng, nàng đã vạch ra một kế sách để khiến cha chồng của nàng phải ngủ với nàng. Kế hoạch của nàng rất đơn giản: Ăn mặc giống như một kỵ nữ, nàng đã dụ Giuđa vào việc ăn nằm với nàng, nhờ đó nàng có thai và sanh đôi hai đứa con trai: -- Phêrết và Xêrách. Khi nàng đối mặt với Giuđa bằng sự thực, ông nói (đúng): "Nàng công bình hơn ta". Quả thật, chẳng có ai thấy tốt lành gì trong câu chuyện nầy, nào là mùi hôi thối của sự tham lam, lừa đảo, không chính đáng, điếm đàng, tư dục, và thậm chí loạn luân nữa. Bất cứ điều chi bạn có thể nói về Giuđa (và điều đó chẳng tốt lành gì hết), bạn không thể bằng cách kéo dài sự tưởng tượng mà làm cho Tama trông tốt đẹp được đâu. Nàng còn tồi tệ hơn cả cha chồng của nàng nữa là. Nhưng những việc nàng đã làm là gian ác, sai trái và phi đạo đức. Nàng thực sự đã hành động giống như một kỵ nữ dù nàng không phải là người bán dâm. Đấy là mọi sự chúng ta biết về Tama. Thực sự chẳng có một kết cuộc phước hạnh nào trong câu chuyện nầy. Nàng chỉ là lời chú thích ở cuối trang trong lịch sử của Kinh thánh – và là một lời chú thích nhạt nhẽo ở đó. Câu chuyện nói tới sự nàng gặp gỡ với Giuđa là một câu chuyện nói tới tình trạng mong manh và yếu đuối của con người – về tình trạng tội lỗi của xác thịt con người. Hạng người thể ấy giống như Giuđa và Tama sẽ được gộp vào dòng dõi của Đấng Mêsi gửi một sứ điệp mạnh mẽ nói tới ân điển thanh sạch của Đức Chúa Trời. Một người cũng không xứng đáng với ân điển ấy, huống chi có hai người trên danh sách ấy.
B. Raháp
Giờ đây chúng ta chuyển qua người đàn bà thứ hai có tên trên danh sách – ấy là Raháp. Phần lớn trong chúng ta đều biết nhiều về nàng. Thực vậy, gần như nàng luôn luôn được nhắc tới bằng một cụm từ nhất định trong Kinh thánh, một cụm từ mà hầu hết chúng ta đều biết nằm lòng: kỵ nữ Raháp. Nhưng không chỉ có bấy nhiêu đó đâu. Raháp cũng là một người Canaan – họ là kẻ thù cay đắng của dân Israel. Việc làm mẫu mực nhất của nàng là đưa ra một lời nói dối. Hãy suy nghĩ về sự ấy xem. Một kỵ nữ, một người Canaan và một kẻ nói dối. Bạn sẽ không nghĩ nàng sẽ có nhiều cơ hội để được đưa vào trong danh sách, nhưng nàng có mặt ở đó.
Câu chuyện của nàng được gắn với câu chuyện chinh phục rộng lớn hơn của Giôsuê về thành Giêricô có tường bao quanh. Khi Giôsuê sai các thám tử vào trong thành phố, Raháp đã giấu họ trong nhà của nàng. Trong sự trao đổi để đi an toàn ra khỏi thành phố, họ hứa buông tha cho nàng và nhà nàng khi cuộc vây hãm diễn ra. Mọi sự nàng cần phải làm là treo sợi chỉ màu đỏ điều từ cánh cửa sổ để dân Israel có thể nhận ra nhà của nàng. Nàng đã đồng ý, đã che giấu các thám tử, và khi vua của thành Giêricô sai các sứ giả đến đòi nàng phải giao các thám tử, nàng đã nói dối rằng họ đã rời khỏi thành phố rồi (họ đang ẩn trốn trên mái nhà). Nàng thòng họ xuống cửa sổ bằng một sợi dây, nhờ đó họ mới trở về cùng Giôsuê.
Đây là một câu chuyện hay với nhiều bài học, nhưng chúng ta đừng quên chỗ Raháp là một kỵ nữ. Đấy là "nghề" của nàng. Hai người ẩn náu ở đó là vì người ta theo thói quen nhìn thấy nhiều khách lạ đến rồi đi trong suốt cả đêm. Chúng ta cũng không thể bác bỏ sự thực Raháp đã thốt ra một lời nói dối thật trơ trẻn. Có điều chi tốt chúng ta có thể nói về nàng không? Có đấy! Nàng là một phụ nữ có đức tin. Bạn không phải mượn lời của tôi về sự ấy. Hêbơrơ 11:31 chép: "Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp …". Nàng là một người có lòng tin! Và lời nói dối của nàng bị tác động bởi đức tin của nàng!
Khi cuộc vây hãm thành đã đến, nàng đã được buông tha và theo dòng thời gian đã trở thành tổ mẫu của Vua David. Một kỵ nữ . . . một người Canaan . . . và là một kẻ nói dối. Cũng là một phụ nữ có đức tin. Nàng đã lập danh sách và nàng là một phần trong cây gia đình của Chúa Jêsus.
C. Rutơ
Điểm quan trọng nhất về Rutơ, nàng cũng không phải là một người Do thái. Thực ra nàng xuất thân từ xứ Môáp. Và điều đó đưa chúng ta trở lại với Sáng thế ký 19 và sự hủy diệt thành Sôđôm và Gômôrơ. Vào cái ngày đáng sợ đó, Lót đã trốn ra khỏi thành Sôđôm cùng với vợ và hai cô con gái. Vợ ông đã biến thành một tượng muối, còn Lót và hai cô con gái tìm nơi nương náu trong một cái hang. Hai cô con gái của ông hiển nhiên đã bị tác động xấu xa bởi thời của họ trong thành Sôđôm vì họ âm mưu lừa cha mình vào việc ngủ với họ. Qua nhiều đêm liên tiếp, họ đã phục cho Lót thật say rồi ngủ với ông. Cả hai chị em đều có thai và sanh hai người con trai – một tên là Môáp, còn người kia tên là Ammôn. Hai người con trai nầy – sanh ra trong loạn luân – đã lớn lên để lập ra các quốc gia chắc chắn sẽ rất là gian ác cũng như là kẻ thù cay đắng của dân Israel. Người Do thái thù ghét dân Môáp và dân Ammôn và chẳng muốn làm một việc gì với họ cả.
Quyển sách mang tên của nàng thuật lại mối tình lãng mạn trổ hoa giữa Rutơ người Môáp và Bôô người Israel. Họ là một đôi không chắc là sẽ được, song trong sự tể trị của Đức Chúa Trời họ được kết lại với nhau trong hôn nhân. Họ có một người con trai tên là Ôbết, là người có một con trai tên là Giesê, ông nầy có con trai tên là David, khiến cho Rutơ trở thành tổ mẫu của David. Và đấy là cách một người từ quốc gia thù hận Môáp đã bước vào gia phổ của Đấng Mêsi.
D. Bátsêba
Người đàn bà sau cùng không được nhắc tới đích danh. Tuy nhiên, bà được nhận dạng rõ ràng là người nữ: "là vợ của Uri". Câu chuyện nói tới sự tà dâm của Bátsêba với Vua David ai cũng biết không cần nhắc lại ở đây. Cái điều phải nói, ấy là sự tà dâm chỉ mới là khởi đầu mà thôi. Trước khi sự việc diễn ra, thì chỉ có nói dối, một sự che đậy kiểu hoàng gia, và rồi là giết người. Kết quả là, đứa con mang thai trong đêm đó đã ngã chết sau khi ra đời và gia đình David, đế quốc của ông đã bắt đầu sụp đổ.
Hiển nhiên là David đã cưới Bátsêba và họ có một đứa con trai khác – là Salômôn, người khôn ngoan nhứt đã từng sống. Một kết quả hoàn toàn cho một sự phối hiệp bắt đầu bằng sự tà dâm. Có sự bẩn thỉu trong khắp cả câu chuyện nầy. Nhưng đừng quên điểm chính: Bátsêba đã lập danh sách. Tên tuổi của nàng không có ở đó, nhưng nàng đã được nhắc tới.
Bốn người đàn bà bất xứng
Trước khi tiếp tục, chúng ta hãy suy nghĩ về bốn người nữ nầy trong một phút xem:
Tama: Loạn luân, phi đạo đức, giả dạng làm kỵ nữ, là dân Ngoại.
Raháp: Kỵ nữ, nói dối, lừa đảo, một người Canaan.
Rutơ: Một người xuất thân từ Môáp – một dân sanh ra từ chỗ loạn luân.
Bátsêba: Tà dâm
Bốn người nữ bất xứng:
Họ là dân Ngoại.
Họ dính dáng vào một hình thức phi đạo đức nào đó về mặt tình dục.
Hai người có quan hệ tới nghề kỵ nữ.
Một người phạm tội tà dâm.
Tất cả bốn người đều có mặt trong dòng dõi dẫn tới Đức Chúa Jêsus Christ!
Tại sao Đức Chúa Trời kể những phụ nữ như thế vào trong danh sách nầy? Nhưng không chỉ là những người phụ nữ thôi. Hãy suy nghĩ đến Ápraham, Ysác, Giacốp và David xem. Họ cũng là hạng tội nhân nữa kìa. Tại sao phải kể đến hạng người như thế chứ?
Một sứ điệp cho việc tự xưng công bình
Tôi nghĩ có ba câu trả lời cho câu hỏi ấy:
1. Ngài đã kể như thế để gửi một sứ điệp cho hạng người tự xưng công bình.
Sách Mathiơ được viết ra đặc biệt cho người Do thái. Phần nhiều người trong cấp lãnh đạo của họ (đặc biệt là người dòng Pharisi) đều là hạng người tự xưng công bình và hay xét đoán người khác. Thực sự họ tưởng họ xứng đáng với sự sống đời đời. Đúng là một cú sốc khi đọc bảng gia phổ nầy vì nó đầy dẫy với những kẻ dối trá, giết người, trộm cắp, tà dâm và kỵ nữ. Không phải là một bức tranh xinh đẹp. Không phải là một cây gia đình "trong sạch". Danh sách nầy là một lời quở trách gây nhức nhối cho loại người tự xưng công bình hay xét đoán kia.
Có phải bạn biết nói như thế là có nghĩa gì rồi, phải không? Chúa Jêsus chào đời trong một gia đình tội lỗi. Ngài đã đến từ một dãy dài những tội nhân.
2. Ngài đã kể như thế hầu cho ân điển của Đức Chúa Trời có thể tỏ ra cách dư dật.
Nếu bạn xuất thân từ một gia đình đại loại như thế nầy, bạn không thể khoe khoang chính xác về cơ nghiệp của mình được. Chắc chắn, các tổ phụ của bạn đều là bậc vua chúa, song họ cũng là hạng tội nhân trầm trọng lắm.
Thắc mắc: Một kỵ nữ có thể lên thiên đàng được không? Được hay không? Một kẻ tà dâm có thể lên thiên đàng được không? Một kẻ giết người có thể lên thiên đàng được không? Một kẻ dối trá có thể lên thiên đàng được không? Bạn sẽ nói “được”, vì Raháp và David cả hai đều đang sống ở thiên đàng – và Raháp là một kỵ nữ, một kẻ nói dối và David là một kẻ tà dâm và giết người.
Khi bạn đọc câu chuyện nói tới bốn người đàn bà nầy – và nói tới những người đàn ông trong bảng danh sách – bạn không nên nhắm vào tội lỗi, mà nên nhắm vào ân điển của Đức Chúa Trời thì hơn. Vị anh hùng của câu chuyện nầy là Đức Chúa Trời. Ân điển của Ngài soi tỏa qua chốn tăm tối nhất của tội lỗi con người khi Ngài chọn hạng người nam người nữ chẳng có gì hoàn hảo rồi đặt họ vào trong cây gia đình của Chúa Jêsus.
3. Ngài đã kể như thế hầu cho chúng ta sẽ nhắm vào Đức Chúa Jêsus Christ.
Có nhiều người bị dọa dẫm bởi Đức Chúa Jêsus Christ. Họ đã treo Ngài lên với các thiết bị tôn giáo – nơi thánh to lớn, tấm kính nhơ nhuốc, ca đoàn xinh đẹp, các loại ống sáo, những lời cầu nguyện hình thức, và tất cả những gì còn lại. Khi họ nhìn vào những bộ lễ phục, mọi sự dường như là dọa dẫm đối với họ. Đối với nhiều người trong thế gian ngày nay, Chúa Jêsus dường như tốt quá không thể là thành thực cho được.
Ngài có một lai lịch cũng nhiều thứ giống như lai lịch của bạn và của tôi vậy. Ngài tự gọi mình là "thiết hữu của tội nhân", và Ngài phán Ngài không đến để gọi người công bình, mà gọi kẻ có tội ăn năn. Ngài phán : "Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất" (Luca 19:10).
Nhà cửa cho ngày lễ
Trời đang ở mùa Giáng Sinh, và nhiều người trong chúng ta sẽ về nhà để qua thời gian với gia đình của chúng ta. Một số người trong các bạn không cảm thấy quá sốt sắng về sự ấy. Thay vì thế, bạn sẽ không về nhà trong năm nay, nhưng bạn phải về thôi. Có thể các thành viên trong gia đình làm cho bạn phải bối rối. Một số người trong các bạn sẽ phải sử dụng thời gian với hạng người gây tổn thương cho bạn thật sâu sắc trong quá khứ. Những người làm cha làm mẹ, anh chị em, cô bác cậu dì và ông bà cùng những người bà con xa. Một số người trong họ bạn sẽ vui sướng khi gặp gỡ. Còn những người kia? Một số người trong họ thay vì thế bạn sẽ không bao giờ gặp lại nữa đâu.
Một số trong họ là loạn luân. Có người thì tà dâm. Có người nói dối. Có kẻ thì giết người. Có người đầy dẫy với giận dữ và cay đắng. Có người thì độc ác trong những phương thức thật kỳ cục. Và bạn ao ước bạn sẽ không phải làm những chuyện mà bạn đã làm – về nhà và đối mặt với các thành viên trong gia đình trong mùa lễ Giáng Sinh.
Chúa Jêsus hiểu rõ cách mà bạn đang cảm nhận. Ngài đã đến từ một gia đình chẳng có tiếng tăm chi hết. Cây gia đình của Ngài được trang hoàng với hạng tội nhân có tiếng. Ngài biết rõ có người thân làm cho bạn phải đau buồn có ý nghĩa như thế nào rồi! Ngài biết hết mọi sự về tình huống gia đình khác thường rồi.
Những tin tức tốt lành từ cây gia đình của Chúa Jêsus
Quan điểm sau cùng của tôi sẽ khích lệ bạn nhiều đấy: Bất luận quá khứ của bạn có là gì đi nữa, Chúa Jêsus có thể cứu bạn đấy.
Bất cứ một kẻ giết người nào đọc thấy mấy lời nầy? Bất kỳ kỵ nữ nào? Bất kỳ kẻ tà dâm nào? Bất cứ kẻ nói dối nào? Bất kỳ kẻ lừa đảo nào? Dù là hạng người hay giận dữ? Bất cứ tên trộm cướp nào? Bất kỳ kẻ giả hình nào?
Những Tin Tức Tốt Lành! Bất luận những gì bạn đã làm trong quá khứ, Chúa Jêsus có thể cứu lấy bạn. Nếu một kỵ nữ có thể được cứu, bạn có thể được cứu. Nếu một tên giết người có thể được biến đổi, bạn có thể được biến đổi. Nếu một người loạn luân có thể được cứu, thế thì có hy vọng cho bạn đấy.
Bất luận quá khứ của bạn trông giống với điều gì, hay hiện tại của bạn có như thế nào đi nữa, bất luận bạn đang ở đâu hay bạn đã làm gì, Đức Chúa Trời có thể ban cho bạn một khởi đầu mới.
Hy vọng cho người tổn thương
Sau khi tôi đã giảng bài nầy trong một buổi thờ phượng trước đây, có một người đang nếm trải một cuộc ly dị thật khó khăn đã nói mấy lời nầy với tôi: "Tôi vui sướng khi biết có ai đó đến từ một gia đình đã tan vỡ". Ông ấy đã đúng. Có nhiều điều khác thường trong cây gia đình của Chúa Jêsus. Có nhiều sự tan vỡ và nhiều đau đớn lắm.
Ngài biết rõ bạn đang nếm trải điều gì trong năm nay vào mùa lễ Giáng Sinh.
Tôi hy vọng bạn sẽ không bỏ qua Mathiơ 1 trong việc đọc Kinh thánh. Danh sách bất thường nầy về những con người không bình thường có thể là chương quan trọng nhất nói tới ân điển của Đức Chúa Trời trong cả Kinh thánh. Trong những cái tên bị lãng quên nầy từ quá khứ, Đức Chúa Trời đã xoay ngọn đèn ân điển thánh của Ngài chiếu trên những người nam người nữ sa ngã, và qua đời sống của họ, chúng ta nhìn thấy mọi điều mà ân điển của Đức Chúa Trời có thể thực hiện.
Những tin tức tốt lành! Đức Chúa Jêsus Christ đã đến thế gian để cứu lấy hạng tội nhân. Những tin tức tốt lành! Hãy kêu cầu danh Chúa Jêsus, Ngài đã đến đặng cứu dân Ngài ra khỏi tội lỗi của họ. Ngài không đến để biến bạn ra hạng người tôn giáo, Ngài đã đến để cứu bạn ra khỏi tội lỗi của bạn. Ngài không đến để biến bạn thành hạng người kỉnh kiền, Ngài đã đến để cứu bạn ra khỏi tội lỗi của bạn. Ngài không đến vì sự cải tổ đạo đức, Ngài đã đến để ban cho ơn cứu rỗi đời đời.
Sự việc dường như thật kỳ lạ, bạn càng tệ hại dường nào, bạn lại càng là ứng viên tốt hơn cho ân điển của Đức Chúa Trời. Ngài đã đến để làm cho bạn những gì bạn không thể làm được cho chính mình. Ngài đã đến để cứu bạn ra khỏi tội lỗi của bạn.
Cũng chính ân điển ấy mà Raháp đã kinh nghiệm điều sẵn có hiện nay cho bạn. Tôi mời bạn trong danh Chúa Jêsus hãy đến nhận và được tha thứ. Ngài đã thực hiện động tác thứ nhứt rồi. Bước kế tiếp là dành cho bạn đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét