Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Suy Gẫm: Ngày 345


Buổi sáng
Đức Chúa Trời bình an … khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài.
Khá theo đến sự trọn lành; hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em.
Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình. --mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.
Lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài. --Hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào. --được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Jêsus Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời. --không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời.
Hêbơrơ 13:20-21; II Côrinhtô 13:11; Êphêsô 2:8-9; Giacơ 1:17; Philíp 2:12-13; Rôma 12:2; Philíp 1:11; II Côrinhtô 3:5
Buổi chiều
Cho nên, nầy, ta sẽ dẫn dụ nó, dẫn nó vào đồng vắng, và lấy lời ngọt ngào nói cùng nó.
Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, Thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Cha các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn năng phán như vậy. --Chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta.
Đức Chúa Jêsus đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh. Vậy nên chúng ta hãy ra ngoài trại quân, đặng đi tới cùng Ngài, đồng chịu điều sỉ nhục.
Ngài phán cùng sứ đồ rằng: Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một chút. -- Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh. Ngài bổ lại linh hồn tôi, Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.
Ôsê 2:14; II Côrinhtô 6:17-18; II Côrinhtô 7:1; Hêbơrơ 13:12-13; Mác 6:31; Thi thiên 23:1-3

Suy Gẫm: Ngày 344


Buổi sáng
Vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi.
Hỡi trời, hãy hát! Hỡi đất, hãy vui mừng! Hỡi các núi, hãy lên tiếng hát xướng! Vì Đức Giê-hô-va đã yên ủi dân Ngài, cũng thương xót kẻ khốn khó. --Nầy, Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi tôi; tôi sẽ tin cậy và không sợ hãi. Vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là sức mạnh của tôi, lời ca tụng của tôi; Ngài đã nên sự cứu rỗi tôi. --Đức Giê-hô-va là sức mạnh và là cái khiên của tôi; Lòng tôi đã nhờ cậy nơi Ngài, và tôi được cứu tiếp; Vì vậy, lòng tôi rất mừng rỡ, Tôi sẽ lấy bài ca mà ngợi khen Ngài. --Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rể mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới dồi mình bằng châu báu.
Vậy tôi có cớ khoe mình trong Đức Chúa Jêsus Christ về điều hầu việc Đức Chúa Trời. --Nào những thế thôi, chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã được sự hòa thuận. --Dầu vậy, tôi sẽ vui mừng trong Đức Giê-hô-va, Tôi sẽ hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi tôi.
Nêhêmi 8:10; Êsai 49:13; Êsai 12:2; Thi thiên 28:7; Êsai 61:10; Rôma 15:17; 5:11; Habacúc 3:18
Buổi chiều
Ngài đã lập với ta một giao ước đời đời, Vững bền trong mọi sự và chắc chắn.
Ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó.
Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời, trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài.
Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em; còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển.
II Samuên 23:5; II Timôthê 1:12; Êphêsô 1:3-5; Rôma 8:28-30

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

ĐỜI MỚI CHO NĂM MỚI



ĐỜI MỚI CHO NĂM MỚI
Mathiơ 25:1-13

Bạn có từng đọc quảng cáo cần người chưa? Họ có những quảng cáo như vầy: “Cần người trông trẻ”, “cần người có cuốc để đào mương”, “cần người cắt cỏ”.
HỌ CÓ MỘT NHU CẦU!
a. Thế giới nầy có một nhu cần về Chúa Jêsus.
Họ có quyền nhìn vào Hội thánh để đạt được nhu cần ấy.
b. Đức Chúa Trời có một nhu cần về các tín đồ đã được xức dầu.
TẠI SAO? Vì như Êsai 10:27 chép: “…ách sẽ bị gãy vì sự béo mập”.
Ách là gì vậy? Một nông cụ bạn mắc lên cổ trâu hay bò để chúng sẽ làm theo những gì bạn muốn chúng phải làm. Ách buộc chúng lại với nhau, và với cái cày. Đây là một gánh nặng, một sự ràng buộc, hay một thứ được sử dụng để nô dịch hóa.
Về mặt thuộc linh có cái ách của tội lỗi, xác thịt, Satan (sợ hãi, vô tín).
Satan muốn bạn bị ràng buộc với hắn, và các công cụ của hắn để bạn sẽ làm theo sự trói buộc của hắn.
Nhưng khi đề cập tới Laxarơ, Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 11:44: “Hãy mở cho người, và để người đi”.
ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN MỞ TRÓI CHO AI ĐÓ!
Ấy chẳng phải là nắm lấy một bài giảng hay, bài hát hay, hoặc gõ nơi cửa đâu!
MÀ LÀ NẮM LẤY ĐỨC THÁNH LINH. CHÚNG TA PHẢI CÓ SỰ XỨC DẦU.
II Côrinhtô 3:17: “…Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó”.
Chúng ta cần một sự tự do — ca hát, giảng đạo, làm chứng, v.v… Cho tới khi nào chúng ta nhận được sự tự do ấy, người ta sẽ chưa được cứu, chưa được đầy dẫy, chưa được chữa lành, và chưa được giải phóng.
Tôi e rằng chúng ta, sau khi bắt đầu sống theo Thánh Linh giờ đây đang nương vào cánh tay xác thịt (mọi khả năng riêng của mình).
Có một trường nam, ở đó mỗi sáng trước khi vào lớp, học sinh buộc phải đọc Bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Mỗi em được trao cho mảnh giấy để đọc: “Tôi tin Đức Chúa Trời là Cha Toàn Năng” và cứ thế mà đọc tới.
Một sáng kia, khi mọi việc cứ tiến triển suông sẻ, có một sự ngắt quảng và im lặng sâu sắc. Thế rồi một học sinh đứng lên nói: “Học sinh nào tin nơi Đức Thánh Linh không có mặt ở đây hôm nay”.
Thật là nhiều lần sự việc ấy đang xảy ra trong các buổi thờ phượng của nhà thờ chúng ta ngày nay.
Chúng ta đã thôi không còn tìm kiếm Đức Thánh Linh nữa.
TUY NHIÊN, SỰ VIỆC ẤY SẼ LÀM THAY ĐỔI TẤM LÒNG CỦA CHÚNG TA!
Mathiơ 25:1-2: “Khi ấy, nước thiên đàng sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể. Trong các nàng đó, có năm người dại và năm người khôn”.
A. NHỮNG NGƯỜI NỮ ĐỒNG TRINH
Họ trong trắng, thanh sạch, bổn tánh không tì vít, và không có gì xấu hổ.
Họ ưa thích sống trong tập thể nhơn đức. Chúng ta thấy có 10 người như thế trong một số nhà thờ của chúng ta ngày nay!
B. HỌ CÓ NHỮNG DỰ TÍNH RẤT CAO ĐẸP
Họ muốn nhìn thấy Chàng Rễ.
Chúng ta có nhiều người với những dự tính tốt đẹp, nhưng họ không hề dấn thân vào đó.
Những dự tính của họ đều rất tốt, nhưng họ rất mù quáng trước nhu cần thực sự của chính họ.
Khải huyền 3:15-18: “Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta. Vả, ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ. Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có; mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi khỏi lộ ra; lại mua thuốc xức mắt đặng thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thấy được. Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở trách sửa phạt; vậy hãy có lòng sốt sắng, và ăn năn đi”.
Họ chẳng có nhu cần về sự thờ phượng, hay về lối sống thánh khiết.
Họ không muốn trả giá.
Có phải bạn bị mù lòa trước nhu cần của mình không?
Mathiơ 25:3: “Người dại khi cầm đèn đi thì không đem dầu theo cùng mình”.
Mọi hy vọng của họ đều đặt nơi những ngọn đèn tuyên xưng của họ.
Họ sẽ chẳng đi đâu mà không có đèn của họ (loại áo thun có chữ Jêsus, sự nên thánh, v.v…), vì những ngọn đèn người ta có thể nhìn thấy được, còn dầu thì bị che khuất không nhìn thấy được.
Tuy nhiên, họ đã sống rất thế gian trong tấm lòng của họ (ngồi lê đôi mách, tranh cạnh, ghen tương, v.v…).
Họ là những bậc thầy, chớ không phải hạng người sở hữu những điều đó.
Họ chậm lụt, thiếu suy xét.
Bạn có thể có ngôi nhà riêng; nhưng nếu bạn xao lãng với nó, không bao lâu nữa nó sẽ bị bỏ và không dung chứa bạn nữa.
Mathiơ 25:5: “Vì chàng rể đến trễ, nên các nàng thảy đều buồn ngủ và ngủ gục”.
Sau khi họ xao lãng, họ rơi vào chỗ dửng dưng.
Sau khi bạn xao lãng đối với cái gì đó, bạn sẽ có thái độ: “Nào, chắc phải bỏ đi thôi, hãy lo về một người mới” — đặc biệt là tuần lễ sau Lễ Giáng Sinh.
Mấy năm qua chẳng có ai để ý đến những hành động lớn lao của Đức Chúa Trời trong xứ, vì chúng ta đang say ngủ.
Trong sự rút lui đầy thảm họa của Napoleon và nước Pháp ra khỏi Moscow, nước Nga vào năm 1812.
Armand Caulaincourt, Công Tước xứ Vicenza, ông lo về Ngự lâm quân của Napoleon, đã mô tả thể nào những Ngự Lâm Quân nầy, đã bị cơn lạnh áp đảo, họ rã ngũ và nằm sóng soài trên tuyết, họ yếu đuối hay tê cóng quá đến nỗi không còn đứng được nữa.
Họ ngủ thiếp đi, họ đã chết mất. NGỦ LÀ CHẾT.
Ông kể lại thể nào ở một số cơ hội, ông đã tìm cách vực dậy những kẻ đã ngã dưới đất, cảnh cáo họ rằng họ sẽ chết mất; nhưng tình trạng uể oải do cơn lạnh đem đến rất mạnh mẽ không thể cưỡng lại được.
Trước mọi lời khẫn nài của ông, những binh sĩ uể oải kia đã bị điếc hết rồi. Những lời duy nhứt họ thốt ra là lời họ nài xin tình yêu thương của Đức Chúa Trời hãy tránh ra để cho họ ngủ.
Mathiơ 24:12: “Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần”.
CHỈ VÌ MỌI NGƯỜI KHÁC, VÀ TỪNG NHÀ THỜ KHÁC ĐANG SỐNG NHƯ THẾ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ ĐÚNG ĐẮN ĐÂU.
Vì nhà thờ đã bỏ đi việc rao giảng sự nên thánh mà tình cảm của chúng ta bị khuyết đi.
Chúng ta nói: “Nhà truyền đạo ơi, xin để chúng tôi yên, đừng giảng đề tài ấy nữa”.
Chúng ta cần cái chạm của sự xức dầu.
Ngày cả người khôn, họ đang sống trong mối nguy hiểm của sự say ngủ.
Mathiơ 25:6: “Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người!”
Lúc nửa đêm, khi giấc ngủ đang say nồng, và sự thức tỉnh gần như chẳng được hoan nghênh cho lắm.
Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ Ngài: “Cứ ngủ đi”, vì đã quá trễ không còn làm chi được nữa.
Có bao nhiêu cơ hội đã bị bỏ qua, vì chúng ta không được đầy dẫy Đức Thánh Linh?
Một ngày kia, quả là quá trễ không còn đầy dẫy được nữa.
Mathiơ 25:7: “Các nữ đồng trinh bèn thức dậy cả, sửa soạn đèn mình”.
Họ đã cất bỏ phần tim đèn đã từng được thắp sáng. Phần tim đèn sẽ không bắt lửa nữa.
Chúng ta cần phải cất bỏ di tích các kinh nghiệm trong quá khứ.
Êxêchiên 33:12, 18: “Hỡi con người, khá nói cùng con cái của dân ngươi rằng: Sự công bình của người công bình sẽ không cứu được nó trong ngày nó phạm tội, và sự dữ của kẻ dữ sẽ không làm cho nó sa ngã nơi ngày nó đã xây bỏ sự dữ ấy, cũng như người công bình sẽ không nhờ sự công bình đã qua rồi mà sống được nơi ngày mình phạm tội...Nếu người công bình xây bỏ sự công bình của mình mà phạm sự gian ác, thì nó sẽ chết trong đó”.
GIỜ ĐÂY, BẠN ĐANG Ở ĐÂU? Đàng trước hay đàng sau?
Thi thiên 139:23-24: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi; Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, Xin dắt tôi vào con đường đời đời”.
Trong ánh sáng của cõi đời đời, chẳng có thứ gì quá quí báu để nắm giữ mãi được.
Mathiơ 25:8-10: “Các người dại nói với các người khôn rằng: Xin bớt dầu của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt. Nhưng các người khôn trả lời rằng: Không, e chẳng đủ cho chúng tôi và các chị; thà các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua. Song trong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại”.
5 nữ đồng trinh dại đã chạy vào thành đổ mồ hôi, bực bội và thở phì phò.
Họ bận tìm kiếm dầu khi lẽ ra họ phải vui mừng.
Đấy là lý do tại sao ngồi lại cầu nguyện, đọc và nghiên cứu Kinh thánh là điều quan trọng.
HÃY BỎ ĐI TỘI LỖI VÀ TÍNH THỜ Ơ.
Nhiều nhà thờ đã trở thành một cộng đồng thịnh vượng. Chúng ta trông đợi nhà truyền đạo lo liệu mọi sự dinh dưỡng.
Chúng ta không thể cho người khác ăn nếu bản thân chúng ta đang đói kém.
Bao lâu bạn được cứu không phải là vấn đề. Bạn cần sự xức dầu của Đức Thánh Linh.
Phierơ — cái bóng đã chữa lành cho nhiều người.
Êlisê — bộ xương khô của ông đã làm cho một người lại sống.
Sự xức dầu của chúng ta có hiệu quả như thế nào?
Đây là thời điểm chúng ta phải thức tỉnh và nhìn thấy nhu cần một sự phấn hưng cho cá nhân.
Nếu chẳng có ai khác cần đến nó, chúng ta cần phải quyết định tìm kiếm sự phấn hưng ấy.
Vance Havner đã nói: “Hội thánh không bao giờ phình được cái ruột (những sinh hoạt) ra với một ít hơi ở trong đó. Mọi sự đều là hư không trừ phi Thánh Linh của Đấng Thánh ngự xuống. Thật là buồn khi phải nói, chúng ta dường như không biết rằng chúng ta chẳng có hơi hướm của Đức Thánh Linh. Nếu Ngài thôi không vận hành nữa, nhiều thuộc viên trong Hội thánh sẽ không hề biết được sự khác biệt. Giống như Samsôn, chúng ta sẽ không biết Ngài đã rời đi, nhưng chúng ta giữ việc “tự mình lắc lư” trong bộ môn thể dục mềm dẻo”.
TỐI NAY, CHÚA JÊSUS ĐANG PHÁN: “HÃY MỞ CHO “HỌ” VÀ ĐỂ CHO ‘HỌ’ ĐI”.
Phần kết luận: Charles Finney thuật lại vị trưởng lão nầy hỏi cụ già kia: “Làm sao ông có được ơn phước nầy?”
Ông cụ đáp: “Tôi thôi không nói dối với Đức Chúa Trời nữa. Mọi sự sống Cơ đốc của tôi, tôi đã từng giả vờ và cầu xin Đức Chúa Trời những thứ mà tôi không muốn có. Tôi cứ cầu nguyện, và thường không thành thật và thực sự nói dối với Đức Chúa Trời. Không bao lâu sau khi tôi suy nghĩ lại, tôi không nói điều tôi thực sự không muốn nói với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện, Đức Chúa Trời đã trả lời tôi, và Đức Thánh Linh ngự xuống, và tôi được đầy dẫy Đức Thánh Linh”.
Mục sư Jayme D. Carter.

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Lẽ mầu nhiệm và sứ mệnh của Lễ Giáng Sinh



Lẽ mầu nhiệm và sứ mệnh của Lễ Giáng Sinh
Nhân vật trọng tâm của Lễ Giáng Sinh không phải là một gã chăn chiên hay một thiên sứ hoặc một thầy bác sĩ hay Mary hoặc Giôsép hay Vua Hêrốt, mà là một Con Trẻ trong chuồng chiên và được nằm trong máng cỏ. Con Trẻ ấy là Đức Chúa Trời của ân điển lạ lùng; Ngài là Đức Chúa Trời của Lễ Giáng Sinh. Xoay quanh lễ Giáng Sinh là một lẽ mầu nhiều rất quan trọng. Và trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là một sứ điệp rất quan trọng.
Mục sư John Munro
Lẻ mầu nhiệm của Lễ Giáng Sinh
Chúa Jêsus không phải là Đức Chúa Trời ngự trong con người, cũng không phải là con người được tôn làm thần, mà là Người-Trời — sự kết hợp hai bổn tánh trong một thân vị (Giăng 1:14). Vào năm 451SC, Giáo Hội Nghị Chalcedon đã mô tả thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ Chúa chúng ta là “trọn vẹn cả thần tánh và nhân tánh, thực là Đức Chúa Trời và thực là Con Người”. Đây là lẽ mầu nhiệm của Lễ Giáng Sinh.
Vị Mục sư người xứ Tô cách Lan tên là James Stewart viết như sau: “Ngài là con người nhu mì nhất và thấp hèn nhất trong tất cả con trai loài người, tuy nhiên Ngài đã phán rằng Ngài sẽ ngự đến trên đám mây trong sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. …
Các tà linh và ma quỉ đã kêu la khủng khiếp nơi sự đến của Ngài, tuy nhiên Ngài rất ân cần, rạng rỡ, dễ gần gũi đến nỗi những đứa trẻ rất thích đùa vui với Ngài, và những đứa trẻ nhỏ muốn nép mình trong hai cánh tay của Ngài. … Không ai có được phân nửa sự tử tế hay thương xót như thế đối với hạng tội nhân, cũng không có ai từng phán ra những lời hoàn toàn nôn nả, nhói lòng như thế về tội lỗi. …
“Toàn bộ đời sống của Ngài là yêu thương, tuy nhiên trong một cơ hội Ngài hỏi người Pharisi làm sao họ mong tránh được sự rủa sả của Địa Ngục. … Ngài đã cứu nhiều người khác, thế mà đến cuối cùng, Ngài không cứu được mình. Chẳng có một điều gì trong lịch sử giống như sự kết hiệp những điều tương phản đối mặt với bạn trong các sách Tin Lành. Lẽ mầu nhiệm nói tới Chúa Jêsus là lẽ mầu nhiệm nói tới một Thân Vị”.
Chúa Jêsus là Người-Trời. Đây là lẽ mầu nhiệm của Lễ Giáng Sinh.
Từ cõi đời đời Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời; giờ đây nơi sự ra đời của Ngài, Ngài trở thành Con của Mary. Trong khi Ađam có một khởi đầu song chẳng có sự ra đời, còn Chúa chúng ta thì có sự ra đời, song không có khởi đầu.
Về phần xác, Chúa Jêsus đã phát triển bình thường như một con người (Luca 2:52). Ngài biết đói biết khát. Ngài biết ngủ và biết khóc. Ngài biết mệt mõi. Khi Ngài bị giáo đâm trên thập tự giá, huyết và nước tuôn ra từ Ngài. Về mặt tình cảm, Ngài thực sự là con người. Hãy xem những giọt nước mắt của Ngài, cái chạm của Ngài, sự dịu dàng của Ngài, lòng thương xót của Ngài, cơn giận dữ của Ngài, sự buồn rầu của Ngài, tình yêu thương của Ngài, ân điển của Ngài.
Tại sao nhân tánh của Đức Chúa Jêsus Christ lại quan trọng như thế chứ? Chúa Jêsus là Người-Trời đặc biệt có đủ tư cách để trở thành Đấng Trung Bảo trọn vẹn giữa Đức Chúa Trời và con người. Nếu Chúa Jêsus chỉ là Đức Chúa Trời thôi mà không phải là con người, Ngài sẽ chẳng có một điểm nào để tiếp xúc với chúng ta. Nếu Chúa Jêsus chỉ là con người thôi mà không phải là Đức Chúa Trời, Ngài sẽ dự phần vào nhu cầu muốn được cứu rỗi như chúng ta. Nhưng chúng ta cần có ai đó sẽ biến đổi hoàn cảnh của con người, chớ không chỉ nói cho chúng ta biết về hoàn cảnh hay kinh nghiệm hoàn cảnh ấy.
Đức Chúa Jêsus Christ ra đời từ một người nữ và vì lẽ đó thực sự là một con người. Ngài được Đức Chúa Trời sanh hạ và vì lẽ đó tuyệt đối là vô tội. Khi Ngài chịu chết trên thập tự giá, Ngài không dự phần vào tội lỗi như một tội nhân, mà gánh lấy tội lỗi của chúng ta trong vai trò một Cứu Chúa. Ngài không hiệp với chúng ta khi chúng ta quì gối trong sự ăn năn, mà nhấc chúng ta lên khỏi hai đầu gối kia như một tội nhân đã được tha thứ. Đây là chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Hãy tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và Chúa của bạn. Hãy kính mến, phục vụ, vâng theo và thờ lạy Ngài.
SỨ MỆNH CỦA LỄ GIÁNG SINH
Đức Chúa Trời của mọi ân điển được đặt tên là “Jêsus” (Mathiơ 1:21). Nghe đến tên của một người thường phải suy nghĩ đến sự thành tựu chủ yếu của người ấy (nam hay nữ). Thí dụ, nói tới tên “Bill Gates” thì phải nghĩ tới máy tính và Microsoft. Nói tới tên “Einstein” thì phải nghĩ tới lý thuyết tương đối. Nói tới tên “Shakespeare” thì phải nghĩ tới văn chương. Nói tới tên “Churchill” thì phải nghĩ tới chức năng lãnh đạo trong chiến tranh. Nói tới tên “Manning” thì phải nghĩ tới bóng đá của nước Mỹ.
Điều gì thoạt đến trong trí của bạn khi nghe đến danh “Jêsus”? Đây là danh được đặt cho Người-Trời khi Ngài ra đời. Thiên sứ đã phán với Giôsép rằng Jêsus phải là tên của Ngài. Jêsus là hình thức Hylạp của tên Do thái “Yeshua” (Joshua). “Yeshua” có nghĩa là Đức Giêhôva cứu rỗi. Vì vậy mỗi lần Mary và Giôsép gọi “Jêsus”, sứ điệp đã được rao giảng về Đấng Cứu Thế, Đấng Giải Cứu, Đấng Cứu Tinh.
Sự thành tựu lớn lao nhất của Đấng Christ là gì? Ấy chẳng phải là các phép lạ của Ngài hay sự dạy thật trí tuệ của Ngài hoặc gương yêu thương của Ngài đâu. Sự thành tựu lớn lao nhất của Đức Chúa Trời của lễ Giáng Sinh là sự cứu rỗi. Tội lỗi là một thế lực rất mạnh mẽ trong đời sống của chúng ta và nó kềm giữ chúng ta trong sự phu tù. Kinh thánh mô tả những lần vật vã và thất bại của chúng ta về mặt thuộc linh với nhiều cách thức khác nhau.
Thí dụ, chúng ta bị bẫy giống như đang lọt vào đại dương bùn lầy vậy. Càng cựa quậy để thoát ra, chúng ta càng lún sâu hơn nữa. Chúng ta đang ở trong một hố sâu tối tăm, các bức tường của nó cao đến nỗi chúng ta không thể trèo ra được. Chúng ta đang ở trong chỗ bịnh tật kinh khiếp chẳng có phương chữa lành. Chúng ta đang ở trong một ngục tù mà chẳng có hy vọng nào được phóng thích cả. Chúng ta đang bị hư mất và không biết nơi nào phải đi. Đây là chỗ mà sứ mệnh lễ Giáng Sinh chiếu tỏa ra thật rực rỡ.
Chúa Jêsus là một tấm gương lớn được để lại cho chúng ta, nhưng gương của Ngài quá cao cho bất cứ ai trong chúng ta muốn giữ theo. Ngài là một giáo sư lớn, nhưng thực sự cho thấy là một giáo sư lớn như thế không thể cứu chúng ta được. Nếu chúng ta bị chìm đắm, bạn không cần ai đó hô to những chỉ dẫn từ bờ biển đâu. Bạn không cần một bài thuyết trình về môn bơi lội. Bạn cần ai đó đến chỗ nước sâu và cứu bạn.
Con của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus, đến với chúng ta trong chỗ phu tù, trong tình thế chẳng đặng đừng thật kinh khiếp và vô vọng của chúng ta, và giải cứu chúng ta. Sự chết của Ngài trên thập tự giá tỏ ra tình yêu cao sâu của Ngài trong việc cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi và trả giá cho sự giải cứu và ơn tha thứ của chúng ta. Chúa Jêsus là Đấng Cứu Tinh của Đức Chúa Trời — đây là chiến lược giải cứu của Đức Chúa Trời — Ngài sai Chúa Jêsus đến với Trần Gian để cứu chúng ta và đem chúng ta vào trong Thiên Đàng. Đây là Đức Chúa Trời của mọi ân điển, Ngài với xuống, xuống, xuống với bạn trong sứ mệnh của lễ Giáng Sinh.
Nhưng ơn cứu rỗi chỉ dành cho những ai nhìn nhận rằng họ đã thất bại, rằng họ là hạng tội nhân. Nếu chúng ta đã kiếm được ơn cứu rỗi cho bản thân mình, thì chẳng có lý do nào cho Đức Chúa Jêsus Christ đến với thế gian nầy và chịu chết trên thập tự giá mà chi. Chúng ta không được cứu bởi những gì chúng ta làm, mà bởi sự tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài đã làm hết mọi sự. Đấy là ý nghĩa của việc được cứu do chỉ bởi ân điển mà thôi, nhờ một mình đức tin vì cớ một mình Đấng Christ thôi. Và ân điển có nghĩa là ơn cứu rỗi được hiến cho chúng ta miễn phí.
Sứ mệnh của lễ Giáng Sinh là đem sự vui mừng đến cho chúng ta. Khi thiên sứ của Đức Giêhôva hiện ra cùng mấy gã chăn chiên, họ rất đỗi sợ hãi. Có lẽ mấy gã chăn chiên, nhận ra tình trạng tội lỗi của chính họ, đang trông mong một sứ điệp phán xét, về số phận. Song sứ điệp là: “Đừng sợ chi”.
Có người nghĩ họ bị định phải sống trong đời sống buồn rầu, thất vọng, ngã lòng, sợ hãi và vô vọng. Họ sống trong nổi sợ nhiều người khác, về sự thất bại, về những điều người khác nghĩ; sợ về tương lai. Năm nay có lẽ là năm thất vọng sâu đậm và buồn rầu dành cho bạn, nhưng sự vui mừng lớn đã được hiến cho bạn trong dịp lễ Giáng Sinh nầy. Đức Chúa Trời muốn bạn phải có sự vui mừng lớn lao ấy.
Sứ điệp từ Cứu Chúa là Những Tin Tức Tốt Lành. Sứ điệp ấy đến cho muôn dân (Luca 2:10). Điều nầy kể cả bạn và tôi nữa đấy. Hãy nhận lấy sứ điệp ấy theo cách riêng đi. Đức Chúa Trời đang phán với bạn trong lễ Giáng Sinh nầy đấy.
Ngài đang nói với bạn: “Đừng sợ”. Vui mừng là nhận biết không chút sợ hãi. Đức Chúa Trời đang hiến cho bạn ơn cứu rỗi qua Chúa Jêsus, là Đấng Cứu Thế. Nhận biết Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của riêng mình sẽ đem sự vui mừng cả thể đến cho bạn, là thứ không một điều gì hay một ai khác trong đời nầy có thể cất đi được.
Giờ đây bạn hiểu rõ lý do tại sao Đức Chúa Jêsus Christ đã đến với trần gian nầy rồi, phải không? Có phải bạn hiểu rằng ơn cứu rỗi, sự vui mừng, ơn tha thứ tội lỗi và sự sống đời đời đến từ Đức Chúa Trời của lễ Giáng Sinh? Có phải bạn nhận biết rằng để được hòa lại với Đức Chúa Trời, bạn phải tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ theo cách riêng và tiếp nhận ơn tha thứ và ơn cứu rỗi không?
Sự nhơn đức, sự tử tế, nhà thờ, lai lịch, sự thành thật của bạn sẽ không kiếm được phương thức đến Thiên Đàng được đâu. Lễ Giáng Sinh đang nói cho chúng ta biết ơn cứu rỗi và sự tiếp nhận của Thiên Đàng không phải là phần thưởng cho lối sống nhơn đức ở trên Đất đâu. Bạn có thể là một người chuyên đi nhà thờ; có thể bạn sống rất tôn giáo; có thể bạn đang tin theo các giá trị của gia đình; có thể bạn đang có một cơ nghiệp Cơ đốc; có thể bạn đã chịu phép rửa tội; có thể bạn đã đi nhà thờ suốt cả cuộc đời mình; có thể bạn là một thuộc viên của nhà thờ; nhưng tách rời khỏi ân điển của Đức Chúa Trời bạn sẽ không bao giờ được vào Thiên Đàng đâu.
Bob Vernon, trước đây làm việc ở Sở Cảnh sát Los Angeles, thuật lại thể nào sở sẽ thử nghiệm loại áo chống đạn — và chứng tỏ cho các sĩ quan mới thấy giá trị của chúng — bằng cách khoác chúng lên các bức tượng thạch cao và rồi bắn hết loạt đạn nầy đến loạt đạn khác vào chúng. Khi ấy họ mới kiểm tra xem không biết có viên đạn nào xuyên thủng áo giáp hay không!?! Lúc nào cũng vậy, chiếc áo giáp sẽ qua thử nghiệm với kết quả mỹ mãn. Vernon khi ấy xây qua một sĩ quan mới rồi hỏi: “Sao nào, bây giờ ai muốn mặc áo giáp thay vì bức tượng thạch cao kia?”
Sự hiểu biết theo lý trí và đưa ra một sự cam kết cá nhân rất khác biệt nhau! Có thể bạn hiểu sứ mệnh của lễ Giáng Sinh theo lý trí. Nhưng bạn không bao giờ tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ theo cách riêng. Bạn biết về Đấng Christ, song bạn không nhìn biết Ngài? Bạn hiểu rõ trong đầu của mình, song có phải cái hiểu ấy đã chạm đến tấm lòng của bạn? Bạn có tôn giáo, nhưng có phải bạn có một mối quan hệ riêng tư sống động với Đức Chúa Jêsus Christ không? Lễ Giáng Sinh nầy, liệu bạn sẽ tiếp nhận ân ban cứu rỗi chứ? Đây là sứ mệnh của lễ Giáng Sinh.
John Munro là Mục sư quản nhiệm của Hội thánh Calvary ở Charlotte, N.C.

Suy Gẫm: Ngày 343


Buổi sáng
Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.
Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. --là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em. --Vì dưới đời nầy, chúng ta không có thành còn luôn mãi, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến.
Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy. --Hỡi anh em, vậy hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy nhịn nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi. -- Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, Thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu.
Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.
Hêbơrơ 11:16; Giăng 14:3; I Phierơ 1:4; Hêbơrơ 13:14; Công Vụ các Sứ đồ 1:11; Giacơ 5:7-8; Hêbơrơ 10:37; I Têsalônica 4:17-18
Buổi chiều
Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian.
Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu. Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi.
Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, … Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta.
Không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta.
Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta.
I Côrinhtô 1:28; 6:9-11; Êphêsô 2:1-3; Tít 3:5-6; Êsai 55:8

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Mác 15:22-32: "MỘT CHỖ ĐƯỢC GỌI LÀ GÔGÔTHA"



Mác 15:22-32
MỘT CHỖ ĐƯỢC GỌI LÀ GÔGÔTHA

Phần giới thiệu: Trước khi thế gian được dựng nên, Đức Chúa Trời đưa một chương trình đáng kinh ngạc vào hành động. Trước khi có mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao cùng những hành tinh được dựng nên; trước khi Đức Chúa Trời dựng nên con người theo ảnh tượng của Ngài; trước khi có sự sáng chiếu trên vũ trụ; Đức Chúa Trời đã quyết định sai Con Ngài đến chịu chết vì hạng tội nhân. Hãy lắng nghe một vài câu quí báu từ Lời của Đức Chúa Trời.
+ Khải huyền 13:8: “Hết thảy những dân sự trên đất đều thờ lạy nó, là những kẻ không có tên ghi trong sách sự sống của Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế”.
+ Êphêsô 1:4: “trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời”.
+ Tít 1:2: “trông cậy sự sống đời đời, là sự sống mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ muôn đời về trước”.
+ I Phierơ 1:19-20: “bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít, đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em”.
Tôi biết chúng ta có một thời gian khó nhọc khi muốn nắm bắt các lẽ thật đó, song kỳ thực là, nếu bạn đã được cứu, bạn đã có mặt trên bảng lòng của Đức Chúa Trời từ lâu lắm rồi. Đức Chúa Trời đã quyết định rằng Ngài sẽ cứu bạn trong Đức Chúa Jêsus Christ, trước khi Ngài dựng nên thế gian. Khi ấy, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài vào trong thế gian để chịu chết trên thập tự giá hầu cho bạn được cứu. Những gì Đức Chúa Trời đã hình thành trong cõi đời đời đều đã ứng nghiệm đúng kỳ! Hãy lắng nghe một lần nữa I Phierơ 1:20: “đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em”.
Từng giây phút trong đời sống của Chúa chúng ta, từ khi Ngài còn ở trong thai cho đến khi Ngài bị bắt, bị xét xử, đều đã được ấn định để dẫn Ngài tới chính giây phút mà chúng ta nghiên cứu hôm nay. Theo một ý nghĩa rất thực, Đức Chúa Jêsus Christ đã chào đời để chịu chết. Ngài đã đến trong thế gian nầy để Ngài có thể phó mạng sống Ngài làm giá chuộc cho dân sự Ngài, hầu cho họ sẽ được cứu cho đến đời đời, Mathiơ 1:21; Mác 10:45.
Hôm nay, chúng ta sẽ đi theo Cứu Chúa của chúng ta đến đồi Gôgôtha. Chúng ta sẽ quan sát khi Ngài chịu thương khó vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta hãy bước theo Ngài với ý định tham khảo Một Nơi Được Gọi Là Gôgôtha. Ở Mác 15:22, Kinh thánh chép: “Họ đem Đức Chúa Jêsus đến nơi kia, gọi là Gô-gô-tha...”. Đây là một nơi rất kinh khiếp, song rất vinh hiển có trong sự chú ý của tôi hôm nay.
Tôi muốn bạn nhìn thấy vài sự thực về Một Nơi Được Gọi Là Gôgôtha hôm nay. Tôi nguyện rằng chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa Jêsus khi Ngài bằng lòng phó mạng sống Ngài để chuộc lấy chúng ta ra khỏi tội lỗi của chúng ta. Tôi nguyện rằng hạng tội nhân hư mất sẽ nhìn thấy nhu cần của mình về một Đấng Cứu Thế. Tôi cũng nguyện rằng từng thánh đồ của Đức Chúa Trời thực sự đã được chuộc sẽ nhớ đến cái giá khủng khiếp mà Ngài đã trả cho chúng ta và chúng ta sẽ rơi vào tình yêu với Chúa Jêsus một lần nữa. Bởi sự vùa giúp của Đức Chúa Trời, tôi muốn rao giảng về Một Nơi Được Gọi Là Gôgôtha.
I. ĐÂY LÀ MỘT NƠI CỦA SỰ LỰA CHỌN (các câu 22-23)
+ Khi mấy tên lính đến tại đồi Gôgôtha với Chúa Jêsus, họ cho Ngài uống “rượu hòa với một dược”. Đây là một hỗn hợp gây mê. Hỗn hợp nầy không được định làm sự yên ủi cho kẻ bị xét đoán; nó được định để cho sự thuận tiện của mấy tên lính. Họ không lo nhiều về Chúa Jêsus cũng những kẻ bị xét đoán khác đã chịu khổ. Mấy tên lính cho họ uống vì hỗn hợp ấy giữ các tù phạm không vùng vẫy khi họ bị đóng đinh trên cây thập tự. Họ đã làm thế vì hỗn hợp ấy làm cho công việc họ được dễ dàng hơn. Các tù phạm bị mê mẫn không còn cựa quậy gì với mấy tên lính nữa. Họ không lăn lộn và gào thét chống lại cơn đau khi bị đóng đinh trên thập tự giá nhiều như những kẻ trước tiên không bị gây mê.
+ Khi Chúa Jêsus bị buộc phải uống thứ gây mê đó, Ngài đã từ chối. Tại sao Ngài lại từ chối chứ? Chúa Jêsus đã đến với thế gian nầy để chịu chết cho tội lỗi, Giăng 18:37. Ngài đã đến để uống cho hết cáu cặn trong cái chén thạnh nộ của Cha Ngài, Mác 14:36; Êsai 51:17. Ngài đã đến để chịu chết cho người vô tội, I Phierơ 3:18; II Côrinhtô 5:21.
Thực sự chẳng có một sự lựa chọn nào cho Chúa Jêsus trong ngày ấy. Ngài có mặt ở đó để hoàn tất chương trình cứu chuộc của Cha Ngài. Ngài có mặt ở đó để biến Tin Lành ân điển ra hiện thực. Ngài có mặt ở đó để mở ra cánh cửa cứu rỗi rồi mở rộng nó ra hầu cho hết thảy những ai chịu đến với Chúa Jêsus có thể đến và được cứu!
+ Chúa Jêsus muốn thực hiện những điều Ngài sắp sửa làm với một lý trí tỉnh táo. Chúa Jêsus bằng lòng gánh chịu mọi thương khó về phần xác, về lý trí, về thuộc linh và về tình cảm của thập tự giá, mà không cần bất cứ một sự giảm thiểu nào hết. Ngài ao ước gánh chịu trọn lượng án phạt mà tôi đáng phải chịu. Ngài đã chịu thế vì tôi và tôi ngợi khen Ngài vì sự ấy.
+ Chúa Jêsus cũng đã thực hiện những điều Ngài đã chịu để làm ứng nghiệm lời tiên tri từ ngàn xưa. Êsai 53:7-8: “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. Bởi sự ức hiếp, và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt?”
Mấy tên lính không phải buộc Chúa Jêsus trên cây thập tự ấy. Họ không phải kềm giữ Ngài khi họ đóng những mũi đinh vào hai tay và hai chơn của Ngài. Họ không phải chịu đựng những lời rủa sả và gào thét của Ngài khi họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Không, như tác giả bài hát ghi nhận: “Ngài chịu thế cả thảy vì Ngài yêu tôi!”
I. Đây là một nơi của sự lựa chọn
II. ĐÂY LÀ MỘT NƠI ĐÓNG ĐINH TRÊN THẬP TỰ GIÁ (các câu 24-28)
+ Kinh thánh là một quyển sách thật lạ lùng. Tất cả bốn trước giả Tin Lành đều viết về sự Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, song bản thân biến cố thì không hề được mô tả. Những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử con người được mô tả sơ sài bằng câu nói: “họ đóng đinh Ngài trên thập tự giá”. Ngày Đức Chúa Trời giương cao ngọn cờ thánh nói tới tình yêu đời đời dành cho hạng tội nhân bị co lại thành một câu chỉ có từng ấy chữ. (4 chữ theo bản Kinh thánh Anh ngữ)
Kinh thánh không cung ứng cho chúng ta biết nhiều qua cách thức mô tả, nhưng Kinh thánh khiến cho chúng ta nhìn biết rằng sự đóng đinh Chúa Jêsus trên cây thập tự ở đồi Gôgôtha là một biến cố rất quan trọng. Thật vậy, thập tự giá là trọng tâm của toàn bộ lịch sử. Ngày mà Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá là ngày mà tội lỗi và Satan bị đánh bại cho đến đời đời đối với tất cả những người nào tin.
+ Sự Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá là một biến cố đáng có cho cái nhìn kỷ càng hơn. Sự đóng đinh Đức Chúa Jêsus Christ trên thập tự giá là một biến cố sẽ bắt lấy tấm lòng của người được chuộc. Sự ấy sẽ đầy dẫy chúng ta với sự khen ngợi và thờ lạy. Đó là một biến cố sẽ khiến cho tội nhân bị hư mất phải dừng lại rồi nhìn lên trời với sự kinh ngạc và đức tin hướng tới một Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương tội nhân bị hư mất để cho Con Ngài phải chịu chết trong một tư thế như vậy.
Frederick Farrar, trong quyển sách do ông viết có đề tựa The Life Of Christ (Cuộc Đời Của Đấng Christ), mô tả sự Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá theo cách nầy:
Chết bởi sự đóng đinh trên thập tự giá dường như bao gồm hết mọi nổi đau đớn và cái chết rất là khủng khiếp và rùng rợn – hoa mắt, vọp bẻ, khát, đói, tình trạng mất ngủ, sốt cao, xấu hổ, xấu hổ công khai, chịu đựng khổ hình lâu dài, kinh khiếp, các vết thương dẫn tới cái chết – tất cả sẽ dẫn tới điểm mà tai đó họ phải chịu đựng, nhưng tất cả chỉ dừng lại tại điểm mà người bị hành quyết không còn cảm biết gì nữa hết.
Tình trạng không tự nhiên làm cho từng phút thêm phần đau đớn; các mạch máu bị rách toạt và các sợi gân bị chằng ra rất là đau đớn; các vết thương, bị viêm loét do bị bày ra, dần dần hoại đi [khi nạn nhân phải mất vài ngày mới gục chết]; các động mạch – đặc biệt ở đầu và bao tử – bị phình ra và bị máu dồn ép, và trong khi từng nổi đau cứ tiếp tục tăng lên từ từ, lại còn có một cơn khát nước dữ dội lắm, và tất cả những sự chịu đựng theo phần xác nầy đã gây ra một sự kích thích và lo sợ ở bên trong, nó tạo ra viễn cảnh về chính sự chết – về sự chết, là kẻ thù vô danh, với sự đến gần của nó, con người thường phải rùng mình – mang tới phương diện giải thoát ngọt ngào và tốt đẹp.
Có một việc rất rõ ràng. Những cuộc hành quyết trong thế kỷ đầu tiên không giống như những cuộc hành hình trong thời hiện đại, vì họ không tìm kiếm một cái chết không đau đớn, mau chóng cũng không thể hiện một lượng nghiêm chỉnh nào dành cho tội phạm. Ngược lại, họ đã tìm cách hành hình thật đau đớn hoàn toàn sỉ nhục người ấy. Và thật là quan trọng khi chúng ta hiểu rõ vấn đề nầy, vì nó giúp chúng ta nhìn biết sự thương khó trong cái chết của Đấng Christ.
+ Thủ tục đóng đinh trên thập tự giá có thể được tóm tắt như sau: Cây thập tự được đặt trên mặt đất và nạn nhân được đặt trên đó. Những cây đinh, (dài khoảng 7 inches và với đường kính 3/8 inch) được đóng ngay nơi cổ tay. Điểm đóng sẽ ngay vào động mạch, gây ra sốc đau đớn lan ra khắp hai cánh tay. Có thể họ đặt các mũi đinh giữa khúc xương để chẳng có một xương nào bị gãy.
Các nghiên cứu cho thấy rằng những mũi đinh có lẽ đâm thủng qua những xương nhỏ nơi cổ tay, một khi những mũi đinh xuyên qua lòng bàn tay sẽ không chịu nổi trọng lượng của cơ thể. Theo thuật ngữ đời xưa, cổ tay được coi là một phần của bàn tay.
Dựng đứng tại bối cảnh đóng đinh vào thập tự giá sẽ là vị trí thẳng, gọi là trụ, đứng cao khoảng 7 feet. Ở trung tâm những cây trụ đôi khi có một chỗ ngồi, gọi là ghế đá, góp phần ủng hộ cho nạn nhân. Cây thập tự khi ấy được đỡ lên bên mấy cây trụ. Hai chơn lúc đó đã bị đóng đinh vào cây trụ. Để đóng đinh như thế, hai đầu gối phải khụm lại, ở tư thế rất khó chịu.
Khi thập tự giá được dựng thẳng lên, có lực căng nơi hai cổ tay, hai cánh tay và hai vai, kết quả trong sự lật khớp nơi vai và gân khuỷu tay. Hai cánh tay, ở vào tư thế khiến cho nạn nhân rất khó thở, và không thể hít không khí trọn được cho một lần thở. Nạn nhân chỉ có nước thở hắt mà thôi. (Điều nầy có thể giải thích lý do tại sao Chúa Jêsus đưa ra những câu nói ngắn khi ở trên thập tự giá). Khi thời gian trôi qua, các bắp thịt, từ chỗ bị mất máu, thiếu oxygen và tư thế phức tạp của cơ thể, sẽ rơi vào tình trạng vọp bẻ trầm trọng và co giật liên tục.
Đấy là một số những điều mà Chúa Jêsus đã gánh chịu khi cứu lấy hạng tội nhân. Bạn đã được cứu chưa? Nếu bạn đã được cứu rồi, hãy để cho thập tự giá cảm động bạn ở một tình trạng vâng phục cao độ và sự kính sợ dành cho Ngài. Nếu bạn chưa được cứu, ồ hỡi tội nhân, hãy đến với Ngài hôm nay và được cứu bởi ân điển Ngài.
+ Sự chết của Jêsus người Naxarét và hai tên cướp ngày ấy chỉ là công việc thường lệ đối với người Lamã. Sự chết của ba người Do thái không hề tạo ra một đốm sáng nào trên màn hình radar của Rome. Tôi muốn bạn nhìn biết rằng đang khi thế gian không nhìn thấy ý nghĩa của mọi điều xảy ra trong ngày ấy, sự chết của Đức Chúa Jêsus Christ đã tạo ra những tin tức trên Thiên Đàng!
Đức Chúa Cha đã chứng kiến cái chết của Đức Chúa Con, và Ngài đã thỏa lòng, Êsai 55:11. Án phạt của tội lỗi đã được trả cho đến đời đời và hạng tội nhân có thể được cứu. Sự đóng đinh Đức Chúa Jêsus Christ trên thập tự giá đã mở ra một con đường đến với Đức Chúa Trời, con đường ấy sẽ không bao giờ bị đóng lại. Giờ đây, tất cả những ai chịu đến với Ngài bởi đức tin, tin cậy sự chết trên thập tự giá và sự sống lại từ kẻ chết của Ngài là hy vọng được cứu duy nhứt của họ, sẽ được cứu cho đến đời đời bởi ân điển của Đức Chúa Trời. (Minh họa: Rôma 10:9; 13). Đấy là những gì Ngài đã thực hiện để chuộc lấy chúng ta ra khỏi tội lỗi!
I. Đây là một nơi của sự lựa chọn
II. Đây là một nơi đóng đinh trên thập tự giá
III. ĐÂY LÀ MỘT NƠI RẤT ĐỘC ÁC (các câu 24, 29-32)
(Minh họa: Con người thích nghĩ rằng con người về mặt cơ bản là rất tốt. Sự thực thì khác xa lắm! Con người, trong thể trạng tự nhiên, hoàn toàn bị vấy bẩn rồi, là hư hoại tuyệt đối. Bị để lại đó, con người sẽ luôn luôn chọn con đường hướng hạ, con đường gian ác. Đấy là sự dạy của Êphêsô 2:1-3 và Rôma 3:10-23. Chẳng có điều tốt lành nào nơi con người cả. Con người bị ô uế trong vô vọng và rất là gian ác. Con người không thể làm lành, và họ không thể đổi được chính tấm lòng của mình. Thực vậy, họ chẳng có ước muốn thay đổi nữa là.
Chiều sâu tình trạng băng hoại xấu xí của con người đã thể hiện rõ nét trong ngày ấy tại đồi Gôgôtha. Con người đã đến mặt đối mặt với Đấng Tạo Hóa của mình. Con người không sấp mình xuống trước mặt Ngài. Con người không chịu thờ lạy Ngài. Con người không tôn cao Ngài. Khi con người đến mặt đối mặt với Đấng Tạo Hóa trên đồi Gôgôtha, con người đã giết Đức Chúa Trời mình.
Đúng như thế! Có nhiều người tại đồi Gôgôtha ngày ấy là hạng người rất khuôn phép, bởi các tiêu chuẩn của người khác. Họ sống nhơn đức với người lân cận của họ. Họ đã trả các món nợ của họ. Họ sống đời sống của họ và dấy lên nhiều gia đình của họ. Có nhiều người nhìn xem họ và sẽ gọi họ là nhơn đức. Hạng người được gọi là “nhơn đức” đó đã giết Đức Chúa Trời khi họ được cung ứng cho cơ hội! Hãy lưu ý thể nào sự độc ác của con người đã được tỏ ra tại một nơi được gọi là Gôgôtha).
+ Sự độc ác tỏ ra qua mấy tên lính, câu 24 – Sau khi mấy tên lính đã đóng đinh Chúa Jêsus vào cây thập tự, họ ngồi xuống nơi chơn Ngài rồi bắt thăm chỉ để lấy của cải duy nhứt mà Ngài đã có trên thế gian nầy, chính cái áo nơi lưng của Ngài. Điều nầy đã được thực hiện để làm ứng nghiệm lời tiên tri đời xưa, Thi thiên 22:18.
Mọi hành vi của những người nầy thể nào cũng tỏ ra tấm lòng chai cứng và gian ác ấy. Mấy tên lính cứng lòng nầy đã xây một con mắt mù và một lỗ tai điếc trước nổi thống khổ của Chúa Jêsus trong ngày ấy. Chẳng có một chút thương xót nào dành cho Đức Chúa Jêsus Christ ngày ấy tại đồi Gôgôtha!
+ Sự độc ác bày ra bởi đám dân đông đi ngang qua đó, các câu 29-30 – Khi Chúa Jêsus bị treo trên cây thập tự tại đồi Gôgôtha, có một đám đông tụ tập lại để xem Ngài và hai người kia chịu chết. Cụm từ “những kẻ đi ngang qua đó” nằm trong một thì động từ cho thấy “họ cứ đi qua đi lại”. Nói khác đi, chẳng có ngơi nghỉ trong hành động. Hết người nầy tới người kia, người ta cứ qua lại bên thập tự giá của Chúa Jêsus.
Khi họ đi như thế, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng họ “lắc đầu”. Trong xã hội thời ấy, đây là một dấu hiệu khinh dễ và nhạo báng. Số người nầy đã thù ghét Chúa Jêsus và muốn Ngài phải chết!
Kinh thánh cũng cho chúng ta biết rằng họ “mắng nhiếc Ngài”. Cụm từ “mắng nhiếc” có ý nói “phạm thượng”. Họ đã lặp đi lặp lại những lời kết án giả dối gán nơi Chúa Jêsus bởi các cấp lãnh đạo người Do thái. Họ đã chế nhạo lời xưng nhận của Ngài cho rằng Ngài sẽ sống lại từ kẻ chết, câu 29b. Họ chế nhạo lời xưng nhận của Ngài là Cứu Chúa của thế gian, câu 30. (Minh họa: Luca19:10; Mác 10:45).
Những người đi ngang qua đó bên cạnh Chúa Jêsus ngày ấy chẳng màng đến những thương khó của Ngài. Họ chẳng màng Ngài đã chịu khổ hình cay đắng. Họ chẳng màng Ngài sắp sửa gục chết. Mọi sự họ quan tâm đến là nhiếc móc Ngài khi Ngài chịu chết. Đấy là hành động của con người! Đấy là những gì hạng người không có Đức Chúa Jêsus Christ thực sự giống với. Đây cũng chính là tinh thần khiến cho dân chúng đến đứng bên lề rồi gọi một người muốn tự tử hãy nhảy xuống khỏi tòa cao ốc đi. Họ có khả năng đưa ra những hành vi đồi bại nhất có thể tưởng tượng được! (Minh họa: Đâu cần nhìn xa hơn, Nước Đức phát xít và cuộc diệt chủng; tội diệt chủng tại Sudan; sự độc ác của thiên kiến; v.v…).
+ Sự độc ác tỏ ra bởi các thầy tế lễ, các câu 31-32 – Giữa vòng đám đông người tụ tập lại ở đó ngày ấy là chính hạng người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Jêsus ở chỗ thứ nhứt; các thầy tế lễ cả và mấy thầy thông giáo. Giờ đây, hãy in hình ảnh ấy trong trí bạn. Chúa Jêsus đã bị đóng đinh vào thập tự giá và Ngài đã gục chết. Hai người kia cũng bị đóng đinh vào cây thập tự và bị treo ở đó trong sự xấu hổ và đau đớn công khai.
Nếu có bất kỳ một nhóm người nào trong thành Jerusalem, họ bị tình yêu, lòng thương xót, và mối quan tâm tin kính tác động, thì lẽ ra phải là số người nầy. Thế nhưng, họ chỉ đi qua đi lại bên thập tự giá. Họ không cầu nguyện. Họ không đưa ra lời lẽ yên ủi và khích lệ. Họ không đưa ra những lời lẽ thương cảm hay xin lỗi.
Khi số người nầy đi qua đi lại bên cạnh thập tự giá, họ “nhiếc móc” Chúa Jêsus. Từ ngữ ấy có ý nghĩa “đùa giỡn với ai đó”. Nói khác đi, họ đang chơi một trò: đi qua đi lại rồi chế nhạo Chúa Jêsus khi Ngài gục chết. Họ đã nhạo báng Ngài là Cứu Chúa, câu 31. Họ xưng rằng Ngài không có khả năng để cứu nhiều người khác.
Cái điều mà họ không biết, ấy là Chúa Jêsus đã ở trên cây thập tự, không phải vì Ngài không thể xuống được. Chúa Jêsus ở trên cây thập tự vì Ngài không xuống khỏi đó. Ngài có thể dễ dàng tự cứu lấy mình trong ngày ấy. Chúa Jêsus đã ở trên cây thập tự hầu cho Ngài có thể cứu dân sự Ngài ra khỏi tội lỗi của họ!
Thế thì, họ có sự táo tợn khi mắng nhiếc Chúa Jêsus, thậm chí khi Ngài đang gục chết. Họ chế nhạo Ngài xưng mình là Vua của Israel. Họ nói rằng nếu Ngài xuống khỏi thập tự giá, họ sẽ tin. Kỳ thực, Chúa Jêsus chẳng làm gì trong ngày ấy sẽ dẫn họ đến chỗ có đức tin. Họ sẽ không tin Chúa Jêsus dù cho có chuyện gì đi nữa! Họ đã bị phó hoàn toàn cho tội lỗi của họ!
Số người nầy là minh chứng rành rành cho thấy chỉ tôn giáo thôi không có quyền biến hạng người gian ác ra thánh cho được. Tôn giáo của họ không nhập vào tận tấm lòng của họ được. Họ biết về Đức Chúa Trời, nhưng họ không nhìn biết Đức Chúa Trời. Họ sống rất tôn giáo, nhưng họ bị hư mất. Hạng người tôn giáo bị hư mất có mặt giữa hạng người đồi bại nhất mà bạn sẽ từng gặp gỡ. Tại sao chứ? Họ “có hình thức tin kính, song họ chối bỏ quyền phép ấy”. Điều đó khiến cho họ có khả năng xưng công bình những xúc phạm ghê khiếp nhất theo danh xưng của tôn giáo họ!
+ Sự độc ác tỏ ra bởi những người bị xét đoán khác, câu 32 – Ngày ấy tại đồi Gôgôtha, ngay cả hai tên kia, khi sắp chết còn thả ra sự thù hận và căm ghét của họ đối với Đức Chúa Jêsus Christ. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng họ đã “nhiếc móc” Ngài. Cụm từ nầy có ý tưởng “tìm lỗi”. Từ ấy cũng có nghĩa là “lấy ác báo thiện”.
Hai người sắp chết nầy đã chứng minh rằng họ chẳng khác gì hơn hạng tội nhân gian ác khi họ nhạo báng Cứu Chúa sắp gục chết trên thập tự giá. Họ đang tỏ ra bản chất của Ađam ngay cả khi họ gục chết. Tất nhiên, Luca nói cho chúng ta biết một trong hai người nầy đã đến với đức tin. Đức Chúa Trời đã mở mắt người và người đã xây sang Chúa Jêsus rồi cầu xin được cứu rỗi, và Chúa đã cứu linh hồn của người nầy trong ngày ấy, Luca 23:39-43.
Nơi người ấy, chúng ta nhìn thấy phương thức cứu rỗi. Ấy chẳng phải bởi việc làm. Ấy chẳng phải bởi các việc làm tôn giáo. Ấy chẳng phải bởi sống nhơn đức. Mà chỉ bởi đức tin nơi Chúa Jêsus và công tác đã hoàn tất của Ngài trên cây thập tự. Sự cứu rỗi xảy ra khi một tội nhân hư mất đặt đức tin mình nơi Tin lành ân điển, I Côrinhtô 15:3-4.
+ Tôi không có thời gian để trụ lại ở tư tưởng nầy, vì vậy tôi chỉ nhắc tới tư tưởng ấy hôm nay. Bạn đã được trình bày cho biết về Gôgôtha! Có người ở đó rất giống như bạn.
+ Có thể bạn trông giống như mấy tên lính kia, chẳng nghĩ đến ai trừ ra chính mình. Hãy lấy mọi thứ bạn có thể vì bạn nghĩ cuộc sống mọi sự quy về cho bạn.
+ Có thể bạn giống như đám dân đông ấy, hư mất và sống không có Đức Chúa Trời, chỉ xây một con mắt mù và một lỗ tai điếc vào Đấng duy nhứt có thể cứu lấy bạn. Bạn nhiếc móc ơn cứu rỗi và sự tái sanh. Bạn nghĩ cứu rỗi chỉ là một trò đùa.
+ Có thể bạn sống giống như các thầy tế lễ cả và mấy thầy thông giáo. Bạn sống rất tôn giáo, song bạn bị hư mất. Bạn biết nhiều về Đức Chúa Trời, nhưng bạn không nhìn biết Đức Chúa Trời. Bạn là một người nhơn đức, đạo đức lắm. Bạn là một thuộc viên của nhà thờ. Bạn là một người láng giềng tốt bụng. Bạn không uống rượu hay rủa sả. Tuy nhiên, bạn chưa hề sấp mình xuống trước mặt Chúa Jêsus rồi kêu cầu Ngài để được cứu rỗi. Cho tới chừng nào bạn làm việc ấy, bạn đang bị hư mất ở trong tội lỗi của mình!
+ Có thể bạn sống giống như hai tên cướp nọ; đang hấp hối nhưng rõ ràng có Cứu Chúa đứng kề bên, sẵn sàng để cứu. Hãy nhìn xem Ngài hôm nay, rồi giống như tên cướp biết ăn năn kia, kêu cầu Chúa Jêsus thì Ngài sẽ cứu lấy linh hồn bạn và bảo đảm cõi đời đời của bạn. Ngài sẽ cứu bạn ra khỏi Địa Ngục và ban cho bạn một quê hương ở Thiên đàng!
+ Bạn có mặt ở đó trong ngày Chúa Jêsus chịu chết. Một là bạn ở trong Ngài khi Ngài gục chết, hay bạn là một trong những kẻ đã nhiếc móc Ngài khi Ngài gục chết! (Minh họa: Rôma 6:6; Galati 2:20).

Phần kết luận: Các biến cố tại đồi Gôgôtha ngày ấy có ý nghĩa gì đối với bạn? Bạn có thể quay nhìn lại khi Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá ấy và vui mừng nơi lẽ thật Ngài chịu chết vi tội lỗi của bạn không? Hoặc, có phải bạn quay nhìn lại ngày ấy rồi nói: “Sao chứ? Đấy là một câu chuyện hay, nhưng tôi không thấy câu chuyện ấy tác động nơi tôi chút nào”.
Các biến cố đã xảy ra trong ngày ấy tại Một Nơi Được Gọi Là Gôgôtha, một là bạn được cứu hoặc bạn sẽ bị rủa sả, đều nương vào những gì bạn xử lý với chúng. Nếu bạn tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của bạn, đồi Gôgôtha trở thành sự cứu rỗi của bạn. Nếu bạn từ chối không tin Chúa Jêsus, chọn lấy tội lỗi, con đường riêng và ý riêng của mình hơn là ý Ngài, thế thì đồi Gôgôtha trở thành sự rủa sả của bạn đấy.
Thập tự giá ở đồi Gôgôtha là lằn ranh phân biệt của con người! Ở bên nầy là người được chuộc; những người đã tin cậy Chúa Jêsus và được cứu bởi ân điển. Đám đông ấy sẽ lên Thiên Đàng.
Ở bên kia là những người từ chối không sấp mình xuống trước mặt Ngài. Đây là đám đông hướng tới Địa Ngục. Họ bị hư mất!
Nếu bạn ở bên người được chuộc, bạn nên vui mừng vì Đức Chúa Trời đã giàu ơn đối với bạn, kêu gọi bạn ra khỏi tội lỗi và cứu lấy bạn bởi ân điển Ngài.
Nếu bạn bị hư mất, bạn nên ấp ủ tiếng gọi của Ngài và hãy đến với Chúa Jêsus ngay hôm nay đi. Ngài sẽ cứu lấy bạn, nếu bạn chịu đến với Ngài! Thay đổi bên chẳng có gì là quá trễ đâu!

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Chương bị bỏ quên trong câu chuyện Giáng Sinh & Những người đàn bà trong cây gia đình của Chúa Jêsus



Chương bị bỏ quên trong câu chuyện Giáng Sinh & Những người đàn bà trong cây gia đình của Chúa Jêsus
Mục sư Ray Pritchard
Mathiơ 1:1-16
Bạn có thể nhớ lại cụm từ nầy: "Chương bị bỏ quên trong câu chuyện Giáng Sinh". Đây là bảng gia phổ – một danh sách các tên tuổi, đa số các tên ấy rất khó phát âm. Vì cớ đó, đây là một phân đoạn Kinh thánh mà chúng ta có khuynh hướng chỉ xem qua loa mà thôi. Chúng ta không biết phải làm gì với phân đoạn ấy. Phân đoạn nầy thường không được đọc ở chỗ đông người. Vì thế, chúng ta thường không đọc theo cách riêng tư trừ phi chúng ta đi theo chương trình "đọc Kinh thánh cả năm". Khó có ai thuộc lòng phân đoạn nầy, và theo sự hiểu biết của tôi, phân đoạn nầy khó mà phổ nhạc lắm.
Đấy chỉ là một danh sách dài những tên tuổi khởi sự với Ápraham, tới David rồi kết thúc với Chúa Jêsus. Ở giữa những tên tuổi ấy, chúng ta nhận ra – Giacốp, Salômôn, Giôsaphát – và nhiều người mà chúng ta chưa hề nghe nói tới – Hếprôn, Abiút và Axô.
Cấu trúc thật đơn giản: "Đây là người cha của…, là cha của…, v.v… ". Hết tên nầy đến tên khác, một danh sách nhiều thế hệ dân sự Hybálai từ tổ phụ của họ là Ápraham cho đến Đấng Mêsi, là Đức Chúa Jêsus Christ. Là lịch sử, bảng danh sách rất là hay, nhưng đối với hầu hết chúng ta, lịch sử ấy quả là xa lắc xa lơ.
Lịch sử ấy giống như câu chuyện kể về người kia được yêu cầu viết lại quyển điện thoại niên giám vậy. Phần tóm tắt của ông ta: "Sự cao trọng nhắm vào một số nhân vật thôi. Còn yếu kém thì nhiều lắm". Đấy là cách chúng ta cảm nhận khi chúng ta xem xét Mathiơ 1: "Sự cao trọng nhắm vào một số nhân vật thôi. Còn yếu kém thì nhiều lắm". Trừ phi bạn đạt tới chỗ nhận biết Cựu Ước. Nhưng dù như thế đi nữa, nó chẳng giúp được gì cho bạn vì một số tên tuổi ở Mathiơ 1 thì hoàn toàn chúng ta chẳng hề biết tới – đặc biệt những cái tên nằm ở mấy câu cuối cùng. Một khi hầu hết những người nầy đã sống trong thời kỳ quá lâu rồi, chúng ta chẳng biết gì về họ, trừ ra mấy cái tên của họ mà thôi.
Nếu bạn quen thuộc với bảng Kinh thánh King James, bạn nhớ ngay rằng chữ "sanh" được sử dụng thay vì cụm từ "cha của…". "Ápraham sanh Y sác, Ysác sanh Giacốp, Gia cốp sanh Giuđa", và cứ thế. Cái chữ kỳ lạ ấy đã làm dấy lên nhiều cách giải thích lạ lùng. Ngày kia, một cậu bé về nhà từ Trường Chúa Nhật kể lại bài học của mình. Khi mẹ nó hỏi nó đã tiếp thu được những gì, cậy bé đáp: "Con học tất cả những chữ "quên" trong Kinh thánh". "Con nói sao chứ?" "Mẹ biết không, Ápraham quên Ysác, Ysác quên Giacốp, và Giacốp quên Giuđa".
Người Do thái vốn yêu mến các bảng gia phổ
Trong tinh thần đó, chúng ta có thể gọi đây là "chương bị bỏ quên trong câu chuyện Giáng Sinh". Chúng ta cứ nắm lấy như thế khi bước vào một "câu chuyện thật hay". Nhưng người Do thái của thế kỷ đầu tiên sẽ hoàn toàn lấy làm lạ bởi thái độ của chúng ta. Đối với họ bảng gia phổ sẽ là một bối cảnh tuyệt đối quan trọng cho câu chuyện nói tới sự ra đời của Chúa Jêsus.
Người Do thái thường chú ý nhiều vào những thắc mắc về bảng gia phổ. Thí dụ, bất cứ khi nào đất được bán đi hay đoạn mãi, bản tường trình theo gia phổ được tham vấn để biết chắc rằng đất thuộc về chi phái nầy không được bán cho thành viên của chi phái khác – và làm thế sẽ hủy diệt sự nghiêm túc của những đường biên giới thuộc chi phái đời xưa. Bạn không thể đặt tiền xuống rồi để cho công việc chạy đâu. Bạn cũng phải minh chứng rằng các tổ phụ của bạn đã ra từ cùng một chi phái nữa kìa.
Gia phổ cũng cốt yếu trong việc quyết định chức năng thầy tế lễ. Luật pháp cho rằng thầy tế lễ phải xuất thân từ chi phái Lêvi. Gia phổ cũng giúp quyết định dòng dõi người kế tự ngai vàng. Gia phổ giúp giải thích lý do tại sao Exơra 2 và Nêhêmi 7 chứa những danh sách dài những người khác nhau trở về từ cuộc lưu đày. Khi người Do thái tự tái lập lại trong xứ Israel, cốt yếu là họ phải biết rõ dòng họ nào đã nắm giữ phần nào trong xứ về mặt lịch sử.
Nhưng chính nguyên tắc ấy được áp dụng trực tiếp trong câu chuyện Giáng Sinh. "Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ … Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ" (Luca 2:1, 3). Nói như thế có nghĩa là mỗi người phải trở về quê quán của tổ phụ mình – làng mạc mà gia đình của người xuất thân. Nhưng cách duy nhứt bạn có thể biết chắc về làng mạc của tổ phụ là nhìn biết gia phổ của mình.
Đâu là lý do tại sao Mary và Giôsép phải đi từ thành Naxarét đến thành Bếtlêhem vào tháng thứ chín thai nghén của nàng. Họ phải thực hiện chuyến hành trình lâu dài và đầy nguy hiểm vì thành Bếtlêhem là thị trấn quê hương của tổ phụ Giôsép – một sự thực mà họ đã biết qua việc nghiên cứu gia phổ của họ.
I. Tại sao phân đoạn nầy là quan trọng hôm nay
Bạn có thể sẵn sàng chấp nhận mọi điều tôi đã nói mà vẫn lấy làm lạ không biết tại sao chúng ta phải nghiên cứu phân đoạn nầy. Mặc dù phân đoạn nầy là quan trọng trong 2.000 năm qua, nó có liên quan gì cho hôm nay không? Cho phép tôi đưa ra ba câu trả lời cho thắc mắc ấy.
A. Gia phổ lập Chúa Jêsus là một phần trong gia đình hoàng tộc của Vua David.
Chắc chắn đây là mục tiêu trọng tâm của Mathiơ 1:1-16. Đối với một độc giả Do thái có tánh hay phê phán, không một thắc mắc nào sẽ không nằm ở trọng tâm lý trí của ông ta. Đức Chúa Trời đã phán 1.000 năm trước đó, Đấng Mêsi phải xuất thân từ dòng dõi của Vua David (II Samuel 7). Trong thời của Đấng Christ, Chúa Jêsus không phải là người duy nhứt xưng mình là Đấng Mêsi. Nhiều người khác – những kẻ mạo danh – xưng mình là Đấng Mêsi của Israel. Làm sao người ta biết phải tin theo ai? Một câu trả lời: Hãy kiểm tra gia phổ của người ấy. Nếu người ấy không xuất thân từ dòng dõi của David, hãy quên lời xưng nhận đó đi. Người ấy không thể là Đấng Mêsi được.
Đấy là lý do tại sao Mathiơ 1 bắt đầu theo cách nầy: "Gia phổ Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham". David được liệt kê ra trước hết, mặc dù về niên đại Ápraham đã đến trước hết trong lịch sử. Tại sao? Vì vấn đề cụ thể không phải là: "Chúa Jêsus có phải là một người Do thái (con của Ápraham) không?" mà thay vì thế: "Có phải Ngài là dòng dõi trực tiếp của David không?" Để Chúa Jêsus xứng đáng là Đấng Mêsi, Ngài phải là dòng dõi theo phần xác của Vua David.
Chúng ta có thể nhìn thấy cùng một nguyên tắc đang tác động trong cuộc bàn bạc mới đây về Thái tử Charles và Công nương Diana. Tuần lễ nầy Điện Buckingham tuyên bố rằng họ đã phân rẻ – một khúc dạo đầu cho một cuộc ly dị khả thi. Ở bề mặt thảm họa riêng tư ấy, có một cơn khủng hoảng trầm trọng hơn về thể chế trong gia đình hoàng tộc. Vì quyền tể trị tối cao cũng là đầu của Hội thánh Anh quốc, không một người nào ly dị có thể ngự trên ngai vàng. Khi Nữ hoàng Elizabeth thoái vị, ai sẽ thế chỗ của bà ta? Thái tử Charles đang đứng ở kế đó, song nếu ông ly dị, ông không thể nắm lấy ngai vàng. Ai sẽ người kế tiếp? Bảng gia phổ đưa ra câu trả lời. Người con lớn nhất của Charles và Diana sẽ là người thứ nhì kế đó, người con thứ hai của họ sẽ là người thứ ba kế đó. Nhưng bản thân nền quân chủ đã bị thắc mắc trong cơn khủng hoảng nầy. Những người cai trị của Anh quốc phải xuất thân từ điện Windsor, và những người cai trị đó phải được quyết chắc bởi bảng gia phổ.
Cũng thực như thế cho Đức Chúa Jêsus Christ. "Quyền kế tự ngai vàng" của Ngài được quyết đoán bởi gia phổ của Ngài, là điều thiết lập quả thật Ngài là dòng dõi của Vua David, không một thắc mắc nào là khả thi nữa hết.
B. Gia phổ chứng tỏ rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã có gốc rễ về mặt lịch sử.
Galati 4:4 chép: "Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp". Cụm từ được in nghiêng có ý tưởng hoa quả được thu hoạch đúng thời điểm của mùa gặt. Nghĩa là, khi Đức Chúa Trời đã sửa soạn trọn vẹn từng chi tiết của lịch sử, Ngài sai Con Ngài vào trong thế gian. Những sử gia đều biết rõ kỳ được trọn vào thời điểm của Đấng Christ, có một sự trông mong rộng rãi "điều chi đó" sắp sửa xảy ra. Các tôn giáo giờ đây đã tuyệt chủng của Hylạp và Lamã đã trông mong rằng một đấng cứu tinh sẽ đến từ trời. Bản thân người Do thái đều biết rõ rằng Đấng Mêsi sẽ đến tùy theo những lời tiên tri. Người Batư đã nghiên cứu các từng trời và biết rõ thời điểm đã đến gần. Có một sự ao ước, một sự trông cậy, một sự khát khao, một cảm xúc sâu sắc đập liên hồi trong trái tim của nhân loại về một người phải xuất hiện, người nầy sẽ làm cho cục diện thế giới phải thay đổi.
Không, họ không trông mong Chúa Jêsus, nhưng sự khát khao vẫn có ở đó, không chối cãi được. Và trong thế giới đầy sự trông mong ấy, Đức Chúa Trời đã sai Con của Ngài đến. Và đúng kỳ. Đúng thời điểm.
Mathiơ 1 đang nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã có những gốc rễ. Ngài đã có một cây gia đình. Không những Ngài đã lìa bỏ thiên đàng, Ngài không xuất hiện như một phù thủy trên bối cảnh đâu, mà là đúng kỳ trọn vẹn của lịch sử, Chúa Jêsus đã ra đời tại thành Bếtlêhem.
Chúa Jêsus đã có một gia đình của con người. Ngài có một người mẹ, một người cha và một lịch sử. Ngài không phải là một nhân vật huyền thoại nào đó đâu – giống như các thần linh trên Núi Olympus. Không, Ngài là một con người thật chào đời trong một gia đình thật. Galati 4:4 dạy cho chúng ta mọi sự ở đàng sau đó cho thấy Đức Chúa Trời đang điều khiển toàn bộ tiến trình.
Kunta Kinte
Bạn có nhớ loạt phim nói tới gốc rễ trên truyền hình không? Đấy là câu chuyện nói tới Alex Haley, một người da đen, thể nào đã dành ra nhiều năm tháng để khám phá lịch sử gia đình mình. Mọi sự ông ta đã biết, ấy là gia đình của ông đều ra từ một nô lệ người châu Phi có tên là Kinte, người nầy đến trong nước Mỹ tại một địa điểm được gọi là "napolis". Ông cũng nhớ tới nhiều mẫu chuyện nói tới các bà dì và bà nội của ông thường kể cho ông nghe khi ông còn là một đứa trẻ. Với thông tin sơ sài ấy, ông đã bắt đầu kết câu chuyện lại với nhau. Trải qua nhiều thế hệ, một vài âm tiết trong ngôn ngữ gốc của người châu Phi đã được nhắc đi nhắc lại. Ông đi từ nhà ngôn ngữ nầy đến nhà ngôn ngữ khác, nhắc đi nhắc lại một vài âm tiết ấy, hỏi thăm cho biết các âm tiết ấy ra từ thổ ngữ nào. Dường như chẳng có ai biết hết, cho tới chừng một ngày kia, ông gặp một người nhận ra lời lẽ đó thuộc về một ngôn ngữ sắc tộc từ một xứ nhỏ miền Tây Phi ở Gambia. Sau khi nghiên cứu kỹ hơn, ông khám phá ra "napo-lis" chỉ ra Annapolis, Maryland, là điểm vào của hàng ngàn người nô lệ châu Phi. Khi ông đến khu vực ấy, ông tìm được danh Kinte trong bản tường trình của một gia tộc sở hữu nhiều nô lệ cách đó một thế kỷ rưỡi.
Thế rồi Alex Haley thực hiện chuyến đi đến Gambia. Ở đó, ông đến viếng hết bộ tộc nầy đến bộ tộc khác, lắng nghe những sử gia của bộ tộc thuật lại câu chuyện của họ. Đây là những cụ già, họ có ký ức hàng trăm năm về sự ra đời, sự chết, hôn nhân và chiến tranh. Một ngày nọ, ông đã ngồi nhiều giờ liền lắng nghe một người kể lại câu chuyện của bộ tộc ông ta. "Trước tiên là như vầy, như vầy. Ông đã kết hôn như thế nầy, như thế nầy. Họ có nhiều con cái và đã sống rất nhiều năm". Và cứ thế câu chuyện tiếp tục, câu chuyện nói tới một bộ tộc châu Phi trải qua nhiều thế kỷ. Thế rồi việc đã xảy ra: "Rồi kết hôn và cứ thế. Họ có một con trai. Trong một năm nó bị bắt đi và không còn gặp lại nữa". Còn tên của người con ấy? Kunta Kinte. Năm ấy là năm 1752. Alex Haley nói: "Tôi có những gì họ gọi là kinh nghiệm đỉnh cao". Đấy là một trong những giờ phút của khải tượng mà bạn có một hai lần trong đời. Ông nói: "Tôi đã nhận ra mình có gốc rễ. Tôi đã có lịch sử. Gia đình tôi đã xuất thân từ một nơi nào đó".
Đấy là những gì Mathiơ 1 đang dạy cho chúng ta biết. Chúa Jêsus đã có gốc rễ. Ngài đã có một lịch sử. Ngài có một gia đình. Ngài đã đến từ đâu đó.
C. Đây là biên niên sử nói tới ân điển của Đức Chúa Trời.
Nếu bạn nghiên cứu mấy tên tuổi nầy từng chi tiết, thì giống như thể Đức Chúa Trời đang kết nối mọi hình ảnh liên đới lại với nhau. Tôi đã nói rồi, chúng ta không biết về từng người trên bảng danh sách nầy. Nhưng về những người mà chúng ta biết rõ, gần như hết thảy họ đã có những thất bại về mặt đạo đức trên bảng tóm tắt thuộc linh của họ. Thí dụ, Ápraham đã nói dối về Sara vợ mình. Ysác cũng làm y như thế. Giacốp là một tay lừa đảo, còn Giuđa là một kẻ gian dâm. David là một kẻ tà dâm và Salômôn là một người đa thê. Manase là một vị vua gian ác nhất mà xứ Israel đã từng có. Và cứ thế khi chúng ta đọc tới.
Đây không phải là danh sách của các thánh đồ đáng khen. Không phải thế đâu. Có người chẳng phải là thánh chi cả. Người tốt nhứt trong số những người nầy có những thói xấu và có người xấu đến nỗi khó mà nhìn thấy những điểm tốt của họ.
Làm sao sự ấy tỏ ra ân điển của Đức Chúa Trời được chứ? Đơn giản thôi! Sự ấy tỏ ra ân điển của Đức Chúa Trời vì hạng người thể ấy đã dựng nên cây gia đình của Chúa Jêsus. Một kẻ giết người có ở trên danh sách, một kẻ tà dâm có trên danh sách, một kẻ gian dâm có trên danh sách, một kẻ nói dối có trên danh sách, một kẻ lừa đảo có trên danh sách. Hãy suy nghĩ về sự ấy xem. Phần lớn những người nầy đều là hạng tội nhân trầm trọng đấy.
II. Bốn người đàn bà bất thường
Điều nầy đưa tôi đến phần quan sát chính thứ hai của tôi về danh sách nầy: Ở đó có bốn người đàn bà. Bản thân gia phổ là bất thường vì khi người Do thái thực hiện bảng gia phổ, họ thường không kể phụ nữ vào trong danh sách. Họ chỉ lần theo cây gia đình từ người cha cho đến đứa con trai mà thôi. Nhưng Mathiơ 1 bao gồm bốn phụ nữ trong cây gia đình của Chúa Jêsus. Họ là Tama (3), Raháp (5), Rutơ (5), Bátsêba (6). Hết thảy họ đều là hạng người chẳng giống ai cả. Với ngoại lệ ở Rutơ, chẳng có một người nào có phẩm chất gương mẫu hết.
A. Tama
Câu chuyện của nàng – hầu như chúng ta chẳng biết gì hết – được thấy có ở Sáng thế ký 38. Tama là con dâu của Giuđa, ông là con trai của Giacốp, cháu nội của Ápraham. Mọi sự bạn cần phải biết, ấy là Giuđa có con trai tên là Êrơ, là người đã cưới một phụ nữ dân Ngoại tên là . . . Tama. Êrơ chết đi và Ônan em người chổi dậy làm bổn phận của anh mình bằng cách cưới Tama làm vợ. Nhưng ông cũng qua đời, để Tama lại không chồng không con – một loại rủa sả gấp bằng hai vào thời buổi ấy. Vì vậy, vì nàng không kiên nhẫn và không bằng lòng chờ đợi Đức Chúa Trời tiếp trợ cho nhu cần của nàng, nàng đã vạch ra một kế sách để khiến cha chồng của nàng phải ngủ với nàng. Kế hoạch của nàng rất đơn giản: Ăn mặc giống như một kỵ nữ, nàng đã dụ Giuđa vào việc ăn nằm với nàng, nhờ đó nàng có thai và sanh đôi hai đứa con trai: -- Phêrết và Xêrách. Khi nàng đối mặt với Giuđa bằng sự thực, ông nói (đúng): "Nàng công bình hơn ta". Quả thật, chẳng có ai thấy tốt lành gì trong câu chuyện nầy, nào là mùi hôi thối của sự tham lam, lừa đảo, không chính đáng, điếm đàng, tư dục, và thậm chí loạn luân nữa. Bất cứ điều chi bạn có thể nói về Giuđa (và điều đó chẳng tốt lành gì hết), bạn không thể bằng cách kéo dài sự tưởng tượng mà làm cho Tama trông tốt đẹp được đâu. Nàng còn tồi tệ hơn cả cha chồng của nàng nữa là. Nhưng những việc nàng đã làm là gian ác, sai trái và phi đạo đức. Nàng thực sự đã hành động giống như một kỵ nữ dù nàng không phải là người bán dâm. Đấy là mọi sự chúng ta biết về Tama. Thực sự chẳng có một kết cuộc phước hạnh nào trong câu chuyện nầy. Nàng chỉ là lời chú thích ở cuối trang trong lịch sử của Kinh thánh – và là một lời chú thích nhạt nhẽo ở đó. Câu chuyện nói tới sự nàng gặp gỡ với Giuđa là một câu chuyện nói tới tình trạng mong manh và yếu đuối của con người – về tình trạng tội lỗi của xác thịt con người. Hạng người thể ấy giống như Giuđa và Tama sẽ được gộp vào dòng dõi của Đấng Mêsi gửi một sứ điệp mạnh mẽ nói tới ân điển thanh sạch của Đức Chúa Trời. Một người cũng không xứng đáng với ân điển ấy, huống chi có hai người trên danh sách ấy.
B. Raháp
Giờ đây chúng ta chuyển qua người đàn bà thứ hai có tên trên danh sách – ấy là Raháp. Phần lớn trong chúng ta đều biết nhiều về nàng. Thực vậy, gần như nàng luôn luôn được nhắc tới bằng một cụm từ nhất định trong Kinh thánh, một cụm từ mà hầu hết chúng ta đều biết nằm lòng: kỵ nữ Raháp. Nhưng không chỉ có bấy nhiêu đó đâu. Raháp cũng là một người Canaan – họ là kẻ thù cay đắng của dân Israel. Việc làm mẫu mực nhất của nàng là đưa ra một lời nói dối. Hãy suy nghĩ về sự ấy xem. Một kỵ nữ, một người Canaan và một kẻ nói dối. Bạn sẽ không nghĩ nàng sẽ có nhiều cơ hội để được đưa vào trong danh sách, nhưng nàng có mặt ở đó.
Câu chuyện của nàng được gắn với câu chuyện chinh phục rộng lớn hơn của Giôsuê về thành Giêricô có tường bao quanh. Khi Giôsuê sai các thám tử vào trong thành phố, Raháp đã giấu họ trong nhà của nàng. Trong sự trao đổi để đi an toàn ra khỏi thành phố, họ hứa buông tha cho nàng và nhà nàng khi cuộc vây hãm diễn ra. Mọi sự nàng cần phải làm là treo sợi chỉ màu đỏ điều từ cánh cửa sổ để dân Israel có thể nhận ra nhà của nàng. Nàng đã đồng ý, đã che giấu các thám tử, và khi vua của thành Giêricô sai các sứ giả đến đòi nàng phải giao các thám tử, nàng đã nói dối rằng họ đã rời khỏi thành phố rồi (họ đang ẩn trốn trên mái nhà). Nàng thòng họ xuống cửa sổ bằng một sợi dây, nhờ đó họ mới trở về cùng Giôsuê.
Đây là một câu chuyện hay với nhiều bài học, nhưng chúng ta đừng quên chỗ Raháp là một kỵ nữ. Đấy là "nghề" của nàng. Hai người ẩn náu ở đó là vì người ta theo thói quen nhìn thấy nhiều khách lạ đến rồi đi trong suốt cả đêm. Chúng ta cũng không thể bác bỏ sự thực Raháp đã thốt ra một lời nói dối thật trơ trẻn. Có điều chi tốt chúng ta có thể nói về nàng không? Có đấy! Nàng là một phụ nữ có đức tin. Bạn không phải mượn lời của tôi về sự ấy. Hêbơrơ 11:31 chép: "Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp …". Nàng là một người có lòng tin! Và lời nói dối của nàng bị tác động bởi đức tin của nàng!
Khi cuộc vây hãm thành đã đến, nàng đã được buông tha và theo dòng thời gian đã trở thành tổ mẫu của Vua David. Một kỵ nữ . . . một người Canaan . . . và là một kẻ nói dối. Cũng là một phụ nữ có đức tin. Nàng đã lập danh sách và nàng là một phần trong cây gia đình của Chúa Jêsus.
C. Rutơ
Điểm quan trọng nhất về Rutơ, nàng cũng không phải là một người Do thái. Thực ra nàng xuất thân từ xứ Môáp. Và điều đó đưa chúng ta trở lại với Sáng thế ký 19 và sự hủy diệt thành Sôđôm và Gômôrơ. Vào cái ngày đáng sợ đó, Lót đã trốn ra khỏi thành Sôđôm cùng với vợ và hai cô con gái. Vợ ông đã biến thành một tượng muối, còn Lót và hai cô con gái tìm nơi nương náu trong một cái hang. Hai cô con gái của ông hiển nhiên đã bị tác động xấu xa bởi thời của họ trong thành Sôđôm vì họ âm mưu lừa cha mình vào việc ngủ với họ. Qua nhiều đêm liên tiếp, họ đã phục cho Lót thật say rồi ngủ với ông. Cả hai chị em đều có thai và sanh hai người con trai – một tên là Môáp, còn người kia tên là Ammôn. Hai người con trai nầy – sanh ra trong loạn luân – đã lớn lên để lập ra các quốc gia chắc chắn sẽ rất là gian ác cũng như là kẻ thù cay đắng của dân Israel. Người Do thái thù ghét dân Môáp và dân Ammôn và chẳng muốn làm một việc gì với họ cả.
Quyển sách mang tên của nàng thuật lại mối tình lãng mạn trổ hoa giữa Rutơ người Môáp và Bôô người Israel. Họ là một đôi không chắc là sẽ được, song trong sự tể trị của Đức Chúa Trời họ được kết lại với nhau trong hôn nhân. Họ có một người con trai tên là Ôbết, là người có một con trai tên là Giesê, ông nầy có con trai tên là David, khiến cho Rutơ trở thành tổ mẫu của David. Và đấy là cách một người từ quốc gia thù hận Môáp đã bước vào gia phổ của Đấng Mêsi.
D. Bátsêba
Người đàn bà sau cùng không được nhắc tới đích danh. Tuy nhiên, bà được nhận dạng rõ ràng là người nữ: "là vợ của Uri". Câu chuyện nói tới sự tà dâm của Bátsêba với Vua David ai cũng biết không cần nhắc lại ở đây. Cái điều phải nói, ấy là sự tà dâm chỉ mới là khởi đầu mà thôi. Trước khi sự việc diễn ra, thì chỉ có nói dối, một sự che đậy kiểu hoàng gia, và rồi là giết người. Kết quả là, đứa con mang thai trong đêm đó đã ngã chết sau khi ra đời và gia đình David, đế quốc của ông đã bắt đầu sụp đổ.
Hiển nhiên là David đã cưới Bátsêba và họ có một đứa con trai khác – là Salômôn, người khôn ngoan nhứt đã từng sống. Một kết quả hoàn toàn cho một sự phối hiệp bắt đầu bằng sự tà dâm. Có sự bẩn thỉu trong khắp cả câu chuyện nầy. Nhưng đừng quên điểm chính: Bátsêba đã lập danh sách. Tên tuổi của nàng không có ở đó, nhưng nàng đã được nhắc tới.
Bốn người đàn bà bất xứng
Trước khi tiếp tục, chúng ta hãy suy nghĩ về bốn người nữ nầy trong một phút xem:
Tama: Loạn luân, phi đạo đức, giả dạng làm kỵ nữ, là dân Ngoại.
Raháp: Kỵ nữ, nói dối, lừa đảo, một người Canaan.
Rutơ: Một người xuất thân từ Môáp – một dân sanh ra từ chỗ loạn luân.
Bátsêba: Tà dâm
Bốn người nữ bất xứng:
Họ là dân Ngoại.
Họ dính dáng vào một hình thức phi đạo đức nào đó về mặt tình dục.
Hai người có quan hệ tới nghề kỵ nữ.
Một người phạm tội tà dâm.
Tất cả bốn người đều có mặt trong dòng dõi dẫn tới Đức Chúa Jêsus Christ!
Tại sao Đức Chúa Trời kể những phụ nữ như thế vào trong danh sách nầy? Nhưng không chỉ là những người phụ nữ thôi. Hãy suy nghĩ đến Ápraham, Ysác, Giacốp và David xem. Họ cũng là hạng tội nhân nữa kìa. Tại sao phải kể đến hạng người như thế chứ?
Một sứ điệp cho việc tự xưng công bình
Tôi nghĩ có ba câu trả lời cho câu hỏi ấy:
1. Ngài đã kể như thế để gửi một sứ điệp cho hạng người tự xưng công bình.
Sách Mathiơ được viết ra đặc biệt cho người Do thái. Phần nhiều người trong cấp lãnh đạo của họ (đặc biệt là người dòng Pharisi) đều là hạng người tự xưng công bình và hay xét đoán người khác. Thực sự họ tưởng họ xứng đáng với sự sống đời đời. Đúng là một cú sốc khi đọc bảng gia phổ nầy vì nó đầy dẫy với những kẻ dối trá, giết người, trộm cắp, tà dâm và kỵ nữ. Không phải là một bức tranh xinh đẹp. Không phải là một cây gia đình "trong sạch". Danh sách nầy là một lời quở trách gây nhức nhối cho loại người tự xưng công bình hay xét đoán kia.
Có phải bạn biết nói như thế là có nghĩa gì rồi, phải không? Chúa Jêsus chào đời trong một gia đình tội lỗi. Ngài đã đến từ một dãy dài những tội nhân.
2. Ngài đã kể như thế hầu cho ân điển của Đức Chúa Trời có thể tỏ ra cách dư dật.
Nếu bạn xuất thân từ một gia đình đại loại như thế nầy, bạn không thể khoe khoang chính xác về cơ nghiệp của mình được. Chắc chắn, các tổ phụ của bạn đều là bậc vua chúa, song họ cũng là hạng tội nhân trầm trọng lắm.
Thắc mắc: Một kỵ nữ có thể lên thiên đàng được không? Được hay không? Một kẻ tà dâm có thể lên thiên đàng được không? Một kẻ giết người có thể lên thiên đàng được không? Một kẻ dối trá có thể lên thiên đàng được không? Bạn sẽ nói “được”, vì Raháp và David cả hai đều đang sống ở thiên đàng – và Raháp là một kỵ nữ, một kẻ nói dối và David là một kẻ tà dâm và giết người.
Khi bạn đọc câu chuyện nói tới bốn người đàn bà nầy – và nói tới những người đàn ông trong bảng danh sách – bạn không nên nhắm vào tội lỗi, mà nên nhắm vào ân điển của Đức Chúa Trời thì hơn. Vị anh hùng của câu chuyện nầy là Đức Chúa Trời. Ân điển của Ngài soi tỏa qua chốn tăm tối nhất của tội lỗi con người khi Ngài chọn hạng người nam người nữ chẳng có gì hoàn hảo rồi đặt họ vào trong cây gia đình của Chúa Jêsus.
3. Ngài đã kể như thế hầu cho chúng ta sẽ nhắm vào Đức Chúa Jêsus Christ.
Có nhiều người bị dọa dẫm bởi Đức Chúa Jêsus Christ. Họ đã treo Ngài lên với các thiết bị tôn giáo – nơi thánh to lớn, tấm kính nhơ nhuốc, ca đoàn xinh đẹp, các loại ống sáo, những lời cầu nguyện hình thức, và tất cả những gì còn lại. Khi họ nhìn vào những bộ lễ phục, mọi sự dường như là dọa dẫm đối với họ. Đối với nhiều người trong thế gian ngày nay, Chúa Jêsus dường như tốt quá không thể là thành thực cho được.
Ngài có một lai lịch cũng nhiều thứ giống như lai lịch của bạn và của tôi vậy. Ngài tự gọi mình là "thiết hữu của tội nhân", và Ngài phán Ngài không đến để gọi người công bình, mà gọi kẻ có tội ăn năn. Ngài phán : "Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất" (Luca 19:10).
Nhà cửa cho ngày lễ
Trời đang ở mùa Giáng Sinh, và nhiều người trong chúng ta sẽ về nhà để qua thời gian với gia đình của chúng ta. Một số người trong các bạn không cảm thấy quá sốt sắng về sự ấy. Thay vì thế, bạn sẽ không về nhà trong năm nay, nhưng bạn phải về thôi. Có thể các thành viên trong gia đình làm cho bạn phải bối rối. Một số người trong các bạn sẽ phải sử dụng thời gian với hạng người gây tổn thương cho bạn thật sâu sắc trong quá khứ. Những người làm cha làm mẹ, anh chị em, cô bác cậu dì và ông bà cùng những người bà con xa. Một số người trong họ bạn sẽ vui sướng khi gặp gỡ. Còn những người kia? Một số người trong họ thay vì thế bạn sẽ không bao giờ gặp lại nữa đâu.
Một số trong họ là loạn luân. Có người thì tà dâm. Có người nói dối. Có kẻ thì giết người. Có người đầy dẫy với giận dữ và cay đắng. Có người thì độc ác trong những phương thức thật kỳ cục. Và bạn ao ước bạn sẽ không phải làm những chuyện mà bạn đã làm – về nhà và đối mặt với các thành viên trong gia đình trong mùa lễ Giáng Sinh.
Chúa Jêsus hiểu rõ cách mà bạn đang cảm nhận. Ngài đã đến từ một gia đình chẳng có tiếng tăm chi hết. Cây gia đình của Ngài được trang hoàng với hạng tội nhân có tiếng. Ngài biết rõ có người thân làm cho bạn phải đau buồn có ý nghĩa như thế nào rồi! Ngài biết hết mọi sự về tình huống gia đình khác thường rồi.
Những tin tức tốt lành từ cây gia đình của Chúa Jêsus
Quan điểm sau cùng của tôi sẽ khích lệ bạn nhiều đấy: Bất luận quá khứ của bạn có là gì đi nữa, Chúa Jêsus có thể cứu bạn đấy.
Bất cứ một kẻ giết người nào đọc thấy mấy lời nầy? Bất kỳ kỵ nữ nào? Bất kỳ kẻ tà dâm nào? Bất cứ kẻ nói dối nào? Bất kỳ kẻ lừa đảo nào? Dù là hạng người hay giận dữ? Bất cứ tên trộm cướp nào? Bất kỳ kẻ giả hình nào?
Những Tin Tức Tốt Lành! Bất luận những gì bạn đã làm trong quá khứ, Chúa Jêsus có thể cứu lấy bạn. Nếu một kỵ nữ có thể được cứu, bạn có thể được cứu. Nếu một tên giết người có thể được biến đổi, bạn có thể được biến đổi. Nếu một người loạn luân có thể được cứu, thế thì có hy vọng cho bạn đấy.
Bất luận quá khứ của bạn trông giống với điều gì, hay hiện tại của bạn có như thế nào đi nữa, bất luận bạn đang ở đâu hay bạn đã làm gì, Đức Chúa Trời có thể ban cho bạn một khởi đầu mới.
Hy vọng cho người tổn thương
Sau khi tôi đã giảng bài nầy trong một buổi thờ phượng trước đây, có một người đang nếm trải một cuộc ly dị thật khó khăn đã nói mấy lời nầy với tôi: "Tôi vui sướng khi biết có ai đó đến từ một gia đình đã tan vỡ". Ông ấy đã đúng. Có nhiều điều khác thường trong cây gia đình của Chúa Jêsus. Có nhiều sự tan vỡ và nhiều đau đớn lắm.
Ngài biết rõ bạn đang nếm trải điều gì trong năm nay vào mùa lễ Giáng Sinh.
Tôi hy vọng bạn sẽ không bỏ qua Mathiơ 1 trong việc đọc Kinh thánh. Danh sách bất thường nầy về những con người không bình thường có thể là chương quan trọng nhất nói tới ân điển của Đức Chúa Trời trong cả Kinh thánh. Trong những cái tên bị lãng quên nầy từ quá khứ, Đức Chúa Trời đã xoay ngọn đèn ân điển thánh của Ngài chiếu trên những người nam người nữ sa ngã, và qua đời sống của họ, chúng ta nhìn thấy mọi điều mà ân điển của Đức Chúa Trời có thể thực hiện.
Những tin tức tốt lành! Đức Chúa Jêsus Christ đã đến thế gian để cứu lấy hạng tội nhân. Những tin tức tốt lành! Hãy kêu cầu danh Chúa Jêsus, Ngài đã đến đặng cứu dân Ngài ra khỏi tội lỗi của họ. Ngài không đến để biến bạn ra hạng người tôn giáo, Ngài đã đến để cứu bạn ra khỏi tội lỗi của bạn. Ngài không đến để biến bạn thành hạng người kỉnh kiền, Ngài đã đến để cứu bạn ra khỏi tội lỗi của bạn. Ngài không đến vì sự cải tổ đạo đức, Ngài đã đến để ban cho ơn cứu rỗi đời đời.
Sự việc dường như thật kỳ lạ, bạn càng tệ hại dường nào, bạn lại càng là ứng viên tốt hơn cho ân điển của Đức Chúa Trời. Ngài đã đến để làm cho bạn những gì bạn không thể làm được cho chính mình. Ngài đã đến để cứu bạn ra khỏi tội lỗi của bạn.
Cũng chính ân điển ấy mà Raháp đã kinh nghiệm điều sẵn có hiện nay cho bạn. Tôi mời bạn trong danh Chúa Jêsus hãy đến nhận và được tha thứ. Ngài đã thực hiện động tác thứ nhứt rồi. Bước kế tiếp là dành cho bạn đấy!

HÀNH TRÌNH ĐẾN BẾTLÊHEM



HÀNH TRÌNH ĐẾN BẾTLÊHEM
Trong mấy năm qua, chương trình phát thanh Moody ở Chicago đã yêu cầu tôi phải làm một loạt “hình ảnh bằng lời” mô tả các biến cố xoay quanh sự ra đời của Chúa Jêsus. Nancy Turner, chủ trì chương trình: “Đây là Ngày của WMBI-FM”, giới thiệu tôi và rồi để cho tôi thuật lại câu chuyện trong vài phân đoạn ngắn có kèm theo phần nhạc đệm Giáng Sinh. Bạn có thể nghe trên mạng với phiên bản 2010 của chương trình.
Tôi luôn thấy việc nghĩ lại một số biến cố quan trọng xoay quanh sự ra đời của Đấng Christ là một sự thách thức đầy thú vị. Những gì nối theo sau không phải là trọn vẹn đâu, dù là cách thế nào! Tôi không nói tới điều gì về mấy gã chăn chiên hay mấy thầy bác sĩ, mặc dù cả hai nhóm đã đóng các vai trò cụ thể trong truyện tích Giáng Sinh. Kể đến họ sẽ khiến cuộc “hành trình” dài lắm trên đài phát thanh. Thay vì thế, tôi đã chọn nhắm vào Giôsép và Mary cùng bản thân sự ra đời ấy.
Tôi hy vọng việc kể lại với tính cách sáng tạo như thế nầy sẽ làm cho tấm lòng của bạn thấy vui vẻ khi chúng ta sửa soạn kỷ niệm sự ra đời của Chúa chúng ta.
Phần 1: Chúc Mừng Giáng Sinh, Caesar Augustus
Truyện tích Giáng Sinh theo truyền thống từ sách Luca bắt đầu theo cách nầy: “Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ” (Luca 2:1). Phần lớn chúng ta đều đọc mấy lời ấy mà chẳng dành cho chúng một suy nghĩ phụ nào cả.
Hiển nhiên, Caesar Augustus là Hoàng đế quan trọng nhất trong các Hoàng đế của Lamã, thậm chí còn quan trọng hơn cả ông bác của ông ta là Julius Caesar nữa. Cần phải nói rằng khi ông ta đến Rome, thành phố nầy chỉ là một thành xây bằng gạch thôi, và khi ông ta rời đi thì thành ấy là một thành dựng bằng cẩm thạch. Caesar Augustus đã trị vì trong vai trò Hoàng đế trong 41 năm. Trong suốt thời gian ấy, ông ta đã cung ứng cho thế giới pax romana, nền hòa bình thịnh vượng theo kiểu Lamã trải khắp thế giới Địa Trung Hải.
Việc làm quan trọng nhất của ông – việc làm ấy có hiệu quả kéo dài nhất trên lịch sử thế giới – là mở ra một cuộc điều tra dân số trên cả đế quốc. Cuộc điều tra dân số sẽ tạo ra một danh sách những chủ nhân ông giàu có vì mục tiêu thâu các thứ thuế. Đây là một chiếu chỉ hoàn toàn thế tục, loại việc mà các nhà cầm quyền đã làm theo kể từ khi bắt đầu thời gian.
Nhiều sử gia thuật lại cho chúng ta biết ấy chẳng phải cả đế quốc sắp sửa chiêu binh vào thời điểm đó. Sau khi có một hệ thống truyền tin chậm chạp vào thời buổi ấy, cần phải mất mấy năm trời cho cuộc điều tra dân số được hoàn tất trong một vài tỉnh xa xôi hẻo lánh. Một lá thăm sẽ nương vào sự bằng lòng của những nhà cai trị địa phương khi họ muốn cộng tác.
Khi thời điểm đến để thực hiện cuộc điều tra dân số tại xứ Israel, vấn đề khả thi ấy là một sự thỏa hiệp đã được thực hiện để phù hợp với thông tục của người Do thái. Người Lamã đã chiêu nạp những người ở nơi họ đang sinh sống, nhưng tin tức tính đến những dòng họ tùy theo quê quán của tổ phụ họ nữa. Điều đó giải thích lý do tại sao Giôsép và Mary phải trở về thành Bếtlêhem vào thời điểm bất tiện nhất – vào tháng thứ chín mang thai của Mary.
Điều nầy là chắc chắn lắm. Caesar Augustus không hề gặp Giôsép hay Mary, và ông ta không hề biết một con trẻ Do thái chào đời tại một ngôi làng ở ngoài thành Jerusalem. Khi Augustus qua đời, họ đã than khóc giống như thể một vị thần đã ngã chết vậy. Họ biết rất ít về sự ông ta mở ra cuộc điều tra dân số đã được Đức Chúa Trời đại dụng để đem Con của Ngài đến với đất.
Vì vậy, Merry Christmas, Caesar Augustus. Ông đã đóng một vai mà ông không hề biết rõ và đã lót đường cho sự ra đời của một Vì Vua.
Phần 2: Sự lựa chọn của Mary
Khi câu chuyện mở ra, Mary đã được “hứa gã” cho Giôsép. Nói như thế có nghĩa là theo hình thức nàng đã đồng ý lấy ông làm chồng, nhưng “đám cưới” chưa diễn ra đấy thôi. Sự “hứa gã” và “tiệc cưới” thường cách nhau từ sáu tháng đến một năm. Trong suốt thời gian ấy, hai người không sống chung với nhau và không qua đêm tân hôn về phần thuộc thể. Theo thông tục thời buổi đó, Mary sẽ sống với bố mẹ mình và Giôsép sống với bố mẹ của ông. Sau tiệc cưới công khai, Mary và Giôsép sẽ chung sống với nhau như vợ chồng.
Mọi sự ở Luca 1-2 xảy ra ngược lại với thông tục hiện có. Mary đang ở độ tuổi thanh thiếu niên sống chung với bố mẹ mình, đang trông đợi với sự tán thưởng hạnh phúc ngày đám cưới của mình.
Chính ngay thời điểm nầy thì Đức Chúa Trời xen vào. Ngài sắp sửa yêu cầu một thanh nữ dự phần vào một việc gây sốc thật hoàn toàn khó mà tin được. Những điều Đức Chúa Trời yêu cầu Mary phải làm sẽ thay đổi đời sống của nàng cho đến đời đời.
Những giấc mơ hạnh phúc kia về một đám cưới xinh đẹp đã qua mất đi; những tháng ngày trông đợi ngọt ngào không còn nữa; những chương trình được suy tính cẩn thận cho tiệc cưới đã qua rồi; mọi hy vọng về “đám cưới xinh đẹp nhất cho người đàn ông tuyệt vời nhất từng sống” không còn nữa; mọi hy vọng thời con gái của nàng về một cuộc sống êm ái trong ngôi nhà mà nàng sẽ tự mình lo trang trí đã qua đi rồi.
Nàng sẽ kết hôn, nhưng không được trước khi nhiều tiếng đồn lan ra khắp cả xứ. Sẽ có một tiệc cưới, song không phải theo cách nàng dự tính. Nàng sẽ có một ngôi nhà và con cái, song gia đình nàng sẽ còn lại với một đám mây nghi ngờ dày đặc.
Sự ấy sẽ xảy ra, song không phải theo cách nàng trông mong.
Trong lịch sử của Hội thánh, Mary thường được phác họa như một loại nhân vật ảo huyền, ở một thế giới rất khác kìa. Nếu bạn nhìn vào một số tranh ảnh nói tới Mary, chúng cho thấy cho cái nhìn của nàng thật thanh thản và sung sướng đến nỗi bạn gần như quên nàng là một con người thật vậy. Đấy là một sự xấu hổ vì Luca nói rõ rằng nàng là một con người thật, với những mối hồ nghi rất thực, những thắc mắc rất thực và có đức tin cũng rất thực. Không một chỗ nào điều nầy được thấy rõ ràng hơn ở Luca 1:38.
Mary đáp: “Tôi đây là tôi tớ Chúa. Nguyện sự ấy xảy ra như lời người truyền”. Thế rồi thiên sứ lìa khỏi nàng.
Đây là một trong những câu nói long trọng nhất chỉ về đức tin trong cả Kinh thánh. Có lẽ vấn đề đã xảy ra giống như việc nầy. Trời vào lúc giữa trưa và mẹ của bạn bảo bạn ra giếng lấy một ít nước. Trên đường ra tới giếng, bạn gặp một người ăn mặc giống như thiên sứ Gápriên. Ngài nói cho bạn biết, mặc dù bạn là một nữ đồng trinh, bạn sẽ chịu thai rồi sanh một đứa con, đứa con ấy sẽ trở thành Con của Đức Chúa Trời. Khi bạn thắc mắc làm sao có được sự ấy, thiên sứ phán: “Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình” (Luca 1:35).
Bạn nói gì về việc ấy?
Mary đã đáp “vâng”. “Vâng” với Đức Chúa Trời, “vâng” với điều khó tin, “vâng” với chương trình của Đức Chúa Trời.
Có phải trái tim nàng nhảy một nhịp đập khi nàng đáp “vâng” không? Nàng đứng đó, mái đầu xanh nghiêng nghiêng, hai bàn tay run rẩy, đôi mắt mở tròn xoe, bồn chồn, miệng há hốc ra, thắc mắc song không sợ hãi, lấy làm lạ nhưng chẳng kinh khủng, không có gì bảo đảm nhưng không phải là không dám chắc. Khi thiên sứ phán: “Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được" (Luca 1:37), Mary hít một hơi thật dài rồi đáp: “xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!"
Với lời lẽ ấy, lễ Giáng Sinh đã đến với trần gian.
Phần 3: Mary tin điều khó tin
Chúng ta không đánh giá thấp mọi giá phải trả khi Mary đáp “vâng” với Đức Chúa Trời. Từ thời điểm ấy trở đi, nàng đối mặt với sự ngờ vực của bạn bè mình (“Ôi Mary, làm sao cô mong chúng tôi tin một việc kỳ cục như thế cho được?”), sự đồn đại của người hàng xóm, rồi những tiếng thầm thì về sự lang chạ đã kéo dài những 2.000 năm.
Mary biết rõ – hay không lâu sau đó sẽ nhận ra – rằng nói “vâng” với Đức Chúa Trời có nghĩa là bị hiểu lầm và xấu hổ công khai. Tiếng tăm thanh sạch của nàng cùng với những giấc mơ về một đời sống êm ái, cuộc sống hạnh phúc tại thành Naxarét đã qua đi mất rồi. Trong tương lai, đời sống của nàng sẽ nhiều lần phước hạnh, song cuộc sống ấy sẽ không bao giờ là êm ái nữa.
Khi chúng ta biết đoạn kết của câu chuyện, chúng ta sẽ có khuynh hướng nhìn vào tính khả thi của sự ly dị. Nhưng Mary chớ hề biết Giôsép sẽ phản ứng ra sao trước sự mang thai của nàng. Liệu chàng có thổi bùng lên rồi tẻ tách ra khỏi nàng? Liệu chàng có sỉ nhục nàng công khai không? Chắc chắn chàng sẽ ly dị nàng quá?
Khi sự việc biến chuyển, Mary đã có từng lý do để lo lắng về Giôsép. Chàng đã không thổi bùng lên hay tìm cách làm nhục nàng, nhưng chàng đã tính đến việc ly dị nàng. Chỉ có sự can thiệp duy nhứt của thiên sứ mới giữ cho việc ấy không xảy ra mà thôi.
Việc ấy cũng nằm trong tâm trí của Mary nữa. Bằng cách đáp “vâng”, nàng đã liều mất người chồng mà nàng yêu dấu. Toàn bộ tương lai của nàng đã nằm trên tuyến đầu rồi.
Tất cả mọi việc nầy chỉ mới là khởi đầu. Mary không thể biết được tương lai đang nắm giữ những gì!?! Trước khi mọi sự qua đi, nàng sẽ kinh nghiệm chứng đau đầu, sự chống đối, vu khống, đau đớn, thất vọng và cô độc. Đến cuối cùng, nàng sẽ đối mặt với nổi đau lớn lao nhất mà một người mẹ có thể gánh chịu khi nàng nhìn thấy con mình chịu chết trên thập tự giá (Giăng 19:25).
Mary không thể biết được hết mọi sự ấy. Có lẽ nếu nàng biết được, nàng sẽ không đáp “vâng” đâu. Nhưng rõ ràng là nàng chẳng biết. Có khi chúng ta nói: “Tôi ước ao mình biết được tương lai đang nắm giữ gì cho mình”. Nhưng thực sự bạn không muốn biết đâu. Tốt hơn là chúng ta đừng biết cuộc sống sẽ đem lại gì cho chúng ta trong 10 hay 15 năm tới.
Mary không biết đủ cái giá của việc đáp “vâng” ấy. Nhưng sau khi đã đưa ra quyết định rồi, nàng không hề nhìn lại sau. Hai phương diện ấy trong cuộc sống của nàng có thể là những việc quan trọng nhất mà chúng ta có thể nói về nàng:
1. Nàng đã tin theo Đức Chúa Trời khi sự việc dường như là khó tin.
2. Nàng đã không hề nhìn lại sau.
Đức Chúa Trời phán: “Có phải ngươi bằng lòng tin điều khó tin chăng?"
Mary đã đáp: “Phải, tôi tin!"
Không có lời đáp “vâng” ấy, thì sẽ chẳng có một Lễ Giáng Sinh nào hết.
Phần 4: Một người chồng nhơn đức
Giôsép đúng là một người bị lãng quên trong dịp Lễ Giáng Sinh. Thật là tự nhiên khi hầu hết sự chú ý của chúng ta đều nhắm vào Mary khi nàng đã hạ sanh Chúa Jêsus. Không một chỗ nào trong câu chuyện nói tới sự Chúa ra đời, chúng ta có được lời lẽ nào của Giôsép đã được ghi lại. Ông xuất hiện trên sân khấu của lịch sử chỉ có mấy phút và rồi biến mất. Đây là những gì chúng ta biết về ông:
- Cha của ông là Giacốp.
- Thị trấn quê hương của ông là thành Bếtlêhem trong xứ Giuđê, nhưng ông đến sống tại thành Naxarét trong xứ Galilê. Nói như thế có nghĩa là Giôsép và Mary phải đi khoảng 80 dặm để đăng ký vào cuộc điều tra dân số.
- Ông xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc của Vua David. Bảng gia phổ ở Mathiơ 1 nói rõ điều nầy.
- Ông là một tay thợ mộc.
- Ông là một người nghèo. Chúng ta biết như thế là vì, khi ông cùng Mary đem dâng Chúa Jêsus trên Đền Thờ, họ đã mang theo hai con chim bồ câu để dâng tế lễ (Luca 2:24). Người Do thái chỉ làm thế khi họ không có nổi một chiên con.
- Ông là người tuân giữ Luật pháp.
Giôsép bao nhiêu tuổi? Chúng ta không biết chắc câu trả lời, nhưng nhiều trước giả đều đồng ý rằng có lẽ ông là một người trưởng thành và có thể ông là một thanh niên.
Giờ đây, Mary tới lúc hạ sanh. Giôsép chỉ biết chắc một việc. Ông không phải là người cha.
Lời lẽ nào mô tả một người chồng vào thời điểm như lúc nầy? Giận dữ . . . Nhầm lẫn . . . Thất bại . . . Bối rối . . . Xấu hổ . . . Cuồng nộ . . . Thất vọng.
Ông đã nói gì với nàng? Nàng đã nói gì với ông? Có phải nàng nói cho ông biết về thiên sứ Gabriel chăng? Nếu nàng nói thế, có phải bạn đổ thừa ông ấy vì không tin theo nàng chăng?
Có phải ông nói với nàng: “Mary ơi, em sao vậy? Em đã được hứa gã cho anh rồi. Chúng ta sắp sửa làm đám cưới mà. Anh sẽ xây một ngôi nhà nhỏ cho chúng ta ở thành Naxarét. Mary ơi, Mary ơi, làm sao em lại nỡ làm vậy chứ? Tại sao, Mary ơi, tại sao? Anh đã giữ mình vì em. Tại sao em không thể giữ mình vì anh chứ?”
Tôi nghĩ Giôsép đã kêu gào khó nhọc trong ngày ấy hơn là ông đã từng kêu gào trong cuộc đời của ông.
Mathiơ 1:24-25 được kỷ niệm cách sơ sài như mấy câu nói trong dịp Lễ Giáng Sinh. Chúng tỏ ra tánh tình tuyệt hảo của Giôsép:
Khi Giôsép thức giấc, ông đã làm theo những gì thiên sứ của Đức Giêhôva đã căn dặn ông là đem Mary về nhà làm vợ của mình. Song ông chẳng ăn ở với nàng cho tới chừng nàng hạ sanh một con trai. Và ông đã đặt tên cho con ấy là Jêsus.
Từng bước một, ông đã làm chứng về sự cao trọng của mình:
1. Bằng cách cưới nàng cách mau chóng, ông đã phá vỡ tục lệ của người Do thái, nhưng ông đã bảo hộ cho tiếng tăm của Mary. Nàng đã có thai và ông không phải là cha, nhưng ông đã cưới nàng cho dù là thế nào đi nữa.
2. Bằng cách giữ nàng là đồng trinh cho tới chừng Chúa Jêsus ra đời, ông đã bảo hộ phép lạ thai dựng Chúa Jêsus bởi Đức Thánh Linh, chống lại lời vu khống của những người không tin.
3. Bằng cách đặt tên cho Con Trẻ, ông đã thực thi đặc quyền của một người cha, rồi vì thế chính thức đem Ngài vào trong gia đình của ông giống như là con ruột của ông vậy.
Truyện tích trong Mathiơ 1 được thuật lại thật chính xác giống như một người sẽ thuật là câu chuyện ấy vậy. Tôi thích Giôsép. Tôi ao ước tôi sẽ gặp ông ấy. Ông ấy gây ấn tượng trên tôi như một con người thật nhơn đức.
Chúng ta càng nên chú ý nhiều vào Mary. Nhưng Giôsép cũng xứng đáng với việc làm của mình đấy. Ông là một người có đức tin, phấn đấu với những nghi ngờ, được khuyên bảo phải tin theo những gì Đức Chúa Trời đã phán dạy, và hoàn toàn hành động theo sự khuyên bảo của Ngài.
Giôsép đứng như một tấm gương mà một người tin kính phải giống như thế:
Ông thật mạnh mẽ khi ông yếu đuối.
Ông dịu dàng khi ông đáng phải thô lỗ.
Ông biết suy nghĩ khi ông hấp tấp.
Ông tin cậy khi ông có thể hồ nghi.
Có một sự minh chứng khác về loại người giống như Giôsép. Khi Chúa Jêsus lớn lên rồi bắt đầu thi hành chức vụ của Ngài, Ngài đã chọn một từ cao hơn những từ khác để mô tả Đức Chúa Trời giống với ai. Ngài đã gọi Đức Chúa Trời là Cha.
Phần 5: Trong chiếc máng cỏ
Nhiều giờ trôi qua trong chuồng chiên lạnh lùng ấy. Sau cùng, những cơn đau dường như chỉ còn là một. Giây phút chào đời đã đến. Mary kêu la, lấy hết sức lực mình, rồi ngã ngữa trên chiếc mền. Không có gì hết. Thế rồi một âm thanh nho nhỏ, một tiếng khóc, rồi tiếng kêu lớn. Đấy là một đứa con trai, một bé trai xinh đẹp, khỏe mạnh, sáng sủa.
Giôsép đã bồng con trẻ cho Mary xem thấy. Nàng nói: “Để em bồng con cho”. Và nàng đã ẳm lấy con trẻ. Nàng nằm ở đó trong một lúc. Giờ đây, giấc ngủ mà nàng đã chiến đấu trong nhiều giờ đã đến với đôi mắt của nàng, sự căng thẳng của chuyến đi dài sau cùng đã bắt kịp nàng. Hơn bất kỳ điều chi khác trên thế gian, nàng muốn ngủ một giấc. Nhưng trước khi nàng đi ngủ, nàng đã nhặt lấy một mãnh vải rách, được xé ra từ mấy cái khăn, rồi quấn con trẻ thật chặt. Thế rồi nàng tìm một chỗ để đặt con trẻ vào. Chỗ duy nhứt nàng có thể tìm được là cái máng cho súc vật ăn – được đẻo ra từ đá, xù xì, với một ít thức ăn còn đọng lại ở đáy. Như thế là đủ rồi. Nàng đã đặt con trẻ vào chiếc máng cho súc vật ăn và rồi nằm xuống mà ngủ. Hôm ấy là một ngày dài, thật dài. Khi nàng chợp mắt ngủ, nàng lấy làm lạ không biết sáng mai họ sẽ đi đâu!?!
Ông thì không ngủ được. Có quá nhiều việc để suy nghĩ. Ông quả là một người may mắn. Trước tiên ông nhìn vào vợ mình – quá mệt mõi, tuy nhiên rất xinh đẹp – và rồi nhìn vào con trẻ – chắc chắn là con trẻ xinh đẹp nhất trong thế gian.
Kỳ lạ làm sao, sao mọi sự lại kết thúc như vầy. Việc đã xảy ra y như thiên sứ đã phán sẽ xảy ra. Ông không lo về việc đặt tên cho con trẻ. Thiên sứ đã lo việc ấy rồi. “Ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mathiơ 1:21).
Thiệt là lạ lùng, sự việc xảy ra cho ông – Giôsép – chỉ là một tay thợ mộc quèn. Và với Mary – một thiếu nữ vô tư ở độ tuổi thanh thiếu niên. Ai có thể tưởng được hết mọi chuyện chứ? Emmanuên, thiên sứ phán, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Mary, là người chưa hề nhận biết Giôsép, giờ đây đã hạ sanh con đầu lòng của mình. “Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai” (Êsai 7:14).
Đấy là phương thức mà đêm Giáng Sinh đầu tiên đã xảy ra cách đây 2.000 năm. Con trẻ đang nằm ngủ, người mẹ đang nằm mộng, người cha đang suy gẫm, còn Đức Chúa Trời đang quan phòng hết mọi sự.

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Ra đời vì một mục đích



Truyện tích Giáng Sinh:
Ra đời vì một mục đích

Mục sư David E. Owen
Luca 2:1-12
Khi chúng ta nghiên cứu các biến cố cùng những chi tiết xoay quanh sự ra đời của Chúa Jêsus, chúng ta nhận ra rằng có một sự việc lớn lao được thấy có trong các yếu tố của bối cảnh ra đời của Ngài. Thí dụ, sự thực chẳng có một phòng trống nào dành cho họ ở nhà quán cho thấy rằng "Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy" (Giăng 1:11). Có lẽ còn hơn thế nữa, các biến cố xoay quanh sự ra đời của Ngài chỉ ra các phương diện liên quan đến sự chết của Ngài. Chúng ta không thể xây dựng lẽ đạo trên các hình bóng và kiểu cách được, nhưng chúng ta biết rõ Chúa Jêsus theo một ý nghĩa đích thực, như Ron Hamilton đã viết: "Ra đời để chịu chết trên đồi Gôgôtha"; và thậm chí trong sự ra đời của Ngài, chúng ta nhìn thấy cái bóng của sự chết Ngài. Cái nôi của Lễ Giáng Sinh chỉ ra thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Chúng ta hãy để ý một số việc về sự ra đời của Ngài và kế đó hãy rút tỉa một số điều tương ứng với sự chết của Ngài.
Ngay tức khắc chúng ta nhìn thấy một sự so sánh cơ bản giữa hai biến cố nầy. Vì trong Luca 2:6-7: "Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri đã đến. Người sanh con trai đầu lòng". Khi ấy chúng ta biết rằng mẹ Ngài đã hạ sanh Ngài. Nhưng chúng ta cũng biết Cha của Ngài đã phó Ngài cho đến chết, vì Kinh thánh nhắc: "Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho" (Rôma 8:32). Khi chúng ta bắt đầu . . .
I. Chúng ta hãy xem xét các địa điểm dính dáng tới sự ra đời và sự chết của Ngài.
Bếtlêhem nằm cách thành Jerusalem sáu dặm về hướng tây nam, và hai biến cố mà chúng ta đang nói tới có khoảng cách những 33 năm. Tuy nhiên, chúng ta khám phá chỗ giao thoa thú vị của tư tưởng giữa hai địa điểm nầy khi chúng ta nghiên cứu những điểm tương đồng giữa sự ra đời của Chúa Jêsus tại thành Bếtlêhem và sự chết của Ngài tại thành Jerusalem.
A. Ở cả hai nơi nầy, chúng ta nhìn thấy đoàn dân đông. Kinh thánh cho chúng ta biết "vì nhà quán không có đủ chỗ ở" (câu 7). Vì cớ thuế má hay cuộc điều tra dân số của Augustus, thành Bếtlêhem đã đầy ắp người không đủ chỗ chứa. Và trong khi sự mến khách, theo một số tác giả, là yếu tố chính trong sinh hoạt của người Do thái, nhà cửa và phòng riêng của khách hết thảy đều đầy ắp từ lâu trước khi Giôsép và Mary đến đó. Ba mươi ba năm sau sự ra đời của Ngài, Kinh thánh nhắc tới một "đoàn dân đông" ở tại thành Jerusalem (Luca 23:1), và khi ấy chúng ta được thuật cho biết khi Chúa Jêsus bị dẫn tới đồi Gôgôtha "Có đoàn dân đông lắm đi theo Đức Chúa Jêsus" (Luca 23:27). Giống như 33 năm trước một cuộc điều tra dân số đã nhóm lại một đoàn dân đông, còn giờ đây, 33 năm sau, một cuộc đóng đinh trên thập tự giá đã nhóm lại một đoàn dân đông. Chúng ta cũng phải đối chiếu "muôn vàn thiên binh với thiên sứ" muốn ngợi khen Ngài ở Luca 2:13 với đoàn dân đông thù ghét Ngài muốn "đóng đinh hắn trên thập tự giá" ở Luca 23:21.
B. Ở cả hai nơi nầy chúng ta nhìn thấy ở ngoài trại quân. Từ Hylạp nói tới "nhà quán" ở Luca 2:7 ám chỉ một loại nhà đơn sơ kiểu cách đa dạng được biết như một trạm nghỉ trên sa mạc, và những trạm nghỉ nầy sẽ hiến cho lữ khách sự bảo hộ trong bốn bức tường, một mái nhà, nước uống, một chút tiện nghi nho nhỏ. Theo Cunningham Geikie, thường thì nhà quán bao gồm những căn phòng vuông vức quanh một sân rộng. Nếu đây là trường hợp tại thành Bếtlêhem, khi ấy họ bị buộc phải ra phía ngoài khu vực vuông vức, có rào xung quanh của nhà quán để tìm chỗ sanh Chúa Jêsus. Giống như chẳng có chỗ nào để tiếp nhận Ngài khi ra đời, chẳng có một sự tha thứ nào khi “hãy đóng đinh hắn trên thập tự giá, hãy đóng đinh hắn trên thập tự giá" vậy (Luca 23:21). Và Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus "đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh" (Hêbơrơ 13:12). Giống như họ đã ra ngoài nhà quán vuông vức, có rào xung quanh để Chúa Jêsus ra đời – họ đã ra ngoài bốn bức tường của thành vì sự chết của Ngài.
C. Ở cả hai nơi nầy, chúng ta nhìn thấy những cảnh ngộ tối tăm. Thế rồi khi sự tối tăm ăn luồn vào khắp vùng đồi núi xứ Giuđê và đồng trũng vây quanh thành Bếtlêhem, Mary bắt đầu kinh nghiệm nổi đau và sự buồn rầu của việc sanh nở khi "người sanh con trai đầu lòng" (câu 7). Chúa Jêsus về sau nói tới nổi đau của sự sanh nở khi Ngài phán: "Người đàn bà, lúc sanh đẻ thì đau đớn, vì giờ mình đến rồi; song khi đứa con đã lọt lòng, người không còn nhớ sự khốn khổ nữa, mừng rằng mình đã sanh ra một người trong thế gian" (Giăng 16:21). Ngài đã nói như thế về quá trình sanh nở, vui mừng theo sau sự buồn rầu. Và sự ra đời đặc biệt của Ngài đã đem lại sự vui mừng, không những cho một người phụ nữ, mà còn phước hạnh cho cả một thế giới. Tương tự thế, vào thời điểm sự chết của Chúa Jêsus tại thành Jerusalem, Kinh thánh chép rằng "khắp đất đều tối tăm mù mịt" (Mác 15:33). Và "Đức Chúa Jêsus, …là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời" (Hêbơrơ 12:2). Ngài biết rõ trong quá trình sự chết của Ngài trên thập tự giá, vui mừng sẽ theo sau sự buồn rầu.
II. Chúng ta hãy xem xét các nhân vật dính dáng vào sự ra đời và trong sự chết của Ngài
Khi đọc về sự ra đời và về sự thương khó của Đấng Christ thì phải quen thuộc với một số nhân vật. Sự đa dạng rõ ràng về phái tính không phải là một giới hạn, vì trong cả hai biến cố kỳ diệu nầy, chúng ta thấy có sự dính dáng của cả nhiều người nam người nữ. Sự đa dạng bầu không khí của vũ trụ không phải là một vấn đề, vì chúng ta thấy có những hữu thể con người và thiên sứ trong đó.
A. Những người có quan hệ mật thiết trong các biến cố nầy. Sau khi Ngài ra đời, hai người có mặt ở gần – một người nam tên là Giôsép và một người nữ tên là Mary. Có lẽ chính Giôsép đã "lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ" (Luca 2:7) khi Mary nhìn theo. Tương tự, sau khi Ngài qua đời, ba người có mặt ở gần – một người tên là Giôsép và hai phụ nữ có tên là Mary. Mác cho chúng ta biết Giôsép người Arimathê "đã mua vải liệm, cất xác Đức Chúa Jêsus xuống khỏi cây thập tự, dùng vải liệm vấn lấy Ngài, rồi để xác trong huyệt đã đục trong hòn đá lớn, đoạn, lăn một hòn đá chận cửa huyệt lại. Vả, Ma-ri Ma-đơ-len cùng Ma-ri mẹ Giô-sê, đều thấy chỗ táng Ngài" (Mác 15:46-47).
B. Những người có quan hệ gắn bó trong hai biến cố nầy. Lòng tôi vẫn còn rung động khi nghe nói tới những người canh, mấy gã chăn chiên, họ đã "trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên" (Luca 2:8). Mỗi người chăn chiên đều bị "dân Ê-díp-tô có tánh gớm ghê" (Sáng thế ký 46:34), song mấy gã chăn chiên đặc biệt nầy đã có đặc ân gắn bó với thiên sứ là Đấng đã loan báo sự ra đời và thăm viếng của Đấng Thánh. Nhưng trong một tư thế tương tự, chúng ta cũng nhìn thấy mấy người đàn bà, khi "ngày Sa-bát qua rồi, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê mua thuốc thơm đặng đi xức" xác Chúa Jêsus sau khi Ngài qua đời (Mác 16:1). "Đoạn, họ vào nơi mộ, thấy một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng" (Mác 16:5). Và chính ở đây, chúng ta thấy sự gắn bó của họ với thiên sứ là Đấng loan báo sự đắc thắng của Đấng đã chết giờ đây đã sống lại.
C. Những người có quan hệ mang tính yên ủi trong các biến cố nầy. Vào thời điểm theo sau sự ra đời của Chúa Jêsus, khi thiên sứ của Chúa ngắt ngang sự yên lặng và tĩnh mịch ban đêm, Kinh thánh chép rằng mấy gã chăn chiên "rất sợ hãi" (Luca 2:9). Nhưng rồi chúng ta được cho hay về những lời yên ủi của các hữu thể đời đời nầy, họ nói: "Đừng sợ chi" (Luca 2:10). Đúng là một sự yên ủi khi nhìn biết một Đấng Cứu Thế chào đời (như chúng ta đã đọc thấy ở Luca 2:11), rằng Ngài đã ra khỏi tử cung! Tương tự, trong những ngày sau cái chết của Chúa Jêsus, chúng ta lại thấy một thiên sứ đưa ra một loan báo thật yên ủi cho một số người đang có lòng hoảng sợ. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng mấy người đàn bà nầy "rất sợ hãi" khi họ nhìn thấy một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng. Nhưng Ngài phán cùng họ rằng: "Đừng sợ chi" (Mác 16:6). Nói khác đi: "Đừng sợ". Đúng là một sự yên ủi khi nhìn biết "Ngài đã sống lại rồi" (Mác 16:6), rằng Ngài đã ra khỏi mộ địa!
III. Chúng ta hãy xem xét những điểm đặc biệt có quan hệ tới sự ra đời và trong sự chết của Ngài
Tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert đã nói: "Đức Chúa Trời ở trong từng chi tiết". Tôi không tranh cãi gì về câu nói nầy. Thực vậy, khi chúng ta tiếp tục quan sát những sự so sánh đặc biệt nầy giữa sự ra đời và sự qua đời của Chúa Jêsus, tôi càng tin chắc rằng có Đấng Thiêng Liêng đang hoạch định trong tất cả các chi tiết nầy. Dường như rất rõ ràng là Con Trẻ phước hạnh ở thành Bếtlêhem đã trở thành Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Dường như càng chắc chắn thêm, là chính Jêsus nầy đã ra đời để chịu chết. Chúng ta hãy nhìn vào các khía cạnh đặc biệt tỏ ra vấn đề nầy.
A. Hãy chú ý loại áo xống trong hai tình huống nầy. Kinh thánh cho chúng ta biết ở Luca 2:7 rằng Mary "đã sanh con trai đầu lòng", và có lẽ Giôsép đã phụ giúp bằng cách bọc con trẻ "bằng khăn". Trong quyển sách của ông nói về kiểu cách và phong tục của Kinh thánh, James Freeman mô tả quá trình bọc khăn ấy. Ông viết: "Họ quấn chặt cơ thể và tay chân Ngài bằng mấy tấm vải rộng để bảo hộ tứ chi yếu đuối của con trẻ. Cô Rogers, một phụ nữ người Anh (cô đã du lịch sang xứ Palestine), mô tả dáng dấp của một đứa trẻ được quấn quanh người như sau: ‘Đứa trẻ mà tôi ẳm trên tay mình bị bó lại bằng khăn chặt đến nỗi nó hoàn toàn không cục cựa được, và trông giống như một xác ướp vậy". Với cùng tư thế ấy, sau khi Ngài qua đời rồi, Giôsép người Arimathê: "đã mua vải liệm, cất xác Đức Chúa Jêsus xuống khỏi cây thập tự, dùng vải liệm vấn lấy Ngài". Không nghi ngờ chi nữa, cơ thể đã bị quấn "đến nỗi không cực cựa được, và trông giống như một xác ướp vậy".
B. Hãy chú ý đến loại nôi đặc biệt trong hai tình huống nầy. Vào thời điểm Ngài ra đời, Chúa Jêsus được đặt trong máng cỏ. Và tôi sử dụng chữ "cũi" trong cả hai ý nghĩa của từ ngữ – cả giường của con trẻ và máng cho súc vật ăn. Chúng ta nhìn thấy Ngài được đặt trong "máng cỏ" nầy (Luca 2:7), có người cho rằng đó là một mãng đá được cắt ra hay đục ra. James Freeman cho thấy rằng các nhà khảo cổ đã khám phá ra những chiếc máng cỏ trong khu vực đã được "cắt ra khỏi đá vôi và dài khoảng ba feet, rộng mười tám inches, và có bề sâu hai feet". Giống như Ngài đã được đặt trong một miếng đá lõm sâu như thế sau khi ra đời, Ngài đã được đặt trong một hang đá lõm sâu sau khi Ngài qua đời. Vì Kinh thánh cho chúng ta biết ở trong Mác 15:46 rằng Giôsép người Arimathê "để xác trong huyệt đã đục trong hòn đá lớn". Và với mọi khả năng, phiến đá bên trong cái hang đá lõm nầy cũng có chiều dài gấp hai lần chiều rộng. Nầy bạn yêu dấu của tôi ơi, tất cả những sự so sánh nầy không thể là trùng hợp ngẫu nhiên được đâu. Tôi nhắc lại rằng sự ấy chỉ cho chúng ta thấy sự thực là Ngài ra đời để chịu chết!
C. Hãy chú ý phần tương phản đặc biệt trong hai tình huống nầy. Khi nhìn vào những so sánh giữa sự ra đời và sự qua đời của Ngài, yếu tố thực sự cảm động trong tất cả mọi sự nầy được thấy rõ ở điểm tương phản. Sau sự ra đời của Đấng Christ, thiên sứ đến phán cùng mấy gã chăn chiên đầy sợ hãi: "Đừng sợ . . . Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ” (Luca 2:10-12). Về mặt cơ bản, họ được truyền cho biết rằng nếu họ nhìn vào phiến đá lõm nhỏ bé kia, họ sẽ tìm gặp Đấng Cứu Thế. Nhưng đây là sự khác biệt then chốt và đáng chú ý. Ba ngày sau khi Đấng Christ qua đời, thiên sứ đến và nói với mấy người đàn bà có lòng sợ hãi kia: "Các ngươi đừng sợ chi cả; vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus, là Đấng bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm" (Mathiơ 28:5-6). Về mặt cơ bản, họ được truyền cho biết rằng nếu họ nhìn vào cái hang đá lõm ấy, họ sẽ không tìm gặp được Chúa. Tại sao chứ? "Vì Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán!" Thực vậy, Ngài đã ra đời để chịu chết, nhưng Ngài chịu chết để sống lại, và giờ đây Ngài hằng sống cho đến đời đời!
F. W. Farrar đã viết: "Giống như phương Đông bắt lấy màu sắc của phương Tây khi mặt trời lặn, cũng vậy, thành Bếtlêhem là khúc dạo đầu cho đồi Gôgôtha, và thậm chí cái nôi của Con Trẻ là báo động đỏ đối với thập tự giá của Đấng Cứu Chuộc". Farrar đã viết thật đặc biệt về phép cắt bì của Chúa Jêsus, nhưng khi chúng ta quan sát những sự so sánh nhiều như thế nầy, chúng ta nhận ra rằng phép ấy còn ứng dụng cho nhiều việc nữa. Khi chúng ta kỷ niệm Lễ Giáng Sinh một lần nữa trong năm nầy, nếu bạn chỉ nhìn thấy con trẻ của thành Bếtlêhem, bạn đã thiếu sót nhiều lắm. Chúa Jêsus không những là con trẻ nằm trong máng cỏ. Ngài còn là Cứu Chúa của nhân loại nữa đấy!
___________
David E. Owen Là Mục Sư của Hội thánh Baptist Piney Grove ở Acworth, GA